Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Ngọn lửa sân & Vẻ đẹp của… cơn sân


Thầy có nói: Khi mình sân thì mình đã đốt cháy cả một rừng công đức. Con vẫn chưa hiểu câu này, con cứ tự hỏi vì sao sân lại đốt cháy cả rừng công đức được...
 Kính xin Thầy chỉ dạy.


- Đức Phật nói điều thiện khó làm, điều ác dễ làm, giống như trồng được một rừng cây thì thật là khó mà chỉ vứt một tàn thuốc bất cẩn thôi cũng đủ thiêu rụi cả khu rừng. Con làm bao nhiêu điều lợi lạc cho nhiều người, nhưng đến khi con chỉ làm mất lòng họ thôi thì họ chỉ ghi khắc trong lòng sự tổn thương của họ và liền quên hết những gì con đã làm cho họ. Thói đời vong ân bạc nghĩa là chuyện thường tình. Devadatta hẳn phải tu hành biết bao nhiêu kiếp mới đắc được thiền định, thần thông thế mà chỉ sân lên vì không đạt được tham vọng của mình đã tự đẩy mình xuống địa ngục A-tỳ, như vậy không phải là đã thiêu hết cả rừng công đức hay sao? Nhưng con đừng lo, hễ còn mầm giống thiện thì sẽ đâm chồi nảy lộc lại thôi.



Giờ thì con đã hiểu rõ câu "Khi sân thì mình đã tự đốt cháy cả rừng công đức". Vì mỗi khi tâm sân nổi lên, con chỉ quan sát nó để thấy ra những tác hại của nó chứ con không bị nó chiếm ngự hoàn toàn đến mức phát ra hành động một cách mất kiểm soát nên con đã không hiểu rõ câu đó.
Con thành kính tri ân Thầy, người Thầy, người Cha tinh thần của con.

- Cũng cần phải nói thêm là có
 hai loại công đức: Một là công đức do tạo tác mà thành thì hữu vi hữu ngã. Công đức này có thể bị thiêu hủy dễ dàng bởi những ngọn lửa bất thiện. Hai là công đức vốn đã đầy đủ trong tự tánh thì vô vi vô ngã, nên bất thiện pháp chỉ có thể che mờ chứ không thể nào thiêu hủy được. 

Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông


 Vẻ đẹp của… cơn giận

Nguyên lý để chuyển hóa tham sân si chính là khả năng sống tỉnh thức của bạn trong mỗi giây phút hiện tại.
Là một con người phàm trần, khi đối diện với những việc trái ý nghịch lòng ta thường phản ứng bực tức giận hờn dù ít hay nhiều đó là lẽ đương nhiên. Và mỗi khi cơn giận hiện hữu dâng trào thì gây tổn hại thân tâm nghiêm trọng, tạo ra năng lượng bất an và ảnh hưởng xấu đến cho những người chung quanh. Tuy nhiên, giận chỉ là trạng thái tâm lý ẩn hiện nhất thời, nếu ta có sự trầm tĩnh và sáng suốt để nhận diện quá trình hình thành cùng diễn biến của chúng thì sẽ khám phá ra được vô vàn cái hay cái đẹp từ cơn giận, nỗi buồn.

Giận là thái độ bất bình với những gì không đáp ứng nhu cầu mà “cái tôi” mong muốn sở hữu. Giận được hình thành là do nhiều yếu tố kết hợp lại, trong đó tâm ý ta đóng vai trò chủ đạo. Nếu ai đó cho rằng cơn giận, nỗi buồn có mặt là do các điều kiện khách quan bên ngoài mang lại, chứ không phải tự thân của mình tạo ra thì sự nhận định ấy quá sai lầm. Bởi trong chuỗi vận hành tự nhiên của các pháp, nếu không có cái tôi hay bản ngã xen vào chọn lựa, ưa thích thì cái gì giận và giận ai?
Nếu nhìn cho kỹ ta sẽ thấy rằng, cơn giận, nỗi buồn, niềm cô đơn trống vắng, v.v… chỉ xuất hiện cùng lúc và gắn liền với cái tôi tham vọng cầu toàn. Vì bản chất của cái tôi là luôn luôn mong muốn đạt được điều như ý nên khi gặp phải những điều bất như ý xảy ra thì cơn giận, nỗi buồn tức thời biểu hiện. Ai cũng biết rằng, tức giận là làm khổ mình và hại người, nhưng vẫn cứ giận. Có lẽ vì thói quen giận hờn đã được huân tập từ nhiều kiếp lâu xa, nên giờ đây, bất cứ ai cũng đều cưu mang hạt giống giận hờn, trách móc, buồn tủi… Có người chỉ giận một chút thoáng qua rồi thôi, nhưng có không ít người bị cơn giận hoành hành sai sử đến hết ngày này qua tháng khác cũng vẫn chưa nguôi. Bởi gốc rễ của nó chính là một trong ba yếu tố căn bản của tam độc tham sân si, có khả năng hình thành nghiệp quả xấu ác và dẫn dắt chúng ta luân hồi sinh tử khổ đau, do đó cơn giận được ví như đốm lửa nhỏ nhưng có thể thiêu hủy nguyên cả một khu rừng to lớn.
Thực tế cho thấy, mỗi khi cơn giận biểu hiện thì hơi thở trở nên hổn hển, mạch tim co bóp không đều, khuôn mặt biến dạng tái nhạt hoặc đỏ thẫm, các tế bào co rúm lại vì máu huyết không được lưu thông bình thường. Và khi các tĩnh mạch bị tắc nghẽn thì chắc chắn sẽ sinh ra nhiều chứng bệnh khá nguy hại, thậm chí dẫn đến tình trạng bị đột quỵ tại chỗ. Mặt khác, đặc tính của cơn giận có công năng phá vỡ các mối quan hệ tình nghĩa thủy chung giữa vợ đối với chồng, cha mẹ và con cái, anh em, bạn bè, v.v… tạo ra sự ngăn cách chia lìa, và dĩ nhiên bao nhiêu nỗi thống khổ cũng từ đây mà hiện hữu. Có nhiều lúc, sau những lần sân si với người thân trong gia đình, ta vô cùng hối hận vì không đủ sự bình tĩnh để kiềm chế và làm chủ cơn giận. Và ta hứa với lòng mình rằng, sẽ không bao giờ lặp lại hành vi khờ dại ấy! Thế nhưng, có lẽ do “ngựa quen đường cũ”, cơn giận đã được ăn sâu vào trong tiềm thức, nên giờ đây chỉ cần ai đó nói một câu không mấy dễ thương, thì cơn giận biểu hiện một cách nhanh chóng mà tâm ý chưa kịp thời soi sáng và thẩm định.
Có những người biết sử dụng một số biện pháp để khắc phục cơn giận như là: uống nước thật nhiều, tập thể dục cho kiệt sức nhằm tiêu hao bớt năng lượng, hoặc đi du lịch đâu đó vài ba hôm để giải trừ cơn giận, v.v… Các phương pháp này tuy có phần lợi ích nhưng chưa thể hóa giải tận gốc rễ nỗi khổ niềm đau, mà chỉ chế ngự tạm thời như lấy đá đè lên cỏ, nếu ta bỏ hòn đá ra cỏ sẽ mọc lên lại. Vì vậy, nên khi họ trở về đối diện với hoàn cảnh thực tế, thì các mối quan hệ thâm tình của họ vẫn chưa thể truyền thông và gắn kết đúng mức như cái đẹp ở thủa ban đầu!
Thực ra, trong mỗi chúng ta đã sẵn có khả năng chuyển hóa tham sân si, không cần phải đi tìm kiếm ở đâu xa cả. Đơn giản, chỉ cần bạn trở về có mặt trọn vẹn với chính mình trong mỗi phút giây hiện tại. Khi đi biết mình đang đi, ngồi xuống biết rõ mình đang ngồi xuống, ăn cơm, uống nước bạn cũng quan sát y như thế thì đến lúc có những khó khăn ngang trái ập tới bạn vẫn giữ được sự bình thản và tự tại để tiếp nhận, mà không tránh né, chống cự hay loại trừ bất cứ điều gì.
