Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

PHÁP NGỮ 9 - Thiền Sư Viên Minh





Tu Phật có ba trình độ: 


1) Sống đạo hay sống thuận pháp là cao nhất, nên gọi là Đạo Phật. Đây là thời kỳ Chánh pháp. 
2) Tôn giáo có tên là Phật Giáo lấy giáo lý của một trong những tông phái làm lý tưởng của mình. Đây là thời kỳ tượng pháp. 
3) Tín ngưỡng tuy tự xem là Phật giáo nhưng nặng hình thức đức tin dân gian mà nhiều khi đã trở thành mê tín. Đây là thời kỳ mạt pháp, chia ra rất nhiều nhánh ngọn mâu thuẫn nhau. 

* Trở về thực tại, thấy ra thực tánh pháp và sống thuận pháp tánh với tâm sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới) chính là trở về đầu nguồn của chánh pháp.





Trong thấy chỉ có thấy nghĩa là:


1) Đối với tâm thấy: không bị khái niệm, tư tưởng, quan niệm chủ quan (của cái ngã ý thức) che lấp, không bị thời gian tâm lý xen vào hoặc không bị tham sân si v.v... chi phối, nên tâm đủ sáng suốt định tĩnh trong lành hoặc rỗng rang lặng lẽ trong sáng để thấy thực tánh chân đế.
2) Đối với đối tượng: không bị lệ thuộc vào hình sắc bên ngoài (vì hình sắc hiện khởi do nhiều điều kiện khách quan xung quanh chứ không phải nó như chính nó là), đối tượng phải tự nhiên không do sắp đặt của người thấy, đối tượng là pháp thực tánh chân đế chứ không phải pháp chế định tục đế.
Đối với nghe, ngửi, nếm, xúc và biết cũng đều như vậy



Thấy Biết


"tánh biết" luôn hiện diện đàng sau tất cả mọi "tướng biết" dưới hình thức lý trí, tình cảm hoặc bản năng (tâm vô nhân), nhưng ít ai nhận ra dù khi tướng biết sinh diệt theo đối tượng thì tánh biết vẫn không sinh diệt. Khi nào không có cái tôi muốn biết xen vào mà tâm vẫn biết thì đó chính là tánh biết, thế mà chúng ta cứ tưởng khi nào "tôi biết" mới gọi là biết, đây chính là cái biết lý trí. Đúng là cứ biết rồi sẽ biết đâu là tánh biết đâu là tướng biết vậy. 


Dù là thấy tánh không hay tướng không thì cái không vẫn không khác, chỉ là khác trên bình diện tánh hay tướng mà thôi. Rốt ráo mà nói thì tánh không của tánh biết là trong sáng (giác ngộ) còn tánh không của pháp tánh là tịch tịnh (Niết-bàn).



Thái cực và vô cực


Thái cực và vô cực là một, nhưng thái cực là ứng ra mặt hữu, vô cực là thu về mặt vô (Nên Lão Tử nói, "Thường vô dĩ quan kỳ diệu, thường hữu dĩ quan kỳ kiếu".) Giống như tánh biết ứng ra thì trong lành, định tĩnh, sáng suốt đối với mọi pháp tướng, thu vào thì rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng trở về tánh không.



Nguyên lý "tùy duyên thuận pháp"


"Pháp đến đi như thế nào thấy như vậy" là tiêu chí của tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, nhưng do có nhiều căn cơ trình độ khác nhau, cũng như tùy mỗi tình huống sai biệt mà thầy chia ra nhiều ứng dụng để dễ thực hành thôi. Chia như vậy cũng chỉ gợi ý để hành giả dễ hiểu nhưng trong thực tế mỗi người phải biết uyển chuyển cho phù hợp với mình mà vẫn đúng với nguyên lý "tùy duyên thuận pháp" mới được. 


- Khi hữu sự, "thấy" cần có sự thận trọng, chú tâm, quan sát tự nhiên và vừa đủ cho tình huống đó. Nếu con thận trọng quá, chú tâm quá hoặc quan sát quá mức sẽ phản tác dụng, hoặc nếu thiếu 3 yếu tố này con sẽ không làm được việc.
- Khi vô sự, "thấy" không cần phải thận trọng, chú tâm, quan sát mà chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân tâm cảnh đang là. Khi đó bất kỳ thân, thọ, tâm hay pháp ở trạng thái sinh diệt như thế nào con đều thấy được mà không cần tập trung như con nói.
- Khi tâm ứng ra với toàn cảnh, đối tượng đến đi tự nhiên, không quan tâm một đối tượng nhất định, con không cần thận trọng, thận trọng, chú tâm, quan sát vẫn thấy biết tự nhiên, gần như vô tâm, thì "thấy" chỉ cần tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt là được.
- Khi tâm hoàn toàn buông xả, tự tại, thoải mái, hồn nhiên, không cần bất kỳ đối tượng nào, cũng không có bất kỳ dụng công hoặc dụng ý nào thì "thấy" trong tâm thái rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng mà đức Phật gọi là an trú tánh không.



Sự vận hành của pháp

Sự vận hành của pháp có hai loại: 
Sự vận hành tự nhiên theo chân đế là không sinh, không hữu, không tác, không thành. Sự vận hành do tư tác (cetanà) tức hành động có chủ ý theo tục đế mới gọi là sinh, hữu, tác, thành. Khi có sinh, hữu, tác, thành mà thấy bằng ý thức phán đoán thì cái thấy ấy cũng vẫn là sinh, hữu, tác, thành, còn thấy bằng tánh biết thì cái thấy ấy không sinh hữu tác thành.



Đừng gọi tên để phân biệt gì cả.

 Dùng những từ thân, thọ, tâm, pháp là để nói cho người nghe dễ nhận ra thôi. Không nên quá lệ thuộc vào ngôn ngữ để phân biệt, mà phải thấy ra trên thực tánh của những thực kiện ấy, thân như thế nào thấy như vậy, thọ như thế nào cảm nhận như vậy, tâm như thế nào biết như vậy, pháp như thế nào phát hiện như vậy. 

Cay, chua, nóng, lạnh... chỉ là vị giác, xúc giác, chúng có thể tạo ra cảm thọ chứ không phải là cảm thọ, khi nào những trạng thái này làm phát sinh khổ, lạc hoặc xả mới là thọ. Ngon dở là ý niệm chứ không phải cảm giác, nó có thể tạo ra cảm giác về tâm tức cảm xúc, chứ tự nó không phải là cảm thọ. Muốn ăn thêm cũng chưa hẳn là tham, muốn ăn thêm do nhu cầu tự nhiên thì chỉ là muốn hay cần (chanda) thôi chứ không tham (lobha). Do vậy, tốt nhất sự kiện hoặc trạng thái như thế nào thấy như vậy thôi đừng gọi tên để phân biệt gì cả.
Khi thấy các đối tượng thân, thọ, tâm riêng biệt thì gọi là minh sát thân, minh sát thọ, minh sát tâm, nhưng khi thấy thân, thọ, tâm thành một tiến trình diễn biến tương giao hay quan hệ với nhau thì đó là minh sát pháp. Thí dụ thấy ngũ uẩn, thấy sự tiếp xúc của 6 căn, 6 trần, thấy 5 triền cái, thấy 7 giác chi, thấy Bốn Sự Thật...



Giác ngộ

Giác ngộ là không mê lầm nhân quả. Người giác ngộ biết rõ nhân quả nên sống trong nhân quả mà không bị nhân quả trói buộc. Người mê không biết nhân quả, hoặc tưởng quả là nhân, tưởng nhân là quả, nên bị nhân quả làm cho điên đảo... mà tự mình ràng buộc và chuốc lấy khổ đau.




Có 4 trường hợp: Ngộ

1) Ngộ nhưng chưa giải thoát: Đó là trường hợp mới ngộ lý nhưng còn vướng sự, hoặc bậc Thánh hữu học còn chưa hết kiết sử.
2) Giác ngộ và giải thoát: Đó là tường hợp ngộ lý và sự dung thông viên mãn, như các bậc Alahán, Độc giác và Toàn giác.
3) Giải thoát nhưng chưa giác ngộ: Đó là trường hợp những vị đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới có thể thoát khỏi cảnh giới vật dục (dục giới) nhưng vẫn còn vô minh và tham ái. 
4) Giải thoát và giác ngộ: Đó là trường hợp tiến trình tâm của bậc Thánh, sau khi thoát khỏi sự trói buộc của kiết sửthì Đạo tuệ chứng ngộ Thánh quả. 



Vô Thường Vô Ngã

Không cần thiết phải hiểu rõ định nghĩa về vô thường, vô ngã qua kiến thức, cũng không cần biết vô thường, vô ngã thực chất như thế nào mà quan trọng là thái độ tâm có thanh tịnh sáng suốt khi thấy vô thường, vô ngã hay không.
Vô thường là sự biến đổi của mọi hiện tượng thân, tâm, cảnh thì ai cũng có thể hiểu được, nhất là các nhà khoa học vật lý và tâm lý, nhưngthái độ tâm có không động không sầu khi xúc chạm với những biến đổi vô thường mới là vấn đề chính yếu.
Cũng vậy, gán khái niệm "ta" hoặc "của ta" vào thực tại thân, tâm, cảnh chỉ là ảo tưởng, vì pháp tự nó không có khái niệm ngã nào. Hiểu vô ngã như vậy thì dễ, nhưng thái độ tâm có rỗng lặng trong sáng, không còn ảo tưởng "ta" và "của ta" mới thực là thái độ vô ngã.








Hình ảnh từ Facebook
http://www.trungtamhotong.org

Hiểu đúng chính là tu tập thực tế


 “Cái hiểu của chúng ta về Phật giáo không phải chỉ là cái hiểu lý trí. Hiểu đúng chính là tu tập thực tế.”
TINH THẦN THIỀN TRUYỀN THỐNG “Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, quí vị đang tạo nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ trên chiếc bồ đòn màu đen của quí vị.”
...Trước khi Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa, hầu hết tất cả những câu nói rất nổi tiếng của Thiền có sẵn đều được đem ra dùng. Chẳng hạn, có ngữ cú, “bỗng nhiên giác ngộ” (sudden enlightenment: đốn ngộ). “Bỗng nhiên giác ngộ” không phải là cách dịch thích đáng, nhưng tạm thời tôi sẽ dùng cách diễn đạt này. Giác ngộ đột nhiên đến với chúng ta. Đây là chân giác ngộ. Trước Bồ-đề Đạt-ma, người ta nghĩ rằng sau một thời gian dài chuẩn bị, đột nhiên giác ngộ sẽ đến. Như vậy, tu Thiền là một loại luyện tập để đạt giác ngộ. Thực tế, ngày nay nhiều người đang tu tập tọa thiền với ý niệm này. Nhưng đây không phải là cách hiểu Thiền truyền thống.

Cách hiểu từ Phật truyền xuống đến thời chúng ta là khi chúng bắt đầu tọa thiền, là có giác ngộ dù cho không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Dù quí vị có tu tập tọa thiền hay không, quí vị vẫn có Phật tánh. Bởi vì quí vị có nó, có giác ngộ trong sự tu tập của quí vị. Những điểm chúng tôi nhấn mạnh không phải là giai đoạn chúng ta đạt được, mà là niềm tin tưởng mãnh liệt chúng ta có vào bản tánh và sự chân thành tu tập của chúng ta. Chúng ta nên tu Thiền với lòng chân thành như Phật. Nếu xưa nay chúng ta có Phật tánh, lý do chúng ta tu tập tọa thiền là chúng ta phải hành xử như Phật. Truyền đạo của chúng ta là truyền tinh thần của chúng ta có từ Phật. Như thế phải hòa hợp tinh thần, tư thế của thân, và hoạt động của chúng ta với con đường truyền thống. Dĩ nhiên, quí vị có thể đạt đến một giai đoạn đặc biệt nào đó, nhưng tinh thần tu tập của quí vị không nên đặt căn bản trên ý niệm vị ngã.
Theo cách hiểu Phật giáo truyền thống, bản tánh con người của chúng ta không có ngã. Khi chúng ta không có ý niệm nào về ngã, chúng ta có cái thấy của Phật về cuộc đời. Những ý niệm vị ngã của chúng ta là mê hoặc, che lấp Phật tánh của chúng ta. Chúng ta luôn luôn tạo ra những ý niệm vị ngã và đi theo những ý niệm ấy. Và trong sự lặp đi lặp lại mãi quá trình này, đời sống của chúng ta bị những ý niệm vị ngã chiếm cứ hoàn toàn. Đây gọi là đời sống của nghiệp, hay nghiệp (karma). Đời sống của người Phật giáo không nên là đời sống của nghiệp. Mục đích tu tập của chúng ta là cắt đứt cái tâm nghiệp xoay chuyển. Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, đó là một phần của nghiệp, quí vị đang tạo ra nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ của mình trên cái bồ đoàn màu đen của quí vị. Theo kiến giải của Bô-đề Đạt-ma, sự tu tập đặt căn bản trên bất cứ ý niệm về được nào thì chỉ là sự lặp đi lặp lại nghiệp của mình. Quên điểm này, nhiều Thiền sư sau này đã nhấn mạnh một giai đoạn nào đó đạt được bằng tọa thiền.
Quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào quí vị sẽ đạt đến là lòng chân thành, sự nỗ lực đúng của quí vị. Nỗ lực đúng phải được đặt căn bản trên sự hiểu đúng về cách tu truyền thống của chúng ta. Khi hiểu điểm này, quí vị sẽ hiểu giữ đúng tư thế quan trọng như thế nào. Khi quí vị không hiểu điểm này, thì tư thế và cách thở chỉ có nghĩa là để đạt giác ngộ. Nếu đây là thái độ của quí vị, thì uống thứ thuốc nào đó còn tốt hơn là ngồi trong tư thế xếp chéo chân nhiều! Nếu sự tu tập của quí vị chỉ có nghĩa là đạt giác ngộ, thì thực tế không có cách nào đạt được nó! Chúng ta đánh mất ý nghĩa con đường đi đến mục đích. Nhưng khi chúng ta tin vào con đường của mình một cách kiên định, chúng ta đã đạt giác ngộ rồi. Khi quí vị tin vào con đường của mình, giác ngộ ở đó. Nhưng khi quí vị không thể tin vào ý nghĩa của pháp tu mà quí vị đang hành trì trong giây phút này, quí vị không thể làm được bất cứ điều gì. Quí vị chỉ đang lang thang loanh quanh mục đích với cái tâm khỉ. Quí vị luôn luôn đang tìm một cái gì đó mà không biết mình đang tìm cái gì. Nếu quí vị muốn thấy một cái gì đó, quí vị nên mở mắt ra. Khi quí vị không hiểu Thiền của Bồ-đè Đạt-ma, là quí vị đang nhìn một cái gì đó với đôi mắt nhắm. Chúng ta không xem nhẹ ý niệm đạt giác ngộ, nhưng cái quan trọng nhất là giây phút này, không phải là một ngày nào đó trong tương lai. Chúng ta phải nỗ lực trong giây phút này. Đây là điều quan trọng nhất trong sự tu tập của chúng ta.
Trước Bồ-đề Đạt-ma, sự học giáo lý của Phật kết quả trong triết lý sâu xa, cao vời về Phật giáo, và người ta cố gắng đạt những lý tưởng cao xa của nó. Đây là một sai lầm. Bồ-đề Đạt-ma khám phá ra rằng tạo ra một ý niệm cao vời hay thâm sâu nào đó, rồi cố gắng đạt nó bằng tu tập tọa thiền là một sai lầm. Nếu đó là sự tọa thiền của chúng ta, thì nó không khác gì với hoạt động thông thường, hay cái tâm khỉ của chúng ta. Nó có vẻ giống như một hoạt động rất tốt, rất cao vời, và thánh thiện, nhưng thực tế không có sự khác biệt giữa nó và cái tâm khỉ của chúng ta. Đó là điểm Bồ-đề Đạt-ma nhấn mạnh.
Trước khi Phật đạt giác ngộ, ngài tạo ra tất cả mọi nỗ lực khả hữu đối với chúng ta, và cuối cùng ngài đạt được cái hiểu toàn triệt về tất cả những con đường khác nhau. Quí vị có thể nghĩ Phật đã đạt được một giai đoạn nào đó mà ngài tự tại đời sống nghiệp, nhưng không phải thế. Nhiều câu chuyện do Phật kể về những kinh nghiệm của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ. Ngài không có gì khác với chúng ta. Khi quê hương của ngài có chiến tranh với láng giềng hùng mạnh, ngài kể với các đệ tử về nghiệp của ngài, ngài đau khổ như thế nào khi ngài nhìn thấy xứ sở đang bị vua láng giềng chinh phục. Nếu ngài là một người nào đó đã đạt được giác ngộ không có nghiệp, thì sẽ không có lý do gì để ngài đau khổ như thế. Và ngay cả sau khi ngài đã đạt được giác ngộ, ngài vẫn tiếp tục nỗ lực như chúng ta đang nỗ lực. Nhưng cái nhìn của ngài về cuộc đời không lay chuyển. Cái nhìn của ngài về cuộc đời vẫn ổn định, và ngài nhìn đời sống của mọi người, kể cả đời sống của riêng ngài. Ngài nhìn chính mình, và nhìn những người khác với cùng đôi mắt mà ngài nhìn đá và cây, hay bất cứ vật gì khác. Ngài có sự hiểu biết rất khoa học. Đó là cách sống của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ.
Khi chúng ta có tinh thần truyền thống đi theo chân lý như nó vận hành, và tu tập cách của mình mà không có bất cứ ý niệm vị ngã nào, thì chúng ta sẽ đạt giác ngộ theo chân nghĩa của nó. Và khi hiểu điểm này, chúng ta sẽ tạo nỗ lực tốt nhất trong mỗi giây phút. Đó là hiểu đúng Phật giáo. Như thế cái hiểu Phật giáo của chúng ta không phải chỉ là cái hiểu có tính cách lý trí. Cái hiểu ấy đồng thời là sự biểu hiện của riêng nó, là chính sự tu tập. Không phải bằng đọc hay chiêm nghiệm triết lý, mà chỉ bằng tu tập, tu tập thực tế, chúng ta có thể hiểu Phật giáo là gì. Chúng ta nên tu tập tọa thiền một cách kiên định, với lòng tin tưởng mãnh liệt vào chân tánh của chúng ta, phá vỡ sợi xích hành vi nghiệp và tìm ra chỗ của mình trong thế giới tu tập thực tế.

VÔ THƯỜNG “Chúng ta nên tìm sự hiện hữu toàn hảo qua sự hiện hữu không toàn hảo.”
Giáo lý căn bản của Phật giáo là giáo lý vô thường, hay sự thay đổi. Rằng mọi vật thay đổi là sự thật căn bản đối với mỗi hiện hữu. Không ai có thể phủ nhận sự thật này, và tất cả giáo lý Phật giáo được cô đọng trong giáo lý này. Đây là giáo lý cho tất cả chúng ta. Bất cứ chúng ta đi đâu, giáo lý này cũng đúng. Giáo này cũng được hiểu như là giáo lý vô ngã. Bởi vì mỗi hiện hữu đều ở trong sự thay đổi liên tục, không có ngã thường trụ. Sự thực, tự tánh của mỗi hiện hữu chỉ là chính sự thay đổi, tự tánh của toàn bộ hiện hữu. Không có một tự tánh đặc biệt, riêng rẽ cho mỗi hiện hữu. Giáo lý này cũng được gọi là giáo là giáo lý Niết-bàn. Khi chúng ta nhận ra chân lý trường tồn “mọi vật thay đổi” và tìm thấy an tĩnh nơi nó, chúng ta thấy mình ở Niết-bàn.
Không chấp nhận sự kiện mọi sự vật thay đổi, chúng ta không thể có được sự bình an toàn hảo. Nhưng không may, dù đó là sự thật, khó cho chúng ta chấp nhận nó. Bởi vì chúng ta không thể chấp nhận chân lý vô thường, chúng ta đau khổ. Vì thế nguyên nhân của đau khổ là chúng ta không chấp nhận sự thật này. Giáo lý về nguyên nhân của đau khổ và giáo lý mọi sự vật thay đổi như thế là hai mặt của một đồng xu. Nhưng một cách chủ quan, vô thường là nguyên nhân đau khổ của chúng ta. Một cách khách quan, giáo lý này một cách đơn giản là sự thật căn bản rằng mọi sự vật thay đổi. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Giáo lý không có vẻ như nó đang cưỡng ép ông chấp nhận một điều gì đó thì không phải là chân giáo lý.” Giáo lý tự nó đúng, và trong tự thể nó không cưỡng ép chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì, nhưng bởi vì xu hướng con người của chúng ta mà chúng ta nhận giáo lý như là một cái gì đó bắt buộc chúng ta phải chấp nhận. Nhưng dù chúng ta có cảm thấy tốt hay xấu về nó, chân lý này thực sự hiện hữu. Nếu không có gì hiện hữu, chân lý này không hiện hữu. Phật giáo hiện hữu bởi vì mỗi hiện hữu riêng rẽ.
Chúng ta nên tìm sự hiện hữu toàn hảo qua sự hiện hữu không toàn hảo. Chúng ta nên tìm sự toàn hảo trong sự không toàn hảo. Đối với chúng ta, sự toàn hảo không khác với sự không toàn hảo. Vĩnh cửu hiện hữu bởi vì hiện hữu không vĩnh cửu. Trong Phật giáo, mong đợi một cái gì đó ở bên ngoài thế giới này là một quan điểm ngoại đạo. Chúng ta không tìm kiếm một cái gì đó ngoài chính mình. Chúng ta nên tìm thấy chân lý trong thế giới này, qua những khó khăn, qua sự đau khổ của chúng ta. Khoái lạc không khác với khó khăn. Tốt không khác với xấu. Xấu là tốt, tốt là xấu. Chúng là hai mặt của một đồng xu. Vì thế giác ngộ ở trong tu tập. Đó là hiểu đúng về tu tập, và hiểu đúng về cuộc đời của chúng ta. Như thế, tìm khoái lạc trong đau khổ là cách duy nhất để chấp nhận chân lý vô thường. Không nhận ra chân lý này quí vị không thể sống trong thế gian này. Dù cho quí vị cố gắng chạy trốn nó, nỗ lực của quí vị sẽ vô ích. Nếu quí vị nghĩ có một cách khác nào đó để chấp nhận chân lý vĩnh cửu về mọi sự vật thay đổi, đó là sự mê hoặc của quí vị. Đây là giáo lý căn bản về làm cách nào sống trong thế gian này. Dù quí vị cảm thấy nó thế nào, quí vị phải chấp nhận nó. Quí vị phải tạo ra loại nỗ lực này.
Như vậy, cho đến khi chúng ta trở nên đủ mạnh để chấp nhận khó khăn là khoái lạc, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực này. Thực tế, nếu quí vị trở nên đủ lương thiện, hay đủ thẳng thắn, thì chấp nhận chân lý này không khó. Quí vị có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình một chút. Điều này khó, nhưng cái khó này sẽ không luôn luôn giống nhau. Đôi khi nó sẽ khó, và đôi khi nó sẽ không khó như vậy. Nếu quí vị đang đau khổ, quí vị sẽ có một khoái lạc nào đó trong giáo lý mọi sự vật thay đổi. Khi quí vị phiền não, rất dễ chấp nhận giáo lý này. Vậy tại sao không chấp nhận nó vào những lúc khác? Nó cùng là một vật. Đôi khi quí vị có thể tự cười mình, khám phá ra mình ích kỷ như thế nào. Nhưng bất chấp quí vị cảm thấy như thế nào về giáo lý này, đối với quí vị sự thay đổi cách suy nghĩ của mình và chấp nhận chân lý vô thường rất là quan trọng.

PHẨM TÍNH CỦA HIỆN THỂ
“Khi làm một việc gì, nếu quí vị định tâm vào hoạt động ấy với lòng tin tưởng, phẩm tính tâm thái của quí vị chính là hoạt động ấy. Khi tập trung vào phẩm tính hiện thể của mình, quí vị đã được chuẩn bị cho hoạt động ấy.”
Mục đích của tọa thiền là để đạt sự tự do của hiện thể, về các mặt thân và tâm. Theo Thiền sư Đạo Nguyên, mọi hiện hữu là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Mỗi hiện hữu là một biểu hiện khác về phẩm tính của chính hiện thể. Tôi thường thấy nhiều ngôi sao vào lúc sáng sớm. Những ngôi sao ấy chỉ là ánh sáng du hành với tốc độ vĩ đại nhiều dặm từ các thiên thể. Nhưng đối với tôi các ngôi sao ấy không phải là những hiện thể có tốc độ nhanh, nhưng là những hiện thể trầm tĩnh, vững vàng, và bình yên. Chúng ta nói, “Trong tĩnh có động; trong động có tĩnh.” Thực tế, chúng là một; nói “tĩnh” hay nói “động” cũng chỉ là cách diễn đạt hai sự giải thích khác nhau về một sự kiện. Có sự hòa hợp trong hành vi chúng ta, và ở đâu có hòa hợp ở đó có yên tĩnh. Sự hòa hợp này là phẩm tính của hiện thể. Nhưng phẩm tính của hiện thể cũng chỉ là hoạt động có tốc độ nhanh của nó.
Khi chúng ta ngồi chúng ta cảm thấy rất yên tĩnh và trầm lắng, nhưng thực tế chúng ta không biết loại hoạt động nào đang xảy ra bên trong hiện thể của mình. Có sự hòa hợp hoàn toàn trong sự hoạt động của hệ thống vật lý của chúng ta, vì thế chúng ta cảm thấy yên tĩnh trong đó. Dù cho chúng ta không cảm thấy như thế, nó vẫn ở đó. Vì thế đối với chúng ta, không cần phải phiền vì tĩnh hay động. Khi làm một điều gì đó, nếu quí vị định tâm vào hoạt độngấy với sự tin tưởng nào đó, thì phẩm tính tâm trạng của quí vị chính là hoạt động ấy. Khi quí vị tập trung vào phẩm tính hiện thể của mình, quí vị đã sẵn sàng cho hoạt động ấy. Chuyển động chỉ là phẩm tính của hiện thể chúng ta. Khi chúng ta tọa thiền, phẩm tính cái ngồi bình yên, vững vàng, và tĩnh lặng của chúng ta là phẩm tính của hoạt động vô cùng lớn của chính hiện thể.
“Mọi vật chỉ là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông” có nghĩa là sự tự do của hoạt động và củahiện thể chúng ta. Nếu quí vị ngồi đúng cách, với sự hiểu đúng, quí vị sẽ đạt được tự do của hiện thể mình, dù cho quí vị chỉ là một hiện hữu nhất thời. Trong giây phút này, sự hiện hữu nhất thời này không thay đổi, không chuyển động, và luôn luôn độc lập với các hiện hữu khác. Trong giây phút kế, một hiện hữu khác phát sinh; chúng ta có thể biến thành một vật gì khác. Nói một cách nghiêm túc, không có sự nối kết nào giữa tôi hôm qua và tôi trong giây phút này; không có bất cứ sự nối kết nào cả. Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Than không trở thành tro.” Tro là tro,nó không thuộc về than. Nó có quá khứ và tương lai riêng của nó. Nó là một hiện hữu độc lập bởi vì nó là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Than và lửa đỏ nóng là những hiện hữu hoàn toàn khác nhau. Than đen cũng là một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông. Nơi nào có than đen, nơi đó không có than hồng nóng. Vì thế than đen độc lập với than hồng nóng; tro độc lập với củi; mỗi hiện hữu đều độc lập.
Hôm nay tôi đang ngồi ở Los Altos. Sáng mai tôi sẽ ở San Francisco. Không có sự nối kết nào giữa “tôi” ở Los Altos và “tôi” ở San Francisco. Đó là những hiện thể khác nhau. Ở đây chúng có sự tự do hiện hữu. Và không có một phẩm tính nào nối kết anh và tôi; khi tôi nói “anh,” không có “tôi”; khi tôi nói “tôi,” không có “anh.” Anh độc lập, và tôi độc lập; mỗi người hiện hữu trong một giây phút khác nhau. Nhưng đây không có nghĩa là chúng ta là những hiện thể hoàn toàn khác biệt. Thực tế chúng ta là một và cùng một hiện thể. Chúng ta giống nhau, nhưng khác nhau. Rất nghịch lý, nhưng thực tế là như vậy. Bởi vì chúng ta là những hiện thể độc lập, mỗi người trong chúng ta là một ánh chớp đầy đủ vào thể giới hiện tượng mênh mông. Khi tôi đang ngồi, chẳng có người nào khác, nhưng đây không có nghĩa là tôi làm ngơ anh. Tôi hoàn toàn là một với mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Vì thế khitôi ngồi, anh ngồi; mọi vật ngồi với tôi. Đó là phép tọa thiền của chúng ta. Khi anh ngồi, mọi vật ngồi với anh. Và mọi vật tạo nên phẩm tính hiện thể của anh. Tôi là phần của anh. Tôi đi vào phẩm tính hiện thể của anh. Như vậy trong pháp tu này chúng ta có sự giải thoát tuyệt đối với mọi sự vật khác. Nếu quí vị hiểu bí mật này, thì không có sự khác nhau nào giữa tu Thiền và đời sống hằng ngày của quí vị. Quí vị có thể giải thích mọi sự vật theo ý muốn.
Một bức tranh kỳ diệu là kết quả cảm giác nơi các ngón tay của quí vị. Nếu quí vị có cảm giác về độ dày của mực nơi cây cọ, bức tranh đã ở đó trước khi quí vị vẽ. Khi quí vị nhúng cọ vào mực quí vị đã biết kết quả của bức tranh, hoặc quí vị không thể vẽ được. Như thế trước khi làm điều gì, “hiện thể” đã ở đó, kết quả đã ở đó. Dù cho quí vị trông có vẻ như mình đang ngồi yên, tất cả hoạt động của quí vị, quá khứ và hiện tại, đã được bao gồm; và kết quả ngồi của quí vị cũng đã ở đó. Quí vị chẳng yên nghỉ gì cả. Tất cả hoạt động bao gồm bên trong quí vị. Đó là hiện thể của quí vị. Như vậy tất cả kết quả tu tập của quí vị bao gồm trong sự ngồi. Đây là cách tu, cách tọa thiền của chúng ta,
Thiền sư Đạo Nguyên đã trở nên thích Phật giáo khi còn là một cậu bé khi sư nhìn khói từ cây nhang đốt bên thi hài của mẹ sư, và sư cảm thấy cuộc đời của chúng ta rất chóng tàn. Cảm giác này lớn lên trong sư và cuối cùng kết quả trong sự đạt giác ngộ và sự phát triển triết lý thâm sâu của sư. Khi sư nhìn thấy khói nhang và cảm thấy cuộc đời chóng tàn, sư cảm thấy rất cô đơn. Nhưng cảm giác cô đơn ấy ngày càng trở nên mãnh liệt hơn, và nở hoa trong giác ngộ khi sư hai mươi tám tuổi. Và vào phút giây giác ngộ sư cảm thán, “Không có thân và khôngcó tâm!” Khi sư nói, “không thân và không tâm,” tất cả hiện thể của sư vào lúc ấy trở thành một ánh chớp vào thế giới hiện tượng mênh mông, một ánh chớp bao gồm cả mọi sự vật, bao phủ mọi sự vật, và trong nó có phẩm tính vô cùng lớn; tất cả thế giới hiện tượng bao gồm trong nó, một hiện hữu tuyệt đối độc lập. Đó là giác ngộ của sư.Bắt đầu từ cảm giác cô đơn về sự chóng tàn của cuộc đời, sư đã đạt được kinh nghiệm về phẩm tính hùng mạnh của hiện thể mình. Sư nói, “Tôi đã buông bỏ thân tâm.” Bởi vì quí vị nghĩ mình có thân hay tâm, quí vị có cảm giác cô đơn, nhưng khi quí vị nhận ra rằng mọi sự vật chỉ là một ánh chớp vào vũ trụ mênh mông, quí vị trở nên rấtmạnh mẽ, và sự hiện hữu của quí vị trở nên rất có ý nghĩa. Đây là sự giác ngộ của Đạo Nguyên, và đây là sự tu tập của chúng ta.

TỰ NHIÊN “Từ giây phút này đến giây phút khác, mỗi mỗi đều hiện ra từ chơn không. Đây là niềm vui chân thực của cuộc sống."
Có sự hiểu lầm lớn về ý niệm tự nhiên. Đa số những người đến
với chúng tôi tin vào một sự tự do hay tự nhiên nào đó, nhưng chúng tôi gọi cái hiểu của họ là cái thấy tự nhiên của ngoại đạo (jinen ken gedo). Cái thấy tự nhiên của ngoại đạo có nghĩa là không cần phải có hình tướng – chỉ là một loại “xử sự để yên” hay sự tùy tiện. Đó là tự nhiên đối với đa số người. Nhưng đó không phải là tự nhiên mà chúng tôi muốn nói. Nó hơi khó giải thích, nhưng tôi nghĩ tự nhiên là một cảm giác nào đó độc lập với mọi sự vật, hay một hoạt động nào đó đặt căn bản trên không (nothingness). Một cái gì đó hiện ra từ không là tự nhiên, như một hạt giống hay một cái cây hiện ra từ mặt đất. Hạt giống không có ý niệm nào về là một cái cây đặc biệt nào đó, nhưng nó có hình tướng riêng và hòa hợp toàn hảo với mặt đất, với những gì chung quanh. Khi nó lớn lên, theo dòng thời gian nó biểu hiện bản tánh của nó. Không gì hiện hữu mà không có hình tướng và màu sắc. Bất cứ nó là gì, nó có hình tướng và màu sắc nào đó, và hình tướng và màu sắc đó ở trong sự hòa hợp toàn hảo với những hiện thể khác. Và không có sự phiền não nào. Đó là cái mà chúng tôi muốn nói bằng chữ tự nhiên.
Đối với một cái cây hay một hòn đá thì tự nhiên chẳng có vấn đề gì. Nhưng đối với chúng ta thì có vấn đề nào đó, quả thật một vấn đề lớn. Tự nhiên là một cái gì đó chúng ta phải làm việc với nó. Khi quí vị làm điều gì mà nó chỉ đến từ chơn không, quí vị có một cảm giác hoàn toàn mới. Chẳng hạn, khi quí vị đói, ăn một món gì đó là tự nhiên. Quí vị cảm thấy tự nhiên. Nhưng khi quí vị đang mong đợi quá nhiều, để có một món ăn nào đó thì không tự nhiên. Quí vị không có cảm giác tự nhiên. Quí vị không có sự ngon miệng đối với thức ăn đó.
Tu tập tọa thiền đúng là ngồi như uống nước khi quí vị khát. Ở đó quí vị có sự tự nhiên. Khi buồn ngủ quí vị ngủ một giấc ngắn, là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng ngủ một giấc ngắn chỉ vì lười biếng, xem đó như là đặc quyền của con người, thì không phải là tự nhiên. Quí vị nghĩ, “Các bạn của tôi, tất cả bọn họ, đang ngủ trưa; tại sao tôi lại không? Khi mọi người khác không làm việc, tại sao tôi phải làm việc rất cực nhọc? Khi họ có rất nhiều tiền, tại sao tôi không có?” Đây không phải là tự nhiên. Tâm của quí vị bị vướng mắc vào một ý niệm khác, ý niệm của ai khác, và quí vị không độc lập, không phải là chính mình, và không tự nhiên. Quí vị không phải tự ép mình uống nước khi quí vị khát; quí vị vui mừng uống nước. Nếu quí vị có niềm vui chân thật trong tọa thiền, đó là tọa thiền đúng. Nhưng dù cho quí vị phải ép mình tu tập tọa thiền, nếu quí vị cảm thấy điều gì tốt trong tu tập, đó là tọa thiền. Thực ra có ép mình làm một điều gì hay không chẳng phải là vấn đề. Dù cho quí vị có sự khó khăn nào đó, khi quí vị muốn có nó, đó là tự nhiên.
Tính tự nhiên này rất khó giải thích. Nhưng nếu quí vị có thể ngồi và kinh nghiệm tính thực tế của không (nothingness) trong tu tập của mình, thì chẳng cần giải thích. Nếu là đến từ không, bất cứ điều gì quí vị làm đều là tự nhiên, và đó là chân hoạt động. Nếu quí vị có niềm vui chân thực của tu tập, thì niềm vui sống chân thực có trong đó. Mỗi mỗi đến từ không từ giây phút này đến giây phút khác. Từng giây phút chúng ta có niềm vui sống chân thực. Vì thế chúng tôi nói shin ku myo u, “chơn không diệu hữu” là “từ chơn không, diệu hữu hiện ra” (from true emptiness, wondrous being appears). Shin là chơn, ku là không, myo là diệu, u là hữu: từ chơn không, có diệu hữu.
Không có không (nothingness), không có tự nhiên – không có hiện thể chân thật. Hiện thể chân thật đến từ không, từ giây phút này đến giây phút khác. Không luôn luôn ở đó, và mọi sự vật xuất hiện từ không. Nhưng thông thường, khi lãng quên toàn bộ không, quí vị hành xử như mình có một cái gì đó. Những gì quí vị làm đều đặt căn bản trên ý niệm sở hữu hay một ý niệm cụ thể nào đó, và đó không phải là tự nhiên. Chẳng hạn, khi lắng nghe thuyết giảng, quí vị không nên có bất cứ ý nghĩ nào về chính mình. Quí vị không nên có ý niệm riêng của mình khi quí vị lắng nghe ai đó. Hãy quên những gì quí vị có trong tâm mình và chỉ lắng nghe những gì người ấy nói. Không có gì trong tâm mình là tự nhiên. Rồi quí vị sẽ hiếu người ấy nói gì. Nhưng nếu quí vị có một ý niệm nào đó để so sánh với những gì người ấy nói, quí vị sẽ không nghe tất cả mọi điều; quí vị sẽ hiểu phiến diện; đó không phải là tự nhiên. Khi quí vị làm một điều gì đó, quí vị nên toàn tâm với nó. Quí vị nên hiến mình cho nó một cách trọn vẹn. Rồi quí vị không có gì cả. Vì vậy, nếu trong hoạt động của mình không có không (nothingness), nó không tự nhiên.
Đa số người ta khăng khăng bám vào một ý niệm nào đó. Gần đây thế hệ trẻ nói về tình yêu. Tình yêu! Tình yêu! Tình yêu! Tâm họ đầy tình yêu! Và khi họ học Thiền, nếu tôi nói điều gì không hợp với ý niệm của họ về tình yêu, họ sẽ không chấp nhận nó. Quí vị biết đó, họ rất bướng bỉnh. Quí vị có thể kinh ngạc! Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng một số người có thái độ rất cứng cỏi. Đó không phải tự nhiên gì cả. Dù họ nói về tình yêu, và tự do hay tự nhiên, họ không hiểu những điều này. Và họ không thể hiểu Thiền theo cách đó. Nếu quí vị muốn học Thiền, quí vị nên quên hết tất cả những ý niệm có trước và chỉ thực hành tọa thiền và thấy loại kinh nghiệm quí vị có trong thực hành. Đó là tự nhiên.
Quí vị làm bất cứ điều gì, thái độ này cần thiết. Đôi khi chúng tôi nói nyu nan shin. Nyu là nhu, nan là nhuyễn,shin là tâm. Nhu nhuyễn tâm có nghĩa là tâm uyển chuyển, tự nhiên. Khi quí vị có cái tâm đó, quí vị có niềm vui cuộc sống. Khi quí vị mất nó, quí vị mất mọi thứ. Quí vị không có gì cả. Mặc dù quí vị nghĩ mình có cái gì đó, quí vị chẳng có gì. Nhưng khi tất cả những gì quí vị làm đến từ không, khi ấy quí vị có tất cả. Quí vị hiểu không? Đó là những gì chúng tôi muốn nói bằng chữ tự nhiên.

Trích: PHẦN BA
HIỂU ĐÚNG
SHUNRYU SUZUKI
Đỗ Đình Đồng dịch
TÂM THIỀN, TÂM BAN SƠ
Những bài Tiểu tham về Thiền định và Tu tập của Shunryu Suzuki
Nguyên tác: Zen Mind, Beginner’s Mind
Tác giả: Shunryu Suzuki

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Ngắm nhìn tĩnh tại thôi

Chúng ta thường nghe nói rằng chữ tu có nghĩa là sửa. Tu tập có nghĩa là ta sửa đổi để mình có thể được trở nên tốt đẹp hơn, sống an vui và hạnh phúc hơn. Nhưng vấn đề “sửa đổi” ấy cũng không dễ hiểu và đơn giản như chúng ta vẫn tưởng. Vì thế nào là sửa đổi, mà thật ra ta có thể thay đổi được những gì?
Đừng tự lừa phỉnh mình
Jules Shuzen Harris là một nhà phân tâm học và cũng là một giáo thọ thuộc truyền thống Thiền Tào Động Nhật bản. Ông Shuzen Harris có chia sẻ với học trò mình một bài nói chuyện với tựa đề là “Đừng tự lừa phỉnh mình.”
    “Sự tu tập của bạn sẽ không làm thay đổi gì được thế giới này. Nếu bạn chịu cố gắng lắm thì hy vọng rằng nó sẽ tạo được một vết hằn nho nhỏ nào đó ở nơi bạn mà thôi.
    Người mà duy nhất bạn có thể thay đổi chính là người đang ngồi đó trên tọa cụ.
Bạn không thể nào thay đổi được tôi. Bạn không thể nào thay đổi được chồng hay vợ của mình, và cũng không sửa đổi gì được những đứa con, mặc dù bạn sẽ vẫn cứ tiếp tục cố gắng. Ta không thể thay đổi được bất cứ một việc gì. Ta chống đối điều ấy. Tôi biết điều đó rất khó chấp nhận, nhưng nó cần thiết nếu như bạn muốn mình được thật sự tự do.
    Đạo Phật không chú trọng về khổ đau mà là sự an vui. Nhưng làm sao ta có thể thật sự an vui nếu như mình cứ chạy loanh quanh muốn thế giới chung quanh phải thay đổi, chỉ vì chúng ta cảm thấy khó chịu và bất an? Tu tập không phải là để ta đi tìm kiếm một sự an ổn và chắc chắn nào hết.
    Nếu như trong lúc này bạn muốn được tự do và giải thoát, thì ngay ở đây chính là nơi mà bạn có thể học được điều ấy. Nhưng bạn sẽ không thể nào thật sự có tự do, trừ khi bạn nhìn lại tất cả mọi khía cạnh của mình một cách trọn vẹn, và đối diện với nó. Sự tu tập chỉ là như vậy thôi.”
Không phải là sửa đổi hay chấp nhận
Đó có phải là một nhận xét bi quan và tiêu cực lắm không bạn? Thật ra tôi nghĩ, có lẽ điều ấy cũng là một sự thật.
Cuộc sống bao giờ cũng biến đổi, dù có sự can dự và mong muốn của mình hay không. Vấn đề là ta lại muốn sửa đổi nó theo ý riêng của mình, có thể vì ta nghĩ rằng đó là chân thật, là hay và đẹp. Nhưng phần lớn những cố gắng muốn sửa đổi của ta là dựa trên một sự tham ái hay ghét bỏ nào đó. Và vì vậy mà dầu ta có sửa đổi được gì đi chăng nữa, chúng cũng sẽ chỉ mang đến cho ta một sự an vui tạm thời nào đó mà thôi.
    Nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là ta hãy chấp nhận và không làm gì hết, mà là ta có thấy rõ được nó không? Vì nếu như ta không thấy được rằng nó phát khởi từ một sự tạo tác do những tham ái và mong cầu, thì cho dù có thể là hay là đẹp lúc đầu, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ mang lại cho ta một sự bất an khác.
    Tôi nhớ câu chuyện về đức Phật sau khi thành đạo dưới cội bồ đề. Trong kinh kể lại, Phật đã do dự trước khi Ngài quyết định trở lại với xã hội con người. Có lời giải thích rằng, sở dĩ đức Phật do dự là vì Ngài thấy rõ mỗi chúng sinh đều đang sống theo đúng luật nhân quả của họ, không ai có thể làm gì được, và dưới con mắt tuệ giác của Phật thì mọi việc tự nó đã là hoàn hảo rồi. Điều đức Phật chỉ có thể làm là khai thị, chỉ cho chúng ta thấy được con đường để tự mình giải thoát và đi đến tự do.
Khói lam về nơi nao
Vương Duy là một nhà thơ đời Đường. Ông còn được gọi là nhà Thi Phật, vì các bài thơ ông viết đều mang những sắc màu thanh cao, trong sáng và nhiều thiền vị. Ông có làm một bài thơ ghi lại cảnh chiều về trên vùng núi Võng Xuyên nơi ông ở.
Thu sơn liễm dư chiếu,
Phi điểu trục tiền doanh.
Phỉ thuý thời phân minh,
Tịch lam vô xứ sở.
Núi thu vương nắng chiều
Chim bay lượn theo nhau
Cỏ xanh sáng màu tím
Khói lam về nơi nao
    Mỗi câu trong bài thơ là một bức tranh, ghi lại những khoảnh khắc linh động, mà cũng biến đổi nhanh. Núi rừng mùa thu giữ lại chút vạt nắng chiều còn vương vấn trong cây lá. Những con chim nhỏ bay theo nhau trong không gian chiều tà. Màu cỏ cây xanh chợt đổi thành tím biếc theo ánh nắng hoàng hôn sắp tắt. Và rồi đâu đó, làn khói lam chiều lãng đãng vương vấn không có nơi nào cư trú.
    Bài thơ là một bức tranh đơn sơ, giản dị, mà tác giả không cần thêm vào sự giải thích hay phê bình nào. Và cũng nhờ tác giả không thêm bớt gì, chỉ ghi lại như nó là, mà ngàn năm sau ngồi đây đọc lại, chúng ta cảm thấy như mình vẫn có thể tiếp chạm được với những hình ảnh và màu sắc linh động ấy.
Bụi đừng xoa, đừng phủi
Tôi nghĩ, mỗi câu thơ gợi lên trong mỗi chúng ta một hình ảnh riêng, chắc rằng không ai giống nhau, nhưng tất cả đều chân thật như nhau. Tịch lam vô xứ sở.  Như những làn sương khói, cuộc sống tuy luôn biến đổi, đến rồi đi, mà mỗi lúc vẫn là vẹn toàn.
    Có lẽ sự tu tập của ta cũng như thế, giữ cho cái nhìn của mình được đơn sơ, tĩnh tại và hồn nhiên. Và vì sự tĩnh tại hồn nhiên ấy không phải là một phương pháp đặc biệt nào để ta rèn luyện, sửa đổi hay thành đạt, nên nó không có sự đúng hay sai, thành công hay thất bại. 
Nó chính là sống thật với mình, có mặt với những kinh nghiệm nào đang có mặt nơi ta, đang xảy ra trong thân tâm ở giây phút này. Và như ông Jules Shuzen Harris chia sẻ, “Bạn sẽ không thể nào thật sự có tự do, trừ khi bạn nhìn lại tất cả mọi khía cạnh của mình một cách trọn vẹn, và đối diện với nó.”
    Mấy tháng trước tôi có dip được gặp Sư Giới Đức. Sư có viết tặng mấy câu thơ:
Bụi đừng xoa, đừng phủi
ngắm nhìn tĩnh tại thôi
Gió lao xao khóm trúc
mất tích tận cuối vời
    Sự tu tập không phải là để ta được trở thành một cái gì đó hay đẹp hơn, hoặc có hạnh phúc hơn, mà là để ta trở lại với sự toàn vẹn sẵn có. Trong một cuộc sống lăng xăng và tạo tác, chúng ta thường quen xem trọng cái làm hơn là cái thấy.
    Bạn biết không, thật ra không phải là ta đừng bao giờ cần xoa hay phủi, hay sửa đổi, mà vấn đề trước hết là mình có thể lắng nghe và ngắm nhìn nó cho được tĩnh tại không. Thấy rõ rồi thì nhiều khi vấn đề sẽ tự nó chỉnh sửa lại tự nhiên thôi... Và nếu như có một sự tu tập nào đó, thì có lẽ chỉ là như vậy thôi, phải thế không bạn!
Nguyễn Duy Nhiên

Tu tập Bát Chánh Đạo

... Thiền minh sát (vipassanā) bao giờ cũng gồm định và tuệ; và khi thực hành thì chánh niệm mang chức năng của định và tỉnh giác mang chức năng tuệ. Vậy, trong tất cả các trường hợp khi đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, lái xe, làm việc tại công sở... hành giả minh sát phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác. Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là chánh niệm, tỉnh giác không phải hai trạng thái tâm trí tách biệt, định tuệ tách biệt. Nó là nhất như đấy!
Ví dụ: Sư Minh đang ngồi như thế kia, đang trong tình trạng chánh niệm, tỉnh giác – thì thầy quăng cho sư ấy một trái cam. Sư ấy chụp bắt được liền. Vậy thì sư ấy lấy chánh niệm mà bắt hay lấy tỉnh giác mà bắt? Rõ ràng, chánh niệm thì chỉ mới chú tâm còn chánh kiến mới thấy rõ. Quan sát qua vĩ mô thì có hai, nhưng quan sát qua vi mô thì dường như chúng đồng hiện hữu tức thời, là một. Rộng sâu hơn chút nữa, là ngay khi bắt dính trái cam thì toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần kinh... nó hoạt động đồng nhất để bắt trái cam ấy!
Lấy ví dụ ấy để áp dụng cho mọi loại công việc lúc thực hành minh sát. Nếu công việc chậm thì chánh niệm tỉnh giác ghi nhận chậm, từng đối tượng đi qua đi qua, ta cứ thanh thản ghi nhận. Cứ thanh thản từng niệm thế thôi chứ không cần phải phân biệt đâu chánh niệm, đâu tỉnh giác. Chính sát-na ghi nhận đối tượng như vậy là ta đã có đủ chánh niệm, tỉnh giác rồi.
Lúc các sư chuyền gạch, chuyền ngói từ vị trí nầy sang vị trí kia, từ thấp lên cao... thì chỉ cần chú tâm“nhận”, “chuyền”... là công việc tiếp diễn liên tục – vì ngay khi chú tâm để nhận, để chuyền là có cả chánh niệm, tỉnh giác rồi.
Trở lại với câu hỏi làm nhanh. Thì cũng tương tự thế thôi. Chậm cũng chú tâm, nhanh cũng chú tâm. Chỉ cần chú tâm là đủ. Ông bạn kia làm việc nhanh nhưng có lẽ không nguy hiểm bằng đi xiếc trên dây, không bằng lái xe đua tốc độ. Họ có trạng thái chú tâm cực đỉnh cả đấy. Phải nói là toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần linh đều phải tập trung vào chú tâm. Lơ là, mất cảnh giác, thiếu chú tâm một sát-na là vong mạng!
Chú tâm có mặt trong mọi lãnh vực sinh hoạt của người đời, của xã hội. Có cái chú tâm hướng đến thiện, có cái chú tâm hướng đến ác, có cái chú tâm trung tính không thiện, không ác. Thiện như chú tâm niệm Phật, tụng kinh, hành thiền... Ác như chú tâm giết heo, bò, rình trộm... Trung tính như chú tâm làm vi tính, nghiên cứu khoa học, làm toán, lái xe, rửa chén bát, lau nhà...
Trong Bát chánh đạo, có chú tâm là có chánh niệm, có chánh niệm là có chánh định. Trong thiền định, có chú tâm làm cho tầm, tứ thuần thục để phát sanh hỷ lạc. Trong thiền tuệ, có chú tâm là có chánh niệm, tỉnh giác. Các con phải ghi nhớ điều này: Trong thiền định thì sử dụng tầm, tứ; trong thiền tuệ thì sử dụng chánh niệm tỉnh giác. Đối tượng của thiền định là các đề mục như đất, nước, lửa, gió... Đối tượng thiền tuệ là ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi hoặc thân, thọ, tâm, pháp.
Còn nữa, chúng ta cần phân biệt rõ hai loại chú tâm. Ví như 40 đề mục thiền định thì có 40 đối tượng. Loại chú tâm này sẽ đưa đến định. Trong sinh hoạt thường nhật, lăng xăng với moị công việc, nếu chúng ta chú tâm, chăm chăm từng đối tượng thì sẽ sinh ra mệt mỏi vì bị tiêu hao năng lực và còn dễ bị thất niệm nữa. Vậy loại chú tâm với từng đối tượng như thế thì không tương thích, không áp dụng được.
Loại chú tâm thứ hai thì dường như không chú tâm gì cả. Cứ thư giãn, buông xả tự nhiên thôi. Ví dụ như khi chúng ta đang ngồi hít thở đây, cứ lặng yên thở thế thôi, không chú tâm vào đối tượng nào cả, nhưng khi có gì tác động lên thân, lên tâm là chúng ta ghi nhận liền, có chú tâm liền. Loại thứ nhất là cách chú tâm của định. Loại thứ hai là cách chú tâm của tuệ.
Khái quát toàn bộ sự tu tập minh sát trong sinh hoạt thường nhật, thầy có thể dẫn ra đây câu kệ của ngài Viên Minh mà thầy đang treo ở thư phòng của thầy:

“- Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe quan sát rõ,
Đến, đi Pháp lặng thầm!”


“Nói, làm thường thận trọng”. Tại sao lời nói phải thận trọng? Nếu lời nói, cử động khẩu không thận trọng thì dễ rơi vào 4 cách nói xấu ác, đó là nói dối, nói 2 lưỡi, ác khẩu và phù phiếm. Tại sao hành động phải thận trọng? Nếu hành động thân không thận trọng thì dễ rơi vào 3 nghiệp ác đó là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Vậy, câu kệ đầu tiên đã ngăn giữ được 7 nghiệp xấu ác trong thập ác nghiệp rồi nên đã hàm nghĩa ta đã có giới.
“Luôn trọn vẹn chú tâm!” Chú tâm nhưng là phải chú tâm trọn vẹn. Chú tâm trọn vẹn cũng có nghĩa là không chú tâm một đối tượng khu biệt nào. Cứ ngồi thế thôi, cứ đứng thế thôi, cứ đi thế thôi, dường như không chú tâm ở đâu nhưng lại là chú tâm tất cả, nó quán xuyến tất cả mọi hoạt động của thân và khẩu. Vậy, câu kệ thứ hai là trầm tỉnh, bình tỉnh, ổn định tâm sinh lý trong mọi lúc, mọi khi - hàm nghĩa ta đã có định.
Có định rồi thì mới “lắng nghe, quan sát rõ” được. Đây chính là tuệ mà ta đã có. Nhờ có định, có tuệ nên cái gì tác động thân tâm, cái gì duyên sinh, duyên khởi qua mắt tai mũi lưỡi thân ý đều được ghi nhận, được lắng nghe, quan sát rõ.
Có giới, định, tuệ rồi thì bắt đầu sống tuỳ pháp, thuận pháp, Pháp là chân lý, là sự thật, nó luôn diễn tiến trong thế giới đang là, ở đây và bây giờ. Chân lý, sự thật không ở Đông, Tây, Nam, Bắc, không ở quá khứ, không ở vị lai, không ở thế giới xa xăm huyễn hoặc, mù sương, bóng khói nào. Pháp luôn là cái cụ thể luôn tác động căn trần thức mà duyên khởi. Phải thấy pháp đó, tuỳ pháp, thuận pháp mà sống, mà ăn nói, mà hít thở, mà mặc áo, ăn cơm - không phải tuỳ bản ngã, thuận bản ngã. Pháp ấy nó “âm thầm, lặng lẽ” lắm. Nó đến cũng âm thầm, lặng lẽ. Nó đi cũng âm thầm, lặng lẽ. Không phải ai cũng hiểu, cũng biết, cũng thấy!
Chúng ta có thể học thông Tam Tạng, có thể có kiến văn giáo pháp rất chi là quãng bác, thâm sâu nhưng không thấy biết rõ pháp đến, pháp đi như thế nào trong sinh hoạt hằng ngày để hiện quán thì cũng coi như bỏ đi!
Các con hãy thuộc nằm lòng 2 câu Kinh Lời Vàng số 101, 102 sau đây:

“- Dẫu cho ngôn ngữ trăm ngàn. 
Mà nghe vô ích, chỉ bàn suông thôi! 
Tốt hơn: Một chữ, một lời. 
Nghe xong tịnh lạc, sống đời vô ưu”.
(Sahassamapi ce vācā, anatthapadasaṃhitā; ekaṃ atthapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati).
“- Chữ câu ngàn vạn ích gì. 
Luận kinh nói mãi, lắm khi loạn mù.
 Một câu có ích, cho dù, 
Nghe xong tịnh lạc, an như đời đời!”
(Sahassamapi ce gāthā, anatthapadasaṃhitā; ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati).
Vậy, Tam Tạng có thể không cần nhớ hết, chỉ cần thuộc mỗi một Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế khi thực hành chỉ nhớ Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo tóm tắt chỉ còn Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh giác. Khi công phu thì chỉ còn nắm Chánh niệm, Tỉnh giác hay Niệm, Tỉnh giác mà lên đường (trong Niệm và Tỉnh giác thì đã có tấn rồi) Niệm, Tỉnh giác để nhìn ngắm mọi sự mọi vật, trong, ngoài, tâm pháp duyên sinh như chúng đang là – pháp như thực tánh.
Để kết luận, hãy ghi nhớ lời đức Phật dạy: “Tu tập Bát Chánh Đạo thì có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn và đệ tứ sa-môn. Tu tập ngoài Bát Chánh Đạo sẽ không có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn và đệ tứ sa-môn!”
Các con có chánh niệm, tỉnh giác lúc tập thiền cũng như trong mọi sinh hoạt là đang tu tập Bát Chánh Đạo đó, đang có Bát Chánh Đạo trong tâm và trí của mình rồi!
Hãy cứ như vậy mà tu tập, mà lên đường!

Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (24)
Hòa Thượng Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Kinh Đoạn Giảm (Sallekha Sutta) - (Pali - Việt)



Kinh Đoạn giảm



Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Cunda, vào buổi chiều từ chỗ độc cư Thiền tịnh đứng dậy, đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Maha Cunda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận. Bạch Thế Tôn, đối với một Tỷ-kheo, có tác ý ngay từ ban đầu, thời có thể đoạn trừ những sở kiến ấy hay không, có thể xả ly những sở kiến ấy hay không?
-- Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, - chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cài này không phải tự ngã của tôi", có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy.
(Tám chứng đắc)
Này Cunda, sự kiện này xảy ra khi ở đây một Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là hiện tại lạc trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra khi ở đây, một Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là hiện tại lạc trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra khi ở đây, một Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy có thể nghĩ "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là hiện tại lạc trú trong giới của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là hiện tại lạc trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng. Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Vị ấy có thể tự nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là tịch tịnh trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là tịch tịnh trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là tịch tịnh trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda, sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là tịch tịnh trú trong giới luật của bậc Thánh.

(Đoạn giảm)

Này Cunda, ở đây đoạn giảm được các Người thực hiện khi các Người nghĩ:
(1) "Những kẻ khác có thể là những người làm hại, chúng ta ở đây không thể là những người làm hại", như vậy đoạn giảm được thực hiện.
(2) "Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh", như vậy đoạn giảm được thực hiện.
(3) "Những kẻ khác có thể lấy của không cho, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ lấy của không cho", như vậy đoạn giảm được thực hiện.
(4) "Những kẻ khác có thể không phạm hạnh, chúng ta ở đây sẽ sống phạm hạnh", như vậy... (như trên)... thực hiện.
(5) "Những kẻ khác có thể nói láo, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói láo",... (như trên)...
(6) "Những kẻ khác có thể nói hai lưỡi, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói hai lưỡi",... (như trên)...
(7) "Những kẻ khác có thể nói lời độc ác", chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời độc ác", ... (như trên)...
(8) "Những kẻ khác có thể nói lời phù phiếm, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời phù phiếm",... (như trên)...
(9) "Những kẻ khác có thể tham dục, chúng ta ở đây không tham dục",... (như trên)...
(10) "Những kẻ khác có thể có sân tâm, chúng ta ở đây sẽ không có sân tâm",... (như trên)...
(11) "Những kẻ khác có thể có tà kiến, chúng ta ở đây sẽ có chánh kiến,... (như trên)...
(12) "Những kẻ khác có thể có tà tư duy, chúng ta ở đây sẽ có chánh tư duy",... (như trên)...
(13) "Những kẻ khác có thể có tà ngữ, chúng ta ở đây sẽ có chánh ngữ",... (như trên)...
(14) "Những kẻ khác có thể có tà nghiệp, chúng ta ở đây sẽ có chánh nghiệp",... (như trên)...
(15) "Những kẻ khác có thể có tà mạng, chúng ta ở đây sẽ có chánh mạng",... (như trên)...
(16) "Những kẻ khác có thể có tà tinh tấn, chúng ta ở đây sẽ có chánh tinh tấn",... (như trên)...
(17) "Những kẻ khác có thể có tà niệm, chúng ta ở đây sẽ có chánh niệm",... (như trên)...
(18) "Những kẻ khác có thể có tà định, chúng ta ở đây sẽ có chánh định",... (như trên)...
(19) "Những kẻ khác có thể có tà trí, chúng ta ở đây sẽ có chánh trí",... (như trên)...
(20) "Những kẻ khác có thể có tà giải thoát, chúng ta ở đây sẽ có chánh giải thoát",... (như trên)...
(21) "Những kẻ khác có thể bị hôn trầm thụy miên chi phối, chúng ta ở đây sẽ không có hôn trầm thụy miên chi phối",... (như trên)...
(22) "Những kẻ khác có thể có trạo hối, chúng ta ở đây sẽ không có trạo hối",... (như trên)...
(23) "Những kẻ khác có thể nghi hoặc, chúng ta ở đây sẽ trừ diệt nghi hoặc",... (như trên)...
(24) "Những kẻ khác có thể phẫn nộ, chúng ta ở đây sẽ không có phẫn nộ",... (như trên)...
(25) "Những kẻ khác có thể oán hận, chúng ta ở đây sẽ không có oán hận",... (như trên)...
(26) "Những kẻ khác có thể hư ngụy, chúng ta ở đây sẽ không hư ngụy",... (như trên)...
(27) "Những kẻ khác có thể não hại, chúng ta ở đây sẽ không não hại",... (như trên)...
(28) "Những kẻ khác có thể tật đố, chúng ta ở đây sẽ không tật đố",... (như trên)...
(29) "Những kẻ khác có thể xan tham, chúng ta ở đây sẽ không xan tham",... (như trên)...
(30) "Những kẻ khác có thể man trá, chúng ta ở đây sẽ không man trá,... (như trên)...
(31) "Những kẻ khác có thể khi cuống, chúng ta ở đây sẽ không khi cuống",... (như trên)...
(32) "Những kẻ khác có thể ngoan cố, chúng ta ở đây không thể ngoan cố",... (như trên)...
(33) "Những kẻ khác có thể cấp tháo, chúng ta ở đây không thể cấp tháo",... (như trên)...
(34) "Những kẻ khác có thể khó nói (nan thuyết), chúng ta ở đây sẽ dễ nói",... (như trên)...
(35) "Những kẻ khác có thể là ác hữu, chúng ta ở đây sẽ là thiện hữu",... (như trên)...
(36) "Những kẻ khác có thể phóng dật, chúng ta ở đây sẽ không phóng dật",... (như trên)...
(37) "Những kẻ khác có thể là bất tín, chúng ta ở đây sẽ có tín tâm",... (như trên)...
(38) "Những kẻ khác có thể không xấu hổ, chúng ta ở đây sẽ có xấu hổ",... (như trên)...
(39) "Những kẻ khác có thể không sợ hãi, chúng ta ở đây sẽ có sợ hãi",... (như trên)...
(40) "Những kẻ khác có thể nghe ít, chúng ta ở đây sẽ nghe nhiều"... (như trên)...
(41) "Những kẻ khác có thể biếng nhác, chúng ta ở đây sẽ siêng năng",... (như trên)...
(42) "Những kẻ khác có thể thất niệm, chúng ta ở đây sẽ an trú niệm",... (như trên)...
(43) "Những kẻ khác có thể liệt tuệ, chúng ta ở đây thành tựu tuệ",... (như trên)...
(44) "Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả" như vậy đoạn giảm được thực hiện.

(Khởi tâm)


Này Cunda, Ta nói rằng sự khởi tâm rất có lợi ích cho các thiện pháp, còn nói gì thân nghiệp, khẩu nghiệp phù hợp (với tâm ý). Do vậy, này Cunda:

(1) "Những kẻ khác có thể làm hại, chúng ta ở đây sẽ không làm hại", cần phải khởi tâm như vậy.
(2) "Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh", cần phải khởi tâm như vậy... (như trên)...
(3-43) "Những kẻ khác... (như trên)...
(44) "Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả", cần phải phát tâm như vậy.

(Từ bỏ)

Này Cunda, giống như một con đường không bằng phẳng, có một con đường bằng phẳng khác đối trị. Này Cunda, giống như một bến nước không bằng phẳng, có một bến nước bằng phẳng khác đối trị. Cũng vậy này Cunda:
(1) Đối với con người làm hại, có sự không làm hại đối trị.
(2) Đối với con người sát sanh, có từ bỏ sát sanh đối trị.
(3) Đối với con người lấy của không cho, có từ bỏ lấy của không cho đối trị.
(4-43) ..., không phạm hạnh, có phạm hạnh...; nói láo, có từ bỏ nói láo...; nói hai lưỡi, có từ bỏ nói hai lưỡi...; nói ác khẩu, có từ bỏ nói ác khẩu; nói phù phiếm, có từ bỏ nói phù phiếm...;... tham dục, có không tham dục...;... sân tâm, có không sân tâm...;... tà kiến, có chánh kiến...;... tà tư duy, có chánh tư duy...;... tà ngữ, có chánh ngữ...;... tà nghiệp, có chánh nghiệp...;... tà mạng, có chánh mạng...;... tà tinh tấn, có chánh tinh tấn...;... tà niệm, có chánh niệm...;... tà định, có chánh định...;... tà trí, có chánh trí...;... tà giải thoát, có chánh giải thoát...;... bị hôn trầm thụy miên chi phối, có không bị hôn trầm thụy miên chi phối...;... trạo hối, có không trạo hối...;... nghi hoặc, có trừ diệt nghi hoặc...;... phẫn nộ, có không phẫn nộ...;... oán hận, có không oán hận...;... hư ngụy, có không hư ngụy...;... não hại, có không não hại...;... tật đố, có không tật đố...;... xan tham, có không xan tham...;... man trá, có không man trá...;... khi cuống, có không khi cuống...;... ngoan cố, có không ngoan cố... cấp tháo...;... khó thuyết, có không khó thuyết...;... ác hữu, có thiện hữu...;... phóng dật, có không phóng dật...;... bất tín, có tín tâm...;... không xấu hổ, có xấu hổ...;... không sợ hãi, có sợ hãi...;... nghe ít, có nghe nhiều...;... biếng nhác, có siêng năng...;... thất niệm, có an trú niệm...;... liệt tuệ, có thành tựu tuệ....
(44) Đối với con người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, có không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả đối trị.

(Hướng thượng)

Này Cunda, ví như các bất thiện pháp, tất cả đều hướng hạ, còn các thiện pháp, tất cả đều hướng thượng. Cũng vậy, này Cunda:
(1) Con người không làm hại, hướng thượng đối với người làm hại, con người từ bỏ sát sanh, hướng thượng đối với người sát sanh.
(2) Con người từ bỏ lấy của không cho, hướng thượng đối với người lấy của không cho.
(3-43) Con người ... (như trên)...
(44) Con người không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, hướng thượng đối với người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả.

(Pháp môn giải thoát)


Này Cunda, con người tự mình bị rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy có thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy không xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy xảy ra. Cũng vậy, này Cunda:
(1) Đối với người làm hại, không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát; đối với con người sát sanh, từ bỏ sát sanh đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(2) Đối với con người lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(3-43) Đối với con người không phạm hạnh, sống phạm hạnh...; đối với con người nói láo, từ bỏ nói láo...; đối với con người nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi...; đối với con người ác khẩu, từ bỏ nói ác khẩu...; đối với con người nói phù phiếm, từ bỏ nói phù phiếm...; đối với con người có tham dục, không tham dục...; đối với con người có sân tâm, không sân tâm...; đối với con người có tà kiến, chánh kiến...; đối với con người có tà tư duy, chánh tư duy...; đối với con người có tà ngữ, chánh ngữ...; đối với con người có tà nghiệp, chánh nghiệp...; đối với con người có tà mạng, chánh mạng...; đối với con người có tà tinh tấn, chánh tinh tấn...; đối với con người có tà niệm, chánh niệm...; đối với con người có tà định, chánh định...; đối với con người có tà trí, chánh trí...; đối với con người có tà giải thoát, chánh giải thoát...; đối với con người bị hôn trầm thụy miên chi phối, không bị hôn trầm thụy miên chi phối...; đối với con người trạo hối, không trạo hối...; đối với con người nghi hoặc, không nghi hoặc...; đối với con người phẫn nộ, không phẫn nộ...; đối với con người oán hận, không oán hận...; đối với con người hư ngụy, không hư ngụy...; đối với con người não hại, không não hại...; đối với con người tật đố, không tật đố...; đối với con người xan tham, không xan tham...; đối với con người man trá, không man trá...; đối với con người khi cuống, không khi cuống...; đối với con người ngoan cố, không ngoan cố....; đối với con người khó nói, dễ nói...; đối với con người ác hữu, thiện hữu...; đối với con người phóng dật, không phóng dật...; đối với con người bất tín, tín tâm...; đối với con người không xấu hổ, có xấu hổ...; đối với con người không sợ hãi, có sợ hãi...; đối với con người nghe ít, nghe nhiều...; đối với con người biếng nhác, siêng năng...; đối với con người thất niệm, an trú niệm...; đối với con người liệt tuệ, thành tựu trí tuệ...
(44) Đối với con người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, đưa đến hoàn toàn giải thoát.

(Kết luận)

Này Cunda, như vậy Ta đã giảng pháp môn đoạn giảm, đã giảng pháp môn khởi tâm, đã giảng pháp môn đối trị, đã giảng pháp môn hướng thượng, đã giảng pháp môn giải thoát hoàn toàn.
Này Cunda, những gì bậc Đạo Sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng cho các Người. Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những nhà không tịnh. Này Cunda, hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đó là lời giáo huấn của Ta cho các Người.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Maha Cunda hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn. 


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Sallekha Sutta

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
1.1.8. 


(8) Sallekha suttaṃ

1. Evaṃ me sutaṃ: ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikassa ārāme. Atha kho āyasmā mahācundo sāyanhasamayaṃ paṭisallānā vuṭṭhito yena bhagavā tenupasaṅkami. Upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho āyasmā mahācundo bhagavantaṃ etadavoca:

2. Yā imā bhante anekavihitā diṭṭhiyo loke uppajjanti attavādapaṭisaṃyuttā vā lokavādapaṭisaṃyuttā vā, ādimeva nu kho bhante bhikkhuno manasi karoto evametāsaṃ diṭṭhīnaṃ pahānaṃ hoti? Evametāsaṃ diṭṭhīnaṃ paṭinissaggo hotīti?
Yā imā cunda anekavihitā diṭṭhiyo loke uppajjanti attavādapaṭisaṃyuttā vā lokavādapaṭisaṃyuttā vā, yattha cetā diṭṭhiyo uppajjanti, yattha cetā anusenti, yattha cetā samudācaranti, taṃ netaṃ mama, neso'hamasmi, na me'so attāti evametaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya passato evametāsaṃ diṭṭhīnaṃ pahānaṃ hoti. Evametāsaṃ diṭṭhīnaṃ paṭinissaggo hoti.

3. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja vihareyya. Tassa evamassa: sallekhena viharāmīti, na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Diṭṭhadhammasukhavihārā ete ariyassa vinaye vuccanti.

4. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ upasampajja vihareyya. Tassa evamassa: sallekhena viharāmīti. Na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Diṭṭhadhammasukhavihārā 

5. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu pītiyā ca virāgā upekkhako ca vihareyya, sato ca sampajāno, sukhañca kāyena paṭisaṃvedeyya, yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhavihārīti, tatiyaṃ jhānaṃ upasampajja vihareyya, tassa evamassa: sallekhena viharāmīti. Na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Diṭṭhadhammasukhavihārā ete ariyassa vinaye vuccanti.

6. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubbeva somanassadomanassānaṃ atthaṅgamā adukkhaṃ asukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajjavihareyya, tassa evamassa: sallekhena viharāmīti. Na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Diṭṭhadhammasukhavihārā ete ariyassa vinaye vuccanti.


7. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu sabbaso rūpasaññānaṃ samatikkamā paṭighasaññānaṃ atthaṅgamā nānattasaññānaṃ amanasikārā ananto ākāsoti ākāsānañcāyatanaṃ upasampajja vihareyya. Tassa evamassa: sallekhena viharāmīti. Na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Santā ete vihārā ariyassa vinaye vuccanti.

8. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu sabbaso ākāsānañcāyatanaṃ samatikkamma anantaṃ viññāṇanti viññāṇañcāyatanaṃ upasampajja vihareyya. Tassa evamassa: sallekhena viharāmīti. Na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Santā ete vihārā ariyassa vinaye vuccanti.

9. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu sabbaso viññāṇañcāyatanaṃ samatikkamma natthi kiñcīti ākiñcaññāyatanaṃ upasampajja vihareyya tassa evamassa: sallekhena viharāmīti. Na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Santā ete vihārā ariyassa vinaye vuccanti.

10. Ṭhānaṃ kho panetaṃ cunda vijjati - yaṃ idhekacco bhikkhu sabbaso ākiñcaññāyatanaṃ samatikkamma nevasaññānāsaññāyatanaṃ upasampajja vihareyya. Tassa evamassa: sallekhena viharāmīti na kho panete cunda ariyassa vinaye sallekhā vuccanti. Santā ete vihārā ariyassa vinaye vuccanti.

(1. Sallekhapariyāyo:)
(Đoạn giảm)

1. Idha kho pana vo cunda sallekho karaṇīyo: pare vihiṃsakā bhavissanti. Mayamettha avihiṃsakā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

2. Pare pāṇātipātī bhavissanti, mayamettha pāṇātipātā paṭiviratā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

3. Pare adinnādāyī bhavissanti, mayamettha adinnādānā paṭiviratā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

4. Pare abrahmacārī bhavissanti, mayamettha brahmacārī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

5. Pare musāvādī bhavissanti, mayamettha musāvādā paṭiviratā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

6. Pare pisuṇavācā bhavissanti: mayamettha pisuṇā vācā paṭiviratā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.


7. Pare pharusāvācā1 bhavissanti, mayamettha pharusāvācā2 paṭiviratā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

8. Pare samphappalāpī3 bhavissanti, mayamettha samphappalāpā paṭiviratā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

9. Pare abhijjhālu bhavissanti, mayamettha anabhijjhālū bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

10. Pare byāpannacittā bhavissanti, mayamettha abyāpannacittā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

11. Pare micchādiṭṭhī4 bhavissanti, mayamettha sammādiṭṭhi5 bhavissāmāti sallekho karaṇīyo

12. Pare micchāsaṅkappā bhavissanti, mayamettha sammāsaṅkappā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

13. Pare micchāvācā bhavissanti, mayamettha sammāvācā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

14. Pare micchākammantā bhavissanti, mayamettha sammākammantā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

15. Pare micchāājīvā bhavissanti, mayamettha sammāājīvā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

16. Pare micchāvāyāmā bhavissanti, mayamettha sammāvāyāmā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

17. Pare micchāsatī bhavissanti, mayamettha sammāsatī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

18. Pare micchāsamādhī bhavissanti, mayamettha sammāsamādhī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

19. Pare micchāñāṇī bhavissanti, mayamettha sammāñāṇī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

20. Pare micchāvimuttī bhavissanti, mayamettha sammāvimuttī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

21. Pare thīnamiddhapariyuṭṭhitā bhavissanti, mayamettha vigatathīnamiddhā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

22. Pare uddhatā bhavissanti, mayamettha anuddhatā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

23. Pare vecikicchī 6 bhavissanti, mayamettha tiṇṇavicikicchā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

24. Pare kodhanā bhavissanti, mayamettha akkodhanā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

25. Pare upanāhī bhavissanti, mayamettha anupanāhī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

26. Pare makkhī bhavissanti, mayamettha amakkhī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

27. Pare paḷāsī bhavissanti, mayamettha apaḷāsī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

28. Pare issukī bhavissanti, mayamettha anissukī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

29. Pare maccharī bhavissanti , mayamettha amaccharī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

30. Pare saṭhā bhavissanti, mayamettha asaṭhā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

31. Pare māyāvī bhavissanti, mayamettha amāyāvī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

32. Pare thaddhā bhavissanti, mayamettha atthaddhā1 bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

33. Pare atimānī bhavissanti, mayamettha anatimānī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

34. Pare dubbacā bhavissanti, mayamettha subbacā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

35. Pare pāpamittā bhavissanti, mayamettha kalyāṇamittā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

36. Pare pamattā bhavissanti, mayamettha appamattā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

37. Pare assaddhā bhavissanti, mayamettha saddhā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

38. Pare ahirikā bhavissanti, mayamettha hirimanā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

39. Pare anottāpī bhavissanti, mayamettha ottāpī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

40. Pare appassutā bhavissanti, mayamettha bahussutā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

41. Pare kusītā bhavissanti, mayamettha āraddhaviriyā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

42. Pare muṭṭhassatī bhavissanti, mayamettha upaṭṭhitasatī1 bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

43. Pare duppaññā bhavissanti, mayamettha paññāsampannā bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

44. Pare sandiṭṭhiparāmāsī2 ādhānagāhī3 duppaṭinissaggī bhavissanti, mayamettha asandiṭṭhiparāmāsī4 anādhānagāhī5 suppaṭinissaggī bhavissāmāti sallekho karaṇīyo.

2.( Cittuppādapariyāyo:) 
(Khởi tâm)

1. Cittuppādampi kho ahaṃ cunda kusalesu dhammesu bahukāraṃ6 vadāmi. Ko pana vādo kāyena vācāya7 anuvidhīyanāsu.8.

2. Tasmātiha cunda pare vihiṃsakā bhavissanti, mayamettha avihiṃsakā bhavissāmāti. Cittaṃ uppādetabbaṃ. Pare pāṇātipātī bhavissanti, mayamettha pāṇātipātā paṭiviratā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

3. Pare adinnādāyī bhavissanti, mayamettha adinnādānā paṭiviratā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

4. Pare abrahmacārī bhavissanti, mayamettha brahmacārī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

5. Pare musāvādī bhavissanti, mayamettha musāvādā paṭiviratā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

6. Pare pisuṇāvācā bhavissanti: mayamettha pisuṇāvācā paṭiviratā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

7. Pare pharusāvācā1 bhavissanti, mayamettha pharusāvācā2 paṭiviratā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

8. Pare samphappalāpī3 bhavissanti, mayamettha samphappalāpā paṭiviratā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

9. Pare abhijjhālū bhavissanti, mayamettha anabhijjhālū bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

10. Pare byāpannacittā bhavissanti, mayamettha abyāpannacittā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

11. Pare micchādiṭṭhī4 bhavissanti, mayamettha sammādiṭṭhi5 bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ

12. Pare micchāsaṅkappā bhavissanti, mayamettha sammāsaṅkappā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

13. Pare micchāvācā bhavissanti, mayamettha sammāvācā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

14. Pare micchākammantā bhavissanti, mayamettha sammākammantā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

15. Pare micchāājīvā bhavissanti, mayamettha sammāājīvā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

16. Pare micchāvāyāmā bhavissanti, mayamettha sammāvāyāmā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

17. Pare micchāsatī bhavissanti, mayamettha sammāsatī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

18. Pare micchāsamādhī bhavissanti, mayamettha sammāsamādhī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

19. Pare micchāñāṇī bhavissanti, mayamettha sammāñāṇī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

20. Pare micchāvimuttī bhavissanti, mayamettha sammāvimuttī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

21. Pare thīnamiddhapariyuṭṭhitā bhavissanti, mayamettha vigatathīnamiddhā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

22. Pare uddhatā bhavissanti, mayamettha anuddhatā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

23. Pare vecikicchī 6 bhavissanti, mayamettha tiṇṇavicikicchā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

24. Pare kodhanā bhavissanti, mayamettha akkodhanā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

25. Pare upanāhī bhavissanti, mayamettha anupanāhī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

26. Pare makkhī bhavissanti, mayamettha amakkhī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

27. Pare paḷāsī bhavissanti, mayamettha apaḷāsī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

28. Pare issukī bhavissanti, mayamettha anissukī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

29. Pare maccharī bhavissanti , mayamettha amaccharī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

30. Pare saṭhā bhavissanti, mayamettha asaṭhā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

31. Pare māyāvī bhavissanti, mayamettha amāyāvī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

32. Pare thaddhā bhavissanti, mayamettha atthaddhā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

33. Pare atimānī bhavissanti, mayamettha anatimānī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

34. Pare dubbacā bhavissanti, mayamettha subbacā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

35. Pare pāpamittā bhavissanti, mayamettha kalyāṇamittā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

36. Pare pamattā bhavissanti, mayamettha appamattā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

37. Pare assaddhā bhavissanti, mayamettha saddhā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

38. Pare ahirikā bhavissanti, mayamettha hirimanā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

39. Pare anottāpī bhavissanti, mayamettha ottāpī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

40. Pare appassutā bhavissanti, mayamettha bahussutā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

41.. Pare kusītā bhavissanti, mayamettha āraddhaviriyā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

42. Pare muṭṭhassatī bhavissanti, mayamettha upaṭṭhitasatī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

43. Pare duppaññā bhavissanti, mayamettha paññāsampannā bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ.

44. Pare sandiṭṭhiparāmāsī ādhānagāhī duppaṭinissaggī bhavissanti, mayamettha asandiṭṭhiparāmāsī anādhānagāhī suppaṭinissaggī bhavissāmāti cittaṃ uppādetabbaṃ. (44)

3.( Parikkamanapariyāyo:)
(Từ bỏ)

1. Seyyathāpi cunda visamo9 maggo, tassāssa10 añño samo maggo parikkamanāya, seyyathāpi11 pana cunda visamaṃ titthaṃ 12, tassāssa aññaṃ samaṃ titthaṃ parikkamanāya 

2. Evameva kho cunda vihiṃsakassa purisapuggalassa avihiṃsā hoti parikkamanāya, pāṇātipātissa purisapuggalassa pāṇātipātā veramaṇī hoti parikkamanāya. Adinnādāyissa purisapuggalassa adinnādānā veramaṇī hoti parikkamanāya. Abrahmacārissa purisapuggalassa abrahmacariyā veramaṇī13 hoti parikkamanāya. Musāvādissa purisapuggalassa musāvādā veramaṇī hoti parikkamanāya. Pisuṇavācassa14 purisapuggalassa pisuṇāyavācāya15 veramaṇī hoti parikkamanāya. Pharusavācassa16 purisapuggalassa pharusāya vācāya17 veramaṇī hoti parikkamanāya. Samphappalāpissa purisapuggalassa samphappalāpā veramaṇī hoti parikkamanāya. Abhijjhālussa purisapuggalassa anabhijjhā hoti parikkamanāya. Byāpannacittassa purisapuggalassa abyāpādo hoti parikkamanāya. (1-10)

--------------------

1. Upaṭṭhitassatī, machasaṃ. 2. Sandiṭṭhiparāmāsi, syā.[PTS] 3. Ādhānagāhī, syā.[PTS] Ādhānaggāhī, machasaṃ. 4.Asandiṭṭhiparāmāsi, syā.[PTS] 5. Anādhānagāhī, syā. 6. Bahūpakāraṃ, katthaci. 7.Vācā, katthaci. 8. Anuvidhīyamānāsu, katthaci. Anuvidhiyanāsu, syā. 9. Maggo assa, machasaṃ. 10. Tassa, machasaṃ 11.Seyyathā vā, machasaṃ. 12. Nitthaṃ assa, machasaṃ. 13.Brahmacariyaṃ, sīmu. 14.Pisuṇāvācassa, sīmu. 15. Pisuṇāvācā, sīmu. 16. Pharusāvācassa, sīmu. 17. Pharusāvācā sīmu.



3. Micchādiṭṭhissa purisapuggalassa sammādiṭṭhi hoti parikkamanāya. Micchāsaṅkappassa purisapuggalassa sammāsaṅkappo hoti parikkamanāya. Micchāvācassa purisapuggalassa sammāvācā hoti parikkamanāya. Micchākammantassa purisapuggalassa sammākammanto hoti parikkamanāya. Micchāājīvassa purisapuggalassa sammāājīvo hoti parikkamanāya. Micchāvāyāmassa purisapuggalassa sammāvāyāmo hoti parikkamanāya micchā satissa purisapuggalassa sammāsati hoti parikkamanāya micchāsamādhissa purisapuggalassa sammāsamādhi hoti parikkamanāya. Micchāñāṇissa purisapuggalassa sammāñāṇaṃ hoti parikkamanāya. Micchāvimuttissa purisapuggalassa sammāvimutti hoti parikkamanāya. (11-20)

4. Thīnamiddhapariyuṭṭhitassa purisapuggalassa vigatathīnamiddhatā hoti parikkamanāya. Uddhatassa purisapuggalassa anuddhaccaṃ hoti parikkamanāya. Vecikicchissa1 purisapuggalassa tiṇṇavicikicchatā hoti parikkamanāya. Kodhanassa purisapuggalassa akkodho hoti parikkamanāya. Upanāhissa purisapuggalassa anupanāho hoti parikkamanāya. Makkhissa purisapuggalassa amakkho hoti parikkamanāya. Paḷāsissa purisapuggalassa apaḷāso hoti parikkamanāya. Issukissa purisapuggalassa anissā2 hoti parikkamanāya. Maccharissa purisapuggalassa amacchariyaṃ hoti parikkamanāya. Saṭhassa purisapuggalassa asāṭheyyaṃ hoti parikkamanāya. Māyāvissa purisapuggalassa amāyā hoti parikkamanāya. Thaddhassa purisapuggalassa atthaddhiyaṃ hoti parikkamanāya. Atimānissa purisapuggalassa anatimāno hoti parikkamanāya. Dubbacassa purisapuggalassa sovacassatā hoti parikkamanāya. Pāpamittassa purisapuggalassa kalyāṇamittatā hoti parikkamanāya. Pamattassa purisapuggalassa appamādo hoti parikkamanāya. Assaddhassa purisapuggalassa saddhā hoti parikkamanāya. Ahirikassa purisapuggalassa hiri3 hoti parikkamanāya. Anottāpissa purisapuggalassa ottappaṃ hoti parikkamanāya. Appassutassa purisapuggalassa bāhusaccaṃ hoti parikkamanāya. Kusītassa purisapuggalassa viriyārambho hoti parikkamanāya. Muṭṭhassatissa purisapuggalassa upaṭṭhitasatitā hoti parikkamanāya. Duppaññassa purisapuggalassa paññāsampadā hoti parikkamanāya. Sandiṭṭhiparāmāsiādhānagāhiduppaṭinissaggissa purisapuggalassa asandiṭṭhiparāmāsianādhānagāhisuppaṭinissaggitā hoti parikkamanāya. (21-44)

4.Uparibhāvapariyāyo 
(Hướng thượng)

1. Seyyathāpi cunda ye keci akusalā dhammā sabbe te adhobhāvaṃ gamanīyā4 yo keci kusalā dhammā sabbe te uparibhāvaṃ5 gamanīyā.

Evameva kho cunda vihiṃsakassa purisapuggalassa avihiṃsā hoti uparibhāvāya. Pāṇātipātissa purisapuggalassa pāṇātipātā veramaṇī hoti uparibhāvāya. Adinnādāyissa purisapuggalassa adinnādānā veramaṇī hoti uparibhāvāya. Abrahmacārissa purisapuggalassa abrahmacariyā veramaṇī13 hoti uparibhāvāya. Musāvādissa purisapuggalassa musāvādā veramaṇī hoti uparibhāvāya. Pisuṇavācassa14 purisapuggalassa pisuṇāyavācāya15 veramaṇī hoti uparibhāvāya. Pharusavācassa16 purisapuggalassa pharusāya vācāya17 veramaṇī hoti uparibhāvāya. Samphappalāpissa purisapuggalassa samphappalāpā veramaṇī hoti uparibhāvāya. Abhijjhālussa purisapuggalassa anabhijjhā hoti uparibhāvāya. Byāpannacittassa purisapuggalassa abyāpādo hoti uparibhāvāya. (1-10)

Micchādiṭṭhissa purisapuggalassa sammādiṭṭhi hoti uparibhāvāya. Micchāsaṅkappassa purisapuggalassa sammāsaṅkappo hoti uparibhāvāya. Micchāvācassa purisapuggalassa sammāvācā hoti uparibhāvāya. Micchākammantassa purisapuggalassa sammākammanto hoti uparibhāvāya. Micchāājīvassa purisapuggalassa sammāājīvo hoti uparibhāvāya. Micchāvāyāmassa purisapuggalassa sammāvāyāmo hoti uparibhāvāya micchā satissa purisapuggalassa sammāsati hoti uparibhāvāya. Micchāsamādhissa purisapuggalassa sammāsamādhi hoti uparibhāvāya. Micchāñāṇissa purisapuggalassa sammāñāṇaṃ hoti uparibhāvāya. Micchāvimuttissa purisapuggalassa sammāvimutti hoti uparibhāvāya. (11-20)

Thīnamiddhapariyuṭṭhitassa purisapuggalassa vigatathīnamiddhatā hoti uparibhāvāya. Uddhatassa purisapuggalassa anuddhaccaṃ hoti uparibhāvāya. Vecikicchissa1 purisapuggalassa tiṇṇavicikicchatā hoti uparibhāvāya. Kodhanassa purisapuggalassa akkodho hoti uparibhāvāya. Upanāhissa purisapuggalassa anupanāho hoti uparibhāvāya. Makkhissa purisapuggalassa amakkho hoti uparibhāvāya. Paḷāsissa purisapuggalassa apaḷāso hoti uparibhāvāya. Issukissa purisapuggalassa anissā2 hoti uparibhāvāya. Maccharissa purisapuggalassa amacchariyaṃ hoti uparibhāvāya. Saṭhassa purisapuggalassa asāṭheyyaṃ hoti uparibhāvāya. Māyāvissa purisapuggalassa amāyā hoti uparibhāvāya. Thaddhassa purisapuggalassa atthaddhiyaṃ hoti uparibhāvāya. Atimānissa purisapuggalassa anatimāno hoti uparibhāvāya. Dubbacassa purisapuggalassa sovacassatā hoti uparibhāvāya. Pāpamittassa purisapuggalassa kalyāṇamittatā hoti uparibhāvāya. Pamattassa purisapuggalassa appamādo hoti uparibhāvāya. Assaddhassa purisapuggalassa saddhā hoti uparibhāvāya. Ahirikassa purisapuggalassa hiri3 hoti uparibhāvāya. Anottāpissa purisapuggalassa ottappaṃ hoti uparibhāvāya. Appassutassa purisapuggalassa bāhusaccaṃ hoti uparibhāvāya. Kusītassa purisapuggalassa viriyārambho hoti uparibhāvāya. Muṭṭhassatissa purisapuggalassa upaṭṭhitasatitā hoti uparibhāvāya. Duppaññassa purisapuggalassa paññāsampadā hoti uparibhāvāya. Sandiṭṭhiparāmāsi ādhānagāhi duppaṭinissaggissa [PTS Page 045] [\q 45/] purisapuggalassa asandiṭṭhiparāmāsī anādhānagāhī suppaṭinissaggitā hoti uparibhāvāya. (44)

-------------------

1. Vicikicachissa, machasaṃ 2. Anissukitā, machasaṃ. 3. Hiri, machasaṃ. [PTS] 4. Gamaniyā, katthaci. 5. Uparibhāvāya -pe-machasaṃ.


5.  Parinibbānapariyāyo: 
(Pháp môn giải thoát)

1. So vata cunda attanā palipapalipanno paraṃ palipapalipannaṃ uddharissatīti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. So vata cunda, attanā apalipapalipanno paraṃ palipapalipannaṃ uddharissatīti ṭhānametaṃ vijjati. So vata cunda attanā adanto avinīto aparinibbuto paraṃ damessati vinessati parinibbāpessatīti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. So vata cunda attanā danto vinīto parinibbuto paraṃ damessati vinessati parinibbāpessatīti ṭhānametaṃ vijjati.

2. Evameva kho cunda vihiṃsakassa purisapuggalassa avihiṃsā hoti parinibbānāya. Pāṇātipātissa purisapuggalassa pāṇātipātā veramaṇī hoti parinibbānāya. Adinnādāyissa purisapuggalassa adinnādānā veramaṇī hoti parinibbānāya. Abrahmacārissa purisapuggalassa abrahmacariyā veramaṇī hoti parinibbānāya. Musāvādissa purisapuggalassa musāvādā veramaṇī hoti parinibbānāya. Pisuṇavācassa purisapuggalassa pisuṇāyavācāya veramaṇī hoti parinibbānāya. Pharusavācassa purisapuggalassa pharusāya vācāya veramaṇī hoti parinibbānāya. Samphappalāpissa purisapuggalassa samphappalāpā veramaṇī hoti parinibbānāya. Abhijjhālussa purisapuggalassa anabhijjhā hoti parinibbānāya. Byāpannacittassa purisapuggalassa abyāpādo hoti parinibbānāya. (1-10)

3. Micchādiṭṭhissa purisapuggalassa sammādiṭṭhi hoti parinibbānāya. Micchāsaṅkappassa purisapuggalassa sammāsaṅkappo hoti parinibbānāya. Micchāvācassa purisapuggalassa sammāvācā hoti parinibbānāya. Micchākammantassa purisapuggalassa sammākammanto hoti parinibbānāya. Micchāājīvassa purisapuggalassa sammāājīvo hoti parinibbānāya. Micchāvāyāmassa purisapuggalassa sammāvāyāmo hoti parinibbānāya micchā satissa purisapuggalassa sammāsati hoti parinibbānāya micchāsamādhissa purisapuggalassa sammāsamādhi hoti parinibbānāya. Micchāñāṇissa purisapuggalassa sammāñāṇaṃ hoti parinibbānāya. Micchāvimuttissa purisapuggalassa sammāvimutti hoti parinibbānāya. (11-20)

4. Thīnamiddhapariyuṭṭhitassa purisapuggalassa vigatathīnamiddhatā hoti parinibbānāya. Uddhatassa purisapuggalassa anuddhaccaṃ hoti parinibbānāya. Vecikicchissa1 purisapuggalassa tiṇṇavicikicchatā hoti parinibbānāya. Kodhanassa purisapuggalassa akkodho hoti parinibbānāya. Upanāhissa purisapuggalassa anupanāho hoti parinibbānāya. Makkhissa purisapuggalassa amakkho hoti parinibbānāya. Paḷāsissa purisapuggalassa apaḷāso hoti parinibbānāya. Issukissa purisapuggalassa anissā2 hoti parinibbānāya. Maccharissa purisapuggalassa amacchariyaṃ hoti parinibbānāya. Saṭhassa purisapuggalassa asāṭheyyaṃ hoti parinibbānāya. Māyāvissa purisapuggalassa amāyā hoti parinibbānāya. Thaddhassa purisapuggalassa atthaddhiyaṃ hoti parinibbānāya. Atimānissa purisapuggalassa anatimāno hoti parinibbānāya. Dubbacassa purisapuggalassa sovacassatā hoti parinibbānāya. Pāpamittassa purisapuggalassa kalyāṇamittatā hoti parinibbānāya. Pamattassa purisapuggalassa appamādo hoti parinibbānāya. Assaddhassa purisapuggalassa saddhā hoti parinibbānāya. Ahirikassa purisapuggalassa hiri3 hoti parinibbānāya. Anottāpissa purisapuggalassa ottappaṃ hoti parinibbānāya. Appassutassa purisapuggalassa bāhusaccaṃ hoti parinibbānāya. Kusītassa purisapuggalassa viriyārambho hoti parinibbānāya. Muṭṭhassatissa purisapuggalassa upaṭṭhitasatitā hoti parinibbānāya. Duppaññassa [PTS Page 046] [\q 46/] purisapuggalassa paññāsampadā hoti parinibbānāya. Sandiṭṭhiparāmāsiādhānagāhiduppaṭinissaggissa purisapuggalassa asandiṭṭhiparāmāsianādhānagāhisuppaṭinissaggitā hoti parinibbānāya. (21-44)


5. Iti kho cunda desito mayā sallekhapariyāyo. Desito cittuppādapariyāyo. Desito parikkamanapariyāyo. Desito uparibhāvapariyāyo. Desito parinibbānapariyāyo. Yaṃ kho cunda satthārā karaṇīyaṃ sāvakānaṃ hitesinā anukampakena anukampaṃ upādāya, kataṃ vo taṃ mayā. Etāni cunda rukkhamūlāni, etāni suññāgārāni. Jhāyatha cunda mā pamādattha. Mā pacchā vippaṭisārino ahuvattha. Ayaṃ vo amhākaṃ anusāsanī "ti.
Idamavoca bhagavā. Attamano āyasmā mahācundo bhagavato bhāsitaṃ abhinandī "ti.
*Catuttārīsa1 padā vuttā sandhayo2 pañca desitā
Suttanto sallekho3 nāma gambhīro sāgarūpamo.4
Sallekhasuttaṃ aṭṭhamaṃ.

-----------------------

1. Catuttālīsa, machasaṃ catuttāḷīsa, syā. 2. Sandhiyo, katthaci. 3. Sallekho nāma suttatto, machasaṃ syā. 4. Sāgarūpamo'ti machasaṃ syā. *(Iṅgalīsapotthake esā gāthā na dissate.)


http://awake.kiev.ua/dhamma/tipitaka/2Sutta-Pitaka/2Majjhima-Nikaya/Majjhima1/008-sallekha-p.html