Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

TÁNH NGHE

Này bạn, có bao giờ bạn ngồi thật yên lặng, không chú ý bất cứ điều gì, không cố gắng tập trung tư tưởng mà ngồi với một trí não hết sức tĩnh lặng, thật sự tịch tịnh? Bấy giờ bạn mới nghe tất cả phải không? Bạn nghe những âm thanh từ xa, rồi gần và thật gần ngay bên cạnh bạn- có nghĩa là bạn nghe tất cả.

NGHE TRONG TĨNH LẶNG

Này bạn, có bao giờ bạn ngồi thật yên lặng, không chú ý bất cứ điều gì, không cố gắng tập trung tư tưởng mà ngồi với một trí não hết sức tĩnh lặng, thật sự tịch tịnh?
Bấy giờ bạn mới nghe tất cả phải không? Bạn nghe những âm thanh từ xa, rồi gần và thật gần ngay bên cạnh bạn- có nghĩa là bạn nghe tất cả.
Trí não không bị hạn chế phải nghe duy nhất một kênh nông cạn hẹp hòi nào. Nếu bạn có thể nghe như thế, nghe trong tĩnh lặng, trong tự do giải thoát, không bị căng thẳng, bạn mới thấy nội tâm thay đổi một cách kỳ diệu- một đổi thay ngoài sự mong muốn, ngoài yêu cầu của bạn và trong cuộc đổi thay đó là cái đẹp vô cùng và tuệ giác sâu thẳm

NGHE KHÔNG QUA MẠNG CHE

Bạn nghe cách nào đây? Phải chăng bạn nghe thông qua chính những dự phóng tham lam, dục vọng, sợ hãi, âu lo của mình, phải chăng bạn chỉ nghe điều bạn muốn nghe, điều làm bạn hài lòng, thỏa dạ, thấy dễ chịu, tạm thời xoa dịu khổ đau?
Nếu bạn chỉ nghe theo dục vọng của mình, rõ ràng bạn chỉ nghe theo tiếng nói của bạn, bạn chỉ nghe theo tiếng nói dục vọng của mình.
Có cách nghe nào khác chăng? Việc khám phá làm thế nào để nghe không chỉ những việc được trình bày ở đây mà là nghe tất cả – cái ồn ào của phố thị, tiếng chim hót, tiếng tàu điện, tiếng lao xao không dứt của biển cả, tiếng nói của vợ hay chồng bạn, tiếng khóc của trẻ thơ – việc đó không quan trọng sao?
Cái nghe chỉ hệ trọng khi ta không nghe qua chính những dục vọng của mình. Có thể dẹp bỏ mọi mạng che trong cái nghe để thật sự nghe không?

NGHE CÁI VƯỢT NGOÀI VÒNG NGÔN TỪ

Nghe là một nghệ thuật không dễ gì đạt được nhưng trong cái nghe có cái đẹp và trí tuệ tối thượng. Ta nghe ở nhiều độ sâu của con người ta, nhưng thường ta luôn luôn nghe với một ý niệm có sẵn hoặc nghe từ một quan điểm đặc biệt.
Ta không chịu nghe một cách đơn giản mà luôn luôn có sự can thiệp của một mạng che làm bằng tư tưởng, kết luận, định kiến… của chính mình.
Muốn nghe nội tâm, tất phải tĩnh lặng, thoát khỏi mọi trạng thái căng kéo vì muốn thu đạt, phải chú tâm trong thư giản. Chỉ có tâm thái vừa tĩnh lặng vừa cảnh giác mới có thể nghe cái vượt ngoài vòng ngôn từ.
Từ ngữ chỉ gây nhiễu thôi, từ ngữ chỉ là những phương tiện truyền đạt bên ngoài, nhưng để truyền đạt cái ngoài vòng ngôn từ thì trong cái nghe phải có tĩnh giác.
Người biết yêu thương mới biết nghe, nhưng tìm thấy người biết nghe là vô cùng hiếm hoi. Phần đông chúng ta chỉ biết theo đuổi kết quả, thực hiện mục tiêu, luôn mong muồn chiến thắng và chinh phục cho nên không lắng nghe, chỉ trong lắng nghe, ta mới nghe tiếng ca của TỪ.

NGHE KHÔNG TƯ TƯỞNG

Tôi không biết có khi nào bạn nghe tiếng chim hót không? Để nghe điều gì đòi hỏi trí não phải tĩnh lặng – không phải một sự tĩnh lặng huyền bí nào mà chỉ tĩnh lặng thế thôi.
Tôi nói với bạn một điều gì đó và để nghe tôi, bạn phải tĩnh lặng, đừng để trí não bị nhiễu loạn bởi đủ thứ ý tưởng.
Khi bạn nhìn một đóa hoa, hãy cứ nhìn, đừng gọi tên, đừng phân loại, đừng bảo nó thuộc loài nào, giống nào – làm thế là bạn không còn nhìn hoa nữa.
Vì vậy, tôi mới nói, nghe là vụ việc khó khăn bậc nhất, nghe người cộng sản, đảng viên xã hội, vị dân biểu, nhà tư bản, bất kỳ người nào, vợ bạn, con bạn, người hàng xóm, người lái xe buýt, tiếng chim – chỉ nghe một cách đơn giản thôi – chỉ khi bạn nghe mà không kèm theo ý tưởng, tư tưởng, niệm tưởng, bạn mới tiếp cận trực tiếp và có tiếp cận bạn mới hiểu điều người ấy nói là thực hay giả, đúng hay sai, bạn không cần phải thảo luận.

NGHE MANG LẠI TỰ DO

Khi bạn làm một cố gắng để nghe, liệu bạn có nghe không? Phải chăng chính cố gắng đó gây nhiễu, ngăn chặn cái nghe?
Bạn có cố gắng khi nghe điều khiến bạn vui thích không?…Bạn không tri giác cái thật, cũng như bạn không thấy cái giả, cái ảo, bao lâu trí não còn bị bấn loạn bởi cố gắng, bởi so sánh, biện minh, hay lên án…
Tự thân cái nghe là một hành động hoàn chỉnh, tự thân cái nghe là tự do giải thoát. Bạn có thực sự quan tâm đến cái nghe hay đang lo làm thay đổi sự nhiễu loạn nội tâm? Nếu bạn chịu lắng nghe – nghĩa là bạn tri giác những xung đột và mâu thuẫn của nội tâm mình mà không thúc ép chúng rập theo bất kỳ khuôn mẫu tư tưởng nào, có lẽ bấy giờ, chúng mới hoàn toàn chấm dứt.
Bạn thấy chứ, ta luôn cố sức để được là thế này, thế khác, để thành tựu một tâm thái độc đáo, đạt kinh nghiệm này và chối bỏ kinh nghiệm khác, vì thế trí não bận rộn triền miên, không bao giờ được yên để lắng nghe chính những đấu tranh và khổ đau náo loạn của mình. Hãy đơn giản thôi…, đừng cố sức trở thành cái gì cả hay nắm bắt bất cứ kinh nghiệm nào.

NGHE MÀ KHÔNG CỐ GẮNG

Bây giờ bạn đang nghe tôi, bạn đang chú tâm mà không phải cố gắng chi cả và nếu quả là có sự thật trong những điều bạn đang nghe, bạn sẽ thấy trong bạn có một đổi thay đáng kể diễn ra – một đổi thay không dự đoán được hay mong muồn được, một cuộc chuyển hóa, một cuộc cách mạng trọn vẹn trong đó chỉ duy có sự thật là độc tôn chứ không phải là những tạo tác của trí não bạn, và nếu tôi có thể đề nghị bạn: bạn hãy nghe tất cả bằng cung cách ấy, nghe không chỉ điều tôi nói mà cả của những người khác nữa, nghe tiếng chim hót, tiếng còi tàu hỏa rúc hú, tiếng xe buýt ào ào chạy qua.
Bạn sẽ thấy càng lắng nghe tất cả thì sự tĩnh lặng càng mênh mông và không bao giờ bị phá vỡ bởi tiếng động. Chỉ khi nào bạn tỏ ý kháng cự, chỉ khi nào bạn dựng rào cản ngăn chặn những điều bạn không muốn nghe – chừng đó mới có đấu, tranh xung đột.


SỐNG THIỀN 365 NGÀY
KRISHNAMURTI
Bản Dịch: Đào Hữu Nghĩa
NXB – THỜI ĐẠI

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

"Mưa ơi cứ mưa đi"


Trong Thiền có câu nói rằng: "Thức đắc bổn tâm bổn tánh chính thị tông môn đại bệnh" nghĩa là cho rằng mình đã ngộ được Phật Tánh, Tâm Không, Thực Tánh Chân Đế, v.v... thì đó chính là đại bệnh trong Thiền. Đó có thể chỉ là tưởng tri và thức tri quá mạnh mà lưu xuất ra thôi.

Một vị Alahan giác ngộ khi thấy cái cốc mình đang trú bị dột đã thốt lên một câu nói thật bình thường: "Mưa ơi cứ mưa đi", bởi vì giác ngộ thì thấy "núi vẫn là núi, sông vẫn là sông" chẳng có gì khác thường cả.
Nếu có thì chỉ là bậc giác ngộ không còn vấn đề gì để đặt ra nữa thôi.
Tất cả mọi công án đều chỉ bày cái bình thường hiển nhiên như nó đang là nhưng vì người ta tưởng chứa đựng trong đó cái gì phi thường lắm nên chẳng thể thấy ra. Có người hỏi chân lý cùng tột là gì, một thiền sư chỉ ngay ba cân mè đang trước mặt. Nghĩ nát óc cũng không tìm ra thiền ý nào, vì đơn giản nó chỉ là ba cân mè thôi mà, nào có ý gì đâu!
Không mê là thiền, không lầm là ngộ, chứ chẳng có thiền có ngộ gì cả, nếu có thiền gì khác thường là do cái "ta" ảo tưởng lừa, nếu có cái ngộ gì đặc biệt thì chỉ là hoa đốm giữa hư không. Đơn giản bởi vì đâu cũng là Chân Lý, chỉ vì không thấy nên cứ mãi kiếm tìm...
Chỉ là mưa vẫn cứ rơi
Chỉ là lá rụng tơi bời trước hiên
Chỉ là chẳng ngộ chẳng thiền
Chỉ là tâm chẳng đảo điên kiếm tìm...


http://www.trungtamhotong.org/thuvien/index.php?l_id=586


Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

BỐN GIAI ĐOẠN TIẾN HÓA đến giác ngộ giải thoát

Chúng ta sinh ra không biết từ vô thỉ nào - không thể xác định được thời gian bắt đầu, nhưng con đường tiến hoá từ bản năng đến tình cảm như súc sinh; từ tình cảm đến lý trí như con người; từ hiểu biết thiện ác đến lương thiện như chư thiên, Phạm thiên; từ lương thiện đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn như các bậc Thánh... có thể kinh qua 4 giai đoạn phát triển. Căn cơ trình độ tiến hóa của mỗi chúng sinh một khác. Vì không hiểu rõ điều này nên chúng ta thường so sánh, thấy mình hơn hay kém người khác. Nếu có thể biết mình và mọi người đang ở giai đoạn nào trên đường tiến hóa đến giác ngộ thì có lẽ chúng ta sẽ có cách ứng xử thích nghi với nhau hơn, biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau hơn là bắt chước người khác hoặc muốn người khác phải theo mình.

Giai đoạn 1: Hình thành cái ngã bản năng


Ở giai đoạn đầu của sự tiến hóa, chúng sinh sống theo bản năng. Bản năng có khuynh hướng thích hưởng lạc (cảm giác dễ chịu), tránh khổ (cảm giác khó chịu) mà bất cứ sinh vật nào cũng có giống nhau. Như con chó khi đói thì tìm thức ăn, khi nóng thì tìm chỗ mát. Cây cối cũng mọc theo bản năng nên người nhà quê chỉ cần nhìn cây tre mọc như thế nào có thể tiên đoán được năm đó hạn hán hay lũ lụt ra sao. Tuy nhiên, ở giai đoạn này các sinh vật phải sống lệ thuộc vào thiên nhiên, bị thiên nhiên chi phối, nên có thể nói bản năng rất gần gũi với qui luật thiên nhiên, hay chính bản năng là thành phần của thiên nhiên và vì vậy mà huân tập được khả năng chịu đựng để sinh tồn.
Bản năng không có nghĩa xấu như người ta tưởng. Đối với người giác ngộ thì bản năng trở thành thần thông. Cây cỏ có thể đoán được lụt lội, con mèo có thể phân biệt được thức ăn giả thịt khác với thịt thật, mặc dù mùi vị được biến chế hoàn toàn giống nhau. Thậm chí con chó có thể cảm nhận được tâm ý người lạ, người "gian" vào nhà nó sủ, còn với người ngay thì nó vẫn thản nhiên.
Bản năng là những trang bị rất hữu ích cho mỗi chúng sinh trong sự sống còn. Nhưng cũng từ môi trường phát huy bản năng tự nhiên khác nhau mà tính cá biệt cũng bắt đầu nảy sinh rồi dần dần hình thành cái ngã bản năng riêng của mỗi sinh vật. Chúng bắt đầu biết kết hợp với nhau và tranh giành lẫn nhau để sinh tồn. Cứ nhìn cánh sống bầy đàn cũng như sự hủy diệt lẫn nhau của những con thú khi tranh miếng ăn hoặc giành giới tính thì có thể biết được cái ngã bản năng hình thành như thế nào.
Con người từ nhỏ cũng phát triển bản năng theo kiểu thú vật, nhưng qua kinh nghiệm từng trải họ có thể phát huy bản năng của mình hoặc của các loài thú thành kỹ năng hay kỹ xảo để sử dụng, chẳng hạn như trong các gánh xiếc, trong võ thuật, trong các môn thể dục thể thao và trong rất nhiều lĩnh vực sinh hoạt khác. Thực ra bản năng vốn vô ngã và tự nhiên nhưng khi được triển khai trong quá trình đời sống, chúng trở thành vật sở hữu riêng của mỗi người mà hình thành cái ngã bản năng lúc nào không hay.
Cái ngã bản năng không dừng lại ở đó, các sinh vật có khuynh hướng hình thành tình cảm và lý trí, như con chó biết thương yêu và vâng lời người chủ, đó là cái ngã bản năng bắt đầu bước qua giai đoạn thứ 2 của sự phát triển.

Giai đoạn 2: Hình thành bản ngã tình cảm và lý trí

Từ cảm giác sinh học bắt đầu tiến dần lên cảm xúc tâm lý, cái ngã bản năng chuyển thành cái ngã tình cảm và lớn dần thành cái ngã đầy tham ái. Cái ngã cảm tính phân biệt cái nó thích và cái nó không thích, cái nào thích thì muốn giành lấy, không thích thì loại bỏ bằng mọi cách. Từ sự phân biệt ưa-ghét mà có sự chọn lựa và tưởng tượng bắt đầu nảy sinh. Tưởng tượng đưa đến tư tưởng rồi hình thành quan niệm. Quan niệm thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ. Cái hạnh phúc và đau khổ ban sơ ở giai đoạn 1 thì rất dễ hiểu, nhưng ở giai đoạn 2 lại trở nên phức tạp hơn nhiều. Vì bị cái ngã tình cảm xen vào nên "khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo". Cái lạc và cái khổ không còn thuần tuý như lúc ban đầu nữa mà đã bị méo mó đi, ngày càng mang nhiều chất chủ quan của từng cá tính.
Sai lầm của cái ngã cảm tính là tham ái. Tham ái dẫn đến sự xuất hiện sai lầm của cái ngã lý tính là tà kiến. Vậy trong giai đoạn 2 xuất hiện cái ngã vừa tà kiến vừa tham ái. Trong quá trình tự khẳng định mình, tà kiến muốn thu thập thật nhiều kiến thức gọi là sở tri, còn tham ái muốn giữ lại mãi những gì nó thích, gọi là sở đắc. Bấy giờ cái ngã này bắt đầu muốn tự hoàn thiện chính mình. Sự phát triển cao nhất của giai đoạn này được gọi là ý đồ Tiểu Ngã muốn trở thành Đại Ngã. Đó là mục đích tối hậu của các tôn giáo trước thời Đức Phật, tiêu biểu nhất là Bà-la-môn giáo.
Theo quan niệm này thì trở thành Đại Ngã là đạt được hạnh phúc tối cao, hoàn toàn thanh tịnh, trường tồn bất biến, tức là đạt được lý tường thường-lạc-ngã-tịnh. Quá trình phát triển từ Tiểu Ngã để trở thành Đại Ngã vẫn đi qua 2 con đường là sở tri và sở đắc của cái ngã tà kiến và tham ái. Vì vậy dù có trở thành cái ngã lý tưởng vĩ đại như thế nào thì bản chất của nó vẫn là vô minh ái dục mà thôi.
Tuy mang danh hiệu là tu theo Phật giáo nhưng một số hành giả vẫn chỉ đủ trình độ để đi theo phương hướng tu hành kiểu Tiểu Ngã trở thành Đại Ngã, chẳng khác Bà-la-môn, khi nỗ lực hành trì để đạt đến những sở đắc lý tưởng như được thường tồn, chân ngã ở cõi giới tịnh lạc làm mục tiêu tối hậu. Vì bản ngã luôn muốn hoàn thiện chính mình bằng cách rèn luyện và tích lũy thật nhiều kiến thức cho sở tri để trở thành bậc trí giả tinh thông kim cổ và thật nhiều năng lực cho sở đắc để trở thành người hoàn hảo có thiền định thâm sâu, thần thông quảng đại.
Ngờ đâu, trình độ giác ngộ càng tầm thường thì càng ước mơ lý tưởng phi thường. Ngược lại, trình độ giác ngộ càng tinh thâm lại càng thấy sự kỳ diệu ngay trong đời sống bình thường, như đi đứng ngồi nằm, ăn cơm, uống nước v.v… đều là chân lý nhiệm mầu, siêu việt. Cái phi thường ở ngay trong những sự vật có vẻ rất bình thường, cái hoàn hảo hàm ẩn trong những sự kiện dường như bất toàn giữa cuộc sống đời thường.
Sau khi Đức Phật giác ngộ Sự Thật, Ngài bắt đầu chỉ cho những người đủ duyên thấy ra Sự Thật ấy để không còn sống trong tà kiến, tham ái và phiền não, khổ đau nữa. Đó là thời kỳ sống đạo, chưa hình thành tôn giáo có tổ chức như sau khi đức Phật viên tịch, nên có thể gọi đó là thời kỳ Đạo Phật uyên nguyên. Đạo ở đây là chân lý, Phật là giác ngộ, nghĩa là Đạo lý của người giác ngộ Sự Thật. Đạo lý đó đơn giản chính là sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
Ba tháng sau khi đức Phật viên tịch, Kinh Luật Phật dạy lần đầu tiên được kết tập, từ đó Tứ Chúng y cứ vào lời dạy của đức Phật để hành trì, và cũng từ đó Đạo Phật trở thành tôn giáo có tổ chức được gọi là Phật giáo Nguyên Thủy vì trong buổi ban đầu này còn có các bậc Thánh truyền thừa Sự Thật được thực chứng nên vẫn còn là thời kỳ chánh pháp. Nhưng về sau vì không còn đức Phật và có quá ít các bậc Thánh trực tiếp chỉ thẳng Sự Thật, nên phần lớn đại chúng tin theo sự chỉ dẫn của các vị Tổ với những pháp môn phương tiện tâm đắc của họ mà nhiều Tông môn Hệ phái được hình thành. Nhiều vị Tổ các Tông môn tự soạn Kinh và Luận theo chủ thuyết riêng của mình, cải biên những lời dạy của Phật nên đó là thời kỳ tượng pháp, vì trong thời kỳ này nhiều biểu tượng đã được hình thành thay cho Sự Thật bản nhiên. Cũng từ đó sở tri và sở đắc trở thành mục tiêu tu tập lý tưởng được truyền thừa trong các Tông môn riêng biệt. Sự truyền thừa qua ngữ nghĩa mang tính triết học hơn là chỉ thẳng Sự Thật thực chứng đã khiến Phật giáo ngày càng mai một.
Về sau, khi những biểu tượng đã được quần chúng biến thành các nhân vật thật như ngày nay thì Phật Giáo đã trở thành tín ngưỡng. Các vị Phật và Bồ Tát khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành các vị Thần Linh ban ơn cứu khổ, chỉ cần cầu xin, là các vị ấy có thể thoát khổ và cho vào nước Phật. Khi Phật giáo biến thành tín ngưỡng Thần Linh thì bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mê tín dị đoan, nên đây chính là thời kỳ mạt pháp.
Cái Ta phát triển thành Đại Ngã vẫn đạt được những thành tựu rất cao về thiền định Sắc và Vô Sắc. Đạt được nhiều thần thông hấp dẫn nên được nhiều người ưa thích. Trước khi giác ngộ thành Phật, Đức Phật đã từng đắc đến thiền định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ là mức cao nhất trong thiền định. Nhưng ngài vẫn thấy đây chưa phải là cứu cánh giác ngộ giải thoát. Mặc dù trong những trạng thái đó hành giả vẫn có thể thấy vạn pháp đều không, đó là 4 trạng thái thiền định Vô Sắc là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, nhưng đó vẫn chỉ là trạng thái tạm thời thoát khỏi Dục Giới và Sắc Giới chứ không phải là thái độ giác ngộ rốt ráo. Ngài thấy rất nhiều người bị dính mắc vào trạng thái đó đã không thể giác ngộ giải thoát được.
Và Đức Phật đã phát hiện ra chướng ngại cho sự giác ngộ giải thoát chính là cái Ta ảo tưởng. Khi vẫn còn cái Ta, dù nó là Đại Ngã thì vẫn là vô minh ái dục, không thể nào thấy pháp Vô Ngã được. Khi cái ngã ảo tưởng phát triển đến mức tột cùng để trở thành Đại Ngã, nó vẫn đụng phải sự tương đối trong thái độ chấp thủ nhị nguyên. Bản chất cuộc sống là nhất nguyên lưỡng tính, tức bản chất hai mặt bất nhị của đời sống. Cuộc đời luôn có Âm có Dương, có Được có Mất, có Thành có Hoại, có Cao có Thấp, có Ngày có Đêm, v.v… và v.v… Nhưng bản ngã luôn cầu toàn nên chỉ muốn đạt được mặt mà nó cho là hoàn hảo nhất mà thôi. Theo Dịch lý, dù đạt được Chí Dương vẫn còn có lỗi (Kháng long hữu bối). Vì khi chỉ muốn giữ tình trạng tốt đẹp nhất thì bản ngã vẫn luôn lo sợ sự xuất hiện của trạng thái đối nghịch phá đổ sự hoàn hảo một chiều của nó.
Trong sự biến dịch của Trời Đất (Pháp), dù cho ở trong trạng thái tốt đẹp nhất cũng không thể tồn tại mãi, với sự vận hành qua thời gian mọi thứ có khuynh hướng quay trở lại các trạng thái đối nghịch. Như trong Dịch lý Dương cực sinh Âm, Âm cực sinh Dương trở lại như chu kỳ trong quỹ đạo của các hành tinh vậy. Cho nên đức Phật dạy phần lớn chư Thiên, Phạm Thiên ở các cõi giới cao trong Tam giới khi hết thọ mạng vẫn sinh vào các cõi giới thấp như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh... Điều này thật dễ hiểu vì tính chất của bản ngã là luôn muốn trở thành nên dù có đạt được tình trạng tốt đẹp nhất rồi lâu ngày cũng chán. An lạc mãi thấy cũng tầm thường nên lại tìm đau khổ thử xem có đạt được một cứu cánh hoàn hảo nào hơn không!
Khi châu Âu đạt đến mức thịnh vượng về tiện nghi vật chất họ vẫn chưa thỏa mãn nên bắt đầu tìm kiếm thuộc địa, gây ra chiến tranh, chết chóc. Mặt khác đời sống quá sung túc trở nên quá tầm thường, do đó xu hướng đi tìm trải nghiệm trong những trò chơi mạo hiểm, thậm chí đau đớn, thay cho sự êm đềm nhàm chán, bắt đầu xuất hiện. Đúng là đi đến tận cùng của cái lạc thì lại muốn cái khổ, đó là sự luân hồi của cái Ta tà kiến và tham ái, nhưng loay hoay thế nào thì rồi cũng dẫn đến phiền não khổ đau mà thôi!
"Thuyền to ắt sóng lớn", bản ngã càng cao thì khổ đau càng lắm, cái khổ tinh vi mang tính tâm lý còn nguy hiểm hơn sự đau đớn xác thân. Khi đạt tới tận cùng của ham muốn rồi vẫn thấy không có gì là hoàn toàn cả, bản ngã cầu toàn đụng phải sự bất toàn của tính nhị nguyên mà rơi vào khổ uẩn. Mọi nỗ lực để cầu toàn trở nên vô vọng và cuối cùng bản ngã cũng đành phải đầu hàng. Đó là lúc bắt đầu bước ngoặt chuyển qua một giai đoạn khác đó là giai đoạn thứ 3: đức tin vào tha lực.

Giai đoạn 3: Đức tin, giao phó hoàn toàn cho Tha Lực.

Bản ngã phải mất biết bao công sức và thời gian mới đạt được Đại Ngã cho nên lúc đầu nó an hưởng thành tựu vĩ đại của mình trong các cõi Chư Thiên và Phạm Thiên một thời gian lâu dài vì không muốn để mất năng lực đã thủ đắc, đã dày công phấn đấu đạt thành. Nhưng sau một thời gian hưởng thụ lâu dài trong bình lặng như thế, sự nhàm chán bắt đầu xuất hiện, rồi sự an lạc dần dần phai nhạt và biến mất, đó là dấu hiệu của sự chết để quay trở lại với thế giới bất toàn và đau khổ trước đây. Thì ra có vui thì có khổ, có tịnh thì có động, có được thì có mất, chẳng có gì hoàn hảo một chiều như ý muốn của cái ngã cầu toàn theo hướng nhị nguyên mâu thuẫn ấy. Đối diện với sự thật hai mặt không thể tách rời (bất nhị hay nhất nguyên lưỡng tính) của sự sống, bản ngã không thể chọn lựa một chiều theo ý mình được nữa, hóa ra nỗ lực trở thành hoàn hảo chỉ là mộng huyễn, cuối cùng đành phải đầu hàng Sự Thật Bất Khả Tri. Từ đó bản ngã bắt đầu chấp nhận mọi thứ, tin tưởng và phó thác số phận của mình cho một Năng Lực Bất Khả Tri hay một Đấng Tạo Hóa Toàn Năng nào đó. Chấp nhận “an phận thủ thường”, “thuận thiên lập mệnh” hoặc “vâng ý Cha”chính là lúc giai đoạn Đức Tin bắt đầu xuất hiện.
Giai đoạn tưởng như hoàn toàn thụ động này thực ra lại cao hơn nhiều so với giai đoạn nỗ lực năng động trước đó của bản ngã cầu toàn. Đến đây không còn nỗ lực ý chí lăng xăng tạo tác của bản ngã để trở thành theo tư kiến tư dục nữa. Đức tin giúp tín đồ chấp nhận mọi sự đến đi – do Tạo Hóa, Đất Trời hay Định Mệnh an bài – dù đó là được hay mất, hơn hay thua, thành hay bại, vui hay khổ trên đời một cách nhẹ nhàng thoải mái nhờ không còn sự nỗ lực căng thẳng của cái Ta lý trí vọng thức nữa.
Đây là giai đoạn kham nhẫn với thực tại, chấp nhận hai mặt của cuộc sống, chịu đựng mọi thử thách của mặt đối nghịch, với đức tin rằng Đấng Tuyệt Đối (Tạo Hóa, Thiên Địa, Thần Linh) muốn ban cho mình sức chịu đựng như một ân sủng để có khả năng thể nhập vào cõi Tuyệt Đối Thường Hằng, chẳng hạn như Thiên Đàng, Cực Lạc v.v... cảnh giới có đời sống hạnh phúc vĩnh cửu, thiêng liêng và mầu nhiệm của lòng tin.
Khi thực sự buông xuống mọi nỗ lực và kinh nghiệm cá nhân, tâm bắt đầu bình tĩnh lại, bắt đầu biết lắng nghe và chiêm nghiệm sự vận hành của vạn pháp mới dần dần thấy rằng mọi thành - bại, được - mất,… tất cả những gì đến với mình trong cuộc đời này đều có ý nghĩa của nó. Lúc đó mới sẵn sàng chấp nhận mọi sự để học hỏi chứ không còn "trốn học" như trước kia nữa.
Trước kia, trong giai đoạn vị ngã, cái Ta thường trốn khổ, tìm lạc, theo đuổi cái gì phù hợp với ý thích của mình, vì vậy nhận thức của bản ngã luôn phiến diện, một chiều, thì bây giờ đã có thể chấp nhận cả hai mặt của cuộc sống nên đã bình tĩnh lại, sống trọn vẹn hơn, không còn lăng xăng tạo tác do phân chia chọn lựa theo ý đồ của bản ngã nữa. Niềm tin vào cái tuyệt đối giúp tâm có thể sẵn sàng trực diện với Sự Thật, nhờ vậy giai đoạn đức tin bắt đầu chuyển qua giai đoạn thứ tư, Trí tuệ lấy Sự Thật (Pháp) làm bài học giác ngộ.

Giai đoạn thứ 4: Trí tuệ giác ngộ Sự Thật

Trong giai đoạn này nhờ đức tin vào Đấng Tuyệt Đối, cái ngã dần dần lắng xuống, tâm bắt đầu bình tĩnh sáng suốt hơn nên thấy biết ngày càng rõ ràng hơn. Từ đó đức tin cũng bắt đầu chuyển dần qua quan sát Sự Thật (Chân Lý) đang diễn ra nơi chính mình trong đời sống để học ra nguyên lý vận hành của vạn pháp.
Nhờ quan sát thấy pháp đến đi trung thực như nó là nên bắt đầu nhận ra bản chất thực của mọi sự vật. Do sự thấy biết xuất phát từ trải nghiệm, chiêm nghiệm trung thực mọi hiện tượng thân tâm mà phát hiện ra được cách vận hành của tiến trình tâm sinh vật lý trong sự tương giao với pháp giới xung quanh. Giác ngộ là phát hiện ra phiền não khổ đau đều do nhận thức và hành vi sai lầm (tà kiến và tham ái) của tâm thức bản ngã tạo ra, và khi giải thoát khỏi những sai lầm trói buộc ảo hóa ấy thì liền thấy Pháp Tánh Niết-bàn.
Từ thấy được hai mặt của các pháp đến phát hiện ra rằng, lấy cái mình thích đồng thời cũng phải nhận luôn cái mình không thích, ngược lại, bỏ cái mình không thích đồng thời cũng đánh mất luôn cái mình ưa thích. Nhờ thấy ra chúng luôn gắn liền nhau như hai mặt của một đồng tiền, nên không còn cái ngã lý trí chọn lựa nhị nguyên theo tư kiến tư dục nữa. Ví như khi lựa chọn cây cỏ, người kém hiểu biết thấy cây nào đắng, cay, có gai, có độc thì bỏ. Nhưng đối với vị thầy thuốc thông hiểu tính dược thì không bỏ cây nào. Thuốc độc nhưng biết cách pha chế và sử dụng đúng liều lượng có thể chữa lành bệnh. Trong khi thuốc bổ mà dùng không đúng chỗ, không đúng cách, hoặc quá liều lượng vẫn có thể chết người.
Đức Phật được tôn xưng là Sammà Sambuddho – Chánh Biến Tri hoặc Toàn Giác - là vì Ngài thấy biết rõ ràng mọi mặt của pháp giới, một cái nhìn toàn diện dung thông tất cả chứ không phải như “người mù sờ voi”, chỉ thấy mặt này mà không thấy mặt kia. Vậy muốn học bài học giác ngộ thì phải chấp nhận tất cả những gì đến với mình, khổ cũng học, lạc cũng học, được cũng học, mất cũng học, thuận cũng học, nghịch cũng học v.v... Khi nào thấy ra tính bất nhị của pháp thì mới không còn chọn lựa chủ quan theo ý mình nữa. Nhờ quá trình học hỏi và chiệm nghiệm như thế mà phát hiện được rằng hai mặt của cuộc sống là để giúp chúng ta sống thăng bằng - trung đạo - chứ không phải để chọn lựa hay lấy bỏ một chiều.
Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rằng: “Khi nội tâm thanh tịnh thì thấy tất cả các pháp đều thanh tịnh”.Với tâm thanh tịnh thì thấy lạc hay khổ cũng đều thanh tịnh, đều có ý nghĩa và đều bình đẳng. Nhưng khi khởi tâm phân biệt thì liền rơi vào phiền não khổ đau. Vì vậy bài pháp thoại đầu tiên của Đức Phật là Bốn Sự Thật Vi Diệu, nói rõ mọi khổ đau đều xuất phát từ bản ngã - cái Ta ảo tưởng. Cho dù cái Ta đó có đạt đến tận cùng của hạnh phúc như ý mình chăng nữa thì vẫn là khổ và nguyên nhân của khổ mà thôi.
Khi không còn phân vân chọn lựa giữa hai mặt của cuộc sống thì tâm mới đủ sáng suốt, định tĩnh và trong lành để thấy rõ thực tính của vạn pháp. Đó mới là Pháp tính bất nhị, bình đẳng và vô phân biệt - không thể tách rời. Thấy được pháp tính không có nghĩa là chỉ thấy phần tinh túy nhất thôi mà thấy được tất cả mọi mặt: tính, tướng, thể, dụng, nhân, quả, duyên, báo, tác của pháp. Đó mới là thấy được thực tính chân đế một cách toàn diện. Cũng như theo Dịch lý khi trở về Thái Cực thì mới thấu suốt được tất cả sự biến dịch của Trời Đất.
Khi nhận ra Chân Lý ở khắp mọi nơi thì chỉ cần tâm đủ sáng suốt định tĩnh trong lành hay đủ rỗng rang lặng lẽ trong sáng thì ngay đây và bây giờ, dù pháp đang diễn ra thế nào, chúng ta vẫn đang ở trong Chân Lý Ngàn Đời, là Niết-bàn, là Thượng Đế hay Thái Cực. Nhưng nếu chúng ta bỏ quên thực tại đang là, chỉ loay hoay chọn lựa lấy bỏ hoặc tham vọng tạo tác để trở thành theo tư kiến tự dục (tà kiến, tham ái) thì đó chính là đang tạo ra luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau.
Bát Chánh Đạo, Giới Định Tuệ, và cụ thể là Thiền Vipassanà chính là giai đoạn thể nghiệm cuối cùng mà mọi người có thể tự mình chứng ngộ (Paccattam veditabbo Viññùhi) Chân lý (Dhamma) nơi Thực tại hiện tiền (Sanditthiko), Vượt khỏi thời gian (Akàliko), Hồi đầu là thấy (Ehipassiko), Trọn vẹn với thời vị tính đang là (Opanayiko). Người có thể thấy Pháp như vậy là người “ít bụi trong mắt”, đã trở về với Nội Tâm Chói Sáng (Pabhassara Citta), không sinh, không hữu, không tác, không thành, hoàn toàn thoát khỏi thế giới sinh hữu tác thành của bản ngã.

Tóm lại:

Giai đoạn thứ nhất, sống theo bản năng, tuy bắt đầu hình thành bản ngã nhưng chỉ là quán tính hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, nếu có Tôn giáo thì chỉ là những hình thức thờ các Vật Tổ, đây có thể xem là giai đoạn “tùy cảnh hành”.
Giai đoạn thứ 2, nỗ lực có tính tình cảm và lý trí, có thể xem là giai đoạn quyết liệt nhất của “tùy ngã hành”, đây là giai đoạn phổ thông nhất của ý chí rèn luyện, phát triển cá tính để khẳng định bản ngã mà một số Tôn giáo xem là lý tưởng để đạt tới.
Giai đoạn thứ 3, khi bản ngã đối đầu với bức tường bí ẩn Bất Khả Tri ngoài khả năng kiểm soát của mình đành giao phó cho Tha Lực Tuyệt Đối. Đó là giai đoạn “tùy tín hành” của đức tin vô điều kiện.
Giai đoạn thứ 4, cuối cùng của sự giác ngộ, khi bản ngã đã được buông xuống thì đồng thời tâm cũng trở về với bản nguyên thanh tịnh trong sángnên đã phản ánh trung thực quy luật vận hành của tất cả pháp. Đây mới thật sự là giai đoạn Tuệ Giác “tùy Pháp hành” của Đạo Phật, ở đó không còn nỗ lực tạo tác của bản ngã, không còn hãnh diện của đức tin nơi tha lực siêu nhiên, nên không là gì cả mà là tất cả.

Tác giả: Viên Minh

(BUỔI 6 - KHOÁ THIỀN 12)

4 mức độ Tinh tấn - Chánh niệm - Tỉnh giác vận dụng trong đời sống hàng ngày

Con chào Thầy. Trong cuộc sống hằng ngày, con vẫn thường thận trọng, chú tâm, quan sát. Con cảm thấy sự cố gắng như vậy làm mất nhiều sức lực. Nhưng có đôi khi con buông luôn cả ý đồ cố gắng thận trọng, chú tâm, quan sát thì con vẫn biết thân, thọ, tâm, pháp mà không cần phải cố gắng để tổn hao sức lực. Thưa Thầy, có phải cái biết này là tánh biết đang biết, còn cái biết trước là bản ngã đang biết? Con cám ơn Thầy ạ! 

Đáp:

Đúng vậy! Tinh tấn không có nghĩa là ý đồ cố gắng chủ quan của bản ngã, mà chỉ là không buông lung phóng dật. Bỏ luôn cả cố gắng chủ quan lẫn buông lung phóng dật thì tâm (tánh biết) liền trở về với thực tại một cách tự nhiên mà đức Phật ví như khúc gỗ không bị vướng vào bờ bên này bên kia. Cái biết tự nhiên này mới đúng là trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại mà Kinh Tứ Niệm Xứ gọi là Tinh tấn - Chánh niệm - Tỉnh giác.
Khi cố gắng tích cực miên mật một cách chủ quan với ý đồ tìm kiếm, theo dõi, ghi nhận đối tượng thì ý thức của bản ngã đã xen vào rồi nên không còn là trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại một cách tự nhiên được nữa, do đó mới làm cho tiêu hao sức lực. Trong vi tế, khi buông cả hai mặt, nỗ lực và buông lung, của bản ngã thì tánh biết tự ứng ra một sự thận trọng chú tâm quan sát tự nhiên, cần và đủ cho một hành động, nếu không thì chỉ biết thôi chứ không làm gì được cả.
Thí dụ khi nghe giảng, khi nấu ăn, khi may vá, khi lái xe, khi băng qua đường hoặc bất cứ việc làm nào, không thể trong cái biết không cần tự ứng một mức độ thận trọng chú tâm quan sát cần thiết nào đó mà có thể làm được. Sự tự ứng tất yếu này không gây ra một sự mệt mỏi đáng kể nào mà chính sự buông lung thất niệm và sự cố gắng chủ quan của bản ngã xen vào mới làm cho mất sức. Ở đây rõ ràng không phải do thận trọng chú tâm quan sát mà chính là do nỗ lực chủ quan của bản ngã. Vậy không phải buông sự thận trọng chú tâm quan sát mà là buông ý đồ cố gắng chủ quan của bản ngã mới đúng.
Để vận dụng các yếu tố tinh tấn chánh niệm tỉnh giác cho phù hợp với mọi tình huống, thầy giới thiệu bốn trường hợp để tùy nghi ứng dụng uyển chuyển không cứng nhắc như sau:

1) Khi đang làm công việc hoặc những hoạt động hàng ngày thì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác ứng ra dưới hình thức thận trọng (giới), chú tâm (định), quan sát (tuệ) trên đối tượng là cần thiết, không thể thiếu.

2) Khi vô sự, chỉ nghỉ ngơi thoải mái, thì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác chỉ cần là trở về (giới), trọn vẹn (định), tỉnh thức (tuệ)với thực tại đang là.

3) Khi mở ra đón nhận mọi sự đến đi tự nhiên hoặc đối tượng là toàn cảnh với cái nhìn toàn diện, không cần chú ý đến một đối tượng nào nhất định, thì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác chính là sự trong lành (giới), định tĩnh (định), sáng suốt (tuệ) sẵn có trong tánh biết.

4) Khi buông hết mọi sự trong ngoài, không cần quan tâm đến bất cứ đối tượng nào thì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là tâm trở về với tự tánh rỗng rang (giới), lặng lẽ (định), trong sáng (tuệ)mà đức Phật gọi là "an trú tánh không", hoặc Thiền gọi là "Thối tàng ư mật".

Nếu đúng mức thì tất cả sự tu tập nói trên đều là không, vô tướng, vô tác, vô cầu.

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Bài Phỏng Vấn Eckhart Tolle - Oprah

...Tám năm trước, một người bạn của tôi Meg Ryan nói với tôi về cuốn sách Sức mạnh của hiện tại: Đó là một sự hướng dẫn giác ngộ tâm linh của Eckhart Tolle. Nó là một trong những cuốn sách làm thay đổi tôi nhiều nhất, mà tôi từng đọc, tôi mang theo một bản copy theo đi bất kỳ nơi nào, tôi lật đi lật lại nhiều lần những trang được đánh dấu. Với bất kỳ ai đang tìm một hướng đến với cuộc sống có kết nối hơn, cuộc sống đầy hứng thú, rất cần thiết nên đọc cuốn sách Sức mạnh của hiện tại, và tiếp theo là những cuốn khác của Eckhart như là ; Sức mạnh của tĩnh lặng và Một thế giới mới - sách giải thích các nguyên tắc cốt lõi, những cuốn sách này đã mang tơi sự đồng cảm sâu sắc với tôi và hàng ngàn người khác: Thuật ngữ thời điểm ngay bây giờ mà chúng ta thực sự chí có duy nhất. Hạnh phúc không phải ở trong tương lai hoặc quá khứ, mà là nhận biết ra nó ngay trong hiện tại...

Oprah: Đầu cuốn sách Sức mạnh của hiện tại, ông mô tả lúc 29 tuổi và ông đã nghĩ tới chuyện tự tử, ông nghĩ rằng, ông không thể sống với bản thân mình nữa.... Và sau đó đột nhiên ông tỉnh thức nhận ra suy nghĩ kỳ lạ đó là cái gì? Tôi là một hay là hai người? Nếu tôi không thể sống với bản thân mình, chắc phải có hai cái tôi: "Tôi" và " bản thân tôi ". Có lẽ... chỉ một trong hai cái tôi là thật. Tôi thích thú điều này vì đây là lần đầu tiên tôi suy nghĩ vậy, Khi tôi nói, "Tôi sẽ nói với bản thân tôi một cái gì đó,"ailà"tôi"và ailà" bản thân tôi"? Đó là câu hỏi cốt yếu, phải không?

Eckhart: Đúng vậy. Hầu hết mọi người không nhận thức được rằng họ có một người đàn ông nhỏ hoặc người phụ nữ trong đầu của họ mà luôn luôn nói và người đang nói trong đầu là ai hoàn toàn bị đồng hóa là tôi. Trong trường hợp của tôi, và trong trường hợp của nhiều người, những tiếng nói trong đầu là một trong những điều bất hạnh, do đó, có một số lượng lớn suy nghĩ tiêu cực liên tục được tạo ra bởi cuộc đối thoại thiếu tỉnh thức bên trong đầu.

Oprah: Chuyện gì xảy ra mà ông có thể nhận ra điều này?

Eckhart: Một đêm, vào thời điểm đã được đề cập trong lúc tôi có suy nghĩ tự tử, có một sự tách biệt xảy ra giữa những tiếng nói miên man như những dòng suối không ngừng suy nghĩ trong đầu và tự ý thức nhận ra giọng nói đó, và có một ý thức sâu sắc hơn về sự cảm nhận bản thân, mà sau này tôi mới nhận ra là tự tỉnh thức, chứ không phải là một cái gì đó được tỉnh thức thông qua suy nghĩ.

Oprah: Khi ông nhận ra rằng giọng nói trong đầu ông là tách biệt với sự tỉnh thức, điều đó làm bừng tỉnh tâm trí của ông?

Eckhart: Vâng, đúng là như vậy.Tôi không hiểu nó, tôi chỉ nhận ra những ngày tiếp theo đó tôi đột nhiên cảm thấy bình yên. Có một cảm giác sâu sắc của bình tĩnh bên trong, mặc dù đã bên ngoài không có gì thay đổi, vì vậy tôi biết một cái gì đó đã xẩy ra. Sau một thời gian có sự biến chuyển này, tôi đã nói chuyện với một Thiền sư người đó nói với tôi rằng Thiền thì rất đơn giản: Bạn không còn phụ thuộc vào suy nghĩ; bạn ở phía sau của suy nghĩ. Sau đó, tôi nhận ra đó là những gì đã xảy ra với tôi. Tất cả những gì không hài lòng, những suy nghĩ lặp đi lặp lại đã không còn ở trong đầu nữa.

Oprah: Sự đồng hóa với những suy nghĩ và giọng nói trong đầu chúng ta đến từ đâu?

Eckhart: Cảm nhận về cái tôi có nguồn gốc từ suy nghĩ của chúng ta, nó bao gồm tất cả những ký ức của chúng ta, những điều kiện của chúng ta và sự tự cảm nhận về bản thân của chính nó, đó chỉ là một khái niệm bắt nguồn từ quá khứ. Điều này cần thiết đối với mọi người nhận ra rằng giọng nói đó đang xảy ra bên trong chúng ta không ngừng, và đó là một bước đột phá khi mọi người nhận ra điều này, "Đây chỉ là tất cả các thói quen, lặp đi lặp lại, những suy nghĩ tiêu cực và Tôi nhận ra những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu. " Sự đồng hóa đột nhiên bị phá bỏ. Điều đó, đối với nhiều người, là bước đầu tiên đột phá tâm linh.

Oprah: Tâm linh đó như thế nào?

Eckhart: Tôi nhận ra điều này khi không còn tin vào suy nghĩ này hay suy nghĩ khác, nhưng khi bước ra khỏi sự đồng hóa của dòng suy nghĩ. Bạn đột nhiên thấy có một không gian khác sâu sắc hơn so với suy nghĩ bên trong bạn.

Oprah: Và đó là cái gì?

Eckhart: Tôi gọi đó là sự tĩnh lặng. Đó là một sự hiện diện của ý thức, không có gì để làm với quá khứ, hay tương lai. Chúng ta cũng có thể gọi nó là " Thức tỉnh ". Đó là lý do tại sao nhiều truyền thống tâm linh sử dụng thuật ngữ Tỉnh thức. Bạn thức dậy thoát ra khỏi giấc mơ của suy nghĩ. Bạn trở thành ở trạng thái hiện tại.

Oprah: Cuốn sách; Sức mạnh tĩnh lặng của ông nói về sự thức tỉnh này. Tôi thấy ấn tượng với câu: " Khi bạn nhận ra giọng nói đó, bạn nhận ra rằng bạn là ai đó không phải là giọng nói đó – không phải người đang suy nghĩ đó, nhưng bạn là ai đó nhận ra những suy nghĩ đó. "

Eckhart: Đúng vậy. Dòng suy nghĩ được kết nối với quá khứ. Tất cả kỷ niệm của bạn, hình mẫu cư xử, cảm xúc đã qua,vân vân.., tất cả chúng đều là một phần của điều đó, nhưng nó không phải là bạn. Điều này là một sự ngạc nhiên. Tất nhiên, rồi tâm trí lại hỏi, "Vậy thì cho tôi biết tôi là ai. "

Oprah: Đó là câu hỏi lớn. Vậy, câu trả lời là gì?

Eckhart: Câu trả lời là, bạn không thể xác định được qua suy nghĩ hoặc đặt tên cho tình trạng thức tỉnh này,hoặc sử dụng các định nghĩa, bởi vì nó ở phía sau của suy nghĩ. Đó là cảm giác rất hiện hữu, hay là sự hiện diện, đó là khi bạn thức tỉnh vào thời điểm hiện tại. Về bản chất, bạn và chúng ta gọi nó là giây phút hiện tại, là ở cấp độ sâu xa nhất. Bạn tỉnh thức nhận ra tất cả mọi thứ, mọi suy nghĩ phát khởi trong trạng thái tỉnh thức này, và mỗi suy nghĩ lại biến mất trở lại vào trong trạng thái thức tỉnh. Bạn là một người tỉnh thức, có một không gian tỉnh thức, và tất cả cảm nhận của giác quan, suy nghĩ, và cảm xúc đến và đi trong không gian tỉnh thức này.

Oprah: Ông thường đề cập rằng: Suy nghĩ như là một tai họa thật khủng khiếp, thậm chí là một căn bệnh, là rào cản lớn nhất để trở về với sức mạnh trong hiện tại. Nhưng, không có suy nghĩ có là con người không? Không có suy nghĩ thì chúng ta khác với con vật không?


Eckhart: Vâng, suy nghĩ có thể là một công cụ mạnh mẽ và tuyệt vời. Công cụ này chỉ trở thành một phiền não nếu chúng ta xuất phát từ nhận thức chúng ta về nó, chúng ta là giấc mơ của suy nghĩ. Trong trường hợp đó, bạn liên tục nói với mình những gì tôi gọi là " câu chuyện của tôi. " Đối với nhiều người, nó là một câu chuyện không hạnh phúc, vì thế họ luôn luôn ở trong quá khứ. Đó là một trạng thái rối loạn chức năng và là tình trạng không hạnh phúc.

Oprah: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà hầu hết mọi người tin rằng họ là câu chuyện của họ. "Tôi sinh ra trong gia đình này, đây là nơi mà tôi đã được lớn lên, đó là những điều đã xảy ra với tôi, và đây là những gì tôi đã làm... " Nếu bạn không phải là câu chuyện của bạn, khi đó bạn là ai?

Eckhart: Đó là một câu hỏi rất hay. Bạn không thể phủ nhận, tất nhiên, những sự kiện này tồn tại, lịch sử cá nhân của một người có vị trí của nó, và nó cần phải được tôn trọng. Điều đó không phải là vấn đề, trừ khi bạn trở nên hoàn toàn bị đồng hóa trong không gian đó. Bạn trải nghiệm trong quá khứ của bạn như thế nào? Đó chỉ là những kỷ niệm. Và những kỷ niệm này là cái gì? Đó chỉ là suy nghĩ trong đầu của bạn. Nếu bạn đang hoàn toàn đồng hóa với những suy nghĩ trong đầu của bạn, khi đó bạn bị mắc kẹt trong quá khứ. Vậy, đó là tất cả con người bạn phải không? Hoặc là bạn phải là cái gì nhiều hơn những quá khứ đó? Khi bạn bước ra khỏi sự đồng hóa đó và nhận ra lần đầu tiên mà bạn đang thực sự hiện diện đằng sau suy nghĩ, khi đó bạn có thể sử dụng suy nghĩ khi cần thiết và có ích. Khi đó bạn không còn bị trói buộc bởi tâm trí suy nghĩ, khi đó suy nghĩ sẽ trở nên có ích và hưu ích. Nếu bạn không bao giờ vượt qua tâm trí suy nghĩ và không thức tỉnh về không gian đó, thì suy nghĩ tiếp tục tạo ra xung đột trong tất cả các mối quan hệ.

Oprah: Cho tôi biết thêm về không gian đó.

Eckhart: Đó là một không gian, có sự hiện diện tỉnh thức mà bạn có thể mang đến cho bất kỳ mối quan hệ nào. Ví dụ, khi bạn lắng người bạn đời của bạn hoặc một người bạn hoặc thậm chí lắng nghe một người quen, bạn có ở đó với không gian tỉnh thức khi lắng nghe được không? Hay là, trong khi người khác đang nói, bạn không ngừng suy nghĩ, chuẩn bị các điều tiếp theo để trả lời? Bạn đang đánh giá và phê phán những gì bạn đang nghe, hay là bạn đang ở đó với không gian tỉnh thức với với họ? Tôi có thể nói rằng đó là món quà lớn nhất bạn có thể cho một người nào đó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cha mẹ và con cái, cũng như trong các mối quan hệ thân thiết. Bạn có thể lắng nghe người khác trong trạng thái đơn giản của sự tỉnh táo ở đó bạn không có đánh giá những gì bạn đang nghe? Nếu bạn có thể, khi đó bạn đang hiện diện chứ không phải đơn thuần là một con người. Bạn không áp đặt, gắn nhãn hiệu, đánh giá, hoặc định nghĩa về người khác. Có một mức độ sâu sắc hơn về sự tỉnh thức.

Oprah: Đối với những người như chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với ý tưởng là tách mình khỏi giọng nói trong đầu, làm thế nào để chúng tôi trở thành một không gian không phán xét?

Eckhart: Bạn có thể tạo ra bằng cách nâng cao sự tỉnh thức hơn trong giây phút hiện tại trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, tôi khuyên mọi người mang lại giây phút tỉnh thức trong các hoạt động hàng ngày mà họ làm một cách vô thức. Khi bạn rửa tay, khi bạn pha một tách cà phê, khi bạn đang chờ đợi thang máy, thay vì nuông chiều suy nghĩ, tất cả những cơ hội này hãy sử dụng đem lại sự tĩnh lặng, sự tỉnh thức.


Oprah: Đúng thế. Giống như khi mọi người tắm vòi sen vào buổi sáng, họ dường như đang không ở trong phòng tắm, họ đang suy nghĩ về việc đến văn phòng, những gì họ phải làm ngày hôm đó, và lập danh sách thay vì cảm nhận cảm giác của nước ở trong thời điểm hiện tại đó.

Eckhart: Đúng vậy. Mang lại những không gian tĩnh lặng vào cuộc sống hàng ngày của bạn, càng nhiều càng tốt. Khi bạn ở trong otô, đóng cửa lại và ở đó chỉ nửa phút, hãy hít thở, cảm nhận năng lượng bên trong cơ thể của bạn, nhìn xung quanh bầu trời, cây cối. Tâm trí của bạn có thể nói với bạn, tôi không có thời gian. Nhưng đó là tâm trí của bạn đang nói chuyện với bạn. Ngay cả những người bận rộn nhất có thời gian khoảng 30 giây của cho không gian tĩnh lặng này.


Oprah: Cuốn sách Sức mạnh của hiện tại giúp tôi rất nhiều lần. Khi có một vấn đề thực tế, trong những ngày bận rộn nhất. Tôi vừa trở về từ châu Phi,tôi thiếu thời gian ngủ, và sáng nay thức giấc và suy nghĩ, Chúa ơi, tôi có lẽ đang bị stress mất, nhưng tôi để cho suy nghĩ đó đến và đi, tôi sẽ phải ở trong trạng thái hiện tại ngay bây giờ, tôi phải quay bốn chương trình truyền hình ngày hôm nay, và tôi đã rất vui mừng về việc được nói chuyện với ông, nhưng tôi vẫn tự nói với ban thân tôi, đừng nghĩ về bao nhiêu công việc bạn phải làm hôm nay, chỉ cần có mặt trong giây phút hiện tại. Và đó là những gì tôi đã đạt được cho đến cuối ngày, vào thời điểm này.

Eckhart: Đó là một sự tập trung liên tục vào những gì thực sự quan trọng, những gì quan trọng nhất trong cuộc đời của bất cứ ai, đó là giây phút hiện tại. Mọi người không nhận ra rằng hiện tại là tất cả, không có quá khứ hay tương lai ngoại trừ chỉ là những ký ức hoặc những dự đoán của tâm trí trong tương lại.

Oprah: Trong cuốn sách sức mạnh của hiện tại, ông nói không có quá khứ. Cần phải có một quá khứ, bởi vì có tất cả các kỷ niệm của chúng ta, tất cả những cái này để xác định bản thân chúng ta.

Eckhart: Không ai có thể phủ nhận thực tế là có một thứ như là thời gian. Chúng ta sử dụng thời gian để gặp nhau ở đây, nếu không nó sẽ rất khó khăn.

Oprah: Đúng vậy. Chúng ta nhất trí về thời gian này, và chúng ta đang ở đây, bởi vì đây là bây giờ.

Eckhart: Đúng. Vì vậy, thời gian là một cái gì đó mà chúng ta không thể làm mà không có. Chúng ta thậm chí có thể nói thời gian là những gì chi phối toàn bộ cuộc sống mà chúng ta trải nghiệm ở đây, ở mức độ bề mặt của thực tại. Tất cả mọi thức hoàn toàn bị chi phối bởi thời gian, quá khứ và tương lai luôn nối tiếp nhau. Mọi người nhìn thời gian với hy vọng rằng thời điểm nào đó cuối cùng sẽ làm cho họ hạnh phúc, nhưng bạn không thể tìm thấy hạnh phúc thật sự bằng cách nhìn hướng tới tương lai. Như đã nói có hai cách làm cho chúng ta thất vọng: Một là không đạt được những gì bạn muốn, hai là đạt được những gì bạn muốn. Nếu bạn nghĩ như vậy, sẽ có một cách sẽ làm cho bạn hạnh phúc khi bạn đạt được điều bạn muốn, bạn sẽ tiếp tục tập trung vào thời điểm tiếp theo, bạn không bao giờ sống trong hiện tại, đó là cách mà hầu hết chúng ta đang có.

Oprah: Có mó sột một điều mà làm tôi thay đổi khi tôi đọc cuốn sách Sức mạnh của hiện tại: Ông đã viết rằng tất cả các căng thẳng của chúng ta chủ yếu dựa trên suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong quá khứ hoặc những gì sẽ xảy ra trong tương lai, và rằng, bất kể vấn đề khủng hoảng gì đang xẩy ra với cuộc sống của bạn, nếu bạn có thể hít một hơi thật sâu và nhìn vào những gì đang xảy ra bây giờ, trong thời điểm hiện tại, bạn có sao đâu.

Eckhart: Đúng vậy. Nhiều người tự đồng hóa những vấn đề mà họ đang có, hoặc nghĩ rằng họ đang có vấn đề. Khi tôi hỏi thực tế, tôi hỏi mọi người, " vấn đề bạn đang có tại thời điểm ngay bây giờ là gì? không phải trong một giờ nữa hay ngày mai, những vẫn đề bạn có ngay tại thời điểm này là gì? " Đôi khi, họ đột nhiên sẽ thức tỉnh khi nghe câu hỏi đó, bởi vì họ nhận ra rằng vào thời điểm đó, họ không có một vấn đề gì cả.

Oprah: Có lẽ ở thời điểm đó, trong thời điểm đang nghe ông giảng dậy, nhưng nếu đang ở trong một tình huống nguy hiểm trong thời điểm hiện tại? Đó là một vấn đề! Tiếp theo là gì?

Eckhart: Nếu nguy hiểm phát sinh trong thời điểm hiện tại, có thể là một cảm xúc. Thậm chí còn có thể đau. Nhưng đó là một thách thức, không phải là một vấn đề. Một vấn đề tồn tại, bạn cần thời gian và những hoạt động của tâm trí lặp đi lặp lại. Trong một tình huống nguy hiểm, bạn không có thời gian để biến nó thành một vấn đề. Vì vậy, khi mọi người hỏi làm thế nào họ có thể vượt qua được vấn đề của họ, tôi gợi ý rằng họ hãy sống trong giây phút hiện tại và xem những gì vấn đề hiện tại là gì. Họ luôn luôn phải thừa nhận rằng, " Đúng, ngay bây giờ tôi không thực sự không có vấn đề gì. " Thậm chí ngay cả những người đang thi hành án tù chung thân đã viết thư cho tôi nói, "Tôi hiểu thông điệp của bạn, và tôi đã trở nên tự do. " Họ được tự do ở bên trong.

Oprah: Được rồi, nếu ông không ở trong một tình huống nguy hiểm, nhưng tình huống bình thường, những vấn đề hàng ngày? Tôi có rất nhiều thứ cuốn tôi đi tại thơi điểm bây giờ.


Eckhart: Bắt đầu bằng cách đi vào giây phút hiện tại cốt để bạn thấy một không gian mà ở đó những vấn đề không thể tồn tại. Trong giây phút đó, bạn liên lạc được với một trí tuệ sâu sắc hơn cái tâm suy nghĩ nhiều. Đó là nơi mà trực giác, hành động sáng tạo, kiến thức và trí tuệ được tạo ra. Hãy chắc chắn rằng tại thời điểm đó bạn không ở trong trạng thái tiêu cực, bởi vì bạn có thể có những hành động trên cơ sở các tiêu cực, ví dụ, bạn có thể cảm thấy bực tức về việc không có nhiều tiền. Bạn làm việc cực kỳ chăm chỉ và sau một số năm bạn trở nên giàu có. Nhưng tất cả những hành động đó bị ô nhiễm bởi tiêu cực nếu nó phát khởi từ tâm trạng bực tức, và nó sẽ tạo thêm đau khổ cho chính mình và những người khác.

Oprah: Làm thế nào ông có thể thay đổi điều đó?

Eckhart: Hãy xem xét cách bạn liên quan tới thời điểm hiện tại. Khi bạn làm điều đó, bạn thật lòng tự hỏi, mối quan hệ của tôi với cuộc sống là gì? Chỉ có thời điểm hiện tại là cuộc sống của bạn. Không có nơi nào khác, không bao giờ hết. Vì vậy, không có bất kỳ tình huống nào song hành với bạn ngoài giây phút hiện tại, tìm một điều gì đó làm bạn hài lòng. Tâm trạng hài lòng là một phần thiết yếu để sống trong giây phút hiện tại. Khi bạn đi sâu vào hiện tại, tâm trạng hài lòng tự động phát sinh, thậm chí ngay hơi thở cũng làm bạn hài lòng, bạn hài lòng khi cảm nhận sự sống của cơ thể của bạn. Tâm trạng hài lòng ở đó khi bạn có hiểu biết sự sống trong giây phút hiện tại, đó là nền tảng cho cuộc sống viên mãn. Một khi bạn sống trong giây phút hiện tại với bạn bè bạn sẽ cởi mở và chấp nhận, hành động của bạn sẽ tạo ra được cảm hứng, có trí tuệ, và trao quyền, bởi vì sức mạnh của sự sống sẽ được chảy thông qua bạn.

Oprah:Thậm chí ngay cả những gì đang xảy ra trong thời điểm đó là làm cho bạn khó chịu.

Eckhart: Đúng vậy, thậm chí nếu tâm trí phán xét lúc đó là tiêu cực. Thi thoảng tâm trí sẽ nói cho bạn biết không có quan điểm nào cần phải cố gắng. Nhưng bạn không cần phải tin rằng tất cả mọi suy nghĩ đều đến từ trong tâm trí của bạn.

Oprah: Ông có thực hành trong mọi thời gian không?Ông có luôn sống trong hiện tại không?

Eckhart: Có. Thỉnh thoảng nếu tôi thấy ai đó gây tổn thưởng với người khác, sự bực tức có thể phát sinh một trong thời gian rất ngắn và tan biến. Nhưng nó không có liên quan gì tới trí não và không tạo ra một số lượng lớn các suy nghĩ vô ích. Cảm xúc có thể đến và đi, nhưng tôi đang ở trong một trạng thái bao bọc sự bực tức, bởi vì những gì đang xảy ra là tình trạng hiện tại. Bạn thực sự không thể tranh cãi với nội tâm, nếu bạn tranh cãi, bạn đau khổ.


Oprah: Nhưng chấp nhận bất cứ điều gì đang xảy ra làm cho ông không mãnh liệt với cuộc cuộc sống có phải không?

Eckhart: Không, Thực tế không phải như vậy. Bạn nhiệt tình hơn khi bạn đang sống với nội tâm song hành với giây phút hiện tại. Bạn không còn sự đối kháng bên trong, bạn không còn cảm xúc tiêu cực và tâm trí không còn phàn nàn và phán xét. Mọi người có một số lượng lớn các sự phàn nàn phán xét đang diễn ra trong tâm trí họ. Một số thậm chí còn tạo ra lời nói.

Oprah:Và thường họ đang phàn nàn về những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Eckhart: Hoặc là những gì nên xảy ra nhưng không đúng theo ý họ. Đấy là những cách để phủ nhận giây phút hiện tại. Đó là một tình trạng rất bất thường vì cơ bản bạn đang phủ nhận cuộc sống của mình. Không có cuộc sống bên ngoài nào ngay vào giây phút hiện tại đó.

Oprah: Được rồi, nhưng làm thế nào để chúng tôi có kế hoạch cho tương lai? Tất cả chúng ta nói rằng chúng ta nên làm như vậy, không bị chi phối bởi nó.

Eckhart: Vâng, việc lập kế hoạch cho tương lai, bạn không cần phải đánh mất bản thân mình trong tương lai. Câu hỏi là, bạn đang sử dụng thời gian ở bình diện thực tế, hay là bạn đang đánh mất đi chính mình trong tương lai? Nếu bạn nghĩ rằng khi bạn có cơ hội đi nghỉ mát, hoặc tìm được bạn đời lý tưởng, hoặc có được một công việc tốt hơn hoặc một nơi đẹp hơn để sống hoặc bất cứ điều gì, và rồi cuối cùng bạn sẽ được hạnh phúc, đó là khi bạn đánh mất bản thân mình trong tương lai. Đó là sự phóng chiếu hình ảnh tâm chí cách biệt với giây phút hiện tại. Đó là sự khác biệt giữa thời gian đo đếm, trong đó nó được đặt trong thế giới này, và thời gian tâm lý, đó là nỗi ám ảnh liên tục với quá khứ và tương lai. Cần phải có một sự cân bằng trong việc giải quyết mọi thứ trong thế giới này, trong đó thời gian và những suy nghĩ không bị mắc kẹt tại đấy. Có một không gian sâu lắng bên trong bạn, nó ở bên ngoài của suy nghĩ và thời gian, và đó là sự tĩnh lặng bên trong, sự an lạc, một cảm giác sâu lắng, cảm giác sống động của sự sống đang hiện diện. Bạn rất đam mê về cuộc sống trong trạng thái đó.

Oprah: Ồ. Đó là những gì chúng tôi đang tìm kiếm ở đấy! Sức mạnh của hiện tại là một trong những cuốn sách khai sáng nhất mà tôi từng có đặc quyền được đọc. Tại sao ông cảm thấy cần phải viết cuốn tiếp theo, Sức mạnh của tĩnh lặng?

Eckhart: Việc giảng dạy được phát triển trong những năm sau khi cuốn sách xuất bản, tôi đã có một số góc nhìn mới về cơ bản của sự thật. Ngoài ra, có nhiều điều hơn để nói về những điều ngăn cản sự thức tỉnh trong mỗi chúng ta, có một cách để miêu tả về nó, đó là bản ngã của con người.

Oprah:Đây là điều yêu thích của tôi khi thảo luận về bản ngã. Cách thức bản ngã ngăn cản sự thức tỉnh như thế nào?

Eckhart: Vâng, đầu tiên chúng ta cần phải thấy rõ cái gì bản ngã. Nó không chỉ là ích kỷ hay kiêu ngạo hoặc nghĩ mình tài giỏi; bản ngã là sự đồng nhất với những dòng suy nghĩ. Sự khởi đầu của bản ngã được mô tả trong Kinh Thánh với những câu chuyện nổi tiếng của về quả táo: Adam và Eva ăn trái quả thiện ác, và họ bị mất đi trạng thái trong trắng, trong Kinh Thánh được gọi là mất đi trạng thái thiên đường, họ bị mất đi một trạng thái kết nối sâu sắc. Tôi không nghĩ rằng bản ngã ngay lập tức được mô tả trong Kinh Thánh. Đối với tôi, câu chuyện đó đề cập về căn nguyên của khả năng suy nghĩ, phán xét: Điều này là tốt, điều này là xấu. Và tôi tin rằng phải mất một thời gian lâu dài đến khi con người đạt tới một mức độ ở đó họ đồng hóa toàn bộ cảm nhận của họ, họ là những dòng suy nghĩ, tâm trí hoàn toàn tạo ra kỷ niệm, những điều kiện trong quá khứ, và các khái niệm do tâm trí tạo ra. Đấy là bản ngã mà mọi người đã đồng hóa.

Oprah:Trong cuốn sách mới nhất của ông, cuốn một thế giới mới, ông viết rằng bản ngã không là gì hơn ngoài việc đồng hóa với hình thức, hình thức vật lý, các khuân mẫu suy nghĩ, các khuân mẫu cảm xúc, và bất kỳ điều xấu xa-đây cũng là định nghĩa về bản ngã: hoàn toàn đồng hóa với hình tướng.

Eckhart: Đúng vậy.

Oprah: Và đó là kết quả hoàn toàn thiếu tỉnh thức của việc kết nối với tất cả chúng sinh, cũng như với nguồn gốc, và sự quên lãng với nguồn gốc thật sự của chúng ta. Khi tôi đọc điều đó, tôi nghĩ. Ông nói đúng, Mọi hành động xấu xa hay tội lỗi mà chúng ta đã nghe, được mô tả hoàn toàn là do thiếu sự kết nối, thiếu hiểu biết và cho rằng tôi là người mà tôi đang bị xúc phạm

Eckhart: Đúng vậy. Cách sống thông qua tâm trí xác định bạn là ai, bạn đã đưa mình vào chiều sâu sắc hơn của sự sống bạn thực sự là ai nằm ở phía sau của suy nghĩ của bạn. Những gì nẩy sinh sau đó chỉ là những quan niệm: Tôi là cái này, tôi là cái kia. Một khi bạn đang bị mắc kẹt trong khái niệm của riêng bạn, mà khái niệm dựa trên suy nghĩ và hình ảnh tâm trí tạo ra, sau đó bạn làm tương tự với những người khác. Đây là sự khởi đầu của sự phán xét về người khác, và rồi bạn tin rằng sự phán xét là sự thật. Đó là sự khởi đầu của sự mê hoặc bản thân mình là ai mà loài người đang cho là đúng.


Oprah: Ông cũng đã nói về cách chúng ta đồng hóa bản thân với danh tiếng trong cuốn sách một thế giới mới, và càng gắn nhiều tên gọi thì càng đồng hóa với nó nhiều hơn

Eckhart: Tất cả bản ngã muốn là trở thành đặc biệt. Nếu nó không thể được đặc biệt bằng cách vượt trội so với những người khác, nó cũng tự hào với những khổ đau đặc biệt nào đó. Ví dụ có người nói, "Tôi bị nhức" và người khác nói, "Tôi cũng đã bị nhức đầu một tuần" Thực tế mọi người cạnh tranh để xem ai là khốn khổ hơn ! bản ngã nào càng thể hiện nhiều hơn người khác thì người đó nghĩ rằng tôi giỏi hơn ngươi khác. Nếu bạn nhận ra trong bản thân mình rằng vô thức cần một cái gì đó đặc biệt, khi đó bạn được tự do, bởi vì khi đó bạn nhận ra tất cả khuân mẫu của bản ngã.

Oprah:Các khuân mẫu khác của bản ngã là gì?

Eckhart: Bản ngã tồn tại phải có thời gian. Bản ngã luôn muốn xung đột với người khác. Nó cần kẻ thù, bởi vì hiện diện thông qua sự thể hiện khác với mọi người. Các quốc gia làm điều đó, các tôn giáo làm điều đó. Nếu bạn đồng hóa với một tôn giáo cụ thể, bạn không tin các tôn giáo khác – để cảm thấy bản thân mình sâu sắc hơn.

Oprah: Bạn đã giải thích điều này rằng bản ngã bắt đầu phát sinh khi một đứa trẻ đầu tiên có một món đồ chơi, và nếu món đồ chơi được lấy đi hoặc không đưa cho nó, nó nói "Không, món đồ chơi đó là của tôi. "

Eckhart: Đó là sự khởi đầu của sự đồng hóa với bản ngã.

Oprah:Và chuyện gì xẩy ra là, tất cả chúng trưởng thành và cũng chỉ tìm kiếm những món đồ chơi lớn hơn.

Eckhart: Đúng vậy. Bản ngã luôn đồng hóa với một hình thức khác nhau, mà có thể là một vật sở hữu như là nhà của tôi, xe của tôi, vân vân... Cảm giác của bạn là ai khi bạn đang có những thứ đó. Khi những thứ đó bị phê phán bởi một ai đó, bạn mãnh liệt phòng thủ hay phản ứng bởi vì cảm giác của bạn tự đang bị đe dọa. Có nhiều khuân mẫu đồng hóa khác nhau, các quan điểm ý kiến cũng là một khuân mẫu của tâm trí tạo ra. "Tôi đúng " điều đó tất nhiên ám chỉ rẳng, người khác chắc phải sai.

Oprah: Nhưng hãy nói cho tôi biết: Khi chúng ta đang trong hình dạng con người này, chúng ta cần bản ngã, nếu không chúng không tiến hóa.

Eckhart: Chúng ta đang tiến hóa thoát khỏi hiện tại. Cái bản ngã đã tồn tại ở đây hàng ngàn năm, và điều đó nghĩa là nó có vị trí của nó trong sự phát triển của nhân loại. Nhưng khả năng suy nghĩ của chúng ta càng ngày nhiều hơn và nhiều hơn nữa, dần dần chúng ta trở nên đồng hóa với những suy nghĩ, và đó là cách chúng ta mất đi sự một sự kết nối sâu sắc hơn với cuộc sống với thiên đường. Tôi tin rằng chúng ta đang ở một giải đoạn chuyển đổi quá trình tiến hóa so với trước đây, có thể vượt qua bản ngã vào một trạng thái mới của tỉnh thức.

Oprah: Ông đã nói rằng chúng ta phải đối mặt rất khắc nghiệt và khó khăn lựa chọn giữa, phát triển hay hủy hoại.

Eckhart: Đây là mấu chốt của sự tiến hóa tỉnh thức, sự tỉnh thức của nhân loại, không còn là một cái gì xa xỉ. Những tác động rối loạn do bản ngã tạo ra đang được khuếch đại bởi thời đại công nghệ cao. Những gì chúng ta đang làm cho chính chúng ta, cho đồng loại của chúng ta, và cho hành tinh này ngày càng trở nên tiêu cực hơn và tàn phá hơn.

Oprah: Đúng thế. Tôi đã có một cuộc trò chuyện với nhà triết học Elie Wiesel, và ông đã nói rằng điều này sẽ được biết đến như là thế kỷ yếu kém bởi vì khả năng của chúng ta làm cho chúng ta suy yếu, đem đến những thức tồi tệ xấu xa tới người khác. Và ông nói đúng: Bởi vì công nghệ, có những quả bom lớn hơn, đạn dược có thể giết chết từ khoảng cách xa hơn.

Eckhart: Đôi khi người ta hỏi tôi là mọi thứ đang trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn, và câu trả lời của tôi là, tại thời điểm hiện tại, nó bảo gồm cả hai, mọi thứ đang trở nên tốt hơn và cũng tồi tệ hơn. Có hai hướng tồn tại tại thời điểm bây giờ: Một dòng là hướng cũ, không giác ngộ, bản ngã chi phối, hướng này vẫn tiếp tục tồn tại, bạn nhìn thấy nó khi bạn xem tin tức hàng ngày. Một hướng khác là chúng ta ngồi đây bây giờ đang nói chuyện, tôi không nói rằng chúng ta là người đặc biệt, nhưng thực tế là chúng ta đang giải quyết vấn đề này và nhiều người đọc nó và nó có ý nghĩa đối với họ, có nghĩa là có một hướng, đó là hướng của nhân loại tỉnh thức. Cả hai đều tồn tại thời điểm này.

Oprah: Làm thế nào để chúng ta có thể không bị chi phối bởi bản ngã? Tôi biết đó là một quá trình lâu dài, những gì chúng tôi có thể bắt đầu làm từ hôm nay?

Eckhart: Bản ngã không thể tồn tại trong sự tĩnh lặng, tĩnh lặng để đưa bạn vào cuộc sống của bạn. Điều đó không có nghĩa sự tĩnh lặng đó là một cái gì đó có được từ bên ngoài, sự tĩnh lặng đó bên dưới suy nghĩ, tất cả mọi người đã có sẵn sự tĩnh lặng.

Oprah: Vì vậy, ông không cần phải đi đến Hawaii và ngồi trên một đỉnh núi.

Eckhart: Không cần, và bạn không phải làm bất cứ điều gì để tạo ra nó bởi vì nó đã có sẵn ở đó. Hãy quan sát sâu vào chính mình và xem cảm nhận của bạn " về bạn " - bạn tự cảm nhận. Tôi là ai này " là liên quan tới sự tĩnh lặng. Bạn chưa từng cảm nhận bản chất thật của bạn hơn khi bạn tĩnh lặng. Bạn có thể mời gọi sự tĩnh lặng trong cuộc sống của bạn bằng cách hít thởi một vài hơi thở có ý thức nhiều lần trong ngày. Chỉ quan sát hơi thở của bạn thở ra thở vào. Một cách khác là cảm thấy sự sống đang diễn da bên trong cơ thể của bạn. Hãy hỏi, Bạn có cảm nhận được sự sống ở đôi bàn tay của bạn không? Và sau đó bạn hãy cảm nhận nó. Nó rất là vi tế, nhưng nó ở đó. Bạn có cảm nhận được nó ở đôi chân, cẳng chân, cánh tay? Bạn có thể cảm nhận toàn bộ bên bộ bên trong cơ thể của bạn được tràn ngập bởi cảm giác của sự sống, và điều đó có thể giúp bạn như là neo giữ vào sự tĩnh lặng. Điều đó không có nghĩa là bạn thoát hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Nó mang lại sự cân bằng trong cuộc sống của bạn giữa sự tĩnh lặng và và có thể giải quyết với mọi việc đang ở đây.

Oprah: Đó là việc tìm kiếm không gian ở giữa.

Eckhart: Đúng vậy. Và bạn cũng có thể trở nhận ra không gian yên lặng ngắn giữa hai suy nghĩ. Khi bạn trở nên có ý thức về điều đó, khi đó không gian tĩnh lặng sẽ trở nên lâu hơn một chút, vì vậy bạn có một khoảng cách dài hơn của sự tĩnh lặng.

Oprah: Nhưng nếu bạn trở nên tĩnh lặng một lúc lâu, khi mà bạn bắt đầu suy nghĩ về nó, bạn sẽ mất không gian tĩnh lặng đó.

Eckhart: Khoảnh khắc bạn nói, "Ồ, hãy nhìn, tôi đang không nghĩ ! " tức là bạn lại bắt đầu nghĩ.

Oprah: Ống có ý gì khi ông viết trong cuốn Sức mạnh của tĩnh lặng "Hãy nhìn vào một cái cây, một bông hoa, cỏ cây, xem sự tĩnh lặng của chúng như thế nào, cách chúng tồn tại. Thiên nhiên chỉ dạy cho bạn sự tĩnh lặng "?

Eckhart: Khi bạn xem một cái cây, chỉ cần có sự hiện diện của ý thức nhận ra cái cây. Thiên nhiên là rất hữu ích cho những ai muốn kết nối với sự tĩnh lặng. Con người tạo ra nhiều thứ, nhiều suy nghĩ hơn vì họ thực hiện thông qua suy nghĩ. Song hành với thiên nhiên. Tới khi nào đó bạn có thể duy trì trạng thái của sự tĩnh lặng thậm chí khi bạn sống giữa một thành phố. Tôi thích đi bộ dọc theo đường phố bận rộn với tiếng ồn như địa ngục và người dân vội vã và cảm nhận được sự sâu lắng của tĩnh lặng bên dưới.

Oprah: Điều đó giống như là ở trong thế giới, nhưng thực ra lại không phải.

Eckhart: Đó chính xác là những gì về nó.

Oprah: Ông đã nói rằng tâm linh không có gì để làm với với những điều bạn tin, tất cả mọi việc làm đó chỉ để tìm lại trạng thái tỉnh thức.

Eckhart: Đó là sự tĩnh lặng, đó là chiều không gian tâm linh.

Oprah: Và niềm tin không phải là tâm linh?

Eckhart: Không, bởi vì niềm tin là những suy nghĩ. Suy nghĩ bản thân nó là không phải là tâm linh, mặc dù đôi khi nó có thể hữu ích vì nó có thể là một sự chỉ hướng. Nếu chúng ta nói, " Tìm sự tĩnh lặng, nó đã có sẵn bên trong bạn ", đó là một suy nghĩ, nhưng suy nghĩ là bên ngoài của sự tĩnh lặng.

Oprah: Đoạn cuối của cuốn sách Thế giới mới ông nói rằng nền tảng cho một thế giới mới là một thiên đường mới, sự tỉnh thức.

Eckhart: Đúng vậy. Đó là một điều tuyệt vời. Chúa Giêsu đã nói, "Thiên đường không đi cùng với những gì quan sát được. Nó đã có sẵn trong bạn. "

Oprah: Sự tĩnh lặng.

Eckhart: Đúng vậy.

Oprah: Ông có nghĩ rằng sẽ không bao giờ có cuộc sống hòa bình trong thời hiện nay, hay là có quá nhiều mục tiêu cao cả?

Eckhart: Thay vì câu hỏi bao giờ có được tự do, bởi vì " bao giờ " là một khoảng thời gian trong tương lai, hãy hỏi xem bạn có thể được tự do tại thời điểm hiện tại. Nơi duy nhất mà bạn có thể hoặc là cần phải tự do ngay bây giờ. Không phải là phần còn lại của cuộc đời bạn. Ngay bây giờ.


By Oprah, O MAGAZINE


https://www.eckharttolle.com/article/Eckhart-Tolle-Oprah-Winfrey-O-Magazine-Interview