Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Tấm gương thiền

Phần 1- Lời dẫn nhập:

Những người học Phật thời xưa không nói một câu nào không phải lời của Phật, cũng không làm một hành động nào không phải là hành động của Phật. Họ trân quý những giáo lý thiêng liêng trong kinh sách để lại với hết lòng thành kính.
Những người học Phật ngày nay giảng nói thao thao bất tuyệt và đề cao quá đáng những bài viết

của các học giả thế tục và văn chương cổ điển Trung Hoa. Thậm chí họ còn viết lại những câu thơ trên giấy mầu trang hoàng bằng gấm lộng lẫy. Họ mê say loại văn chương này và xem đó như những bảo vật quý giá nhất. Kho báu của người học đạo thời xưa và thời nay thật khác xa vời vợi!
Tuy bất tài, tôi cũng rất trân trọng những kinh sách ngày xưa, và xem những lời trong các đại tạng kinh như kho tàng quý báu nhất của tôi. Tuy nhiên, những lời kinh này thật không kể xiết, và biển kinh sách cũng thật là quá bao la.
Tôi sợ rằng những người học đạo sau này sẽ phải khổ công một cách không cần thiết khi tìm cách xuyên qua những rừng rậm chữ nghĩa để hái được những hoa trái tốt lành thực sự đem lại lợi ích cho họ.
Vì vậy, để giúp cho kẻ hậu thế tránh được những khổ nhọc vô ích, tôi đã chọn lọc và gom lại những tinh yếu của một số bài giảng có tính cách căn bản và gợi tín tâm cho sự tu hành nhiều nhất.
Những bài viết này thật ít ỏi, lại có vẻ giản dị quá khiến có thể gây ngộ nhận, nhưng nghĩa lý thật là toàn vẹn. Nếu bạn xem đó như là kim chỉ nam để hướng theo và theo đuổi sự tu tập để đạt đến cứu cánh đạo nhiệm mầu, bạn sẽ thấy Phật hiện ra trên từng giòng chữ. Vì thế, bạn nhất định phải nghiền ngẫm quyển sách này.
Nhưng dù có nghiên cứu kinh điển chữ nghĩa đến thế nào, cũng không gì có thể sánh bằng đạt được cái "vô ngôn tự" không thể nghĩ bàn. Đó là cả một kho tàng quý báu vô hình vô tướng. Tôi không định là sẽ không bao giờ dùng đến nó, nhưng đã định là, trong từng giây từng phút, sẽ chờ một cơ duyên đặc biệt nào đến cho nó tự hiển thị.

Phần 2

Có ba điều cốt yếu trong sự tu tập Thiền. Thứ nhất là Tín Tâm. Thứ nhì là Dũng Khí. Thứ ba là Đại Nghi. Nếu thiếu một trong ba điều này, sẽ giống như một cái lư đồng ba chân mà thiếu mất một chân - sẽ chẳng được tích sự gì.
Cách tu thiền cho đúng giống như lên giây đàn vậy: phải điều chỉnh để không căng quá và không trùng quá, như vậy mới cho tiếng hay được. Nếu công phu quá độ sẽ bị vướng mắc vào đủ thứ, còn nếu buông lung giải đãi thì chỉ chìm đắm sâu hơn trong vô minh mà thôi. Tốt nhất là tu tập Thiền với một tâm an định sáng suốt - thường tỉnh giác và bất động.
Có những người chỉ học qua sách vở và ngôn từ, khi họ mở lời nói thì ra vẻ như đã đạt được giác ngộ. Tuy nhiên, khi thực sự đối mặt với những tình thế hàng ngày, họ bị xung động đến nỗi không biết phải làm gì. Điều đó chỉ rõ sự khác biệt giữa tính chất của lời nói và tính chất của việc làm.
Nếu bạn muốn xa lìa sinh tử, bạn phải kiên cố giữ "nhất niệm" và bừng vỡ chỉ trong một thoáng chớp (đốn ngộ). Chỉ tới đó bạn mới thực sự giải thoát khỏi sinh tử được.
Tuy nhiên, dù bạn đã thấy được thực tướng, ngay cả chỉ là của một niệm nhỏ nhoi, bạn vẫn cần có một minh sư để ấn chứng xem bạn có thực có được chánh kiến hay không.
Tôi chỉ hi vọng là mọi người học Đạo hãy tin tưởng ở nơi con người thực sự của mình. Bạn không nên mất tự tin, cũng không nên kiêu mạn.
Trọng điểm của sự tu tập chỉ là buông xả những vọng niệm thế gian. Kinh nghiệm chứng ngộ của chư Phật, chư hiền thánh không có gì khác hơn là như vậy.
Cố gắng dẹp bỏ tâm chúng sanh thực sự là không cần thiết. Và tìm cầu điều gì như là "Pháp đúng thực" lại cũng là một sai lầm lớn lao. Chỉ cần nỗ lực giữ cho con người thực sự của mình không bị ô nhiễm: tất cả chỉ là thế mà thôi.
Tập cắt đứt tất cả mọi ô nhiễm là sự tu tập có tính cách đối đãi, trong khi chỉ cần giữ tâm ở nơi không khởi ô nhiễm được gọi là "Niết Bàn".
Muốn cho tâm không, chỉ cần quán chiếu thật sâu xa vào đó. Lúc đó bạn sẽ thực sự tin tưởng được rằng, trong thực tế, sự biến hiện của chỉ một niệm thôi cũng là huyễn ảo. Thực ra, chẳng có "vật" gì đã thực sự hiện ra bao giờ cả.*

(*Câu kệ của Lục Tổ: Xưa nay không một vật, Chỗ nào bám bụi trần.")

Nếu bạn biết rằng niệm khởi tự nó là huyễn ảo, đó là bạn đã được giải thoát. Cần gì phải dùng phương tiện khéo nào nữa? Ra khỏi mọi mê lầm, tức là bạn đã giác ngộ, không cần phải qua một tiến trình tiệm tu nào nữa.
Chúng sinh thường đã ở trong sự tịch tĩnh hoàn toàn, không có động thái nào, không sinh cũng không diệt. Điều đó đôi khi được gọi là "vô sanh". Nhưng họ lập nên sự thấy biết lầm lẫn "sinh" và "tử" , "Niết Bàn/ cứu độ", tin rằng chúng là thật, giống như thấy hoa đốm trên hư không vậy.
Đôi khi chúng ta nói rằng "Bồ Tát cứu độ chúng sanh bằng cách tiếp dẫn họ đến Niết Bàn". Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng có chúng sanh nào đã đạt đến Niết Bàn nào cả.
Việc đạt được đốn ngộ là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên trên thực tế, những tập khí huân tập nơi tâm không thể nào tiêu trừ ngay được.
Một trí tuệ sáng tỏ và thanh tịnh hành hoạt không chướng ngại là do sự tu thiền đạt đến chánh định mà ra. Khi tâm ở trong định, sẽ thấy rõ ràng sự biến hiện của tất cả các pháp trên thế giới này.
Nếu đang gặp phải những tình thế khác nhau mà tâm bạn không khởi niệm, thì đó gọi là ở trong "vô sanh". Tính của vô sanh là "trước niệm khởi", và trước niệm khởi tự đó là Niết Bàn, hay là cứu độ vậy.
Một số người tưởng chúng ta tu tập là để đạt đến Niết Bàn. Nhưng đó là sai lầm. Tâm bản lai là tĩnh lặng và hoàn toàn trong sáng, chỉ là như thế (Như Thị). Đạt được sự nhận thức như thế mới thực là Niết Bàn và cứu độ. Vì thế kinh đã dạy rằng, "Tất cả các pháp bản lai đã có sẵn Niết Bàn".

So Sahn (1520-1604)
Trích từ Tấm Gương Thiền - Yếu chỉ truyền thống về pháp tu Phật
( The mirror of Zen - The Classic Guide to Buddhist Practice 200)

Ngọc Bảo phóng dịch từ Daily Zen Journal


Nguồn :ngocbao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét