Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

PHÁP NGỮ 9 - Thiền Sư Viên Minh





Tu Phật có ba trình độ: 


1) Sống đạo hay sống thuận pháp là cao nhất, nên gọi là Đạo Phật. Đây là thời kỳ Chánh pháp. 
2) Tôn giáo có tên là Phật Giáo lấy giáo lý của một trong những tông phái làm lý tưởng của mình. Đây là thời kỳ tượng pháp. 
3) Tín ngưỡng tuy tự xem là Phật giáo nhưng nặng hình thức đức tin dân gian mà nhiều khi đã trở thành mê tín. Đây là thời kỳ mạt pháp, chia ra rất nhiều nhánh ngọn mâu thuẫn nhau. 

* Trở về thực tại, thấy ra thực tánh pháp và sống thuận pháp tánh với tâm sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới) chính là trở về đầu nguồn của chánh pháp.





Trong thấy chỉ có thấy nghĩa là:


1) Đối với tâm thấy: không bị khái niệm, tư tưởng, quan niệm chủ quan (của cái ngã ý thức) che lấp, không bị thời gian tâm lý xen vào hoặc không bị tham sân si v.v... chi phối, nên tâm đủ sáng suốt định tĩnh trong lành hoặc rỗng rang lặng lẽ trong sáng để thấy thực tánh chân đế.
2) Đối với đối tượng: không bị lệ thuộc vào hình sắc bên ngoài (vì hình sắc hiện khởi do nhiều điều kiện khách quan xung quanh chứ không phải nó như chính nó là), đối tượng phải tự nhiên không do sắp đặt của người thấy, đối tượng là pháp thực tánh chân đế chứ không phải pháp chế định tục đế.
Đối với nghe, ngửi, nếm, xúc và biết cũng đều như vậy



Thấy Biết


"tánh biết" luôn hiện diện đàng sau tất cả mọi "tướng biết" dưới hình thức lý trí, tình cảm hoặc bản năng (tâm vô nhân), nhưng ít ai nhận ra dù khi tướng biết sinh diệt theo đối tượng thì tánh biết vẫn không sinh diệt. Khi nào không có cái tôi muốn biết xen vào mà tâm vẫn biết thì đó chính là tánh biết, thế mà chúng ta cứ tưởng khi nào "tôi biết" mới gọi là biết, đây chính là cái biết lý trí. Đúng là cứ biết rồi sẽ biết đâu là tánh biết đâu là tướng biết vậy. 


Dù là thấy tánh không hay tướng không thì cái không vẫn không khác, chỉ là khác trên bình diện tánh hay tướng mà thôi. Rốt ráo mà nói thì tánh không của tánh biết là trong sáng (giác ngộ) còn tánh không của pháp tánh là tịch tịnh (Niết-bàn).



Thái cực và vô cực


Thái cực và vô cực là một, nhưng thái cực là ứng ra mặt hữu, vô cực là thu về mặt vô (Nên Lão Tử nói, "Thường vô dĩ quan kỳ diệu, thường hữu dĩ quan kỳ kiếu".) Giống như tánh biết ứng ra thì trong lành, định tĩnh, sáng suốt đối với mọi pháp tướng, thu vào thì rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng trở về tánh không.



Nguyên lý "tùy duyên thuận pháp"


"Pháp đến đi như thế nào thấy như vậy" là tiêu chí của tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, nhưng do có nhiều căn cơ trình độ khác nhau, cũng như tùy mỗi tình huống sai biệt mà thầy chia ra nhiều ứng dụng để dễ thực hành thôi. Chia như vậy cũng chỉ gợi ý để hành giả dễ hiểu nhưng trong thực tế mỗi người phải biết uyển chuyển cho phù hợp với mình mà vẫn đúng với nguyên lý "tùy duyên thuận pháp" mới được. 


- Khi hữu sự, "thấy" cần có sự thận trọng, chú tâm, quan sát tự nhiên và vừa đủ cho tình huống đó. Nếu con thận trọng quá, chú tâm quá hoặc quan sát quá mức sẽ phản tác dụng, hoặc nếu thiếu 3 yếu tố này con sẽ không làm được việc.
- Khi vô sự, "thấy" không cần phải thận trọng, chú tâm, quan sát mà chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân tâm cảnh đang là. Khi đó bất kỳ thân, thọ, tâm hay pháp ở trạng thái sinh diệt như thế nào con đều thấy được mà không cần tập trung như con nói.
- Khi tâm ứng ra với toàn cảnh, đối tượng đến đi tự nhiên, không quan tâm một đối tượng nhất định, con không cần thận trọng, thận trọng, chú tâm, quan sát vẫn thấy biết tự nhiên, gần như vô tâm, thì "thấy" chỉ cần tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt là được.
- Khi tâm hoàn toàn buông xả, tự tại, thoải mái, hồn nhiên, không cần bất kỳ đối tượng nào, cũng không có bất kỳ dụng công hoặc dụng ý nào thì "thấy" trong tâm thái rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng mà đức Phật gọi là an trú tánh không.



Sự vận hành của pháp

Sự vận hành của pháp có hai loại: 
Sự vận hành tự nhiên theo chân đế là không sinh, không hữu, không tác, không thành. Sự vận hành do tư tác (cetanà) tức hành động có chủ ý theo tục đế mới gọi là sinh, hữu, tác, thành. Khi có sinh, hữu, tác, thành mà thấy bằng ý thức phán đoán thì cái thấy ấy cũng vẫn là sinh, hữu, tác, thành, còn thấy bằng tánh biết thì cái thấy ấy không sinh hữu tác thành.



Đừng gọi tên để phân biệt gì cả.

 Dùng những từ thân, thọ, tâm, pháp là để nói cho người nghe dễ nhận ra thôi. Không nên quá lệ thuộc vào ngôn ngữ để phân biệt, mà phải thấy ra trên thực tánh của những thực kiện ấy, thân như thế nào thấy như vậy, thọ như thế nào cảm nhận như vậy, tâm như thế nào biết như vậy, pháp như thế nào phát hiện như vậy. 

Cay, chua, nóng, lạnh... chỉ là vị giác, xúc giác, chúng có thể tạo ra cảm thọ chứ không phải là cảm thọ, khi nào những trạng thái này làm phát sinh khổ, lạc hoặc xả mới là thọ. Ngon dở là ý niệm chứ không phải cảm giác, nó có thể tạo ra cảm giác về tâm tức cảm xúc, chứ tự nó không phải là cảm thọ. Muốn ăn thêm cũng chưa hẳn là tham, muốn ăn thêm do nhu cầu tự nhiên thì chỉ là muốn hay cần (chanda) thôi chứ không tham (lobha). Do vậy, tốt nhất sự kiện hoặc trạng thái như thế nào thấy như vậy thôi đừng gọi tên để phân biệt gì cả.
Khi thấy các đối tượng thân, thọ, tâm riêng biệt thì gọi là minh sát thân, minh sát thọ, minh sát tâm, nhưng khi thấy thân, thọ, tâm thành một tiến trình diễn biến tương giao hay quan hệ với nhau thì đó là minh sát pháp. Thí dụ thấy ngũ uẩn, thấy sự tiếp xúc của 6 căn, 6 trần, thấy 5 triền cái, thấy 7 giác chi, thấy Bốn Sự Thật...



Giác ngộ

Giác ngộ là không mê lầm nhân quả. Người giác ngộ biết rõ nhân quả nên sống trong nhân quả mà không bị nhân quả trói buộc. Người mê không biết nhân quả, hoặc tưởng quả là nhân, tưởng nhân là quả, nên bị nhân quả làm cho điên đảo... mà tự mình ràng buộc và chuốc lấy khổ đau.




Có 4 trường hợp: Ngộ

1) Ngộ nhưng chưa giải thoát: Đó là trường hợp mới ngộ lý nhưng còn vướng sự, hoặc bậc Thánh hữu học còn chưa hết kiết sử.
2) Giác ngộ và giải thoát: Đó là tường hợp ngộ lý và sự dung thông viên mãn, như các bậc Alahán, Độc giác và Toàn giác.
3) Giải thoát nhưng chưa giác ngộ: Đó là trường hợp những vị đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới có thể thoát khỏi cảnh giới vật dục (dục giới) nhưng vẫn còn vô minh và tham ái. 
4) Giải thoát và giác ngộ: Đó là trường hợp tiến trình tâm của bậc Thánh, sau khi thoát khỏi sự trói buộc của kiết sửthì Đạo tuệ chứng ngộ Thánh quả. 



Vô Thường Vô Ngã

Không cần thiết phải hiểu rõ định nghĩa về vô thường, vô ngã qua kiến thức, cũng không cần biết vô thường, vô ngã thực chất như thế nào mà quan trọng là thái độ tâm có thanh tịnh sáng suốt khi thấy vô thường, vô ngã hay không.
Vô thường là sự biến đổi của mọi hiện tượng thân, tâm, cảnh thì ai cũng có thể hiểu được, nhất là các nhà khoa học vật lý và tâm lý, nhưngthái độ tâm có không động không sầu khi xúc chạm với những biến đổi vô thường mới là vấn đề chính yếu.
Cũng vậy, gán khái niệm "ta" hoặc "của ta" vào thực tại thân, tâm, cảnh chỉ là ảo tưởng, vì pháp tự nó không có khái niệm ngã nào. Hiểu vô ngã như vậy thì dễ, nhưng thái độ tâm có rỗng lặng trong sáng, không còn ảo tưởng "ta" và "của ta" mới thực là thái độ vô ngã.








Hình ảnh từ Facebook
http://www.trungtamhotong.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét