Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Xướng Họa: Tìm chi đom đóm giữa canh thâu!


XƯỚNG

Tìm Trăng 


Thầy ở trên cao chẳng vọng cầu
Cao nhân khó gặp, biết tìm đâu
Chỉ đợi pháp duyên giờ hội ngộ
Thầm mong thân phận phút cơ mầu
Trong khổ mong sao cho bớt khổ
Trên đầu muốn được có thêm đầu
Đêm tối tìm trăng sao chẳng thấy
Để rồi thao thức suốt canh thâu!

HỌA

Hồi đầu thấy bến

Tỉnh giác ngay đây chớ vọng cầu
Chân nhân vốn sẵn mãi tìm đâu
Ngỡ đợi tương lai tìm diện mục
Nào hay ngay đó thấy đạo mầu
Khởi vọng tìm chân, chân cũng vọng
Hồi đầu thấy bến, bến ngay đầu
Nếu biết vầng trăng luôn sáng tỏ
Tìm chi đom đóm giữa canh thâu!

Viên Minh


Thông minh có tạo nên cá tính của con người không?



- Chúng ta định nghĩa thế nào là "cá tính"? Và thế nào là "thông minh"? Tất cả các chính trị gia -- dù ngay đến những nhà chính trị chuyên nghiệp đa dạng ở nơi đô thị Delhi hay chỉ là những chính trị gia tay mơ huênh hoang khoác lác ở địa phương khỉ ho cò gáy -- cũng luôn luôn viện dẫn đến những từ ngữ nào là "cá tính", "lý tưởng", "thông minh", "tôn giáo", "Thượng Đế". Chúng ta lắng nghe những từ ngữ này một cách say mê, sùng mộ, bởi vì chúng có vẻ như là rất quan trọng. Phần lớn chúng ta sống với chữ nghĩa; và chữ nghĩa càng được trau chuốt công phu, gọt giũa cho thật là sắc sảo bao nhiêu thì chúng ta càng thấy thích thú, thỏa mãn bấy nhiêu.

Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu coi chúng ta định nghĩa "thông minh" và "cá tính" như thế nào. Đừng nói là tôi đã không trả lời các bạn một cách rõ ràng, xác định. Moi ra ngay những định nghĩa, những kết luận, là một trong những trò kỹ xảo của bộ óc, có nghĩa là bạn không muốn tìm tòi, nghiên cứu, để hiểu cho thấu đáo, mà chỉ muốn đuổi theo lời nói mà thôi.
Thông minh là gì? Nếu một người có thói sợ sệt, lo lắng, ghen tị, tham lam; hoặc là đầu óc chỉ biết rập khuôn, bắt chước, trong tâm chỉ chứa đầy nhóc kinh nghiệm và kiến thức của người khác; nếu tư tưởng của hắn bị hạn chế, bị xã hội, môi trường sống nhồi ép vào khuôn khổ -- người như thế có thông minh không? Hắn không thông minh, phải vậy không? Và có thể nào một người sợ sệt, không thông minh, lại có được cá tính -- cá tính là cái gì thuộc về sáng tạo, không phải chỉ như những cái máy nhắc lại điệp khúc của truyền thống về những điều phải làm hoặc không làm. Cá tính có đáng kính trọng không?
Bạn có hiểu câu "đáng kính trọng" nghĩa là gì không?
Bạn là người đáng kính nếu bạn được nhiều người chung quanh ngưỡng mộ, kính trọng. Và cái gì làm cho số đông kính trọng -- người trong gia đình và quần chúng? Họ kính trọng những điều mà chính họ thèm muốn và đã ấp ủ trong tâm như là mục tiêu hoặc lý tưởng của họ. Họ kính trọng cái sự kiện cao vời tương phản với cảnh đời thấp thỏi của chính bản thân họ. Nếu bạn giầu và có quyền thế, hay bạn là chính trị gia tên tuổi, hoặc đã viết nhiều cuốn sách nổi tiếng, như thế bạn sẽ được đám đông kính trọng. Khi đó thì dù điều bạn nói ra có thể hoàn toàn vô nghĩa, ấy thế mà cứ hễ bạn phát biểu là thiên hạ lắng nghe, bởi vì họ đã coi bạn như là một vĩ nhân. Và khi mà bạn đã chiếm được lòng kính trọng của nhiều người, được đám đông ủng hộ, tự nhiên bạn thấy mình là người đáng kính, có cảm giác mình đã thành đạt. Nhưng cái "kẻ được-gọi-là có tội" nhiều khi lại gần Thượng Đế hơn "người đáng kính", bởi vì người đáng kính nhiều khi lại mang thói đạo đức giả.
Cá tính có phải là kết quả của sự bắt chước, có phải là bị chi phối bởi sự sợ sệt về những điều người ta sẽ nói hoặc sẽ không nói chăng? Cá tính có phải chỉ là sự làm tăng trưởng thói thiên vị, thành kiến của chính bản thân chăng? Cá tính có phải là một hình thức duy trì truyền thống, dù là ở Ấn Độ, Âu Châu hay là Hoa Kỳ chăng? Đó là những trường hợp mà thông thường người ta gọi là "có cá tính" -- là một người mạnh mẽ, nhiệt thành ủng hộ những truyền thống của địa phương và được nhiều người kính trọng.
Nhưng khi bạn đã có thói thành kiến, bắt chước, bị các tập tục truyền thống cản trở, hoặc sợ sệt, thì bạn có thông minh, có cá tính không? Sự bắt chước, sự hùa theo, sự lễ lạy xin xỏ, có lý tưởng -- đó là cung cách dẫn đến sự đáng được kính trọng, nhưng không đưa tới sự cảm thông. Một người có lý tưởng là người đáng kính, nhưng anh ta sẽ không thể gần Thượng Đế, vì anh ta sẽ không bao giờ biết thương yêu là gì, bởi vì lý tưởng của anh ta là một cách che giấu sự sợ hãi, sự bắt chước, sự cô đơn của anh ta.
Cho nên, nếu không tự hiểu thấu đáo về mình, không nhận thức rõ tất cả những vận hành của bộ óc -- bạn suy nghĩ ra sao, bạn đang rập khuôn, đang bắt chước, hay đang sợ hãi, đang tìm cầu thế lực --, như thế không thể là thông minh. Và chính sự thông minh tạo nên cá tính con người, không phải là sự tôn thờ thần tượng hay đuổi theo một lý tưởng.
Thấu hiểu chính mình, chính cái con người phức tạp đặc biệt của mình, là khởi đầu của sự thông minh, nó sẽ bộc lộ cá tính.

Krishnamurti -- Life Ahead
Danny Việt dịch

GIẢI TRỪ PHIỀN MUỘN


Các bạn ạ, nếu các bạn đã lắng nghe tiếng nói của nội tâm, thì diễn giả chỉ còn là cái gương để các bạn thấy rõ con người thật sự của các bạn, thấy chính các bạn, không có gì che mờ. Nếu các bạn đã tự thấy mình một cách rõ ràng, như thực tế các bạn là như thế, thì các bạn có thể liệng bỏ cái gương, đập bể nó đi. Cái gương không quan trọng. Nó không có giá trị gì cả. Cái có giá trị là, qua tấm gương đó, các bạn nhìn thấy chính các bạn, rõ ràng minh bạch, như thực tế các bạn là như thế, về sự nhỏ mọn, sự hẹp hòi, sự tàn bạo, về những nỗi lo lắng bồn chồn, những điều sợ hãi. Khi các bạn đã bắt đầu hiểu thấu về mình, từ đó, các bạn sẽ tiến sâu vào những vấn đề vượt quá mọi sự suy lường.
Nhưng các bạn phải tự nhấc bước chân đầu tiên. Và sẽ không có ai nhấc lên giùm các bạn cái bước ấy được.
Cùng nhau chúng ta trầm tư, cùng nhau chúng ta nhẹ bước trên con đường nhỏ tịch mịch, tĩnh lặng và đầy vẻ đẹp. Có người thắc mắc rằng đẹp là cái gì. Có thể là khi bạn nhìn pho tượng, bức tranh hoặc cái đầu đẹp hiền từ của đức Phật trong viện bảo tàng, hoặc trong nhà, và bạn ca ngợi sao kỳ diệu thế. Nhưng đằng sau những lời ca ngợi, đằng sau những đường nét, cấu trúc của bức tranh, những cái bóng, sự hài hòa, vẻ đẹp là cái gì? Phải chăng là từ cách mà bạn nhìn nó? Phải chăng nó ở trong bức tranh? Phải chăng nó ở nơi gương mặt của một người?
Khi bạn thấy phong cảnh kỳ diệu của dẫy núi hiện lên trên nền trời xanh, với chiều sâu thăm thẳm của thung lũng và với đỉnh nhọn vút lên đầy tuyết phủ, khi bạn chiêm ngưỡng toàn cảnh tuyệt diệu đó, thì, trong một thoáng, bạn quên luôn cả chính bạn. Cảnh núi non mênh mông vĩ đại biết bao, ngời sáng một cách dị thường biết bao dưới ánh nắng ban mai rực rỡ chiếu trên chóp đỉnh cao nhất, khiến cho cả tâm hồn bạn như lặng đi trước vẻ đẹp hùng vĩ. Và trong một thoáng, bạn quên ngay cả chính mình, quên hết những nỗi phiền muộn; quên luôn vợ bạn, chồng bạn, các con bạn, quê hương bản quán của bạn. Bạn bị cuốn hút vào toàn cảnh bằng cả thân và tâm, hoà nhập không chút mâu thuẫn, phân ly nào. Cảnh tượng rực rỡ xuất hiện trước mắt với vẻ đẹp hùng vĩ, nguy nga, khiến cho ý tưởng về bản ngã, về cái "tôi", trong phút giây đã bị gạt lùi qua bên.
Nhìn vầng trăng non kia, mong manh, mới vươn lên, đơn giản lạ thường. Thế rồi người ta nẩy ra cảm nghĩ, rằng mục đích của ngôn luận là gì nhỉ? Mụcđích của đọc sách, hội họp, mục đích của tất cả mọi chuyện xẩy ra này là gì khi mà người ta không thể ngắm nhìn một vật đơn giản cho rõ ràng, với tình cảm trìu mến say sưa, hồn nhiên, một chuyện đơn giản thôi, để bước vào cuộc đời vốn đầy phức tạp bằng tấm lòng đơn sơ, thuần khiết, không đem theo mớ tri kiến đã tích lũy từ quá khứ cùng với những tập quán của chúng ta?
Hãy sống trọn vẹn với cái giây phút mênh mông của cuộc đời ấy, vào chính cái lúc mà đầu óc hoàn toàn trống vắng, giản đơn, không chút vướng bận, với cái tâm linh hoạt, sống động, đầy năng lực cùng với sự trong sáng và mộc mạc.

Krishnamurti -- Total Freedom
Danny Việt dịch

CA KHÚC TỪ BI


The Chant of Metta Text
Nhạc sĩ: Imee Ooi


 Metta is a Pali word meaning loving-kindness. Metta chanting is the radiation of loving-kindness towards all beings: May they all be happy and peaceful. Imee Ooi chants the Pali beautifully. Metta chanting is soothing, uplifting, joyful and a great healing for the world - pervading it with waves of love. Truly, may all beings be happy. May they live always in peace and harmony. Bản nhạc sau đây dựa theo Kinh Từ Bi trong Tạng Pali. Dịch Việt bởi Cư sĩ Nguyên Giác. Ca khúc của nhạc sĩ Miến Điện Imee Ooi, hát bằng tiếng Pali. Kinh Từ Bi trong Tạng Pali (http://www.buddhanet.net)

Click vào đây để nghe MP3 3.6MB





Aham avero homi
May I be free from enmity and danger
Xin xa lìa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjho homi
May I be free from mental suffering
Xin tâm xa lìa khổ đau

anigha homi
May I be free from physical suffering
Thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharami
May I take care of myself happily
Xin cho con tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Mama matapitu
May my parents
Xin an lành cho mẹ cha

acariya ca natimitta ca
teacher relatives and friends
xin an lành cho thầy, người thân và các bạn

sabrahma - carino ca
fellow Dhamma farers
xin an lành cho các pháp hữu

avera hontu
be free from enmity and danger
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau
anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
may they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Imasmim arame sabbe yogino
May all meditators in this compound
Xin nguyện cho tất cả thiền gia trong khuôn viên này

avera hontu
be free from enmity and danger
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau

anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
May they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Imasmim arame sabbe bhikkhu
May all monks in this compound
Xin nguyện cho chư tăng ni trong khuôn viên này

samanera ca
novice monks
sa di, sa di ni

upasaka - upasikaya ca
laymen and laywomen disciples
cho tất cả các nam cư sĩ, nữ cư sĩ

avera hontu
be free from enmity and danger
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau

anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
May they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Amhakam catupaccaya - dayaka
May our donors of the four supports: clothing, food, medicine and lodging
Cho thí chủ tứ sự cúng dường: áo, cơm, thuốc, chùa

avera hontu
be free from enmity and danger
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau

anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
May they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Amhakam arakkha devata
May our guardian devas
Xin nguyện cho khắp các chư thiên hộ pháp

Ismasmim vihare
in this monastery
Trong khuôn viên tự viện này

Ismasmim avase
in this dwelling
Trong khuôn viên trú xứ này

Ismasmim arame
in this compound
Trong khuôn viên ngụ cư này

arakkha devata
May the guardian devas
Xin cho chư thiên hộ pháp
avera hontu
be free from enmity and danger
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau

anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
may they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Sabbe satta
May all beings
Cho khắp chúng sinh

sabbe pana
all breathing things
khắp lòai đang thở

sabbe bhutta
all creatures
khắp loài hữu sinh

sabbe puggala
all individuals (all beings)
khắp các lòai hữu thể

sabbe attabhava - pariyapanna
all personalities (all beings with mind and body)
xin khắp các chúng sinh đang có tâm và thân

sabbe itthoyo
may all females
xin cho khắp nữ giới

sabbe purisa
all males
xin cho khắp nam giới

sabbe ariya
all noble ones (saints)
tất cả các vị thánh

sabbe anariya
all worldlings (those yet to attain sainthood)
tất cả các chúng sinh

sabbe deva
all devas (deities)
tất cả chư thiên

sabbe manussa
all humans
tất cả trong nhân lọai

sabbe vinipatika
all those in the four woeful planes
tất cả lòai trong bốn cõi khổ

avera hontu
be free from enmity and dangers
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau
anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
may they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Dukkha muccantu
May all being be free from suffering
Xin tất cả lìa khổ

Yattha-laddha-sampattito mavigacchantu
May whatever they have gained not be lost
Xin cho tất cả những gì họ đạt được sẽ không bị mất

Kammassaka
All beings are owners of their own Kamma
Chúng sinh tự gây nghiệp

Purathimaya disaya
in the eastern direction
Trong hướng phía đông

pacchimaya disaya
in the western direction
trong hướng phía tây

uttara disaya
in the northern direction
trong hướng phía bắc

dakkhinaya disaya
in the southern direction
trong hướng phía nam

purathimaya anudisaya
in the southeast direction
trong hướng đông nam

pacchimaya anudisaya
in the northwest direction
trong hướng tây bắc

uttara anudisaya
in the northeast direction
trong hướng đông bắc

dakkhinaya anudisaya
in the southwest direction
trong hướng tây nam

hetthimaya disaya
in the direction below
trong hướng phía dưới

uparimaya disaya
in the direction above
trong hướng phía trên

Sabbe satta
May all beings
Cho khắp chúng sinh

sabbe pana
all breathing things
khắp lòai đang thở

sabbe bhutta
all creatureskhắp loài hữu sinh

sabbe puggala
all individuals (all beings)
khắp các lòai hữu thể

sabbe attabhava - pariyapanna
all personalities (all beings with mind and body)
xin khắp các chúng sinh đang có tâm và thân

sabbe itthoyo
may all females
xin cho khắp nữ giới

sabbe purisa
all males
xin cho khắp nam giới

sabbe ariya
all noble ones (saints)
tất cả các vị thánh

sabbe anariya
(those yet to attain sainthood)tất cả các chúng sinh

sabbe deva
all devas (deities)
tất cả chư thiên

sabbe manussa
all humans
tất cả trong nhân lọai

sabbe vinipatika
all those in the 4 woeful planes
tất cả lòai trong bốn cõi khổ

avera hontu
be free from enmity and dangers
xa thù nghịch, hiểm nguy

abyapajjha hontu
be free from mental suffering
tâm được xa lìa khổ đau

anigha hontu
be free from physical suffering
thân xa lìa đớn đau

sukhi - attanam pariharantu
may they take care of themselves happily
Xin cho họ tự đưa mình qua bờ hạnh phúc

Dukkha muccantu
May all beings be free from suffering
Xin tất cả lìa khổ

Yattha-laddha-sampattito mavigacchantu
May whatever they have gained not be lost
Xin cho tất cả những gì họ đạt được sẽ không bị mất

Kammassaka
All beings are owners of their own kamma
Chúng sinh tự gây nghiệp

Uddham yava bhavagga ca
As far as the highest plane of existence
Nguyện cho các cõi chúng sinh cao nhất

adho yava aviccito
to as far down as the lowest planetới các cõi chúng sinh nơi thấp nhất

samanta cakkavalesu
in the entire universe
trong tòan thể khắp pháp giới

ye satta pathavicara
whatever beings that move on earth
mọi lòai chúng sinh chuyển động trên đất

abyapajjha nivera ca
may they are free of mental suffering and enmity
xin cho họ xa lìa khổ đau, thù nghịch

nidukkha ca nupaddava
and from physical suffering and danger
và xa lìa mọi đớn đau, nguy hiểm

Uddham yava bhavagga ca
As far as the highest plane of existence
Nguyện cho các cõi chúng sinh cao nhất


adho yava aviccito
to as far down as the lowest plane
tới các cõi chúng sinh nơi thấp nhất

samanta cakkavalesu
in the entire universe
trong tòan thể khắp pháp giới

ye satta udakecara
whatever beings that move on water
mọi lòai chúng sinh bơi lội trong nước

abyapajjha nivera ca
may they are free of mental suffering and enmity
xin cho họ xa lìa khổ đau, thù nghịch


nidukkha ca nupaddava
and from physical suffering and danger
và xa lìa mọi đớn đau, nguy hiểm


Uddham yava bhavagga ca
As far as the highest plane of existence
Nguyện cho các cõi chúng sinh cao nhất

adho yava aviccito
to as far down as the lowest plane
tới các cõi chúng sinh nơi thấp nhất

samanta cakkavalesu
in the entire universe
trong tòan thể khắp pháp giới

ye satta akasecara
whatever beings that move in air
mọi lòai chúng sinh bay lượn trên không

abyapajjha nivera ca
may they are free of mental suffering and enmity
xin cho họ xa lìa khổ đau, thù nghịch

nidukkha ca nupaddava
and from physical suffering and danger.
và xa lìa mọi đớn đau, nguy hiểm


Theo Thư Viện Hoa Sen

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Những đoạn văn hay - Thiền Sư Viên Minh



Tôi hành thiền Vipassanà không theo cách rập khuôn một bài bản cố định, có điều kiện của các thiền sư, thiền viện hay thiền phái nổi tiếng nào, dù biết rằng những phương pháp vận dụng quy mô ấy đều đem lại lợi lạc nhất định cho rất nhiều hành giả và bản thân tôi cũng đã học hỏi từ đó rất nhiều.
Nhưng cuộc sống vốn nhiêu khê, đa dạng và biến ảo khó lường nên thiền cũng phải "vô chiêu" mới có thể thực sự miên mật với bấy nhiêu bài học thực tế phức tạp trong đời.

Vì vậy tôi thường vận dụng chánh niệm tỉnh giác ngay nơi chính những gì mà mình đang trải nghiệm, bất kỳ ở đâu và lúc nào, trong trạng thái tự nhiên, không thêm bớt, không cố đưa vào khuôn mẫu hay điều kiện đặc biệt nào. Tôi muốn thấy sự thật như nó là chứ không đặt nó trong chiều kích phải là.(1)
Đạo Phật là đạo trí tuệ, nên ngay trong thời Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Đức Phật đã khẳng định không nên chỉ tin mà không tìm hiểu và thể nghiệm để chứng ngộ sự thật. Về sau, một vài tông phái Phật Giáo, vì lợi ích chuyển hoá quần chúng mê tín nên đã vận dụng hình thức tín ngưỡng hơi nhiều cho hợp với căn cơ trình độ của họ, từ đó một số Phật tử xao lãng trọng tâm trí tuệ và thực nghiệm của Đạo Phật. (2)


Vipassanā là trực chỉ sát-na thực tại hiện tiền, không qua bất kỳ phương tiện nào khác như các vị thiền sư cùng thời thường vận dụng. Nếu không nắm vững nguyên tắc cơ bản và rốt ráo này chúng ta rất có nguy cơ nhầm lẫn thiền Vipassanā với những lối thiền ám thị, thiền tinh tấn, thiền niệm, thiền định, và nhất là thiền tư duy quán tưởng.
Tuy nhiên, vì đây là giai đoạn cuối, đối đầu với cánh cửa thực tại nên ở đó thực tánh pháp rốt ráo vẫn luôn luôn sẵn sàng xuất đầu lộ diện, nhưng nếu chỉ còn một chút bụi trong mắt cũng đủ biến thành vô vàn hoa đốm giữa hư không, để rồi "Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương" (Trên đầu đội đầu, trên tuyết thêm sương) như các thiền sư thường cảnh báo.
Chính vì vậy, nếu chúng ta cảm thấy chưa đủ trình độ thì chớ nên gượng ép đối đầu với thực tại, lúc ấy dùng các phương tiện xem ra hữu ích hơn mà cũng tỏ ra biết lượng sức mình hơn. Bởi không, chúng ta sẽ cảm thấy thiền Vipassanā sao mà quá khó khăn, khô khan và dễ nhàm chán đến thế, trong khi những hành giả căn cơ đã chín mùi lại dễ dàng nhận ra ở đó - Sát-na thực tại hiện tiền - một chân trời thênh thang mầu nhiệm của cứu cánh giác ngộ giải thoát.(3)


Thiền Phật giáo đã được truyền khắp năm châu, nhưng cũng vì thế mà hiện nay có rất nhiều trường phái khác nhau, tựu trung chúng ta có thể phân ra ba loại tùy theo căn cơ trình độ hay nhu cầu của hành giả:
- Một số hành giả dựa trên GIÁO mà hiểu NGHĨA theo tầm cỡ nhận thức của mình hoặc theo truyền thống của tông môn mình, rồi vận dụng ra phương pháp thiền để tu tập và hướng dẫn người khác. Những phương pháp này nằm trong khuôn khổ chế định, mang tính tục đế, tuy cũng có nhiều kết quả khả quan nhưng chỉ giải quyết được những vấn đề cục bộ, như người mù sờ voi, không thể thấy chân tánh toàn diện của thực tại. Phần lớn hành giả chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm phiến diện trong các trạng thái định chứ chưa khai mở được tuệ giác.
- Ở tầm vóc cao hơn, một số hành giả đã thấy được LÝ nhưng khi vào SỰ thì hoàn toàn lúng túng. Bởi vì thấy LÝ cũng có nhiều mức độ khác nhau: 1) Hiểu được LÝ qua lý trí. 2) Nhận ra LÝ qua thể nghiệm ban đầu. 3) Thông suốt LÝ qua thể nghiệm toàn diện. Tiến trình này được đức Phật gọi là THẤY – BIẾT – HIỆN QUÁN và THỰC CHỨNG. Ở trình độ này hành giả có thể chứng ngộ được thực tánh pháp tùy theo độ khai mở của tâm (qua các tuệ chứng tương ứng).
- Khi đã thực chứng, tức đã thấy LÝ trong SỰ, hành giả bắt đầu sống TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP, trải nghiệm tất cả SỰ trong nghiệp mệnh chính mình chứ không tìm kiếm bên ngoài, nhờ đó thấy ra LÝ và SỰ không hai, LÝ và SỰ dung thông ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh hiện tiền.
Ở trình độ đầu, hành giả thường thích đề cao kinh nghiệm cá nhân, xem đó là sở đắc và luôn muốn đạt được những kinh nghiệm cao hơn. Chính vì vậy họ bị lệ thuộc vào lập trình quy ước của phương pháp, vào thời gian tâm lý trong cố gắng tạo nhân để gặt quả – sở đắc – mà họ mong đợi. Đây là một loại chấp hữu, khó khai mở được.
Ở trình độ thứ hai, hành giả thường tự mãn về LÝ mà mình đã thấy nên chỉ lo thuyết phục người khác mà quên đi thực tại nơi chính mình, vì tưởng rằng thấy lý là đã xong. Do quá đề cao LÝ, họ sống thiếu thực tế và tỏ vẻ lập dị giữa cuộc sống bình thường. Đây là một loại chấp không, khó chấp nhận đời sống hiện thực.
Ở trình độ thứ ba, dù hành giả lặng lẽ hay nói năng đều hợp nhất SỰ và LÝ, thân và tâm, vừa tùy duyên thuận pháp – sống hợp với chân đế; vừa tùy thuận chúng sanh – không xa lìa tục đế; đồng thời tùy hạnh nguyện VÔ NGÃ VỊ THA mà hành xử theo trung đạo chứ không có chỗ tham cầu, không có nơi dừng lại...(4)


Nghiệp là một đạo lý vô cùng quan trọng và hết sức tế nhị trong Giáo Pháp Đức Phật, đến nỗi Ngài cảnh báo rằng đó là vấn đề bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ quá xa về sự vận hành của nó. Bởi vì chính những suy luận chủ quan đã gây biết bao hiểu lầm về định luật độc đáo mà Đức Phật đã giác ngộ và khai thị này. Tuy nhiên, trên mặt lý, nếu không nêu rõ một số nét khái quát và cương yếu thì lại càng gây hiểu lầm nhiều hơn, nên trong Giáo Điển Phật Giáo Nguyên Thuỷ Đức Phật đã giảng giải đạo lý về nghiệp một cách rõ ràng minh bạch đủ để chúng ta học hỏi, chiêm nghiệm mặt sự của chân lý này.
Có điều định luật (niyama) chi phối sự vận hành của vũ trụ và đời sống con người như luật về sinh học (bija), thời tiết (utu), lý hoá (dhamma), tâm thức (citta), và nghiệp lực (kamma), riêng đối với loài hữu tinh, trong đó có con người, thì định luật về nghiệp là quan trọng hơn cả, nói lên tính đạo đức, tính khoa học, tinh thần trách nhiệm, ý chí tự do và nhiều phương tiện nhân bản khác.
Chính vì không thông suốt định luật nhân quả nghiệp báo này mà con người tự gây cho mình và xã hội biết bao đau thương khổ luỵ, rồi lại đổ cho trời đất, tha nhân hoặc gán cho những điều kiện khách quan bên ngoài. Nhưng khi người nào đã thấu rõ định luật này từ sự quan sát, chiêm nghiệm đời sống một cách sâu sắc thì không những có thể tự vượt qua khổ đau, tự hoàn thiện chính mình mà còn đem lại nhiều lợi lạc cho cộng đồng xã hội.
Không chỉ những người theo Đạo Phật mà những người nghiên cứu Phật học khách quan nhất cũng cần phải nắm vững đạo lý về nghiệp, một phần cốt lõi của nguyên lý Bốn Sự Thật Vi Diệu (Ariya Sacca), thì mới không nhầm lẫn tôn chỉ uyên nguyên của con đường Giác Ngộ Giải Thoát. (5)


Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta) là một trong những bài kinh Trung Bộ(Majjhima Nikāya) được nhiều thiền sư cũng như hành giả lưu ý nhất vì đó là pháp môn được Ðức Phật trình bày một cách khúc chiết, thiết thực và toàn diện. Toàn diện vì trong kinh này hàm súc phần lớn yếu tính Giáo Pháp của Ðức Phật về con đường Giác ngộ giải thoát.
Tính toàn diện rất quan trọng, nhất là trong thời mạt pháp, khi mà phần đông chỉ thích đi theo nhánh ngọn, có tính phân ly và cục bộ, nghĩa là chỉ biết hành theo những phương pháp vận dụng phiến diện, thiếu cái nhìn phổ quát, nhất hướng và chu toàn.
Dĩ nhiên một phương pháp cục bộ cũng có thể đưa đến một số thành quả nhất định nào đó, khiến cho hành giả cảm thấy hài lòng, mãn nguyện, nhưng chẳng khác nào một người bị lạc lối trong rừng sâu, tuy hái được một vài trái cây thơm ngon qua cơn đói khát, hay vượt qua một vài bụi bờ khó vượt thì đã vội vàng mừng rỡ, thật ra anh ta vẫn còn quanh quẩn trong khu rừng bao la mù mịt đầy hiểm trở, chông gai.
Cũng vậy, muốn thoát khỏi khu rừng luân hồi đầy phiền não khổ đau này, không thể dựa trên một vài phương tiện nghèo nàn cục bộ nào đó, mà phải y cứ trên chân lý, có định hướng cùng với những pháp môn thực tiễn, rõ ràng và toàn diện. (6)





Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp, hay tông môn nào, cho nên đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo), còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm để khám phá và chứng nghiệm sự thật ngay nơi thực tại đời sống của chính mình. Chân lý là sự thật tuyệt đối hoàn hảo trong chính nó, còn sự vận dụng thành phương pháp chỉ là phương tiện tương đối và bất toàn, cho nên cái khó là người vận dụng chân lý phải tự mình chứng nghiệm và suốt thông chân lý để có thể tùy cơ ứng biến mà không rơi vào công thức, khuôn định hay mẫu mực lỗi thời. Chân lý thì muôn đời vẫn thế nhưng sự vận dụng thì luôn biến hóa vô cùng nên không bao giờ dừng lại ở kết luận hay khẳng định nào mới có thể tùy duyên thuận pháp giữa cuộc đời đầy vô thường biến đổi.
Mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau tùy theo trình độ căn cơ, hoàn cảnh và nghiệp mệnh của họ, người giác ngộ chỉ chia sẻ bằng cách gợi ý giúp họ thấy ra hướng đúng để họ tự học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi qua tình huống đặc thù của họ chứ không đưa ra một giải pháp nào nhất định để họ phải theo. Giống như em học sinh lớp nào thì giải bài toán của mình theo trình độ lớp đó chứ thầy giáo không giải giúp em bài toán theo kinh nghiệm và học lực của riêng thầy. Tất nhiên khi học lên cao hơn em sẽ có cách giải bài toán ấy tốt hơn, cũng như trên đường tu học mỗi hành giả sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình ngày càng đúng tốt hơn chứ không cần phải áp dụng một mẫu lý tưởng nào cho cái đúng, bởi vì cái đúng lý tưởng đôi khi vẫn là cái sai so với cái đúng thực tế trong vị trí và thời gian nhất định của nó. (7)

Chú thích:
(1)  Trích lời giới thiệu: Ngôi nhà hạnh phúc
(2)  Trích lời giới thiệu:
(3)  Trích lời giới thiệu: Minh sát tu tập  
(4) Trích lời giới thiệu: Sống trong thực tại
(5) Trích lời giới thiệu: Chánh kiến và Nghiệp
(6) Trích lời giới thiệuĐoạn trừ Lậu Hoặc
(7) Trích lời giới thiệu: Hạnh Phúc Tùy cách nhìn

Vũ khí vô ngã

...Cách đây không lâu có một người tôi quen vừa mới chết. Ông chết một cách rất thanh thản, bình yên. Con gái ông nói rằng, khoảng một tuần hay chừng 10 ngày trước khi chết, cha cô trông thay đổi rõ rệt. Trước đó, ông không thể chấp nhận được cái chết và cố gắng chống cự lại nó. Đến khi gần chết, ông mới nhận ra rằng mình không thể chống lại được nữa. Trước kia ông đã từng hành thiền nên sau khi chấp nhận cái chết sẽ đến với mình, ông trở nên thanh thản và bình yên hơn với mỗi ngày trôi qua. Khi chết cũng vậy, ông chết một cách thanh thản với hai tay chắp lại trước ngực và thở nhẹ nhàng. Ông không chống cự, không đấm đá, giãy giụa, không kiệt sức, nghẹt thở hay làm bất cứ cái gì khác, chỉ chết như thể vừa lên giường đi ngủ.Có rất nhiều cách chết. Một số người chết hết sức đau đớn. Một số chết một cách bình yên. Người biết hành thiền đa phần chết một cách rất bình yên.
Những thăng trầm chúng ta đối diện trên đường đời, nếu chúng ta có bất cứ một xu hướng ngã mạn nào trong đó, thì chắc chắn chúng ta sẽ là người thua cuộc. Sử dụng "cái tôi" làm vũ khí thì chỉ có thể dẫn đến thất bại thảm hại mà thôi, “cái tôi” không bao giờ chiến thắng. Cuối cùng, khi bạn đã thực sự hiểu được vô ngã, bạn sẽ chinh phục được ngay cả cái chết. Nếu chúng ta dính mắc thật nhiều với “cái tôi”, chúng ta sẽ chết trong nỗi sợ hãi khủng khiếp và cái chết đó thật là vô ích. Còn nếu bạn chết một cách chánh niệm trong khi đang quán chiếu về vô ngã, thì khi đó bạn đã chinh phục được tử thần.
Vũ khí vô ngã chinh phục được kẻ thù là 8 pháp thế gian (lokadhamma ). Đây là vũ khí của những người anh hùng, những con người giới đức trong sạch chính là những người anh hùng thực sự trong đời.
Tôi thực lòng mong muốn tất cả các bạn hãy sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hoàn mãn. Để đạt được điều này, hãy dành càng nhiều thời gian càng tốt để hành thiền mỗi ngày. Nếu bạn không thể dành được thời gian cho riêng mình, thì hãy cố gắng chánh niệm khi bạn đi lại, khi ngồi, khi đi, khi đứng, khi làm việc. Chánh niệm được ít hay nhiều, liên tục hay gián đoạn, điều đó không thành vấn đề. Đây là điều rất quan trọng bạn cần phải biết.
Tôi muốn nói lên những điều này thật chân thành. Tôi đã cố gắng hết sức để diễn giảng bài kệ này một cách ngắn gọn, song đầy đủ đến mức có thể được, nhưng chính bạn phải đào sâu suy nghĩ về những điều này, và cố gắng mở rộng nó ra thông qua sự hiểu biết của mình. Dĩ nhiên, bạn phải áp dụng nó vào trong cuộc sống của chính mình nữa.
Tôi đã ghi chép lại một số điểm chính rất hữu ích trong quá trình thiền tập dài hạn. Tôi muốn trao tặng cho tất cả các bạn thật nhiều kiến thức. Nếu bạn ghi nhớ và áp dụng những điều này vào trong cuộc sống của mình, tầm mức cuộc sống của bạn sẽ càng thêm tăng tiến.
Con đường phát triển tâm linh là con đường học hỏi cả cuộc đời. Nói về tâm linh là nói về một nội tâm đáng trân trọng, là nói về trí tuệ. Đây là công việc của cả một đời người, không có điểm cuối cùng cho nó. Bạn phải thực hiện công việc này cho đến tận ngưỡng cửa của cái chết. Nếu theo đuổi con đường này lâu dài với đủ nhiệt tâm trí tuệ của bạn sẽ dần hội tụ đủ đầy.
Chúng ta thu lượm từng chút kiến thức chỗ này, chỗ kia từ những kinh nghiệm đa dạng của mình. Những hoàn cảnh khác nhau dạy cho chúng ta những bài học khác nhau và khi chúng ta thu gom từng chút kinh nghiệm như vậy, những bài học đó sẽ dần dần được hội tụ đầy đủ và chúng ta sẽ bắt đầu có được một bức tranh toàn cảnh về nó. Dần dần tất cả mọi thứ sẽ trở nên ngày càng có ý nghĩa và sáng tỏ hơn đối với bạn.
Khi trí tuệ đã trưởng thành, nó sẽ cho thấy rõ ràng đâu là nhân, đâu là quả. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, chúng ta sẽ không thể hiểu được vấn đề. Chúng ta sẽ trở nên rối mù và rồi mọi việc sẽ trở nên thật vô ích và vô nghĩa. Trong thế giới này, nếu chúng ta có thể nhìn được mọi việc với con mắt trí tuệ quảng đại, dần dần chúng ta sẽ bắt đầu thấy được lý do tại sao sự việc xảy ra, và rồi chúng ta sẽ hiểu được tại sao cách làm việc như vầy sẽ đem lại kết quả nhất định như vầy.
Về mặt tâm linh, nếu một người đã thực sự hiểu biết sâu sắc bản chất của danh sắc và nhân quả, thì trong mọi côngviệc thế gian, người đó sẽ luôn giữ được bình tĩnh và khách quan, không thiên vị, thành kiến. Nhờ vậy, người ấy có thể thấy rất rõ ràng nhân duyên khiến cho sự việc xảy ra và cả những kết quả do nó mang lại nữa.
Đôi khi tôi cũng tham gia vào một số vấn đề của thế gian và tôi thấy nó cũng rất thú vị. Tôi biết vấn đề đó là quan trọng và tôi có thể thấy được những nguyên nhân gốc sâu xa của nó, và tôi cũng thấy rõ mình phải bắt đầu từ đâu để giải quyết được vấn đề nữa.
Cũng y hệt như vậy khi tôi nhìn lại cuộc đời mình. Khi tôi xem xét lại thật kỹ mọi việc tốt, xấu mình đã trải qua trong đời, tôi thấy một cách thật rõ ràng lý do tại sao sự việc lại xảy ra như thế và thấy được cả những hậu quả của nó ra sao.
Ngay cả thấy nhân quả cũng có hai cách thấy. Có cách thấy bằng sự thật chế định (samutisacca) là những thực tại thông thường mà chúng ta đã biết; thế giới, con người, đàn ông, đàn bà, của anh, của tôi, nên hay không nên, đó là một phần của hệ thống giá trị được chúng ta chấp nhận. Và có cách thấy bằng sự thật chân đế (paramatthasacca), đó là bản chất nguyên thủy, đích thực của mọi thứ.
Hiểu được nhân quả thực sự trong phạm vi của sự thật chế định là điều quan trọng. Dẫu sao, khi chúng ta giao tiếp, quan hệ với nhau chúng ta cũng đều phải ở trong thực tại chế định này. Nếu chúng ta thực sự hiểu được nhân quả, chúng ta sẽ quan hệ, giao tiếp một cách hiệu quả hơn. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, sẽ có vô số vấn đề xảy ra, không bao giờ chấm dứt. Đó là lý do tại sao khi bạn hiểu được Pháp, cuộc sống của bạn sẽ trở nên rõ ràng, sáng suốt và không có lý do gì mà phải náo loạn, rối tinh cả lên nữa. Bất kể rắc rối, khó khăn nào, nếu bạn không bị giật dây bởi sự yêu ghét cá nhân và những chấp thủ, dính mắc quanh cái "tôi", mà thay vào đó bạn đứng về bên Pháp, Pháp sẽ vận hành để đem lại một giải pháp tốt đẹp nhất có thể được cho bạn; Pháp sẽ giữ gìn cho cuộc sống của bạn luôn luôn rõ ràng và sáng suốt.
Khi tâm bạn rõ ràng và sáng suốt, cuộc đời của bạn cũng rõ ràng và sáng suốt. Trí tuệ và sự hiểu biết cũng rõ ràng và sáng suốt. Khi tâm bạn không sáng suốt, cuộc đời không thể sáng suốt, rõ ràng và cũng không thể có trí tuệ và hiểu biết sáng suốt, rõ ràng.
Dần dần chúng ta sẽ đạt tới hiểu biết sâu sắc về tất cả mục đích cuộc sống của mình.
Khi trí tuệ đã bắt đầu hội tụ đầy đủ, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được mục đích của cuộc đời, mục đích của kiếp nhân sinh này. Những người có được cái nhìn tâm linh sẽ không còn nghĩ về mọi sự như là chỉ có trong một kiếp sống này mà thôi. Họ nhìn thấy được cả toàn bộ kiếp sống với tầm nhìn của con chim từ trên cao nhìn xuống. Nhờ vậy họ sẽ chuẩn bị trước cho mình về những điều sẽ phải đối diện; và tránh né những gì có thể ngăn chặn, tránh né từ trước. Khi sự hiểu biết về toàn bộ kiếp sinh tồn này của chúng ta ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ, chúng ta càng có thể sống cuộc đời mình một cách sáng suốt và rõ ràng hơn.
Nếu có hiểu biết về toàn bộ kiếp nhân sinh này, chúng ta sẽ không còn chấp giữ cái nhìn thiển cận, hẹp hòi về những điều tốt xấu trên đời nữa. Có những điều chúng ta sẽ không thể chấp nhận được hay sẽ không thể hiểu được, nếu chúng ta cứ khư khư giữ chặt cái nhìn hạn hẹp và thiển cận. Với quan kiến như vậy, các cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ và kích động. Chúng ta sẽ than vãn, khóc than về những điều không may đã xảy đến với mình, tại sao tôi phải nhận những điều bất hạnh, đau đớn đó. Đối với những người có trí tuệ và hiểu biết, họ sẽ biết những nhân duyên nào đã hay có thể đưa đến những hoàn cảnh như thế và do đó họ sẽ chấp nhận được nó. Nếu trong những trường hợp phải đối diện, đương đầu, họ sẽ đối diện với một nội tâm bình an và thanh thản.
Có những pháp thế gian (lokadhamma - 8 ngọn gió đời, là những thăng trầm, thịnh suy trong đời) mà chúng ta không thể tránh được. Chúng ta chỉ có thể đối diện với nó bằng trí tuệ, bằng hiểu biết và chánh niệm. Có những pháp thế gian có thể tránh né được, tùy thuộc vào mức độ trưởng thành hay mức độ khôn ngoan, trí tuệ của chúng ta. Và nếu có thể tránh né được chúng, chúng ta vẫn phải duy trì, giữ gìn các phẩm chất tốt đẹp của mình với tâm chánh niệm quan sát. Đối với những điều không thể tránh được, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận, tại sao những điều này lại xảy đến với tôi? Chúng ta nhận ra được rằng, đó là vì trước kia mình đã từng làm một việc gì đó, để đến bây giờ mình phải xứng đáng nhận cái quả của nó. Sự hiểu biết này làm chúng ta thêm sức chịu đựng, kham nhẫn và một cách chính xác thì chính điều này sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn. Chúng ta đã có được sự bình an trong tâm để có thể kham nhẫn, chịu đựng về mặt thể chất và vật chất, nhưng về tinh thần chúng ta sẽ không phải chịu nhiều đau khổ nữa.
Hầu hết mọi người đều đi qua cuộc đời này một cách mơ hồ và mờ nhạt. Nhiều người cả đời chỉ vụng về lần mò quanh quẩn. Một số lại lưỡng lự, phân vân phỏng đoán xem mình phải làm gì. Đôi khi chúng ta rất muốn làm một việc gì đó và bắt tay vào làm, một thời gian sau chúng ta lại thấy mình chẳng còn thích thú công việc đó nữa. Đôi khi chúng ta cố gắng phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn, thế nhưng khi đạt được rồi, chúng ta lại chẳng hề muốn nó nữa. Những điều đại loại như thế thường xảy ra rất nhiều ngay trong cuộc sống của chúng ta, nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy được điều đó.
Trong đời tôi, tôi đã từng mong muốn làm, mong muốn sở hữu rất nhiều thứ, đến mức tôi đã đầu tư biết bao nhiêu thời gian, có khi mất nhiều năm trời, bỏ vào đó thật nhiều công sức, tự gánh vào thân rất nhiều cơ cực, đau khổ và vật lộn để có được chúng. Nhưng khi đã thực sự có được trong tay những thứ mà tôi vẫn hằng mong ước, thì tôi lại thấy rằng đó không phải là thứ mình thực sự muốn. Nhưng khi nhận ra được điều đó thì tôi đã tiêu phí quá nhiều thời gian và sức lực cho nó mất rồi.
Thực tế, có rất nhiều người đi qua cuộc đời mà không thực sự biết một cách chắc chắn và chính xác là mình muốn gì, họ chỉ đi qua cuộc đời một cách thật mơ hồ, vật vờ vô vị, một cách thật lơ đễnh và hú họa.
Nhưng người hành thiền thì không bao giờ như thế. Khi bạn muốn làm một điều gì đó, trước hết bạn phải nhìn lại cái tâm mình đã. Tại sao tôi muốn làm điều này? Có phải vì lợi lạc vật chất hay vì tôi muốn có quyền lực, địa vị hay để người khác phải coi trọng, đánh giá cao về mình? Tôi có muốn huênh hoang, sĩ diện không? Tôi có thể làm việc này trong một thời gian dài được không? Bạn hãy tự hỏi mình các câu hỏi đó và nếu bạn bắt được tâm mình, nó sẽ biết câu trả lời. Như vậy, cuối cùng bạn sẽ làm được những điều nên làm và không làm những điều không nên. Bạn sẽ làm những việc thực tế, khả thi và sẽ không cố làm những chuyện không thể nào xảy ra. Nếu bạn không biết được cái tâm của mình, thì lòng tham muốn đạt được cái này cái kia sẽ làm mờ mắt bạn và bạn sẽ cố gắng một cách vô ích vì những điều viển vông, không thực tế, những điều không thể với tới được. Và khi không làm được thì nỗi thất vọng sẽ đến. Bạn sẽ thất vọng, chán chường và trầm uất. Đến lúc đó thì, hỡi ôi, bạn đã dốc cạn cả thời gian, tiền bạc và sức lực vào đó mất rồi.
Người biết hành thiền và biết theo dõi tâm của mình sẽ có thể đánh giá được tình hình, thời gian, nơi chốn và mọi dấu hiệu liên quan. Anh ta sẽ nhận ra được điều đó là khả thi hay không. Khi anh ta nỗ lực làm những việc khả thi đó một cách chăm chỉ, thì hầu như lúc nào nó cũng thành công tốt đẹp. Bởi vì hầu hết mọi công việc đều trôi chảy tốt đẹp, nên thời gian không hề bị lãng phí vô ích. Anh ta cũng không lãng phí sức lực mình một cách vô ích và cuộc sống sẽ mãn nguyện hơn nhiều. Nhờ vậy anh ta sẽ tiếp tục vươn tới những tầm cao mới và sẽ phấn đấu để đạt được những điều tốt đẹp hơn.
Một người hiểu được tâm của mình, hiểu được phần tâm linh của mình sẽ làm những gì là thích hợp, dù đó là những việc tầm thường của thế gian hay bất cứ công việc gì, anh ta sẽ không làm những việc không thích hợp với mình. Anh ta sẽ làm những việc thực tế, khả thi chứ không theo đuổi những công việc hão huyền, phi thực tế. Có nhiều việc không thể làm ngay tức khắc được. Nếu việc đó phải để làm sau, anh ta có thể chờ và chờ đợi trong sự bình yên, thanh thản. Những người hành thiền là những người kiên nhẫn, biết bảo tồn, gìn giữ và không dễ dàng từ bỏ. Đó là lý do tại sao họ chỉ làm những việc có ý nghĩa và với một cái nhìn dài hạn. Hầu hết những công việc đó đều trôi chảy và rồi thành công sẽ đến ngày một nhiều hơn.
Con người làm chủ những tiềm năng vĩ đại. Song tất cả những tiềm năng này lại thường bị chúng ta phung phí lung tung, vô mục đích; chúng ta hình như luôn luôn muốn hết cái này đến cái khác… chúng ta muốn làm quá nhiều thứ. Chúng ta làm một việc, nó thất bại, chúng ta lại làm một việc nữa và lại thất bại, dường như chúng ta không thể nào tiến lên được nữa. Mọi thứ đều không chắc chắn và có quá nhiều sự thay đổi. Hãy tập trung vào một thứ, định rõ một hướng đi và gắn chặt vào nó - bạn sẽ thấy cả một thế giới khác sẽ đến cùng với nó.
Thực chứng sức mạnh tâm linh là một kinh nghiệm tràn đầy niềm vui và phúc lạc.
Khi chúng ta đã có một cái nhìn rõ ràng, sáng suốt về cuộc đời mình và làm những việc nên làm với sự tận tâm, chu đáo hết mình, chúng ta sẽ thấy những điều tốt đẹp bắt đầu đến với mình, việc này tiếp nối việc kia. Tiến trình này đem đến cho chúng ta thật nhiều sức mạnh và chính sự hiểu biết này tự thân nó đã là một loại sức mạnh. Chúng ta có thể tự tin làm một công việc nào đó, hoàn toàn ý thức được về nhân và quả. Không còn một chút mơ hồ, lẫn lộn. Chính sự tự tin đó, bản thân nó sẽ đem lại cho chúng ta một sức mạnh, một năng lực to lớn và một kỹ năng thiện xảo.
Có rất nhiều loại sức mạnh. Cũng như sức mạnh chính trị hay sức mạnh quân sự, tâm linh cũng có sức mạnh. Hai loại sức mạnh đầu là những nguồn sức mạnh ở bên ngoài, chúng không thể tồn tại mãi mãi. Sức mạnh tinh thần, từ bên trong trái tim ta, cực kỳ dũng mãnh và kiên định. Nó có tác dụng thu thúc và tự chế, khiến cho con người chúng ta trở nên đứng đắn, chững chạc và kiên định. Người có được sức mạnh này sẽ không bao giờ cảm thấy mình yếu kém. Anh ta luôn cảm thấy mạnh mẽ. Không bao giờ có cảm giác thua thiệt, thấp kém, nó mang lại một sự bình an thật lớn lao cho tâm hồn.
Sức mạnh tâm linh về bản chất là cao thượng với những khát vọng và mục đích cao thượng, và do đó nó không thể bị lạm dụng. Sức mạnh đó chỉ có thể mang lại những điều tốt đẹp và phúc lạc cho đời.
Nếu bạn muốn phân loại các loại sức mạnh, chúng ta có thể phân nó ra thành sức mạnh phá hoại và sức mạnh xây dựng hay là sức mạnh có ích. Chúng ta cũng có thể gọi nó là sức mạnh nuôi dưỡng- đó là loại sức mạnh tạo ra những điều tốt lành, có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng.
Sức mạnh tâm linh cũng là một loại sức mạnh nuôi dưỡng. Những người có được sức mạnh này muốn làm những việc lợi ích, tốt lành cho những chúng sanh khác, và họ cũng có đủ sức mạnh và trí tuệ để làm được điều đó. Họ tích cực làm những công việc này - họ không thể chống lại việc đó. Sức mạnh tâm linh này luôn khát khao được hoàn thành đầy đủ, được hoàn toàn viên mãn: "Tôi phải làm điều đó, tôi phải làm với tất cả khả năng của mình".
Đó là lý do tại sao những con người từ bi, trí tuệ và nhất là những con người có được cái nhìn về tâm linh, chỉ mong muốn được làm việc vì lợi ích của người khác và họ cũng luôn luôn làm điều đó một cách thực lòng.
Con người chỉ có thể thực sự đạt được sự hoàn mãn trong cuộc đời khi họ biết hành động vì lợi ích của người khác.
Con người không thể sống một mình - chúng ta luôn luôn gắn liền với nhau. Nếu chúng ta sống đơn độc một mình, chúng ta cũng không thể hiểu biết được nhiều điều như thế này. Nếu sống một mình, chúng ta cũng không có cơ hội để phát triển tâm từ (mettā), tâm bi (karuna)… Lòng kiên nhẫn, sự tha thứ khoan dung, chia sẻ sự hiểu biết của mình với mọi người, luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến cho người …cùng những hiểu biết và phẩm chất cao thượng khác sẽ không có cơ hội nảy nở trong ta. Những hiểu biết và phẩm chất cao thượng của tâm ta sẽ không thể đơm hoa kết trái. Những điều này đến từ chính cuộc sống của chúng ta trong xã hội và từ những mối quan hệ, giao tiếp giữa ta với mọi người. Nếu chúng ta sống một mình thì tất cả mọi tiềm năng chúng ta có sẽ không bao giờ có cơ hội hiển bày.
Khi nghĩ đến những điều này tôi mới nhận ra rằng, tôi đã có được cơ hội để làm những việc cần làm và biết được những việc nào cần phải làm, chính là nhờ ở rất nhiều người. Tôi phải cám ơn cả thế giới này. Muông thú, cỏ cây, trái đất, núi rừng, tự nhiên không trừ một ngoại lệ nào, tất cả đều đóng góp phần công lao trong đó. Không chỉ những người ở đây hôm nay mà cả những người từ lâu trước kia, tất cả mọi việc họ làm trước nay đều cùng nhau tác động đến tôi. Nhờ có họ nên tôi mới có được kết quả này - tôi cảm thấy biết ơn họ thật nhiều. Khi cảm nhận một chút lòng biết ơn lớn lao mà tôi đã mang nợ với tất cả, tôi bắt đầu cảm thấy mình muốn đáp trả lại một điều gì đó, dù điều đó thật là nhỏ nhoi, khiêm tốn. Tôi muốn làm vì lợi ích của mọi người.
Có những niềm vui đến cùng với kỹ năng thiện xảo và sự thuần thục.Biết cách làm một việc gì đó một cách tốt nhất và có thể thực hiện được công việc đó, điều đó mang lại một niềm vui sướng, hân hoan vô cùng.
Đó là một loại kỹ năng để có thể làm việc với sự hiểu biết cặn kẽ về hiệu quả của công việc mình làm và những nhân duyên nhất định cần phải hội đủ để làm được công việc đó.
Biết cách sống và biết việc cần làm, điều đó làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp và khả năng áp dụng sự hiểu biết đó một cách thiện xảo, khéo léo là một niềm vui, nó mang lại sự sáng suốt và hạnh phúc, an lành cho bạn.
Không có sự mãn nguyện nào lớn hơn là luôn thực sự hay biết việc mình đang làm.
Điều thực sự đáng hài lòng, đáng tưởng thưởng là việc chúng ta có thể làm những điều phù hợp với tính cách của mình với sự tự tin, không hề lưỡng lự, băn khoăn, ngần ngại có nên làm hay không. Điều đó thực sự là mãn nguyện và tôi nghĩ không thể có điều gì mãn nguyện hơn là biết cách làm việc và làm một cách thuần thục, tốt đẹp.
Chúng ta chỉ thực sự cảm thấy có sức sống khi chúng biết được một cách dứt khoát điều mình muốn làm và làm điều đó hết mình. Trên thế giới này, không có gì vô nghĩa, ngớ ngẩn và chán chường hơn việc phải tự hỏi mình câu hỏi: "Tôi nên làm gì bây giờ? Việc gì là việc tốt nhất cần phải làm đây?" - và không tìm ra được câu trả lời. Thực sự là chán chường khi phải sống một cách đầy lưỡng lự, băn khoăn như thế.
Những người đã phát triển cao nhất về tâm linh là những bậc thầy trong cuộc sống.
Chúng ta đã trở thành những bậc thầy trong cuộc sống chưa? Chúng ta đã biết cách sống cuộc sống của mình như thế nào chưa?
Trên thế giới này có vô số chuyên gia máy tính, vô số nhà khoa học bậc thầy, các nhà thiên văn học bậc thầy, những doanh nhân bậc thầy. Nhưng họ có trở thành những bậc thầy trong cuộc sống, biết cách sống cuộc đời mình một cách thiện xảo, khéo léo cho đến tận hơi thở cuối cùng hay không? Hãy nghĩ đến điều này…nó còn quan trọng hơn tất cả những thứ khác nhiều. Bạn không thể trở thành một con người như thế chỉ trong vòng một ngày hai ngày hay ngay cả trong vòng một tháng hai tháng được. Chúng ta phải tiếp tục thực hành với một sự cam kết, với một ý chí và quyết tâm phi thường, với một sự kiên trì bền bỉ, với tấm lòng chân thành và đức tin chân chánh.
Hãy cố gắng hết mình với tất cả trái tim và nếu bạn tiếp tục tiến bước, sau một thời gian dài trí tuệ bạn sẽ dần dần được hội tụ đủ đầy và bạn sẽ đạt đến được phần cốt lõi tinh yếu của trí tuệ tâm linh. Bạn sẽ trở thành một bậc thầy trong cuộc sống. Tôi luôn cầu chúc cho tất cả các bạn hãy phấn đấu để trở thành những bậc thầy trong cuộc sống như thế!

Trích:
NGÔI NHÀ CHÁNH NIỆM
Tác Giả: Sayādaw U Jotika
Dịch Giả: Tâm Pháp

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

CÁI NHƯ TƯỞNG VÀ CÁI NHƯ THỰC

Thường, triết học hay công kênh đề cao quá đáng giá trị của tư duy trừu tượng và những luận giải thuần lý mà quên mất thế giới thực tế của kinh nghiệm cần tiếp xúc luôn luôn, còn Phật, như tôi từng nhắc lại, dứt khoát không nhận hi sinh kỉ luật tu chứng thực tiễn cho những lý thuyết không tưởng. Giác Ngộ là kết quả của công phu tu chứng ấy, vì không phương tiện nào khác đả phá được Vô Minh. Nếu cho rằng Phật có một hệ thống tư tưởng nào đó chỉ đạo toàn thể đường lối giáo hóa của Ngài, hệ thống ấy có thể gọi là triệt để duy nghiệm luận. Ðó là tôi muốn nói rằng cuộc sống và thế gian thế nào thì Phật thấy y thế ấy, không dụng tâm diễn dịch chúng theo ý riêng.
Các lý thuyết gia có thể cho đó là vô lý, viện lẽ rằng ta không thể không ghép liền cái chủ quan của ta vào mỗi hành vi nhận thức, và cái ta gọi là thế giới khách quan chẳng qua chỉ là một sự tái tạo hư giả của tâm tưởng cố hữu của ta. Quả đúng vậy trên mặt nhận thức luận, nhưng về đạo giáo thì tự do tuyệt đối chỉ đạt được khi mọi tư tưởng chấp ngã hết xen vào cuộc sống, và thế gian được nhận thức đúng như thực cũng như tấm gương thấy sao chiếu vậy, “hoa qua chiếu hoa, nguyệt qua chiếu nguyệt”. Nên khi tôi nói Phật giáo là một triệt để duy nghiệm luận là nói về tâm, đừng hiểu theo nghĩa nhận thức luận. Và đó đúng là nghĩa của thành ngữ “yatha-bhutam” hoặc “yathatatham” thấy biết như thực rất thông dụng trong kinh điển Phật Giáo, và đó là một phiên khúc căn bản của tư tưởng Phật giáo.
Trong kinh Sa Môn Quả thuộc Trường Bộ Kinh, Phật cho biết, càng lên càng cao, thế nào là quả vị cùng tột của đời sống đạo, và con đường đi lên ấy rút lại như sau trong ý nghĩa “yathabhutam” về thế gian.
Với cái tâm an định, trong sạch, linh mẫn, điều chế, xả hết nghiệp ác, nhu thuận, tùy ứng, kiên cố, không nao núng, thầy ti khưu phát tâm diệt trừ phiền não. Thầy biét đúng như thực: “Ðây là cái khổ”. Thầy biết đúng như thực: “Ðây là nguyên nhân cái khổ”. Thầy biết đúng như thực: “Ðây là con đường diệt trừ cái khổ”. Thầy biết đúng như thực: “Ðây là phiền não”. Thầy biết đúng như thực: “Ðây là nguyên nhân của phiền não”. Thầy biết đúng như thực: “Ðây là sự diệt trừ phiền não”. Thầy biết đúng như thực: “Ðây là con đường diệt trừ phiền não”. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm thầy được giải thoát các phiền não lậu hoặc của dục ái (kama) của hữu ái (bhava) của vô minh (avijja) và được trí huệ giải thoát. Thầy tì khưu biết: “Nghiệp tái sanh đã xả trừ, phạm hạnh đã vẽ tròn, việc gì phải làm nay đã làm xong, sau kiếp này không còn thọ thân nào khác”.
Ta hiểu thế nào? Khác nào như trường hợp Mười Hai Nhân Duyên, chắc chắn Bốn Thánh Ðế không trao hết huyền nghĩa nếu ta đi đến với nó bằng trí thức, vì thật ra đó chẳng qua chỉ là giáo điều nhân quả trùng tuyên lại; và dầu khác hình thức, một nguyên lý như nhau được chứng thực cả trong thuyết Duyên Khởi và trong Thánh Ðế. Thánh Ðế chỉ con đường thực tập thoát ly nghiệp chướng trong khi thuyết Duyên Khởi vạch ra những mưu lược hoành hành của nghiệp chướng. Trên mặt khái niệm, cả hai công thức vẫn không gì hơn là công thức, nghĩa là không đủ hiệu năng và động lực dấy lên một cuộc cách mạng nội tâm. Phật tuyên Bốn Thánh Ðế là cốt để được thực hành nhằm chứng đến một lý tưởng. Kỷ luật tu chứng trình bày tỉ mỉ trong phần trước của bộ kinh Sa Môn Quả chỉ chuẩn bị cơ duyên cho biến cố cuối cùng ấy. Hễ tâm không được bình thản, thanh tịnh và kiên quyết, chắc chắn không bao giờ ta nắm được chân lý đúng như thực. Một trí óc mẫn nhuệ, tinh thâm có thể biết giỏi luận hay về chân lý, nhưng muốn hiện thực chân lý trong đời thì điều tâm là việc thiết yếu.
Ðoạn kinh dẫn trên chỉ có thể lãnh hội được bằng ánh sáng của sinh hoạt nội tâm. Ðành rằng giáo lý nhà Phật vẫn có thể hợp lý luận thật đấy, nhưng nếu ta chỉ thấy có thế thôi ắt làm biến chất nó một cách tai hại. Trong Phật giáo, phần hợp lý chỉ là một khía cạnh, và là một khía cạnh không mấy trọng yếu. Hơn nữa, ta còn có thể coi phần lý giải ấy như một cơ sự ngẫu nhiên, nên dùng lý mà vào đạo Phật ắt hoàn toàn không hiểu gì hết chân tinh thần của Phật giáo. “Thầy tì khưu thấy biết đúng như thực”, - ti yathabhutam pajanati - chính đó là chỗ ta phải chứng vào; vì yathabhutamnana dassana - cái thấy và biết như thực là cái thấy biết chiếu phá phiền não lậu hoặc (asavanam khaya nana) mở đường cho tâm giải thoát (cetovimutti). Thiếu cái trí ấy, hoặc cái tri kiến ấy, thì không thể có thoát ly hoặc tự do nào hết ở người Phật tử, mà cũng không bao giờ bảo đảm, được rốt ráo giải thoát những ràng buộc của kiếp sống cũng như sự chứng đến một cuộc sống cao hơn, tức là Phạm hạnh (brahmacarya). Nói “biết như thực, thấy như thực” không có nghĩa là biết thấy bằng trí thức những sự kiện hoặc chân lý nằm ngoài giới hạn kinh nghiệm của ta, mà chính là biết thấy những cơ sự hiển nhiên diễn ra trong chính ta. Không thể có sự hiểu bằng trí khi không có sự chứng bằng tâm yểm trợ hiệu lực cho trí. Với những người chưa bao giờ luyện qua phép thiền Ấn Độ, cảnh giới tối cao do tâm chứng đến trong khi tịnh quán thế gian như thực hẳn là một câu chuyện rất khó tán đồng. Tuy nhiên chỉ trong ánh sáng ấy mới thấu đạt được lời Phật giảng về quả vị tu chứng của hạnh Sa Môn.
Có ba hoặc bốn thứ cảm nhiễm (asava), hoặc gọi là lậu như các dịch giả Trung Hoa, ấy là dục lậu (kama) hữu lậu (bhava) vô minh lậu (avijja) và kiến chấp (ditthi). Cái thấy chiếu phá tất cả lậu hoặc ấy là cái thấy gì? và sau khi diệt trừ hết thì còn gì lại ở ta? Câu trả lời có thể phỏng đoán ngay là chỉ còn lại cái tuyệt diệt hư vô, vì chắc rằng ngoài cái “ngoan không” ra một cuộc tuyệt diệt như vậy không thể đưa đến cái gì khác. Nhất là với bài kệ sau đây (trong bộ Sutta Nipata, 949 và 1099) ta càng có thêm lý do coi lời dạy của Phật như một thứ giáo lý hoàn toàn tiêu cực:

Cái ở trước mặt, người gạc qua bên
Đừng giữ gì ở sau lưng hết
Mà cũng chớ níu chặt cái ở giữa
Hãy tinh tiến trong cô tịch (
25)

Tuy nhiên, về tâm đạo, sự thực là có loại trừ hết phiền não lậu hoặc, có buông bỏ hết hình thức chấp trước, thì nội thể mới được gạn lọc, và mới tự biết được “như thực” nghĩa là không thấy có một cái ngã tự xác định như đối lập với cái phi ngã, nhưng thấy cái đồng nhất siêu việt lên tất cả đối thể, mà tự thân vẫn dung thông tất cả đối thể (26). Cái bị hủy diệt là cái thế mâu thuẫn của sự vật, chớ không phải tự thể của sự vật. Và giải thoát có nghĩa là trở về chỗ ban sơ. Như vậy cái thấy của đạo nhãn là thấy cái một trong cái nhiều, là thấu rõ rằng hai tư tưởng nghịch đảo nhau không có nghĩa là tương sanh tương thuộc nhau, mà chính cả hai đều bình đẳng như nhau ứng hóa từ một nguyên lý duy nhất; và chính đó là xứ sở của tự do tuyệt đối.(27) Tâm có điêu luyện đến mức đó mới thấy cả khẳng định (atta) và phủ định (niratta) đều không áp dụng được cho thực tại, vì cái thực là cái thấy biết sự vật đúng “như thực”, hoặc nói đúng hơn, đúng như cái thế duyên khởi của chúng. Một tinh thần hoàn toàn thành khẩn và tinh khiết là điều kiện tiên quyết để thấy biết thực tại trong bản thể “như thế là như thế”. Và kết quả chứng đến là ti yathabhutam pajanati, cái mà các nhà Đại Thừa giáo diễn lại sau này trong giáo lý “chân như” bhuta tathata. Tinh luyện qua bốn phép thiền dạy trong bộ Nikayas, tâm chuyển thành tấm gương của trí năng (adarsa jnanam) theo các nhà Đại Thừa giáo, và tương đương với chân trí (bhuta nana) của Tăng Nhất Bộ Kinh. Lời thí dụ cuối cùng sau đây Phật giảng về hành quả xuất gia tóm lược sự tâm chứng của người Phật tử nhân đó trở thành sáng tỏ như ban ngày. Phật thí dụ:
Cũng như vậy đó, thưa Đại Vương, ví như trong một thành lũy trên núi có một ao nước trong sạch, và lắng đứng, người đứng trên bờ nhìn xuống nước thấy sò và ốc, cát đá sỏi, và bầy cá tung tăng bơi lội nằm im; người ấy tự nhiên biết: Ao nầy nước trong, sạch, và lắng đứng, và trong ao có sò và ốc, cát và sỏi, và bầy cá tung tăng bơi lội hoặc nằm im. (Kinh Sa Môn Quả)
Ở đây, tánh cách triệt để duy nghiệm của giáo lý như thực - yathabhutam được Phật mô tả bằng hình ảnh khiến ta liên tưởng đến hình ảnh của Phật trong bộ Itivuttaka (Tạp bộ Kinh V. 109) dưới hình thức một khán giả đứng trên bờ cakkhuma puriso tire thilo. Dùng trí óc hiểu thí dụ ấy là hoàn toàn phi lý. Người viết mô tả tâm trạng của họ từ một bình diện tư tưởng cao hơn thói thường chứng đến sau bao năm tinh luyện. Tam bồ đề (sambodhi) hoặc Giác Ngộ là thuật ngữ Phật giáo dành cho sự chứng ấy. Diệt trừ bốn phiền não lậu hoặc là giai đoạn tiêu cực của chứng nghiệm, và đó tức là cái thấy bên trong mà tâm thanh tịnh và linh minh của Phật y hướng đến. Nếu chỉ xét riêng về hành động đả phá, thì Giác Ngộ quả có chối bỏ và hủy bỏ tất cả, nhưng một khi cái thấy ấy khai hiển cái như thực của chân lý thì Giác Ngộ là khẳng định một cách quyết liệt nhất. Nên đó mới gọi là “thắng địa không sở đắc không sở chí, tức là Niết Bàn, tức là sự hủy diệt cái già và cái chết” (28).Ta nên ghi nhận cái bị hủy diệt ở đây là cái già và cái chết, chớ không phải cái sống; vì chính xuyên qua Giác Ngộ cái sống ấy, lần đầu tiên, khắc phục lại tinh tần tự do và tinh lực sáng tạo nguyên thỉ.
Song le, lời Phật ví với tấm gương (adarsa) có thể gợi lên thái độ của Phật đối với thế gian là hoàn toàn thụ động, thiếu hứng khởi. Tuy nhiên, lời công kích ấy tỏ rõ người ta không biết gì hết về cuộc sống của đức Phật đã quên mình hiến trọn suốt bốn mươi chín năm yên tịnh cho công cuộc khởi động niềm an vui tinh thần chung cho đồng bào; chẳng những thế, lời công kích còn quên mất công trình hoằng pháp phi thường của các môn đồ của Phật, cũng như những hoạt động tinh thần họ đã nỗ lực khai triễn trường phái Phật giáo Đại Thừa. Hơn nữa, cả khi xét riêng Phật giáo tách ngoài tất cả sự kiện lịch sử tạo nên nó, lời tố cáo tiêu cực gán choweltanschauung Phật giáo vẫn sai lầm. Cái tiêu cực ta ghi nhận trong Giác Ngộ chỉ là cái mường tượng bề ngoài. Phàm lệ, một vật tuyệt đối tiêu cực là cái không thể quan niệm được, trù phi đó là một trạng thái không có gì hết, không chứa gì hết ở bên trong. Hễ Giác Ngộ còn là chỗ chứng đến của tất cả nỗ lực tinh thần cao độ nhất thì đó là một trạng thái tích cực nhất của tâm linh trong đó chứa cả một kho tàng tiềm năng vô tận. Đó là cái một bao hàm vô lượng vô biên cái nhiều. “Suối con chảy mạnh, biển cả lắng im”.(29)Trong biển Đại Giác là sự im lặng của cái một ấy. Các pháp sư Hoa Nghiêm còn ví đó như một thế chuyển dậy trùng trùng của một biển cả vắng lặng và trong suốt phản chiếu tất cả thiên thể sáng ngời, mà đồng thời vẫn không một đợt sóng gào thét và phá phách nào là không y nhiên nằm im trong lòng biển cả.

Trong kinh Mahalê (Mahali Sutta) Phật hỏi như vầy:

Khi Thầy tì khưu biết như vậy, thấy như vậy, thầy có thể nào còn đặt câu hỏi: “Hồn có phải là một với xác, hay hồn là hồn, xác là xác, khác biệt nhau?”. Đó, thật quá rõ ràng lời Phật dạy luôn luôn thực tiễn qui hướng vào sự thành tựu lý Giác Ngộ, được coi là cái thấy biết cụ thể đả phá tất cả phiền não lậu hoặc và xả trừ tất cả hình thức chấp thủ (upadana).(30) Ngài tránh những cuộc tranh biện siêu hình, vì nó không đưa đến cứu cánh tối hậu của đời sống đạo, tức là thanh lọc tâm tưởng chớ không phải phô diễn những tuyệt kỷ tinh luyện về thuật nhận thức. Vô Minh cần được bạt trừ bằng tâm, trong nội chứng, chớ không phải bằng trí trong sự hiểu biết nguyên tắc nhân quả giảng dạy trong giáo lý Duyên Khởi hoặc Thánh Đế.
Ngoài ra, Giác Ngộ là cốt ở cái thấy sự vật yathabhutam hoặc yathatatham đúng như thực không vướng ngờ vực, không kẹt kiến thức hoặc kiến chấp, điều ấy ta còn nhận thấy ở bài kệ chót trong bộ Itivuttaka ca tụng đức tướng của Phật. Tôi xin trích dẫn ba đoạn đầu:

Kiến chiếu vào toàn thể thế gian
Và toàn thể thế gian hiện ra như thực
Người thoát ly toàn thể thế gian
Và không gì sánh được. Người trong toàn thể thế gian
Vượt lên tất cả trong muôn vật, kiên cố,
Cởi mở tất cả buộc ràng
Nơi an nghỉ cao nhất thuộc về Người
Chứng vào Niết Bàn, tự tại không sợ hãi
Bậc Đại Giác ấy, phiền não xả trừ
Không gì lay chuyển, không chút bợn ngờ
Thoát ly ngoài vòng nghiệp chướng
Và giải thoát tận căn Vô Minh diệt.


DHYANA VÀ CHIẾC BÈ PHÁP

Cái thấy sự vật đúng như thực đại khái có thể nói là một khía cạnh trí thức hoặc tâm linh của Giác Ngộ, song chớ hiểu theo tinh thần tự biện. Còn một khía cạnh khác giờ đây ta thử xét qua: tôi muốn nói mối liên hệ giữa Giác và định (samadhi) hoặc thiền (dhyana). Cái sau, như tôi đã trình bày trước, là trạng thái dự bị cho sự tựu ngộ, tuy nhiên, tựu ngộ phải đâu chỉ đơn giản là kiến chiếu vào thực tại. Thật vậy, nếu Giác Ngộ chỉ vỏn vẹn là cái thấy ấy, hoặc cái chiếu diệu ấy, ắt không soi sáng được nội tâm đến độ khử diệt được tất cả dục vọng và chứng đến tự do tự tại. Vì trực giác không sao đi sâu được vào đầu mạch sống, không trấn an được ngờ vực, không đoạn tuyệt được tất cả triền phược chấp trước, trừ phi ý thức được chuẩn bị chu đáo để nhận lấy cái Tất cả trong hình tướng toàn diện cũng như trong thể tánh “như thị”. Giác quan và ý thức thường tục của ta qua dễ bị khuấy động và lệch xa con đường hiện thực chân lý. Nên kỷ luật tu tập trở thành cần thiết.
Ta nên nhớ đức Phật đã nhận lấy kỷ luật ấy dưới sự hướng dẫn của hai đạo sư thuộc phái số luận, và cả sau ngày thành đạo Ngài vẫn đặt sự tham thiền ấy làm phép thực tập cho môn đồ. Chính Ngài, khi thuận tiện, cũng thường lánh mình vào nơi cô tịch. Chắc rằng đó không phải Ngài buông thả trong thú trầm tư hoặc sa đà theo ngoại cảnh phản chiếu trong gương tâm của Ngài. Đó chính là một phép luyện tâm, cả đến đối với Ngài, và cả đến sau khi Ngài đã thành đạo. Ở phương diện này, Phật chỉ giản dị làm theo phép tu luyện của các bậc hiền triết và đạo sư Ấn Độ khác. Có khác là Ngài không có đó là đủ. Ngài còn thấy ở kỷ luật tu tập một ý nghĩa thâm diệu hơn, là cốt đánh thức dậy một ý thức tâm linh siêu tuyệt nhất để hiểu Pháp. Chắc chắn thiếu sự thức tỉnh rốt ráo ấy thì hành thiền, dầu tinh tiến đến đâu, vẫn thiếu hiệu lực viên thành cuộc sống đạo. Nên kinh Pháp Cú nói:

Vô Thiền bất trí
Vô Trí bất thiền
Đạo tòng thiền trí
Đắc chí nê hoàn

(đoạn 372)

Không thiền chẳng có trí
Không trí chẳng có thiền
Đạo do thiền và trí
Chứng đến cảnh Niết Bàn.

Sự hỗ tương liên hệ giữa thiền và trí là điểm đặc trưng của Phật giáo khác với các giáo phái Ấn Độ đương thời. Thiền phải đưa đến trí, phải mở cái thấy biết như thực, vì không có Phật giáo trong sự trầm tư mặc tưởng suông. Và đó là lý do Phật bất mãn giáo lý của các vị đạo sư ban đầu của Ngài, cái học ấy, theo lời Phật nói, “không đưa đến thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn”.(31)Trụ êm trong hư vô kể cũng thích, nhưng thế là vùi say trong giấc ngủ, mà Phật thì không khứng hoang phí cuộc đời trên thế gian này cho mộng tưởng. Ngài phải quán chiếu vào cuộc sống, và vào chân tướng của vạn vật. Theo Ngài, Prajna - trí bát nhã - là phần chủ yếu của đạo lý, trí ấy phải phát ra từ dhyana thiền; thiền không kết thành trí quyết chẳng phải là của Phật pháp. Đằng rằng Bát nhã phải là “chiếc thuyền không”, nhưng ngồi im trong “không thất” (sunnagaram) không làm gì hết, là bị "không chướng", là mai một; một con mắt phải mở ra, và kiến chiếu vào thực tại, cái thực tại có tên là paramam ariyasaccam (32) giải trừ tất cả triền phược và chướng ngại cho cuộc sống (Trung Bộ Kinh, 140). Nên kinh Pháp Cú ca tụng thầy tì khưu “đi vào nhà trống, tâm ý thanh tịnh, hưởng một niềm vui khác thường hơn khi thầy một lòng tinh tiến quán xét chân lý”:

Đương học nhập không
Tịnh cư chỉ ý
Lạc độc bình xứ
Nhất tâm quán pháp
(bài kệ 373)

Vậy, vì lẽ mục đích của Thiền là tạo cơ duyên để tâm chứng vào cái parama sacca có công lực phá trừ và giải thoát, và vì lẽ chân lý thù thắng ấy chỉ có thể chứng được nhân khởi lên cái parama prajna, tức cái trí huệ thù thắng chấm dứt tất cả khổ đau - sabba dukkha - nên Phật không hề quên in sâu vào tâm thức môn đồ ghi nhớ yếu tố trí huệ bát nhã, chẳng hạn như kỷ luật chung sau đây Phật vạch ra dưới danh từ tam học: giới (luân lý) định (quán tưởng) và huệ (trực giác). Dầu phép tham thiền có thể đem đến những hoan lạc siêu thể chất nào, Phật coi những niềm vui ấy không thể sánh vào đâu được với cái vui rốt ráo chứng đạo: nên cần xả bỏ chúng, tất cả, kẻo vướng mắc và bị chướng ngại trên đường cầu huệ giác. Chỉ bằng huệ giác ấy mới chứng tâm giải thoát, hoặc phản bổn hoàn nguyên. Giải thoát, Phật muốn nói là thoát ly tất cả hình thức chấp trước, cả về thể chất (sắc: rupam) và tinh thần (thức: vinnanam). Nên trong Trung Bộ Kinh, 138, Phật nói: “Đừng để tâm ngươi dao động bởi vật bên ngoài, mà cũng đừng sa đà giữa những tưởng niệm bên trong. Hãy lìa tất cả chấp trước, tất cả sợ sệt. Đó là con đường vượt qua cái khổ sống chết.”
Hễ còn chấp trước, dầu một mảy may, dầu ở đâu, trong hoặc ngoài, thì cái tôi còn nguyên gốc, và chắc chắn còn tạo nghiệp lực mới, và lôi cuốn chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi không biết đâu là cùng. Chấp là một hình thức ám ảnh hoặc ảo ảnh hoặc tưởng tượng. Bộ Nikayas ghi lại chín thứ trong số những ảo ảnh về ngã chấp, toàn do vọng tưởng tạo ra, và tự nhiên đưa đến chấp trước bằng mọi cách. Đó là những tưởng niệm nầy: “tôi có, tôi là cái ấy, tôi sẽ hiện hữu, tôi sẽ không hiện hữu, tôi sẽ hữu sắc, tôi sẽ vô sắc, tôi sẽ hữu tưởng, tôi sẽ vô tưởng, tôi sẽ không hữu tưởng không vô tưởng.” Ta phải vứt bỏ tất cả vọng tưởng ấy, những khái niệm ngã chấp ngã mạn ấy, để chứng đến cứu cánh tối hậu của đời sống đạo. Hễ xả trừ được thì ta hết chuốt sầu đeo hận, hết bạc đãi người và vướng phải lo sợ, tức được an tâm, chứng Niết Bàn, và chứng vào thực tế và thực tại của muôn vật. Một khi “huệ” phát lên thì “giới”cũng bỏ luôn, “định” cũng rời mất, chỉ còn lại một trạng thái tỉnh táo của tâm thức trong ấy chỉ có tùy cảm mà ứng dụng.
Không gì hiểu mình cụ thể hơn giáo lý xả chấp của Phật bằng thí dụ thông thường về “chiếc bè”, có lẽ hơi khó hiểu đối với đôi học giả quen sống trong không khí trí thức đối nghịch khác. Cũng như một chiếc bè, tất cả “pháp” còn phải xả, huống nữa là “phi pháp” (33),đó là phiên khúc căn bản chạy dài suốt bộ sử diễn tiến của giáo lý Phật giáo. Triết giáo Bát Nhã, mà đôi người coi như hoàn toàn thiếu chân truyền đối với tinh thần Phật giáo nguyên thỉ, cũng không nhượng trường phái nào trong công cuộc xả chấp, như trong kinh Kim Cương chẳng hạn. Thật vậy, cái “không” của các bộ kinh Bát Nhã chẳng gì khác hơn là bài triết luận về giáo lý xả chấp.(34)Kinh Kim Cương nói như vầy: “Như lai thường dạy rằng các thầy tì khưu nên biết pháp ta nói ra ví như chiếc bè đưa qua sông: pháp còn nên bỏ huống nữa chẳng phải là pháp.”
Thí dụ ấy, Trung Bộ Kinh giảng rộng như sau: “Này các thầy tì khưu, lời ta dạy ví như chiếc bè, để đưa qua, không phải để mang giữ. Hãy nghe nhớ kỹ lời ta đây. Ví như có người suốt ngày đi đường nhọc mệt gặp phải một con sông rộng nước sâu; bờ sông bên này đây lo sợ và hiểm nghèo, còn bờ bên kia thì yên ổn, không sợ sệt, nhưng không có ghe thuyền đưa qua sông, mà cũng không có cầu bắt nối hai bờ. Ví như người ấy nghĩ bụng như vậy: Quả thật sông thì rộng nước thì sâu, bờ bên này đây lo sợ và hiểm nghèo, còn bờ bên kia thì yên ổn không sợ sệt; nhưng không có thuyền mà cũng không có cầu đưa ta qua bờ bên kia. Sao ta không thử lượm lặt những lau sậy, những que cành chà lá kết lại làm bè coi sao? Rồi ngồi trên bè, ta dùng tay dùng chân làm chèo, chèo êm qua bờ bên kia. Theo đó, nầy các tì khưu, ví như người ấy lượm lặt những lau sậy, những que cành chà lá, kết lại làm bè, rồi dùng tay dùng chân làm chèo, chèo êm qua bờ bên kia. Bấy giờ, sông qua rồi, bờ đến rồi, ví như người ấy nói vầy: Quả thật chiếc bè ấy đã giúp tôi nên việc lớn. Nhờ nó chở tôi, và tôi dùng làm tay dùng chân làm chèo, tôi mới qua êm được đến bờ bên kia; bây giờ phỏng như tôi đội chiếc bè trên đầu hoặc mang nó trên vai, và cứ thế mà lên đường đi đâu tùy thích? Các thầy tì khưu nghĩ sao? Người ấy dùng bè như vậy có khôn ngoan không?

Bạch Ngài, nhất định là không.

Vậy, nếu là người khôn ngoan, người ấy phải xử trí làm sao với chiếc bè? Nầy các tì khưu, người ấy nên nghĩ như vầy: Quả thật chiếc bè ấy đã giúp tôi nên việc. Nhờ ngồi trên bè, và chèo bằng tay chân, tôi qua êm được bờ bên kia. Giờ đây, nếu tôi bỏ lại chiếc bè ấy bên bờ, hoặc vứt mặc nó chìm xuống nước, và tôi lại tiếp tục lên đường? Các thầy tì khưu, nếu làm như vậy, người ấy đáng là người khôn ngoan khéo xử trí với chiếc bè.
Cũng như vậy đó, các thầy tì khưu, giáo pháp tôi dạy các thầy ví như chiếc bè, cốt để đưa qua không phải để mang giữ. Thấu rõ ví dụ ấy, thì đối với pháp, các thầy còn phải xả thay huống nữa là cái phi pháp.(35)
Vậy, lời dạy của Phật có thể tóm lại như sau: Thấy muôn vật đúng như thực cũng tức là chứng đến sự tự do tuyệt đối: hoặc nói khác hơn, khi ta xả trừ tất cả dục vọng tai hại xây dựng lên từ vọng tưởng chấp ngã, và tâm chứng giải thoát, đó là lần đầu tiên ta thức tỉnh trên thực tại đúng như “tự nó là như thế”. Cả hai sự kiện, thấy biết và tự do, vốn mật thiết liên hệ nhau, có cái này không có cái kia là việc không thể nghĩ, không thể có được; trên thực tế, đó là hai phương diện của một thực nghiệm đồng nhất, và chỉ bị tách đôi trong phạm vi kiến thức hữu hạn của ta. Trí không thiền chẳng phải trí, thiền không trí chẳng phải thiền. Giác Ngộ là danh từ chỉ sự đồng nhất thực nghiệm của trí huệ và thiền định của cái thấy biết như thực, của sự xả bỏ chiếc bè pháp, dưới bất cứ tên gọi nào. Chính đó là ánh sáng cần phải có để thấu rõ đọan kinh sau đây:
Bởi vậy, các thầy tì khưu ơi, dầu là sắc chất nào (rupam: vật chất hoặc thể xác) dầu ở quá khứ, vị lai hay hiện tại, dầu ở trong hay ở ngoài, dầu thô hay tinh, dầu tiện hay quí, xa hay gần, sắc nào cũng phải quán thấy đúng như thực trong ánh sáng của chính trí, nghĩa là quán thấy như vầy:

“Cái này không phải là của tôi,
Tôi không phải là cái nầy,
Cái này không phải là tự ngã của tôi.”


Bốn uẩn (khanda) còn lại là thọ (vedana: cảm giác) tưởng (sanna: khái niệm) hành (sankhara: căn bản tạo tác) và thức (vinnanam: ý thức) cũng như vậy đó. Người nào quán thấy thế gian như vậy thì lìa thế gian, và như thế là thoát ly tất cả dục vọng tai hại, chứng đến tự do. Đó là người chướng ngại gạt bỏ xong, hào lũy lấp cạn hết, là người đã bạt trừ, đã tự do, đã hoàn tất cuộc chiến, đã trút bỏ gánh nặng, đã giải thoát.(36)
Nói tóm lại, người ấy có tất cả đức tính của bậc Đại Giác, đức tánh thành tựu trong sự phối hợp nhịp nhàng giữa ý chí và trí thức.


 TRỞ VỀ NHÀ CŨ

Vô Minh là bỏ nhà ra đi, và Giác Ngộ là trở về. Suốt thời gian phiêu bạt, ta nếm đủ mùi khổ đau cay đắng, nên cõi trần ta sống đây chắc không có gì đáng thèm khát quá vậy. Tuy nhiên, Giác Ngộ đến là chấm dứt tất cả, tưởng như một lần nữa ta trở về ngồi yên trong nhà ta, ở đó bổn lai là tự do và yên tịnh. Ý chí tự phủ nhận nó trong dụng công quán chiếu vào nội thể nó, thành thử có mâu thuẫn. Tâm thức không vượt nổi ngoài giới hạn do bổn thể nó đặt ra. Ý chí cố chiến đấu và đâm chán việc nó làm. “Tại sao?” Tâm thức ướm hỏi, nhưng đó là câu hỏi không một tâm thức thế gian nào mong đáp được, vì đó là điều bí mật gắn liền vào bổn thể của ý chí. Tại sao cha chúng ta ở trên trời phải sai đứa con duy nhất xuống chuộc tội cho loài người do chính bàn tay Ngài sáng tạo ra, nhưng càng ngày càng lạc mất quê hương? Tại sao Christ phải ngã lòng đến vậy cho số kiếp những đứa con hoang của Chúa? Đó là một bí mật ngàn đời, không một sự hiểu biết tương đối nào giải đáp được những câu hỏi ấy. Nhưng vì lẽ những câu hỏi như vậy luôn luôn được nêu lên, luôn luôn quấy động tâm hồn yên vui của ta, điều ấy đủ chứng tỏ đó không phải là những vấn đề không tưởng dành cho các triết gia chuyên nghiệp giải quyết, mà đích thực chúng đập thẳng vào mỗi người chúng ta, vào tận đáy hồn ta, khiến ta phải chiến đấu và nổ lực chế ngự chúng bằng một năng khiếu nội tại thâm diệu hơn, thâm diệu gấp bội hơn thứ trí thức suy luận thường.
Câu chuyện đứa con hoang (37) là một đề tài quen thuộc của người Phật giáo cũng như Công giáo. Ta há chẳng thấy bộc lộ ở đó một cái gì đời đời chân thực, dầu bi đát và u huyền, một cái gì nằm sâu trong đáy tim mỗi người chúng ta? Dầu sao rốt cùng ý chí cũng thành tựu trong việc tự tri tự giác, và trở về ngôi nhà cũ. Niềm yên vui trong Giác Ngộ đích thục là niềm yên vui của một đứa con hoang yên ổn trở về nhà. Thế ra, trên lý luận, cuộc phiêu lưu ấy tuyệt không ích lợi gì hết sao? Phải, cần gì phải tự đánh mất đi để rồi tự tìm lại? Cần gì phải khởi hành từ số một để đến mười để rồi rốt cuộc từ mười trở về một? Về mặt toán học, quả không có gì phi lý hơn. Tuy nhiên, chính đó là chỗ huyền bí của đạo giáo, vì trở về không phải giản dị chỉ có nghĩa là đếm ngược lại vẫn bấy nhiêu con số ấy. Đó là chỗ muôn trùng khác biệt giữa vật lý và tâm lý. Một khi về rồi, con người không như trước nữa. Ý chí trở về sau bao thuở phiêu bạt qua tâm thức thời gian, ý chí ấy chính là Chúa vậy

Trích:
THIỀN LUẬN
Quyển Thượng

Luận ba
Tác giả: Daisetz Teitaro Suzuki
Dịch giả:Trúc Thiên