Nếu ta kháng cự với giây phút-hiện tại là ta đang làm sai— là ta đang khích trương cái ý-chí và càng làm nó mạnh bạo hơn. Ý chí càng mạnh nghĩa là cái ‘ta’ càng mạnh, và cảm nhận về cái ‘ta’ càng mạnh hơn. Nhưng nếu ý chí được giảm nhẹ thì cái ‘ta’ được giảm nhẹ; khi ý chí được loại bỏ thì cái ‘ta’ cũng được lắng dịu, và phần lớn cái ‘ta’ sẽ biến mất. Sự biến mất cái cảm-nhận về cái ‘ta’ được gọi là sự vô-ngã (anattā). Cảm nhận về cái ‘ta’ là (i) cái ‘ta’ trong liên hệ đối đãi với những người khác xung quanh – đó là cái ‘ta’ bên ngoài—và, (ii) nghiêm trọng hơn, là cái ‘ta’ bên trong – đó chính là cái “cảm-nhận về cái ‘ta’” đó, tức là cái chúng ta vẫn luôn nghĩ là một cái ‘con người’ đang thực sự có ở bên trong chúng ta.
Nhưng trong thực-tại thì không phải vậy: (cảm nhận đó là sai lầm, vì không thực sự có một cái ‘con người’ hay ‘bản ngã’ cố định nào đang thực có ở bên trong chúng ta cả). Theo ý nghĩa rốt ráo của sự thật thì không phải vậy. (Không có cái gì cố-định để chúng ta bám vào đó và gọi đó là cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ cố định). Tất cả những cái móc chúng ta treo cái mũ ‘cái ta’ lên đó bây giờ đều đã bị gỡ bỏ hoàn toàn. Đây là cách Đức Phật giải thích để mọi người hiểu về “sự lắngdịu của tất cả các hành” (sabba-saṅkhāra-samatha) nghĩa là gì, đó là sự làm biến mất cái ‘ta’ và ‘ý hành’—điều này có làm khiếp sợ mọi người (theo kinh MN 26.19). (Ai cũng thấy lo sợ khi mình bị mất cái ‘ta’, thấy sợ hãi khi nghe mình thực sự không có cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ cố định nào cả).
Để nhìn thấy cảm giác cái ‘ta’ (ngã chấp, ngã kiến) biến mất là một cuộc đấu tranh cam go trong những năm đầu của đời sống xuất gia tu hành! Bởi điều đó hoàn toàn đi ngược lại thế gian, nơi mà mọi người luôn thực sự tìm kiếm một danh-tánh rõ ràng và nhất quán bằng những đặc điểm như tên, tuổi, ngày sinh, lý lịch, bằng cấp, chức vị, giới tính, và kỹ năng. Người đời làm việc vất vả cả đời để lấy lòng người khác và để tạo ra một cái ‘ta’ danh tánh được chấp nhận trên đời—để được nhận dạng và chấp nhận bởi xã hội, bạn bè, cha mẹ, thầy cô, và đồng loại. Để ai cũng biết mình là ai. Ai cũng có cảm nhận mình theo một danh tánh cố định. Nhưng giờ lại nghe Phật nói phải tháo gỡ tất cả những bộ phận và đặc điểm của cái ‘con người danh tánh’ đó ra. Nghe thật phũ phàng. Nghe giống như trước giờ cả đời ta được chăm sóc, ăn uống, học tập, làm việc và cố làm mọi thứ trên đời để có được một danh-tánh “Ông A” được nhận dạng bởi xã hội thế gian… thì chỉ là công cốc và vô nghĩa, và uổng phí thời gian. Thực vậy, khi tôi nhìn lại quãng thời gian lớn lên và dùi mài học tập từ nhỏ cho tới đại học Cambridge để cố thi đậu qua các kỳ thi để có được chứng chỉ, bằng cấp, để được công nhận, và để tạo nên một danh tánh. Giờ nghĩ lại tất cả chỉ là công cốc và uổng phí. Chắc hẳn rất nhiều các bạn cũng đã như tôi. Và giờ chúng ta đang cố làm ngược lại, giờ chúng ta lại cố tu để được biến-mất, nhưng lại gặp quá nhiều khó khăn và trở ngại, bởi do và bởi do chúng ta đã bỏ phí mấy chục năm để tạo-tác quá nhiều nghiệp xấu trên con đường xây dựng một danh-tánh lỏng lẻo, không thực và vô thường đó… Giờ muốn biến-mất chúng ta phải đối diện với vô số những nghiệp xấu đó!
Nhưng nhớ rằng chúng ta không thể biến-mất bằng những hành động ý chí, không phải chỉ cần nói hay thắp nhang quyết chí thệ nguyện: “Tôi thề sẽ không tái sinh hiện hữu nữa; đây sẽ là kiếp cuối cùng của tôi ở đây”... là ta có thể biến-mất và giải thoát được đâu. Bởi chính cái ý-chí là cái bày vẽ ra cái ‘ta’, nên cứ làm theo ý chí thì sẽ mãi mãi còn cái cảm nhận cái ‘ta’ chứ không giải thoát nỗi. Cho dù ý chí ý nguyện đó là ý chí muốn “không còn tái sinh hiện hữu” trong thế gian sinh tử này nữa, đó là ý tốt—Nhưng thực thụ thì ý chí đó chỉ là một loại dục-vọng không muốn hiện hữu mà thôi – dục vọng đó vẫn mãi mãi duy trì cái cảm-nhận về một cái ‘ta’, (bởi dục vọng là tham muốn cho/vì cái ‘ta’ mà). Cũng giống như mọi ý chí khác, "dục vọng không còn tái sinh hiện hữu" là một loại ý-hành tạo-tác (saṅkhāra), và tất cả mọi ý hành đó càng tạo thêm vô số nhân tạo tác ra vô số thứ nghiệp trong tương lai. Nếu đi theo đường lối của ý chí thì chúng ta chẳng bao giờ có thể chấm dứt được tái sinh; (đơn giản vì ý chí là dạng tham dục, và còn dục vọng là còn tái sinh, còn dục vọng là do còn cái ‘ta’ ảo tưởng đó – bởi dục vọng là tham muốn cho cái ‘ta’ mà). Chỉ có cách duy nhất có thể làm được là đi theo con đường thiền-tập. Bằng cách tu tập, thực hành và làm cho sự thiền của mình được thâm sâu, từng bước từng bước, thì cái cảm-nhận cái ‘ta’ đó, tức cái ‘ngã’ của bạn, mới bắt đầu phai biến.
Thiền thực sự là nền-tảng căn bản của con đường đạo Phật, cho nên những phần khác như Giới Hạnh (sīla) và thậm chí Trí Tuệ (panna) có thể được coi là những yếu tố phụ trợ. Định (samādhi) là trung tâm, bởi vì khi bạn học được cách làm lắng lặng cái tâm, là bạn cũng dần dần học được cách biến-mất, cách để làm phai-biến cái ‘ta’. Dĩ nhiên, ngay lúc đầu rất khó phai biến—bạn muốn “hiện hữu”, muốn cái ‘ta’ tồn tại, bởi vì đó là mục đích duy nhất trong muôn vàn kiếp sống. Vì lẽ đó nên đời sống xuất gia tu hành đã được thiết lập (và tăng đoàn, chùa chiền, tu viện… đã được lập ra) để cho chúng ta có thể biến-mất; nó giúp ta hướng hẳn theo hướng biến-mất đó. Bạn chỉ là một tu sĩ giữa hàng hàng người tu ở đó, hoặc sau nhiều năm tháng tu hành rốt cuộc bạn cũng mới chỉ kịp là một sa-di. Ở đó tất cả mọi người tu đều mặc y áo giống nhau, và trông đồng-dạng giống nhau. Ngay cả khách viếng chùa thường xuyên cũng không biết bạn tên gì. Bạn có biết tên mình là gì không? Tên bạn là “Năm Uẩn”, hoặc là “sáu giác quan”; tên bạn là vô-thường, là khổ, là vô-ngã. Nếu bạn đã hiểu biết như vậy, thì bạn cũng biết được rằng đi theo hướng biến-mất là hướng đi đúng đắn, là hướng chánh đạo. Khi bạn nhìn thấy một chút ít cái ‘ta’ biến mất, thì bạn càng được bình-an thêm một chút, được tự-do hơn, và vuisướng hơn. Đó là niềm vui và hạnh phúc, niềm hỷ-lạc—cái cảm giác tự-do và cái sự-thật thâm thúy đó—đó là những củ cà rốt (phần thưởng) khích lệ bạn tiếp tục đi sâu hơn về hướng “làm lắng dịu tất cả các hành tạo tác”. Ngay cả khi bạn chỉ mới làm lắng dịu chúng được chút ít, bạn vẫn cảm thấy rõ mình đang đi trên con đường đúng đắn.
Thiền sư Ajahn Brahm
(trích trong quyển "Nghệ Thuật Biến Mất")
(Lê Kim Kha dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét