Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

PHÁP LUYỆN TÂM

Trong pháp hành thiền của Phật Giáo, Đức Phật dạy thực hành nghệ thuật "để trôi qua", "buông bỏ", chớ nên mang theo bất luận gì! Hãy buông bỏ! Nếu thấy điều tốt đẹp, hãy để nó trôi qua. Nếu thấy điều chân chánh, hãy để nó trôi qua. Nói rằng "để nó trôi qua" không có nghĩa là không làm gì hết, mà thật sự có nghĩa là phải hành phương pháp "để trôi qua" ấy.
Phương pháp ấy là: không dính mắc, không luyến ái, không bám níu, mà buông bỏ. Khi đã thực hiện một hành động thiện, không nên mang nó theo trong tâm mà để nó trôi qua. Khi đã tự chế, không làm một điều bất thiện, hãy để nó trôi qua. Đức Phật dạy ta sống trong hiện tại kế cận nhất, nơi đây, và trong khoảnh khắc nầy. Chớ nên dể duôi tự buông trôi, lạc lối trong quá khứ hay trong vị lai"




Dưới đây là thời Pháp do Ngài AJAHN CHAH thuyết giảng tại chùa Bovornives, Bangkok, vào năm 1977, trước một cử tọa gồm chư Tăng Thái và một nhóm tỳ khưu người Tây Phương.)

Vào thời của các Ngài Thiền Sư Ajahn Mun [1] và Ajahn Sao [2], đời sống thật là giản dị, ít phức tạp hơn ngày nay nhiều. Trong những ngày xa xưa ấy có rất ít Phật sự phải làm và rất ít nghi lễ để cử hành. Các Ngài sống giữa rừng sâu, không cố định một nơi nào. Trong hoàn cảnh tương tợ các Ngài có thể dành trọn vẹn thì giờ của mình để hành thiền.
Những tiện nghi mà ngày nay ta xem là thông thường, ai cũng có, vào thời ấy thật là hiếm hoi; đúng ra là không có tiện nghi gì hết. Các Ngài phải dùng ống tre để làm ly uống nước và ống nhổ, còn thiện tín cư sĩ thì chẳng có ai tới lui thăm viếng. Các Ngài không ham muốn, cũng không cầu mong gì nhiều mà chỉ an phận, vui vẻ với những gì mình đang có. Các Ngài có thể sống và hành thiền, sống và hành thiền cũng tợ như sống và thở.
Chư sư thời ấy thiếu thốn mọi điều. Nếu có một vị lâm bệnh sốt rét và đến hỏi xin thuốc, thì vị Thầy Bổn Sư bảo, "Sư không cần thuốc đâu! Cứ tiếp tục hành thiền đi!" Ngày nay thì chúng ta có đủ loại thuốc chớ thuở đó thì không có gì hết. Người bệnh chỉ có rễ cây và rau cỏ trong rừng. Vì hoàn cảnh đã là vậy, chư Tăng phải có rất nhiều đức tính nhẫn nại và chịu đựng. Các Ngài không màng quan tâm đến những chứng bệnh lặt vặt, không phải như ngày nay, đau một chút gì thì chúng ta vội vã đi ngay đến bệnh viện.
Đi trì bình (pindapad) đôi khi các Ngài phải đi xa ba, bốn, hoặc năm cây số. Phải ra đi thật sớm, lúc trời vừa tửng bưng sáng, và có khi đến mười hay mười một giờ trưa mới trở về đến nhà. Vậy mà thọ bát cũng không có gì. Không chừng được một ít xôi, muối và vài trái ớt. Dầu có gì để ăn với xôi không, điều ấy không thành vấn đề. Đời sống tu hành là vậy. Không ai dám than phiền là đói bụng hay mệt nhọc. Các Ngài không có khuynh hướng than phiền mà chỉ lo tu học phương cách tự chăm sóc lấy mình. Các Ngài nhẫn nhục hành thiền và chịu đựng giữa rừng sâu đầy hiểm họa. Sống lẩn lộn với các Ngài có rất nhiều thú rừng, đủ loại sài lang hổ báo, và lối sống của vị tu sĩ ẩn dật thực hành hạnh Đầu Đà (Dhutanga) [*] thật là khổ nhọc, cho cả thân lẩn tâm. Quả thật vậy, hạnh nhẫn nhục và sức chịu đựng của chư Sư thời bấy giờ lên đến mức độ rất cao, bởi vì hoàn cảnh lúc bấy giờ bắt buộc các Ngài phải như vậy.

[*] Hạnh Đầu Đà (Dhutanga),
theo nghĩa trắng của danh từ, là "phương tiện khuấy động. Ở đây là khuấy động các ô nhiễm. Dhutanga là phương tiện để thanh lọc, làm cho trở nên trong sạch. Đó là những giới luật nghiêm khắc mà Đức Phật khuyên chư Tăng nên hành trì để trau giồi những hạnh nhẫn nhục, tri túc, buông bỏ, tinh tấn, an phận với những gì mình đang có v.v.. Vị tỳ khưu có thể hành một hoặc nhiều giới của hạnh Đầu Đà trong một thời gian dài hay ngắn, tùy theo lời nguyện. Sách Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Đạo lược kê 13 giới khác nhau của hạnh Đầu Đà.

Đến nay thì khác hẳn. Hoàn cảnh hiện tại đưa đẩy và lôi cuốn chúng ta theo chiều hướng đối nghịch. Thời xưa người ta đi bộ, kế đó đi xe bò, rồi đến đi xe hơi. Rồi ước vọng và lòng khao khát ham muốn tăng trưởng, mãi đến nay nếu xe hơi không có máy lạnh ta cũng không muốn ngồi trên đó: không thế nào đi được nếu xe không có máy điều hoà không khí! Hạnh nhẫn nhục và đức tính chịu đựng đã suy giảm, yếu dần. Công trình hành thiền bê trễ, và ngày càng bê trễ hơn, đưa đến tình trạng là ngày nay người hành thiền chỉ muốn làm theo ý riêng và sở thích mình. Khi những bậc cao niên nhắc lại những mẫu chuyện thời xưa, họ nghe như chuyện thần thoại hoang đàng. Họ chỉ nghe một cách lơ đễnh mà không quan tâm đến. Họ không hiểu. Nó không đến với họ.

Lắng nghe chính cái tâm của mình quả thật thích thú kỳ diệu. Cái tâm chưa được rèn luyện nầy không ngừng chạy quanh chạy quẩn theo những thói quen tật cũ hoang dại của nó. Nó nhảy nhót một cách điên cuồng bấn loạn, vì chưa bao giờ được rèn luyện. Vì lẽ ấy ta phải luyện tâm. Và pháp hành thiền trong Phật Giáo mật thiết liên quan đến tâm. Hãy trau giồi tâm, hãy phát triển chính cái tâm của ta. Điều nầy rất quan trọng, tối quan trọng. Rèn luyện tâm là công trình vô cùng thiết yếu. Phật Giáo là tôn giáo của tâm. Chỉ có thế! Ai thực hành pháp trau giồi tâm là thực hành Phật Giáo.
Tâm của chúng ta sống trong một cái chuồng. Hơn thế nữa, trong chuồng ấy còn có một con cọp hung tợn. Nếu cái tâm buông lung của chúng ta mà không tìm ra được những gì cọp muốn thì con cọp hung dữ ấy sẽ nổi dậy gây rối loạn. Ta phải huấn luyện, khép nó vào kỷ luật bằng pháp hành thiền, bằng tâm định (samàdhi). Làm như vậy gọi là "luyện tâm". Tiên khởi hơn hết, nền tảng của pháp hành là kiên cố giới luật (sìla). Sìla, giới luật, là luyện thân và luyện khẩu. Từ đó phát sanh xung đột và rối loạn. Khi chống đối, không tự cho phép mình làm điều mình muốn ắt có xung đột. Con cọp hung dữ nổi dậy.
Ăn bớt lại! Ngủ bớt lại! Nói bớt lại! Bất luận gì là thói quen của cuộc sống trần tục, hãy giảm bớt lại. Hãy đi ngược lại sức lôi cuốn của nó. Chớ nên chỉ làm những điều mà ta ưa thích. Chớ nên buông lung, để cho dòng tư tưởng tự nhiên trôi chảy. Hãy tự kềm hảm, chấm dứt thói quen quỳ lụy phục tùng, để cho nó sai khiến. Ta phải luôn luôn đi ngược dòng lôi cuốn của vô minh. Đó là "giới luật", kỷ cương. Khi ta khép cái tâm vào khuôn khổ kỷ cương, ắt nó trở nên bất mãn và bắt đầu chiến đấu chống lại. Nó bị hạn chế và áp bức. Khi bị ngăn chận, không được tự do làm theo ý muốn thì cái tâm bắt đầu phóng đi và chiến đấu chống lại. Chừng ấy Dukkha [*], đau khổ, phát sanh, nổi lên hiển hiện cho ta thấy.

[*] Dukkha, đau khổ, hàm xúc những trạng thái tâm bất toại nguyện. Bất mãn, không toàn hảo, không an toàn, của tất cả những pháp hữu lậu. Pháp hữu lậu là những gì phát sanh và tồn tại do những yếu tố khác tạo điều kiện. Trong thực tế tất cả những sự vật trên thế gian đều là pháp hữu lậu. Bởi vì tất cả những gì làm nguyên nhân và tạo duyên (điều kiện) cho những hiện tượng ấy phát sanh đều phải luôn luôn biến đổi nên chính những hiện tượng ấy cũng luôn luôn biến đổi và do đó, là nhân sanh khổ, dukkha. Dukkha, đau khổ, bao hàm tất cả những hình thức bất toại nguyện, từ sự đau đớn thô sơ của cơ thể vật chất, những khổ đau của tuổi già, của bệnh tật và chết chóc, đến những thọ cảm khó chịu, tế nhị hơn như phải xa lìa người thân kẻ yêu, hay phải kết hợp với người không ưa thích, luôn đến những trạng thái tâm vi tế như dã dượi hôn trầm, phóng dật lo âu v.v... Đây là một trong những khái niệm thường được hiểu lầm hơn hết và cũng là quan trọng hơn hết để phát triển tâm.
Dukkha, trạng thái đau khổ, là đế (chân lý) đầu tiên trong Tứ Diệu Đế (bốn chân lý thâm sâu huyền diệu). Phần đông người ta muốn tránh xa, thoát ra khỏi đau khổ. Họ không muốn loại khổ nào hết. Đúng thật ra, chính đau khổ đem trí tuệ đến cho ta. Chính nó làm cho ta quán tưởng dukkha. Hạnh phúc, sukha, làm cho ta nhắm mắt, bịt tai và không bao giờ cho phép ta phát triển hạnh nhẫn nhục. Tiện nghi và hạnh phúc làm cho ta bất cẩn. Vì không nhẫn nhục và không chuyên cần nên ta không thể thấy được Chân Lý Thâm Diệu Cao Thượng Về Sự Khổ (Khổ Đế). Do vậy ta phải khơi dậy trạng thái đau khổ để tận diệt đau khổ của ta. Trước tiên phải hiểu biết dukkha là gì rồi mới có thể biết làm thế nào hành thiền.
Trong giai đoạn sơ khởi phải hành như thế nầy. Có thể ta không hiểu biết những gì đang xảy ra hay điểm nào là quan trọng, nhưng khi vị Thiền Sư bảo làm điều gì ta phải làm đúng lời dạy. Bằng cách đó ta trau giồi hạnh nhẫn nhục và đức tính kiên trì chịu đựng. Bất luận điều gì xảy đến, ta vẫn kiên trì chịu đựng, vì đường lối tu học là vậy.
Thí dụ như khi bắt đầu hành pháp định tâm (samàdhi) ta muốn đạt đến trạng thái vắng lặng và an tĩnh, nhưng mặc dầu cố gắng, ta không thâu đạt kết quả nào. Không có kết quả bởi vì ta chưa bao giờ hành thiền như vậy. Tâm ta nói, "ta sẽ ngồi đây cho đến khi nào thành đạt trạng thái vắng lặng". Nhưng vắng lặng không phát sanh. Ta đâm ra bất mãn, đau khổ. Và khi cảm nghe đau khổ ta đứng dậy, bỏ đi! Hành thiền như thế không thể gọi là "phát triển tâm", phải gọi là "đào tẩu".
Thay vì dễ duôi tự buông trôi theo những cảm xúc buồn vui tùy hứng của mình, ta hãy tự uốn nắn, tu tập đúng theo Giáo Pháp (Dhamma) của Đức Phật. Dầu lười biếng hay siêng năng ta cũng vẫn tiếp tục hành thiền. Có phải chăng đó là đường lối tốt đẹp hơn? Lối sống kia, lối sống buông tay tự lăn trôi theo những cơn hứng thú, lúc siêng lúc lười tùy hoàn cảnh, sẽ không bao giờ đưa đến Giáo Pháp. Nếu quyết tâm thực hành Giáo Pháp thì dầu ở trong tâm trạng nào ta vẫn một mực tinh tấn hành thiền, một mực kiên trì chuyên cần. Dễ dãi tự nuông chiều để cuộc sống đẩy đưa tùy hứng không phải là con đường của Đức Phật. Nếu khăng khăng cố giữ quan kiến riêng của mình về Giáo Pháp ta sẽ không bao giờ nhìn thấy rõ ràng điều nào là đúng, điều nào sai. Ta không hiểu biết tâm mình. Ta không tự hiểu biết chính mình.

Vậy, hành thiền theo lời dạy của chính mình là đường lối chậm trễ nhất. Hành theo Giáo Pháp là con đường trực tiếp.

Lười biếng, ta hành; siêng năng, ta hành. Ta hay biết thời gian và nơi chốn mình đang thực hành. Đó gọi là "phát triển tâm".
Nếu dễ dãi chiều theo quan kiến riêng của mình và cố gắng thực hành đúng theo đó ta sẽ bắt đầu suy tư và hoài nghi nhiều điều. Ta tự nghĩ, "Tôi không được có nhiều phước báu. Tôi không được may mắn. Tôi đã cố gắng hành thiền trong nhiều năm qua mà vẫn không thành đạt Đạo Quả nào. Tôi vẫn chưa thấy được Giáo Pháp". Hành thiền với thái độ tương tợ không thể gọi là "phát triển tâm". Gọi đó là "phát triển thảm bại".
Trong giờ phút nầy, nếu ta còn ở trong tình trạng như vậy, hành thiền mà không biết, không thấy, không tự mình thay đổi, là vì cho đến nay ta thực hành theo một đường lối sai lầm. Ta không theo đúng pháp hành mà Đức Thế Tôn giáo truyền. Đức Phật dạy: "Nầy Ànanda, hãy hành thật nhiều! Luôn luôn chuyên cần phát triển pháp hành! Chừng đó tất cả mọi hoài nghi, tất cả những gì còn mơ hồ, sẽ tan biến". Những hoài nghi và mơ hồ ấy không bao giờ biến tan vì chúng ta suy tư, vì chúng ta lập luận, vì chúng ta biện luận, hay vì chúng ta tranh luận. Những hoài nghi ấy cũng không chấm dứt vì ta không làm gì hết. Tất cả mọi ô nhiễm sẽ tan biến vì ta phát triển tâm, vì ta thực hành đúng theo Giáo Pháp.
Đường lối phát triển tâm mà Đức Phật giáo truyền có chiều hướng nghịch hẳn với con đường của thế gian, bởi vì giáo lý nầy phát nguyên từ một cái tâm hoàn toàn trong sạch. Tâm thanh tịnh không bám níu ô nhiễm là con đường của Đức Phật và chư Thánh đệ tử của Ngài.
Muốn thực hành Giáo Pháp ta phải uốn nắn, tự rèn luyện để cái tâm của mình thích hợp với Giáo Pháp. Không nên bóp méo Giáo Pháp để Giáo Pháp thích hợp với mình. Làm vậy ắt đau khổ phát sanh.
Không ai tránh khỏi đau khổ. Vậy, khi ta bắt đầu hành thiền đau khổ đã có sẵn ngay tại đây rồi.
Bổn phận người hành thiền là phải giữ chánh niệm, trụ tâm và an phận. Những pháp tu tập nầy giúp ta dừng lại. Tâm của người chưa từng bao giờ hành thiền có những thói quen buông lung. Công phu tu tập nầy chận đứng những thói quen ấy. Tại sao ta phải chịu khó như vậy? Vì nếu không chịu khó rèn luyện, ắt tâm mãi còn ở trong tình trạng hoang dại, mãi chạy theo những đường lối thiên nhiên. Ta có thể rèn luyện cái bản chất thiên nhiên ấy và xử dụng tâm một cách có lợi ích. Cũng như một cội cây. Nếu để ở trong trạng thái thiên nhiên với cành lá sum sê, ắt không bao giờ dựng lên được một ngôi nhà. Cây ở trong tình trạng ấy, ta không thể cưa ra thành ván để cất nhà. Tuy nhiên, nếu có người tiều phu rong lá, chặt cành, làm cho cây trở nên suôn sẻ, người thợ cưa sả cây ra, người thợ mộc gọt đẽo thành ván, thành cột, kèo, rui, mè v.v... không bao lâu ta có thể dùng đó mà dựng lên ngôi nhà.
Hành thiền và phát triển tâm cũng dường thế ấy. Ta bắt đầu với cái tâm chưa được rèn luyện -- giống như cội cây sum sê cành lá trong trạng thái thiên nhiên giữa rừng -- và rèn luyện cái tâm thiên nhiên ấy, làm cho nó ngày càng tế nhị, càng bén nhạy và sâu sắc hơn. Tất cả đều ở trong trạng thái thiên nhiên. Khi thấu hiểu trạng thái thiên nhiên như thế nào ta có thể đổi thay, có thể tự tách rời ra khỏi nó và buông bỏ, để nó đi qua. Chừng đó không còn đau khổ nữa.
Bản chất của tâm là mỗi khi nó dính mắc và bám níu thì có chao động và rối loạn. Nó có thể phóng đi đầu nầy rồi nhảy đi đầu kia. Trong khi quan sát ta nhìn thấy trạng thái chao động và có thể nghĩ rằng không làm sao rèn luyện được tâm. Nghĩ như vậy ta đâm ra chán nản, buồn phiền, đau khổ. Ta không thấu hiểu rằng tâm là vậy. Mặc dầu ta đang hành thiền, cố gắng tìm trạng thái an tĩnh, luôn luôn có những tư tưởng và những cảm thọ di chuyển, chao động lăng xăng. Nó là vậy.
Khi quán tưởng nhiều về bản chất của tâm ta sẽ thấu hiểu rằng tâm là vậy, không thế nào khác. Ta sẽ thấu hiểu rằng sinh hoạt của tâm chỉ là vậy. Bản chất của nó là vậy. Nếu thấy được rõ ràng như vậy ta có thể tự tách rời ra khỏi những tư tưởng và thọ cảm. Trong khi luôn luôn tự nhủ rằng, "nó là vậy, nó chỉ là vậy" ta không cần phải thêm gì khác. Khi tâm thật sự hiểu biết nó sẽ để cho tất cả trôi qua mà không dính mắc. Tư tưởng và thọ cảm vẫn còn đó. Nhưng chính những tư tưởng và thọ cảm ấy không còn năng lực lôi kéo hay quyến rũ nữa. Nó là nó, tâm là tâm.
Sự kiện nầy cũng giống như có em bé đùa nghịch làm cho ta khó chịu, la rầy, hay phát đít em. Ta nên hiểu rằng bẩm chất của trẻ con là đùa nghịch. Khi đã hiểu như vậy rồi ta có thể không quan tâm đến và để nó chơi đùa tự nhiên. Như vậy ta không còn khó chịu nữa. Trạng thái bực bội ắt chấm dứt. Tại sao trạng thái bực bội chấm dứt? Bởi vì ta đã chấp nhận bản chất thật sự của sự vật. Ta buông bỏ, không bám níu, và tâm trở nên an tĩnh. Ta đã có "chánh kiến".
Nếu quan kiến của ta sai lầm thì dầu sống trong hang đá sâu thẩm tối đen cũng vẫn bị xáo trộn, mà tung bay lên tận không trung mênh mông cũng vẫn vị xáo trộn. Tâm chỉ được an lạc khi có chánh kiến. Chừng đó không còn gì khó khăn bí ẩn để giải quyết, không còn vấn đề phiền phức.
Đó là đường lối chân chánh. Ta tự tách rời để cho tất cả trôi qua mà không dính mắc. Mỗi khi có cảm giác bám níu phát sanh ta tự tách rời ra khỏi nó bởi vì đã thấu hiểu rằng chính cảm giác ấy cũng chỉ là vậy, đến rồi đi, sanh rồi diệt. Nó đến, không phải để quấy rầy ta. Ta có thể nghĩ như vậy, cho rằng nó đến để quấy rầy ta, nhưng trong thực tế đó chỉ là bản chất thiên nhiên của nó -- cũng như đùa nghịch là bản chất thiên nhiên của trẻ con. Dầu ta có quán xét và suy tư sâu xa hơn nữa thì cũng vậy. Nó chỉ là vậy. Nếu ta để cho tất cả trôi qua thì hình sắc chỉ là hình sắc, âm thanh chỉ là âm thanh, mùi chỉ là mùi, vị chỉ là vị, xúc chạm chỉ là xúc chạm, và tâm chỉ là tâm. Cũng như dầu với nước. Ta có thể để chung dầu và nước trong một cái lọ, hai thứ vẫn không hòa lẩn nhau bởi vì bản chất của hai thứ khác nhau.
Dầu và nước khác nhau cũng như người trí tuệ và người si mê khác nhau. Đức Phật sống giữa sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nhưng đã là bậc A La Hán, Ngài xây lưng và tự tách rời ra dần dần. Ngài thấu triệt rằng tâm chỉ là tâm và tư tưởng chỉ là tư tưởng. Ngài không mơ hồ lầm lẩn và pha trộn lẩn nhau.
Tâm chỉ là tâm. Tư tưởng và thọ cảm chỉ là tư tưởng và thọ cảm. Thật sự nó là vậy, hãy để cho nó là vậy. Sự vật như thế nào hãy để cho sự vật đúng là vậy! Hãy để cho cái gì là cái đó! Sắc chỉ là sắc, thinh chỉ là thinh, ý là ý. Tại sao ta phải bận tâm bám níu nó? Nếu suy tư và thọ cảm như vậy ta sẽ buông bỏ và tự tách rời ra. Tư tưởng và thọ cảm sẽ ở một bên, còn tâm thì ở bên kia. Cũng như dầu và nước -- cả hai thể chất cùng ở trong một lọ nhưng riêng biệt, không hòa tan lẩn nhau.
Đức Phật và chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài sống chung với những người thường, những người phàm. Chẳng những sống chung với các người ấy mà các Ngài còn giáo dục họ, những người phàm tục tầm thường và si mê ấy, dạy họ phải làm thế nào để trở nên cao siêu thánh thiện, giác ngộ và có trí tuệ. Các Ngài có thể làm điều ấy vì các Ngài thông suốt pháp hành thiền. Các Ngài thấu hiểu rằng đây chỉ là vấn đề luyện tâm, như Sư vừa giải thích.
Như vậy, chớ nên lo lắng và hoài nghi pháp hành thiền. Chúng ta ly gia cắt ái để trở thành tu sĩ chớ không phải rời bỏ cửa nhà để lạc lối trong đám mây mù si mê ảo kiến. Cũng không phải vì hèn nhát hay sợ sệt. Chúng ta ra đi để tự rèn luyện, để làm chủ lấy mình. Hiểu biết như vậy ta có thể noi theo con đường của Giáo Pháp. Giáo Pháp ngày càng tỏ rạng hơn. Người nào hiểu biết Giáo Pháp hiểu biết chính mình, và người hiểu biết chính mình cũng hiểu biết Giáo Pháp. Ngày nay chỉ có phần tinh khiết còn lại của Giáo Pháp là được chấp nhận. Thật ra thì Giáo Pháp ở khắp cùng. Không cần phải lẩn đến nơi nào để tìm. Thay vì đi đâu tìm, hãy lẩn đến bằng trí tuệ, lẩn đến bằng trí minh mẫn sáng suốt, lẩn đến bằng hạnh khôn khéo tinh xảo. Không nên lẩn đến Giáo Pháp bằng si mê. Nếu muốn thật sự an lạc, trạng thái an lạc ấy phải là an lạc của trí tuệ. Đủ rồi! Chỉ có bấy nhiêu!
Bất luận lúc nào thấy Giáo Pháp thì đó là con đường chánh, đúng là chánh đạo. Ô nhiễm chỉ là ô nhiễm, tâm chỉ là tâm. Mỗi khi ta buông bỏ và tự tách rời để thấy sự vật chỉ là sự vật, như thật sự nó là vậy, chừng đó ta nhận thức rằng nó chỉ là trần cảnh, những đối tượng của ta. Khi đã đi đúng trên con đường chánh ta trở thành hoàn toàn trong sạch, không còn khuyết điểm, tức luôn luôn có trạng thái siêu thoát và tự tại.
Đức Phật dạy: "Hãy lắng tai nghe, nầy chư tỳ khưu, chớ nên bám níu vào các pháp". Nơi đây, "các pháp" có nghĩa là "các pháp hữu lậu" [*]. Các pháp hữu lậu ấy là gì? -- Nó là tất cả. Không có bất luận sự vật nào hay hiện tượng nào trên thế gian mà không phải là pháp hữu lậu. Tình thương và thù hận là pháp hữu lậu, hạnh phúc và đau khổ là pháp hữu lậu, ưa thích và ghét bỏ là pháp hữu lậu. Tất cả những sự việc ấy, dầu là ít oi không đáng kể như thế nào, đều là pháp hữu lậu. Khi ta thực hành Giáo Pháp, khi thấu hiểu sâu xa, ta có thể buông bỏ và để cho nó trôi qua. Và như thế, ta có thể làm đúng theo lời của Đức Tôn Sư là "không bám níu vào các pháp hữu lậu".

[*] Dhamma và dhamma: nên ghi nhận những ý nghĩa khác nhau của danh từ "dhamma" (định luật thiên nhiên về sự giải thoát mà Đức Phật đã tìm ra và truyền dạy) và "dhamma" (đối tượng của tâm), "các pháp hữu lậu" -- cũng được gọi là các pháp hữu vi, hay các hành, hoặc các sự vật được cấu tạo.

Tất cả những hiện tượng phát sanh trong tư tưởng, tất cả những hiện tượng phát sanh trong tâm, tất cả những hiện tượng phát sanh đến thân của chúng ta đều ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi. Đức Phật dạy không nên bám níu vào bất luận gì. Ngài dạy hàng đệ tử hành thiền nhằm tách rời ra khỏi những điều ấy chớ không phải hành để đạt đến điều gì. Hành để buông bỏ chớ không phải hành để có thêm được gì.
Nếu hành đúng theo lời dạy của Đức Phật là chúng ta hành đúng. Hành đúng, nhưng cũng phiền phức. Không phải giáo huấn của Đức Phật là phiền phức mà chính những ô nhiễm của chúng ta là phiền phức. Những ô nhiễm được hiểu biết sai lầm gây phiền phức cho chúng ta. Thật ra, hành đúng theo giáo huấn mà Đức Phật truyền dạy thì không có gì phiền phức. Ta có thể nói rằng bám sát vào con đường của Đức Phật không đem lại đau khổ vì Con Đường chỉ giản dị là buông bỏ, "để trôi qua", tức không bám níu vào bất luận pháp nào!
Đến mức cùng tột, trong pháp hành thiền của Phật Giáo Đức Phật dạy thực hành nghệ thuật "để trôi qua", "buông bỏ", chớ nên mang theo bất luận gì! Hãy buông bỏ! Nếu thấy điều tốt đẹp, hãy để nó trôi qua. Nếu thấy điều chân chánh, hãy để nó trôi qua. Nói rằng "để nó trôi qua" không có nghĩa là không làm gì hết, mà thật sự có nghĩa là phải hành phương pháp "để trôi qua" ấy. Phương pháp ấy là: không dính mắc, không luyến ái, không bám níu, mà buông bỏ.
Đức Phật dạy ta quán tưởng tất cả các pháp, phát triển Con Đường bằng cách quán niệm thân và tâm của chúng ta. Giáo Pháp không ở đâu khác. Nó ở ngay tại đây! Không phải ở nơi nào xa lạ mà trong chính cái thân và cái tâm nầy của ta.
Như vậy hành giả phải tinh tấn hành thiền. Phải làm cho tâm của mình càng to lớn hơn và ngày càng sáng suốt, tỏ rạng hơn. Phải làm cho nó tự do và độc lập. Khi đã thực hiện một hành động thiện, không nên mang nó theo trong tâm mà để nó trôi qua. Khi đã tự chế, không làm một điều bất thiện, hãy để nó trôi qua. Đức Phật dạy ta sống trong hiện tại kế cận nhất, nơi đây, và trong khoảnh khắc nầy. Chớ nên dể duôi tự buông trôi, lạc lối trong quá khứ hay trong vị lai.
Giáo huấn mà người ta ít lãnh hội nhất, mà cũng thường xung đột nhất với quan niệm của người đời là "hãy để trôi qua", hoặc "hành động với cái tâm rỗng không". Đây chỉ là một lối nói theo "ngôn ngữ của Giáo Pháp". Khi diễn đạt giáo huấn nầy qua ngôn ngữ thông thường của thế gian thì chúng ta trở nên mơ hồ, bối rối, và nghĩ rằng ta có thể làm bất luận gì mà ta muốn. Có thể diễn dịch như vậy, nhưng ý nghĩa thật sự gần nhất của lời dạy nầy là: Cũng như ta khuân một tảng đá nặng. Đi một đổi, ta cảm nghe tảng đá càng nặng hơn, nhưng không biết phải làm thế nào để buông bỏ, tách rời nó ra. Và như vậy, ta cắn răng mãi chịu đựng sức nặng của tảng đá. Nếu có ai thấy vậy bảo ta quẳng nó đi, ta sẽ nói, "nếu quẳng nó đi thì tôi còn gì?" Nếu có ai giải thích cho ta về những lợi ích của sự buông bỏ tảng đá xuống, ắt ta không tin và nghĩ rằng, "nếu quẳng nó đi ta sẽ không còn lại gì." Và như vậy, ta tiếp tục khuân vát tảng đá cho đến khi quá mệt mỏi, yếu dần và kiệt sức, không còn chịu đựng được nữa. Chừng đó ta buông tảng đá xuống.
Khi buông tảng đá xuống bỗng nhiên ta kinh nghiệm lợi ích của sự buông bỏ. Trong tức khắc ta cảm nghe thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, và chính tự bản thân, ta nhận thức rằng khuân vác, mang kè kè theo mình một tảng đá là nhọc nhằn như thế nào. Trước khi tự tách rời, buông nó ra, ta không thể hiểu biết lợi ích của sự buông xả. Do đó nếu có ai khuyên hãy buông bỏ, người chưa giác ngộ sẽ không thông hiểu tại sao phải buông bỏ. Người ấy sẽ bám níu tảng đá một cách mù quáng và từ chối, nhất định không buông ra, cho đến khi cảm nghe quá nặng, mình không còn chịu nổi nữa mới chịu buông bỏ, quẳng xuống gánh nặng. Chừng ấy mới nghe nhẹ nhàng, thoải mái dễ chịu, và chính tự bản thân lãnh hội đầy đủ những lợi ích của sự buông xả. Về sau, có thể ta còn bắt đầu khuân một tảng đá khác, nhưng lúc bấy giờ ta đã hiểu biết hậu quả của việc khuân vát một tảng đá là nặng nhọc như thế nào, và ta sẽ buông bỏ dễ dàng hơn. Sự hiểu biết rằng mang gánh nặng trên vai đi quanh quẩn là vô ích và đặt nó xuống, bỏ nó lại, sẽ tạo cho mình trạng thái nhẹ nhàng thoải mái là một trường hợp cho thấy lợi ích của sự tự hiểu biết mình.

Tính ngã mạn [*] của chúng ta và ý niệm về một tự ngã mà ta bị chi phối nặng nề cũng giống như tảng đá. Cũng dường như đối với tảng đá, nếu nghĩ đến việc buông bỏ, không chấp vào cái tự ngã của mình thì ta sợ rằng sẽ không còn gì hết. Nhưng cuối cùng, khi buông bỏ được rồi tự chính ta nhận thức rằng không bám níu là thoải mái dễ chịu.

[*] Nơi đây danh từ "ngã mạn" được phiên dịch từ Phạn ngữ "Màna", không chỉ có nghĩa là tự cao tự đại như thường danh từ nầy được hiểu. "Màna", ngã mạn, là cố chấp vào cái "ngã" của mình và so sánh. Tự cho mình là hơn người, tự cho mình là bằng người, và tự cho mình là thua kém người, là ba hình thức khác nhau của tâm ngã mạn. Ngã mạn là một trong mười thằng thúc, tức mười dây trói buộc cột chúng sanh vào vòng luân hồi. Đến khi chứng đắc Đạo Quả A La Hán mới tận diệt được thằng thúc "ngã mạn". (Lời người dịch)

Trong pháp luyện tâm ta phải tập buông xả, không bám vào lời khen hay tiếng chê. Muốn được ngợi khen và không muốn bị khiển trách là con đường của thế gian. Con đường của Đức Phật là chấp nhận lời khen khi đáng được ngợi khen và chấp nhận lời khiển trách khi đáng bị khiển trách. Chẳng hạn như dạy dỗ trẻ con, nếu ta không rầy la suốt ngày thì thật là rất tốt. Có người rầy la quá nhiều. Người sáng suốt biết la rầy đúng lúc và khen ngợi đúng lúc. Tâm ta cũng vậy. Hãy dùng trí để hiểu biết tâm. Hãy khôn khéo chăm sóc tâm. Chừng ấy ta sẽ trở thành người có tài luyện tâm. Và khi đã trở nên thuần thục, tâm có thể loại trừ đau khổ. Đau khổ ở ngay tại đây, trong tâm ta. Đau khổ luôn luôn làm cho sự vật trở nên phức tạp, luôn luôn biến chế, luôn luôn sáng tạo, làm cho tâm nặng nề. Nó phát sanh ngay tại đây và cũng hoại diệt tại nơi nầy.
Bẩm chất của tâm là vậy. Đôi khi có những tư tưởng thiện, lắm lúc có những tư tưởng bất thiện. Tâm quả thật gian xảo. Không nên tin nó. Thay vì tin, hãy nhìn thẳng vào sinh hoạt của nó. Nó như thế nào hãy chấp nhận nó là vậy. Nó chỉ là nó thôi. Dầu là thiện, bất thiện, hay thế nào đi nữa, nó là vậy. Không hơn, không kém. Nếu ta bám chặt vào ắt bị nó cắn và sẽ đau khổ.
Với "chánh kiến" chỉ có an tĩnh. Tâm định (samàdhi) phát sanh và nhường chỗ cho trí tuệ. Dầu trong tư thế nào, bất luận nơi nào mà ta ngồi hoặc nằm, chỉ có trạng thái an tĩnh. An tĩnh ở khắp nơi, dầu ta đi đâu cũng vậy.

Hôm nay quý Sư Huynh mang đệ tử đến đây để nghe Giáo Pháp. Có lẽ quý vị lãnh hội được một vài điểm của thời Pháp. Cũng có vài điểm quý vị không lãnh hội. Nhằm giúp quý vị thấu hiểu dễ dàng Sư đã đề cập đến pháp hành thiền. Dầu quý vị nghĩ rằng lời của Sư đúng hay không đúng, hãy thọ lãnh và suy niệm.
Chính Sư đây cũng là một thiền sư như quý Sư. Sư cũng đã có trải qua những trường hợp khó khăn tương tợ. Sư cũng vậy, rất thèm muốn được nghe Giáo Pháp bởi vì đi đến đâu Sư cũng phải giảng cho người khác chớ không bao giờ được cơ hội để nghe. Như vậy, lần nầy quý Sư thật sự thưởng thức một thời Pháp do một thiền sư thuyết giảng. Thời gian trôi qua rất nhanh khi ta ngồi im lặng lắng nghe Giáo Pháp. Quý vị thèm khát được nghe Giáo Pháp nên hôm nay thật sự quý vị muốn nghe. Lúc ban đầu, thuyết giảng Giáo Pháp cho người khác là một thích thú, nhưng sau một thời gian cái thích thú ấy cũng tan dần. Ta cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi, thế rồi ta muốn nghe. Do đó, khi lắng nghe một vị thiền sư thuyết giảng ta lấy làm hứng thú và lãnh hội dễ dàng. Khi đã lớn tuổi và đang thèm khát Giáo Pháp thì hương vị của Giáo Pháp quả thật đặc biệt thích thú.
Là thầy của những người khác quý Sư là gương lành cho họ, là khuôn vàng thước ngọc cho những vị tỳ khưu đệ tử của quý Sư. Quý Sư là khuôn mẫu cho hàng đệ tử, là gương sáng cho tất cả mọi người. Vì lẽ ấy chớ nên quên mình. Cũng chớ nên nghĩ đến mình. Khi có những tư tưởng vị kỷ phát sanh, hãy loại trừ nó đi. Làm được vậy là tự hiểu biết mình.
Có hằng triệu đường lối hành thiền. Nói về pháp hành thiền thì không cùng. Có rất nhiều điều làm cho ta hoài nghi. Hãy dẹp sạch nó đi thì không còn hoài nghi nữa! Khi có chánh kiến thì dầu ngồi đâu, đi nơi nào, cũng được an tĩnh và thoải mái. Bất luận nơi nào mà ta ngồi xuống hành thiền thì đó là nơi mà ta chú niệm và luôn luôn tỉnh thức. Chớ nên đinh ninh rằng chỉ có lúc ngồi và khi đi mới hành thiền. Tất cả mọi sự vật và bất luận nơi nào cũng có thể tỉnh thức. Lúc nào cũng có thể chú niệm. Bất luận nơi nào ta cũng có thể thấy thân và tâm luôn luôn sanh diệt. Chớ nên để nó động lại trong tâm. Hãy để cho nó trôi qua.. Nếu có tình thương đến, hãy để nó trôi qua và đi về nhà. Nếu có tham ái đến, hãy để cho nó đi luôn về nhà. Nếu có sân hận đến, hãy để cho nó đi luôn về nhà. Theo dõi nó! Xem coi nó ở đâu, rồi hộ tống nó đi. Không nên cất giữ bất cứ gì. Nếu thực hành như thế ta có thể giống như một ngôi nhà trống. Hoặc nữa, giải thích theo một lối khác, đó là cái tâm trống không. Một cái tâm rỗng không, không còn chứa đựng mảy may bất thiện pháp nào. Ta gọi nó là "tâm rỗng không", nhưng không phải rỗng không là không có gì trong đó. Rỗng không, không còn chứa chấp mảy may bất thiện pháp nào, nhưng nó đầy trí tuệ. Chừng đó, bất cứ điều gì mà ta làm, ta làm với trí tuệ. Ta sẽ suy tư với trí tuệ. Ta sẽ ăn uống với trí tuệ. Chỉ còn lại trí tuệ.

* * *

Bấy nhiêu đó là những lời dạy ngày hôm nay mà Sư lấy làm hoan hỷ hiến tặng quý Sư. Thời Pháp nầy đã được ghi âm. Nếu nghe Pháp mà tâm quý Sư được an tĩnh thì bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Quý Sư không cần phải ghi nhớ điều gì. Nói vậy có thể vài người không tin. Nhưng nếu ta giữ tâm an tĩnh và chỉ nghe thôi, cứ để thời Pháp trôi qua và liên tục suy tưởng, tức nhiên ta cũng giống như cái máy ghi âm. Về sau, khi ta vặn nó lại để nghe thì tất cả đều còn đó. Chớ nên sợ rằng sẽ không có gì. Mỗi khi mà quý Sư vặn lên cái máy ghi âm của quý Sư để nghe thì tất cả đều còn đó.
Sư muốn tặng thời Pháp nầy đến tất cả quý Sư và tất cả mọi người. Có thể vài người trong quý vị chỉ biết chút ít tiếng Thái, nhưng không hề gì. Ước mong quý vị có thể học ngôn ngữ của Giáo Pháp. Bấy nhiêu cũng tốt rồi!

___________________________________

[1] Ngài Ajahn Mun có lẽ là vị Thiền Sư được quý trọng nhất và cũng có nhiều uy tín nhất tại Thái Lan trong thế kỷ nầy. Theo sự hướng dẫn của Ngài tập tục thực hành hạnh Đầu Đà (Dhutanga kammatthàna) của chư vị tỳ khưu sống trong rừng đã trở thành quan trọng. Phần lớn các Ngài Đại Thiền Sư hiện nay và những vị đã viên tịch trong thời gian gần đây đều, hoặc là đệ tử chánh thức hoặc đã chịu nhiều ảnh hưởng của Ngài. Ajahn Mun tịch diệt vào tháng 11 năm 1949.

[2] Ajahn Sao là thầy của Ajahn Mun.


Trích: Những Lời Dạy Của Ngài AJAHN CHAH
Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê Thị Sương
chuyển ngữ từ Anh sang Việt

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Con đường tiếp cận với đạo Phật

Có người thường xem tôn giáo là niềm tin vào một Đấng Thượng đế hay những vị thần linh và từ đó, họ cho rằng bất cứ tôn giáo nào chủ trương tin vào thần thánh, hay nói khác đi, có quan điểm hữu thần, mới thực sự là tôn giáo. Vì thế, các tôn giáo hữu thần thường cho đạo Phật là đạo vô thần, hay thậm chí không phải là tôn giáo. Họ xem đạo Phật như là khoa triết học hay tâm lý học vì đạo Phật không chủ trương tin vào thần linh hay Thượng đế. Đạo Phật không dựa trên một lý thuyết siêu hình hay giáo điều nào đó mà chỉ dựa trên một kinh nghiệm chung của toàn thể nhân loại - đó là sự đau khổ. Tư tưởng nền tảng của đạo Phật là qua việc suy tưởng, quán niệm và hiểu biết về kinh nghiệm khổ đau chung đó, loài người có thể vượt lên trên những ảo tưởng tâm lý đã tạo nên chính sự khổ đau của họ.

Đạo Phật có phải là một tôn giáo không?

Chúng ta thường dễ dãi nghĩ là mình đã hiểu biết về tôn giáo vì tôn giáo có ảnh hưởng rất sâu rộng trong đời sống văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, nhín chút thì giờ để quán niệm và suy tưởng về mục đích và mục tiêu thật sự của tôn giáo vẫn là điều hữu ích.
Từ "tôn giáo" hay "religion" có gốc từ tiếng La-tinh "religio" có nghĩa là "mối liên hệ", "sự nối kết" hay "sự kết hợp". Nó hàm ý về quan hệ giữa con người và một đối tượng thiêng liêng và ảnh hưởng bao trùm của quan hệ này trên toàn bộ nhân cách của người đó. Để trở thành một người thật sự "tôn giáo", bạn phải tìm cầu và thiết lập quan hệ với một đối tượng thiêng liêng, hay một thực tại tuyệt đối, dâng hiến đời mình và sống trọn vẹn với quan hệ đó cho đến lúc bạn đạt được sự hiểu biết tối thượng. Tất cả tôn giáo đều nói về "sự giải thoát" và "sự cứu rỗi". Những danh từ đại loại như thế nhằm truyền đạt ý nghĩa về sự tự do và giải thoát khỏi những mê lầm và ảo tưởng tâm lý, sự tự do tuyệt đối và viên mãn, sự hiểu biết toàn bộ về thực tại tuyệt đối. Trong đạo Phật, chúng ta gọi đó là giác ngộ.

TÌM HIỂU VỀ BẢN CHẤT CỦA SỰ KHỔ ĐAU

Đạo Phật là đạo suy tưởng và quán niệm về sự khổ đau vì đó là kinh nghiệm chung của toàn thể nhân loại. Trong đạo Phật, khổ đau không nhất thiết phải là một tấn thảm kịch lớn hay một nỗi bất hạnh khủng khiếp. Nó đơn giản chỉ là một cảm thức bất toại nguyện, không hạnh phúc, và thất vọng mà tất cả chúng ta đều cảm nhận nhiều lần trong cuộc đời. Khổ đau là kinh nghiệm chung của cả nam lẫn nữ, cả người giàu lẫn người nghèo. Dù chúng ta khác biệt về màu da và dân tộc, khổ đau vẫn là sợi dây chung ràng buộc chúng ta lại với nhau.
Vì thế trong đạo Phật, khổ đau được xem là một sự thật thánh thiện (Khổ Thánh đế). Nó không phải là sự thật tuyệt đối. Khi Đức Phật giảng dạy về khổ đau như một sự thật thánh thiện, Ngài không có ý muốn buộc chúng ta vào khổ đau và mù quáng tin vào đó như một sự thật tuyệt đối. Trái lại, Ngài dạy chúng ta dùng kinh nghiệm khổ đau như một chân lý thánh thiện để suy tưởng và quán niệm. Chúng ta quán tưởng: Khổ đau là gì? Thực chất của nó là gì? Tại sao ta đau khổ? Đau khổ về cái gì?
Hiểu biết được bản chất của khổ đau là một cái nhìn trí tuệ quan trọng. Với kinh nghiệm sống riêng của bạn, bây giờ bạn hãy thử suy nghĩ. Trong đời, bạn đã dành bao nhiêu thời gian để tránh né hoặc chạy trốn khỏi những điều phiền lòng hay những gì bạn chống ghét? Xã hội mà chúng ta đang sống đã bỏ ra biết bao công sức để đi tìm hạnh phúc và lạc thú ở đời và trốn tránh những điều khó chịu và những gì chúng ta không ưa thích? Chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc trong một khoảnh khắc nào đó, say mê miệt mài trong một khoảnh khắc nào đó, đạt được những điều mà chúng ta cho là không phải khổ đau, chẳng hạn như một tình cảm sôi nổi và hứng thú, một mối tình lãng mạn, một cuộc phiêu lưu kỳ thú, những khoái lạc về thân xác, ăn uống, nghe âm nhạc, hay nhiều thứ khác nữa. Nhưng thật ra, chúng ta làm tất cả những điều này chỉ là để trốn tránh và xua đuổi những nỗi sợ hãi, bất mãn, lo âu, và phiền muộn luôn là bóng ma lảng vảng trong tâm thức chưa giác ngộ của chúng ta. Ngày nào mà con người còn sống trong vô minh và không chịu cố gắng nhìn thẳng vào và tìm hiểu bản chất của khổ đau, con người sẽ tiếp tục bị ám ảnh và không ngừng lo âu và sợ hãi về chính cuộc sống của mình.
Để hiểu được khổ đau đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận thay vì tìm cách xua đuổi và chối bỏ nó, hay đổ lỗi cho người khác. Chúng ta sẽ nhận ra rằng khổ đau có nguyên nhân của nó, rằng nó tùy thuộc vào một số điều kiện nào đó - những điều kiện tâm lý do chúng ta tự tạo hay do nếp sống văn hóa và gia đình của chúng ta huân tập. Kinh nghiệm sống và quá trình huân tập nạy bắt đầu ngay từ lúc chúng ta lọt lòng mẹ. Gia đình, tập thể, cộng đồng, trường học, tất cả những định chế này đã gieo trồng và nuôi dưỡng trong tâm chúng ta những định kiến, thiên kiến, và quan điểm - cả thiện lẫn bất thiện.
Giờ đây, nếu không thực sự nhìn thẳng vào những điều kiện tâm lý này, xem xét và tìm hiểu bản chất thực sự của chúng, dĩ nhiên chúng ta sẽ tiếp tục bị chúng sai khiến, chúng ta sẽ hiểu và diễn giải kinh nghiệm sống của mình qua những cái nhìn lệch lạc. Nhưng nếu xem xét và tìm hiểu chính bản chất của sự đau khổ, chúng ta sẽ bắt đầu làm quen với những tình cảm như nỗi kinh sợ, lòng khát khao, và sự ham muốn, và rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng bản chất thực sự của mình không phải là những dục vọng hay nỗi sợ hãi này. Bản chất thực sự của chúng ta là không tùy thuộc vào bất cứ điều kiện nào.

PHÁP HỮU VI, PHÁP VÔ VI, VÀ Ý THỨC CON NGƯỜI

Các tôn giáo thường lấy quan hệ giữa thế giới hữu vi (thế giới duyên sinh và hữu hạn) và thế giới vô vi (thế giới không bị giới hạn và chi phối bởi thời gian và những điều kiện vật chất, tâm thức) làm đối tượng chính. Điều này có nghĩa là nếu đi vào tận cốt lõi của bất cứ tôn giáo nào, bạn sẽ thấy là tất cả đều đặt trọng tâm vào điểm chấm dứt của cuộc sống, hay sự ngừng nghỉ của thế giới hữu vi. Sự chấm dứt của thế giới hữu vi cũng là điểm bắt đầu của sự chứng ngộ và hiểu biết về thế giới vô vi. Thuật ngữ đạo Phật có ghi: "Có pháp vô vi; và nếu không có pháp vô vi, thì cũng không có pháp hữu vi". Pháp hữu vi sinh và diệt trong pháp vô vi, và qua đó, chúng ta có thể thấy được quan hệ giữa thế giới hữu vi và thế giới vô vi. Đã sinh ra làm người, chúng ta phải chịu sự chi phối của những giới hạn và điều kiện của thế giới dựa trên giác quan. Sự ra đời của chúng ta có nghĩa là chúng ta thoát sinh từ thế giới vô vi và thị hiện dưới dạng một sắc thân riêng biệt và tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Và có sắc thân con người này cũng có nghĩa là chúng ta có ý thức.
Ý thức luôn xác định quan hệ giữa chủ thể và khách thể; và trong đạo Phật, ý thức được xem là một chức năng phân biệt của tâm. Ngay bây giờ, bạn hãy suy nghĩ về điều này. Bạn đang ngồi đây và lắng nghe những lời này. Đây là kinh nghiệm của ý thức. Bạn có thể cảm nhận hơi nóng trong phòng, bạn có thể nhìn quang cảnh xung quanh, bạn có thể nghe những âm thanh. Tất cả điều này có nghĩa là bạn đã được sinh ra trong sắc thân con người và từ đây cho đến cuối đời, ngày nào mà sắc thân này còn sống, nó sẽ tiếp tục ghi nhận cảm thọ và ý thức sẽ tiếp tục sinh khởi. Ý thức luôn cho ta cái ấn tượng là có chủ thể và khách thể, thế nên khi chúng ta không chịu khó quan sát và tìm hiểu bản chất thật sự của sự vật, chúng ta sẽ bị kẹt trong cái nhìn nhị nguyên "Sắc thân này là của tôi, cảm thọ này là của tôi, ý thức này là của tôi".
Do đó, thái độ nhị nguyên sinh khởi từ ý thức. Và để rồi, với khả năng hiểu biết, ghi nhớ, và nhận thức của tâm, chúng ta xây dựng cho mình một cá tính hay nhân cách. Thỉnh thoảng chúng ta rất yêu thích và thú vị về nhân cách của mình. Nhưng đôi khi chúng ta lại sợ hãi một cách vô lý, có cái nhìn sai lệch, và lo âu về chính con người của mình.

ƯỚC VỌNG CỦA TÂM THỨC CON NGƯỜI


Trong tất cả xã hội có đời sống vật chất phát triển cao hiện nay, phần lớn các nỗi thống khổ và tuyệt vọng của con người đều bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta - những con người hiện đại - thường không thể hướng đến với một cái gì cao hơn ngoài cái hành tinh mà chúng ta đang sống và ngoài sắc thân làm người này của chúng ta. Xã hội hiện đại không thật sự khuyến khích con người ước mơ và hướng về sự hiểu biết tối thượng hay quả vị giác ngộ. Ngược lại, hình như người ta thường ngăn cản mong ước đó.
Vì không liên hệ được với một sự thật cao hơn cuộc đời bình thường này, cuộc sống của chúng ta trở thành vô nghĩa. Nếu chúng ta không thể liên hệ được với một cái gì khác hơn ngoài những kinh nghiệm của một thân xác con người sống trên trái đất, trong cái vũ trụ đầy bí ẩn này, tất cả ý nghĩa của cuộc sống sẽ chỉ là để sinh ra rồi chết. Dĩ nhiên, câu hỏi kế tiếp sẽ là mục đích của cuộc sống là gì? Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Tại sao chúng ta phải quan tâm về vấn đề này? Tại sao cuộc sống phải có một mục đích? Tại sao cuộc đời phải có ý nghĩa? Tại sao chúng ta muốn cuộc sống phải có ý nghĩa? Tại sao chuỏng ta tạo ra những ngôn ngữ, triết học và tôn giáo? Tại sao chúng ta mong mỏi hay ước mơ về sự giác ngộ tối thượng nếu tất cả những gì đang có hay có thể có chỉ là kinh nghiệm sống dựa trên cái nhìn của tự ngã? Phải chăng việc chúng ta được sinh ra trong sắc thân làm người này, với những giới hạn của nó, chỉ là một ngẫu nhiên trong cái hệ thống hành tinh vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta?
Chúng ta không thể hiểu được tường tận cái vũ trụ mà chúng ta đang sống. Chúng ta chỉ có thể nghi vấn về nó. Chúng ta có thể trực cảm và ngắm nhìn vũ trụ, nhưng chúng ta không thể nào thu nó nhỏ lại thành viên thuốc. Đầu óc của chúng ta cũng không ghi nhận hết được nó. Vì thế, cách suy nghĩ duy vật khuyên chúng ta càng không nên đặt ra những câu hỏi trên. Ngược lại, nó thúc đẩy chúng ta diễn giải tất cả kinh nghiệm của cuộc đời này bằng logic và lý luận, dựa trên những giá trị của chủ nghĩa duy vật và khoa hoốc thực nghiệm.

KINH NGHIỆM TỈNH THỨC

Đạo Phật chỉ cho chúng ta thấy cái kinh nghiệm chung hay phổ biến của tất cả chúng sinh, đó là khổ đau. Đạo Phật cũng trình bày cho chuỏng ta con đường đi ra khỏi khổ đau. Khổ đau là kinh nghiệm có sức mạnh làm thức tỉnh con người. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi. Chúng ta có khuynh hướng đi tìm, xem xét, nghi vấn, và thử tìm giải đáp.
Trong câu chuyện của Thái tử Siddattha (tên của Đức Phật trước khi Ngài giác ngộ), chúng ta được kể khi còn là thái tử, Ngài sống trong khung cảnh chỉ có dục lạc, sắc đẹp, tiện nghi, và ân sủng - nói khác đi, Ngài có tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời. Và rồi, như câu chuyện tiếp tục kể, vào lúc hai mươi chín tuổi, Thái tử Siddattha rời cung điện của hoàng gia đi tham quan ngoại thành, vạ trong chuyến đi này, Ngài gặp và biết được những sứ giả hiện thân của tuổi già, bệnh tật, và sự chết.
Ngày nay, có người sẽ nói là chắc chắn Đức Phật phải biết về tuổi già, bệnh tật và sự chết trước năm Ngài hai mươi chín tuổi. Theo cách suy nghĩ của chúng ta ngày nay, rõ ràng là từ lúc còn nhỏ, ai cũng biết là mọi người đều lớn lên, già đi, bị bệnh, rồi chết. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Phật, Thái tử Siddattha đã bị cách ly khỏi những kinh nghiệm này từ lúc còn nhỏ, và mãi cho đến lúc Ngài tiếp cận trực tiếp với những kinh nghiệm trên, Ngài mới thật sự bừng ngộ.
Cũng tương tự như thế, chúng ta có thể sống cả đời cho rằng mọi việc đều ổn thỏa. Ngay cả những đau khổ hay thất vọng thường gặp cũng không nhất thiết làm chúng ta thức tỉnh. Chúng ta có thể suy nghĩ phớt qua về chúng, nhưng chung quanh chúng ta có quá nhiều cơ hội để chúng ta không tìm hiểu và không để ý đến chúng. Phải chăng đổ lỗi cho người khác đã gây đau khổ cho chúng ta lạ một việc dễ làm? Chúng ta có thể đổ lỗi cho nhà nước, cha mẹ, bạn bè hay kẻ thù của chúng ta, cho những thế lực từ bên ngoài. Nhưng chúng ta chỉ bừng tỉnh với cái khổ đau của tuổi già, bệnh tật, và sự chết khi chúng ta biết là những điều này sắp xảy đến cho chúng ta. Và sự bừng tỉnh này đến không phải chỉ như một ý niệm trừu tượng mà là một tình cảm thật sự trào lên từ chính gan ruột của chúng ta, là một cái nhìn trí tuệ thực sự rằng đây là những gì xảy đến cho tất cả mọi người. Những gì sinh ra sẽ già nua, suy thoái, và chết.
Sứ giả thứ tư mà Đức Phật gặp trong chuyến tham quan ngoại thành là một vị sa môn. Sa môn là một tu sĩ, hay một người tầm đạo, một người dâng hiến đời mình cho lý tưởng đi tìm sự thật tuyệt đối. Trong câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, vị sa môn được mô tả như một tu sĩ cạo đầu và mặc y.
Bốn vị sứ giả này là bốn biểu tượng trong Đạo Phật: Tuổi già, bệnh tật, sự chết, và vị sa môn. Nó có nghĩa là sự thức tỉnh của tâm thức con người về một lý tưởng tôn giáo, về ước mơ nhận thức được sự thật tuyệt đối, về ước vọng được tự do và giải thoát khỏi tất cả si mê và đau khổ tiềm ẩn trong trái tim của con người.

VIỆC TU TẬP TRONG ĐẠO PHẬT

Ngày nay, nhiều người có xu hưóng mô tả việc thiền định trong đạo Phật như là sự rời bỏ cuộc đời này để phát triển một trạng thái tâm thức vắng lặng và tập trung cao độ, trong một khung cảnh được lựa chọn, điều chỉnh, và kiểm soát cẩn thận. Vì thế, ở Mỹ và một số nước khác, nơi mà việc tu thiền Phật giáo ngày càng phổ biến, người ta quyết đoán rằng thiền định trong đạo Phật là một trạng thái vắng lặng và tập trung của tâm, trong đó kỹ thuật thiền và việc kiểm soát thân tâm là rất quan trọng.
Kỹ thuật thiền là tốt và cần thiết. Nhưng nếu tâm của bạn đã bắt đầu phát huy được một số năng lực quán chiếu thì bạn thường không cần, hoặc thậm chí không nên mất thì giờ để tinh luyện bằng cách đè nén tất cả những gì thô thiển hay khó chịu xảy ra trong tâm. Trái lại, bạn nên triển khai và phát huy tối đa năng lực quán chiếu và nhạy cảm của tâm để biết rằng, ngay bây giờ, những điều kiện mà bạn nhận thức được - hay nói khác đi, những gì bạn đang cảm xúc, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, và suy nghĩ - đều là vô thường.
Vô thường là đặc tính chung của tất cả hiện tượng, cho dù đó là niềm tin vào Thượng đế hay ký ức về quá khứ; tư tưởng sân hận hay tình cảm thương mến; cao hay thấp, thô thiển hay vi tế, xấu hay tốt, dễ chịu hay đau đớn. Bất kỳ tính chất của nó là gì, bạn đang quán sát nó như một sự vật khách quan. Tất cả những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt. Nó lạ vô thường. Và bây giờ, như một phương pháp hành trì và quán niệm về cuộc sống, việc khai mở tâm thức sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ được tình cảm và tư tưởng, bản chất của sắc thân, cùng với những đối tượng giác quan của bạn.
Chúng ta hãy trở lại vấn đề ý thức. Khoa học hiện đại hay khoa học thực nghiệm xem thế giới vật chất mà chúng ta thấy, nghe, vạ cảm nhận được mới là thế giới có thật. Vì thế, thế giới khách quan này được xem là một thực tại. Chúng ta có thể trông thấy thế giới vật chất, đồng ý với nhau về tính chất của nó, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm nó, hay thậm chí đồng ý với nhau về cảm nhận hay tên gọi mà chúng ta dành cho nó. Nhưng phải chăng cảm nhận về thế giới này cũng vẫn là một sự vật khách quan (sinh khởi trong tâm thức của chúng ta)? Vì ý thức cho chúng ta cảm tưởng là có chủ thể và khách thể nên khi quan sát về thế giới vật chất, chúng ta nghĩ là chúng ta đang quan sát một cái gì đó tồn tại bên ngoài và biệt lập với chúng ta.
Trong khi giảng dạy giáo lý, Đức Phật đã đưa quan hệ chủ thể và khách thể đến điểm tận cùng của nó. Ngài dạy rằng tất cả cảm nhận, tất cả trạng thái khởi lên trong tâm thức, tất cả tình cảm, tất cả cảm xúc, tất cả đối tượng thế giới vật chất mà chúng ta nghe và thấy đều là vô thường. Ngài nói, "Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt". Và Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại trong giáo lý của Ngài rằng đây là một cái nhìn trí tuệ rất quan trọng. Nó giải thoát chúng ta khỏi tất cả những si mê. Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.
Ý thức cũng có thể được định nghĩa là khả năng thấy biết của chúng ta hay kinh nghiệm của sự thấy biết. Chủ thể thấy biết khách thể. Khi chúng ta nhìn vào những sự vật và cho chúng tên gọi, chúng ta nghĩ là chúng ta biết về chúng. Chúng ta nghĩ là mình biết người này hay người nọ vì chúng ta biết tên của họ hay ghi nhớ họ trong ký ức. Chúng ta nghĩ chúng ta biết tất cả mọi việc trên đời vì chúng ta ghi nhớ được chúng. Nhiều lúc, khả năng thấy biết của chúng ta bị giới hạn - chúng ta chỉ có thể biết "về" thay vì biết trực tiếp bản chất của sự vật.
Tu tập trong đạo Phật là an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh, nơi đó có một loại hiểu biết đặc biệt mà chúng ta gọi là trí tuệ, hay tri giác trực nhận. Đó là một loại tri giác không dựa trên cảm nhận, tư duy, lập trường, hay học thuyết, mà chỉ có thể có qua sự tỉnh giác hay chánh niệm. Tỉnh giác hay chánh niệm có nghĩa là khả năng không dính mắc vào bất cứ đối tượng nào, dù đó là vật chất hay tinh thần. Khi không bị dính mắc, tâm sẽ ở trong trạng thái tỉnh thức, hiểu biết, và trong sáng thuần tịnh. Đó chính là tỉnh giác hay chánh niệm. Tâm tỉnh giác là tâm thanh tịnh, dễ tiếp thu, và nhạy cảm với những gì xảy ra chung quanh. Nó không còn là cái tâm bị giới hạn, quy định, và chỉ biết phản ứng lại với những lạc thú và sự khó chịu, với những lời khen và chê, với hạnh phúc và đau khổ.
Thí dụ nếu bây giờ bạn đang nổi giận, bạn có thể chạy theo cơn giận. Bạn có thể cho mình giận là đúng và tiếp tục nuôi dưỡng mãi cái tình cảm đặc thù đó, hoặc là bạn có thể đè nén cơn giận và tìm cách tiêu diệt nó vì bạn lo sợ hoặc không thích sự giận dỗi. Tuy nhiên, thay vì chọn một trong hai cách trên, bạn có thể quán tưởng về cơn giận như là một đối tượng quan sát. Và bây giờ, nếu cơn giận là bản ngã thật sự của chúng ta, thì chúng ta không thể nào quan sát nó được; đây chính ý nghĩa của những gì mà tôi gọi là "quán tưởng". Cái gì có thể quan sát và suy tưởng về tình cảm giận? Cái gì có thể theo dõi và xem xét tình cảm, sức nóng trong thân thể, hay trạng thái của tâm? Cái có thể quan sát và xem xét này chính là tâm quán tưởng. Tâm của con người là tâm có khả năng quán tưởng.

SỰ HIỂN LỘ CHÂN LÝ CHUNG CHO TẤT CẢ TÔN GIÁO


Chúng ta có thể đặt những câu hỏi: Tôi là ai? Tại sao tôi sinh ra trong cuộc đời này? Đời sống thật ra là gì? Điều gì sẽ xảy ra khi tôi chết? Cuộc sống này có mục đích hay ý nghĩa gì không? Vì chúng ta có khuynh hướng nghĩ là chỉ có người khác mới biết những vấn đề này còn bản thân mình thì mù tịt, nên chúng ta thường đi tìm lời giải đáp từ bên ngoài thay vì tự khai mở tâm thức của mình và kiên nhẫn chánh niệm nhìn sự thật hiển lộ. Qua việc chánh niệm và tỉnh giác thật sự, chân lý sẽ được hiển bày. Vạ sự hiển lộ chân lý này cũng chính là sự chứng đắc về tâm linh. Khi dâng hiến đời mình cho một lý tưởng thánh thiện vạ sống trọn vẹn trong đó, chúng ta tạo điều kiện cho chân lý hiển lộ mà nó còn gọi là trí tuệ - trí tuệ sâu sắc và thật sự - soi sáng vào bản chất của sự vật. Chân lý hiển lộ không thể diễn tả bằng lời. Ngôn ngữ không đủ khả năng diễn đạt kinh nghiệm chứng ngộ. Chính vì thế mà kinh nghiệm chứng ngộ có thể rất khác nhau. Ngôn từ và cách thức diễn đạt kinh nghiệm chứng ngộ là biến thiên không lường được. Vì thế mà những kinh nghiệm chứng ngộ của người Phật tử nghe rất là Phật giáo, của người Ky-tô giáo nghe rất là Ky-tô giáo, và điều này cũng hợp lý thôi. Không có gì sai trái cả. Nhưng chúng ta cần chấp nhận giới hạn của quy ước ngôn ngữ. Chúng ta cần hiểu rằng ngôn ngữ không phải là sự thật tuyệt đối; nó là một cố gắng để truyền đạt cái thực tại không thể diễn đạt bằng lời này đến người khác.
Theo dõi con người ngày nay đi tầm đạo là một điều thú vị. Một nước như nước Anh, nơi mà đa số dân là Ky-tô giáo giờ đây lại có rất nhiều tôn giáo. Tại đất nước này, tín đồ của các tôn giáo khác nhau đã nhiều lần tìm cách gặp gỡ và cố gắng tìm hiểu về đức tin của nhau. Chúng ta có thể dừng lại ở mức độ đơn giản và chỉ cần biết là người Hồi giáo tin ở đấng Allah, người Ky-tô giáo tin ở Chúa Jesus Christ và người Phật tử tin ở Đức Phật Thích Ca. Nhưng điều mà tôi quan tâm ở đây là việc chúng ta đi vượt lên trên những quy ước và tập tục tôn giáo để tiến đến một sự hiểu biết thật sự, sự hiểu biết sâu sắc về chân lý tuyệt đối. Và đây là cách nói của người theo đạo Phật.
Ngày nay chúng ta có dịp cùng nhau đi tìm chân lý chung cho tất cả tôn giáo; tất cả chúng ta có thể bắt đầu giúp nhau. Hình như đây là lúc mà việc tìm cách thay đổi đức tin của người khác hay tranh giành ảnh hưởng tôn giáo không còn ích lợi hay có giá trị gì cả. Thay vì tìm cách thay đổi đức tin của người khác, tôn giáo cho chúng ta cơ hội để thức tỉnh về bản chất thật sự của chúng ta, về sự tự do thật sự, về lòng từ ái và bi mẫn. Đó là một cách sống với tất cả sự nhạy cảm và tất cả khả năng đón nhận, để chúng ta có thể hân hoan và mở rộng con người của mình với cái bí ẩn và kỳ diệu của vũ trụ trong suốt phần còn lại của cuộc đời chúng ta.

Ajahn Sumedho


Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Chùm ý nghĩ di chuyển qua các kiếp sống

Thầy nói chúng tôi phải quay trở lại lặp đi lặp lại, cho tới khi chúng tôi hiểu ra. Nhưng nếu không có 'tôi' - ai quay lại? 

Đây là câu hỏi siêu hình, câu hỏi rất logic, nhưng nếu bạn trở nên có tính tồn tại chút ít thì câu hỏi này tan biến. Nếu bạn có thể ở đây mà không có cái 'tôi', sao bạn không thể ở trong các kiếp sống khác mà không có cái 'tôi'? Nếu bạn có thể tồn tại trong bẩy mươi năm mà không có 'tôi', bản ngã, tại sao bạn không thể tồn tại trong nhiều kiếp, vấn đề là gì? Vấn đề nảy sinh trong tâm trí rằng không có 'tôi' ai sẽ đi vào bụng mẹ khác khi thân thể chết? 
Đây chỉ là chùm ý nghĩ, không gì khác. Ý nghĩ là sự vật. Ý nghĩ không phải là cái không. Bản thể bạn là phi hiện hữu; ý nghĩ là vật chất; ý nghĩ là vật liệu, chúng là vật. Đó là lí do tại sao ý nghĩ có thể được ghi lại - chúng là sự vật; và ý nghĩ có thể được đọc - chúng là vật. Cho dù bạn không xác nhận một ý nghĩ, nó vẫn có thể được đọc ra từ bên ngoài. Nó là vật bên trong đầu bạn, sống động, có chất liệu. 
Ý nghĩ là vật. Chùm ý nghĩ là bản ngã. Khi bạn chết chỉ một chùm ý nghĩ được thoát ra, và chùm ý nghĩ đó cùng ham muốn và xúc động và mọi thứ mà bạn đã làm và đã nghĩ, cùng các giấc mơ và hi vọng và thất vọng - chùm đó đi vào trong bụng mẹ khác. 
Chùm này có trung tâm, trung tâm này là bản ngã. Nếu bạn muốn không được sinh ra nữa bạn sẽ phải biết trong khi sống trong cuộc sống này rằng chùm ý nghĩ không phải là 'hiện tượng-một', nó chỉ là đám đông và nó không có trung tâm trong nó. Bạn sẽ phải biết ý nghĩ nguyên tử. Ý nghĩ tựa như nguyên tử: nếu bạn quan sát chúng với tỉnh táo bạn có thể thấy mọi ý nghĩ đều tách rời khỏi ý nghĩ khác. Giữa hai ý nghĩ có khoảng hở, khoảng trống, chúng không nối với nhau. Chúng dường như được nối lại bởi vì bạn không rất tỉnh táo. Điều đó giống như khi một người cầm bó đuốc trong tay và đưa tay nhanh, quay tròn quay tròn quay tròn - bạn sẽ thấy một vòng lửa. Vòng này không tồn tại bởi vì bó đuốc chỉ ở từng điểm mỗi lúc, thế rồi điểm khác ở lúc khác. Vòng tròn lửa không tồn tại, nhưng bó đuốc chuyển đi nhanh tới mức bạn không thể thấy được lỗ hổng, bạn thấy vòng tròn. 
Ý nghĩ chuyển nhanh. Cái nhanh của chúng tạo ra cảm giác là chúng được nối lại với nhau, rằng vòng tròn được tạo ra, nhưng đây chỉ là cảm giác. Có hai cách vượt ra ngoài nó. Một cách là đem ý nghĩ xuống chuyển động chậm để cho chúng không chuyển quá nhanh. Để chúng chậm lại chút ít. Đó là lí do tại sao tôi nhấn mạnh: Đừng vội vàng, đừng căng thẳng. Chuyển động với nhịp độ chậm, chuyển động không căng thẳng, không vội vàng, bởi vì nếu bạn không vội, ý nghĩ không thể đi ngược lại bạn được, chúng là một phần của bạn. Nếu bạn kiên nhẫn sâu sắc ý nghĩ không thể chuyển nhanh hơn bạn được, chúng trở nên chậm hơn. Khi ý nghĩ chậm hơn, ngọn đuốc chuyển chậm, bạn có thể thấy rằng vòng tròn không tồn tại - nó chỉ là có vẻ vậy. Khi ý nghĩ chuyển chậm bạn có thể thấy rằng có các lỗ hổng, rằng ý nghĩ là nguyên tử và không cái gì nối chúng lại. 
Cho nên một cách là làm chậm lại và cách khác là trở nên nhận biết hơn. Nếu bạn nhận biết hơn bạn có tầm nhìn xuyên thấu hơn, sáng suốt xuyên thấu hơn. Làm việc theo cả hai cách đi. Trở nên tỉnh táo hơn, đừng đi như người ngủ, đừng là kẻ mộng du. Mọi người đều vậy. Bạn di chuyển trong cuộc sống cứ dường như bạn đang ngủ; bạn làm mọi thứ nhưng chỉ một phần là thức, chín mươi chín phần trăm của bạn là ngủ. Bạn không biết mình đang làm gì, tại sao bạn làm nó, tại sao nó xảy ra. Bạn cứ đi và đi dường như bị thôi miên bởi cái gì đó. Đó là việc thôi miên lớn. 
Không ai khác đã thôi miên bạn, đó là tự thôi miên. Bạn đã thôi miên bản thân mình. Bạn có thể làm điều đó một cách dễ dàng - ngồi đó trước tấm gương và nhìn vào mắt mình và bạn sẽ bị bản thân mình thôi miên. Bạn sẽ rơi vào giấc ngủ, bạn sẽ rơi vào cơn mê. Cùng điều đó đã xảy ra qua hàng triệu kiếp: không tỉnh táo, không kiên nhẫn, chạy ngày càng nhanh và trở nên ngày càng ngủ hơn - bạn không thể thấy được. 
Trở nên kiên nhẫn thêm chút ít đi. Đó là lí do tại sao đi tới phương Đông lại có ích. Ở phương Tây khó làm chậm lại, toàn thể cuộc sống chuyển vận với tốc độ mà bạn không thể làm chậm lại được - bằng không bạn sẽ bị ra ngoài cuộc sống, bạn sẽ là kẻ không thích hợp. Ở phương Đông, nếu bạn đi về thôn quê, cuộc sống chuyển vận chậm tới mức nếu bạn chuyển nhanh bạn sẽ là kẻ không thích hợp, bạn sẽ thấy bản thân mình có một mình, không ai đi cùng bạn. Cuộc sống chuyển vận chậm rãi. Vào thời xưa khi cuộc sống chuyển vận chậm trên cả trái đất, hiểu bản thân mình là rất dễ bởi vì bạn có thể thấy dễ dàng. Bạn có thể nhắm mắt lại và bạn có thể thấy không gian bao la giữa hai ý nghĩ - cũng như có không gian bao la giữa hai nguyên tử. 
Tôi đã nghe một câu chuyện về tương lai. Một người đang du hành và người đó đi tới ga mà người đó định xuống. Người đó gọi nhiều người khuân vác tới. Các hành khách khác đơn giản ngạc nhiên tại sao người đó lại gọi người khuân vác vì họ không thấy hành lí nào đi cùng người đó cả. Người đó chỉ có một hộp diêm và một gói thuốc là, có vậy thôi. Họ đã không thấy gì khác, cho nên sao người đó lại gọi? 
Người đó gọi cả tá người khuân vác tới và rồi nói: Mang hộ hộp diêm này đi. Mọi người bắt đầu cười - nhưng trong hộp diêm đó là một chiếc xe hơi đầy đủ, được nén lại. 
Các nhà khoa học nói rằng một con voi có thể được nén lại, bởi vì trong con voi các nguyên tử chỉ có lưa thưa còn không gian bao la lại nhiều hơn. Như bạn có thể nén bông, voi có thể được nén lại, và nó có thể khít vào trong bao diêm. Cả đoàn tàu hoả có thể được nén lại. Không gian phải bị lấy ra, thế thì nó có thể được đưa vào trong bao diêm và chính việc vận tải mọi thứ thành rất dễ dàng. 
Người cũng có thể được nén lại. Một ngày nào đó họ sẽ làm điều đó bởi vì nếu bạn muốn đi tới mặt trăng hay sao Hoả sẽ khó mang nhiều người thế vì sẽ rất tốn kém. Cách duy nhất sẽ là trước tiên nén hành khách lại, và thế rồi, khi họ đã lên tới mặt trăng, thổi phồng họ lên trở lại. 
Nhiều không gian tồn tại. Nhiều không gian tồn tại, không chỉ trong Sushila, trong mọi người - nhiều không gian. Nó có thể được bỏ ra. Bạn có thể được nén lại. Mọi ngôi sao và mọi hành tinh đều có thể bị nén lại trong một phòng nhỏ, nếu mọi không gian bị lấy ra. Toàn thế giới đầy không gian, nguyên tử chỉ có lưa thưa. 
Thế rồi có vấn đề khác: nếu bạn đi vào trong nguyên tử, lại có không gian. Giữa hai nguyên tử có không gian, không gian bao la, và nếu bạn đi vào trong nguyên tử, thế thì có không gian giữa các điện tử, lại không gian bao la. 
Bây giờ các nhà khoa học đã trở nên hơi sợ về toàn thể sự việc. Vật chất đã hoàn toàn biến mất. Ngay lúc bắt đầu thế kỉ này họ đã tuyên bố rằng Thượng đế chết rồi - nhưng Thượng đế không chết. Tất mọi điều đã xảy ra trong vòng năm mươi năm qua là ở chỗ vật chất chết. Họ đã săn đuổi vật chất ráo riết, họ đã săn đuổi vật chất từ phân tử tới nguyên tử, từ nguyên tử tới điện tử, và đột nhiên họ đứng ở cái không - không vật chất. 
Cùng điều đó đã xảy ra ở phương Đông: chúng ta chưa bao giờ bận tâm về vật chất, chúng ta bận tâm về linh hồn, và chúng ta săn đuổi linh hồn từ thân thể tới tâm trí, từ tâm trí tới bản thể. Thế rồi một khoảnh khắc tới khi mọi thứ biến mất - chỉ có cái không. Đó là điều tôi ngụ ý nghĩ khi tôi nói: bạn là vô bản thể, anatta. Đó là điều Phật nói: Cái không tồn tại bên trong ông, chỉ cái không vô hạn. 
Vật lí đã đạt tới cùng điểm mà siêu hình đã đạt tới trước nó - cái không. Và dường như là cái không không phải là tuyệt đối không có gì; ngược lại, chúng ta bây giờ có thể hiểu rằng cái không là trạng thái của cái 'mọi thứ', vô bản thể là trạng thái của bản thể - không biểu lộ và biểu lộ. Khi một vật trở nên biểu lộ, thế thì nó là vật chất, khi nó trở thành không biểu lộ nó là không gian. Khi cái gì đó trở nên biểu lộ, nó là bản ngã, còn khi cái gì đó trở nên không biểu lộ, nó là vô bản thể, anatta. 
Vật chất là chùm các nguyên tử và bản ngã là chùm các ý nghĩ. Nếu bạn đi sâu vào vật chất, vật chất biến mất, nếu bạn đi sâu vào ý nghĩ, bản ngã biến mất. Thế thì ai di chuyển? Chẳng ai cả, nhưng chuyển động có đó. Từ kiếp này sang kiếp khác chuyển động có đó, nhưng không ai có đó là người di chuyển, chỉ chùm các ý nghĩ. 
Bạn đã bao giờ quan sát người chết chưa? Bạn phải đã quan sát rồi. Lần sau khi bạn nghe nói rằng ai đó sắp chết hay ai đó chết, tới đó ngay đi và ngồi lại, và cố cảm thấy điều đang xảy ra. Nếu bạn quan sát người sắp chết bạn sẽ cảm thấy nhiều điều đang xảy ra trong bạn bởi vì người sắp chết này thả ra mọi ý nghĩ của mình. Bây giờ ngôi nhà này không còn an toàn nữa; ‎ý nghĩ bắt đầu rời đi cứ dường như nếu tổ không còn an toàn, chim bay đi. Ngôi nhà này không còn hữu dụng nữa, ở trong nó là nguy hiểm, nó có thể sập, bất kì khoảnh khắc nào nó đều sắp sập, cho nên mọi người bỏ đi. Mọi ý nghĩ đang bay ra. Nếu một người tốt sắp chết, khi ngồi cạnh người đó bạn sẽ cảm thấy thức dậy đột ngột của cái tốt bên trong bạn; nếu một người xấu sắp chết, bạn sẽ đột nhiên cảm thấy thức dậy của cái xấu trong bạn. Nếu một người rất ác sắp chết, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn đang trở thành độc ác; nếu một thánh nhân sắp chết, đột nhiên bạn cảm thấy hồn nhiên nảy sinh trong bạn mà bạn chưa bao giờ biết trước đây. Người sắp chết sẽ tạo ra toàn thể bầu không khí quanh bạn - ý nghĩ của người đó đang chuyển động; chùm các ý nghĩ đang di chuyển, như bầy chim. Chẳng mấy chốc chúng sẽ hạ xuống bụng mẹ khác - ở đâu đó một đôi sẽ làm tình. Trên khắp thế giới, mọi khoảnh khắc, hàng triệu người đang làm tình. Họ là cơ hội cho chùm ý nghĩ này đi vào trong bụng mẹ, kiếm ngôi nhà mới. Nếu bạn đã hiểu ra trước cái chết của mình rằng ý nghĩ là tách rời, rằng chúng có không gian vô hạn giữa chúng, các khoảng hở; nếu trong khi bạn còn sống bản ngã đã bị tan biến, và bạn đã đi tới biết rằng không có bản ngã, không có cái gì giống như 'tôi' ở bên trong; thế thì bạn sẽ chết mà không có ham muốn được sinh ra lần nữa và bởi vì bạn biết, điều đó là vô tích sự. Mọi ham muốn biến mất khi bạn biết rằng không có bản ngã. Bạn không ham muốn, bạn đơn giản chết. Không có lực dính của ham muốn, ý nghĩ được thả ra, nhưng chúng không thể tạo thành chùm được. 
Lực dính là ham muốn, nó dính mọi ý nghĩ với nhau và làm thành một toàn thể của chúng. Nếu ham muốn không có đó ý nghĩ sẽ biến mất, chúng sẽ đi vào trong bầu trời vô hạn nhưng không như một chùm, mà như các nguyên tử tách rời, và bạn đã biến mất hoàn toàn. 
Biến mất này là niết bàn; nhưng người ta phải biết nó trước cái chết. Người ta phải chết trước cái chết. Toàn thể nghệ thuật của tôn giáo là về cách chết - nhưng thế thì cách sống cũng được ngụ ý bởi vì bạn có thể chết đúng chỉ nếu bạn đã sống đúng. Khi tôi nói đúng, tôi không ngụ ý cuộc sống tốt. Khi tôi nói đúng, tôi ngụ ý cuộc sống có tính thiền. Khi tôi nói cuộc sống đúng, tôi không ngụ ý nghĩ cuộc sống đạo đức, tôi ngụ ý cuộc sống rất, rất hiểu biết, nhận biết, tỉnh táo. 
Điều đó là khó, trừ phi bạn đi vào bên trong bản thân mình và biết rằng không ai tồn tại ở đó cả. Sẽ không thể nào hiểu nổi làm sao bạn đã từng trải qua nhiều kiếp sống mà không có người nào ở đó; trừ phi bạn đi vào bên trong bản thân mình. 
Bạn đã bao giờ thấy lửa bắt cháy thành phố chưa? Bạn có thấy rằng từ nhà này ngọn lửa nhảy sang nhà khác không? Làm sao nó nhảy từ nhà này sang nhà khác? Chỉ bởi vì gió. Nếu gió không có đó nó không thể nhảy sang nhà khác được. Ngọn lửa không nhiên liệu nào vẫn nhảy từ nhà nọ sang nhà kia. Chỉ gió là được cần tới, gió thổi được cần tới, và trên đôi cánh của gió ngọn lửa được mang đi. Ngọn lửa tuyệt đối là phi vật chất, trong vài giây nó sẽ không còn nữa. Nó nhảy và bắt cháy sang nhà khác, và toàn thể ngôi nhà bị thiêu hết. 
Theo cùng cách đó, bất kì cái gì bạn gọi là linh hồn mình cũng không là gì ngoài ngọn lửa của ham muốn. Khi một người chết đi, ham muốn lại được sinh ra, ham muốn không chết là gió; và chùm ý nghĩ trên đôi cánh của gió ham muốn này nhảy vào trong bụng mẹ khác, ngôi nhà khác. 
Nếu bạn đã hiểu điều đó trong khi còn sống, thế thì không gió nào đem bạn đi bất kì đâu được, ham muốn không còn đó. Ý nghĩ sẽ biến mất trong sự tồn tại như các nguyên tử riêng biệt và bạn sẽ không được sinh ra lần nữa. Thế thì bạn là một với sự tồn tại; thế thì không cần tách rời lặp đi lặp lại và không cần chịu khổ lặp đi lặp lại - tách rời là khổ. 

Trích từ "Đạo- Ba kho báu - Tập 2"
_________________
Herenow-Consciousness-Alert

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Bớt dục vọng thì ta sẽ có thêm tình thương

Trong quyển Ánh Đạo Vàng cụ Võ Đình Cường có kể một câu chuyện về đức Phật.
"Có lần trên đường tầm đạo sau khi theo đuổi con đường tu khổ hạnh, một ngày nọ Phật kiệt sức, ngài được một cô thiếu nữ, Tu-xà-đa, đến dâng cho một bát cháo sữa.  Sau khi dùng xong bát cháo sữa ấy, Phật lấy lại sức khoẻ, ngài hỏi cô Tu-xà-đa
    - Hôm nay ta nhờ bát cháo sữa của người mà được mạnh khoẻ như xưa, công ơn ấy ta biết lấy gì đền đáp lại cho người?
Cô Tu-Xà-đa đáp:
    - Thưa ngài! Lòng con là một đoá hoa lan nhỏ bé, chỉ vài giọt sương mai là đủ để tươi thắm rồi. Con không có một mong ước tham cầu nào hết. Con sống không đòi hỏi cũng không từ chối: thản nhiên nhận lấy mọi việc không may xảy đến cho con, không oán trách cũng không trốn tránh.  Nhưng bao giờ con cũng tin chắc rằng những điều xảy đến ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay, vì như con đã thấy, những việc ác sẽ gây hoạ, và những việc thiện sẽ gây phúc. Một hạt giống tốt sẽ mang lại một chuỗi hạt lúa vàng. Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này mà thôi:  bớt dục vọng và thêm tình thương.
Ðức Phật mỉm cười bảo:
    - Những gì người nói rất đích đáng. Sự hiểu biết của người không cần kinh sách. Người đi trúng đường không cần ai chỉ bảo, như con bồ câu bay trúng hướng một cách tự nhiên. Nhưng trong nhân loại, đếm được mấy người hiểu và sống như thế?  Và biết bao người cần phải có kẻ chỉ dẫn! Chính vì thế mà ta đi tìm đạo. Thôi người hãy về đi. Ta chúc người làm tròn phận sự của người. Còn ta, ta sẽ làm tròn phận sự của kẻ đi tìm phương giải thoát cho nhân loại."
Tôi thấy lời chia sẻ của cô Tu-xà-đa rất sâu sắc là: “Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này là bớt dục vọng và thêm tình thương”. Mà tôi nghĩ rằng thật ra hai điều ấy chỉ là một mà thôi, hễ bớt dục vọng thì ta sẽ có thêm tình thương, và ngược lại nếu ta có thêm tình thương thì ta cũng sẽ bớt đi dục vọng. Tình thương đâu có khác gì với tuệ giác phải không bạn?

Nguyễn Duy Nhiên

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Thơ Thầy Viên Minh 11 (Tâm Bình Thường)
























1. Bình thường tâm vốn sáng trong
   Chỉ vì vọng động nên quên chính mình
   Vô minh che khuất tánh minh
   Ngôn từ che khuất trang kinh không lời
   Bây giờ vắng lặng thảnh thơi
   Không thêm không bớt, không vơi không đầy
   Bình thường tâm vẫn ngay đây
   Đạo mầu vẫn ở phút giây hiện tiền


2.  Chân lý ở khắp nơi
    Thấy nghe đều hiển hiện
    Ngay đó lòng thảnh thơi
    Vô chiêu, vô ngã - pháp.

3. Không bỏ tánh theo tướng
   Biết hướng về Tự Tâm
   Đó chính là Chân Hướng
   Thể nhập Đạo uyên thâm. 


4. Sen chẳng quản bùn nhơ
    Trong bùn hoa vẫn nở
    Ai thấy đời nên thơ
    Khi tâm hồn cởi mở?


5. Lành thay, tâm chỉ thấy
    Mọi hiện tượng đến đi
    Mỉm cười, không dao động
    Sá gì chuyện thị phi!

6. Người không biết tự giác
    Bồ-tát cũng bó tay
    Đành để pháp xử lý
   Mới thấy ra đường ngay.

7. Không cần cầu an lạc
   Chỉ cần thấy khổ, không
   Sống vị tha vô ngã
   Sinh tử vẫn thong dong.

8. Đời không là ảo mộng
    Mà trường học tuyệt vời
   Giữa thăng trầm đau khổ
   Giác ngộ liền thảnh thơi.

9. Khi thông suốt đạo lý
    Dù đang làm việc gì
   Tâm vẫn thường thuận pháp
   Sống vô ngã vô vi.

10. Tâm chân thấy pháp đều chân
      Nhìn qua vọng tưởng phân vân hai bờ
      Dụng công càng thấy mịt mờ
      Buông ra ngay đó ai ngờ nhẹ tênh!

11. Chân không phải mộng, mộng lầm chân
      Nên phải luân hồi khổ tấm thân
      Thấy được đâu chân đâu ảo mộng
      Mới hay mộng ảo chỉ phù vân!

12. Ai bảo thiền phải chậm?
     Ai buộc làm phải nhanh?
     Phải chăng toàn bản ngã
     Còn đâu chỗ Tinh Anh?

13. Đạo vốn thường tự nhiên
      Biết tùy duyên thuận pháp
      Không tạo tác đảo điên
      Hồn nhiên sống đạo thiền. 


14.  Giảng: chỉ bày Sự Thật (1)
       Nghe: soi chiếu lầm mê
       Thấy ra Chân Diệu Nghĩa (2)
       Ngay đây Chốn Trở Về (3).

   (1): Ariya Sacca, (2): Paramattha, (3): Nibbàna

15. Ai thấy ra Chánh Pháp
      Nói Sự Thật như nhau
      Không có gì sai khác
      Dù vạn pháp muôn màu.

16. Chịu khổ để thấy khổ
      Thấy khổ mới biết tu
      Nếu chưa thấy khổ đế
      Sống một đời như mù!

17. Giúp người, cứ tự nhiên
     Không giúp, cũng chớ phiền
     Sống ung dung tự tại
     Dù thấy đời đảo điên.

18. Lành thay! Thường thấy biết
     Thân - tâm - cảnh rõ ràng
     Trong pháp không phóng dật
     An lạc, sống nhẹ nhàng.


19. Khi phụng sự: hết lòng
      Khi vô sự: tâm không
      Vừa làm tròn hiếu đạo
      Vừa sống thiền thong dong.

20. Lành thay! người con hiếu
     Biết phụng dưỡng song thân
     Lấy từ bi, trí tuệ
     Đáp nghĩa, đền thâm ân!

21. Ngọc sáng ẩn trong đá
      Trải qua bao thời gian
      Thời tiết càng khác nghiệt
      Ngọc càng sáng muôn vàn.

22. Tánh tâm vốn thanh tịnh
      Trải bao kiếp luân hồi
      Thấy khổ đau phiền não
      Tâm vẫn sáng tinh khôi! (1)

      (1) Pabhassara-citta


23. Không phải đời đáng chán
     Chỉ tại lòng chán đời
     Không vọng cầu ảo tưởng
     Thực tại thật tuyệt vời!


* Những vần thơ trên đây được trích từ HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP trong trang web: TRUNG TÂM HỘ TÔNG

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Sự Thành Công Của Phật Giáo Trong Thế Giới Tây Phương

Tôi sinh ra là một người Thiên Chúa Giáo, được giáo dục trong các trường học Thiên Chúa Giáo, và thậm chí tôi còn ca hát trong ca đoàn nhà thờ địa phương. Nhưng vào năm tôi 16 tuổi, lúc tôi đọc cuốn sách đầu tiên về Phật Giáo, ngay lập tức, tôi biết rằng tôi là một người Phật Tử. Tôi đã cảm động bởi lòng từ bi, bởi sự trí tuệ, và bởi sự tự do, đã tỏa sáng rực rỡ trong Lời Phật Dạy, hơn hẳn mọi tôn giáo khác mà tôi đã gặp trước kia. Trong cuộc sống của nhiều người ở thế kỷ 21 nầy, họ đã có những kinh nghiệm tương tự giống như tôi, và điều nầy đã và đang được lặp đi lặp lại hàng trăm ngàn lần. Khi những người bình thường ở các nước không-phải Phật-Giáo, gặp được Giáo Lý Thuần Túy Của Đạo Phật, được trình bày một cách rõ ràng và đáng tin cậy, sau đó họ nhanh chóng nhận ra rằng đây là những con đường đầy hương thơm, và trong tất cả các sự thật đây là sự quý giá hạng nhất, và trong tất cả các tôn giáo đây là sự tốt đẹp hạng nhất. Họ tự hỏi tại sao trí tuệ giải thoát tốt đẹp đến dường nầy, lại không được truyền bá rộng rãi hơn, để cho nhiều người biết đến.
Trong nước Úc, quốc gia tôi đang ở, có số lượng Phật Tử không đáng kể vào năm 1983, khi tôi từ Thái Lan đến đây lần đầu tiên. Đến năm 1991, số lượng Phật Tử đã lên đến 0,8%. Vào năm 1996, con số nầy tăng lên đến 1,1%. Gần đây, trong Bản Điều Tra Dân Số Nước Úc năm 2001, số lượng Phật Tử đã tăng thêm 75%, có nghĩa là lên đến 1,9% dân số. Con số nầy có nghĩa là (gần như) một trong năm mươi người Úc tuyên bố họ là Phật Tử. Trong khi Thiên Chúa Giáo suy giảm ở Tây Phương, Phật Giáo đã trở thành tôn giáo phát triển nhanh nhất tại nước Úc, và tại nhiều quốc gia phát triển khác.
Đây là một tin tốt, và cũng là một tin xấu. Đây là một tin tốt, bởi vì nhiều người Úc đang hưởng phước lợi từ một tôn giáo hòa bình nhất trên thế giới. Đây là một tin xấu, bởi vì những nhà sư giống như tôi phải làm việc vất vả, vì phải chăm sóc thêm cho nhiều đệ tử!
Bây giờ tôi muốn nói về ý tưởng tại sao tôi nghĩ rằng Phật Giáo đang phát triển rất tốt đẹp ở Tây Phương. Tôi sẽ xử dụng từ ngữ viết tắt PURE (NGUYÊN CHẤT) tóm tắt bốn phương cách chính yếu, để giúp chúng ta gia tăng sự truyền bá Đạo Phật:
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG - các nhà sư thuyết giảng bằng ngôn ngữ xử dụng hằng ngày, để giúp cho Phật Tử dễ hiểu.

2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI - các nhà sư giúp cho Phật Tử khi đến chùa, họ cảm nhận được sự thân thiện, và họ cảm thấy thích thú khi được học hỏi về Phật Pháp.

3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG - các nhà sư chọn đề tài liên hệ đến cuộc sống, nói về các TRỞ NGẠI hằng ngày.

4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT - cuộc sống mỗi ngày của các nhà sư, là các thí dụ sống động nhất.

1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG:

Nếu chúng ta muốn giáo lý tuyệt vời của Đạo Phật đến gần với thế hệ tân tiến, và hiện đại, thì chúng ta cần phải thuyết giảng theo cách hiện đại. Điều nầy không có nghĩa là bản chất của Phật Pháp cần phải thay đổi; mà phương cách thuyết giảng cần phải điều chỉnh liên tục. Các thế hệ tương lai sẽ không chịu ngồi lắng nghe các nhà sư thuyết giảng qua giọng nói đều đều, gây buồn chán, hoặc là nói về một đề tài không thích hợp, không áp dụng được vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết Đức Phật nói rằng, chúng ta nên giảng dạy Phật Pháp bằng ngôn ngữ xử dụng hằng ngày, thí dụ như bài Kinh Phân Tích Về Sự Không Xung Đột (Aranavibhanga Sutra). Quý vị hãy để tôi đưa ra một thí dụ, cho biết điều nầy có ý nghĩa gì. Thế kỷ vừa rồi, các linh mục và các học giả Tây Phương chỉ trích Đạo Phật là bi quan, họ nói rằng Đạo Phật chỉ tập trung vào sự đau khổ. Thậm chí, điều nầy còn được lặp đi lặp lại bởi Đức Giáo Hoàng John Paul II, trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi của ngài về các tôn giáo trên thế giới. Để tránh sự hiểu lầm nầy, chúng ta có thể sắp xếp lại Sự Giảng Dạy Chính Yếu Của Phật Pháp nói về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) như là Hạnh Phúc (Dukkhanirodho); Nguyên Nhân Của Hạnh Phúc (là Con Đường Cao Quý Có Tám Phần = Bát Chánh Đạo); Sự Vắng Mặt Của Hạnh Phúc (Sự Đau Khổ = Dukkha); và Nguyên Nhân Hạnh Phúc Đã Vắng Mặt (Sự Ham Muốn = Craving). Đấy là sự di chuyển trọng-tâm từ đau-khổ thành hạnh-phúc.
Đây là một cách trình bày Phật Pháp theo một hình thức khác, đơn giản, mà vẫn giữ được bản chất, tuy nhiên cách nầy sẽ hấp dẫn các khán giả hiện đại. Điều nầy đã được chứng minh bằng câu nói sau đây của Đức Phật: "Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng" (Kinh Pháp Cú, Kệ 203 và Kệ 204). Khi tôi trình bày Bốn Sự Thật Cao Quý theo cách nầy, tôi thấy các thế hệ lắng nghe, và họ quay trở lại để học hỏi thêm về Phật Pháp.

2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI:

Thuyết giảng Phật Pháp bằng ngôn ngữ xử dụng hằng ngày, là bước đầu tiên mang Đạo Phật đến với người nghe, qua sự gần gũi, và sự thân thiện. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy trong nhiều trường hợp, nhiều người Tây Phương và Đông Phương, muốn học hỏi về Đạo Phật nhưng họ đã sợ hãi đi đến chùa, hoặc đến tu viện, bởi vì họ không quen với các phong tục truyền thống, và thậm chí họ sợ hãi vì các nhà sư hay nhăn mặt, và cau có! Khi ngôi chùa Phật Giáo nào luôn chào đón mọi người đến viếng thăm, và luôn giúp đỡ mọi người mới đến, và có các nhà sư dễ nói chuyện, thì ngôi chùa nầy được gọi là ngôi chùa thân thiện.
Ngày nay, mặc dù trong thời hiện đại, nhưng mọi người rất bận rộn, họ hiếm khi nào có thời gian đến thăm chùa. Do đó, chùa nên mang Phật Pháp tới mọi người qua sách vở, qua băng cát-sét, qua đĩa CD, và tất nhiên là qua các trang mạng điện tử (internet). Hội Phật Giáo Tây Úc của chúng tôi có một trang mạng lớn, mà chúng tôi đã tải lên hằng tuần các bài Pháp Thoại bằng Anh Ngữ, để bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, có thể lắng nghe Phật Pháp trong sự thoải mái, thuận tiện tại nhà riêng của họ. Chúng tôi rất thành công với việc làm kể trên, vì chúng tôi mang Phật Pháp đến một số đông các Phật Tử thường xuyên lắng nghe trên toàn thế giới, mà chúng tôi không cần xây dựng các tòa nhà hoang phí, và đắt tiền.

3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG:

Các tôn giáo giống như Thiên Chúa Giáo đang suy giảm ở Tây Phương, vì tôn giáo nầy được xem là không áp dụng được vào cuộc sống của con người. Sẽ có rất ít người quan tâm đến các triết lý trừu tượng, cùng với các nghi lễ không có ý nghĩa rõ ràng, hoặc là những suy đoán đi ngược lại với lý do chính đáng. Tuy nhiên, họ rất quan tâm đến việc làm thế nào để cuộc sống có nhiều hạnh phúc hơn, giữa các trở ngại thông thường trong cuộc sống của họ.
Tôi đã cảm thấy thật dễ dàng để giải thích, rằng việc gìn giữ giới luật sẽ làm tăng gia mức độ hạnh phúc trong gia đình, giống y hệt như nước thủy triều làm nâng cao mức độ trung bình của nước biển. Kết quả của sự giải thích nầy là nhiều khán giả của tôi đã giữ gìn Năm Giới. Và tôi cũng chẳng có gì khó khăn để minh họa rằng, khi chúng ta mang sự tử tế đến các bạn đồng nghiệp, đến gia đình, và cho chính chúng ta, có nghĩa là chúng ta mang nhiều sự thoải mái, đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, các đệ tử của tôi đã có ít đi sự giận dữ, và có thêm vào nhiều sự tha thứ. Có nhiều bằng chứng về y tế, chứng minh rằng sự thực tập thiền định theo truyền thống của Phật Giáo, đã làm giảm đi sự căng thẳng trong cuộc sống hiện đại, và cũng làm giảm đi các trở ngại có liên hệ khác. Vì vậy, tất cả các thành viên trong chùa của tôi đều là các thiền giả có nhiệt tâm. Ba sự thực tập chính yếu của Đạo Phật - là đạo đức, lòng tử tế, và thiền định - khi được đóng khung trong bối-cảnh phát-triển hạnh-phúc cá-nhân, đã thu hút rất nhiều người đến với Đạo Phật. Những điều nầy liên quan đến những gì, mà nhiều người coi là quan trọng đối với họ.
Khi chúng tôi tập trung vào những gì có thể áp dụng được trong cuộc sống của một người bình thường, thì sau đó Phật Giáo trở nên quan trọng đối với họ. Họ có thể bắt đầu bằng sự quan tâm đến việc giải quyết các trở ngại thế gian của họ, tuy nhiên sau đó, điều nầy sẽ sớm đưa họ đi đến Con Đường Giải Thoát, dẫn họ thoát ra khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc sống.

4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT:

Đối với thế hệ hiện đại, tất cả mọi điều nói trên chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu chúng ta không có những người lãnh đạo có phẩm-chất cao-quý để cung cấp nguồn cảm hứng. Sự phát triển của Phật Giáo chủ yếu dựa vào các thí-dụ sống-động của các nhà sư như đạo đức, từ bi, khôn ngoan, và hòa bình. Những người của thế kỷ thứ 21 là những người hoài nghi. Họ sẽ không đặt để niềm tin của họ vào một tôn giáo nào, cho đến khi họ nhìn thấy một số bằng chứng là tôn giáo nầy sẽ mang lợi-ích đến cho họ. Đạo Phật có thể giúp gì cho họ không? Đạo Phật có thật sự dẫn họ đến sự đạo đức, đến sự từ bi, đến sự hạnh phúc, và đến sự tự do không? Họ đang nhìn vào chúng tôi - là các nhà sư - như là những thí-dụ-sống, mà đang được Đạo Phật dẫn dắt, trước khi họ bằng lòng đi theo. Đối với lòng nghi ngờ của thế hệ hiện đại, các nhà sư (chúng tôi) mong đợi truyền cảm hứng cho họ những điều gì, khi mà các nhà sư sống trong sự sang trọng, và giàu có hơn cả người thường, khi mà các nhà sư không giữ gìn giới luật, và có rất ít sự thanh-thản. Phật Pháp chủ yếu là sự truyền bá bằng thí-dụ-sống, đây là một thí dụ mạnh mẽ, hay ho hơn, tất cả mọi bài thuyết giảng.
Một bà người Úc có học thức cao đã viết trong cuốn sách gần đây của bà, là trước khi bà trở thành một người Phật Tử, bà đã quan sát các nhà sư ở Perth trong nhiều ngày tháng. Khi bà nhìn thấy rằng cuộc sống của các nhà sư rất giản dị, họ gìn giữ giới luật, họ làm việc chăm chỉ, và họ sống rất hạnh phúc, bởi vì như thế, bà mới xin quy y, rồi bà bắt đầu gọi mình là người Phật Tử. Thế nên, hành-động mạnh mẽ hơn là lời-nói.
Vì thế, ở Tây Úc chúng tôi đã thiết lập ra các tu viện, để đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn, cho cả hai nhóm tu sĩ nam và nữ, mà tôi gọi là 'nhà máy sản xuất các nhà sư', và 'nhà máy sản xuất các sư cô'. Bằng cách đưa nhiều tài nguyên vào việc đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn có phẩm-chất cao-quý, chúng tôi bảo đảm sẽ cung cấp những thí-dụ-sống có phẩm-chất cao-quý cho các thế hệ kế tiếp.
Đây là một trong những chương trình làm việc thành công tại Úc, để làm cho Đạo Phật phát triển nhanh nhất tại đây. Chúng ta không cần phải thay đổi thông điệp của Đức Phật, và chúng ta cũng không cần thay đổi quy luật của tu viện. Chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta, đối với vị Thầy Vĩ Đại Và Cao Quý Nhất của chúng ta, là Đức Phật, và truyền bá Phật Pháp tuyệt vời của ngài đến mọi vùng đất trên thế giới hiện đại, bằng cách làm cho ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT (PURE). Đấy là Đạo Phật được các nhà sư Thuyết Giảng Bằng Ngôn Ngữ Thông Thường, các nhà sư Tạo Ra Sự Thân Thiện Và Sự Thích Thú Học Hỏi cho Phật Tử, giúp Phật Tử Áp Dụng Bài Giảng Vào Cuộc Sống, và để Phật Tử nhìn vào các Nhà Sư Như Là Các Thí Dụ đầy cảm hứng.

Ajahn Brahmavamso 

 Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến - Source-Nguồn: www.dhammaloka.org.au(The Success Of Buddhism In The Western World - Ajahn Brahmavamso)

Theo thuvienhoasen