Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Tự Do Tư Tưởng - Ánh Sáng cho Chính Mình

Tâm trí không thể tự do khi mà nó còn bị rập khuôn hoặc điều kiện hóa. Người ta nghĩ rằng không thể để cho bạn được tự do suy nghĩ, không bị rèn luyện vào khuôn khổ, mà phải bắt tâm trí bạn vào một khuôn khổ nào đó. Ngoài ra, đối với một nền văn minh càng lâu đời, thì sức nặng của truyền thống, của thẩm quyền, của những quy tắc càng đè nặng trĩu lên tâm trí con người.
Lấy thí dụ những chủng tộc cổ xưa như Ấn Độ bị sống gò ép vào khuôn khổ hơn những người sống tại Mỹ, nơi có nhiều tự do về đời sống xã hội và kinh tế, vì đó là một dân tộc gồm những nhà tiền phong mở đường lập quốc mới gần đây.
Một tâm trí bị rèn vào khuôn mẫu thì không thể tự do, vì nó không thể vượt qua được cái biên giới của chính nó, vượt qua được cái hàng rào mà chính nó đã tạo dựng chung quanh nó, đó là điều hiển nhiên. Và thật là vô cùng khó khăn cho cái loại tâm trí này, để nó có thể tự giải thoát khỏi cái khuôn khổ và vượt được ra ngoài, bởi vì cái khuôn mẫu đè nặng lên nó không những từ xã hội, mà tại luôn cả tự nó ràng buộc chính nó. Bạn thích cái cung cách sống của bạn vì bạn ngại, không dám vượt qua nó. Bạn sợ những điều cha mẹ bạn, thầy linh hướng của bạn, và xã hội sẽ bình phẩm, nên bạn giúp họ tạo dựng cái hàng rào nó sẽ cầm giữ bạn lại
Chính đây là cái nhà tù tư tưởng mà số đông chúng ta bị giam cầm, và đó là lý do cha mẹ chúng ta và một ngày kia sẽ tới phiên chúng ta sẽ bảo con cái chúng ta phải làm cái này hoặc không làm cái kia.
Trong khi còn trẻ, tự do là điều vô cùng quan trọng, không phải chỉ trên bình diện ý thức, mà tận đáy lòng. Có nghĩa là bạn phải quan sát chính bạn, tỉnh giác trước những nguồn ảnh hưởng tìm cách xâm lấn vào tâm hồn bạn để chi phối bạn. Có nghĩa là đừng bao giờ chấp nhận điều gì một cách không thận trọng, mà phải luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và phản đối, nếu cần.

(J. Krishnamurti – Life Ahead)


Ánh Sáng cho Chính Mình

Mỗi người phải được tự do để trở thành ánh sáng cho chính mình. “Ánh sáng cho chính mình”. Ánh sáng này không thể nhận được từ người khác, cũng không thể thắp lên bằng ngọn nến của người khác. Nếu bạn thắp bằng ngọn nến của người khác, nó chỉ là ngọn nến, nó có thể bị thổi tắt.
Sự nghiên cứu ráo riết để tìm ra thế nào là ánh sáng cho chính mình là một phần của thiền quán. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem thế nào là ánh sáng cho chính mình và sự có ánh sáng này nó đặc biệt quan trọng đến mức nào.
Thân phận của chúng ta là chấp nhận thẩm quyền, thẩm quyền của vị tu sĩ, thẩm quyền của cuốn sách, thẩm quyền của vị đạo sư, thẩm quyền của người nào đó tuyên bố rằng họ biết.
Đối với tất cả những vấn đề thuộc về tâm linh, nếu có thể dùng từ “tâm linh”, thì không có bất cứ loại thẩm quyền nào cả. Nếu không như vậy, bạn sẽ không có tự do để mà lắng tâm, trầm tư, để tự tìm ra ý nghĩa mà thiền quán mang lại.
Để đi vào thiền quán, bạn phải hoàn toàn thả nổi bản thân, giải phóng nội tâm khỏi tất cả mọi loại thẩm quyền, so sánh, kể cả thẩm quyền của người phát ngôn, nhất là khi người phát ngôn lại là chính tự ngã, là “cái tôi”, bởi vì nếu bạn nghe theo lời của “hắn” thì…, thế là hết, là tiêu rồi!
Bạn phải nhận thức được sự quan trọng về thẩm quyền của ông thầy thuốc, của nhà khoa học; đồng thời hiểu rằng hoàn toàn không có sự quan trọng về thẩm quyền đối với nội tâm, dù rằng đó là thẩm quyền của người khác, hay của kinh nghiệm, kiến thức, quyết định, thành kiến của chính bạn.
Kinh nghiệm của ai đó, hiểu biết của ai đó rồi cũng sẽ trở thành thẩm quyền của chính họ: “Tôi hiểu, cho nên tôi đúng”.
Nên tỉnh giác trước những loại thẩm quyền đó, nếu không, bạn sẽ không bao giờ có thể trở thành ánh sáng cho chính bạn được…..
…..Trong thiền quán, sẽ không có ai chỉ dẫn bạn, không có ai nói cho bạn biết rằng bạn đang tiến bộ, không có ai khuyến khích bạn, bạn phải hoàn toàn đơn độc. Và cái ánh sáng cho chính bạn chỉ có thể bừng lên khi chính bạn tự tìm hiểu nội tâm một cách sâu xa, coi xem mình là cái gì. Đó là sự tự thức tỉnh, biết mình là cái gì. Cái biết ấy không dựa theo các tâm lý gia, không dựa theo các triết gia, không dựa theo các diễn giả, các nhà hùng biện, nhưng là bạn “biết”, bạn “tỉnh thức” về cái bản thể của bạn, sự suy nghĩ của bạn, cảm xúc của bạn, tìm ra toàn bộ cấu trúc của cái toàn thể.
Biết rõ chính mình là điều tối quan trọng. Đó không phải là do người khác mô tả về mình, mà là “đích thực là cái gì?”, bạn là cái gì;
Đó cũng không phải “cái mà bạn tưởng rằng bạn là…”, hoặc “cái mà bạn nghĩ rằng bạn nên là…”, nhưng là “cái đang hiện hữu thực tế là cái gì”?

J. Krishnamurti – This Light in Oneself – True Meditation

Người dịch: Danny Việt (ĐPK)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét