Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Sự bình an cuối cùng

Chánh niệm là chìa khóa đưa vào phút giây hiện tại. Không có chánh niệm, chúng ta không thể nhìn thấy thế giới một cách rõ ràng, và chúng ta đánh mất mình trong sự đi rong của tâm thức. Urgyen, một vị thầy về Đại Toàn Thiện của Phật giáo Tây Tạng, nói: “Có một thứ chúng ta luôn luôn cần, đó là người canh giữ có tên là Chánh niệm-người canh giữ luôn luôn xem chừng khi nào chúng ta bị sự xao lãng lôi đi”.
Chánh niệm là tính chất và sức mạnh của tâm tỉnh giác sâu xa về điều đang xảy ra-không phê phán, không can thiệp. Nó giống như một tấm gương chỉ phản chiếu những gì hiện ra trước nó. Nó phục vụ chúng ta một cách khiêm tốn nhất, giữ cho chúng ta kết nối với cả những sự việc như đánh răng hay uống cà phê buổi sáng.
Chánh niệm cũng giữ cho chúng ta kết nối với những người xung quanh chúng ta không bị họ cuốn đi trong sự bận rộn của đời sống. Đức Dalai Lama là một biểu hiện đẹp đẽ của tình chất quan tâm chăm sóc này. Sau một cuộc hội nghị ở Arizona, Ngài mời tất cả nhân viên của khách sạn họp lại ở hành lang để Ngài chào hỏi mọi người trước khi từ giã.
Chánh niệm là nền tảng cho hành động sáng suốt. Khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng điều đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trí tuệ có thể soi sáng cho chúng ta trong sự chọn lựa và hành động, không để cho chúng ta bị những thói quen điều khiển. Và ở mức cao nhất, Đức Phật nói về chánh niệm như là một con đường trực tiếp đưa đến giác ngộ: “Đây là con đường thẳng để tịnh hóa, để vượt qua những khổ đau phiền não, để làm tan biến sự đau buồn, để chứng Đạo, để mở ra Niết-bàn”.
Tôi bắt đầu tham thiền khi sinh hoạt trong Peace Corps ở Thái Lan. Lúc đó tôi rất hăng say thảo luận về triết lý. Khi tôi viếng các vị sư lần đầu tiên, tôi mang theo cuốn Ethics của Spinoza, nghĩ rằng sẽ đưa vào những cuộc tranh luận. Tôi bắt đầu đến với những nhóm thảo luận cho người Tây phương được tổ chức tại một ngôi chùa ở Bangkok. Tôi dai dẳng đặt ra những câu hỏi khiến cho những người khác không đến với nhóm nữa. Cuối cùng một nhà sư đề nghị: “Tại sao anh không tập tham thiền?”.
Lúc đó tôi không biết gì về tham thiền, và tôi bị kích thích bởi một sự thực hành khác lạ của Đông phương. Tôi gom mọi đồ dùng cá nhân lại một chỗ, ngồi trên chiếc đệm thiền, để đồng hồ báo sau năm phút. Tôi kinh ngạc, một điều gì đó quan trọng xảy ra chỉ trong năm phút. Lần đầu tiên, tôi nhận ra có một con đường để nhìn vào bên trong. Có một lối vào để thăm dò bản chất của tâm.
Nhận ra điều này là khúc quanh cho đời sống tâm linh của mỗi người. Chúng ta đạt đến một điểm nào đó trong cuộc đời khi có một thứ gì đó kết vào, và chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với chúng ta: “Vâng, tôi có thể thực hiện điều này”. Tất cả những thứ đó thật là mới mẽ và đáng lưu ý đối với tôi.

Tu tập chánh niệm

Chúng ta có thể bắt đầu tu tập thiền chánh niệm chỉ với việc quan sát và cảm nhận mỗi hơi thở. Thở vào, biết chúng ta đang thở vào, thở ra, biết chúng ta đang thở ra. Rất đơn giản, nhưng không phải dễ. Chỉ sau vài hơi thở, chúng ta sẽ nhảy phóc lên con tàu của sự liên tưởng, chìm mất trong những dự định, ký ức, đánh giá,phê bình, tưởng tượng. Có những lúc chúng ta giống như đang ngồi trong một rạp chiếu bóng với những cuốn phim luôn luôn thay đổi chỉ trong vài phút. Tâm chúng ta như vậy đó. Chúng ta không muốn ngồi lại trong một rạp chiếu bóng mà những cuốn phim thay đổi thật nhanh, nhưng chúng ta có thể làm gì với phòng chiếu ở bên trong?’
Thói quen dong ruổi không ngừng nghỉ của tâm chúng ta rất mạnh, ngay cả khi những cuộc dong ruổi đó không phải là vui và mặc dù hầu hết là không thật, như Mark Twain có lần nói: “Một số những sự việc tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi là những sự việc không bao giờ xảy ra”. Chúng ta cần rèn luyện tâm chúng ta, trở lại và trở lại với hơi thở và chỉ đơn giản là quay trở lại.
Khi tâm chúng ta dần dần dừng lại, chúng ta bắt đầu kinh nghiệm một mức độ nào đó của sự tĩnh lặng và bình an. Từ chỗ tĩnh lặng lớn hơn đó, chúng ta cảm nhận thân thể của chúng ta trực tiếp hơn và bắt đầu nhìn ra những cảm thọ vui và cả không vui khởi lên. Mới đầu, chúng ta có thể phản ứng lại những cảm thọ không vui, nhưng nói chung, chúng ta không lưu lại lâu. Chúng ta ở đó một lúc, chúng ta cảm nhận chúng, thấy rằng chúng ta là không vui, rồi chúng ra đi. Và ngay cả khi chúng khởi lên nhiều lần, chúng ta sẽ nhìn thấy bản chất vô thường, vô ngã của chúng, và chúng ta bớt đi nỗi sợ việc cảm nhận chúng.
Tiến xa hơn trong việc thực hành là trở nên thức tỉnh trước những niệm tưởng và cảm xúc, những hoạt động nội tâm tràn ngập không ngừng ảnh hưởng lên tâm, thân và đời sống của chúng ta. Có khi nào bạn dừng lại để quan sát xem một niệm tưởng là gì-không phải quan sát nội dung của nó, nhưng quan sát bản chất thật sự của nó? Có ít người thật sự đặt câu hỏi: “Một niệm tưởng là gì?” điều xảy ra rất nhiều lần trong một ngày, mà chúng ta không để nhiều quan tâm, là cái gì?
Không nhận biết những niệm tưởng nảy sinh trong tâm, cũng không nhận biết bản chất thật sự của niệm tưởng, chúng ta cho phép chúng thống trị cuộc sống của chúng ta. Niệm tưởng sai sử chúng ta làm điều này, nói điều kia, đi đến chỗ này, dời đến chỗ nọ, lèo lái chúng ta như thể chúng ta là những kẻ tôi tớ phục vụ cho chúng.
Khi chúng ta để tâm theo dõi sự khởi lên và biến mất của niệm tưởng, chúng ta bắt đầu nhìn thấy bản chất rỗng không của chúng. Chúng giống như những chiếc bong bóng khởi lên trong tâm, không có tự ngã.
Giống như người phù thủy toàn năng núp phía sau bức màn trong cuốn phim The Wizard of Oz, quyền năng mà những niệm tưởng có được là quyền năng do chúng ta ban cho chúng Mọi niệm tưởng đến rồi đi. Chúng ta có thể học tập để có cái thấy rõ ràng, trong trẻo về chúng và không bị cái tâm đầy niệm tưởng lăng xăng đó cuốn đi. Với chánh niệm, chúng ta có thể nhận thức một cách sáng suốt để lựa chọn điều gì nên thực hiện và điều gì nên từ bỏ.

Ứng phó với cảm xúc

Cũng như đối với niệm tưởng, chúng ta có thể rèn luyện để giữ chánh niệm trước những cảm xúc, những năng lượng mạnh mẽ tràn qua thân và tâm chúng ta như những đợt sóng. Chúng ta kinh nghiệm những cảm xúc đó, đôi khi chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi: giận dữ, kích động, buồn bã, sầu khổ, thương yêu, vui vẻ,trắc ẩn, ghen tuông, hạnh phúc, thích thú, buồn chán. Có những cảm xúc đẹp và những cảm xúc không vừa ý-và phần lớn, chúng ta bị sức mạnh của chúng và những nguyên nhân làm cho chúng khởi lên vồ lấy.
Chúng ta dễ đánh mất mình trong sự cường điệu của chính mình. Chúng ta dừng lại để nhìn vào hoạt động của cảm xúc. Buồn là gì? Giận là gì? Việc nhìn thấy sâu xa hơn đòi hỏi không phải nhìn vào “tình tiết” của cảm xúc, nhưng là nhìn vào cách cảm xúc biểu lộ trong tâm và thân của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chú ý đến việc khám phá bản chất thật sự của cảm xúc.
Theo nhà sư người Hoa Kỳ Ajahn Sumedho, trong khoảnh khắc tức giận hay hạnh phúc, chúng ta chỉ cần lưu ý: “Tức giận giống như thế này”, “Hạnh phúc giống như thế kia”. Tiếp cận với đời sống cảm xúc theo cách này hoàn toàn khác với bị chìm đắm dưới sức mạnh của cảm giác hoặc bị bắt lao theo sự luôn luôn biến đổi của tâm. Để thực hiện điều đó, chúng ta cần tu tập chánh niệm, chú ý và tập trung. Chúng ta không nên tìm cách cố gắng đè bẹp hay tống khứ cảm xúc. Tiến trình thiền quán là một sự mở cửa cho cảm giác. Từ cái nhìn thiền quán, câu hỏi được đặt ra là: “Tôi liên hệ với cảm xúc này như thế nào?Phải chăng tôi hoàn toàn đồng nhất với nó; hoặc phải chăng tâm tôi đủ rộng lớn để cảm nhận nỗi buồn, cơn giận, niềm vui, tình thương mà không bị trấn áp?”.

Tu tập hạnh xả bỏ

Khi tham thiền, hãy giữ sự chú tâm vào điều đang xảy ra: hơi thở, cảm thọ về thân, một niệm tưởng, một cảm xúc, và ngay cả chính sự nhận biết. Khi chúng ta giữ được một mức độ nào đó của chánh niệm và chấp nhận điều đang xảy ra,trong lúc tham thiền cũng như trong cuộc sống, chúng ta ít bị điều khiển bởi những sức mạnh từ khước hay chạy theo,hai sức mạnh lèo lái cuộc sống nhiều nhất. Trong tham thiền, chúng ta muốn nhận biết mọi điều đang xảy ra, cùng hiện diện với chúng, nhưng không bị chúng trói buộc. Chúng ta tu tập hạnh xả bỏ.
Một tính chất khác được phát triển trong tiến trình tham thiền là khả năng nhìn thấy sự hài hước về tâm, về cuộc sóng, và về những định kiến của chúng ta. Hài hước là một tính chất thiết yếu trên con đường tâm linh.Nếu hiện tại chúng ta không có tâm hài hước, tham thiền một thời gian thì chúng ta sẽ có, bởi vì khó mà nhìn vào tâm một cách vững chãi, điềm tĩnh và có phương pháp nếu không biết mỉm cười. Có người hỏi Lão sư Sasaki rằng ngài có khi nào đi xem phim không. Ngài trả lời: “Không. Tôi trả lời phỏng vấn”.
Vài năm trước, tôi tham dự khóa tịnh tu với Thiền sư Miến điện Sayadaw U Pandita. Ngài là một vị thầy nghiêm khắc, và mọi người tham dự khóa tịnh tu đều giữ rất im lặng, bước đi chậm rãi, và cố gắng giữ chánh niệm hoàn toàn. Đó là một khóa tu nghiêm mật. Trong giờ ăn, chúng tôi yên lặng bước vào phòng ăn, lấy thức ăn, giữ chánh niệm trong mỗi động tác.
Một ngày kia, người xếp hàng trước tôi bước đến bàn, mở nắp thùng thức ăn. Khi anh đặt chiếc nắp lên bàn thì nó rơi xuống sàn, tạo nên một tiếng ồn lớn. Một niệm liền khởi lên tâm tôi: “Không phải tôi làm!”. Niệm đó đến từ đâu? Với sự thức tỉnh, một người chỉ có thể mỉm cười với những vị khách không mời mà đến trong tâm như vậy.
Qua sự tu tập thiền quán, chúng ta sẽ thấy toàn bộ những hoạt động của tâm, những hình thức thô kệch cũng như những niệm tưởng và cảm thọ lành mạnh. Chúng ta biết cách hiện diện cùng với toàn bộ khung cảnh đang xảy ra. Khi biết chấp nhận nhiều hơn, chúng ta sẽ có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn đối với những gì xảy ra. Và càng có cái nhìn nhẹ nhàng và biết chấp nhận hơn với chính bản thân, chúng ta sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng và biết chấp nhận hơn đối với người khác. Chúng ta sẽ không có khuynh hướng đánh giá tâm thức của người khác một khi chúng ta đã nhìn thấy kỹ lưỡng tâm thức của chúng ta. Thi sĩ W.H. Auden nói: “Hãy thương yêu người hàng xóm cong vẹo của bạn bằng cả con tim cong vẹo của bạn”. Bao dung chấp nhận không có nghĩa là chúng ta hành xử với mọi sự việc đều như nhau. Tâm tỉnh thức cho chúng ta sự lựa chọn sáng suốt; chúng ta có thể lựa chọn giữa những gì có thể phát triển, trau dồi và những gì nên từ bỏ.
Giống như những thấu kính hội tụ của kính hiển vi cho phép chúng ta nhìn thấy những tầng bị che khuất của thực tại, sự tập trung của tâm sẽ mở ra cho chúng ta những tầng thể nghiệm sâu hơn và những hoạt động vi tế hơn của niệm tưởng và cảm xúc. Một trong những món quà của giáo pháp là luôn nhắc nhở rằng mỗi và mọi người trong chúng ta đều có thể thực hiện điều đó.

Thực hành hàng ngày

Với cuộc sống bận rộn trong thế giới phức tạp và xáo trộn ngày nay, đâu là những bước tu tập chúng ta có thể thực hành?
Trước tiên chúng ta cần lên chương trình về thời gian tham thiền thường xuyên mỗi ngày. Điều này đòi hỏi kỹ luật. Để ra một khoảng thời gian mỗi ngày cho tham thiền không phải là việc dễ thực hiện; quá nhiều việc khác réo gọi chúng ta. Nhưng cũng như bất cứ sự rèn luyện nào, nếu chúng ta thực tập thường xuyên, chúng ta sẽ hưởng được kết quả. Dĩ nhiên không phải lúc nào ngồi là có thể tập trung. Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn chán hoặc không yên. Đó là những trạng thái lên xuống không tránh khỏi khi tu tập. Chính sự kiên trì và thường xuyên là điều quan trọng.
Sự rèn luyện trong tham thiền chỉ có thể xảy ra qua cố gắng cá nhân. Không người nào khác có thể làm điều đó cho chúng ta. Có nhiều kỹ thuật và truyền thống, và chúng ta có thể chọn một con đường thích hợp nhất cho mình. Nhưng sự thực hành thường xuyên vẫn là điều thiết yếu đưa đến chuyển hóa. Nếu chúng ta thực hành, sự chuyển hóa sẽ xảy đến; nếu không thực hành, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong tình trạng bị điều khiển.
Bước tiếp theo là tập duy trì chánh niệm và thức giác về thân trong mọi lúc. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường đánh mất mình trong những niệm tưởng về quá khứ hay vị lai. Tâm của chúng ta chạy trước chúng ta, hướng vào nơi chúng ta muốn đến thay vì dừng lại ở thân là chỗ chúng ta đang hiện diện.
Đức Phật đã trình bày rõ ràng và nhấn mạnh về sự tu tập này: “Chánh niệm về thân đưa đến Niết bàn”. Đây không phải là việc tu tập cạn cợt. Chánh niệm về thân giúp chúng ta hiện diện, và từ đó chúng ta biết điều gì xảy ra. Sự tu tập khó nhớ nhưng không khó thực hành. Đây là toàn bộ sự tu tập: ngồi đều đặn thường xuyên và giữ chánh niệm về thân trong mọi lúc.
Để phát triển định tâm và chánh niệm, để hiện diện nhiều hơn nơi thân, và để có sự tiếp cận thiện xảo với tưởng niệm và cảm xúc, chúng ta không những thực hành mỗi ngày, mà còn cần những khóa tịnh tu. Thỉnh thoảng thoát ra ngoài sự bận rộn của đời sống để tham dự những khóa tu tập nghiêm mật sẽ giúp rất nhiều cho chúng ta. Thời gian tịnh tu không phải là một sự xa xỉ. Nếu chúng ta dấn thân một cách chân thật và sâu xa cho sự giác ngộ giải thoát, tịnh tu là một phần thiết yếu trên con đường.
Chúng ta cần tạo một sự nhịp nhàng cho đời sống của chúng ta, thiết lập sự quân bình giữa thời gian lăn mình trong công việc thế gian và thời gian quay vào bên trong. Rumi, một thi sĩ thuộc giáo phái Sufi Hồi giáo, nói: “Một khoảng thời gian ngắn sống một mình sẽ có giá trị hơn bất cứ điều gì khác mà bạn được ban cho”.■

Joseph Goldstein

Thị Giới dịch (từ The Best Buddhist Writing 2008, edited by Melvin McLeod and the Editors of the Shambhala Sun)

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 91
http://tapchivanhoaphatgiao.com/

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

ĐI TÌM HẠNH PHÚC

... Bức tranh trần thế luôn hiện hữu sống động tại đây và bây giờ...Ba thời, quá khứ, hiện tại, vị lai xảy ra trong từng sát na tạo nên khúc nhạc vô thường. Đó là cung điệu dặt dìu mất biên giới thời gian, như những giọt sương thu long lanh đậu trên búp non hoa lá, tuy hiện diện hoang sơ trong từng sát na hiện thực, nhưng khoảnh khắc an nhiên tịch tịnh đã trở thành thiên thu bất tử...




ĐI TÌM HẠNH PHÚC

Trời vào thu,
Trong xanh, gió mát
Từng chiếc lá rơi...rơi...
---
Chim trên cành
Hót véo von!
Rồi bay mất...
---
Cơn gió thoảng
Thấm thịt da...mát...lạnh!!
Đến rồi đi...
---
Lặng lẽ,
Nhìn giọt thu,
Trôi qua...Trôi qua...

Bức tranh trần thế luôn hiện hữu sống động tại đây và bây giờ...Ba thời, quá khứ, hiện tại, vị lai xảy ra trong từng sát na tạo nên khúc nhạc vô thường. Đó là cung điệu dặt dìu mất biên giới thời gian, như những giọt sương thu long lanh đậu trên búp non hoa lá, tuy hiện diện hoang sơ trong từng sát na hiện thực, nhưng khoảnh khắc an nhiên tịch tịnh đã trở thành thiên thu bất tử.
Nàng gẫm lại chuỗi ngày đã lần lượt xảy ra trong đời như thể mới hôm qua.
Sinh ra và lớn lên ở Sydney. Nàng được giáo dục bởi hai nền văn minh Âu Á. Mang trong mình dòng máu Á châu, tuy sống ở phương Tây với tánh sôi nổi, phóng khoáng nhưng vẫn còn lại nét kín đáo, e thẹn, nhu mì của người con gái Đông phương thuần thục.
Ngay từ nhỏ, nàng rất yêu thích môn tiếng Việt, thích đọc tiểu thuyết, văn thơ, bằng tiếng Việt, ba mẹ rất cưng chìu, nên thời ấu thơ là những ngày thần tiên được nâng niu chìu chuộng. Nhưng tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, nàng vẫn ưu tư thầm hỏi: "Hạnh phúc là gì?". Biết bao lần ngồi trầm ngâm bên song cửa sổ, ngước lên bầu trời trong xanh mây trắng để nàng thắc mắc con người đến Trần gian này với mục đích gì? Ý nghĩa thật sự của cuộc đời là gì? Cứ xoay vần từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi theo khuôn khổ giáo điều mà gia đình Xã hội đã đặt ra cho hết kiếp người. Phải chăng để loay hoay trong vòng trói buộc, cho đó là bến bờ an vui khi lập được công danh, đắp xây hạnh phúc gia đình, sanh con đẻ cái rồi trở về cát bụi. Câu trả lời là một bí mật, là một nỗi chán chường rời rã, như hàng cây cổ thụ trăm năm già khụ, đứng im lặng cuối đầu làm nhân chứng cho những chuyến xe ngược xuôi trong đêm trừ tịch quẩn quanh sầu phố bụi. Lý tưởng chưa thành thì bóng dâu đã xế, mang theo ý niệm thành dòng chảy không ngưng, là hình ảnh sắt se của nhành liễu rũ phân ly vĩnh biệt.
"Đi tìm kiếm hạnh phúc. Phải đi tìm hạnh phúc."
Nàng bắt đầu sự kiếm tìm vô hạn giữa mịt mù hữu hạn của kiếp nhân sinh.
Những năm ở Đại học, nhiều lần nàng muốn bỏ ngang nữa chừng để thực hiện ước mơ. Nhưng ba mẹ muốn nàng phải hoàn tất mảnh bằng Đại học.
Rồi ngày tốt nghiệp cũng tới, nàng thưa với ba mẹ:
- Con đã hoàn thành những gì ba mẹ đợi mong. Và bây giờ xin cho con thực hiện những điều con mơ ước...
- Con đã đủ lông đủ cánh. Nhưng từ đây con tự lo liệu lấy...Ba cố lấy giọng thản nhiên nói chuyện với con, trong khi mẹ quay mặt đi im lặng.
Không một lời đáp lại vì bản tính bướng gàn kiêu hãnh, nàng hiểu mình phải tự lập. Tốt nghiệp Đại học hạng ưu rồi được một công ty offer vào làm việc. Lao vào xã hội dành dụm được một ít tiền, nàng cùng cô bạn gái thời sinh viên thực hiện chuyến du lịch vòng quanh thế giới, để tìm cái mà từ lâu nàng ước ao gọi là " hạnh phúc"...
Họ đã dấn thân qua khá nhiều quốc gia. Để có tiền và thực hiện nhiều cuộc hành trình, đến nơi nào họ xin dạy Anh Văn nơi đó và kèm theo job partime... Cứ thế.... Nàng vẫn chưa thỏa mãn niềm mơ ước. Từng ngày trôi qua là một chiếc lá rời cành. Mỗi lần rộng mở cõi lòng nơi sở làm, biết quên mình để đóng góp cho đời, nàng chỉ nhận lại những dằng dặc tủi hờn xa lạ. Nàng phải tập quen dần với một xã hội mang hai mặt xấu tốt, khen chê, tật đố tương phản nhau không có chỗ trung gian. Đêm đêm nằm lắng đọng lại bao kỹ niệm hôm từ giã gia đình. Mẹ đã quay mặt giấu che nước mắt, nuốt ngược lệ vào tim để cho con được trưởng thành tự do trải nghiệm đời con. Đối diện với nỗi cô đơn khoảng trống của tâm hồn, nàng lại tìm cách lấp đầy những tạm bợ mong manh bằng cách di chuyển đến quốc gia xa lạ. Nàng ước mơ có một đại gia đình ấm cúng, tất cả thành viên là toàn thể con người trên trái đất, liên kết cùng nhau trong loại tình thương bình đẳng đại đồng.
Nàng có biết đâu những kiếm tìm chỉ là ảo ảnh, như kẻ lạc đường đi trong sa mạc, như ngọn sóng bạc đầu mãi gầm thét vươn tay chới với, quên mất lòng biển sâu thanh tịnh mênh mông mới là chân hạnh phúc vi diệu ngọt ngào. Đi hay về cùng một nghĩa như nhau. Chưa nhìn rõ mặt mình sao cứ muốn thăng hoa ước mơ về nẽo khác.
Gần 5 năm đi tìm cái bóng hạnh phúc nơi ồn ào náo động để thỏa mãn tham vọng riêng tư mà nàng cho rằng mình đang đi tìm hạnh phúc. Nàng chưa hiểu được chỉ cần nội tâm ổn định, tỉnh thức thân tâm từng phút giây động tịnh và trong sáng, không buông lung phóng dật theo bên ngoài, là chân hạnh phúc hiện ra ngay nơi không tìm kiếm, hiện ra ngay cái đang là.
Hạnh phúc không có khoảng cách để đi đến nên không phải là một nơi chốn để kiếm tìm. Hạnh phúc không phải để ta phải hướng vọng về phía trước, mà chính là ở ngay nơi đó hồi đầu. Nàng đã hành động chìu theo ý muốn của mình và đã bị ràng buộc trong chính ý muốn ấy, nên nàng đã mất hạnh phúc ngay từ khởi điểm.
Quá mệt mỏi vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ chị nhớ em. Nàng trở về thăm nhà, dự tính nghỉ ngơi vài tuần rồi sẽ thực hiện những chuyến đi kế tiếp.
Mẹ đứng sững nhìn nàng đôi môi mấp máy run run không thốt được nửa lời! Bất chợt mĩm cười sung sướng, mẹ dang rộng đôi tay khi lệ chảy thành hàng trên khóe mắt chân chim. Con hiểu trái tim mẹ luôn theo sát gót chân con trên nẽo đường xuôi ngược, Mẹ ơi! Con thèm được khóc! Con thèm được sà vào lòng mẹ, như ngày xưa mẹ thường lau nước mắt cho con. Thời gian lưu lạc bốn phương trời, con có được gì đâu ngoài trái tim hằn sâu nhiều vết cứa! Hạnh phúc con là những tiếng thở dài theo từng bước chân qua. Con nhớ ba nhiều lắm! Những tự đại khát khao thầm kín, con phải đi khám phá chân lý cuộc đời, đã ngăn lại những lời than vãn của con.
Mẹ nàng thường vào trang Pháp thoại của website "trungtamhotong.org", vặn lên nghe để học hỏi. Nàng cũng nghe, nhưng không có sự chú tâm nên chẳng hiểu những bài Pháp thoại đó ám chỉ điều gì?
Chiều nay, nàng đang tựa cửa, từng chiếc lá vàng lìa cành nhảy múa theo cơn gió đang rung điệu nhạc rì rào, lã lướt vũ khúc ngoài song trước khi nằm gọn trong vòng tay bao dung của đất. Văng vẳng bên tai: "...Lắng nghe từng cơn gió thoảng, vẻ đẹp chiếc lá vàng rơi...". Thảng thốt đến độ nàng giật run bắn cả người:" A! Nó đây rồi! ". Nàng vừa chợt nhận ra một điều gì đó mới mẽ tuyệt vời bừng bừng ngay phút giây hiện tại... Một trạng thái im lặng tuyệt đối! Ta đã chết trong khoảnh khắc mà không và thời gian mất dấu, chỉ còn lại sự sống bao la, phong phú, tịch tịnh ngập tràn chân phúc.

Chiếc lá vàng buông mình chơi trong gió
Vẫy tay chào bày tỏ cuộc tương giao
Rồi luân hồi theo điệp khúc tiêu dao
Lại nhập cuộc như thuở nào tịch tĩnh.




Nàng chợt ngộ ra "Bình thường tâm thị đạo"! Vẫn ung dung thoải mái sống bình thường trở về tự tánh vốn đã muôn đời thanh tịnh. Sống xả ly dứt khoát những đại mộng phi thường, bất thường và tầm thường, để an nhiên trở lại với cái bình thường. Nhưng bình thường không có nghĩa là buông xuôi để bị cuốn trôi theo dòng nghiệp mệnh. Dĩ nhiên trong cuộc sống nhiều lúc nàng phải tranh đấu để có miếng ăn. Nhưng tranh đấu không phải là tranh giành, thủ đoạn, mà chỉ là sự siêng năng cần mẫn để chịu đựng những khó khăn với lòng kiên nhẫn bao dung. Trong đôi mắt xanh nhìn đời luôn mới mẻ, thật ngạc nhiên pha lẫn nét hồn nhiên.. Nàng đã hiểu vẻ đẹp ngàn đời còn nguyên vẹn đó. Vấn đề là nàng cần phải trải nghiệm, mới hòa nhập vào thế giới bình thường muôn thuở của:

Tự do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau
* (Viên Minh)




Viên Hướng - Như Tuệ

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Chỉ có trí tuệ mới hiểu

Một khi đã hiểu được vấn đề hay một tình huống xung đột,tâm sẽ được giải thoát khỏi đau khổ (do xung đột đó gây ra cho mình). Chỉ khi đó nó mới không còn phản ứng lại mỗi khi gặp những tình huống như vậy nữa. Để có được tầm mức trí tuệ này tất nhiên không phải là chuyện dễ. Thực hành theo cách này có thể sẽ tương đối khó, nhất là trong giai đoạn đầu. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn và duy trì thực hành đều đặn.


Thiền sinh: Chúng ta vẫn thường nói đến sự xung đột giữa thói quen và vô thức luôn luôn thúc đẩy mình phải hành động theo một kiểu nhất định nào đó, và tâm thiền luôn cố gắng huân tập những thói quen mới, cố gắng thực hành thiền Vipassanā. Có một cách nào khác hay một công cụ nào khác ngoài Định lực (sự tập trung) để giải quyết những xung đột đó mà không cản trở sự tiến bộ trong thiền hay không?

Thiền sư: Có hai cách để thay đổi thói quen, một là dùng Định, hai là dùng Tuệ. Rắc rối với cách dùng Định là nó chỉ tạm thời trấn áp xung đột mà thôi. Nếu bạn rất giỏi về Định, bạn có thể làm được điều đó cả trong một thời gian dài. Nhưng cách này lại chẳng giải quyết được những căn nguyên, gốc rễ của xung đột. Vì thế xung đột đó sẽ lại nổi lên với sức mạnh nguyên xi như cũ nếu bạn không thực hành thiền định nữa. Chỉ khi chúng ta nhìn vào sự việc một cách phân tích thì mới học hiểu ra được những điều kiện và nguyên nhân đằng sau của nó và mới phát triển được trí tuệ cần thiết nhằm giải phóng tâm mình khỏi những xung đột đó. Định chỉ cố gắng khu trú, cách ly xung đột, còn tuệ mới thấu hiểu nó.

Thiền sinh: Mỗi khi con bị bất cứ một cảm giác đau nào, bất cứ là đau ở thân hay đau đớn về tình cảm, thì ngay lập tức trong con luôn có sự phản ứng lại tức thời. Nó xảy ra rất nhanh và rất là tự động, những phản ứng tâm lý đó nhanh và mạnh đến mức con chẳng thể áp dụng được cách tư duy của thiền Vipassanā vào đó nữa. Con thấy hình như thực hành thiền chỉ (Samatha) có lẽ lại là một cách hay để đối phó với những tình huống như vậy, nó giúp mình tạm thời bình tĩnh trở lại.

Thiền sư: Thiền Vipassanā không phải chỉ mỗi ngồi và quán sát. Trong những tình huống như thế, bạn cần tự nhắc mình có thái độ đúng đắn đối với những gì đang xảy ra. Bạn phải thừa nhận những gì đang diễn ra và chấp nhận nó- như nó đang là. Rồi sau đó xem xét những gì đang diễn ra và cố gắng học hỏi từ nó, cố gắng hiểu bản chất của thể loại tâm đó, cố gắng thấu hiểu hoạt động của nó như thế nào. Nhưng điều này cần phải có thời gian, cần có rất nhiều lần quán sát như thế nữa thì sự hiểu biết mới thực sự này sinh được. Một khi đã hiểu được vấn đề hay một tình huống xung đột,tâm sẽ được giải thoát khỏi đau khổ (do xung đột đó gây ra cho mình). Chỉ khi đó nó mới không còn phản ứng lại mỗi khi gặp những tình huống như vậy nữa. Để có được tầm mức trí tuệ này tất nhiên không phải là chuyện dễ. Thực hành theo cách này có thể sẽ tương đối khó, nhất là trong giai đoạn đầu. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn và duy trì thực hành đều đặn.

Thiền sinh: Bạch thầy, con có một kinh nghiệm rất hay ngày hôm qua và con không biết đó có phải là tuệ giác hay không. Bỗng nhiên con thấy ra con đang chấp giữ một suy nghĩ là khóa thiền của mình ở đây đã hoàn toàn thất bại, chẳng đạt được tiến bộ nào cả. Điều đó đã giáng cho con một đòn rất đau, con rất đau đớn khi nhận ra rằng mình đã ôm giữ cái tà kiến đó bao lâu nay. Nhưng trong những giờ thiền sau đó, tâm con trở nên rộng mở hơn và nhạy cảm hơn. Con có thể cảm nhận được làn gió mát trên làn da mình và đi lại chậm rãi hơn, bình thường thì con đi nhanh lắm. Khi tiếp xúc với người khác, con có thể cảm nhận được những phản ứng rất vi tế trong tâm mình và thấy được những thứ ở trong tâm mà bình thường trước kia con không thấy được.Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn trước nhiều. Thực ra con cũng không biết chắc được đó có phải là một tuệ giác không.

Thiền sư: Đúng,đó chính là tuệ giác. Khi một tuệ giác khởi sanh, nó đem lại cho tâm nhiều sức mạnh; nó làm tăng cường những phẩm chất tốt đẹp trong tâm. Cung cách của tâm mình thay đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng ghê gớm, thay cách một cách đáng kinh ngạc đúng không? Chỉ có những hiểu biết thực sự mới có những tác động lớn lao như vậy đến tâm mình. Khi chứng nghiệm được một điều gì đó một cách rõ ràng như vậy thì đó chính là tuệ giác đấy. Người ta không thể chắc chắn lắm liệu một kinh nghiệm nào đó có phải là kết quả của một tuệ giác hay không – như trong trường hợp của bạn chẳng hạn – nhưng không thể nghi ngờ gì về sự thực những điều bạn đã nhận ra, đúng không?

Thiền sinh: Dạ, vâng. Đúng như thế ạ.

Thiền sư: Đó chỉ mới là một tuệ giác nhỏ mà thôi. Hãy thử nghĩ xem một tuệ minh sát, một tuệ giác xuyên thấu đến bản chất của các Pháp còn có tác động ghê gớm như thế nào nữa.
Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Tác giả: Sayadaw Ashin Tejaniya

Người dịch: Tỳ kheo Tâm Pháp

Bước vào suối mát ta chơi

Có lần vào một tiệm sách, thấy trên tường có treo một thư pháp thật đẹp viết “Dẫu biết vô thường sao lòng vẫn xót xa”. Tôi chợt nghĩ, có phải “lòng ta cảm thấy xót xa” vì cuộc đời vô thường và có nhiều thay đổi như câu thư pháp ấy viết không? Hay vì một nguyên nhân nào khác?

Thay đổi là sự tự nhiên
Nơi tôi ở có bốn mùa rõ rệt. Có những tháng tuyết rơi thật cao ngập trắng và xóa hết đường phố, rồi mùa xuân có hoa nở đủ sắc màu với những cành lá non tươi màu xanh mạ, và mùa hè về cây cỏ xanh rì soi bóng bên dòng suối trong mát. Và vào tháng này trời nơi đây đã bắt đầu vào thu. Tôi biết vài tuần nữa thôi, ngàn lá bên khu rừng nhỏ sau nhà sẽ đổi muôn màu, chúng rụng bay khắp trời, để lại một rừng cây trơ trọi khi trời trở lạnh và ngày ngắn đi hơn.
Tôi thấy rõ được sự đổi thay của bốn mùa, nhưng tôi không cảm nhận nó là vô thường. Bốn mùa thay đổi tự nhiên. Một buổi sáng vào thu nhìn những chiếc lá sắc màu dưới bước chân đi, tôi cảm thấy cái đẹp nhiệm mầu của thiên nhiên, của sự sống.
Tôi nghĩ, chúng ta thường chỉ nhắc đến vô thường khi nào có những việc gì xảy đến bất ngờ với mình. Một hôm trở về khu phố cũ, căn nhà ngày xưa giờ đã nhiều biến đổi, nhìn cánh cửa sổ, tấm sáo quen thuộc ngày nào… tôi chợt cảm thấy cuộc đời qua nhanh. Ta cảm thấy phiền muộn trước những đổi thay nào mà mình không muốn, hoặc không chấp nhận. Và đó mới là nguyên nhân của khổ đau.
Trong Kinh A Hàm, có lần ông Thôn trưởng Na Ca Dà hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, nguyên nhân nào khích động các khổ?
Phật hỏi ông:
- Nếu trong thôn ông có người chết hoặc có người bị tai nạn, ông có buồn khổ không?
- Bạch Thế Tôn, có khi buồn khổ, có khi không.
- Tại sao?
- Nếu những người chết hoặc bị tai nạn ấy là bà con thân quyến của con thì con buồn khổ. Trái lại thì con không buồn khổ.
Phật đáp:
- Gốc của sự buồn khổ là do lòng dính mắc vậy.
Như vậy thì sự đổi thay, chưa chắc sẽ mang lại cho ta khổ đau, nhưng chính những dính mắc của mình mới là nguyên nhân chánh.


Nghệ thuật buông xả

Và vì vậy, muốn có hạnh phúc và được an tĩnh trong cuộc sống chúng ta phải biết tập buông bỏ những vướng mắc, mong cầu trong tâm mình. Vì đó mới là nguyên nhân chính của khổ đau.
Nhưng chúng ta có thể buông bỏ được chăng? Các vị thiền sư thường dạy chúng ta một phương cách buông xả tuyệt vời nhất là hãy để cho thực tại được như nó là. Buông xả không phải là một phương cách để xử lý đối tượng hay chuyển hóa hoàn cảnh xảy ra, mà là một thái độ tiếp nhận trong sáng của tâm mình. Buông xả không phải là một sự dụng công nào của cái tôi, của bản ngã, mà chỉ là một thái độ tự nhiên.
Khi đứng trước những mất mát thay đổi, nếu trong tâm không an tĩnh thì ta thấy mình không an tĩnh, không sáng suốt thì thấy không sáng suốt, tâm phiền não thì ta thấy tâm đang phiền não. Có như vậy ta mới trọn vẹn được với thực tại đang là. Chứ ta không cần mong cầu nó được trở thành trạng thái hoàn hảo hay lý tưởng nào khác theo ý của mình. Và chừng ấy ta mới có thể thấy rõ được tuệ giác của lý vô thường. Những gì phải đến trong cuộc sống thì sẽ đến và khi chúng đi thì tự nhiên sẽ qua đi.
Buông xả bằng tình thương không dính mắc
Nhưng nếu như ta thấy mình vẫn còn phải cần làm một cái gì đó, thì đức Phật cũng có chỉ dạy cho chúng ta những phương cách để tạm thời chuyển hóa phiền não.
Thật ra, trong phạm vi tương đối của một thế giới tục đế này thì không có gì là thật sự trống không hết. Một ly đầy nước, nhưng khi ta đổ hết nước đi, thì ly ấy sẽ lại đầy không khí. Không cái này thì sẽ có một cái kia. Vì vậy đức Phật cũng có dạy những phương cách thông thường để buông xả rất hay.
 

 Tôi nhớ trong bài kinh An Trú Tầm,Vtakkasanthàna sutta, Phật có dạy một cách buông bỏ bằng cách thay vào đó một cái gì tốt lành hơn. Ta có thể tạm buông bỏ một phiền não bằng cách thay vào đó bằng một niệm an vui. Lấy một hơi thở thay cho một bất an. Lấy một câu niệm Phật thay vào một tâm sợ hãi. Lấy một việc làm thiện lành thay cho một hành động xấu ác. Trong kinh, Phật có cho ví dụ như một người thợ mộc thay những con chốt (a peg) hư xấu của một chiếc bàn, bằng cách dùng một con chốt mới khác để đánh bật con chốt hư xấu ra ngoài, và thay vào đó bằng một con chốt tốt đẹp hơn.
Mà bạn biết không, tình thương là một con chốt tốt lành có thể đánh bật ra hết những muộn phiền, hờn giận, sợ hãi trong ta, và nó sẽ thay vào đó bằng một sự chấp nhận, an tĩnh, và hạnh phúc. Một tình thương lớn giúp cho ta có được một khả năng buông xả. Trong tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả, thì một tình thương sâu xa sẽ dẫn dắt ta đến sự xả bỏ, tha thứ và tiếp nhận được hết tất cả, ngay cả những khổ đau của chính mình. Tình thương nhỏ khiến ta bị dính mắc, nhưng với một tình thương lớn thì tâm ta sẽ không còn bị vướng vào một nơi nào hết.
Một bầu trời đầy sao sáng
Ngày xưa tôi nghĩ giáo lý của Phật quá siêu việt, với những lý Bát nhã, Trung quán, tánh Không, hay Bất nhị… cao xa quá, nên khó ai có thể hiểu thấu được. Nhưng bây giờ tôi nghĩ khác, đức Phật thường nhắc nhở rằng, khác với những vị đạo sư khác, ngài dạy chúng ta với một bàn tay mở rộng trọn vẹn. Ngài không dấu diếm hay giữ lại một điều gì có thể giúp ta chuyển hóa được khổ đau. Lời dạy của ngài đơn giản và trong sáng như bầu trời. Khó là ở chỗ ta có chịu quay về và nhìn lại chính nơi mình. Mà mấy ai muốn nhìn lại để thấy được nguyên nhân của khổ đau là do những ham muốn, thù hận và cố chấp của chính mình mà thôi.
Có lần tôi đọc một câu chuyện vui về ông Nasrudin, một nhà hiền triết Trung Đông. Một hôm ông và người bạn rủ nhau đi cắm trại ngoài sa mạc. Tối đến cả hai chun vào lều ngủ. Đến nữa khuya người bạn đánh thức ông dậy và nói: “Này anh, nhìn lên trên kìa, anh có thấy gì không?” Nasrudin nói: “À, bầu trời ngoài sa mạc đầy sao sáng, đẹp quá!” Anh bạn hỏi, “Anh thấy như vậy là có nghĩa gì không?” “Nhìn vô số những vì tinh tú trên bầu trời đêm, tôi thấy chúng ta quá nhỏ nhoi, kiếp người thật vô nghĩa.” Người bạn hỏi tiếp, “Nhưng anh không thấy gì nữa sao?” “Nếu mà theo quan điểm của chiêm tinh học, thì nhìn vị trí của các vì sao tôi có thể đoán là bây giờ khoảng hơn nửa khuya. Còn theo anh thì nó có nghĩa là gì?” Người bạn đáp, “Tôi thấy là ai đã đánh cắp chiếc lều của chúng ta mất rồi!”
Trên con đường tu học cũng vậy, nhiều khi chúng ta lo tìm kiếm và mong cầu xa xôi quá mà quên thấy được những gì đang có mặt, những nguyên nhân của khổ đau, ngay trước mắt mình.
Kinh kệ mệt hơi
Có lần đến thăm một tự viện nọ, vào thư quán tôi thấy khuất trong một góc bụi bậm trên một kệ sách có để một tượng Phật nhỏ ngồi thiền, rất đơn sơ không sơn phết. Hình dạng của tượng Phật thiếu cân xứng, lại có một dáng ngồi không thẳng và trang nghiêm như những tượng Phật khác. Người bán hàng nói rằng có một Phật tử đi Thái Lan về và tặng cho nhà sách để bán, thế nhưng không ai thỉnh vì tượng không được đẹp. Đa số ai cũng muốn thỉnh những tượng Phật có tướng tốt lành, và nhất là được làm bằng gỗ hay đá quý. Người bán hàng nói, nếu muốn chị sẽ biếu tặng tôi chiếc tượng ấy.
Và tôi thỉnh tượng Phật nhỏ ấy về đặt trên bàn viết của mình. Mỗi lần nhìn chiếc tượng nhỏ ấy, tôi cảm thấy đức Phật rất bình thường và gần gũi với mình. Nó nhắc nhở tôi xả bỏ hết những tự ti và tha thứ cho sự bất toàn của ta. Tôi cảm nhận được một tình thương và sự buông xả. Nhớ bài haiku của Thiền sư Nhật Giun,
Kinh kệ mệt hơi
Tám mốt tuổi rồi
Gần đất xa trời
Nhảy vào suối mát ta chơi
Đời sống luôn thay đổi và cũng nhiều vướng mắc. Hãy sống với một tình thương lớn. Sáng nay, dưới bước chân ta đi một chiếc lá thu rụng, hãy buông thả hết và cứ rong chơi đi bạn nhé…

Nguyễn Duy Nhiên 

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Cái chết và lòng từ bi

Hình ảnh thường được dùng để diễn tả sự tu tập thiền quán, trí tuệ là một người đang đi trên một sợi dây treo trên không. Khi chúng ta đi trên một sợi dây treo lơ lững giữa trời, thì điều cần phải quan tâm là sự cân bằng: luôn luôn giữ một thái độ ung dung, quân bình. Khi ta đang đi, sẽ có nhiều sự vật bay ngang qua: những hình ảnh, những âm thanh, tình cảm, tư tưởng và ý niệm khác nhau.
Nếu ta ưa thích, ta sẽ có khuynh hướng vói theo, cố nắm bắt, muốn giữ lại. Còn nếu những âm thanh, hình ảnh kia là khó chịu, bực mình, ta cũng có khuynh hướng xua đuổi, đẩy chúng đi nơi khác. Trong cả hai trường hợp, ta đều ngả mình tới, mất đi sự quân bình và có thể rơi xuống.
Cả hai phản ứng ưa thích và ghét bỏ đều có cùng một nguy hiểm như nhau. Bất cứ một việc gì, dù có huy hoàng hay ghê sợ đến đâu, nếu chúng khiến ta mất đi tâm quân bình, đều sẽ làm ta ngã. Cho nên lúc nào chúng ta cũng phải tiếp tục và tiếp tục đào luyện một tâm an nhiên, không phản ứng bằng cách nắm bắt hay xua đuổi bất cứ một đối tượng nào. Hãy tu tập một tâm vô chấp, không dính mắc vào đâu cả, vào bất cứ một chuyện gì, cứ để chúng tự nhiên đến rồi đi.
Sự vô chấp phát sinh từ sự hiểu biết thâm sâu về lý vô thường. Trên một bình diện, trí tuệ này nhận thức được sự cấp bách và tính cách tất nhiên của cái chết. Trong Chí Tôn Ca, Bhagavad Gita, có câu hỏi: “Trong mọi điều kỳ lạ trên thế giới này, sự việc nào là kỳ lạ nhất?” Và câu trả lời là: “Tất cả mọi người, mặc dù thấy những người chung quanh mình chết, vẫn không tin rằng có một ngày mình cũng sẽ chết.”
Thường vì thất niệm mà ta trở nên tham lam thu thập và chiếm hữu, muốn mình trở thành một nhân vật quan trọng. Chúng ta chấp vào các việc làm của những tâm ý nhỏ nhen, coi những tham vọng, cái tôi của mình là quan trọng nhất. Chúng ta đánh mất đi viễn tượng của một tâm lớn, về cái chết của mình.
Don Juan xem cái chết như một vị thầy; biết ý thức được cái chết không thể tránh khỏi của mình với một thái độ sáng suốt và chấp nhận, mà không hề hối tiếc, buồn lo hay sợ hãi. Quán tưởng về cái chết sẽ đem lại cho ta một sức mạnh, giúp ta biết trân quý và sống trọn vẹn trong mỗi giây phút, mỗi hành động.
Trong tâm thức của mỗi chúng ta đều có những khuôn mẫu, tạo nên bởi các hành động của mình. Thường thì đa số những hành động ấy là các thói quen xấu như giận dữ, yếm thế. Nhưng ta cũng có thể đem vào tâm một ý thức về cái chết, và dùng nó để chiếu soi mọi sinh hoạt của mình. Nếu ta biết lấy cái chết làm thầy, chúng ta sẽ sống mỗi giây phút thật trọn vẹn và chí tình, như là một nỗ lực cuối cùng trong cuộc sống.
Khi ta biết giữ cái chết trong tầm tay, ta sẽ bớt đi sự đam mê và quyến luyến những giây phút vui thú, thỏa mãn tạm thời. Và khi tâm không còn bị mê mờ vì ái dục và ảo tưởng, ta sẽ bớt đi khuynh hướng muốn chiếm hữu và sẵn lòng san sẻ tình thương và sự độ lượng của mình. Chánh niệm về cái chết cho ta một khoảng không gian sáng tỏ, giúp ta hiểu được thật sự mình là ai và ai là người sẽ chết.
Trên bình diện này, hiểu được lý vô thường có nghĩa là ý thức được những giai đoạn chuyển tiếp, ý thức được tính cách tạm thời của mọi hiện tượng từ giây phút này sang giây phút kế tiếp. Trong mỗi sát-na, tiến trình thân tâm và cả vũ trụ này đang khởi lên và mất đi, sinh và diệt tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Sự tu tập của ta là để đào luyện một tâm tĩnh lặng và an nhiên, không xao động trước mọi sự thay đổi.
Phương pháp tu tập này bắt nguồn từ một yêu cầu duy nhất là: ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại mà không phản ứng. Một thiền sư ở Ấn Độ có dạy rằng, chúng ta chỉ cần ngồi và ý thức được rõ ràng là mình đang ngồi thì toàn bộ giáo pháp sẽ tự nhiên hiển bày. Bạn sẽ thấy được thông suốt tự tính của vạn vật, và khi ấy giáo pháp sẽ thật sự trở thành chính bạn.
Trong giai đoạn chuyển hóa này, nhờ ở sự quân bình và vô chấp, những đức tính tốt đẹp và tự tại của tâm sẽ bắt đầu hiển lộ. Một trong những đức tính này là lòng từ (metta). Lòng từ có nghĩa là lòng thương mình bằng một sự chấp nhận, không phê phán, giữ một không gian thanh thản trong tâm; và lòng thương kẻ khác, nhưng không vì lòng quyến luyến, muốn chiếm hữu. Đây không phải là một thứ tình thương có điều kiện - thương người khác vì một đức tính hay đặc điểm nào đó, và nếu họ thay đổi, tình thương của ta cũng chấm dứt. Nó không phải là một loại tình thương “đổi chác” theo kiểu “Tôi thương bạn nếu bạn thương tôi.”
Lòng từ phát xuất do trí tuệ là một thứ tình thương vô điều kiện, một lòng đại từ - một tình thân hữu, ấm áp đối với mọi loài ở mọi nơi. Tình thương ấy không chỉ có giới hạn trong những người đang có liên hệ với mình. Nhưng không phải ta đi tìm kiếm người khác vì nhu cầu, vì mong muốn, mà do sự phát tỏa tự nhiên của một tình thương không bờ bến.
Một đức tính nữa cũng bắt đầu hiển lộ là lòng bi. Lòng bi không phải là tự thương hại hoặc thương hại người khác, mà là thấy được sự đau khổ của mình và cảm nhận được những khổ đau của người khác.
Trong tiếng Pali có chữ “kilesa” thường được dịch là “những gì bất thiện”, nó cũng có một nghĩa đặc biệt là “phiền não”. Những sự giận dữ, tham lam, các tâm bất thiện đều có thể gây ra đau khổ. Chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của chúng đối với thân tâm mình, nếu ta biết quán chiếu khi chúng khởi sinh lên. Một khi chúng ta hiểu sâu giáo pháp, ta sẽ cảm thấy thương xót chứ không phê phán hay lên án những tính xấu của mình và ta sẽ thông cảm được nỗi khổ đau của người khác khi họ rơi vào những trạng thái như vậy. Thấy được tấm màn lưới chằng chịt của khổ đau mà tất cả chúng ta đang vướng vào, ta sẽ có lòng thương xót đối với nhau hơn.
Một biểu lộ cao quí nhất trong những đức tính này là sự phô bày của một cái rỗng không - vô ngã. Khi đã không còn “tôi” thì sẽ không còn “người khác”. Ý niệm phân chia sẽ biến mất. Lúc này ta cũng sẽ kinh nghiệm được cái một, sự đồng nhất của vạn vật.
Albert Einstein có viết: “Con người là một phần nhỏ của một cái lớn mà chúng ta quen gọi là vũ trụ. Phần nhỏ ấy bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người kinh nghiệm bản thân, tư tưởng của mình, cảm giác của mình như là những gì riêng biệt với tất cả, đây chỉ là một loại vọng tưởng. Vọng tưởng này là một thứ ngục tù của chúng ta, giới hạn ta vào một số tham vọng cá nhân và tình thương đối với người quanh ta. Mục đích của ta là tự giải thoát mình ra khỏi ngục tù này, bằng cách mở rộng lòng từ bi ra để ôm trọn mọi loài sinh linh và toàn cõi thiên nhiên với vẻ đẹp vô cùng của nó.”
Ánh sáng của đức từ bi trong tâm ta bấy lâu nay bị tham, sân, si che phủ. Khi chúng ta phá tan những đám mây mù này bằng sự quán chiếu của trí tuệ, thì đức từ bi sẽ lại bắt đầu chiếu soi một cách tự tại như xưa.
Đức Phật có dạy một phương pháp tu tập để phát triển mạnh mẽ những đức tính này trong đời sống. Pháp tu này được gọi là Metta Bhavana hay là Từ bi quán. Thực hành phương pháp này sẽ làm cho thiền Vipassana thêm phong phú, vì tạo ra được khoảng không gian thênh thang và sự nhẹ nhàng trong tâm. Pháp tu này củng cố khả năng quan sát mà không phê phán và giúp ta tránh được khuynh hướng thường tình trên đường tu tập, tránh được sự mong muốn trở thành một nhân vật nào khác.
Trên con đường tu tập, bạn sẽ nhận thấy rằng phương tiện và mục đích chỉ là một. Muốn đạt đến mục đích an lạc, chánh niệm và tình thương, ta phải biết cách thực hiện nó trong mỗi giây phút hiện tại.
Thường thì nên chúng ta thực hành Từ bi quán khoảng chừng năm hay mười phút trước hoặc sau mỗi lần ngồi thiền, hoặc vào cả hai thời điểm. Vào trước khi ngồi thiền, Từ bi quán sẽ tạo ra một khoảng không gian cởi mở mà ta có thể áp dụng vào sự chú ý đơn thuần, và vào cuối giờ thiền thì những tư tưởng từ bi có một ảnh hưởng rất mạnh vì tâm ta lúc đó đã được an định.
Phương pháp này rất giản dị. Ngồi xuống trong một tư thế thoải mái. Trước hết, chúng ta phải giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự căng thẳng hay thù hận, nếu có, bằng cách xin và ban bố sự tha thứ: “Nếu tôi đã từng làm cho ai đau khổ hay thương tổn bằng tư tưởng, lời nói hay hành động, tôi xin được tha thứ. Và tôi cũng tha thứ hoàn toàn cho những ai đã từng làm tôi đau khổ hay tổn thương.” Niệm thầm câu này vài ba lần trong sự tĩnh lặng là một phương pháp hiệu quả để gột rửa tâm khỏi những cặn bã của hận thù hay tức giận.
Tiếp đó, trong khoảng một vài phút hãy hồi hướng những tư tưởng tốt lành đến cho mình bằng cách niệm thầm câu này vài ba lần: “Xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được an lạc, xin cho tôi được thoát khỏi những khổ đau.” Tập trung vào ý nghĩa của câu này. Chúng ta không thể nào thật sự thương một người khác nếu ta không chấp nhận và thương chính mình. Những danh từ, cách dùng chữ không quan trọng. Bạn hãy chọn câu nào có thể gây một sự rung động trong bạn và biến nó thành một câu thần chú của tình thương.
Tiếp tục thực hành, bắt đầu phóng tỏa những tư tưởng và tình cảm này đến những người khác: “Cũng như tôi muốn được hạnh phúc, cầu xin cho tất cả mọi loài được hạnh phúc. Cũng như tôi muốn được an lạc, cầu xin cho mọi loài đều được an lạc. Cũng như tôi muốn được thoát khỏi khổ đau, cầu xin cho mọi loài đều được thoát khỏi khổ đau.” Niệm thầm câu này vài ba lần, rồi bắt đầu phóng tỏa tư tưởng từ bi đến những người khác. Những câu này có thể được rút gọn lại một cách nhịp nhàng và tụng đọc trong vòng năm hay mười phút: “Xin cho tất cả được hạnh phúc, an lạc và không bị khổ đau.”
Bạn cũng có thể hướng những tư tưởng này đến một số người chọn lọc nào đó, có thể là những người thân yêu hay chính những người bạn đang tức giận hoặc có hiềm thù, như là cách cởi mở ra với lòng nhân hậu. Hãy hình dung những người ấy trong đầu khi bạn niệm những lời này. Và sau cùng hãy phóng tâm từ một lần nữa đến với mọi loài ở mọi nơi.
Trong thời gian đầu phương pháp này có vẻ như hơi máy móc, nhưng khi bạn thực tập đều đặn, cố gắng tập trung vào ý nghĩa của những lời ấy, vào sự chúc lành của bạn đến kẻ khác, dần dần tâm từ bi sẽ phát triển và trở nên vững mạnh.

Hỏi: Xin ông vui lòng giải thích thêm về sự liên hệ giữa từ bi và trí tuệ?

Đáp: Sự phát triển tâm từ là một loại thiền định làm cho tâm ta tập trung vào một điểm duy nhất là tình thương. Nó hoạt động trên bình diện thuộc về khái niệm, với một khái niệm “trở thành”. Đây là một phương pháp sử dụng khái niệm vô cùng khéo léo, vì nó tạo nên một khoảng không gian, nhờ đó mà chánh niệm có thể hoạt động hiệu quả hơn. Nói tóm lại, nó sử dụng định để đem lại sự nhẹ nhàng thanh thản trong tâm, nhờ đó ta có thể đi sâu hơn vào bình diện trí tuệ.

Hỏi: Ông có thể nói thêm một chút về sự sáng tỏ được không?

Đáp: Trong những giờ ngồi thiền, có thể bạn đã có những kinh nghiệm là đôi khi tâm mình rất sắc bén và sáng suốt, ý thức được mọi chuyện đang xảy ra trong mỗi giây phút; và cũng có những lúc tâm bạn bị mù mờ, lộn xộn, không nhận diện được sự việc một cách rõ ràng, mọi vật có vẻ mơ hồ. Nó cũng giống như trong một căn phòng tối lờ mờ, nếu chúng ta vặn đèn lên thì mọi vật sẽ trở nên rõ rệt và sáng tỏ hơn. Khi tâm ta không có đủ ánh sáng, ta không thể nào thấy rõ sự vật, ta có thể thấy lờ mờ bóng dáng của chúng chứ không thấy những chi tiết. Còn khi tâm ta có đủ ánh sáng, mọi vật có thể được phân biệt rõ ràng và nhờ vậy mọi tiến trình đều trở thành sáng tỏ, dễ hiểu. Ánh sáng đó chính là ánh sáng của ý thức và chánh niệm.

Hỏi: Nhưng rồi ta có bị chấp vào sự sáng tỏ đó không?

Đáp: Bạn có thể lắm chứ. Ta gọi đó là sự hư hoại của trí tuệ. Bạn phải ý thức được tự thân của sự sáng tỏ, để khỏi bị vướng mắc hay chấp cho nó là mình. Bởi vì sự sáng tỏ cũng chỉ là một phần của tiến trình. Khi chánh niệm và định lực mới bắt đầu phát triển, người ta thường tưởng rằng lúc này mình đã được giác ngộ, đã đến đích rồi, không còn gì nữa để làm. Bởi vì lúc ấy ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, an lạc và hạnh phúc lắm. Lúc ấy, vai trò của vị thầy rất quan trọng, ông chỉ khuyên: “Hãy cứ tiếp tục ngồi thiền.”

Hỏi: Sự sáng tỏ ấy ở với ta qua mọi giai đoạn hay là chúng cũng chỉ đến rồi đi như những hiện tượng khác?

Đáp:
Khi ta tu tập tiến bộ, nó ở với ta lâu hơn, mặc dù không phải là mãi mãi. Nó là một tâm hành phát triển mạnh theo sự thực hành của mình. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn tiến bộ của sự sáng tỏ, cho dù ở những giai đoạn này ta không còn cảm thấy vui thú hay hỷ lạc nữa. Trong những trạng thái khổ đau cũng vẫn có thể có sự sáng tỏ. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn mà bạn kinh nghiệm một sự khổ đau vô bờ cũng như niềm an lạc bất tận. Trong cả hai trạng thái đều có một sự sáng tỏ. Con đường, như Don Juan đã nói, là để đạt đến một sự toàn vẹn của con người. Không phải chỉ để kinh nghiệm một khía cạnh, nhưng là để kinh nghiệm niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, sự trong sáng, tất cả. Thấy được một cách trọn vẹn ta là ai.

Hỏi: Có phải từ bi chỉ ảnh hưởng tới tâm của mình mà thôi?

Đáp: Sức mạnh của một tâm từ khi được trợ lực bởi sự tập trung của tâm ý thì rất mãnh liệt. Có một câu chuyện về đức Phật và người em họ của ngài là Đề-bà-đạt-đa. Ông này muốn giết Phật để trở thành giáo chủ của Tăng đoàn. Đề-bà-đạt-đa biết rằng ông không thể nào giết Phật một cách công khai được, nên ông sắp đặt để cho một con voi đã uống rượu say chạy đến chỗ đức Phật đang đi khất thực. Ông nghĩ rằng, hoặc là đức Phật sẽ sợ hãi bỏ chạy, như vậy thì uy tín của ngài sẽ bị tiêu tan; hoặc nếu ngài ở lại thì sẽ bị con voi say kia dày xéo đến chết. Khi đức Phật đang đi khất thực trên một con đường nhỏ hẹp, Đề-bà-đạt-đa thả con voi say ra. Nhưng đức Phật không hề hoảng sợ hay bỏ chạy. Ngài vẫn đứng điềm nhiên với một tâm định kiên cố, rồi ngài phóng tỏa những tư tưởng từ bi đến con voi say ấy. Trong kinh kể lại rằng tâm từ của đức Phật làm cho con voi trở nên an tĩnh, và nó từ từ quỳ xuống trước chân ngài.[3]

Hỏi: Tâm từ bi biểu lộ ra bằng cách nào?

Đáp: Lòng từ bi không nhất thiết phải theo một luật hành động nhất định nào. Nó chỉ có nghĩa là cố hết sức mình để hành động bằng tình thương, bằng tâm từ qua những phương thức thích hợp với hoàn cảnh. Điều quan trọng là không nên tìm kiếm một công thức hành động nhất định để đem áp dụng cho mọi hoàn cảnh, vì bạn phải thành thực với chính mình, với những gì mình đang cảm nghĩ. Trong giai đoạn đầu thì cách thực hành Từ bi quán rất máy móc. Tâm từ là một tâm hành, nó không phải là một cái gì huyền bí mà ta nghĩ rằng mình có hay không có. Trên phương diện này, nó cũng giống như là chánh niệm, tâm định, trí tuệ hay là tham, sân. Nếu ta biết trau dồi, nó sẽ phát triển, còn nếu bỏ quên, nó sẽ héo hon đi. Lúc đầu thì nó không có vẻ tự nhiên, nó đòi hỏi một sự cố gắng, nhưng khi luyện tập tiến bộ ta sẽ trở nên thuần thục và tâm từ sẽ tự nó phát khởi.


TRÍCH: BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Một bài thơ của nhà sư Buddhadasa

Buddhadasa Bikkhu (1906-1993) là một nhà sư Thái Lan thật uyên bác và khác thường. Tư tưởng và sự hiểu biết về Đạo Pháp của ông vượt lên trên những hình thức màu mè của một tín ngưỡng, loại bỏ được tất cả những thêm thắt và diễn đạt không thể tránh khỏi của người sau suốt trên dòng lịch sử phát triển lâu dài của Phật Giáo.


Hai trong số các quan điểm chính yếu nhất của ông về Phật Giáo là trước hết ông chỉ quan tâm đến kiếp sống hiện tại và không giảng hay đề cập đến các kiếp sống quá khứ cũng như tương lai, và sau đó, đối với ông thì "tam giới" (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) cũng như "lục đạo" (địa ngục, quỷ, súc sinh, A-tu-la, người và trời) cũng chỉ là những thể dạng biến đổi và tiếp nối của tâm thức trong kiếp sống hiện tại mà thôi, nói cách khác là chúng ta đang luân hồi trong từng khoảnh khắc một trong kiếp sống này.
Bài thơ dưới đây được ông viết vào năm 1988, tức là năm năm trước khi ông qua đời, và đã được rất nhiều người biết đến vì nội dung thật nhân bản và khoan dung của nó. Bài thơ cũng đã được đăng tải trên rất nhiều trang web của Thái Lan cũng như trên toàn thế giới. Một Phật tử Thái Lan "vô danh" đã dịch bài thơ này sang tiếng Anh với sự giúp đỡ của một tỳ kheo người Mỹ vào năm 1993, tức vào năm Buddhadasa Bikkhu qua đời. Tuy người Phật tử Thái trên đây không cho biết người tỳ kheo hiệu đính bản tiếng Anh là ai, thế nhưng cũng có thể nghĩ rằng vị này là một đệ tử trẻ người Mỹ của Buddhadasa mang pháp danh là Santikaro Bikkhu, đã từng dịch nhiều bài giảng và thơ của ông.
Gần đây hơn là vào năm 2011, một học giả Pháp là ông Louis Gabauche, cựu thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française dExtrême Orient) đã dịch bài thơ của Buddhadasa sang tiếng Pháp.
Bài thơ của Buddhadasa không mang tựa đề gì cả mà chỉ ghi bên dưới là làm tại Suan Mokkh (Khu vườn Giác Ngộ) ngày 22 tháng 5, Phật Lịch 2531 (tức là năm 1988). Louis Gabauche cũng có đề nghị ghép thêm cho bài thơ này một cái tựa: "Những kẻ khác... và chúng ta" (Les autres... et nous). Thật ra bài thơ của Buddhadasa không cần phải có một cái tựa nào cả hầu nói lên ý nghĩa của nó, bởi vì từng vần trong bài thơ tự nó cũng đã nói lên được lòng bao dung và độ lượng của một con người tu hành chân chính. Tuy nhiên người dịch sang tiếng Việt cũng mạn phép nghĩ rằng một cái tựa nào đó chẳng hạn như "Giữa con người với nhau"biết đâu cũng có thể mang lại một chút tiền vị hầu có thể giúp chúng ta bước vào bầu không gian rộng mở trong lòng nhà sư Buddhadasa được dễ dàng hơn chăng?

TREAT EACH HUMAN FRIEND BY THINKING THAT:

Hãy xem mỗi con người là bạn ta và nghĩ rằng:
He is our friend who was born to be old, become ill, and die, together with us.
Người ấy là bạn ta, cùng sinh ra đời để rồi sẽ già nua, bệnh tật và chết cùng ta.
He is our friend swimming around in the changing cycles with us.
Người ấy là bạn ta, cùng ngụp lặn với ta trong vòng sinh diệt.
He is under the power of defilements like us, hence he sometimes errs.
Người ấy cũng vướng bụi trần ô nhiễm như ta, do đó đôi khi cũng phạm vào lầm lỗi.
He also has lust, hatred, and delusion, no less than we.
Người ấy cũng mang đầy dục vọng, thù hận và mê lầm, nào có khác ta đâu!
He therefore errs sometimes, like us.
Cũng như ta, người ấy cũng lắm khi nhầm lẫn.
He neither knows why he was born nor knows nibbana, just the same as us.
Người ấy cũng chẳng biết tại sao mình lại sinh ra đời, và cũng chẳng biết thế nào là niết bàn, quả là giống y như ta!
He is stupid in some things like we used to be.
Có những thứ mà người ấy cũng ngô nghê như ta trước đây.
He does some things accordingly to his own likes, the same as we used to do.
Người ấy cũng làm những thứ theo sở thích mình, như ta cũng từng làm trước đây.
He also wants to be good, as well as we who want even more to be good - outstanding - famous.
Người ấy cũng muốn mình giỏi giang, cũng như chính ta luôn muốn mình giỏi hơn, sáng chói hơn, danh tiếng hơn.
He often takes much and much more from others whenever he has a chance, just like us.
Người ấy thường chiếm lấy thật nhiều những gì của kẻ khác mỗi khi có cơ hội, nào có khác gì ta đâu!
He has the right to be madly good, drunkenly good, deludedly good, and drowning in good, just like us.
Người ấy có quyền cuồng điên, say mê, đắm mình trong cái tốt đẹp, cũng như ta vậy.
He is an ordinary man attached to many things, just like us.
Người ấy là một kẻ bình thường với bao nhiêu thứ ràng buộc, cũng như ta vậy thôi.
He does not have the duty to suffer or die for us.
Người ấy nào có bổn phận phải gánh chịu khổ đau và chết thay cho ta đâu.
He is our friend of the same nation and religion.
Người ấy là một người bạn cùng quê hương và tín ngưỡng với ta.
He does things impetuously and abruptly just as we do.
Chẳng khác gì ta, người ấy cũng hành động bồng bột và thiếu suy nghĩ.
He has the duty to be responsible for his own family, not for ours.
Người ấy có bổn phận với gia đình mình chứ nào có trách nhiệm gì với gia đình của ta đâu.
He has the right to his own tastes and preferences.
Người ấy có quyền chạy theo các sở thích và những thú vui riêng.
He has the right to choose anything (even a religion) for his own satisfaction.
Người ấy có quyền chọn lựa bất cứ gì (kể cả tôn giáo) theo sở thích của mình.
He has the right to share equally with us the public property.
Người ấy có quyền thụ hưởng các tiện nghi công cộng ngang hàng với ta.
He has the right to be neurotic or mad as well as we.
Người ấy có quyền để cho tâm thần bấn loạn và điên rồ, chẳng khác gì với ta.
He has the right to ask for help and sympathy from us.
Người ấy có quyền kêu gọi sự giúp đỡ và chờ đợi sự ân cần xót thương của ta.
He has the right to be forgiven by us according to the circumstances.
Người ấy có quyền được ta tha thứ tùy theo từng hoàn cảnh.
He has the right to be socialist or libertarian in accordance with his own disposition.
Người ấy có quyền theo xã hội chủ nghĩa hay chế độ tự do tùy theo hoàn cảnh đẩy đưa.
He has the right to be selfish before thinking of others.
Người ấy có quyền ích kỷ trước khi nghĩ đến kẻ khác.
He has the human right, equal to us, to be in this world.
Người ấy được hưởng nhân quyền ngang hàng với ta trong thế giới này.
If we think in these ways, no conflicts will occur.
Nếu tất cả chúng ta đều biết nghĩ suy như thế thì xung đột nào có thể xảy ra!

Buddhadasa Indapanno
Mokkhabalarama, Chaiya
22 tháng 5, Phật Lịch 2531 (1988)
[Một Phật tử vô danh đặt hết lòng tin nơi lòng nhân ái và từ bi vô biên của nhà sư Buddhadhasa nên đã mạn phép được dịch bài thơ này của ông sang tiếng Anh, với sự giúp đỡ của một tỳ kheo người Mỹ.
Ngày 2, tháng 6, Phật Lịch 2536 (1993)]

Di bút của nhà sư Buddhadasa Bikkhu về bài thơ này:

(Bures-Sur-Yvette, 05.03.13
Hoang Phong chuyển ngữ
)

HỒI ĐẦU THỊ NGẠN

ĐỊNH NGHĨA
Hồi đầu là quay đầu trở lại hay xoay đầu trở lại. Thị ngạn: chính ngay đó là bờ mé. Đây là một câu người học Phật thường nghe nói, song ý nghĩa ngầm chứa trong đó không dễ gì hiểu hết một cách hời hợt được. Nói quay đầu lại, nhưng quay lại đâu? Rồi chính đó là bờ mé, nhưng là bờ mé gì? Chỗ này thì không thể nói suông, giải thích suông mà được, mà là một sự thể nghiệm chân thật ngay chính mình mới rõ suốt. Để rõ điểm này, xin dẫn chuyện Ngài Văn Thù - Tư Nghiệp.

Sư trước kia sống bằng nghề đồ tể. Một hôm, nhân lúc sửa soạn giết một con heo, bỗng nhiên Sư triệt ngộ bản tánh chính mình, và làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện.
Bồ-tát dữ Dạ-xoa,
Bất cách nhất điều tuyến.
Dịch:
Hôm qua lòng Dạ-xoa,
Sáng nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát và Dạ-xoa,
Chẳng cách một kẽ tóc.
Sau đó, Sư đến gặp Thiền sư Đạo ở viện Văn Thù, Đạo hỏi:
- Trong lúc giết heo, ông thấy cái gì mà cạo đầu đi tham bái hỏi thiền?
Sư không nói một lời, đứng im làm thế đang mài dao.
(Tục Truyền Đăng, quyển 31)
Như vậy, làm Dạ-xoa, từ đâu mà làm? Từ "TÂM" thôi chớ gì? Nhưng là tâm ngu si, tâm hung ác. Làm Bồ-tát từ đâu mà làm? Cũng chính từ "TÂM" thôi, ngoài tâm lấy gì làm Bồ-tát? Nhưng là tâm từ bi, giác ngộ. Nếu ngoài tâm, lấy gì gọi là ngu si, hung ác? Lấy gì gọi là từ bi, giác ngộ? Cho nên, Dạ-xoa hay Bồ-tát cũng ngay tâm mình thôi, chỉ cần tỉnh ngộ trở lại là xong, không phải tìm Bồ-tát ở đâu xa. Xem Ngài Tư Nghiệp, xưa kia cũng mài dao mà mê, giờ đây cũng mài dao mà giác. Song trong chỗ này làm sao diễn tả cho người hiểu? Cho nên chỉ im lặng làm thế mài dao, dành cho người tự chứng biết thôi. "Quay đầu lại chính đó là bờ mé", thật có nhiều ý nghĩa nói không thể hết, không thể định nghĩa theo ngôn ngữ, danh từ thông thường mà cho là đã đủ, cần phải có một sự thức tỉnh sâu xa tận nguồn tâmmới không hổ thẹn.

 ĐÁNH THỨC TÂM CHẠY TÌM BÊN NGOÀI

Nói "quay đầu là bờ mé", là để đánh thức trở lại những tâm đang chạy tìm kiếm lang thang bên ngoài. Chính bệnh hướng ngoại là bệnh chung của con người. Nhưng không có gì lạ, bởi gốc do mê mất "bản tâm" từ lâu, không còn nhớ biết mình là gì, nên cứ chạy đuổi theo ngoại trần, luôn luôn tìm kiếm những cái từ bên ngoài. Dù nói học đạo, vẫn cứ muốn tìm học ở đâu đâu, nếu bảo học đạo mà "không chỗ học", có chịu chăng?
Chúng ta nhìn kỹ lại, ngày nay khoa học đã tiến bộ đến mức thật là siêu, nhưng vẫn là luôn tìm kiếm bên ngoài. Do đó càng tìm, càng thấy còn nhiều điều chưa biết, chưa hiểu! Bởi sức người có hạn, vũ trụ thì bao la, tìm bao giờ cho trọn? Tìm chưa gì thì đã hết một đời người rồi! Câu hỏi vẫn còn luôn để sẵn đó.
Trong đạo, nhất là thiền thì luôn luôn đánh thức chúng ta phải tự soi trở lại gốc, biết GỐC thì rõ ngọn không phải lo ngại gì. Song gốc là gì? Chính là "khéo nhận BẢN TÂM". Bởi dù có cảnh mà không có tâm, thì cảnh đó có cũng như không, chỉ là cảnh chết, không thành vấn đề. Cũng như ngay đây, người sống mà không có tâm, thì sống cũng như chết thôi. Có điều, đã là BẢN TÂM CHÍNH MÌNH, lại phải đi tìm ở đâu? Quả thật càng tìm, càng xa! Như bài kệ Vua Trần Thái Tông nói về núi thứ nhất:
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh.
Tỷ trước chư hương thiệt tham vị,
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thinh.
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Tạm dịch:
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tai đuổi thinh,
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
Nghĩa là, ngay trong vô niệm, đang sống trong vô niệm đó, nhưng vừa động khởi, liền rơi vào hữu niệm. Đã có niệm, tức là đi vào trong sanh tử, là trái với THỂ VÔ SANH từ muôn thuở rồi. Chính ngay chỗ đó, là chỗ mê mất bản tâm. Do mê mất bản tâm, nên cứ lang thang trong sáu trần cảnh, cứ buông cái này, bắt cái kia, chạy mãi luân hồi trong sáu nẻo, quên hẳn cả đường về! Trong khi đó, đường về vẫn ở ngay trước mắt! Giờ đây, dù có nghe nói đến bản tâm, song cũng tưởng tượng là cái gì đó, ở đâu đâu, nên lại đi tìm nữa, thật tự đáng thương cho chính mình là đấy!
Chư Tổ đã nhận được chỗ này, nên cảm thấy thương xót vô cùng, do đó các Ngài bằng nhiều phương tiện đánh thức cho người tỉnh lại: CHÍNH CÁI ĐANG CHẠY TÌM ĐÓ, LÀ GÌ? Đâu từng thiếu vắng bao giờ ?
Ngài Đức Sơn một hôm thượng đường bảo:
- Đêm nay chẳng đáp thoại, ai thưa hỏi sẽ ăn ba mươi gậy.
Lúc đó có vị tăng bước ra lễ bái, Sư liền đánh. Tăng thưa:
- Con chưa thốt lời hỏi, vì sao Hòa thượng đánh con?
Sư bảo:
- Ông là người ở đâu?
Tăng thưa:
- Dạ, người Tân La.
Sư bảo:
- Ông chưa bước xuống thuyền, đã đáng ăn ba mươi gậy rồi!

Tại sao chưa bước xuống thuyền đã đáng ăn ba mươi gậy rồi? Đó là Sư muốn đánh thức, "việc này" vốn sẵn nơi mình lại chẳng nhận, bước xuống thuyền tức là bỏ đó mà đi tìm, từ bên Tân La tức Triều Tiên mà chạy sang Trung Hoa tìm hỏi, thì không đáng ăn gậy sao ?
Cũng vậy, Thạch Củng lúc là thợ săn đuổi theo con nai đến gặp Mã Tổ, Mã Tổ hỏi:
- Chú bắn giỏi chăng ?
Thạch Củng đáp:
- Dạ, bắn giỏi.
- Một mũi tên chú bắn được mấy con ?
- Một mũi tên bắn một con.
- Chú bắn không giỏi.
- Hòa thượng bắn giỏi chăng ?
- Bắn giỏi.
- Một mũi Hòa thượng bắn mấy con ?
- Bắn một bầy.
- Vì sinh mạng chúng nó, đâu được bắn một bầy ?
- Chú đã biết như vậy, sao không tự bắn đi ?
- Nếu dạy tôi tự bắn, tức không chỗ hạ thủ.
- Chú này phiền não vô minh nhiều đời, ngày nay chóng dứt.

Đây là Mã Tổ muốn đánh thức Thạch Củng, thay vì cứ lo đuổi bắn bên ngoài, quên mình theo vật, theo cảnh, đành làm thợ săn lang thang tạo nghiệp, sao không thức tỉnh trở lại, tự bắn chính mình đi! Tức là nhận trở lại chính mình chân thật! Song chính mình thì có chỗ nào để bắn?
Cho nên, Thạch Củng khéo đáp: "Nếu dạy tôi tự bắn, tức không chỗ hạ thủ"
Thấy đến như thế, tức là sáng tâm, là ngộ trở lại gốc, chính ngay đó là BỜ GIÁC: Buông cung tên, thành Thiền sư - trên kia thì buông dao mổ heo, thành Thiền sư, đồng một đường không khác.
Triệu Châu cũng từng hỏi Hòa thượng Nam Tuyền:
- Thế nào là đạo?
Nam Tuyền đáp:
- Tâm bình thường là đạo.
- Có thể nhằm tiến đến chăng?
- Nếu nghĩ muốn tiến đến liền trái.
Đạo chính ngay tâm bình thường hiện tiền đây mà chưa khởi động niệm đó thôi. Nghĩ tiến đến, tức biến nó thành ra cái đối tượng bên ngoài mình rồi, thì quả tang ngay đó liền trái với nó!
Để rõ thêm điểm này, chúng ta hãy lắng nghe kỹ chuyện Ngưỡng Sơn với Quy Sơn. Một hôm, Sư về thăm Quy Sơn, Quy Sơn hỏi:
- Chúng sanh trên quả đất nghiệp thức mênh mang không gốc có thể tựa, con làm sao biết họ có hay không có?
Sư thưa:
- Con có chỗ kinh nghiệm.
Ngay lúc đó, có vị tăng đi qua trước mặt, Sư gọi:
- Xà-lê!
Vị tăng xoay đầu lại. Sư thưa:
- Bạch Hòa thượng, chính cái này là nghiệp thức mênh mang không gốc có thể tựa đó!
Quy Sơn bảo:
- Quả đây là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa!

Vậy nghiệp thức mênh mang ở chỗ nào? Nghe gọi, theo tiếng gọi xoay đầu, chính đó là nghiệp thức mênh mang không biết từ thuở nào chứ gì? Song, ngay đó liền tỉnh ngộ: "Cái gì đang biết xoay đầu đó ?", liền nhổ sạch gốc rễ từ muôn thuở, sáng tỏ trở lại nguồn chân, có nhọc gì? Quả thực, MÊ - NGỘ đâu có cách xa? Chỉ: theo tiếng là mê, rõ tánh là giác, vậy thôi. Mê không thật có cái thể mê nên nói không gốc có thể tựa. Bởi không gốc, cho nên giác liền xong, cũng không có cái mê gì để trừ: ý nghĩa "xoay đầu là bờ mé" quá rõ ràng, còn nghi ngờ gì nữa?

 TRỪ NIỆM KIA ĐÂY
Thường chúng ta hay nghe nói tu hành phải đạt đến bờ kia, rồi khởi tưởng có bờ này. Tức bỏ bờ này, đếnbờ kia, bị lầm theo ngôn ngữ văn tự mà không hay biết! Nếu còn thấy có bờ này, bờ kia, tức là chưa mở con mắt tuệ, chưa phải là Bát-nhã chân thật. Lục Tổ trong phẩm Bát-nhã của kinh Pháp Bảo Đàn đã dạy: "Ba-la-mật dịch là đến bờ kia, giải nghĩa là lìa sanh diệt. Chấp trước cảnh thì sanh diệt khởi, như nước dậy sóng mòi, tức là bờ này. Lìa cảnh thì không sanh diệt, như nước thường trôi chảy, tức gọi là bờ kia."
Đây Lục Tổ đã nói rất rõ, bờ này, bờ kia chỉ ngay tâm này thôi. Tâm theo cảnh, đi vào sanh diệt, như nước dậy sóng, gọi là bờ này. Tâm lìa cảnh, khế hợp với vô sanh, như nước thường trôi chảy, gọi là bờ kia. Dậy sóng hay thường trôi chảy cũng chỉ là NƯỚC thôi. Theo cảnh hay lìa cảnh cũng chỉ là TÂM thôi. Vậy thì nói gì cố định là bờ này, bờ kia? Đây là khiến cho người phải nhảy một cái nhảy, qua văn tự chữ nghĩa, không kẹt nơi ý niệm kia đây, thì Bát-nhã chân thật luôn luôn hiện tiền, sờ sờ ngay trước mắt, còn phải tìm nơi đâu?
Ông Tú tài Trương Chuyết khi được Ngài Thạch Sương khai thị, tỏ sáng, có làm bài kệ, trong đó có câu:
Phá trừ phiền não trùng tăng bệnh,
Thú hướng chân như tổng thị tà.
Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại,
Niết-bàn sanh tử đẳng không hoa.
Tạm dịch:
Phá trừ phiền não càng thêm bệnh,
Tìm đến chân như cũng là tà.
Tùy thuận các duyên không quái ngại,
Niết-bàn sanh tử thảy không hoa.
Nghĩa là còn thấy có trừ phiền não, có đến chân như, tức còn thấy có hai, còn tâm kia đây, lấy bỏ là chưa thấy đạo, là còn đi lệch bên ngoài, nên gọi "cũng là tà". Nếu rõ được chính mình ngay trong tất cả, thì đối mọi duyên đều sáng ngời không mê. Vậy có gì ngăn ngại mà bỏ đây tìm kia? Niết-bàn, sanh tử ở ngay tự tâm thôi, đâu phải ở cõi nào khác từ bên ngoài? Chính cái niệm kia đây là chỗ chướng ngại cho mình. Có câu chuyện, hai vị Thượng tọa ở thành đô đến gặp Thiền sư Huệ Minh, Sư hỏi:
- Thượng tọa đến đây thì ở Thành đô thiếu Thượng tọa, ở đây dư Thượng tọa. Dư thì ngoài tâm có pháp, thiếu thì tâm pháp chẳng khắp, nói được thì ở, nói chẳng được thì hãy đi.
Hai vị đều không đáp được.

Trong đây có ai nói được? Tại sao hai vị không đáp được? Chỉ vì trong lòng còn chứa đựng niệm kia đây, kẹt trên thân tướng này. Bởi y cứ trên thân tướng này, mới có thân ở đây, thân ở kia, còn trên TÂM THỂ CHÂN THẬT ẤY, thì có tướng gì mà nói đây kia? Cho nên hỏi đó, là gạn lại chỗ thấy của người xem đã THẤY TÁNH hay chưa? TÁNH thì luôn luôn lúc nào cũng hiện tiền nơi mình, có gì là đây kia, mà nói dư, nói thiếu? Nghe nói dư thiếu, đây kia liền theo đó tưởng tượng sanh hiểu nên thành ngăn ngại. Quả thật bị gạt mà không hay! Ý nghĩa xoay đầu là bờ mé, càng quá rõ!

 Ý NGHĨA HỒI ĐẦU THỊ NGẠN VỚI THIỀN ĐỐN NGỘ
Với tinh thần của Thiền đốn ngộ, chúng ta thấy ý nghĩa trên đây càng sâu, không thể giải thích dễ dàng theo chữ nghĩa. Như Linh Mặc đến chỗ Hòa thượng Thạch Đầu thưa hỏi không khế hợp, Sư liền đi ra. Thạch Đầu đi theo sau đến cổng, liền gọi:
- Xà-lê!
Sư xoay đầu lại. Thạch Đầu bảo:
- Từ sanh đến tử chỉ là thế ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?
Sư liền đại ngộ.

Như vậy, mới đó, trước khi xoay đầu là còn mê, rồi xoay đầu lại liền ngộ, chỉ trong một cái xoay đầu thôi, không phải quay đầu là bờ mé sao? Cái ngộ đó ở đâu chạy lại? Trong đó cái gì là thêm bớt, đây kia? Cũng như Đức Phật thành đạo khi sao Mai mọc. Trước khi sao Mai mọc, Ngài chưa thành đạo; sau khi sao Mai mọc liền thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đó ở đâu chạy lại mau như vậy? Rõ ràng thành đó, là thành ngay tự tâm giác ngộ thôi, không có ở đâu khác. Ngoài tâm lấy gì thành? Nếu ngoài tâm mà có đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để thành, thì đó là cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong sách vở rồi! Cần phải xoay lại ngay tự tâm mới là đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sống, trái lại là đạo Vô thượng chết!
Và đây, trường hợp ông cư sĩ Phạm Xung làm Tả thừa, tự là Trí Hư, ông đến gặp Thiền sư Mân ở viện Viên Thông. Uống trà xong, ông thưa:
- Con sắp già rồi mà còn rơi vào con đường quan, nên cách việc này hơi xa.
Thiền sư Mân gọi:
- Nội hàn!
Ông ứng:
- Dạ!
Sư bảo:
- Có xa đâu?
Ông vui mừng thưa:
- Xin thầy lặp lại lời chỉ dạy.
Sư bảo:
- Từ đây đến Hồng Đô có bốn lộ trình.
Ông đứng suy nghĩ. Sư bảo:
- Thấy tức liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ông chợt có tỉnh.

Ông cư sĩ Phạm Xung cứ tưởng là việc này ở đâu đó, cách xa không với tới, nào ngờ ngay tiếng gọi, liền dạ, ai không có? Phải đợi thời gian gì? Cái "biết dạ" đó từ đâu chạy tới? Còn có gì nhanh hơn, gì thực tế hơn? Trong đây ai không có quyền nhận? Chỉ có điều quan trọng là phải chân thật với chính mình.Thiền sư Thiên Quế từng nhắc đệ tử: "Các ông phải chân thật trong mọi việc, không có gì chân thật trong đời mà không chân thật trong Phật pháp, và không có gì không chân thật trong Phật pháp, lại chân thật trong đời."
Sư cũng nói: "Thấy bằng mắt, nghe bằng tai, không có gì trên đời ẩn giấu, các ông muốn ta nói gì nữa?"
(Những nụ cười Thiền)
Nghĩa là, chúng ta cần chân thật ngay chính mình, không tự lừa dối mình bằng những niệm kia đây, thì hiện tại THẤY, NGHE đều nhiệm mầu, đều sáng ngời ánh sáng Chánh Giác, không qua văn tự chữ nghĩa. Sách vở làm sao ghi được cái này? Song trong đây có ai đã thực sự chân thật với chính mình chưa? Một lẽ thật một trăm phần trăm như vậy, tại sao không thấy? Lỗi tại ai?
Kìa, Sùng Tín theo hầu Hòa thượng Đạo Ngộ một thời gian lâu. Một hôm Sư thưa:
- Từ ngày con vào đây đến nay, chưa được Thầy chỉ dạy tâm yếu.
Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi.
Sư thưa:
- Chỉ dạy ở chỗ nào?
Đạo Ngộ bảo:
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp; ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận; ngươi xá lui, ta vì ngươi mà gật đầu, có chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi đâu?
Sư cúi đầu lặng thinh giây lâu. Đạo Ngộ bảo:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Ngay câu nói đó, Sư tỏ ngộ.

Bởi Sư cứ tưởng tâm yếu là cái gì cao xa, ở đâu đâu, nên cứ trông chờ, mong mỏi. Không ngờ chính chỗ sống hàng ngày mà tự mê thôi. Điểm cần chú ý là: "Nhận thì liền nhận, suy nghĩ liền sai." Ngay một cử chỉ, hành động đó, mà chưa qua suy nghĩ, chưa có cái ta xen vào thì có gì che mờ được nó? Ngay đó vẫn sáng ngời, ai không có ?
Cũng như, ngay cái xoay đầu mà chưa kịp suy nghĩ thì "cái gì biết xoay ?" Cần thấy, có cái đầu thì dùng cái đầu xoay, nếu không đầu lấy cái gì xoay? Phải thấy qua cái đầu. Ngay cái xoay đầu mà quên mất chỗ xoay, tự sống dậy trong đó xưa nay chưa từng xoay chuyển, vẫn hằng như thế, còn ai dối gạt được mình? Liền đó quên hết bờ này, bờ kia, chính ngay đó là Đạo, còn tìm đâu nữa? Thật thẳng tắt vô cùng, đâu còn con đường nào hơn! Sáng được chỗ này, thì chính ngay đó là Phật ra đời, và Phật có thể ra đời bất cứ lúc nào, chỉ người có nhận hay không thôi!

CHÂN THẬT CHÍNH MÌNH LÀ ĐÂY
Nói dài dòng, rốt cùng chỉ ngay cái sống hằng ngày đây là đủ tất cả, không thiếu thốn. Chỉ cần NHỚ lại là xong! Bởi gọi là MÊ, tức là quên chứ gì? Mà quên cái gì? Quên cái sẵn có thôi!Ngay đây nhớ lại, là Giác. Chỉ một chút Quên với Nhớ mà tự làm cách biệt xa xôi như trời với đất!
Trong Thiền sử có câu chuyện Thiền sư Trí Thông ở trong hội của Hòa thượng Quy Tông, một hôm đang giữa đêm khuya bỗng la lên:
- Tôi đại ngộ rồi! Tôi đại ngộ rồi!
Sáng ra, Quy Tông hỏi:
- Đêm rồi ai la đại ngộ hãy ra đây xem!
Sư ra thưa:
- Dạ, con.
Quy Tông hỏi:
- Ông thấy cái gì?
Sư thưa:
- Sư cô nguyên là người nữ làm.

Người nghe nói NGỘ, cứ tưởng tượng là cái gì đó thật lạ lùng, kỳ đặc, không ngờ rất đơn giản, không chút màu mè. Ngộ cái gì? "Sư cô vốn là người nữ", vậy thôi! Ai hiểu thế nào thì hiểu! Người không biết, tự làm ra vẻ kỳ đặc, khác thường, để tỏ cho người biết "ta đã ngộ", chính đó là bệnh, biểu lộ tướng ngã mà không hay!
Tóm lại, chân thật là ở ngay chính mình, xoay lại tự tâm là GỐC tất cả pháp, chạy ra ngoài là mê. Để kết thúc, xin dẫn câu chuyện: Có bà già đến Thiền sư Đại Đồng thưa:
- Nhà tôi vừa mất trâu, thỉnh thầy bói xem!
Sư liền gọi:
- Bà lão!
Bà ứng:
- Dạ!
Sư bảo:
- Đây rồi!
Bà vui vẻ ra về.

Như vậy, trâu có mất đi đâu? Có được ở chỗ nào? Nghe gọi, liền dạ thì trâu vẫn còn đó, vẫn rất là ngoan mà! Chỉ chợt "À!" lên là xong. Quay đầu lại, ngay đó là Bờ Mé, chớ thêm gì khác nữa!

TT Thích Thông Phương 
(Thiền viện Thường Chiếu)