Tham thiền là làm tăng cường mãnh liệt cái tâm trí vốn nằm trong tính toàn nguyên của sự yên lặng. Tâm trí không lắng yên giống như một con vật bị sợ hãi, bị thuần hóa hay bị tập luyện. Tâm trí lắng yên như lòng nước lắng yên ở sâu phía dưới nhiều sải. Sự lắng yên ở đó không giống như sự lắng yên trên mặt nước khi gió lặng. Sự lắng yên này có một sức sống và một hoạt động của chính nó vốn liên quan với dòng sống bên ngoài, nhưng không bị chạm đến bởi dòng sống đó. Sức mạnh mãnh liệt của nó không phải là sức mạnh của một thứ máy móc mạnh mẽ nào đó được lắp ráp chế tạo bởi những bàn tay khéo xảo và có khả năng; sự yên lặng thì giản dị và tự nhiên như tình yêu, như ánh chớp, như dòng sông dâng đầy.
Anh nói rằng anh đã bù đầu trong chính trị. Anh đã làm những việc thường tình để leo lên nấc thang thành đạt – đã vun bồi, đào tạo những người phái hữu, đã quan hệ thân thiện với những nhà lãnh đạo mà chính họ cũng leo lên từ chính nấc thang thành công đó và việc leo lên của anh cũng khá nhanh chóng. Anh được cử đi nước ngoài trong nhiều ủy ban quan trọng, và được kính trọng bởi những người có giá trị, vì anh thành thật và liêm khiết, dù anh cũng tham vọng như ai trong bọn họ. Đã vậy anh còn là người có học thức và có tài ăn nói. Nhưng giờ đây, bởi một sự tình cờ may mắn nào đó, anh đã chán ngán cái trò phụng sự đất nước bằng việc tự quảng cáo rùm beng và trở thành một nhân vật rất quan trọng. Anh đã chán nó, không phải bởi vì anh không thể leo lên cao hơn được nữa, nhưng bởi vì, bằng một tiến trình tự nhiên của trí thông minh, anh đã đạt đến nhận thức rằng sự cải tiến sâu xa của con người không nằm hoàn toàn trong kế hoạch, trong hiệu quả, trong sự tranh giành quyền lực. Vì thế anh đã vứt bỏ tất cả, và bắt đầu xem xét lại tính toàn nguyên của cuộc sống.
Krishnamurti: Bạn muốn nói gì với “tính toàn nguyên của cuộc sống”?
“Tôi đã bỏ ra nhiều năm cho một nhánh sông, như việc đã qua, và tôi muốn dùng những năm còn lại của cuộc đời mình cho chính dòng sông. Mặc dầu tôi vui thú từng giây phút đấu tranh chính trị, tôi vẫn không đang bỏ chính trị một cách tiếc rẻ, và bây giờ tôi muốn đóng góp vào sự cải thiện xã hội bằng tâm hồn mình chứ không phải bằng một tâm trí luôn luôn tính toán. Những gì tôi nhận ở xã hội phải được trả lại xã hội ít nhất gấp mười lần”.
K: Xin hỏi, tại sao bạn lại suy nghĩ bằng những từ cho và nhận?
“Tôi đã nhận quá nhiều từ nơi xã hội, và tất cả những gì xã hội đã cống hiến cho tôi, tôi phải cống hiến lại nó gấp nhiều lần”.
K: Bạn đã nợ xã hội cái gì?
“Mọi thứ mà tôi có: tài khoản ngân hàng của tôi, học vấn của tôi, tên tuổi của tôi - Ồ, rất nhiều thứ!”
K: Thật ra, bạn đã không nhận bất cứ thứ gì từ nơi xã hội, bởi vì bạn là thành phần của nó. Nếu như bạn là một thực thể tách biệt, không liên hệ gì với xã hội, thì bạn mới có thể cống hiến lại những gì mà bạn đã nhận. Nhưng bạn là thành phần của xã hội, thành phần của nền văn hóa đã kết tạo ra bạn. Bạn có thể trả lại tiền đã mượn; nhưng bạn có thể trả lại gì cho xã hội bao lâu mà bạn vẫn còn là thành phần của xã hội chứ?
“Nhờ xã hội mà tôi có tiền, thực phẩm, quần áo, nhà ở, và tôi phải làm một cái gì đó để đáp trả lại. Tôi đã được lợi bởi sự thu lượm của mình trong cơ cấu xã hội, và quả thật là vong ân nếu tôi quay lưng với nó. Tôi phải làm vài việc lợi ích – lợi ích theo nghĩa rộng, chứ không phải như một người nuôi tham vọng làm một nhà cải cách”.
K: Tôi hiểu bạn nói gì; nhưng ngay cho dù bạn có trả lại được tất cả những gì bạn đã gom góp, liệu điều đó có giải phóng bạn khỏi công nợ của bạn không? Những gì xã hội đã nhượng lại cho những cố gắng của bạn thì tương đối dễ trả; bạn có thể tặng nó cho người nghèo, hoặc cho nhà nước. Và rồi sau đó thì sao? Bạn vẫn có “bổn phận” đối với xã hội, vì bạn vẫn còn là thành phần của nó; bạn là một trong những công dân của nó. Chừng nào bạn còn thuộc về xã hội, còn đồng hóa mình với nó, bạn vẫn là cả hai: người cho và kẻ nhận. Bạn bảo quản duy trì nó; bạn ủng hộ cấu trúc của nó, phải không?
“Tôi thật có làm thế. Như ông nói, tôi là một thành phần hợp nhất của xã hội; không có nó, tôi không thể hiện hữu. Vì tôi là cả hai: người tốt và kẻ xấu của xã hội; tôi ắt phải loại bỏ con người xấu và duy trì con người tốt”.
K: Trong bất cứ nền văn hóa hay xã hội nào, người “tốt” là người được chấp nhận, người đáng kính. Bạn muốn duy trì bảo quản cái cao cả trong cấu trúc xã hội, phải vậy không?
“Điều tôi muốn làm là thay đổi cái khuôn mẫu xã hội mà trong đó con người bị vướng kẹt. Tôi muốn nói điều này một cách nhiệt thành nhất”.
K: Khuôn mẫu xã hội được dựng lên bởi con người; nó không độc lập ngoài con người, dù nó có biểu hiện cuộc sống của riêng nó, và con người cũng không độc lập đối với nó; chúng tương liên tương quan với nhau. Thay đổi trong khuôn mẫu là không có thay đổi gì cả, đó chỉ là cải tiến, cải cách mà thôi. Chỉ bằng cách thoát ra khỏi khuôn mẫu xã hội mà không tạo dựng một khuôn mẫu khác thì bạn mới có thể “giúp” xã hội được. Để thay đổi xã hội, bạn phải thoát ra khỏi nó. Bạn phải chấm dứt là những gì mà xã hội đang là: chiếm hữu, tham lam, ghen tỵ, tìm kiếm quyền hành v.v…
“Ông muốn nói rằng tôi phải trở nên một nhà ẩn sĩ, phải không?”
K: Chắc hẳn là không rồi. Nhà ẩn sĩ chỉ từ bỏ hình thức bên ngoài của thế giới, của xã hội, nhưng bên trong ông ta vẫn còn là thành phần của nó; ông ta vẫn còn hừng hực tham muốn thành tựu, thu đạt, trở nên.
“Vâng, tôi thấy được điều đó”.
K: Chắc chắn là vì bạn hăng hái thiết tha trong chính trị, vấn đề của bạn không chỉ là thoát ra khỏi xã hội mà còn trở lại hoàn toàn với cuộc sống, để thương yêu và đơn giản. Không có tình yêu, làm gì thì làm, bạn vẫn không biết được hành động toàn nguyên, mà chỉ có hành động toàn nguyên đó mới có thể cứu chuộc được con người.
“Điều đó đúng lắm, thưa ông, chúng tôi không thương yêu, chúng tôi không thực sự đơn giản”.
K: Tại sao? Bởi vì bạn quá quan tâm đến cải cách, đến bổn phận, đến sự khả kính, đến việc trở thành một cái gì đó, đến việc xuyên thấu qua bờ bên kia. Nhân danh người khác, bạn chỉ quan tâm đến chính mình; bạn bị vướng kẹt trong cái vỏ của chính bạn. Bạn nghĩ rằng, bạn là trung tâm của quả đất xinh đẹp này. Bạn không bao giờ dừng lại để nhìn một cội cây, một đóa hoa, một dòng sông trôi chảy; và nếu với một sự tình cờ nào đó mà bạn có nhìn, thì mắt bạn vẫn bị choáng hết bởi những vật của tâm trí, chứ không phải bởi vẻ đẹp và tình yêu.
“Điều đó lại đúng nữa, nhưng ta phải làm gì?”
K: Hãy nhìn và hãy đơn giản.
Tác giả: Krishnamurti
Dịch giả: Thích Thiện Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét