Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Yếu tố quan trọng trong thiền quán Tứ Niệm Xứ


...Trong quán niệm, con càng tự nhiên càng tốt. Và cần nhớ rằng chính yếu không phải là đối tượng gì mà là cái thấy sáng suốt, định tĩnh, trong lành của con trên đối tượng ấy. Đối tượng chỉ là trợ duyên cho cái thấy phát huy tính soi chiếu trong sáng trung thực của nó mà thôi. Vì vậy thấy rõ đối tượng không có nghĩa là phải nắm bắt chi tiết ngoại tướng của đối tượng mà là thấy tính chất phổ quát của nó, tức là chỉ cần thấy cốt lỏi tinh yếu là được...



                                               

Ngày ........ tháng ........ năm ........

D.T con,

Trong thư con có hỏi Thầy về một triệu chứng khi chánh niệm tỉnh giác là cảm thấy trơ cứng, khô khan và giả tạo trên đối tượng sở quán. Con đừng ngại, rất nhiều người có cảm tưởng đó, tất nhiên là có lý do, nhưng trước hết con đừng chán nản dao động, cứ tiếp tục chánh niệm tỉnh giác rồi mọi sự sẽ được giải quyết và thấu rõ.

Lý do sinh ra triệu chứng đó có thể là:

1) Lúc đầu chưa quen nên thấy gượng gạo, giống như người mới tập lái xe có vẻ luống cuống, trơ cứng.

2) Cố gắng quá mức đâm ra không được thoải mái nên dễ đưa đến căng thẳng, mỏi mệt và chán nản.

3) Chú ý quá nhiều đến chi tiết hay ngoại tướng của đối tượng nên thấy nó có vẻ khô khan, giả tạo không tự nhiên.

Ví dụ như khi con quan sát hơi thở con có thể làm cho hơi thở mất tự nhiên, giả tạo và thô cứng. Do muốn thấy thật rõ con đã vô tình hay cố ý bắt hơi thở phải chậm lại, sâu hơn, mạnh hơn, thế là con nhanh chóng thấy tức ngực, khó chịu và mệt mỏi. Khi đi kinh hành cũng vậy, con dễ làm cho bước chân khựng lại và cảm thấy mất thăng bằng.
Thực ra trong quán niệm, con càng tự nhiên càng tốt. Và cần nhớ rằng chính yếu không phải là đối tượng gì mà là cái thấy sáng suốt, định tĩnh, trong lành của con trên đối tượng ấy. Đối tượng chỉ là trợ duyên cho cái thấy phát huy tính soi chiếu trong sáng trung thực của nó mà thôi. Vì vậy thấy rõ đối tượng không có nghĩa là phải nắm bắt chi tiết ngoại tướng của đối tượng mà là thấy tính chất phổ quát của nó, tức là chỉ cần thấy cốt lỏi tinh yếu là được.
Con nói “có những lúc con muốn buông ra hết, không cần nhớ, không cần niệm, không cần hiểu, không muốn biết chi cả cho đầu óc rỗng rang an nghỉ”. Chứng tỏ rằng con đã sử dụng chánh niệm tỉnh giác sai hướng và quá mức cần thiết để nhận rõ đối tượng. Chính vì thiếu thoải mái tự nhiên trong chánh niệm tỉnh giác mà con cảm thấy căng thẳng mệt mỏi như vậy.
Tuy nhiên, vô tình con vẫn đi đúng đường, vì chính ngay lúc con buông xả hết là con đang tu tập một yếu tố quan trọng trong thiền quán Tứ Niệm Xứ mà ít người để ý, đó là xả dưới hình thức “buông bỏ tham ưu ở đời” (Vineyya loke abhijjhà domanassam). Khi đối tượng hấp dẫn con khiến con ưa thích và dính mắc, đó chính là tham. Nhưng khi đối tượng làm con bực mình, chán nản, đó chính là sân. Hai tâm thái tham và sân này làm con mất quân bình. Chữ xả (uppekkhà) vốn có nghĩa là quân bình, vậy buông xả tham ưu chính là môi trường phẳng lặng cho chánh niệm tỉnh giác phát huy khả năng soi chiếu.
Vì trong khi quán niệm con quá ham nắm bắt đối tượng (tham) cho nên dễ sinh ra trạng thái đối nghịch là chán nản (sân), do đó tâm con mất quân bình không còn là môi trường thích hợp cho chánh niệm tỉnh giác soi chiếu được nữa.
Con cũng cần nhớ một điều: buông xả là lập lại quân bình giữa hai thái cực tham và sân, chứ không phải là buông xuôi vì chán nản, hay cố gắng loại bỏ tham sân.

Xả cũng còn là một trong bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi):

1) Niệm: là chú tâm trên đối tượng hiện quán, tức đương xứ của thực tại thân, thọ, tâm, pháp, để tâm không lãnh đạm quên mình hay tán tâm hướng ngoại.


2) Trạch pháp: là chú ý sâu sát hơn trên đối tượng hiện quán để tìm thấy tính chất tinh yếu của pháp mà niệm chỉ mới ghi nhận. Trạch pháp giúp con soi rọi khối thân tâm qua cái nhìn tách bạch rõ ràng và vi tế, nhưng không phải bằng lý trí mà là trí tuệ trực kiến (nànadassana). Chính nhờ trạch pháp mà con thấy rõ tính sinh diệt, tính vô thường-khổ-vô ngã của pháp, thấy rõ yếu tố đất, lửa, gió v.v... trong sắc, hoặc yếu tố thọ, tưởng, hành, thức trong danh, để không còn chấp lầm thân tâm này là bản ngã.


3) Tinh tấn: là phát động sự chuyên cần, hăng hái trong thiện pháp nhất là chánh niệm tỉnh giác. Tinh tấn giúp con không còn giải đãi thối thất, không tiêu cực lười biếng, không buông trôi hờ hững. Tuy nhiên tinh tấn phải đúng mức và tự nhiên, nghĩa là không quá yếu ớt, không quá gắng gượng hăng say.


4) Hỷ: là yếu tố làm cho tâm hân hoan, phấn khởi, vui vẻ khi tiếp xúc với đối tượng, dù thuận hay nghịch. Hỷ giúp tâm vượt qua trạng thái bực mình, chán nản, bức xúc, khó chịu, và giúp cho hành giả cảm thấy hứng thụ trong thời gian hành trì lâu dài mà không mỏi mệt. Ví dụ, lúc ngồi thấy tê chân hay nhức mỏi mà có yếu tố hỷ thì vẫn thấy dễ chịu chứ không bị bức xúc, bực bội.


5) Khinh an: là lắng dịu, thư thái và thư giãn. Yếu tố này giúp con vượt qua trạng thái căng thẳng, phấn khích, dồn nén hoặc cố gắng quá sức, giống như đang bị một áp lực đè nặng mà tự nhiên nhẹ hẳn đi. Khi đi kinh hành với tâm khinh an con sẽ cảm thấy thật thanh thản, thong dong, ung dung, tự tại.


6) Định: là trạng thái nhất tâm, tĩnh lặng và an chỉ khi tâm an trú vững vàng trên đối tượng, do đó không còn dao động, trạo cử, hay tán loạn. Định giúp tâm nghỉ ngơi hoàn toàn và có khả năng tập trung được năng lực. Nhưng nếu định là cố gắng tập trung tư tưởng vào một mục đích sở đắc thì nó có thể không còn là chánh định nữa.


7) Xả: là trạng thái quân bình của tâm buông bỏ hai thái cực tham và sân, tức là không ưa không ghét, không nắm không bỏ mà chỉ thản nhiên trầm tĩnh. Có thể nói lúc xả là lúc sáng suốt nhất chứ không phải rơi vào trạng thái buông xuôi theo nghĩa vô ký, một tình trạng si mê tiêu cực.


Như vậy, khi con cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thụ động, tiêu cực thì con nên tu chánh niệm tỉnh giác kèm với các giác chi trạch pháp, tinh tấn hoặc hỷ để tâm con hưng phấn lên, thoát khỏi tình trạng trì trệ
Khi con cảm thấy bồn chồn, dao động, trạo cử thì nên tu chánh niệm tỉnh giác kèm với các giác chi khinh an, định hoặc xả để tâm lắng dịu xuống, thoát khỏi tình trạng phấn khích.
Tất nhiên việc tu hành còn khó khăn gấp ngàn lần công việc chân tay hay trí óc, vì vậy mà đôi lúc con thấy mệt mỏi chán chường, nhưng đừng vì vậy mà buông lung bất định. Sống theo pháp thì tự nhiên pháp sẽ đem lại cho con nhiều an lạc trong cuộc đời phiền não này .
Chúc con vượt qua được tình trạng khó khăn hiện tại.

Thân ái chào con.
Thầy

Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 33
Tác giả: Viên Minh

Nghĩ về Krishnamurti

Qua những buổi nói chuyện của Krishnamurti, người ta cảm thấy thái độ của ông đối với tôn giáo có vẻ khắc nghiệt, và điều này làm nhiều người sùng đạo buồn lòng; tuy nhiên, có người tìm ra được những đoạn ông nói về điều bất khả tri, về điều vô lượng, về năng lực phi thường từ hư vô, lại nghĩ ông là người duy linh, mê tín. Nói chung cả thái độ theo tôn giáo lẫn chống tôn giáo tìm thấy ở Krishnamurti điều đáng trách. Chúng ta thấy có nhiều nơi ngăn trở không cho Krishnamurti nói chuyện vì nghĩ rằng ông bài xích tôn giáo, và lại có nơi ngăn trở ông vì cổ xúy tín ngưỡng huyền hoặc hay thuyết giảng tư tưởng tiêu cực.
Như vậy không phải là điều đáng tiếc lắm sao, khi mà chỉ vì sợ hãi một đóa hoa không hề quan tâm đến tôn giáo cũng không quan tâm đến vô tôn giáo mà ngăn chận không cho hoa tỏa hương ? Không phải là điều đáng tiếc lắm sao khi mà suy tưởng của Krishnamurti được đưa ra xem xét nó có lợi hay có hại, trong khi khái niệm lợi hại không hề có trong suy tưởng của ông. Có một điều người ta không thể chối bỏ được là lời nói Krishnamurti xác thực quá mức tưởng tượng, thực đến nỗi không tìm đâu ra được một sự thực thứ hai, nhưng khi nhìn quanh lại không tìm đâu có được sự thực như vậy. Đó là một nghịch lý có lẽ sẽ bỏ ngõ đến tận vài trăm năm sau, như lời trăn trối của Krishnamurti.
Theo chúng tôi, thật ra vấn đề Krishnamurti quan tâm là tổ chức và định kiến. Tôn giáo mà ông khắc nghiệt phê phán đều có hình thức tổ chức cao, và như thế đã biến thành bộ máy quản lý đầy uy quyền. Krishnamurti nói rằng tổ chức càng chặt chẽ thì càng rời xa chân lý. Như vậy không phải tôn giáo, mà chính tổ chức mới là điều gây trầm luân cho tinh thần con người. Điểm thứ hai là định kiến, và điều này đã quá rõ, không cần phải bàn đến nhiều khi hiểu rằng định kiến là sản phẩm chết cứng của tư tưởng và làm tâm trí hoàn toàn mất đi tính sinh động của nó, làm tê liệt khả năng khám phá điều mới lạ.
Những người lần đầu tiên đọc Krishnamurti có thể có hai phản ứng : Hoặc là không chấp nhận hay không hiểu gì cả, và do đó bài bác hay chối bỏ ông ; hoặc là cảm thấy ngạc nhiên, phấn khích, cảm thấy như mình mới vừa sinh ra trong một xứ sở thần kỳ chưa từng nghe nói đến, và do đó tìm đọc ông trong suốt nhiều năm. Đối với người phản bác ông ngay từ đầu thì chẳng có gì để nói thêm, bởi vì người ta sẽ xếp sách lại và quên ngay cái tên Krishnamurti. Nhưng đối với người cảm thấy có sự phấn khích khá mãnh liệt lúc đầu, sau nhiều năm đi vòng vo, lặn ngụp, vật vã trong những khái niệm về thời gian, tư tưởng, sợ hãi, hiện thể, tự do, tĩnh lặng, thiền định… họ thấy dường như mình quay lại điểm xuất phát ban đầu, dường như cuộc đời mình không thay đổi gì cả, trái tim mình vẫn chai đá, tâm trí mình vẫn rối bời, và nỗi đau khổ vẫn canh cánh bên lòng. Krishnamurti đã chận đứng tất cả mọi sự giả vờ và tưởng tượng, vì thế mọi người không dám che giấu cái sự thật lạnh lùng đang hiện hữu trong lòng là mình không hiểu gì cả. Krishnamurti đã chận đứng tất cả mọi ngõ ngách dẫn con người chạy trốn về cái lối mòn muôn thuở của các tổ chức chân lý, và vì thế con người đã cùng đường bí lối. Krishnamurti đã vô hiệu hóa mọi ngôn từ, mọi suy nghĩ, và con người cảm thấy bơ vơ tận cùng, cô độc giữa dòng đời hung tàn cứ mãi lạnh lùng trôi. Phải chăng Krishnamurti đã đòi hỏi quá sức con người, muốn mỗi người phải là một ông thánh, trong khi lạc thú cuộc đời chờ chực lôi kéo người ta vào địa ngục lại giăng đầy khắp nơi?
Con người thèm khát chân lý, muốn vươn đến chân lý, hạnh phúc, muốn thu đạt chân lý trong tay, nhưng Krishnamurti lại bảo rằng chân lý giống như ngọn gió, không thể bắt lấy nó, không thể cầm giữ nó trong nắm tay. Con người cần hy vọng, cần niềm tin, nhưng Krishnamurti lại bảo hy vọng chỉlà ảo tưởng của một tâm trí cùn lụt chẳng biết phải làm gì với hiện tại; còn niềm tin chỉ là sự ám thị hoang tưởng. Con người cần hoài niệm về quá khứ, bảo tồn truyền thống, nhưng Krishnamurti lại bảo truyền thống là ngục tù. Con người cần tư duy trong mọi lãnh vực, nhưng Krishnamurti lại bảo suy nghĩ làm suy đồi mọi vẻ đẹp của cuộc sống. Con người cần người hướng dẫn, giúp đỡ, cần được an ủi vỗ về, nhưng Krishnamurti lại từ chối mình làm nạng chống cho bất cứ ai, và không thừa nhận bất cứ ai làm nạng chống cho con người. Con người lo sợ, bất an nhưng hình như Krishnamurti chỉ làm người ta hoảng sợ hơn, vì đã lấy đi tất cả phương cách chạy trốn mà con người đã phát minh được. Con người lần khần, hẹn ngày mai sẽ thay đổi, nhưng Krishnamurti lại bảo sẽ không bao giờ có chuyện dần dà, sự thay đổi chỉ xảy ra ngay lập tức hoặc là không bao giờ. Con người chạy tìm tình yêu, thiền định, nhưng Krishnamurti lại bảo tất cả mọi hình thức thiền định hiện nay chỉ làm tâm trí con người đờ đẫn, trì trệ, và tình yêu theo kiểu hiện nay chỉ là sự dối gạt, chỉ là các thứ tương tự tình yêu nhưng không phải là tình yêu, vì con người hiện nay chỉ biết bảo toàn cho cái tôi của mình. Krishnamurti đã đẩy tư duy của con người đến mé bờ tuyệt vọng, nhưng ông cũng lấy luôn sự tuyệt vọng của con người, khi bảo rằng tuyệt vọng, kỳ vọng, hy vọng chỉ là vọng, không có cái nào là chân trong đó. Con người quẫn bách tìm đến lạc thú, sống buông thả, tìm đến sự hung bạo, và Krishnamurti lại nói sự hung bạo đã đầy dẫy trong đời thường, trong hành động hàng ngày, trong tâm trí con người, khỏi phải tìm đâu xa ; còn sống buông thả, tìm lạc thú chỉ là cách sống vớ vẩn. Và khi con người đã bị Krishnamurti tước sạch mọi thứ, chẳng được chừa lại thứ gì, con người lại bắt đầu hỏi “Vậy thì đường nào đến chân lý?”, thì Krishnamurti lại lạnh lùng trả lời “Chân lý không có đường vào ”, như ông đã từng nói từ những ngày đầu tiên bắt đầu du thuyết, “ Nó có ở đó cho ngài, hãy nhận lấy hoặc bỏ đi ”. Con người hỏi vậy phải làm gì, Krishnamurti lại nói chẳng cần làm gì cả ngoài việc nhận ra và hiểu biết, chính sự nhận ra đó đã là hành động tích cực rồi. “Chân lý không mang lại hy vọng, nó chỉ mang lại sự hiểu biết ”. Nhưng thật khó tưởng tượng được sống mà không cần hy vọng hay chỉ cần hiểu biết là đã đủ cho cuộc sống này.
Bài nói chuyện cuối cùng của Krishnamurti trên đời được ghi nhận tại Ấn Độ, vào đầu năm 1986, khoảng một tháng trước khi ông chết, khi ấy ông chín mươi mốt tuổi. Ông nói, “chúng ta phải bắt đầu từ cái chúng ta đang là bây giờ, không phải từ cái chúng ta đã là trong quá khứ hay cái chúng ta sẽ là trong tương lai. Cái chúng ta sẽ là ở tương lai là cái chúng ta đang là bây giờ (Krishnamurti, The Future is Now). Rõ ràng thời gian là một trọng tâm mà Krishnamurti lặp đi lặp lại trong hầu hết các buổi nói chuyện của mình, có lẽ chính vì thời gian là nỗi ám ảnh và là một định mệnh của con người .Con người trầm luân vì đã lỡ mang trong định mệnh của mình thành tố thời gian, và để vượt qua sự trầm luân ấy không còn cách nào khác hơn là phải vượt qua thời gian. Dĩ nhiên thời gian ở đây là thời gian tâm lý, là sự chuyển dịch của tâm trí qua lại điểm cân bằng là hiện tại.Đối với Krishnamurti quá khứ là cái đã chết rồi, nhưng không hề bị chôn vùi, ký ức về nó vẫn còn đâu đó trong tâm trí bây giờ, và đó chính là ngục tù của tâm trí. Con người không thay đổi được vì không muốn thay đổi, không muốn đánh mất cái nhà tù quá thơ mộng, quá yên ổn của quá khứ. Thoát ra khỏi nhà tù quá khứ, con người sẽ cảm thấy bơ vơ tận cùng, cảm thấy bản ngã mình bị đánh rơi, bị lạc mất, không biết phải làm gì với sự thể ở hiện tại. Con người cảm thấy mình không thể sống nổi nếu không có quá khứ. Quá khứ ở đây không chỉ là những kỷ niệm êm đềm hay ê chề, mà là toàn bộ truyền thống, văn hóa, nếp sống, tư tưởng, tri thức đã có hàng ngàn năm. Dù có lý luận hay dở thế nào thì con người cũng không muốn hay không thể tách rời ra với quá khứ, và do đó phải lệ thuộc thời gian. Một con người không có quá khứ thì biết phải hành xử ra sao trong hiện tại ? Do vậy đa số vì sinh tồn sẽ quyết định con đường tuyển chọn, sẽ chọn ra quá khứ nào hay để giữ lại, quá khứ nào tồi tệ phải bỏ đi, và như thế, Krishnamurti nói, vẫn lệ thuộc thời gian. Ngay dù có lối sống bất chấp truyền thống, bất chấp quá khứ, thì đó vẫn là một lối sống khuôn theo một ý tưởng, và do vậy con người vẫn bị khuôn định trong thời gian. Vì mọi hành động của con người loay hoay trong cái rọ quá khứ,tức là trầm luân trong thời gian, con người trở nên ngộp thở và bắt đầu tư duy để tìm ra lối thoát, bắt đầu dự kiến đến các mô hình tương lai, trong đó có cả thiên đường, cực lạc, hay cái chết hư vô, nhưng vô ích, Krishnamurti nói, vì tư duy, tư tưởng là thời gian, và do vậy nỗ lực vượt thoát nỗi đau hiện tại để đi đến tương lai hạnh phúc vẫn là một ước mơ thuộc thời gian. Cho nên từ lúc bắt đầu đến lúc chấm dứt, tâm trí con người ngụp lặn trong thời gian, dùng tư duy là thời gian để bứt phá cái định mệnh thời gian xuyên suốt từ quá khứ đến tương lai thì cũng giống như lấy mực bôi mực, biết chừng nào mới hết bẩn. Krishnamurti nói rằng suy nghĩ không thể dừng được, vì bản chất của suy nghĩ là dịch chuyển, khi dừng lại thì suy nghĩ sẽ chết. Suy nghĩ chết thì con người sẽ chết, vì hoạt động của con người cần đến suy nghĩ. Nhưng có một cái có thể chấm dứt, đó là thời gian tâm lý. Con người không muốn bỏ những kho tàng mà họ trân trọng trong quá khứ, cũng không muốn bỏ những kỳ vọng, những ước mơ tươi đẹp về tương lai, con người không muốn tay trắng, chẳng có gì cả và chẳng là gì cả trong đời, và vì thế họ không chịu thay đổi. Con người đưa thân mình chống đỡ cả hai đầu quá khứ và tương lai, và họ cam chịu ở lại với hiện trạng mà theo Krishnamurti là đầy lòng tham lam, ganh tỵ, ghen tuông, mê tín, thích tôn thờ người khác, thích cai trị người khác, sợ hãi, thù hận, hung tàn, và dĩ nhiên xen kẽ có những lạc thú mong manh. Mọi vấn đề của con người có thể gói gọn trong hai chữ thời gian, là một khái niệm hết sức trừu tượng, co dãn, biến hóa, và đôi khi mơ hồ đến mức chẳng ai buồn để ý. Nỗ lực là thời gian. Mong cầu là thời gian. Thành tựu là thời gian. Rèn luyện là thời gian. Kiến thức, tri thức là thời gian. Hứa hẹn, hy vọng, mơ ước là thời gian. Thiên đường, cực lạc cũng là thời gian. Ý chí là thời gian. Lý tưởng là thời gian. Và hạnh phúc, chân lý, tình yêu cũng đã bị ném tận cuối con đường thời gian. Krishnamurti nói rằng con người muốn mình chuyển hóa thì thời gian phải chấm dứt và chấm dứt ngay lập tức, và phương cách để chấm dứt thời gian là thiền định, với điều kiện thiền định phải là một tâm thái không thuộc thời gian tức là không nỗ lực, không cố gắng, không tìm kiếm, không chọn lựa, không loại trừ. Điều này là dĩ nhiên vì nếu thiền định thuộc thời gian thì nó không thể chấm dứt cái sản sinh ra nó là thời gian. Nhưng nếu điều này là đúng thì việc chấm dứt thời gian tâm lý phải là trọng tâm trong mọi suy tưởng, quan sát, xem xét, vì đây là mấu chốt của mọi vấn đề, bất kể là vấn đề nào. Theo Krishnamurti, thiền định có thể phá vỡ cấu trúc kiên cố của thời gian, nhưng tất cả không chỉ có thế, thời gian chấm dứt chỉ mới là một tiền đề, nhưng đó là một tiền đề không phát sinh vấn đề.

NỖI BUỒN

Trước khi xem đến các ảnh hưởng của thời gian trên cuộc sống thường nhật, chúng ta hãy theo dõi xem Krishnamurti đã nói như thế nào về thời gian, và vì sao phải quan tâm đến ý niệm thời gian trước tất cả mọi ý niệm khác. Hẳn nhiên, thời gian, theo Krishnamurti, chính là nguyên nhân gây ra đau buồn trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Ông cho rằng nếu muốn giải thoát khỏi mọi khổ ải trầm luân của cuộc đời thì chẳng gì bằng mỗi người phải tự chiêm nghiệm bản chất của thời gian và tác động dàn trải của nó lên mọi mặt cuộc sống. Ngược lại, nếu người ta không thực sự cảm thấy rằng cuộc sống của mình đang bị vùi dập hoang tàn trong đau buồn thì chẳng có gì để nói thêm. Có người nói với Krishnamurti rằng họ không cảm thấy đau buồn gì theo cách diễn giải của ông đâu, ông đáp rằng vậy thì đâu có gì để nói thêm, nhưng nhắc nhở rằng sự đau buồn ở mọi người là như nhau, không có tính cách riêng lẻ. Đoạn trích dẫn sau đây dịch từ bài nói chuyện của Krishnamurti vào năm 1966 tại London, trong đó ông đặt vấn đề nỗi đau buồn của nhân loại như thế này:


“Thời gian là nỗi đau. Nỗi đau này chưa giải quyết được qua hàng thế kỷ tồn tại của con người. Chúng ta đã chạy trốn nó, chúng ta đã phát minh đủ loại lý thuyết, giáo điều, và các nhà thần học đã đưa ra các lý do hết sức tinh ranh để giải thích. Nhưng sự kiện vẫn là chúng ta chưa giải quyết được nó. Nỗi đau buồn chưa có kết thúc. Để hiểu được nó chúng ta phải tiếp cận nó một cách tinh khôi, đừng nói rằng không thể giải quyết nó, không thể chấm dứt nó, đừng nói, “Hãy chỉ tôi cách chấm dứt nó. Phải dùng phương pháp nào, hệ thống nào? Tôi nên làm gì? Không nên làm gì?” Chúng ta đã chơi trò này hàng bao thế kỷ rồi. Chúng ta đã đi đến các nhà tu hành, đến các thần thánh, đến rượu chè, tìm tình dục, tìm mọi phương cách chạy trốn. Chúng ta đã phát triển một mạng lưới chạy trốn hết sức xảo quyệt và chúng ta vẫn không vượt qua được nó. Cần phải có một tâm hồn tươi tắn, một trí tuệ mới để nhìn vấn đề này. Để nhìn nó, phải tự do khỏi các ý thức, ý niệm, cái nên là, không nên là. Chúng ta phải nhìn đúng sự kiện chứ không phải nhìn theo thiên kiến riêng về cách thức sự kiện phải là. Nếu chúng ta mong muốn sự kiện khác đi thì chúng ta chỉ chạy trốn khỏi sự kiện.”

Như vậy khởi đầu Krishnamurti đề nghị chúng ta nên có một thái độ tiếp cận vấn đề đúng đắn, thay vì chỉ quan tâm đến câu hỏi phải làm sao. Nhiều người cho rằng ông tránh né câu trả lời hay lời khẳng định trực tiếp, nhưng rất nhiều lần ông giải thích rằng các câu trả lời sẵn thì đã có quá nhiều, đưa thêm một câu trả lời nữa vào kho tàng ký ức thì cũng chẳng thay đổi được gì, trong khi nếu nhận ra được tầm quan trọng của việc ngắm nhìn sự vật thì đã tự trả lời gần hết vấn đề.

“Chúng ta phải có cái nhìn tươi tắn, một tâm trí tươi tắn để xem xét. Chúng ta biết nỗi đau buồn là gì rồi. Mọi người đều kinh nghiệm nó theo những cách khác nhau. Có nỗi đau buồn do thất vọng, nỗi đau buồn do được yêu hay không được yêu, nỗi đau buồn do không thành đạt, nỗi đau buồn do cô độc, trống vắng, buồn vì có một cuộc đời hoang phí và vô dụng, một cuộc đời hoàn toàn chán chường, một cuộc sống máy móc do mỗi ngày phải đi làm trong suốt bốn mươi năm cuộc đời, và để rồi cuối cùng nằm chết. Có nỗi đau buồn do thiểu năng, không thể nhìn hay suy nghĩ sáng suốt. Có sự tuyệt vọng, sự lo lắng do không ngừng tìm kiếm, chẳng bao giờ biết đến điều chân thực hay nguyên sơ, điều không do tư tưởng sắp xếp, và còn có nỗi đau buồn do cái chết cùng với cảm thức hoàn toàn cô độc. Chúng ta biết nhiều hình thức khác nhau của đau buồn, có khi mạnh mẽ hay cạn cợt, ý thức hay vô thức. Trên bề mặt chúng ta làm như máy, cố gắng quên đi, chạy trốn thật xa, nhưng về mặt vô thức nỗi đau buồn vẫn còn đó, gặm nhấm, phủ mờ, khiến tâm hồn đờ đẫn, nặng nề. Chúng ta đã biết thế. Và dĩ nhiên luôn luôn có tuổi già, bệnh tật và vân vân. Tôi không cần phải nói tiếp, tất cả chúng ta đều biết tường tận từ ngữ “đau buồn” có nghĩa là gì.
 Có thể nào chấm dứt nó, không phải trong tương lai xa, không phải theo một vài niềm tin phương Đông, qua những cuộc cách mạng liên tục và bất tận, hay sự tri nhận tối thượng, một sự khổ nhọc không ngừng để cuối cùng đạt được tự do thoát khỏi nỗi buồn đau? Theo kiểu đó chỉ là một hình thức chạy trốn khác, và xã hội càng tiến bộ chừng nào thì nó càng trở nên hời hợt, chạy theo niềm vui và lạc thú để chôn vùi đau buồn tận bên trong. Nhưng nó vẫn cứ ở đó.”

Nỗi đau buồn vẫn cứ ở đó, gặm nhấm tâm can con người từ bao thế kỷ qua cho dù họ có nỗ lực giải thích đủ kiểu, tìm biết bao phương cách giải quyết mà cứ mỗi phương cách họ sẵn sàng hung bạo như thú dữ, bất chấp mọi thứ để thực hiện nó, nhưng nỗi buồn đau vẫn còn hiện diện ngay trong mỗi người. Krishnamurti cho rằng đó là sự thất bại không thể chối cãi của con người từ hàng ngàn năm qua khi ngẫm lại thấy rằng nỗi buồn đau vẫn còn đó. Nếu cho rằng buồn đau là một định mệnh không thể tránh của con người, hay cuộc sống bây giờ vui nhiều buồn ít thì cũng không cần phải nói gì thêm, vì như Krishnamurti nói, đây không phải là vấn đề tranh luận mà là một sự kiện, hoặc là người ta thấy được, hoặc là không thấy. Sự đau buồn của con người đã được lý giải bằng vô vàn nguyên do, nhưng theo Krishnamurti, chỉ có một lý giải đúng đắn, đó là thời gian, “Thời gian giống như một dòng sông đang chảy, và trong dòng thời gian này con người bị giam cầm”.

“Nếu người ta có chút nghiêm túc thì họ sẽ dốc lòng giải quyết vấn đế này, không chỉ xem xét đầu môi, nhưng theo đuổi đến cùng với tâm trí mãnh liệt, mạnh mẽ, để tìm ra xem có thể nào chấm dứt sự đau buồn đã tạo ra mọi hỗn loạn như đang có trên thế giới. Để hiểu được vấn đề này, để tự hỏi xem có thể nào chấm dứt đau buồn, người ta phải xem xét vấn đề thời gian, không chỉ là thời gian theo đồng hồ, theo ngày tháng, hôm qua, hôm nay và ngày mai, nhưng còn có loại thời gian tâm lý, thời gian mà con người đã xây dựng bên trong chính mình để rồi bị giam cầm trong đó… Thời gian giống như một dòng sông lửng lờ trôi bất tận, nhưng con người đã bẻ gẫy nó làm ba phần: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ thì quá nặng nề và tương lai thì chưa biết. Để gán một ý nghĩa cho cái cuộc đời vô nghĩa, vô mục đích, xấu xa này, con người bảo, “Mình hãy sống cho hiện tại”. Họ sáng chế ra triết lý hiện sinh các thứ. Nhưng để sống cho hiện tại con người phải hiểu được quá khứ và tương lai. Nó là một chuyển dịch; người ta không thể chiếm lấy dòng sông rồi nói, “Tôi sống đúng ngay đó”. Thời gian giống như một dòng sông đang chảy, và trong dòng thời gian này con người bị giam cầm. Nếu không chấm dứt được thời gian thì sẽ không chấm dứt được nỗi đau buồn.
Hiển nhiên chúng ta là kết quả của quá khứ, chúng ta bị khuôn định bởi thời gian, bởi xã hội, bởi nền văn hóa chúng ta đang sống. Chúng ta bị giam cầm trong đó, và trí não của chúng ta cùng với các phản ứng được giáo dục để hoạt động trơn tru trong dòng thời gian, để chấp nhận nó và thích ứng với nó. Chúng ta luôn luôn nghĩ về quá khứ, từ quá khứ nhìn vào hiện tại và từ hiện tại tạo ra tương lai. Cái “bây giờ” là kết quả của ngày qua, và ngày mai, nếu như có ngày mai, là kết quả của hôm nay. Về mặt trí thức, chúng ta đều biết các thứ này, và chúng ta vẫn chưa thể tìm được một giải pháp. Chúng ta bị giam cầm trong dòng chảy này, cũng như chúng ta bị giam cầm trong dòng sợ hãi, trong dòng buồn đau. Chúng ta bị giam cầm trong dòng chảy thời gian – tôi đã là, tôi đang là, tôi sẽ là. Tôi đã hung bạo ngày hôm qua và tôi sẽ không hung bạo vào ngày mai. Chúng ta luôn luôn hành xử trong thời gian. Nếu quan sát chính tâm trí của mình, chúng ta sẽ khám phá ra điều này, khám phá ra nó chứ không phải chấp nhận nó. Có sự khác biệt giữa khám phá và chấp nhận. Khi chúng ta tự khám phá điều gì thì nó sẽ có giá trị, và sẽ có một sức mạnh trong sự khám phá đó. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn thuần chấp nhận thì tất cả mọi thứ thiết yếu như là sức mạnh, sự sinh động, sự quán xét, sức sống, tất cả các thứ này bị hủy diệt. Hầu hết chúng ta chỉ biết nói “có” chứ không biết nói “không”. Chúng ta chấp nhận, chúng ta tuân phục truyền thống hay những gì có sẵn. Vì chúng ta bị giam cầm nên để giải quyết vấn đề đau buồn chúng ta phải nhìn thời gian theo chiều hướng khác, nhìn thấy thời gian tạo ra tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của thời gian. Các tế bào não là kết quả của hàng ngàn năm trau chuốt và rút kinh nghiệm. Trí não người vẫn giống như trí não động vật, với các cải tiến nhất định. Chúng ta chấp nhận chiến tranh, sự hung bạo, sự dã man như là một cách sống. Sau khi chấp nhận rồi, chúng ta để nó qua một bên và tìm thứ khác. Chúng ta không muốn thay đổi căn cơ, bởi vì điều đó đòi hỏi năng lực, biết khảo sát, sáng suốt. Chúng ta muốn cuộc sống mình tiếp tục như đã biết, nhưng đồng thời muốn tìm điều gì đó khác hơn sự kiện thực tế, và chạy trốn khỏi hiện thể.”

Không cần phải tinh tế lắm cũng nhận ra nỗi đau buồn hiện diện khắp nơi, ở bất cứ ai, dù họ có cố gắng lảng tránh nó bằng cách nào; nhưng liệu con người có thực sự nghiêm túc muốn thoát ra khỏi đau buồn hay không? Hay họ tìm nhiều phương cách giải khuây hiện đại để đẩy lùi nỗi đau này xuống tận vùng sâu kín nhất của tâm thức nhờ đó có thể tạm thời quên lãng nó đi; hay họ chấp nhận sống chung với buồn đau như là một định mệnh và cố bám giữ những gì họ đang có với một ảo vọng rằng mọi thứ sẽ bất tử, thường hằng? Krishnamurti cho rằng nếu nhận ra được nỗi buồn đau trong cuộc sống và thực tâm muốn thoát khỏi nó thì phải xét đến yếu tố thời gian trên bình diện tâm lý, vì đó chính là nguồn gốc gây đau khổ.

Một trong những đặc điểm nhận thức của Krishnamurti là ông xem nguyên nhân và kết quả là hai yếu tố như nhau, chẳng hạn khi vừa nói tư tưởng là kết quả của thời gian, ông nói tiếp tư tưởng là thời gian, và kết luận thời gian là tư tưởng. Cách nói như vậy hơi khác với logic thông thường, nhưng nó biểu thị một cách nhìn sự việc: Biết được nguyên nhân chưa chắc loại trừ được hậu quả, phải cảm nhận trực tiếp cả nguyên nhân lẫn hậu quả trong lòng mình, không phân biệt hai yếu tố này là hai thành phần tách biệt, và từ đó vượt qua cả nguyên nhân lẫn kết quả, vì cả hai đều gây phương hại cho tâm trí.

“Mỗi một người đều bị giam cầm trong thời gian. Tôi không nói về thời gian theo đồng hồ, thời gian theo niên đại, là ý niệm cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhưng nói về thời gian trên một bình diện khác hẳn, thời gian như là sự chuyển dịch của quá khứ vô tận di chuyển ngang qua hiện tại để đến tương lai nào đó. Bao lâu tôi còn bị giam cầm trong đó thì sẽ không chấm dứt được buồn đau. 
Tôi thầm nói, “Ngày mai mình sẽ vui, sẽ thoát khỏi mọi khốn khổ hiện tại, khỏi những rối loạn nội tâm sâu kín. Mình sẽ dần dần vượt qua nó, quên nó, hợp lý hóa nó, trốn thoát khỏi nó hay nghĩ ra được niềm hy vọng nào đó ở tương lai”. Nhưng để chấm dứt đau khổ tôi phải hiểu được thời gian. Thời gian phải chấm dứt bởi vì thời gian đã tạo ra buồn đau. Tư tưởng là thời gian, tư tưởng, suy nghĩ đã nói rằng, “Tôi cô độc, tôi không có khả năng hành động thích hợp, tôi không được yêu mến, tôi chưa hoàn thành được tham vọng và tiềm năng của mình. Tôi phải có thời gian để làm điều này, thời gian để thành đạt, để trở thành, để thay đổi”. Vì thế suy nghĩ hay tư tưởng là kết quả của thời gian, chính là thời gian, lại đi tìm kiếm điều gì đó giúp nó giải quyết được buồn đau. Nếu tôi nhìn lại mình, tôi sẽ thấy rằng đó chính là điều tôi làm bất cứ khi nào có nỗi buồn đau phát sinh. Tư tưởng ngay lập tức vào cuộc. 
Nói cho cùng đau buồn là một thách đố, một thách đố bị đáp ứng bất xứng, và do đó ngoài nỗi buồn ra còn có cảm giác rối loạn, lo lắng, sợ hãi. Tôi bị mất việc. Tôi thấy người khác nổi tiếng, giàu có, dư dật. Tôi chẳng có gì cả trong khi người khác lại có mọi thứ -  sắc đẹp, lịch thiệp, thông minh. Chính suy nghĩ tiến hành so sánh, điều chỉnh, chấp nhận hay phủ nhận, đã nuôi dưỡng điều này.  
Tư tưởng không thể giải quyết vấn đề buồn đau. Xin đừng chấp nhận hay phủ nhận những gì đang nói. Chúng ta phải nhìn thấy sự thực này và khi nhìn thấy sự thực này rất tỏ tường thì sẽ không có chuyện chấp nhận hay phủ nhận. Nó là thế. Vấn đề không phải là làm sao để chấm dứt suy nghĩ, hay suy nghĩ phải hoạt động trong tình huống nào cho hợp lẽ. Khi chúng ta hiểu rất tỏ tường, toàn bộ chuyển dịch của suy nghĩ, cách nó hành xử, nó ẩn chứa điều gì, hiểu được cỗ máy suy nghĩ, nguồn gốc của suy nghĩ và tư tưởng, chúng ta bắt đầu hỏi rằng liệu thời gian trong hình thái tư tưởng có thể đi đến kết thúc không. Nếu không, sẽ chẳng chấm dứt được buồn đau. Chúng ta sẽ tiếp tục sống thêm hai triệu năm hay hơn nữa để chấp nhận, để chạy trốn, để sống một cuộc sống hỗn loạn, bất an, bất định. 
Liệu thời gian có chấm dứt được không? Trước tiên chúng ta phải nhìn thấy tâm trí, trí não, toàn bộ cách thức suy nghĩ, đều hành xử trong thời gian và chính là thời gian. Chúng ta phải nhận ra rằng thời gian là một chuyển dịch, là một dòng chảy mà chúng ta đã phân chia thành ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai. Chúng ta phải thấy chuyển dịch này trong tổng thể và phải chú tâm toàn triệt vào nó.”

Ngay tại đây Krishnamurti cho rằng có sự liên đới giữa thời gian, nỗi đau, tư tưởng. Ông lý giải rằng muốn chấm dứt nỗi buồn đau thì phải chấm dứt sự bẻ gẫy dòng chảy thời gian trong tâm trí, chấm dứt luôn cả thời gian xét trên bình diện tâm lý, nhưng tư tưởng không thể can thiệp vào diễn biến này vì tư tưởng cũng phát sinh từ thời gian, nó không thể chấm dứt cái nguồn gốc đã phát sinh ra nó. Cần nói thêm ở đây là Krishnamurti xem tư tưởng hay suy nghĩ đều như nhau, tư tưởng không hề mang ý nghĩa là sự tổng hợp tinh hoa trí tuệ hay đúc kết từ những tư duy sâu sắc như vẫn thường được hiểu. Điều mà ông gọi tư tưởng hay suy nghĩ chỉ là những diễn biến thường xuyên chuyển dịch trong tâm trí con người. Hơn nữa, những tư tưởng tinh hoa mà nhân loại trân trọng trong suốt lịch sử của mình, từ mấy ngàn năm trước cho đến thời hiện đại đối với Krishnamurti chẳng có ý nghĩa gì lớn lao, thậm chí ông cho rằng chúng còn làm trở ngại nhận thức chân thực của con người. Có thể nhiều người không đồng tình như vậy, nhưng đó đúng là điều Krishnamurti nói.
Từ khái niệm thời gian, phải chấm dứt thời gian, Krishnamurti đưa ra khái niệm phi thời. Cũng cần lưu ý ở đây suy tưởng của Krishnamurti ẩn tàng nhiều quan điểm của thuyết tiến hóa giống như cơ thể phát triển theo chiều hướng thuận lợi qua thời gian tiến hóa, nhưng các quan điểm tiến hóa ấy ông cho rằng chỉ quan trọng về mặt sinh học, thể chất, trong khi về mặt tâm trí chỉ có tính cách thoái hóa.

“Chúng ta có thể quan sát về mặt lý thuyết tiên khởi tâm trí đã hình thành như thế nào. Hiển nhiên nó hình thành qua cảm giác, qua sự đói khát, qua giác quan nếm, ngửi, sờ. Chúng ta  đã phát triển cánh tay để vói chụp nhưng đó không phải là vấn đề. Chúng ta có thể tìm tòi, chúng ta có thể giả định, chúng ta có thể xem xét, nhưng sự kiện là chúng ta đang như thế này đây. Truy tìm nguồn gốc của mọi vật là tiếp cận nó theo khoa học hay các nhà sinh học đang truy tìm nguồn gốc của sự sống. Chúng ta phải xem xét mình đang thực sự như thế nào đây. Khi xem xét, vấn đề dấy lên là liệu có một sự bắt đầu hay chấm dứt không, Không phải là sự bắt đầu như thế nào.
 Chúng ta bắt đầu với vấn đề thời gian và phi thời. Nếu chúng ta truy xét vấn đề thời gian, chúng ta cũng phải xem xét vấn đề hiện hữu, tức là cuộc sống, là ảnh hưởng, là kết quả, là chúng ta đang như thế nào. Và để khám phá ra chúng ta là gì, chúng ta phải xem mình như đang hiện hữu, và hãy khách quan trong khi xem xét mình là gì, đừng giả bộ rằng chúng ta là gì đó trong buổi ban đầu của mọi vật. Nếu chúng ta có thể hiểu được những gì đang trong hiện tại, chúng ta sẽ thấy được sự khởi đầu và chấm dứt của một sự thể. Không có sự khởi đầu và không có sự chấm dứt, và chúng ta không thể nào hiểu được ý nghĩa phi thường của sự phi thời, trừ phi chúng ta hiểu được cái tâm trí đang trong hiện tại. Làm sao chúng ta tìm ra cái tiên khởi? Chúng ta không phải là nhà sinh học, nhà nghiên cứu; chúng ta không phải là chuyên gia để nghiên cứu toàn bộ vấn đề cuộc sống hình thành như thế nào. Các chuyên gia đã thử nghiệm, đã tạo ra sự sống trong ống nghiệm. Nhưng có quan trọng gì đâu nếu chúng ta không tìm ra nguồn gốc của mọi vật?
Chúng ta hay xem tâm trí, tâm trí của chúng ta, cùa ngài và của tôi. Cái tâm trí hiện nay của con người là kết quả của hoàn cảnh. Có thể thấy điều này rõ ràng nếu chúng ta quan sát chính mình trong quan hệ với xã hội, với người hàng xóm, với đất nước mình. Chúng ta phản đối khi có người bảo rằng chúng ta là kết quả của hoàn cảnh, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình là một thực thể tâm linh phi thường, cứ như là hoàn cảnh chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ hiện hữu của con người. Vì thế điều quan trọng là phải hiểu xem liệu tâm trí có thể tự giải thoát được khỏi mọi ảnh hưởng. Liệu có thể như thế không? Bởi vì chỉ khi tâm trí tự giải thoát khỏi mọi ảnh hưởng nó mới có thể tìm ra được phi thời là gì. Để hiểu được thời gian là gì – chứ không phải dẹp nó qua một bên, không tạo một lý thuyết, không đắm chìm vào những giả định hay mong muốn – chúng ta phải thực sự xem xét tâm trí của chính mình, và không thể xem xét được nếu không nhận ra tác động dị thường của các ảnh hưởng…”

Có thể thấy ngay Krishnamurti không xem con người là trung tâm của vũ trụ, không phải là một sáng tạo đặc biệt của tạo hóa hay một thực thể tâm linh phi thường. Vì vậy lòng kiêu ngạo của con người đã bị Krishnamurti phủ nhận hoàn toàn khi ông bảo rằng họ chẳng có gì đặc biệt ngoài một mớ ký ức có vấn đề. Ông quan tâm đến hiện trạng hiện thể của con người hơn là bận tâm đến các vấn đề siêu hình. 
Điều này cho thấy suy tưởng của Krishnamurti gần gũi một cách đáng ngạc nhiên với những khám phá gần đây của khoa học về vũ trụ và con người, và có lẽ vì thế mà Krishnamurti được xem là người đã bắt được nhịp cầu nối giữa tôn giáo và khoa học.

“Hiển nhiên khi lắng nghe tôi là các ngài đang bị ảnh hưởng, đúng không? Khi chúng ta nghe tiếng chuông của chiếc xe tải đang thu nhặt rác bên đường, chúng ta cũng bị âm thanh đó ảnh hưởng; mọi thứ đều gây ra ảnh hưởng. Có thể nào tâm trí nhận ra được những ảnh hưởng này, quan sát mọi ảnh hưởng đang khuôn ép tâm trí và tự giải thoát nó, hay nhận ra nó rồi vượt qua nó? Khi tôi đang nói với các ngài ngay bây giờ thì có tác động của ảnh hưởng trong hiện tại, và hẳn nhiên đáp ứng của các ngài trước những điều đang nói là một mớ ký ức của hàng ngàn ngày hôm qua. Hàng ngàn ngày hôm qua là kết quả  của hàng ngàn ngày trước đó cùng với các ảnh hưởng, các đáp ứng, các thách thức của chúng, cùng với sự khuôn định của chúng – và đó chính là ký ức, là thời gian. Có phải như thế không? Thưa các ngài, các ngài có từng chú ý trong nội tâm mình rằng ngày mới vừa qua không mấy quan trọng, ký ức về ngày hôm qua phai nhạt nhanh chóng, nhưng những ký ức hàng chục năm trước lại sống động mê dại dị thường? Tôi không biết các ngài có để ý không, những gì chúng ta làm hàng mười năm trước, những gì chúng ta cảm thấy hàng mười năm trước, hay những cảm giác khi chúng ta còn là một đứa bé chạy nhảy đó đây, thình lình phát hiện được ánh sáng loang loáng trên những ngọn cây, ký ức về những cuộc bơi lội, sự tự do, không trách nhiệm, sự tràn trề của cuộc sống khi không có xung đột, khi có một cảm giác vui sướng toàn triệt – chúng ta nhớ mọi thứ đó, mọi thứ sinh động dị thường, còn nhiều hơn cả ký ức mới hôm qua đây. Điều đó gây ảnh hưởng lên chúng ta, khuôn ép suy nghĩ chúng ta.
Chúng ta nên hiểu thời gian như là ảnh hưởng của hàng ngàn ngày hôm qua. Chúng ta nên bắt đầu xem xét thời gian trong ý nghĩa nó là ký ức, là ngày hôm qua, thời gian như hôm nay, thời gian như ngày mai – thời gian như ngày hôm qua đi xuyên qua ngõ hôm nay, bị khuôn ép, định hình, uốn nắn trong đó rồi chuyển đến ngày mai. Vì thế không chỉ có thời gian theo đồng hồ, thời gian niên đại, nhưng còn có thời gian thuộc ký ức, co dãn tới lui, ký ức này thuộc vô thức, ẩn giấu sâu xa bên dưới nơi thầm kín bao la của tâm trí… Trước khi tôi đi vào sự phi thời, nếu như có trạng thái đó, đầu tiên tôi phải biết thời gian là gì – không phải theo ý nghĩa của Einstein, theo kinh Gita, hay theo một vị giáo sư đương thời, hay theo người giải thích kinh Gita. Tôi muốn biết tâm trí là kết quả của thời gian như thế nào, và tôi muốn hiểu được thời gian.
Nếu chúng ta muốn hiểu điều gì đó chúng ta phải tiếp cận nó một cách đơn giản. Nếu muốn hiểu một cỗ máy rất phức tạp nào đó, chúng ta phải bắt đầu tháo dỡ từng phần một, hết cái này đến cái kia; chúng ta không thể nhảy xổ vào nó, trừ phi chúng ta rất thông minh. Nhưng hầu hết chúng ta không có trí tuệ sắc sảo, sáng suốt, khoa học, không bị thành kiến, không định kiến, hay bị công thức hóa. Vì thế chúng ta phải xem xét thời gian. Có thời gian đi làm, thời biểu tàu lửa, thời giờ đồng hồ, và đó là một loại thời gian. Rồi còn có lãnh vực rộng lớn hơn của thời gian, tức là kinh nghiệm, ký ức, tư tưởng, tâm trí, khát vọng, trở thành, phủ nhận, thành đạt, là cái tâm trí bảo rằng tôi phải trở thành gì đấy – tất cả những thứ đó là thời gian mà chúng ta đang bàn đến. Chúng ta đang ngắm nhìn nó, quan sát nó; chúng ta không phủ nhận nó, chúng ta không chấp nhận nó; nhưng chúng ta nhìn nó như nó đang hiện hữu.

Tâm trí của chúng ta là như thế, không cần biết lúc khởi đầu nó thế nào và lúc chấm dứt nó thế nào. Tôi không biết nó như thế nào lúc khởi đầu và như thế nào lúc chấm dứt, nhưng tôi lấy một lát cắt khỏi cái thời gian rộng lớn này, một khoảng hở, và ngắm nhìn nó, nó chính là bản thân tôi. Nếu các ngài không muốn nhìn lại chính mình thì lại là chuyện khác. Tôi không biết cách các ngài xem xét như thế nào – xem xét trong ý nghĩa rằng các ngài trực tiếp cảm nghiệm, trực tiếp quan sát, trực tiếp cảm nhận cách ngài thụ nhận sự vật theo đúng như con người mình, không giả vờ mình thế này thế kia theo truyền thống hay hành động theo truyền thống, không có hy vọng rằng mình sẽ như thế nào, vì như thế cũng vẫn còn nằm trong vòng thời gian.”

GÓP Ý: 
Không dựa vào kinh sách, không trải qua quá trình tu học với bất kỳ một vị đạo sư nào, bằng sự chứng nghiệm tự thân, Krishnamurti đã thấy ra được điều mà cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ, Đức Phật, bậc Vô sư, đã chứng nghiệm, đó là Bốn sự thật vi diệu hay còn gọi là Tứ Diệu Đế.
 Sử dụng những từ ngữ rất đơn giản, thông dụng, nhưng lại mang ý nghĩa cực kỳ sâu thẳm, Krishnamurti đã nêu ra nỗi đau buồn của toàn thể nhân loại luôn có đó (Khổ đế) dù con người - vô tình hay cố ý, luôn lẩn tránh nỗi buồn đau. Theo ông, chỉ có một nguyên nhân chủ yếu, duy nhất gây tạo ra nỗi sầu khổ của con người là thời gian tâm lý (Tập đế). 
Qua sự thấu hiểu những gì đang xảy ra trong việc quan sát, nhìn ngắm, lắng nghe của Tuệ giác (Đạo đế), toàn bộ nỗi buồn đau mới chấm dứt và ngay tại đây con người mới tiếp cận Chân lý, cái vô ngôn, vô danh, phi thời (Diệt đế).

Có thể nói rằng, Krishnamurti đã mở ra một hướng đi mới cho con người ở thời đại hiện nay mà đa phần đã bị qui định nặng nề bởi truyền thống, tín ngưỡng, kiến thức, kinh nghiệm… nên không thể thoát ra khỏi mạng lưới của thời gian. Để chấm dứt nỗi buồn đau, không phải là chấm dứt “cái tôi” theo như cái hiểu thông thường (cũng lại là thời gian) mà là chấm dứt sản phẩm tạo ra “cái tôi” là thời gian. Khi thời gian chấm dứt, con người mới có thể đi vào một chiều kích khác, một cuộc sống đích thực với Trí tuệ, Tình yêu và lòng trắc ẩn.

Tác giả : Mộc Nhiên

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Bí quyết của GIẢI THOÁT


...Bí quyết của giải thoát không phải là ước mơ hay chạy trốn (bằng mọi hình thức) mà là phải đối mặt với chính cuộc đời. Còn đau khổ là tại vì còn có cái ta để đau khổ, mà còn cái ta để đau khổ thì dù ở bất cứ đâu cũng vẫn cứ đau khổ như thường...



                                              
Ngày ........ tháng ........ năm ........

L mến,

Chà, trông L đường đường một đấng nam nhi như thế mà sao hơi yếu đó nghe ! Ai lại đi mơ một cảnh Tịnh Độ ở ngoài cuộc đời nắng lửa như một kẻ mê tín vậy. Lại còn mê ba cái ông du tăng trong Thiền Luận nữa chứ ! Không biết các ông du tăng ngày xưa ra sao chứ cứ mà làm biếng, vô trách nhiệm cái kiểu ông VT với một số du sĩ ngày nay thì đáng được lãnh năm bảy chục hèo mới xứng.
Thầy lại thấy khác: dường như bây giờ mất rồi cái thời mà những bậc tu hành lấy phiền não làm bồ-đề, tức là sẵn sàng chấp nhận giáp mặt những phiền lụy với một sức mạnh chánh niệm tỉnh giác đầy kiên định.
Đã đành rằng cuộc đời là nắng lửa nhưng nếu ai ước mong ở ngày mai hay một nơi nào khác cái cảnh giới không còn nắng lửa thì chính đó mới là khổ sầu to lớn nhất! Giống như một người trông đợi một cái gì đó người ấy càng bồn chồn nóng nảy hơn là một kẻ đang chăm chú một công việc nặng nề, có phải thế không?
Vậy bí quyết của giải thoát không phải là ước mơ hay chạy trốn (bằng mọi hình thức) mà là phải đối mặt với chính cuộc đời. Còn đau khổ là tại vì còn có cái ta để đau khổ, mà còncái ta để đau khổ thì dù ở bất cứ đâu cũng vẫn cứ đau khổ như thường. Người đời có câu nói rất thực tế là :

Gánh cực mà đổ lên non
Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo


Thế mà khi chúng ta vui lòng gánh lấy trách nhiệm, vui lòng đỡ gánh cho người khác, vui lòng từ bỏ những dục vọng ích kỷ, cá nhân v.v... thì chúng ta lại thấy tất cả đều là nhẹ nhàng. Người đã thấy cái nhẹ nhàng đó sẽ đủ sức lấy phiền não làm bồ-đề. Chúa nói:“Hãy vác thập tự giá mà đi vào nước Chúa”, thật ra, có nghĩa là hãy làm tròn bổn phận với đầy đủ phiền não của nó một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì sẽ thấy bổn phận ấy, phiền hà ấy thật nhẹ nhàng và thật dễ thương biết bao. Và chính ở đó chúng ta hân thưởng được sự thanh tịnh giải thoát (vào Thiên đàng) giữa những phiền não cuộc đời.
Giống như một người mẹ, có thể làm mọi việc khó khăn nhất cho đứa con nhỏ bé của mình, dù phải trải bao nhiêu gian khổ, chỉ vì ngay lúc đó bà ta đã quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn. Nếu mọi người đều biết quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn ấy thì cuộc đời sẽ trở nên thiên đàng ngay lập tức dù lúc đó vẫn là nắng lửa dãi dầu.
Thầy có nghe một câu chuyện nho nhỏ dễ thương về tình bạn: có một hôm, một người bạn rủ L đi uống rượu. Lúc đó có M.A ngồi chơi. M.A đã cố ý (nhưng làm như vô tình) ngồi nán lại chơi với L tới khuya, để giúp L thoát khỏi một sự cám dỗ không mấy tốt lành. Chỉ vì thương bạn, vì muốn bạn mạnh khỏe mà phải hy sinh sức khỏe của mình dù M.A vốn đã suốt ngày này qua ngày khác làm lụng cực nhọc để đỡ cho mẹ mình một gánh nặng nuôi con.
L ạ, không phải là hạnh phúc, tịnh độ hay giải thoát cho cái bản ngã của mình, mà chính phá bỏ bản ngã để làm những việc quên mình lợi người, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng ẩn chứa một thiên đàng tuyệt diệu. Vâng, đau khổ để đem lại hạnh phúc cho người (bạn bè, cha mẹ, anh em, xóm giềng và cho cả cỏ cây, sỏi đá) đấy chính là thiên đàng tuyệt diệu.
Tuyệt diệu làm sao khi sư GĐ cố gắng lo lắng thêm một chút để chư sư được nhẹ nhàng, và sư PT cũng vậy, sư TT cũng vậy v.v... Mọi người đều gánh thêm một chút khổ đau để gánh người khác được nhẹ nhàng. Ở đây Thầy cũng không thể điềm nhiên tọa thị mà phải cố gắng thêm một chút để trợ giúp các sư... và cứ thế cuộc đời mở vòng tay lớn trong tình yêu thương xả kỷ. Không có thiên đàng nào khác ngoài sáng suốt, trong lành và tĩnh tại. Không có thiên đàng nào khác ngoài những gánh nặng mà ta vui lòng gánh vác để đem lại cho đời một niềm vui, một an ủi, một nụ cười.
Sư GĐ tặng L một số phong lan với dụng ý muốn giúp L biết thương yêu và tập dần với những bổn phận, tập dần sự chú ý, sự chăm chút, sự nhẫn nại... Nghĩa là tập chấp nhận những phiền não để nuôi dưỡng bồ-đề. Tập thấy được tình thương yêu như tình yêu thương của người mẹ đối với đứa con mình. Không có con đường giải thoát nào khác đâu L ạ, hãy suy nghĩ cho mà xem. Tất cả những con đường khác chỉ là phản ánh của lòng tư dục, tư kỷ mà thôi.
Một vị du tăng hành cước chỉ có lý khi đến lúc họ phải từ bỏ những tích lũy, những đeo mang do lòng dục vọng chất đầy trên vai họ. Nhưng đến khi thấy lại chính mình (ngộ), vị ấy lại chấp nhận “gánh nước là diệu dụng, bửa củi là thần thông” và chui vào nhà bếp để làm hỏa đầu quân hoặc mỗi ngày âm thầm quét lau Tàng Kinh Các. Mới biết những kẻ ra đi, tìm kiếm, chỉ mới là giai đoạn của người chưa thấy. Còn khi thấy rồi núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, phiền não vẫn là phiền não. Cuộc đời vẫn hoàn lại cuộc đời... và nếu có cái gì khác chăng thì chỉ là một nụ cười sáng trong và nhẹ nhõm.
Thôi viết như thế đã dài, mong L tìm thấy trong đó đôi lời nhắn nhủ với một tấm lòng.

Thân ái chào con.
Thầy


Tuyển Tập Thư Thầy
[Thư số 25]
Tác giả: Viên Minh

Bể khổ mênh mông - Hồi đầu là bến


... Bể khổ mênh mông, vấn đề không phải là sửa hay không sửa, mà phải biết hồi đầu. Tất cả lỗi lầm đều do lý trí vọng thức mà hướng ra ngoài. Hồi đầu, tức chánh niệm tỉnh giác, là bến. Hồi đầu là không buông trôi theo lý trí vọng thức, cũng không chống lại nó mà quay lại nhìn thẳng vào lý trí vọng thức, vào lỗi lầm đang khởi sinh và đang tự diệt cho nên ngay nơi sinh diệt mà giác ngộ giải thoát...

                                               
Ngày ........ tháng ........ năm ........

H.T

Trước hết Sư bá nói để con yên tâm là Sư bá đã chấp nhận yêu cầu của con, kể từ nay Sư bá có trách nhiệm hướng dẫn tinh thần và đạo lý cho con. Còn con, con hãy lấy đạo làm lẽ sống của mình, hướng về nội tâm hơn là ngoại cảnh.
Nhận thức của con đã sâu sắc rồi đó, những điều con nhận xét đều đúng. Sư bá chỉ lưu ý con là đừng để những sai trái của người khác làm vướng bận tâm mình là được.
Câu hỏi của con về chuyện Vi Tiếu “Tu sửa” rất hay, ít người hỏi Sư bá về những chuyện vi tiếu ấy. Những câu chuyện ngắn gọn đó tuy không có ẩn ý gì nhưng nếu không nhận ra ngay được thì rất dễ hiểu lầm.

Câu chuyện thế này (Sư bá nhắc đại ý):

Có người hỏi:
- Tu có phải sửa không?
Thiền sư nói:
- Không.
- Vậy là không sửa?
- Không.
- Như thế phải làm sao?
Thiền sư trả lời:
- Không sửa thì kẹt cái này, sửa thì thành ra cái khác.


Trong câu chuyện con để ý là Thiền sư không hề trả lời đúng hay sai, vì như vậy là đã xác định. Thiền sư chỉ nói “không” với dụng ý làm người hỏi ngạc nhiên và chú ý. Từ ngạc nhiên gây chú ý của chữ “không” đầu đẩy người hỏi vào suy luận thứ hai. Thiền sư đã chờ sẵn để bồi thêm một chữ “không” nữa nhằm tuyệt đường suy luận của người hỏi. Nhưng với hai lần phủ định Thiền sư vẫn chưa đẩy người hỏi vào chỗ tuyệt đường suy luận của lý trí được. Lý trí vốn đa nghi và bất an nên vẫn loay hoay tìm cầu kết luận qua câu hỏi thứ ba. Thiền sư biết rất rõ điều đó, nên đã không đưa ra một kết luận nào nhất định để lý trí có thể bám víu được, mà chỉ nói: “không sửa thì kẹt cái này, sửa thì thành ra cái khác”. Bởi vì vấn đề không phải ở chỗ sửa hay không sửa, mà có thấu rõ được cái trung tâm tạo ra nhu cầu sửa đó hay không. Nếu sửa hay không sửa đều là hành động phát xuất từ cái ta thì rốt cuộc cũng chẳng có gì mới lạ.
“Vi tiếu” hoặc các công án thiền đều nhằm mục đích đẩy khối lý trí vọng thức vào chỗ tuyệt đường. Tuyệt đường thì đi về đâu? Tuyệt đường thì không hướng ra bên ngoài, mà trở về với chính mình, thấy rõ chính mình như mình đang là. Giây phút hồi đầu đó Đức Phật gọi làchánh niệm tỉnh giác. Các Thiền sư Trung Hoa gọi là ngộ, kiến tánh, thấy bản lai diện mục. Lão Tử gọi là kiến tố, phục mệnh, v.v...
Những thành ngữđương xứ tức chân, bất động hiện quán, diệu trạm tổng trì, tuyệt thánh khí trí... hoặc Sanditthiko, Akàliko, Ehipassiko, Opanayiko, Paccattam veditabbo vinnùhi... đều chính là tỉnh thức, là thắp sáng chính mình hoặc Sư bá gọi là sáng suốt, định tĩnh.
Để con dễ hiểu, Sư bá cho một ví dụ: Giả sử con đang sân, nếu con không tu sửa thì chẳng lẽ cứ để sân hoài, cứ mặc cho tâm sân lôi cuốn, đầu hàng vô điều kiện? Nhưng nếu con loay hoay tu sửa, mong đạt một trạng thái đối nghịch là không sân, tức là con bực mình với cái sân của mình, làm cho nó càng sân thêm. Nếu sửa được thì giận hóa thành mừng, buồn hóa vui, có khi thành thỏa mãn, ngã mạn... Nghĩa là thành ra một trạng thái khác, mà tính chất vẫn là bản ngã.
Vậy phải làm sao? Cốt tử là ở chỗ đó. Giản dị thôi, bây giờ con chánh niệm tỉnh giác, thắp sáng cái sân của con lên ngay chính cái lúc nó đang hiện diện. Lúc đó thật ra không còn là sân nữa, mà là trí tuệ, là sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Vấn đề đã được giải quyết mà không hề nói đến sửa hay không sửa.
Chánh niệm tỉnh giác là không sửa mà vẫn được sửa nên không kẹt cái này, không thành ra cái khác. Tu thật ra đơn giản chỉ là như vậy.
Bể khổ mênh mông, vấn đề không phải là sửa hay không sửa, mà phải biết hồi đầu. Tất cả lỗi lầm đều do lý trí vọng thức mà hướng ra ngoài. Hồi đầu, tức chánh niệm tỉnh giác, là bến. Hồi đầu là không buông trôi theo lý trí vọng thức, cũng không chống lại nó mà quay lại nhìn thẳng vào lý trí vọng thức, vào lỗi lầm đang khởi sinh và đang tự diệt cho nên ngay nơi sinh diệt mà giác ngộ giải thoát.
Tóm lại, người không tu thì đành thúc thủ trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau, người loay hoay tu sửa thì lại chạy theo hình bóng lý tưởng của bản ngã vẽ vời, tuy không thúc thủ nhưng có vùng vẫy cũng không ra khỏi trầm luân. Chỉ có người tỉnh thức, không đến không đi mà vẫn ung dung tự tại.
Mong rằng “vi tiếu” đó giúp con thấy ra con đường tu tập của mình.

Sư bá


Tuyển tập Thư Thầy
[Thư số 32]
Tác giả: Viên Minh

Tạo ra Hạnh Phúc


Không lo lắng

Buông bỏ “người điều khiển”, tiếp xúc nhiều hơn với giây phút hiện tại và sẵn sàng hơn đối với sự bất định của tương lai giải phóng cho chúng ta khỏi nhà tù của sợ lo sợ. Nó giúp chúng ta đáp ứng với những thách thức của cuộc đời với tuệ giác sẵn có của mình, và đưa chúng ta ra khỏi tình huống khó khăn một cách an toàn.
Có lần tôi đang đứng giữa một trong sáu dòng người xếp hàng trước thanh chắn của bộ phận quản lý nhập cảnh tại sân bay Perth. Lúc ấy tôi vừa trở về từ Sri Lanka quá cảnh Singapore. Dòng người di chuyển một cách chậm chạp ; rõ ràng là người ta đang kiểm tra gắt gao. Một nhân viên hải quan chợt xuất hiện từ cánh cửa bên của hành lang, dẫn theo một con chó nghiệp vụ được huấn luyện để tìm ma túy. Các hành khách vừa đến mỉm cười một cách hồi hộp khi nhân viên hải quan dẫn con chó đi lên đi xuống dọc theo dòng người. Mặc dầu họ không mang ma túy nhưng sau khi con chó dừng lại ngửi rồi bỏ đi ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Khi con chó nhỏ đi đến sát tôi và ngửi, nó dừng lại, rúc cái mõm nhỏ xíu của nó vào lưng áo của tôi và vẫy đuôi thành vòng tròn. Viên sĩ quan phải giật mạnh sợi dây để lôi nó đi nơi khác. Người hành khách đứng trước tôi trong hàng trước đây có vẻ thân thiện bây giờ bước lên một bước tránh xa ra. Và tôi biết chắc hai người ở phía sau tôi cũng bước lui một bước.
Sau đó năm phút, khi tôi đứng gần quầy kiểm tra hơn thì người ta lại dẫn con chó đi lên một vòng nữa. Con chó đi lên, đi xuống dọc theo hàng người, dừng lại trước từng hành khách, ngửi ngửi, rồi bỏ đi. Khi nó đến sát bên tôi nó lại dừng lại, rúc đầu vào áo của tôi và vẫy đuôi lia lịa. Người nhân viên hải quan lại phải giật mạnh sợi dây để lôi nó đi. Tôi thấy mọi cặp mắt đều đổ dồn vào tôi. Mặc dầu trong tình huống như vậy nhiều người có thể đâm ra lo lắng, nhưng tôi thì vẫn thản nhiên. Nếu tôi phải vào nhà giam thì cũng được, ở đó tôi có nhiều bạn bè và họ có thể cho mình ăn ngon hơn ở tu viện ! Khi tôi đến quầy kiểm soát họ kiểm tra tôi rất kỹ. Tôi không có ma túy, nhà sư cả rượu cũng không uống kia mà. Họ không bắt tôi cởi áo tôi đoán vì tôi không tỏ ra lo lắng. Họ chỉ hỏi tôi rằng tại sao con chó lại chỉ dừng lại bên tôi. Tôi nói các nhà sư có tình thương đối với mọi loài súc vật và có lẽ đó là cái mà con chó đánh hơi thấy; hay có thể trong kiếp trước, con chó này là một nhà sư. Sau đó họ để cho tôi đi qua.
Một lần khác tôi suýt bị đấm vào mặt bởi một anh chàng người Úc to cao lúc ấy đang nổi giận và hơi say. Sự không sợ hãi đã cứu nguy cho tình thế và cái mũi của tôi.
Chúng tôi vừa mới chuyển đến tu viện mới trong thành phố về phía bắc của Perth. Chúng tôi sắp sửa tổ chức một buổi lễ khánh thành, và có một điều ngạc nhiên thú vị là thống đốc bang Tây Úc lúc đó là Sir Gorden Reid cùng với phu nhân đã nhận lời mời của chúng tôi, hứa sẽ đến dự. Tôi được giao nhiệm vụ lo thuê rạp và ghế cho quan khách. Thầy trị sự dặn dò tôi phải kiếm cho được thứ tốt nhất và sắp xếp cho thật đàng hoàng.
Sau một hồi tìm kiếm tôi tìm ra một công ty cho thuê đồ rất đắt tiền. Nó ở trong khu ngoại ô giàu có phía tây của Perth và cho thuê rạp cho những bữa tiệc ngoài trời của các triệu phú. Tôi giải thích ý định và lý do vì sao phải thuê đồ tốt nhất. Người phụ nữ tiếp chúng tôi nói hiểu rồi, và thế là chúng tôi đặt hàng.
Khi rạp và ghế được chở đến vào chiều tối thứ sáu, thì tôi lại bận giúp đỡ người khác ở sân sau tu viện. Khi tôi ra trước để kiểm tra thì chiếc xe tải và nhân viên của họ đã đi rồi. Nhìn tình trạng của chiếc rạp tôi không thể tin vào mắt mình. Nó lấm lem đất đỏ. Tôi lấy làm thất vọng, nhưng vấn đề vẫn có thể được giải quyết. Chúng tôi bắt đầu lấy vòi nước xịt thật sạch. Rồi tôi kiểm tra ghế dành cho khách - chúng cũng dơ bẩn như thế. Thế là chúng tôi phải tìm giẻ và nhiều tình nguyện viên xúm vào giúp lau chùi. Tôi nhìn những ghế cho khách VIP. Chúng rất đặc biệt: không có ghế nào có chân bằng nhau! Ngồi lên là lắc lư, nghiêng ngã.
Thật không thể tin được. Như vậy là quá đáng. Tôi chạy đến điện thoại, gọi cho công ty cho thuê và gặp ngay người phụ nữ sắp sửa ra về để nghỉ cuối tuần. Tôi giải thích tình hình, và nhấn mạnh rằng không thể để ông thống đốc bang Tây Úc ngồi lắc lư trên một chiếc ghế gập ghềnh suốt buổi lễ như thế được. Lỡ ông ta ngã thì sao ? Bà ta nói hiểu rồi, xin lỗi, và hứa sẽ thay ghế trong vòng một tiếng đồng hồ.
Lần này thì tôi đứng chờ chiếc xe tải giao hàng. Tôi thấy nó chạy vào con đường dẫn đến tu viện. Chạy chưa được nửa đường, còn cách tu viện khoảng sáu mươi mét, một người đàn ông nhảy ào xuống và chạy đến phía tôi, mắt đỏ lừ và tay nắm lại.
“Tay phụ trách ở đâu ?” y la hét. “Tôi muốn gặp tay phụ trách ở đây.”
Sau này tôi mới biết chuyến giao hàng đầu tiên cho chúng tôi là chuyến giao hàng cuối cùng của họ trong tuần. Sau khi giao hàng, họ đã dọn dẹp và đi vào quán rượu để bắt đầu nghỉ cuối tuần. Họ đã uống khá nhiều rồi khi viên quản lý đi vào quán và ra lệnh cho họ quay về làm việc. Các nhà sư Phật giáo muốn họ đổi ghế.
Tôi bước đến gần anh chàng ấy và nói nhẹ nhàng, “Tôi là tay phụ trách đây, tôi có thể giúp gì được cho ông đây ?”
Y chồm mặt sát với mặt của tôi, bàn tay phải vẫn nắm chặt, đưa gần sát mũi của tôi. Mắt y ngầu đỏ vì giận dữ. Tôi ngửi thấy mùi bia trong miệng y nồng nặc xông ra, chỉ cách tôi vài xăng ti mét. Tôi không cảm thấy sợ hãi, cũng không tự kiêu. Tôi cứ thản nhiên.
Những đạo hữu dừng tay lau chùi để xem. Không ai chạy đến giúp tôi cả. Cám ơn các bạn.
Sự đối đầu xảy ra chỉ trong vài phút. Tôi cảm thấy rất thú vị về những gì xảy ra. Trước phản ứng của tôi, gã công nhân nóng giận này đờ người ra. Ắt hẳn y chờ đợi một thái độ sợ hãi hoặc gây hấn chống lại. Đầu óc y không biết phản ứng ra sao trước một người vẫn thản nhiên khi nắm đấm của y đã đưa lên gần lỗ mũi người đó. Tôi biết y không thể nào đấm tôi, cũng không thể bỏ tay xuống được. Thái độ không sợ hãi của tôi đã làm y bối rối.
Trong mấy phút đó, chiếc xe đã đỗ lại và người chủ bước xuống, đi về phía chúng tôi. Ông ta đặt tay lên vai của gã công nhân đang đứng ngẩn người và nói, “Nào, hãy bốc dỡ ghế xuống.” Mệnh lệnh này gỡ cho y ra khỏi tình trạng bế tắc.
Tôi nói, “Được rồi, tôi sẽ giúp một tay.” Và chúng tôi cùng nhau mang ghế xuống.

Nụ cười với hai ngón tay

Lời khen tiết kiệm được tiền bạc cho chúng ta, làm giàu có các mối quan hệ, và tạo ra niềm vui. Chúng ta cần ban phát cho xung quanh nhiều lời khen hơn nữa.
Người khó khen ngợi nhất là chính chúng ta. Tôi được dạy dỗ để tin rằng người nào tự khen mình sẽ trở thành tự cao tự đại. Không phải thế đâu. Họ trở thành người tốt bụng. Khen ngợi những phẩm chất tốt của mình cũng là tích cực cổ vũ những phẩm chất ấy.
Khi tôi còn là sinh viên, thiền sư đầu tiên của tôi đã cho tôi những lời khuyên rất thực tế. Thầy bắt đầu bằng cách hỏi tôi làm việc gì đầu tiên sau khi thức dậy.
Tôi trả lời, “Dạ đi vào phòng tắm.”
Thầy hỏi tiếp, “Trong phòng có gương soi không?”
“Dạ có.”
“Tốt.” Thầy nói, “Vậy thì, từ nay, mỗi buổi sáng trước khi đánh răng hãy nhìn vào gương và cười với mình.”
“Thưa thầy.” Tôi bắt đầu phản đối. “Con là một sinh viên. Đôi khi con đi ngủ rất khuya, và khi ngủ dậy người con rất uể oải, Có những buổi sáng con nhìn con trong gương còn thấy sợ, huống chi là mỉm cười.”
Thầy cười, rồi nhìn vào mắt tôi thầy nói, “Nếu con không cười được một nụ cười tự nhiên thì con đưa hai ngón tay trỏ vào hai khóe môi, chống lên như thế này.” Và thầy biểu diễn cho tôi xem.
Thầy trông hài hước không thể tưởng. Tôi bật cười. Thầy lệnh cho tôi phải làm. Và tôi làm theo.
Sáng hôm sau, tôi lê người ra khỏi giường và lảo đảo đi vào phòng tắm. Tôi nhìn tôi trong gương. “Ờ” Không được đẹp cho lắm. Một nụ cười tự nhiên là không thể được. Thế nên tôi đưa hai ngón trỏ vào hai khóe môi rồi đẩy lên. Tôi thấy một khuôn mặt ngốc nghếch đang làm một trò điên khùng và tôi không nín được cười. Khi có một nụ cười tự nhiên rồi tôi thấy một chàng thanh niên đang mỉm cười với mình. Và tôi cười lại. Chàng thanh niên trong gương tiếp tục mỉm cười. Thế là chúng tôi cùng cười phá lên.
Tôi tiếp tục thực tập mỉm cười trong suốt hai năm. Cứ mỗi buổi sáng dù tâm trạng thế nào khi bước ra khỏi giường thì chốc lát sau tôi đã mỉm cười với mình trong gương, thường thường là bằng cách dùng hai ngón tay. Những người xung quanh nói dạo này tôi hay cười. Có lẽ những cơ bắp xung quanh môi đã quen với tư thế ấy rồi.
Chúng ta có thể thực tập chiêu cười với hai ngón tay trỏ bất cứ lúc nào trong ngày. Nó đặc biệt có hiệu quả khi chúng ta cảm thấy chán ngán, nản chí, hay phiền muộn. Người ta đã chứng minh rằng tiếng cười làm tiết ra chất endorphin vào trong dòng máu của chúng ta, mà chất này lại làm tăng cường hệ miễn dịch và làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Nó giúp chúng ta nhìn thấy 998 viên gạch tốt trong bức tường của chúng ta, chứ không phải chỉ nhìn thấy hai viên gạch xấu. Và nụ cười làm cho chúng ta trông đẹp hơn.
Đó là lý do đôi lúc tôi gọi tu viện Phật giáo Perth là “Thẩm mỹ viện Ajahn Brahm”


Ajahn Brahm

Theo Thư Viện Hoa Sen

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Đối Nội và Đối Ngoại




...Sống trên đời con sẽ thấy đối nội và đối ngoại đều quan trọng cả. Đối nội thì mình phải trong sáng, hồn nhiên, bình lặng. Đối ngoại thì mình phải thương yêu, giúp đỡ, hòa thuận với mọi người...




                                                                                  
Ngày ........ tháng ........ năm ........

Con,

Thầy có nhận được thư con, nhưng lúc này Thầy ít khi ở chùa nên chưa trả lời chắc con trông lắm.
Con ạ, sống trên đời con sẽ thấy đối nội và đối ngoại đều quan trọng cả. Đối nội thì mình phải trong sáng, hồn nhiên, bình lặng. Đối ngoại thì mình phải thương yêu, giúp đỡ, hòa thuận với mọi người. Không nên quá vì mình cũng không nên quá vì người. Cả hai đều cần cả. Hơn thế nữa khi có tâm hồn trong sáng mới có thương yêu và mới thấy giá trị của tình yêu thương.
Khi thương yêu đừng nên thiên chấp, khi được thương yêu đừng nên thủ trước. Khi trở về với mình đừng nên vị ngã, khi quên mình đi đừng để vong thân.
Phật có ba đức: Trí đức là sáng suốt, biết mình, biết người. Tịnh đức là trong sạch, trầm lặng. Bi đức là xả kỷ vị tha, nghĩa là thương yêu cứu giúp chúng sanh.
Sống được hài hòa con sẽ thấy mọi thứ đều giá trị, vì vậy con chớ khinh suất một sự việc gì dù xấu, dù tốt, dù nhỏ, dù lớn ở trên đời.
Thôi, Thầy dừng bút, chúc con mạnh giỏi.

Thân ái chào con.
Thầy.


Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 20
Tác giả: Viên Minh



CẢM XÚC CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG ĐỜI SỐNG ?

Những cảm xúc hình thành bằng cách nào? Rất đơn giản. Chúng hình thành qua sự kích thích, qua bộ thần kinh. Bạn châm kim vào tôi, tôi nhẩy dựng lên. Bạn khen ngợi tôi, tôi thấy thú vị. Bạn sỉ nhục tôi, tôi không thích. Qua các giác quan của chúng ta, cảm xúc hình thành. Và phần đông chúng ta, hiển nhiên là chúng ta hành động dựa theo cảm xúc của khoái lạc, bạn ạ.
Bạn muốn được thừa nhận như là một người Ấn giáo. Thế là bạn đã thuộc về một nhóm, một cộng đồng, một truyền thống, dù là truyền thống cổ xưa; và bạn thích thế, với Áo Nghĩa Thư, và với cả núi truyền thống cổ điển. Người Hồi giáo thì cũng vậy, họ thích cái của họ, v.v... Cảm xúc của chúng ta hình thành từ sự kích thích, từ môi trường sống, vân vân, thật là quá rõ.

Vậy thì, trong đời sống, cảm xúc có vai trò gì?

Cảm xúc là đời sống chăng? Bạn nhận ra không? Tình yêu là lạc thú chăng? Tình yêu là thèm muốn chăng? Nếu cảm xúc là tình yêu thì sẽ có sự thay đổi liên tục, phải vậy không? Bạn thấy rồi chứ ?
Vậy thì người ta cần phải nhận thức được rằng xúc động, tình cảm, nhiệt tình, cảm tưởng tốt đẹp, v.v..., tất cả những điều đó đều chẳng dính dáng gì với tình yêu thương và lòng trắc ẩn chân thật.
Tất cả những tình cảm, xúc động mà phải qua sự suy nghĩ tính toán thì rồi ra cũng sẽ đưa tới khoái lạc và đau khổ. Tình yêu thuần túy thì không có đau khổ và phiền muộn hối tiếc, bởi vì nó không phải là kết quả của lạc thú hoặc khát vọng.

Hỏi :

- Tại sao chúng ta cảm thấy thấp kém khi đối diện những người bề trên của chúng ta?

Krishnamurti đáp :

- Bạn coi ai là những bề trên của bạn? Những người hiểu biết chăng? Những người có chức tước hoặc bằng cấp chăng? Những người mà bạn muốn xin xỏ họ điều gì đó, đại khái như phần thưởng hoặc địa vị chăng? Ngay khi mà bạn coi ai đó là bề trên, thì đồng thời phải chăng bạn đã coi người khác nào đó là thấp kém?
Tại sao chúng ta lại có cái chuyện phân chia người trên kẻ dưới này? Nó chỉ tồn tại khi chúng ta muốn điều gì đó, phải vậy không? Tôi cảm thấy không thông minh bằng bạn, không có nhiều tiền bạc hoặc khả năng như bạn, không có hạnh phúc như là cái vẻ hạnh phúc của bạn, hoặc là tôi muốn xin bạn cái gì, thế là tôi cảm thấy mình thấp kém hơn bạn. Khi tôi khởi tâm ganh tị với bạn, hoặc cố gắng bắt chước bạn, hoặc muốn xin bạn cái gì, thế là lập tức tôi trở thành thấp kém hơn bạn, bởi vì tôi đã nâng bạn lên bệ, tôi đã dâng bạn cái thế thượng phong. Cho nên, về mặt tâm lý, từ đáy lòng, tôi tạo ra cả hai vị trí, người bề trên và kẻ thấp kém; tôi tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa người có và kẻ không có.
Giữa con người với nhau, đã có một sự bất bình đẳng lớn lao về khả năng, phải vậy không? Có người thì thiết kế máy bay, có kẻ thì lặn lội cầy bừa. Những sự khác biệt lớn lao này về khả năng tri thức, ngôn từ, thể chất là chuyện không thể tránh. Nhưng như bạn thấy, chúng ta đã coi một số chức vụ nào đó là có ý nghĩa lớn lao, phi thường. Chúng ta đánh giá các chức vụ thống đốc, thủ tướng, nhà phát minh, khoa học gia, là những nhân vật quá sức quan trọng so với người làm công; rồi thì chức vụ thành ra địa vị trong xã hội. Khi mà chúng ta còn cho một số chức vụ những địa vị thì chắc chắn vẫn còn có quan niệm về sự bất bình đẳng, và khoảng cách giữa những người có khả năng với những người không có sẽ chẳng thể nào nối liền được. Nếu chúng ta có thể tước bỏ địa vị của chức vụ thì cái cảm tưởng về bình đẳng thực sự mới có cơ hội xuất hiện. Muốn thế, phải có tình yêu thương, bởi vì chính tình thương yêu này sẽ phá tan cái quan niệm về kẻ hạ đẳng và người thượng cấp.
Trên thế giới, người ta phân biệt ra thành một phía là những người có - có của cải, có quyền lực, có khả năng, những người có đủ mọi thứ - và một phía là những người không có gì cả. Vậy thì chúng ta có thể nào xây dựng được một thế giới trong đó không tồn tại sự phân chia giữa "những người có" và "những người không có" chăng?
Thật sự thì chuyện đang xảy ra là, nhìn thấy cái lỗ hổng, cái hố sâu ngăn cách giữa người giầu và kẻ nghèo, giữa người đầy khả năng và kẻ có ít, hoặc không có chút khả năng nào, các nhà chính trị và kinh tế đang cố gắng giải quyết vấn đề qua sự cải tổ kinh tế và xã hội. Điều đó cũng có thể là tốt đấy. Tuy nhiên, một sự chuyển biến triệt để sẽ không thể xảy ra khi mà chúng ta còn chưa hiểu thấu toàn bộ quá trình thù nghịch, ganh tị, ác tâm; để mà thấy rằng chỉ khi nào cái quá trình này được cảm thông và chấm dứt, thì tình thương yêu mới có thể nẩy nở trong lòng chúng ta.


Krishnamurti – Life Ahead