Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Chân lý ở nơi mình


“Đau chính là tu. Ôi đau đớn mới tuyệt vời làm sao!”. Thầy nói vậy vì trong một cơn đau thập tử nhất sinh Thầy đã giác ngộ lại chính mình, nhờ đó Thầy mới biết tất cả chân lý ở nơi mình, Thầy đã thấy ra bản lai diện mục cũng chẳng là ai khác. Thầy nhớ có một hành giả đến hỏi đạo, bị thiền sư đóng sầm cánh cửa khi ông ta vừa bước chân vào, chân gãy, thiền sinh đại ngộ. 




                                                               
Ngày ........ tháng ........ năm ........

Con thân mến,

Khi người ta nói “một tâm hồn thánh thiện trong một cơ thể tráng kiện” là người ta lý tưởng hóa đời sống quá, người Tây phương ưa cái gì cũng hoàn hảo như thế đó. Trái lại người bình dân Đông phương có khi thực tế hơn. Họ nói:“Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”. Hai vấn đề tuy không cùng một lãnh vực vậy mà vẫn nói lên hai cái nhìn khác biệt về đời sống, người nói câu “Un esprit saint dans un corps sain” ắt cũng sẽ nói “hai quả tim vàng trong một tòa cung điện”.
Như vậy người Đông phương chú trọng đến quả tim vàng hơn là tòa cung điện, chú trọng đến tâm hồn thánh thiện hơn là một cơ thể cường tráng. Họ có lý bởi vì quả tim vàng hay tâm hồn thánh thiện thì cần gì phải có một điều kiện lý tưởng đến thế! Họ càng có lý hơn vì thực tế đời sống bao giờ cũng có thăng, có trầm, có vinh, có nhục, có được, có mất, có hơn, có thua, có thành, có bại, có vui, có khổ, có lành mạnh, có bệnh tật, có trẻ, có già, có sinh, có chết v.v... Nếu ta cứ mong cái gì cũng tốt cả thì làm sao ta chịu nổi sự biến đổi vô thường?
Chính vì thế trong mười điều tâm niệm mới dạy: “Nghĩ tới thân không cầu vô bệnh vì thân không bệnh tất tham dục dễ sanh”. Thứ nhất khi ta cầu mong không bệnh là tâm hồn ta đã bệnh hoạn rồi. Nếu tâm hồn ta lành mạnh ắt không cần đòi hỏi thân phải cường tráng.
Thứ hai nếu thân không bệnh thì quả là tham dục dễ sanh, như người tham ăn mà không đau bao tử ắt sẽ tham ăn hơn nữa. Người nóng nảy không đau gan thì còn ai chịu được. Vậy bệnh là thiên sứ của vô thường, hay bậc thiện tri thức của ta đó. Người ta cứ xem bệnh như kẻ thù mà không biết rằng nó là bạn thân. Khi đưa tay vào lửa nếu tay không nóng, không phỏng ắt là nó sẽ cháy tiêu mà không hay biết. Vậy nóng, phỏng là bạn của ta chứ sao gọi là thù. Vì thế ta còn phải học hỏi nơi người bạn chí thân này nhiều lắm.
Khi con ăn một chất âm hàn nhiều quá con thấy đau bụng lạnh, vậy là nó dạy con phải dùng một cái gì dương nhiệt để chế lại. Khi con đi nắng bị nhức đầu vậy là nó dạy con lần sau phải đội vào một cái nón v.v... Cho nên ta còn phải học hỏi nơi người bạn này rất nhiều bài học giá trị. Nhưng nếu ta xem nó là kẻ thù, ta tiêu diệt nó thì e rồi ta cũng phải chết theo, vì còn ai báo cho ta biết tử thần sắp tới đâu!
Trong khi bệnh con thấy đau đớn, thế mà một bức thư Thầy lại viết: “Đau chính là tu. Ôi đau đớn mới tuyệt vời làm sao!”. Thầy nói vậy vì trong một cơn đau thập tử nhất sinh Thầy đã giác ngộ lại chính mình, nhờ đó Thầy mới biết tất cả chân lý ở nơi mình, Thầy đã thấy ra bản lai diện mục cũng chẳng là ai khác. Thầy nhớ có một hành giả đến hỏi đạo, bị thiền sư đóng sầm cánh cửa khi ông ta vừa bước chân vào, chân gãy, thiền sinh đại ngộ. Như vậy có tuyệt vời không.
Bây giờ nếu con đau mà con an ổn được trong chính cơn đau thì con còn tuyệt vời hơn khi con lành mạnh mà con lại bị đắm chìm. Con không thấy như thế sao? Lão Tử nói:“Phù duy bệnh bệnh thị dĩ bất bệnh”. Ôi, bệnh chỉ là bệnh thì đâu có gì là bệnh!
Khi bệnh con biết con có bệnh. Khi đau đớn, con biết con có đau đớn. Khi phải uống thuốc, con biết con uống thuốc... Mọi việc đều trầm tĩnh an nhiên, rồi con sẽ học ra mọi lẽ, rồi con sẽ thấy thật là tuyệt vời.
Thầy ngừng bút nhé.
Thân ái chào con.
Thầy.


Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 22
Tác giả: Viên Minh

Chỉ có Pháp hiện tại...


...Khi chưa biết đạo, người ta thấy núi là núi, nhưng sau thuần đạo rồi người ta lại thấy núi cũng vẫn là núi mà thôi. Cũng vậy, người đời làm cái gì thì kẹt vào cái đó, như con đã kẹt vào cái tu, cái học. Sau khi được khai thị cho thì lại bỏ tu, bỏ học, bỏ hết tất cả. Cuối cùng khi đạo đã thâm trầm thì té ra cũng tu, cũng học, cũng làm tất cả, không bỏ thứ gì...




                                                 
Ngày ........ tháng ........ năm ........

Con,

Quả là thư trước của con bị lạc nếu không Thầy đã trả lời rồi. Thầy rất thông cảm với tâm trạng của con lúc này. Đó chỉ là một giai đoạn khủng hoảng tất yếu khi con lột bỏ những quan niệm cũ để sống một đời sống mới. Ở ngoài đời cũng vậy, một cuộc cách mạng tất yếu phải trải qua thời kỳ khủng hoảng với bao nỗi mâu thuẫn khó khăn. Nhưng con hãy an tâm, chẳng qua là vì con đang mất chân đứng cũ mà chưa lấy lại được thăng bằng trên bước chân mới mà thôi và rồi việc gì cũng đâu vào đó.
Khi chưa biết đạo, người ta thấy núi là núi, nhưng sau thuần đạo rồi người ta lại thấy núi cũng vẫn là núi mà thôi. Cũng vậy, người đời làm cái gì thì kẹt vào cái đó, như con đã kẹt vào cái tu, cái học. Sau khi được khai thị cho thì lại bỏ tu, bỏ học, bỏ hết tất cả. Cuối cùng khi đạo đã thâm trầm thì té ra cũng tu, cũng học, cũng làm tất cả, không bỏ thứ gì.
Lúc đầu là thủ (chấp trước), lúc giữa là xả (buông bỏ), sau cùng là bất thủ bất xả(không nắm mà cũng không buông) như Lão Tử nói: “Vô vi nhi vô bất vi”. Vô vi nhưng không việc gì không làm.
Vì vậy Thầy khuyên con trước hết hãy học hành lại như lúc đầu, xem như đó là chuyện bình thường. Có thể con sẽ học siêng năng hơn, có thể con sẽ ganh đua với chúng bạn, có thể con phải quyết chí đỗ đạt cao v.v... Tuy vậy mà con vẫn thấy bình thường, không một chút bận tâm như ngày xưa còn mê muội, còn tham đắm. Đáng lẽ với sự thanh thản ấy con phải tiến hơn các bạn trên mọi mặt chứ không thể sa sút được. Thầy e rằng trong lúc giao thời con còn quá nhiều phân vân lưỡng lự nên nó đã làm cho con chưa lấy lại được khả năng của con người ổn định.
Lúc Thầy học lớp 12 bị chi phối bởi ý nghĩ xuất gia, Thầy đã bị sa sút nhiều trong việc học, và bị thi hỏng một keo, thế mà vào tu Thầy lại học rất giỏi. Ở Phật Học viện, Thầy lãnh bằng danh dự hạng nhất, ở trường London School Thầy dẫn đầu lớp học, ở đại học Thầy dẫn đầu các môn mà Thầy học sau chúng bạn.
Chính nhờ sự sáng suốt, bình thản, an nhiên mà Thầy mới học khá như vậy. Cho đến bây giờ thì Thầy mới hiểu rằng đạo không thay đổi bất cứ một sinh hoạt nào của ta cả. Đạo chỉ soi sáng tâm hồn để ta có thể sinh hoạt chân, mỹ, thiện hơn mà thôi.
Một người làm nông ngộ đạo sẽ không bỏ cày mà cày cấy với năng suất cao hơn.
Một người đi học ngộ đạo, sẽ không bỏ học mà học hành giỏi hơn.
Bây giờ ở tuổi con là đi học. Hãy học một cách sáng suốt, trầm tĩnh là đạt được chỗchân của đạo. Hãy học một cách chân thành, bài nào thông suốt bài đó, môn nào chu tất môn đó là đạt được chỗ mỹ của đạo. Hãy học với thiện ý giúp mình, giúp cha mẹ, gia đình, xã hội v.v...là đạt được chỗ thiện của đạo.
Đạo là sáng suốt vững chắc, không thể là trạng thái buông lung, hững hờ trước mọi sự. Trái lại mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi ý nghĩ, mỗi mỗi lời nói phải rõ ràng, minh bạch, phải đạt chỗ chân, mỹ, thiện vô cùng giản dị của nó.

Học đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ, nói không lầm
Sáng trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm.


Đạo chính là việc học của con. Khi con học, con nghĩ, con nói minh bạch, không lầm lẫn là đạo. Khi con học với tâm sáng suốt là chân, với tâm trong sạch là thiện, với tâm lặng lẽ là mỹ. Việc học của con như vậy sẽ vô cùng giản dị và vô cùng uyên thâm.
Vậy ra con tưởng có một lý tưởng đạo nào đó ngoài công việc hàng ngày, ngoài bổn phận làm người, ngoài uống, ăn, đi, đứng hay sao?
Người ta thường tưởng rằng mình phải đâm bổ vào một lý tưởng siêu thoát, một đạo lý cao siêu, một lối sống phi phàm ra ngoài thế sự. Nhưng họ lầm to, họ chỉ càng trầm luân như những con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng.
Ngày nọ có một người Phật tử lật đật dựng xe đạp để vào chùa nghe giảng siêu lý (Abhidhamma) đã không biết rằng chiếc xe đạp của anh ta đè gãy một cành hoa bên tường chùa! Anh ta tưởng có cái gì siêu lý ngoài việc dựng chiếc xe đạp sao cho đàng hoàng, trầm tĩnh, sao cho đừng hại tới ai. Và cứ thế anh ta thả mồi bắt bóng, tìm cái giả, bỏ cái chơn, tìm sinh tử bỏ niết-bàn mà cứ tưởng rằng mình sẽ đến nơi siêu việt.

Con thương mến,

Hãy sáng suốt, hãy trầm tĩnh, hãy hiền hòa trong mỗi bước đi của mình trên đường đời. Bỏ mất mỗi giây phút là bỏ mất tất cả, vì thế tướng dụng trọn vẹn chính là mỗi bước đi, trong từng giây phút thực tại hiện tiền.

Quá khứ không truy tầm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Không động, không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mỏi mệt
Xứng gọi nhất dạ hiền
Bậc an tịnh trầm lặng.


(Kinh nhất Dạ Hiền Giả)

Nhưng pháp hiện tại là gì? Là khi con đang học hãy hoàn toàn vào việc học. Khi con dựng xe hoàn toàn vào việc dựng xe v.v... Không phải học mà bỏ bê, không phải dựng xe mà mơ siêu lý.

Con thương mến,

Đạo giản dị biết là bao phải không con? Nào, hãy bắt tay trở lại việc học của con, không động, không rung chuyển, hôm nay nhiệt tâm làm...
Khi nào rảnh con hãy mượn thư Thầy viết cho các bạn mà đọc lại chứ con còn yếu lắm đó.

Chào con thương mến.
Thầy.


Tuyển Tập thư Thầy 
Thư số 23
Tác giả: Viên Minh

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

LÒNG VỊ THA


...nếu lòng từ ái vị tha có đem lại khổ đau thì khổ đau ấy chỉ giúp ta càng thêm lớn mạnh.

...Lòng vị tha chỉ có khi thành thực với chính mình, với hoàn cảnh, với mọi người. Không nên vị tha quá sức mình, không nên vị tha một cách bất đắc dĩ, không nên vị tha để khoa trương, không nên vị tha để hóa trang cho lòng ích kỷ hoặc che giấu một sự thật chua cay. Khi Thầy đói con chia sớt cho Thầy nắm cơm hạt muối, đó là thành thực vị tha. Vị tha không phải chỉ có cho mà không nhận. Vị tha cũng không cân lường bằng số lượng mà giá trị ở tấm lòng. Tấm lòng chân thành, cởi mở và thương yêu...

                                                            

Ngày ........ tháng ........ năm ........
Con,
Thầy đã nhận được thư con, Thầy biết không chính xác nhưng biết chắc rằng con đang gặp phải một nỗi khó khăn. Thầy tự trách là quá thờ ơ với những nỗi khổ của con. Nhưng Thầy cũng trách con là đã không nói thật hoàn cảnh của con cho Thầy biết. Con sợ làm phiền Thầy, con sợ đánh mất sự thanh thản của Thầy, và vì vậy con đóng kịch để Thầy yên tâm. Con đã lầm với thiện ý ấy. Chính ra Thầy cần phải biết mọi nỗi khổ ở đời để sửa sai mình và nuôi lớn tình yêu thương nhân loại.
Thầy rất dễ chủ quan với tâm hồn thanh thản của mình, tưởng cái gì cũng dễ dàng, tưởng cái gì cũng nhẹ nhõm và rồi phớt tỉnh trước mọi sự, trước mọi nỗi khổ đau của nhân loại chúng sanh. Không, con hãy đem đến cho Thầy những nỗi khổ đau phiền muộn của con để Thầy biết yêu thương và thông cảm, để Thầy có thể chia sẻ và gánh vác cùng tha nhân những nỗi thống khổ ở đời.
Có yêu thương là có đau khổ, điều ấy chỉ đúng cho những ai bị hệ lụy trong vòng ái luyến vị kỷ. Nhưng nếu lòng từ ái vị tha có đem lại khổ đau thì khổ đau ấy chỉ giúp ta càng thêm lớn mạnh.
Chung quanh ta biết bao là ràng buộc khổ đau! Cha mẹ, chồng con, anh chị em, Thầy, bạn, xóm giềng và cả sự sống của bản thân ta nữa. Tất cả đều trở nên hệ lụy nếu ta cứ loay hoay trong vòng tính toán vị kỷ và tình thương ấy quả chỉ đưa ta vào khổ não triền miên. Nhưng nếu tình yêu thương lột bỏ được tính chất ích kỷ thì tất cả mọi khổ đau sẽ trở thành giải thoát.
Tuy nhiên vị tha không có nghĩa là đánh mất mình mà cứ loay hoay lo cho kẻ khác. Vị tha chỉ có nghĩa là gột sạch tính ích kỷ hắc ám để ta có được một tấm lòng trong sáng, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với người. Ta có thể giúp đỡ kẻ khác, ta cũng có thể dửng dưng hoặc thậm chí có thể xua đuổi kẻ khác, tùy theo hoàn cảnh mà vẫn có lòng vị tha.
Đôi lúc lo cho kẻ khác chỉ để được lòng người, để người kính nể, để người thương mến v.v... Đôi lúc lo cho kẻ khác vì sợ hãi, vì cả nể, vì nhu nhược, vì danh dự, vì tự tôn hoặc tự ti v.v... Đôi lúc lo cho kẻ khác vì bị nô lệ vào ý tưởng rằng mình sẽ được một đức tính vị tha mà mọi người ưa chuộng. Như vậy, không phải là vị tha mà chỉ là vị kỷ.
Lòng vị tha chỉ có khi thành thực với chính mình, với hoàn cảnh, với mọi người. Không nên vị tha quá sức mình, không nên vị tha một cách bất đắc dĩ, không nên vị tha để khoa trương, không nên vị tha để hóa trang cho lòng ích kỷ hoặc che giấu một sự thật chua cay. Khi Thầy đói con chia sớt cho Thầy nắm cơm hạt muối, đó là thành thực vị tha. Vị tha không phải chỉ có cho mà không nhận. Vị tha cũng không cân lường bằng số lượng mà giá trị ở tấm lòng. Tấm lòng chân thành, cởi mở và thương yêu.
Thầy có thể không có tiền để cho ai một đồng nào mà Thầy vẫn vị tha. Thầy có thể sống bằng sự bố thí của tín đồ mà vẫn vị tha v.v... Bởi vì nếu Thầy có một tấm lòng bao dung cởi mở thì cho hay nhận đều là vị tha, đón mời hay xua đuổi đều là vị tha, giúp đỡ hay cầu viện đều là vị tha v.v...
Ở quê Thầy có nhiều người đỗ đạt, cưới vợ hoặc được thăng quan tiến chức họ thường có tục lệ đãi đằng hàng xóm. Có khi họ phải vay nợ đến phải trả hàng chục năm mà vẫn phải đãi đằng! Họ tưởng như thế là vị tha. Họ có thể phải nghèo khổ nợ nần cả đời đôi khi chỉ vì một chút hư danh! Rõ ràng là họ thiếu thành thực và cởi mở.
Bên Lào người ta có phong tục thật cởi mở. Khi dư thì đem đến chùa cúng, khi thiếu thì cứ đến chùa mà ăn. Phong tục ấy thành thực hơn tục lệ đãi đằng của mình rất nhiều.
Tất nhiên nếu chỉ nhận mà không cho vì lười biếng, ích kỷ thì không được. Nhưng nhận trong hoàn cảnh khó khăn khách quan nào đó thì chẳng có gì đáng ngại, chẳng đánh mất lòng vị tha nếu ta chân thành cởi mở.
Nếu con chân thành kính mến Thầy thì không phải chỉ cúng dường Thầy mà khi thiếu hụt con có quyền được Thầy chia sớt. Bởi vì nếu con chỉ cúng dường thì khi không có gì để cúng dường con phải lánh Thầy hay sao?
Dân miền Trung thường bị thiên tai bão lụt, thường phải nhận sự giúp đỡ của những người hảo tâm ở miền Nam . Như vậy chưa hẳn dân miền Trung đã không có tình yêu thương đồng loại. Nhưng nếu người miền Nam bố thí đồng bào nạn nhân một cách khinh bỉ, cao ngạo thì họ cũng chỉ là những người ích kỷ, xan tham.
Thường người ta hiểu chữ vị tha theo nghĩa lo bao đồng mà quên rằng vị tha cốt ở tấm lòng thành thực, bao dung và cởi mở.
Thường người ta hiểu chữ vị tha là lòng tự ái, chỉ giúp người chứ không chịu để người giúp mình, e đó là một cái nhục.
Vì hiểu như thế người ta đã tạo cho đời mình thêm phức tạp với những hành động thiếu thiết thực, thiếu chân thành.
Con thương mến,
Hãy bắt tay vào đời sống một cách chân thành và thiết thực. Hãy làm những điều cần thiết, giản dị và cởi mở. Hãy lo cho mình, cho chồng con, cho cha mẹ, cho anh em một cách thiết thực với khả năng của mình, không buông trôi hờ hững cũng không làm quá sức mình, hoặc làm điều không cần thiết.
Thầy mong rằng con có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại bằng cách sống cởi mở chân thành, giản dị và thiết thực. Chúc con thành công.

Thân ái chào con.
Thầy.


Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 21
Tác giả: Viên Minh

Phiền não tức Bồ Đề


Thầy đã nói rất nhiều rằng không phải tránh khổ đau, phiền não, không phải tránh tranh chấp, ganh tị... ở đời. Làm sao con thoát được khi bản chất cuộc đời là như vậy? Thật ra chính nhờ những xô đẩy đó con mới biết cách tự điều chỉnh mình sao cho có thể tự tại giữa những được mất, hơn thua, thành bại, xấu tốt... 
...Con đừng sợ hãi phiền não, con không nghe người ta nói phiền não tức Bồ Đề sao? Phát tâm Bồ Đề tức là con dám đón nhận mọi ưu phiền của cuộc đời cho sự nghiệp giác ngộ...



                                                   
  Ngày ........ tháng ........ năm ........

DT con,

Cách đây khoảng một tuần, Thầy có viết thư cho con, nhân nghe D nói con bệnh. Hơn nữa lâu quá Thầy cũng trông thư con, muốn biết con đã tiến bộ ra sao?
Trước khi C vào, Thầy có trả lời con một lá thư, trong đó Thầy giải thích làm thế nào để nhiếp phục tâm sân hận, bằng cách tránh nó hay bằng cách nhìn thẳng vào nó. Không biết con đã nhận được chưa. Hay là thư đó của NT, nếu vậy con mượn NT để xem nhé. Bây giờ Thầy nói thêm một chút.
“Khi giận con cố giữ tâm bình thản hoặc niệm Phật với tâm thư thả hoặc buột miệng hát lên...” Đều là những cách né tránh thực tại. Né tránh cũng là một phương pháp tu trong trường hợp thích ứng. Vì vậy con có thể áp dụng nếu con muốn, miễn là thành công. Nhưng Thầy thích nhìn thẳng vào thực tại hơn, nghĩa là nhìn thẳng vào cơn giận.
Như Thầy đã nói, có hai cách tu tâm, một là chỉ, hai là quán. Chỉ là giữ tâm yên tịnh bằng cách tập trung tư tưởng vào một đối tượng nhất định, như niệm Phật, đếm hơi thở v.v... để giữ tâm không xao động. Hàng ngày lúc nào thuận tiện con có thể tập an chỉ tâm như vậy trong 5, 10 phút hoặc hơn tùy theo điều kiện của con.
Còn quán là soi chiếu tâm, phần nhiều là lúc nó khởi động. Như khi con giận là tâm khởi động, hãy chú tâm soi chiếu hành tướng của nó “đây là cơn giận phát sinh”... “đây là cơn giận hiện hành”... “đây là cơn giận lắng dịu”... “đây là cơn giận chấm dứt”... trong một vài niệm như vậy con sẽ thấy không còn đâu là giận cả, bây giờ chỉ còn lại hơi thở gấp, tim đập mạnh v.v... Đó chỉ là sự xáo trộn còn lại trên thân sau tâm sân hận chứ không phải là sân hận. Con có thể hít vào một hơi thật sâu, thở ra từ từ bằng miệng để điều hòa nhịp tim lại, trong năm ba hơi thở là xong. Đó là cách làm chủ thân tâm bằng soi chiếu, cùng với một vài phương tiện kỹ thuật giản đơn mà hiệu nghiệm.
Thầy đã nói rất nhiều rằng không phải tránh khổ đau, phiền não, không phải tránh tranh chấp, ganh tị... ở đời. Làm sao con thoát đ
ược khi bản chất cuộc đời là như vậy? Thật ra chính nhờ những xô đẩy đó con mới biết cách tự điều chỉnh mình sao cho có thể tự tại giữa những được mất, hơn thua, thành bại, xấu tốt... và biết bao những mâu thuẫn khác ở đời. Nếu không có những xô đẩy đó con sẽ trở thành yếu đuối không sao giác ngộ, giải thoát được.
Con bảo khi đọc thư Thầy thì đời có vẻ dễ sống, phiền muộn dễ quên, khó khăn dễ vượt. Coi chừng, con nói oan cho Thầy đó nghe. Thầy không bao giờ khuyên con quên phiền muộn, vượt khó khăn đâu. Thầy thường bảo con phải bình tĩnh đối diện với nó, học hỏi nó. Chỉ cần con đừng sợ hãi thì khó khăn, phiền muộn thế mấy cũng như không.
Thầy rất thông cảm với con khi con phải đương đầu với bao nhiêu phiền lụy của cuộc sống trên hành trình giác ngộ. Có những lúc con sợ hãi cô đơn. Ai cũng thế cho đến khi nào chưa đứng vững một mình. Nhưng bên cạnh con còn có Thầy và các bạn, sẵn sàng chia sẻ với con. Nếu Thầy để con một mình thì việc gì Thầy phải quan tâm hướng dẫn con. Chính con cũng thấy rằng luôn luôn vẫn có Thầy bên cạnh những khổ đau sợ hãi của con, tất nhiên không phải để làm vơi đi những khổ đau đó mà để giúp con có thêm lòng can đảm và giữ vững niềm tin mà “vác thập tự giá” của mình. Con đừng sợ hãi phiền não, con không nghe người ta nói phiền não tức Bồ Đề sao? Phát tâm Bồ Đề tức là con dám đón nhận mọi ưu phiền của cuộc đời cho sự nghiệp giác ngộ.
Con đừng có ý tưởng tự ti, cảm thấy mình yếu hèn, tội lỗi, không xứng đáng với Phật, không xứng đáng với Thầy. Con hãy dứt bỏ ý tưởng ấy đi. Lòng từ bi của Phật, tình thương yêu của Thầy không đủ lượng bao dung hay sao?
Tất nhiên con còn có những tình cảm, những ước vọng, những thôi thúc rất yếu đuối. Nhưng Thầy không bảo con phải thành thánh, phải tinh khiết, phải hoàn toàn. Thầy chỉ khuyên con nên lấy đó làm chất liệu cho sự giác ngộ mà thôi. Hãy cám ơn những thứ đó đã giúp con chất liệu trui rèn trí tuệ.
Con đừng tưởng Thầy là thánh, Thầy tinh khiết hoàn toàn. Không, Thầy cũng như con với tất cả cảm giác, tình cảm, ước vọng, thôi thúc của một con người. Thầy không cầu làm thánh, không cầu tinh khiết, không cầu hoàn hảo, Thầy chỉ làm người tỉnh giác trước sự bất toàn của đời sống.
Nếu đi con đường của Thầy, con không cần thêm gì, không cần bớt gì, không cần bỏ gì, không cần đạt gì, con chỉ cần giác ngộ. Nhưng giác ngộ là bản tính của con, con đâu cần phải tìm kiếm đâu xa:
Thấy như thực thấy 
 Nghe như thực nghe 
 Xúc như thực xúc 
 Biết như thực biết
là bản chất sẵn có nơi con. Cái gì làm cho không thấy được như thực, cái ấy là vọng. Cái gì giúp con thấy được như thực, cái ấy là chơn. Vậy con không cần tự ti, mặc cảm với cái này hoặc tự tôn, tự đại với cái kia. Cái gì cũng có giá trị khi nó là thực, khi nó được nhìn qua cái nhìn giác ngộ. Những gì con thấy là xấu xa, nó chỉ xấu xa khi mê, nhưng nó trở thành tốt đẹp khi giác ngộ.
Vậy con đừng tự ti, đừng sợ hãi, hãy chỉ giác ngộ mà thôi.

Chào con.
Thầy.

Tuyển Tập thư Thầy 
Thư số 17
Tác giả: Viên Minh

Biết rõ việc mình đang làm

Trong bài kinh Tứ niệm xứ, Bốn lãnh vực quán niệm, đức Phật có dạy cách thực tập như sau,“Khi đi, vị khất sĩ lại cũng ý thức rằng mình đang đi; khi đứng, ý thức rằng mình đang đứng; khi ngồi, ý thức rằng mình đang ngồi; khi nằm, ý thức rằng mình đang nằm. Bất cứ thân thể mình đang được sử dụng trong tư thế nào, vị ấy cũng ý thức được về tư thế ấy của thân thể…
    Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng biết rõ việc mình đang làm; khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi mặc áo, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm.”
    “Furthermore, when going forward and returning, he makes himself fully alert; when looking toward and looking away... when bending and extending his limbs...when carrying his outer cloak, his upper robe, and his bowl...when eating, drinking, chewing, and savoring...when urinating and defecating... when walking, standing, sitting, falling asleep, waking up, talking, and remaining silent, he makes himself fully alert.

Biết rõ việc mình đang làm
Trong đoạn kinh ấy, Phật dạy chúng ta hãy đem chánh niệm vào tất cả những việc mình làm trong đời sống hằng ngày.  Ngài không bỏ ra ngoài bất cứ một việc làm nhỏ nhặt nào hết, thận trọng và chú tâm mỗi khi làm một gì, dù có tầm thường đến đâu, “vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm”, he makes himself fully alert.
    Theo như lời dạy thì trong bất cứ một hoàn cảnh nào, dù có thể là ngay giữa những khó khăn hay khổ đau, chúng ta cũng vẫn có thể tu tập được.  Vì bất cứ một việc làm nào của ta cũng có thể giúp mình tiếp xúc được lại với sự kỳ diệu của sự sống.  Điều kiện giác ngộ đang có mặt ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm” mà thôi.
    Và có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, thật ra chúng ta đâu cần phải đợi chờ một hoàn cảnh thuận lợi, hay tìm kiếm một pháp môn đặc biệt nào, mà chỉ cần có mặt và thấy rõ những tư thế, phản ứng, cảm xúc, tâm ý của mình trong mỗi việc đang làm, ngay bất cứ nơi nào mà mình đang có mặt.

Ta có thể nào luôn biết được chăng?
Nhưng chúng ta có thể lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm” không, việc ấy có thể thực hiện được chăng?  Trong đoạn kinh trên, đức Phật kể ra tất cả những hành động bình thường trong đời sống hằng ngày.  Ngài không hề nói việc làm nào là quan trọng hơn việc nào, tất cả đều cần phải được biết rõ y như nhau.
    Có lần trong một buổi nói chuyện, tôi có chia sẻ về đoạn kinh trên với mọi người.  Sau đó, có một người bạn đến nói rằng, nếu như trong cuộc sống hằng ngày mà ta cứ phải liên tục chú ý đến mỗi hành động chi li của mình, thì việc ấy không thực tế chút nào, mà còn là chuyện bất khả thi nữa!
    Tôi nghĩ nhận xét của người bạn cũng có phần nào đúng, chúng ta khó có thể nào mà cứ liên tục chú tâm đến mọi việc xảy ra.  Nếu như “Ta” lúc nào cũng cứ phải chú tâm đến từng hành động, mỗi việc làm của mình, thì chắc chắn sẽ là mệt mỏi lắm.  Nhưng chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn lời Phật dạy về việc “biết rõ việc mình đang làm”,  với một cái nhìn rộng lớn hơn.
Với một thái độ buông thư và rộng mở
Các vị thiền sư thường hay nói về một cái tánh biết sẵn có.  Có lẽ là “Ta” sẽ không thể nào biết rõ hết mọi việc mình đang làm, nhưng “cái biết” tự nó có thể làm được việc đó. Khi ta biết để yên, thì cái biết của mình sẽ phát sinh lên tự nhiên thôi.  Những sự cố gắng thường mang lại cho ta khó khăn và trở ngại, vì đó là sự dụng công của một cái Tôi, cái Ngã.  Và thường khi hễ cái Ngã có mặt thì cái Biết sẽ vắng mặt.
    Ta không thể “biết rõ việc mình đang làm” bằng một sự dụng công hay gắng sức nào, nhưng chỉ có thể bằng một thái độ buông thư và rộng mở, cho phép tất cả có mặt, để thấy được những gì đang xảy ra.  Vì khi ta rộng mở ra, thì cái ngã của mình sẽ bớt đi năng lực kiểm soát của nó, và nhờ vậy mà cái biết của mình cũng sẽ khởi lên dễ dàng hơn trong giờ phút hiện tại.
    Bạn biết không, thật ra ta không thể nào bước vào giờ phút hiện tại được, bởi vì hiện tại lúc nào cũng đang hiện hữu.  Vấn đề khởi lên khi “Ta” cố gắng để có mặt trong giờ phút hiện tại này.  Cũng như một con cá thong dong giữa đại dương lại cố gắng trở về lại với nước, hay con chim đang bay trong không trung lại muốn tìm kiếm một bầu trời. 
    Nếu như ta bớt đi sự dụng công tìm kiếm của mình thì hiện tại chỉ là một sự trở về thôi.  Hiện tại đâu phải là một khoảng không gian hay thời gian đóng kín hay giới hạn nào, mà ta phải cố gắng mới có thể bước vào.  Chỉ cần biết buông thả ra thì hiện tại nhiệm mầu sẽ có mặt.
Chánh niệm và tỉnh giác
Tôi nhớ có lần nghe Thầy Viên Minh chia sẻ về hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác.  Chánh niệm và tỉnh giác là hai yếu tố khác nhau về tính chất và tác dụng, nhưng chúng lại bổ túc và hầu như luôn đi đôi với nhau như hai mặt của bàn tay.  Chánh niệm thuộc về định, và tỉnh giác thuộc về tuệ.  Chánh niệm giữ tâm trọn vẹn trên đối tượng, và tỉnh giác soi sáng đối tượng.  
    Ví như cây đèn pin, giữ yên hướng chiếu đúng trên đối tượng là chánh niệm, chiếu sáng để soi thấy đối tượng là tỉnh giác.  Nếu không giữ đủ vững ta sẽ không thấy, và nếu đèn không đủ sáng thì cũng không thấy.  Giữ không yên thì tâm chưa đủ định, nhưng giữ quá yên không di động được, thì bỏ mất đối tượng luôn chuyển động, như vậy là chánh niệm không đúng mức.
    Và tôi nghĩ, nếu như ta muốn lúc nào cũng “biết rõ việc mình đang làm”, chúng ta đừng nên cố gắng giữ quá chặc “cây đèn pin” ở một chỗ, mà nên buông thư và để cho nó vận dụng tự nhiên, được như vậy nó có thể soi sáng việc nào cần thiết.  Và vì vậy, “biết rõ việc mình đang làm” thật ra đòi hỏi nơi ta một sự buông thư tự nhiên, hơn là một sự dụng công mệt mỏi.
Buông bỏ ý muốn kiểm soát
Đoạn kinh trên kể lại hết tất cả mọi kinh nghiệm nào có mặt trong đời sống hằng ngày của mình. Dường như Phật có ý muốn khuyên ta đừng nên cố gắng kiểm soát bất cứ một việc gì đang khởi lên, mà chỉ cần “biết rõ” hết tất cả. 
    Và muốn “biết rõ” được tất cả, chúng ta cần phải có một thái độ tiếp nhận trong sáng, đừng có một ý riêng muốn thay đổi chúng khác hơn.  Ta không nắm giữ mà cũng không xua đuổi một kinh nghiệm nào, không mong cầu và cũng không chối bỏ một điều gì, chỉ thật sự có mặt trọn vẹn với tất cả.  Vì khi ta có ý định muốn kiểm soát hay thay đổi, cái thấy của ta sẽ bị lu mờ đi vì một cái Tôi muốn điều khiển của mình.
    Nhưng buông bỏ sự kiểm soát không có nghĩa là ta sẽ không còn cần phải làm gì hết.  Mà vấn đề là ta làm với một cái biết trong sáng và rộng mở, hay bằng một cái tôi muốn kiềm chế và nhỏ nhen.
    Trong đoạn kinh ấy có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, ta có thể đạt đến sự tỉnh giác trong khi làm những công việc thường ngày.  Ta vẫn có thể làm những gì cần làm với một thái độ trong sáng, và không bị điều khiển bởi bản ngã.
    Thường khi làm một việc gì, là ta có ý muốn thành tựu một mục tiêu nào đó.  Nhưng cũng vì ý muốn ấy mà ta có thể vô tình đánh mất đi thực tại trong lúc làm việc.  Như khipha một ly cà phê chẳng hạn, ý muốn và sự toan tính của ta về tách cà phê ấy có thể làm mất đi sự sống đang có mặt.  Hành động pha cà phê của ta cũng quan trọng y như sự thành tựu được chính ly cà phê ấy vậy.
Hạnh phúc là con đường
Ông A. J. Muste nói, There is no way to peace; peace is the way.  Ta không thể nào tách rời được con đường mình đi ra khỏi với lại nơi mình sẽ đến.  Trong công việc mình làm, bạn hãy cẩn thận và chú tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh ta, âm thanh của cốc cà phê đặt trên dĩa, hơi nước nóng, cảm giác an vui, ánh nắng và lá xanh bên ngoài khung cửa sổ… hãy cho phép sự sống có mặt ngay trong công việc mình làm.  Tách cà phê ngon đã có mặt từ giọt nước thơm trong đầu tiên.
    Chúng ta không hề đánh mất hiện tại hay xem thường tương lai, nếu như ta hoàn toàn sống và trãi nghiệm việc đang mình làm, chứ không chỉ chú trọng đến mục tiêu và nơi đến. Và khi ta ý thức rằng nơi đến không phải là mục tiêu duy nhất, con đường mình đi sẽ trở nên thênh thang và tốt đẹp hơn, và nếu như có việc gì bất ngờ xảy ra ta cũng sẽ giải quyết được chúng dễ dàng, vì không bị ràng buộc.
    Điều kiện giác ngộ đang có mặt ở mọi nơi chung quanh ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết rõ việc mình đang làm.”  Nhưng đó không phải là một sự dụng công hay cố gắng nào, mà chỉ là một sự rộng mở và buông xả thôi, vì đó là điều kiện cho một cái biết trong sáng có mặt. 
    Và được như vậy rồi thì đi vào nơi nào hay trở về từ đâu, ta cũng có một cơ hội để sống trong tỉnh giác, “when going forward and returning, he makes himself fully alert…”
Nguyễn Duy Nhiên

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Duy tuệ thị nghiệp



... bao tử cho ta sự sống, cuộc đời cho ta nụ cười trí tuệ, cho nên chỉ có trí tuệ mới thực là sự sống của con người: “Duy tuệ thị nghiệp”...


                                                               
Ngày ........ tháng ........ năm ........
Con,
Thư của con bị mưa ướt lem nhem hết, nhưng Thầy vẫn đọc ra, đọc còn dễ hơn mấy thư trước của con nữa đó, con biết tại sao không? Tại vì một lý do rất dễ hiểu là lần này có lẽ vì gấp nên con viết tự nhiên không nắn nót như trước. Đó, con thấy không, tự nhiên lúc nào cũng vẫn hay hơn phải không con?
Thầy rất thông cảm với cuộc chạy đua của con, và Thầy biết rằng chẳng bao lâu con sẽ trở nên một tay chạy đua bản lãnh. Bản lãnh không phải vì chạy mau hơn ai mà bản lãnh trong trí tuệ biết thế nào là một cuộc chạy đua: “chạy đua là như thế!”, “thành, bại, hơn, thua của một cuộc chạy đua là như thế!”... với một nụ cười mãi mãi trong tâm.
Hãyđam mê cuộc đời đến tận căn để, hãy khinh bỉ cuộc đời đến tận mây xanh. Đam mê và khinh bỉ phải cùng hiện hữu một lúc ở bất cứ đâu, không phải để chúng mâu thuẫn nhau, cũng không phải để chúng cân bằng với nhau, mà để chúng đem đến cho ta một nụ cười vô ngại!
Con ạ,
Cho Thầy gửi lời thăm những cơn mưa buốt giá mùa đông bên đường qua An Cựu hay phố vắng Đông Ba... Nơi mà ngày xưa Thầy đã gửi lại những ngày tháng vui buồn của thời thơ ấu.
Tất cả đều trôi qua dù là một cuộc vui hay một nỗi khổ, dù là một đêm Đông hay một ngày Hạ... Thầy cũng xin cám ơn tất cả. Vì tất cả đã dạy cho Thầy có một nụ cười. Hãy sống, không cần xót xa, không cần tiếc nuối, không cần hy vọng, với đôi bàn tay và trái tim mở rộng để đón nhận những ngày mới đến với ta và phất tay chào những ngày đã lùi vào dĩ vãng.
Sống cũng như việc làm của cái bao tử, thu nhận những món ăn nào đắng, cay, ngọt, mặn... biến chế, rồi cuối cùng bài tiết hết, nếu không bài tiết được bằng cách này hay cách khác để ứ đọng thì sinh bệnh. Chúng ta sống tiếp nhận một ngày với những vui, buồn, mừng, giận... Nhưng chỉ còn lại trong trí tuệ một nụ cười thôi, còn tất cả đều phải bài tiết vào dĩ vãng, nếu còn vướng mắc cái gì thì chắc là phải khổ. Như bao tử cho ta sự sống, cuộc đời cho ta nụ cười trí tuệ, cho nên chỉ có trí tuệ mới thực là sự sống của con người: “Duy tuệ thị nghiệp”.
Trí tuệ chính là tự tánh của con khi con có thể mỉm cười hồn nhiên với tất cả.
Con, Thầy định kể chuyện Sài Gòn cho con nghe, nhưng vì Sài Gòn cũng chẳng có gì để nói. Có lẽ nó cũng như Huế, nhưng thay vì ngoài đó lạnh, trong này nóng, ngoài đó yên lặng, trong này ồn ào, ngoài đó có sông Hương, trong này có bến Bạch đằng, nhưng không nơi đâu hấp dẫn bằng chính sự sống mà con đang chứng nghiệm, phải không con ?

Thân ái chào con.
Thầy.


Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 19
Tác giả: Viên Minh

P/S:

Hỏi: Thưa Thầy, Con nghe nói "Duy tuệ thị nghiệp" tức là lấy giác ngộ làm sự nghiệp. Vậy cho con hỏi: lập nghiệp như vậy lấy vốn liếng gì để đầu tư và đầu tư vào việc gì mới đúng?"
Trả lời: 

Lấy tánh biết làm vốn liếng để đầu tư vào tùy duyên thuận pháp, đó chính là lấy giác ngộ làm sự nghiệp (Duy tuệ thị nghiệp).

Nguồn: www.trungtamhotong.org

THIỀN ĐỊNH


...Thiền định phải hiểu và hành đúng mức bằng không sẽ là con dao hai lưỡi: một là thăng hoa thành diệu dụng, hai là dồn nén và sinh ra biến chứng tâm thần.
Thiền định là một mức sống tâm linh cao nhưng nó có nhiều hướng tùy theo người thực hiện nó... 


                                                                                                                             
Ngày ........ tháng ........ năm ........

H.C con,

Thầy đã nhận được thư con qua chị HN, và nhất là được xem một số hình con chụp chung với chị LT và các sư.
Rất tiếc là qua thư từ Thầy không làm được công việc của một nhà phân tâm học để giúp con giải tỏa một số stress do quá trình phấn đấu nội tâm của con gây ra. Nhưng Thầy nghĩ rằng quá trình sống đạo giữa cuộc đời phức tạp tất nhiên lúc đầu không sao tránh khỏi những khó khăn nhất định nào đó. Con có quyền vận dụng cách tu tập tùy ý miễn là phải tự tin, trầm tĩnh và sáng suốt.
Thầy nói tự tin là vì không nên sợ hãi khi thấy mình phải đối diện với những mâu thuẫn nội tâm. Mặc dù con người thì đều có bản năng, tình cảm, tính dục và mâu thuẫn dồn nén như nhau. Nhưng giữa chúng ta, những người sống đạo, với người không sống đạo khác xa nhau lắm. Một bên là mê mờ, một bên là tỉnh thức. Hãy tin vào sự tỉnh thức của mình như vị Thầy dẫn đường luôn luôn có mặt bên ta. Sở dĩ những người bạn của con đang bị biến chứng của dồn nén là vì họ chỉ sống với bản năng, tình cảm, ý chí và lý trí mà chưa bao giờ tỉnh thức, chưa bao giờ thắp lên ngọn đuốc của trí tuệ để soi sáng chính mình. Chúng ta cũng như họ thôi, nhưng nếu chúng ta thắp sáng chính mình thì không phải là biến chứng của dồn nén mà lại là giác ngộ giải thoát và diệu dụng đấy con ạ.
Thế tại sao con phải sợ. Một vị thiền sư nói rằng “Đừng sợ vọng khởi chỉ sợ không giác kịp”, nghĩa là chỉ sợ không sáng suốt, tỉnh giác mà thôi. Con đừng nghĩ rằng Thầy có một phương pháp phi thường nào đó đầy bí ẩn hay rất phức tạp khó khăn để trở thành một con người siêu việt, chung qui pháp hành hàng ngày của Thầy chỉ là sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong mọi sinh hoạt của đời sống từ ngoại giới đến nội tâm, từ hành động đến ý nghĩ để không tự mình nhận chìm mình vào trong thế giới huyễn hóa do mình tạo ra.
Con thích thiền định? đó là một ý hướng tốt nhưng cũng có thể là một trong những mâu thuẫn đưa đến dồn nén của con hiện nay. Thiền định phải hiểu và hành đúng mức bằng không sẽ là con dao hai lưỡi: một là thăng hoa thành diệu dụng, hai là dồn nén và sinh ra biến chứng tâm thần.
Thiền định là một mức sống tâm linh cao nhưng nó có nhiều hướng tùy theo người thực hiện nó. Nói chung có ba hướng (mục đích):
- Để giữ gìn sức khỏe (như hattha yoga, thiền dưỡng sinh, luyện đan, khí công v.v...)
- Để đạt được một số trạng thái tâm linh: hỷ lạc, xuất thần v.v... (như ràja yoga, tu tiên, thiền xuất hồn...)
- Để đạt được một số khả năng, pháp thuật, hoặc thần thông (như một số phái thiền của Mật tông, chú thuật, thôi miên v.v...)
Những mục đích trên dù tốt hay xấu cũng không phải là mục đích chân chính của Đạo Phật. Vì vậy mà Thiền tông đã loại thiền định ra ngoài xem đó như đá đè cỏ, hoặc mài gạch thành gương, không bao giờ thấy tánh.
Nhưng Đức Phật vì hiểu rất rõ tính chất của thiền định nên Ngài không loại trừ nó. Ngài chỉ cảnh giác rằng đừng quá đam mê, đắm chìm trong đó mà thôi. Ngài vẫn đặt nó vào trình tự của đạo vì đối với Ngài phương tiện này nếu khéo sử dụng vào mục đích chân chính sẽ là lợi ích lớn cho hành trình giác ngộ giải thoát.
Thiền định trong Đạo Phật không chấp nhận ba mục đích nêu trên nhưng xem đó như là kết quả phụ tùy. Chánh định có ba mục đích khác :
1) Làm lắng dịu và hóa giải những vọng động che lấp tâm khiến tâm mê mờ, mất khả năng và khó sử dụng. Đây là yếu tố Chánh Tinh Tấn trong thiền định.
2) Trở về chính mình, không hướng ngoại, không để ngoại cảnh lôi cuốn và chi phối. Đây là yếu tố Chánh niệm trong thiền định, thường đi đôi với tỉnh giác.
3) An chỉ nhất tâm, giải thoát khỏi ngũ dục (sắc định) hoặc giải thoát khỏi sắc tưởng (vô sắc định) nhờ vậy tâm được buông xả, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, ổn định và kiên cố.
Sở dĩ chúng ta bị phiền não, khổ đau, căng thẳng, dồn nén là do tâm bị lôi cuốn ra ngoài quá nhiều (thất niệm), sinh ra phóng dật, vọng động (thiếu tinh tấn), không giữ được quân bình thư thái, an ổn (thiếu định). Vì vậy thiền định trước tiên là trở về với chính mình (chánh niệm), thắp sáng chính mình (tỉnh giác), để phát hiện sự sinh diệt của các vọng động (5 triền cái), chế ngự, ổn định chúng (tinh tấn) và an chỉ ở đó (chánh định). Khi người ta có tham vọng tập trung tư tưởng vào một đối tượng nào đó với mục đích đạt được một sở đắc thì đó chỉ là một hình thức khác của tham lam, muốn được an lạc, chạy trốn đau khổ, hoặc muốn có một uy lực siêu việt, và như thế chỉ tạo mâu thuẫn và dồn nén, có thể thay đổi bộ mặt nhưng không thay đổi bản chất của tính dục. Vì vậy bước đầu dùng tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác để khám phá ra tánh tướng (bản chất và hiện tượng) của các vọng động (triền cái) hay nói theo phân tâm học là các khuynh hướng của tính dục, tức là ta làm được công việchữu thực hóa vô thức mà các nhà phân tâm học dùng để chữa trị các chứng bệnh tâm thần do sự mâu thuẫn dồn nén giữa các khuynh hướng tính dục mang lại. Như vậy thiền định đúng là cách tốt nhất để hóa giải và thăng hoa các dồn nén, ngăn ngừa tiến trình vô thức hóa của ẩn ức.
Con hãy tự chiêm nghiệm (lắng nghe, soi chiếu) sự sinh diệt của các vọng động che lấp tâm dưới 5 hình thức:
1. Tham dục: tâm ham muốn, đam mê, đuổi bắt sắc tướng, âm thanh, mùi vị và sự xúc chạm của thân tạo ra cảm thọ lạc.
2. Sân nhuế: tâm bất mãn, bực bội, bứt rứt, nôn nóng đối với những cảm thọ khổ.
3. Hôn trầm thụy miên: tâm thụ động, thiếu hăng hái, không quyết tâm, không chịu khởi tâm hướng đến hành xứ (đề mục, đối tượng hay công án thiền), lơ đểnh hoặc quên lãng hành xứ, xuất hiện rõ nét nhất là buồn ngủ, dã dượi, uể oải, tiêu cực.
4. Trạo hối: tâm nghĩ tưởng (suy nghĩ và tưởng tượng) quá khứ, vị lai, phóng ngoại, quá phấn khích. Nếu tham dục phóng ngoại trên các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc thì trạo hối chạy theo pháp trần (hồi tưởng quá khứ, tưởng tượng tương lai, ý tượng, ý niệm, tư tưởng và sự hối tiếc). Nếu như hôn trầm thụy miên là thụ động tiêu cực, thì trạo hối lại quá tích cực dao động. Vì vậy nó chính là tâm viên ý mã.
5. Nghi: tâm không yên, hoang mang, bất định, phân vân, thiếu xác tín, thiếu trầm ổn, không biết an trú nơi đâu.
Khi bắt đầu thiền định con chọn một hành xứ (đề mục) nên chọn một hành xứ trên chính mình, chẳng hạn hơi thở. Con ngồi ngay ngắn nhưng thư giãn, thoải mái, buông xả nghỉ ngơi hoàn toàn, giống như khi con làm xong một việc gì, tự cho phép mình buông xả nghỉ ngơi thoải mái vậy. Khi thấy thân tâm đã thư giãn thoải mái, con bắt đầu hướng tâm đến hơi thở (từ chuyên môn gọi là tầm), kèm theo một sự chú tâm, gắn bó vào hơi thở như là đối tượng độc nhất (thuật ngữ thiền gọi là tứ). Con để ý sẽ thấy nếu tầm được khởi đúng mức thì không có hôn trầm thụy miên, như vậy hôn trầm thụy miên đã được hóa giải, thăng hoa thành một chi thiền. Nếu tứ được khởi đúng mức thì tâm duy trì, đứng vững trên đối tượng (hành xứ) và nghi đã được hóa giải, thăng hoa thành chi thiền thứ hai. Nếu hai chi thiền tầm và tứ được ổn định thì liền phát sinh một số trạng thái hỷ như nổi ốc khắp toàn thân, nhẹ nhàng như bay lơ lửng, cảm thấy lắc lư rất đều đặn như đưa võng hoặc ngồi trên thuyền, cảm thấy mát lạnh dễ chịu như khi nóng mà được trầm mình trong nước, thấy ánh sáng trước mặt hoặc bao quanh mình. Nếu có những trạng thái khác những trạng thái trên, chẳng hạn thấy một cảnh tượng đẹp đẽ hoặc ghê rợn là không đúng. Cảm thọ hỷ phải là những phản ứng trên thân do ly dục hoặc do định tâm đem lại. Nếu không chỉ có thể là:
1. Ảo tưởng hoặc ảo giác đối với người quá tham vọng và giàu tưởng tượng.
2. Một hình thức chiêm bao xuất hiện từ vô thức do dồn nén.
3. Một lực tác động từ bên ngoài đối với người mê tín ( người ta gọi nôm na là điển nhập).
Thiền định phải loại bỏ 3 loại ấn chứng giả này, nếu không có thể đưa đến bệnh tâm thần hoặc là thiền bệnh.
Khi ấn chứng hỷ đúng đắn phát sinh thì sân nhuế được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ ba. Nó giúp cho hành giả hưởng được hỷ duyệt của thiền định và duy trì thiền định lâu dài không chán nản, không khó chịu như lúc đầu.
Dần dần lắng dịu và đi đến một trạng thái an lạc thư thái, hành giả cảm thấy như khi đói mà được một món ăn vừa ý, thỏa mãn, no đủ. Hỷ (piti) khác với lạc (sukha): một bên có cảm thọ mạnh làm cho thân tâm phấn chấn, một bên có cảm thọ khinh nhu làm cho thân tâm lắng dịu để bước vào ổn định. Khi ấn chứng an lạc này phát sinh thì trạo cử được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ tư, tâm không dao động (trạo hối) nữa.
An lạc làm lắng dịu tâm và đưa vào ổn định, lúc đó trạng thái nhất tâm, kiên định và cảm thọ quân bình (xả) phát sinh, tâm được hoàn toàn an chỉ. Khi định xả phát sinh thì tham dục được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ năm.
Như vậy với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, con có thể thực hiện được ba mục đích của thiền định: sáng suốt trở về với chính mình để thấy rõ sự sinh diệt của các triền cái, hóa giải các triền cái, và thăng hoa thành các thiền chi (yếu tố của tâm định). Định như vậy mới phát sinh trí tuệ, mới được đặt vào trình tự của con đường giác ngộ giải thoát.
Có một trường hợp hành giả có thể lấy tâm không làm hành xứ (tâm không là trạng thái tâm sáng suốt định tĩnh trong lành chứ không phải vô tâm trống rỗng), ngồi buông xả hoàn toàn không nghĩ ngợi gì cả, không chú tâm vào một đề mục hữu tướng nào (nhưng thật ra có chú tâm vào tâm không). Thiền như vậy nếu trình độ tâm và tuệ đã cao thì hay, nhưng nếu tâm và tuệ còn kém thì sẽ rơi vào một thiền bệnh khá nguy hiểm là trầm không trệ tịch, tức bị kẹt vào không, chấp không, tưởng vô tâm trống rỗng là cứu cánh, vì vậy mà một số vị Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử phải cảnh cáo: “Mạc vị vô tâm vân thị đạo, vô tâm do cách nhất trùng quan” (đừng bảo vô tâm là chính đạo, vô tâm còn cách một ngăn rào). Có người đạt được vô tâm tưởng là kiến tánh lại càng là thiền bệnh nặng hơn. Cho nên các thiền sư phải cảnh cáo “thức đắc bổn tâm bổn tánh, chính thị tông môn đại bịnh” (thấy mình đã đạt bổn tâm bổn tánh chính là đại bịnh của thiền).
Tốt hơn con không nên lấy đề mục tâm không làm hành xứ trừ phi con dùng nó như một lối thư giãn nghỉ ngơi (relaxation) thì được. Còn thiền định thì nên lấy hơi thở làm hành xứ là tốt nhất, nhớ là chỉ theo dõi hơi thở tự nhiên, không cố gắng điều khiển hơi thở như yoga, khí công gì cả. Và nhớ đừng vẽ vời thêm bất cứ gì bên cạnh hơi thở gần gũi và giản dị của mình.
Nếu ứng dụng những yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác và chánh định thì con nên thực hiện thế này:
1) Lúc động, tức lúc sinh hoạt bình thường: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nhiều hơn, định ít hơn.
2) Lúc tịnh, tức lúc có điều kiện ngồi thiền thì chánh niệm, tỉnh giác, định nhiều hơn, tinh tấn ít hơn.
Tuy nhiên nếu không đủ điều kiện thì không nên cố gắng định tâm một cách gượng gạo, đừng dùng ý chí quá nhiều. Tốt hơn chỉ nên ngồi dưỡng thần (nhưng cũng phải đúng theo nguyên tắc thiền định nói trên).
Kiểm tra thành quả con đừng y cứ trên sở đắc những trạng thái mà chỉ nên xem lại:
- Đã thấy rõ và chủ động được 5 triền cái và 5 thiền chi chưa?
- Có lìa bớt những lôi cuốn, ràng buộc, đam mê trong 5 trần (ngoại cảnh) không?
- Có đoạn giảm được các ác pháp như tham, sân, si, ngã mạn, ích kỷ, tà kiến không?
- Có thấy được các diễn biến sinh diệt trong tiến trình tâm - sinh - vật lý không?
Bởi vì con nhớ rằng chữ Thiền (Jhàna) có nghĩa là soi sáng hay đốt cháy phiền não; là ly huyễn, là nhật tổn (càng ngày càng bớt ngã chấp và bất thiện pháp) chứ không phải là “tôi đã được trạng thái này, tôi đã đắc trạng thái kia” để làm giàu cho bản ngã, để thỏa mãn tham vọng của tính dục.
Nếu trong khi hành có biến chuyển gì con nên cho Thầy biết sớm. Chúc con an vui.
Thân ái chào con.

Thầy.

Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 30
Tác giả: Viên Minh



THIỀN MẶC CHIẾU

Mặc chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không-phương-pháp, trong đó học nhân buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một cách trực tiếp. Để thực hành mặc chiếu, hãy buông bỏ tất cả mọi việc bận rộn, mọi niệm phân biệt, và hãy tỉnh thức một cách trong trẻo lặng lẽ, chấp nhận tất cả mọi chuyện một cách đầy đủ, [cứ để] y hệt như chúng là chúng. Đừng mong đợi theo bất cứ gì, cũng đừng trụ tâm vào bất cứ gì. Hãy đơn giản để cho tâm tỉnh thức một cách tự nhiên của bạn đón nhận mọi thứ, y hệt như chúng là chúng. Đó là sự tĩnh lặng và chiếu sáng tự nhiên của Thiền. Khi có sự phân biệt và dính mắc, thì sự tĩnh lặng và chiếu sáng kỳ diệu đó bị ngăn che. Tâm vốn là bất động và vắng lặng, một cách tự nhiên, và cùng lúc đó thì tâm lại có khả năng biết một cách tròn đầy. Không cần ra sức để đánh bóng nó, hay làm nó chiếu sáng, bởi vì nó vẫn là như thế đó. Về nguyên tắc, mặc chiếu rất là đơn giản. Nhưng, bởi vì chúng ta quá phức tạp, nó trở thành một pháp môn khó khăn để tu tập. Các trở ngại lớn nhất khởi lên từ chỗ làm quá nhiều. Bởi vì tất cả chúng ta có khuynh hướng làm quá nhiều – ngay cả trong thiền định – chúng ta có thể cần phải trải qua các tu tập tư lương sơ khởi, và rồi sẽ gỡ bỏ hết [mọi pháp tu] trước khi chúng ta đơn sơ đủ để dùng tới mặc chiếu một cách hiệu qủa.
Ngài Hoằng Trí Chánh Giác (Hung-chih Cheng-chueh) dạy rằng thân nên ngồi một cách tĩnh lặng, và tâm nên mở ra tòan diện nhưng bất động. Xuyên qua pháp môn này, học nhân làm trong sạch tâm cho tới khi đạt được “sự trong trẻo của một hồ nước mùa thu và sáng y hệt như mặt trăng chiếu sáng trên bầu trời mùa thu.” Ngài chỉ dạy thêm nữa rằng, “Trong pháp ngồi lặng lẽ này, dù bất cứ cảnh nào xuất hiện thì tâm cũng rất là trong trẻo cho tới tòan bộ các chi tiết, nhưng mọi thứ thì tự là nơi nó nguyên thủy là, trong nơi chốn riêng của chúng. Tâm vẫn ở trong một niệm dài mười ngàn năm, nhưng không trụ vào bất kỳ hình tướng nào, bên trong hay bên ngòai.” (Hung-chih ch’an-shih kuang lu, T48)
Trong pháp môn mặc chiếu, chúng ta nói rằng bạn không nên sử dụng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý. Nếu bạn thấy niệm của bạn trụ vào, một cách cố ý, các cảnh [đối tượng] của việc thấy, nghe, ngửi, nếm, hay cảm thọ bất cứ thứ gì, bạn nên buông xả hết. Nhưng ngay cả thế vẫn chưa đủ. Bạn không nên dùng cái tâm lăng xăng của bạn tí nào. Bạn nên buông xả luôn mọi phân biệt, mọi mong đợi và nuối tiếc, mọi điều ưa thích và chán ghét, mọi tham vọng và mục tiêu. Bạn nên buông ngay cả cái ý nghĩ về “buông xả” nữa. Đừng nghĩ về bạn như một chúng sinh chưa giác ngộ đời thường, cũng đừng nghĩ rằng bạn phải gột rửa hết mọi phiền não và tận lực lo thành Phật. Không nên có một niệm nào về giác ngộ, không niệm nào về Thiền, không niệm nào về thành tựu hay đắc ngộ gì. Không ngay cả một niệm về nỗ lực tu tập “vô niệm” (not- thinking). Sự “lặng lẽ” trong mặc chiếu không phải là thứ lặng lẽ của đè nén hay lặng lẽ cố ý, nhưng chỉ đơn giản là buông xả và để cho mọi chuyện tự an nghỉ, để chúng là như chúng là. Chúng ta chỉ đơn giản buông xả các nỗi lo lắng trong tâm, mọi vạn duyên ràng buộc, và để tâm an hòa, xa lìa các niệm, trong chỗ không có gì để làm. Thọat tiên, điều này sẽ khó khăn. Nhưng khi bạn thiền tập sâu thêm, sự tĩnh lặng này trở thành một sự tĩnh lặng sâu thẳm, trong đó mọi phân biệt biến mất đi, và sẽ không có khác biệt nào giữa sự tĩnh lặng và sự năng động kỳ diệu. Người nào kinh nghiệm được sự tĩnh lặng thâm sâu thì sẽ cảm thấy như dường cỏ dại mọc ra từ hai mắt của mình, như dường đá tảng chặn hết hai tai của mình, như dường rêu mọc trên lưỡi mình – tất cả mọi việc chúng sinh bận rộn phức tạp đã biến mất từ lâu, để thiên nhiên hoang dại chiếm ngập cả rồi.
So sánh như thế không có nghĩa là nói rằng các cảm thọ không còn họat dụng nữa, rằng mắt không còn thấy, rằng lưỡi thì bất động, và rằng tai bịt hết mọi âm thanh. Nếu có chuyện như thế, thì sự tĩnh lặng trong cách tu mặc chiếu của bạn sẽ không phải là sự tĩnh lặng thâm sâu, vì tâm sẽ vẫn còn hiện ra một hình ảnh của sự im lặng và tận lực tránh né các họat động. Đó không phải sự vắng lặng hòan tòan cả tâm và thân được chỉ ra bởi sự so sánh trên. Trong sự đơn giản và vắng lặng thâm sâu – với tuyệt nhiên không có gì để làm – bạn không phải mất ý thức, nhưng thực ra thì bạn hiện hữu một cách tòan diện và tinh tế. Không có một niệm thứ nhì, tất cả mọi vật đều hiển lộ trong bạn, và [hiển lộ] bạn trong tất cả mọi vật.
Bạn có thể thắc mắc, làm cách nào một thiền gia đang trải qua kinh nghiệm sự tĩnh lặng thâm sâu này có gì khác hơn một vật vô tình, thí dụ như một khúc gỗ. Nó như là rằng, sẽ không có sự tỉnh thức hữu tâm nào hay là sự họat động nào. Tuy nhiên, có một dị biệt căn bản giữa sự tĩnh lặng thâm sâu của mặc chiếu, và sự lặng lẽ im im của sự không biết; và để chỉ ra dị biệt này, chúng ta đã đặt chữ “chiếu” (chao) sau chữ “mặc” (mo). Thực ra, sự tĩnh lặng không xa rời khỏi sự chiếu sáng, và sự chiếu sáng [không xa] khỏi sự tĩnh lặng. Chúng là một và là cùng một thứ. Ngay cả trứơc khi mọi niệm, và mọi liên hệ tâm thức được đặt xuống để an nghỉ, cái biết đã rất là cực kỳ trực tiếp, tinh tế, và sắc bén. Nói cách khác, cái tánh biết chiếu sáng xuất hiện không xa lìa khỏi cái tĩnh lặng thâm sâu.
Tại sao lại thế? Khi tâm đã lắng xuống và an tỉnh, các niệm phân biệt biến mất; khi niệm phân biệt biến mất, thì cũng biến mất luôn các hạn chế khả nghiệm của quá khứ, hiện tại và tương lai, của trong và ngòai, của cái này và cái kia, của ta và người khác. Với không còn một chỉ số nào để ghi dấu mốc sự trôi qua, thế là thời gian không có thể hiện hữu nữa. Tương tự, với không còn một biên giới lăng xăng nào giữa cái ta và người khác, giữa cái này và cái nọ, nên sẽ không còn hạn chế nào hay hệ quy chiếu nào để định nghĩa không gian nữa; do vậy việc lập biên giới không gian cũng không còn hiện hữu nữa. Cái tánh biết chiếu sáng của mặc chiếu không bị hạn chế bởi bất cứ thứ gì, bởi vì không có niệm nào về “cái tôi” hay bất cứ dính mắc nào các hình tướng, mà các hình tứơng này sẽ cách biệt tâm và môi trường. Tâm của bạn thì y hệt như một tấm gương không biên giới, mà, cho dù chính nó bất động, gương này phản chiếu mọi thứ, hệt như nó là. Không có chi tiết nào bị lọai trừ ra; không có gì bị ngăn che lại. Tấm gương và thế giới nó phản chiếu thì hòa vào nhau một cách tòan hảo như là bất khả tách biệt.
Ngài Hoằng Trí Chánh Giác so sánh trạng thái này như mặt hồ mùa thu, hay bầu trời mùa thu. Với khí trời mát và khô của mùa thu, hồ nước lắng đọng, trở thành rất mực tĩnh lặng và trong trẻo, tới nổi bạn có thể thấy cá lơ lửng dưới các chiều sâu; bầu trời thì rất cao và quang đãng tới nổi bạn có thể thấy các cánh chim bay dịu dàng trên bầu trời xanh. Ngài cũng so sánh nó với mặt trăng mùa thu, chiếu sáng trong trẻo và cao tới nổi mọi thứ dưới đất được chiếu sáng bởi ánh trăng dịu và mát.
Trong một số phương diện, mặc chiếu, với dị biệt giữa tĩnh lặng và chiếu sáng, giữa lặng lẽ và quan sát, thì gợi lại pháp môn Phật Giáo kinh điển về Chỉ Quán, đặc biệt như được công thức hóa bởi trường phái Thiên Thai Tông của Trung Quốc. Nhà sư Trí Khải (538-597) của Thiên Thai Tông viết trong cuốn Đại Chỉ Quán của sư như sau:
Học nhân hãy trọn lòng tin rằng tâm này chính nó là Pháp Tánh. Khi niệm khởi lên, thì đó chỉ là Pháp Tánh khởi lên. Khi niệm diệt đi, thì đó chỉ là Pháp Tánh biến đi… Trở về tận gốc, trở lại về nguồn, Pháp Tánh tự nó là sự tĩnh lặng tòan diện. Điều này gọi là “chỉ” (an định). Khi tu pháp Chỉ như cách này, tất cả hành vi niệm tưởng trứơc đó đều ngừng lại. Trong pháp tu Quán, hãy quán tưởng rằng, nguyên khởi, tâm vô minh thì đồng nhất với Pháp Tánh. Do vậy, nơi tận gốc của nó, nó là sự rỗng vắng tận nền tảng. Tòan bộ các hành vi thiện và ác khởi lên từ niệm mê vọng thì y hệt như không gian rỗng vắng. Hai pháp tu này thì tuyệt nhiên không hai. Chúng không dị biệt nhau gì cả.
Trong các hệ thống Phật Giáo Ấn Độ cổ điển, chỉ (samatha) và quán (vipasyana) thường được tu tập riêng biệt nhau. Thí dụ, kỹ thuật như ngũ đình tâm quán (năm phương pháp làm tâm tĩnh lặng) hay là pháp quán tưởng các đĩa màu có tên là kasinas có thể được sử dụng lúc đầu để đạt sự tĩnh lặng sâu và nhập định. Một khi định lực đã có được, thì phương pháp quán có thể áp dụng, như pháp tứ niệm xứ. Xuyên qua pháp sau này [tứ niệm xứ], tuệ giải thóat được phát triển. Dần dần, sau khi sức định sâu hơn, và tuệ giác bén hơn, các chức năng này hòa vào nhau và giác ngộ sâu thẳm xảy ra. Trong Đại Thừa, điều này gọi là “chánh định, xa lìa vọng tưởng” hay là “tối thượng tam muội” (the most supreme of supra- mundane samadhis). Thành tựu như thế chỉ tới từ một sự giác ngộ tòan triệt, thâm sâu, không phải các kinh nghiệm tiểu ngộ ngắn hạn có ảnh hưởng hạn chế. Mặc dù đường đi tới pháp chánh định này thì lâu dài và chậm, nhưng một khi đạt được, thì nó không bao giờ lặn mất. Chánh định này liên tục hiển lộ trong bạn, và xuyên qua sức mạnh của trí tuệ và năng lực sinh khởi từ chánh định này, bạn có thể làm việc như một tâm nguyện bồ tát để giúp chúng sinh khác.
Mặc dù chúng ta đã phân biệt hai phương diện của mặc chiếu nhằm làm sáng tỏ pháp tu này, nhưng thực tế lại không chính xác khi xem mặc và chiếu như hai cái riêng biệt. Vì nếu làm thế, thì đã diễn dịch sai pháp tu đúng của mặc chiếu, cũng như là con đường đốn ngộ của Thiền. Để khởi sự, tỉnh lặng và chiếu sáng thì không thể tách rời nhau, và phải hiện hữu đồng thời: Trong cái chiếu chân thật, bạn đã buông hết việc dính mắc theo các niệm và cảm thọ, và một cách trực tiếp đón nhận vạn pháp, do vậy một cách đồng thời đưa tâm về chỗ tỉnh lặng hòan tòan. Rồi, một lần nữa, trong cái tỉnh lặng và làm an hết các niệm, thì những dính mắc vào các đối tượng và hình tướng đặc biệt đều sẽ biến mất, và tánh biết hiện ra chiếu sáng vạn pháp một cách phổ quát mà không bị ngăn che. Do vậy, bạn luôn luôn mặc và chiếu một cách đồng thời, trong một và cùng khỏanh khắc đó của cái biết.
Sẽ nhầm lẫn khi nghĩ rằng bạn trước tiên phải thiết lập bình an nội tâm, và chỉ lúc đó, mới ứng dụng cái tỉnh biết mở ngõ. Khi tâm trở nên sáng rõ hơn, nó trở thành rỗng hơn và lặng hơn, và khi nó trở thành rỗng hơn và lặng hơn, thì nó sáng rõ hơn. Khi bạn càng quên đi các nỗ lực giả tạo trong việc bồi đắp sự tỉnh lặng và sự chiếu sáng, thì tâm càng trở thành tỉnh lặng hơn và chiếu sáng hơn. Nhưng một điểm cũng cốt tủy tương đương để ghi nhớ về mặc chiếu lại là, theo Thiền Tông, tâm trong tự tánh đã sẵn tỉnh lặng, rỗng vắng và chiếu sáng. Nó không cần bồi đắp tí nào. Khi càng ra sức nỗ lực ngăn niệm, hay cố gắng làm sáng tâm hơn, thì chỉ chồng chất thêm mê vọng lên trên mê vọng. Nếu có bất cứ kiểu nào gọi là tu tập “một kỹ thuật” về mặc chiếu, thì nó lại không phải mặc chiếu chút nào, nhưng chỉ là dính mắc và phân biệt mạnh mẽ thôi. Đây là thông điệp chân thực của Thiền Tông về mặc chiếu: Nó là một phương pháp không phương pháp. Trong mặc chiếu, nhân (tu tập) và quả (giác ngộ) trong tận cùng thì không hề tách rời nhau.
Khái niệm và pháp tu mặc chiếu được mô tả khá rõ bởi hai dòng trong Kinh Kim Cương:
Hãy để tâm này sinh khởi: không trụ [tâm] vào bất cứ gì.
Trong tu tập mặc chiếu, bạn sẽ không nắm lấy hay trụ vào bất cứ phương diện nào của thân, tâm, hay môi trường (cảnh). Do vậy, như kinh nói, bạn chỉ đơn giản “không trụ vào bất cứ gì hết.” Nếu bạn chỉ riêng nhấn mạnh phương diện này, bạn có thể làm tâm bình lặng, và vào các tầng định tâm được mô tả trong truyền thống Nam Tông. Trong các trạng thái này, có sự tỉnh lặng sâu thẳm, nhưng lại rất ít hay không có sự chiếu sáng, vì tâm vẫn còn bị buộc vào một hình tướng cụ thể – tức là, sự tỉnh lặng (stillness) và sự vô tướng (formlessness). Khả năng của nó để chiếu sáng một cách phổ quát, hoặc khả năng biết về vạn pháp lại bị ngăn che bởi sự dính mắc vào niệm về tánh không. Trong mặc chiếu chân thực, có sự chiếu sáng thêm vào sự tỉnh lặng, một cách chính xác bởi vì tâm không an trú vào bất kỳ niệm nào về sự tỉnh lặng hay về tánh không. Thiền gia phải buông bỏ cả mọi khái niệm về nắm lấy và về không nắm lấy, về buông xả và về không buông xả: đây mới là “vô trụ” chân thực. Vô trụ không dính gì tới chuyện [các căn] bỏ chạy hay cách ly với môi trừơng [cảnh]. Nó có nghĩa là buông xả dính mắc thiên lệch, và thấy không ngăn ngại thẳng vào các vật, và đón nhận cái tòan thể, để cho bạn tỉnh biết về vạn pháp, cả trong và ngòai, y hệt như nó đang là. Vì lý do này, kinh viết, “Hãy cứ để cho tâm sinh khởi và năng động.”
Ngài Huệ Năng đưa ra một giải thích về pháp tu này và quan hệ của nó với Thiền trong Kinh Pháp Bảo Đàn:
“Kẻ mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam muội, cứ nói ngồi yên chẳng động, vọng chẳng khởi nơi tâm tức là nhất hạnh tam muội; kiến giải như vậy đồng với vô tình, đó là nhân duyên chướng đạo. Thiện tri thức, đạo cần phải linh động, chớ nên làm cho ngăn trệ. Tâm chẳng trụ pháp thì đạo được linh động, tâm nếu trụ pháp, gọi là tự trói.” (Phẩm Định Huệ. Theo bản dịch Kinh Pháp Bảo Đàn của cố Hòa Thượng Duy Lực.)
Vào các thời kỳ đầu của pháp môn mặc chiếu, việc buông xả và chiếu sáng này là một niệm, một pháp tu tập đầy nỗ lực và ý thức – mà pháp tu tập này được sinh khởi từ khả năng phân biệt của tâm. Do vậy, người tu nương vào nó, và thực tập với các mong đợi, y hệt như bất kỳ niệm mê vọng nào. Nhưng khi pháp tu thuần thục được, thì niệm về pháp tu này biến mất. Khi chúng ta thực sự trở thành chính chúng ta, và pháp môn của không-pháp-môn thực sự trở thành không còn phương pháp nào hết, thì đó là mặc và chiếu chân thực. Tâm không còn dao động hay phân biệt nữa, và mặc chiếu trở thành tỉnh lặng và chiếu sáng. Đây là Thiền.

Thiền Sư Thánh Nghiêm
Cư sĩ Nguyên Giác biên dịch

Trích dịch một phần từ cuốn Hoofprint of the Ox (Dấu Chân Trâu) của Thiền Sư Thánh Nghiêm (Sheng Yen), dựa theo bản Anh dịch của GS Dan Stevenson. Thầy Thánh Nghiêm nối pháp từ cả hai dòng Lâm Tế và Tào Động, chuyên hoằng pháp Thiền Tông với cả hai truyền thống này, có ảnh hưởng lớn ở nhiều nứơc. Năm 2000, thiền sư là một trong các diễn giả chính trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Tôn Giáo Thiên Niên Kỷ tổ chức ở Liên Hiệp Quốc. Thầy thường mở các thiền thất dài 7 ngày ở các nước, đôi khi mở các thiền thất dài 49 ngày. Tuy chuyên dạy về Thiền Thọai Đầu và Thiền Mặc Chiếu, Thiền Sư Thánh Nghiêm lại là một giảng sư uyên bác, đa dạng và cũng là một luận sư của Tịnh Độ Tông.
        

Sinh năm 1931 ở Thượng Hải, thầy đi tu từ năm 13 tuổi ở Chùa Quảng Giáo (Guang Jiao), sau đó vào Phật Học Viện ở Tu Viện Tịnh An (Ching-an), Thượng Hải, được ảnh hưởng từ Thiền Sư Hư Vân và Pháp Sư Thái Hư. Sau gần 10 năm phải hòan tục vì chiến tranh, thầy vào tu trở lại năm 1959 tại Đài Bắc. Từ năm 1961 tới 1968, thầy nhập biệt thất ở Tu Viện Chiêu Nguyên (Chao Yuan) ở một vùng núi Đài Loan.
Trong khi làm giảng sư tại Tu Viện Thiện Đạo (Shan Dao) ở Đài Bắc, thầy sang Nhật Bản du học và tốt nghiệp các văn bằng Cao Học (1971) và Tiến Sĩ (1975) về văn học Phật Giáo tại Đại Học Rissho. Từng trải qua kinh nghiệm đại ngộ năm 28 tuổi, và nhiều năm sau thầy đã được các vị thầy lớn ấn khả, truyền ngọn đèn pháp: năm 1975 bởi Thiền Sư Đông Sơ (Dong Chu) của dòng Tào Động, và năm 1978 bởi Thiền Sư Linh Nguyên (Ling Yuan) của dòng Lâm Tế (Thiền Sư Linh Nguyên là một đại đệ tử của ngài Hư Vân). Thầy bắt đầu hoằng pháp sang Hoa Kỳ năm 1977; tính tới năm 2002, thầy có khỏang 3,000 thiền sinh ở Mỹ, và hơn 300,000 thiền sinh ở Đài Loan.

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

ĐẠO và ĐỜI


...Làm một người Phật tử thật là dễ nhưng cũng thật là khó. Khó là vì nó dường như đi ngược dòng đời. Đời thì tranh đấu, giành giật, hơn thua... để đạt cái mục đích quyền thế, danh lợi... và mỗi người bị cuốn hút vào hết đợt sóng này qua đợt sóng khác của cuộc bể dâu. Còn đạo thì âm thầm tinh tấn để tự thắng mình, thắng tham lam, ích kỷ, ngã mạn, kiêu căng, tật đố, si mê, thù hận, cố chấp v.v... cho nên đi ngược dòng đời... 




                                             

Ngày ........ tháng ........ năm ........


D.H con, 

Bất kỳ ở đâu người Phật tử cũng chỉ làm tròn phận sự của mình là không làm việc ác, làm việc lành và giữ tâm thanh tịnh. Cuộc đời vô thường nay rày mai khác, khi thuận thì yên, không thuận thì khổ. Nhưng biết làm sao với cái trò xuôi ngược của cuộc đời, bởi vậy tốt nhất là tự giác để có thể an vui tự tại và đem lại cho những người chung quanh cái cao đẹp của một người chơn chánh, hiền lương.
Làm một người Phật tử thật là dễ nhưng cũng thật là khó. Khó là vì nó dường như đi ngược dòng đời. Đời thì tranh đấu, giành giật, hơn thua... để đạt cái mục đích quyền thế, danh lợi... và mỗi người bị cuốn hút vào hết đợt sóng này qua đợt sóng khác của cuộc bể dâu. Còn đạo thì âm thầm tinh tấn để tự thắng mình, thắng tham lam, ích kỷ, ngã mạn, kiêu căng, tật đố, si mê, thù hận, cố chấp v.v... cho nên đi ngược dòng đời. Người ta tưởng tự thắng mình là việc làm ích kỷ cá nhân, không chịu đấu tranh cho xã hội, và vì vậy người ta cho là dễ dàng và tiêu cực. Nhưng cho đến khi nào thực sự đối diện với mình mới thấy Đức Phật nói:“Attà have jitam seyyo” (Quả thật tự chiến thắng mình là chiến thắng ưu việt) là đúng. Đức Chúa cũng nói: “Tự chiến thắng mình hơn chiến thắng ngàn quân” bởi vì có thắng những xấu xa đê tiện của mình thì lòng vị tha và những đức tính cao quý mới phát triển và chỉ khi đó con người mới thực sự là con người sống vì lợi ích của mọi người, con người vô ngã, vị tha.
Phật giáo đích thực không phải là tôn giáo để cầu nguyện mà tự mình phải thể hiện đời sống tự giác, giác tha. Cầu nguyện có thể có nhưng với mục đích giúp con người thắng được lòng ích kỷ, ví dụ khi ta cầu nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sanh an lạc, bất tranh”(Sabbe sattà averà hontu sukhità hontu). Và cho đến khi nào có tâm hồn như vậy người ta mới có thể thật sự vị tha, còn không thì vị tha chỉ là chiêu bài cho cuộc đấu tranh quyền lợi để dành lấy cho mình một chỗ đứng an toàn.
Nhiều người Phật tử đã biến chân lý của Đức Phật thành mê tín dị đoan để phục vụ cho những khát khao đầy trần tục của họ, và chính họ đã làm mờ đi con đường chơn chánh mà đáng lẽ họ phải thực hành để tự mình hoàn thiện.
Chân, Mỹ, Thiện không đến với những người cầu xin chư đại bồ-tát ban bố cho mà đến với những người tự mình sống trong giới, định, tuệ, tự biến hành động, lời nói và ý nghĩ của mình thành chân, mỹ, thiện. Bao lâu trí, tâm và thân chưa được sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì tất cả khẩu hiệu cao đẹp chỉ là chiêu bài vô nghĩa. Ví dụ khi người ta nêu khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” thì có nghĩa là các Thầy thuốc đang tắc trách bởi vì nếu đã như từ mẫu thì còn phải nói làm gì khẩu hiệu đó. Vì vậy đạo là hành động hợp với chân, mỹ, thiện chứ không phải là cầu xin ở thánh thần, cầu xin tức là chưa có mà cái toàn thiện thì đã sẵn có ở mỗi người, chỉ cần tự mình phát huy ra thì thể tướng dụng tự tròn đầy.
Tất cả những đạo lý mà Đức Phật dạy đều nhằm phát huy chơn tánh của mỗi người đến chỗ bản nguyên tốt đẹp nhất, như Tứ niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo, Thập độ, Tứ Vô Lượng Tâm v.v... chỉ cần hiểu đúng và hành đúng những đạo lý đó thì đem lại biết bao an lạc cho đời.
Thầy chúc con thể hiện tốt con đường Đức Phật đã dạy và chứng nghiệm được những kết quả hiện tiền.

Thân ái chào con.
Thầy

Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 28
Tác giả: Viên Minh