Thực chất, các pháp đến và đi, sinh hay diệt đều luôn luôn vận hành đúng theo tiến trình tự nhiên của nó để hình thành nên cuộc sống, không có cái gì xấu xa hoặc gây trở ngại cho bạn cả. Chỉ vì bạn muốn chọn lựa hình ảnh, âm thanh, hoàn cảnh cho thật tốt đẹp nên mới tạo ra mối quan hệ, quy ước theo chủ trương tham vọng cầu toàn và cuối cùng bạn bị đóng khung, cô lập đối với cuộc đời. Nếu giả sử có những điều vô lý xảy ra với bạn chăng nữa, thì chính sự kiện ấy là bài học thiết thực nhất để giúp bạn hoàn thành công trình khám phá bản ngã, bởi vì giác ngộ giải thoát chỉ tìm thấy trong cái tôi tham ái và chấp thủ.
Nếu bạn thông suốt được đạo lý này, thì những khó khăn trắc trở xảy ra kể cả cơn giận, nỗi buồn đều là vẻ đẹp tuyệt vời đối với bạn! Bởi vì, vẻ đẹp chỉ xuất hiện khi tâm hồn của bạn hoàn toàn rỗng lặng và trong sáng. Đơn cử, bạn đang đứng trước một vườn hoa, đáng lý ra bạn cần phải có mặt trọn vẹn với những bông hoa tươi thắm ấy để tận hưởng các vẻ đẹp tinh túy của nó, nhưng không phải như thế, ý niệm chọn lựa ưa thích len lỏi xen vào cắt xén hiện thực thành từng mảnh, và dĩ nhiên, thái độ tham đắm ấy sẽ làm mất đi tính tự do và trung thực, khiến cho cái nhìn của bạn về đóa hoa không còn đẹp đẽ tự nhiên và nguyên vẹn như chính nó! Hầu hết chúng ta thường rơi vào trường hợp mê lầm này, nên cứ mãi chạy đi tìm kiếm hạnh phúc trong ảo mộng xa vời! Trong khi đó, bản chất của cuộc sống vốn có cả hai mặt âm và dương, nóng và lạnh, sáng và tối… mặt nào cũng có cái hay của nó, vậy cớ sao bạn lại chọn lấy một mặt? Chẳng khác gì bạn có một chậu cây cảnh xanh tươi, đẹp đẽ nhưng bạn chỉ ưa thích vẻ đẹp của bông hoa thơm ngát ở phía trên, mà không cần phân rác nhơ nhớp ở phần dưới thì đâu có được! Vì bạn cắt bỏ phần gốc rễ nhơ nhớp ở phía dưới, thì vài hôm sau đó bông hoa xinh đẹp kia cũng sẽ biến thành rác rến.
Thiết nghĩ, nếu trong đời sống hàng ngày, chúng ta biết quan sát về sự thật vô thường biến đổi này thì những oan trái, tủi nhục xảy đến với chúng ta chẳng khác gì một cơn gió mát thoảng qua, không có gì khiến cho ta phải bận tâm lo lắng. Cuộc sống vốn luôn luôn trôi chảy như một dòng sông, không ai có thể nắm bắt hoặc sở hữu bất cứ điều gì dành riêng cho mình cả. Nếu một ai đó cứ mãi mong cầu để đạt được điều như ý, thì người ấy sẽ không bao giờ tìm ra được hạnh phúc chân thực!
Nguyên lý để chuyển hóa tham sân si chính là khả năng sống tỉnh thức của bạn trong mỗi giây phút hiện tại. Mọi động dụng của cơ thể khi đi đứng, lúc nằm ngồi, lái xe, tắm giặt, ăn cơm, uống trà, chải tóc, v.v… bạn cần phải nhận biết trọn vẹn với thái độ khách quan và trung thực như chính nó đang là. Không khởi tâm dụng công thêm thắt, thêu dệt hoặc phải rập khuôn theo một mẫu lý tưởng nhất định nào cả. Bởi mỗi người đều có căn cơ và mệnh nghiệp khác nhau nên cách hành trì cũng phải linh động uyển chuyển để khế hợp với chân lý thực tại. Nếu bạn nôn nóng đi tìm phương cách để khử trừ cơn giận thì vô tình chính thái độ ấy lại càng tạo thêm phiền muộn rối ren. Chỉ có cái tâm thư giãn buông xả hoàn toàn, bạn mới dễ dàng ung dung tự tại để giáp mặt với mọi biến cố xảy ra, như đang thưởng thức một khúc nhạc du dương êm đềm, hoặc đang ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, sông núi. Và đây cũng chính là công phu tu tập đích thực của những người học đạo giải thoát, bước đi tự tại trên con đường mà Đức Thế Tôn đã đi qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét