Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

TỨ DIỆU ĐẾ - Ajahn Sumedho

Lúc Đức Phật vừa đại ngộ dưới cội bồ đề, Ngài nghĩ, "Chắc sẽ không có người hiểu được những gì ta vừa chứng ngộ; nó quá vi tế. Vì thế, ta không nên bận tâm tìm cách giải thích; Ta không hy vọng gì nữa về việc nầy và sẽ tiếp tục ngồi dưới cội bồ đề."
Nhưng lúc đó, thần Phạm thiên Sahampati, vị tượng trưng cho lòng bi mẫn với tất cả chúng sanh, hiện ra và thưa với Phật, "Bạch Thế Tôn, con thấy vẫn có những người với đôi mắt chỉ dính chút bụi mờ.Cung thỉnh Ngài giảng Pháp vì lợi lạc của số người ít ỏi nầy." Đức Phật nghĩ, "Thế thì ta sẽ cố gắng. Ngồi mãi dưới gốc cây bồ đề nầy không hữu ích cho ai cả. Vả lại, ta cũng chưa có ý định làm gì khác." Rồi Ngài tự hỏi, "Thế thì ta nên giảng Pháp cho ai?" Sau khi đắn đo suy nghĩ, Ngài quyết định đi đến thành Benares tìm lại năm người bạn đã cùng tu khổ hạnh với Ngài và đã rời bỏ Ngài ra đi khi họ nghĩ rằng Ngài không còn đủ ý chí để cùng tu khổ hạnh với họ.

Khi Đức Phật còn ở bên cạnh những người bạn nầy, Ngài là một nhà tu khổ hạnh siêu việt. Thân Ngài chỉ còn như một bộ xương, hốc hác, với đôi mắt thụt sâu, vì Ngài tự ý nhịn đói để nhiếp phục những cơn đói khát dữ dội. Ngài tu khổ hạnh tuyệt hay đến nỗi ngày nào mà Ngài còn theo phép tu nầy, năm người bạn nầy cho Ngài là một người kỳ diệu và phi thường. Tuy nhiên, cuối cùng Ngài nhận ra rằng không ăn uống để bồi dưỡng cơ thể và để cho cơ thể bị bệnh hoạn yếu đuối quả là phí phạm thời giờ, nên một hôm Ngài quyết định uống một chút nước cháo. Khi năm người bạn thấy Ngài ăn cháo, họ phẫn nộ cho là Ngài đã mất ý chí tu khổ hạnh nên từ bỏ Ngài và ra đi.
Đức Phật vẫn nghĩ có lẽ năm vị nầy sẽ hiểu được những gì Ngài vừa chứng ngộ. Nên Ngài quyết định đi đến thành Benares để tìm họ. Khi Đức Phật đến Lộc Uyển (Vườn Nai) ở Saranath, gần thành Benares, vừa thoáng thấy Ngài, năm vị tu khổ hạnh đã nhận biết ngay là Ngài đã chứng ngộ và hiểu biết một điều gì đó rất sâu sắc và quan trọng, nên họ ngồi xuống và yêu cầu Ngài khai ngộ cho họ. Thế là Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên mà ngày nay chúng ta biết dưới tên gọi Dhammacakka Sutta, Kinh Chuyển Pháp Luân hay Bài Pháp Khởi Động Bánh Xe Của Sự Thật.
Bài pháp nầy là lời giảng dạy sâu sắc. Nó là một bài pháp để chúng ta thực hành và chứng ngộ. Nó không phải là một bài luận văn triết học xuất chúng; trái lại, nó là kim chỉ nam giúp chúng ta trên lộ trình tu tập và giác ngộ. Và kim chỉ nam nầy chính là giáo lý về Tứ Diệu Đế hay Bốn sự thật thánh thiện. Lời dạy của Đức Thế Tôn về Tứ Diệu Đế là dành chung cho tất cả các hệ phái trong Đạo Phật và nó là cái nhìn trực tiếp và xuyên thấu vào chính bản chất của sự vật.




KHỔ ĐẾ HAY SỰ THẬT THÁNH THIỆN THỨ NHẤT

Khổ Đế là sự thật đơn thuần về kinh nghiệm bất toại nguyện, bất mãn, khổ đau hay phiền não. Sự đau khổ này, tiếng Pali gọi là dukkha, là điều mà chúng ta có thể thấy một cách trực tiếp. Trong chúng ta, không ai mà không cảm nhận tình cảm thất vọng, khó chịu, bất mãn, hoài nghi, lo sợ, hay tuyệt vọng một lúc nào đó trong đời mình. Khổ Đế có nghĩa là không có gì là toàn thiện hoặc hoàn hảo trong đời dù cho bạn có tất cả những điều bạn muốn. Đau khổ không nhất thiết nghĩa là mẹ bạn không yêu thương bạn, mọi người đều ghét bỏ bạn và bạn bị nghèo túng, hiểu lầm, lợi dụng và bốc lột. Bạn có thểđược mọi người quý mến, cha mẹ thương yêu và đối xử tuyệt vời, có đầy đủ sắc đẹp, của cải và tất cả sự may mắn mà người đời có thể có được. Nhưng bạn vẫn không toại nguyện. Bạn vẫn cảm thấy có một cái gì đó không hoàn hảo, một cái gì đó chưa toàn thiện, một cái gì đó chưa toại nguyện.
Không cần biết bạn có bao nhiêu của cải, địa vị, ân sủng và may mắn trong cuộc đời, nội tâm bạn vẫn luôn có tình cảm hoài nghi và tuyệt vọng. Vẫn luôn có quá trình già nua của thân xác; vẫn luôn có bịnh tật và sự chết chóc trong tấm thân nầy. Và những vấn nạn siêu hình vẫn dai dẳng ám ảnh: Tại sao tôi sinh ra trong cõi đời nầy? Những gì sẽ xảy ra khi tôi chết? Chết là gì? Đây là những câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời: Tại sao tôi được sinh ra? Những gì xảy ra khi tôi chết? Tôi sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục, hay sẽ hoàn toàn tịch diệt? Phải chăng tôi có một linh hồn bất tử? Có phải tôi sẽ tái sinh thành con kiến hay con cóc? Tất cả chúng ta đều muốn biết những gì xảy ra khi chúng ta chết. Có thể chúng ta sợ phải đương đầu với sự thật nhưng vấn đề vẫn nằm đó và tiếp tục ám ảnh chúng ta.
Khổ Đế chỉ cho chúng ta thấy sự đau khổ chung của loài người. Chúng ta đau khổ vì phải xa cách người mình yêu mến, gần gũi người mình chán ghét, không được những gì mình mong muốn và phải chịu đựng những thay đổi tự nhiên của cơ thể trong quá trình già, bịnh và chết. Đây là số phận chung của con người mà chúng ta có thể quán tưởng. Vì thế Đức Phật dạy, "Có một sự thật thánh thiện, đó là sự khổ đau (dukkha)." Với lời dạy nầy, Ngài chỉ ra điều mà tất cả chúng ta đều có thể biết được ngay bây giờ. Ở đây, vấn đề không phải là tin ở sự khổ đau mà là trực tiếp trải qua sự khổ đau, nỗi cơ cực, đau đớn, sợ hãi và lo âu của chính bạn.
Xin hỏi có ai mà không bao giờ đau khổ không? Làm sao chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm những khổ đau nầy chính là con đường chứng ngộ tâm linh mà tôi muốn trình bày cùng các bạn. Bạn bắt đầu đi trên con đường nầy bằng cách chứng nghiệm những gì bạn có thể chứng nghiệm. Lúc đầu, bạn không nhắm đến mục tiêu Niết Bàn hay trạng thái Bất Tử; bạn không chọn một quan điểm triết học hay siêu hình. Vì nếu phải chọn một quan điểm hay lập trường nào đó, bạn sẽ nhìn mọi việc lệch lạc. Thí dụ, nếu tin ở Thượng Đế, bạn sẽ thấy Thượng Đế có mặt ở tất cả mọi nơi, nhưng nếu không tin ở Thượng Đế, bạn sẽ không thấy Thượng Đế ở bất cứ nơi nào. Bất kỳ tư thế nào, khi đã chọn, nó sẽ luôn bóp méo cái nhìn của bạn và bạn sẽ diễn giải kinh nghiệm của mình qua cái nhìn lệch lạc đó. Nhưng phương pháp của Đức Phật là, thay vì cho chúng ta một tư thế, một lập trường để từ đó chúng ta nhìn mọi việc trên đời, Ngài chỉ cho chúng ta thấy sự khổ đau, điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận biết trong cuộc sống.
Tôi đã từng nghe một vài người nói rằng họ chưa bao giờ đau khổ cả. Tôi thật kinh ngạc là họ có thể nói như vậy. Đối với tôi, cuộc đời nầy luôn có quá nhiều đau khổ. Nói điều này không phải vì trongđời tôi đã gặp nhiều bất hạnh lớn lao. Thật ra, tôi là một người rất may mắn. Cha mẹ tôi đối xử rất tốt với tôi và tôi đã có nhiều thuận duyên trong đời; Không ai đối xử tệ bạc hay nhục mạ tôi. Nhưng sống trên đời nầy tự nó là khổ. Đó là dukkha. Dukkha là nỗi khổ gắn liền với cuộc sống. Chỉ việc được sanh ra làm người tự nó là đau khổ. Nó là nỗi khổ gắn liền với đời người cho dù bạn có tất cả và cuộc đời bạn là vô cùng tươi đẹp và sung sướng.
Trong chúng ta có vài bạn phải chịu nhiều bất hạnh, như gia đình xung đột hoặc tan vỡ Trong trường hợp nầy, chúng ta có lý do để than vãn rằng, " Người đó làm tôi đau khổ. Nếu người đó không có mặt ở đây thì tôi sẽ được an vui." Chúng ta nghĩ là nếu xua đuổi được tất cả những gì làm chúng ta đau khổ, chúng ta sẽ được hạnh phúc. Nhưng sự đời không phải như thế. Phần lớn những người tìm đến Đạo Phật ngày nay, trong mức độ nào đó, là những người được nhiều ân sủng trong xã hội. Họ được giáo dục tốt, có nhiều may mắn tạo nên tiền của và được đi du lịch nhiều nơi v.v… Nhưng dù có nhiều tiện nghi, khoái lạc và may mắn, họ vẫn không toại nguyện.
Trước hết, dukkha hay sự đau khổ phải được chứng ngộ, phải được thật sự cảm nhận trong tâm; nói khác đi, nó phải trở thành một kinh nghiệm được nhận thức trọn vẹn và đầy đủ. Chúng ta đang sống trong một điều kiện rất giới hạn, đó là tấm thân thế tục nầy. Một tấm thân dễ bị tác động bởi khổ đau, dục lạc, và nhiệt độ nóng lạnh. Nó sẽ già nua và năm giác quan của nó sẽ suy yếu dần; Nó sẽ bệnh và chết. Và tất cả chúng ta đều biết những điều nầy và biết rằng cái chết đang chờ tất cả chúng ta. Cái chết đang có mặt tại đây. Cái chết là điều mà con người không thích nghĩ đến hay tìm cách nhận diện. Nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngày nào mà chúng ta vẫn không hiểu về luân hồi sinh tử hay về những chu kỳ của sự sống và sự chết, ngày nào mà chúng ta vẫn không hiểu chính chúng ta, và ngày nào mà chúng ta vẫn còn sống cuộc đờidễ duôi và ích kỷ, chúng ta sẽ tiếp tục đau khổ. Khi đau khổ quá nhiều, chúng ta sẽ giật mình tự hỏi, "Tại sao tôi đang đau khổ?" Đó cũng chính là lúc mà chúng ta bắt đầu tỉnh ngộ.
Khổ Đế không phải là một lý thuyết hay tín điều; nó là một tấm bảng chỉ đường. Nó không nói là tất cả mọi việc trên đời đều khổ sở, sầu muộn và đáng ghê tởm; nó cũng không khuyên chúng ta phải chối bỏ tất cả. Nó không nói là tất cả mọi vật đều đang đau khổ, mà trái lại, theo lời của Đức Phật, nó nói rằng "Có sự đau khổ trên thế gian nầy." Và sự đau khổ nầy là tại đây, ngay trong cuộc sống nầy. Nó khuyên chúng ta không nên đổ lỗi cho ngoại cảnh là nguyên nhân làm chúng ta đau khổ. Nó chỉ cho chúng ta thấy rằng không phải vợ hay chồng, cha hay mẹ, nhà nước hay thế giới nầy làm chúng ta đau khổ. Trái lại, nó chỉ cho chúng ta thấy rằng sự đau khổ đến từ chính trong tâm chúng ta và rằng không ai khác hơn ngoài chính chúng ta đã tạo nên sự đau khổ nầy.

TẬP ĐẾ HAY SỰ THẬT THÁNH THIỆN THỨ HAI

Tập Đế hay Sự Thật Thánh Thiện Thứ Hai dạy rằng Dukkha có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. TậpĐế xem xét và ghi nhận kỷ lưỡng và tường tận hơn sự khổ đau. Tập Đế cho rằng đau khổ là do duyên sinh, hay nói khác đi, đau khổ có được là nhờ vào nhiều điều kiện. Đau khổ không phải là một sự thật tuyệt đối. Đau khổ là một sự thật thánh thiện; và chúng ta cần chú ý đến điểm khác biệt nầy. Chúng ta không nói là trên đời nầy, mọi vật đều đau khổ, nhưng chúng ta nói là có nỗi khổ luôn gắn liền với cái thế gian mà chúng ta đang sống và với những giới hạn của kiếp sống nầy. Khi nhìn khổ đau từ góc cạnh nầy, chúng ta sẽ thấy được những giới hạn của chúng ta và những gì chúng ta bị dính mắc và trói buộc cuộc đời của chúng ta trong đó.
Thân thể là một trong những sự vật mà chúng ta bị dính mắc. Theo quy luật tự nhiên, sắc thân con người là cái được sinh ra, lớn lên, già nua và chết. Nó không phải là của riêng ta, thế mà chúng ta vẫn luôn xem nó là của riêng. Thí dụ, khi bạn nói không thích diện mạo của tôi, tôi nghĩ ngay rằng, "Anh chàng nầy không thích khuôn mặt của tôi. Khuôn mặt nầy chính là tôi đấy. Như vậy là anh ta không thích tôi rồi. Tôi rất bất mãn anh ta về việc này." Nếu tôi đồng hóa sắc thân nầy với chính tôi, thì khi có người mạ nhục nó, tôi sẽ buồn phiền. Nhưng nếu tôi nhận ra rằng sắc thân nầy không phải là của tôi thì mặc kệ ai nói gì về khuôn mặt của tôi cũng không sao. Khuôn mặt của tôi là như thế đó ngay ở thời điểm đó, nó giống như vậy, nó không phải là cái gì của riêng tôi. Nó thuộc về thế giới tự nhiên, và theo quy luật tự nhiên, nó sẽ già rồi chết. Khi chúng ta bớt đồng hóa với thân thể nầy, chúng ta sẽ bớt gặp khó khăn với nó. Thân thể vốn dĩ có được là nhờ vào nhiều điều kiện. Cứ để nó là nó, thế thôi.
Nếu có được cái nhìn như thế về thân thể, chúng ta cũng sẽ bớt gặp khó khăn với những người chung quanh. Chúng ta thường gặp khó khăn với người khác khi chúng ta mang cái nhìn "đây là tôi và kia là bạn." Nếu không đồng ý với nhau về một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ cãi vã với nhau dữ dội. Chúng ta bám chặt vào cái nhìn của mình về người khác và từ đó cảm thấy thất vọng khi người khác không sống theo cái nhìn nầy. Trong đời sống, chúng ta đã bao lần trải qua những quan hệ đầy ảo tưởng, chúng ta mong mỏi và chờ đợi nhau rất nhiều để rồi hoàn toàn thất vọng? Chúng ta chờ đợi, khao khát, rồi thất vọng, vì hầu như không ai trên đời nầy có thể làm cho chúng ta hoàn toàn hạnh phúc và thỏa mãn. Nếu chúng ta quan hệ với cuộc đời theo cách nầy, nghĩa là muốn người khác sống theo ý của mình, chắc chắn mọi người sẽ bằng cách nầy hay cách khác làm chúng ta thất vọng. Và chúng ta cũng sẽ luôn thất vọng với chính mình vì chúng ta sẽ không bao giờ trọn vẹn trở thành những gì mà chúng ta mong ước.
Tập Đế khuyên chúng ta không nên để tâm đến ý kiến hay quan điểm của mình về các sự vật mà nên ghi nhận sự bắt đầu hay sự sinh khởi của các sự vật nầy. Chúng ta thường không nhìn thấy sự sinh khởi của các sự vật. Khi ngắm nhìn một sự vật nào đó, chúng ta liền khởi tâm yêu thích và chạy theo nó hoặc ghét bỏ và chống lại nó. Tuy nhiên, để thấy được sự sinh khởi của sự vật, chúng ta phải thật sự tỉnh thức và chánh niệm. Và khi thấy được rằng khổ đau có sự bắt đầu của nó hay là một cái gì do duyên sinh, chúng ta sẽ đổi cái nhìn về chính sự khổ đau.
Tập Đế quán tưởng sự sinh khởi của khổ đau bằng cách xem xét ba loại tham ái. Tiếng Pali gọi ba tham ái nầy là kama tanha (ái dục), bhava tanha (ái hữu), vibhava tanha (ái vô hữu hay ái diệt). Kama tanha hay ái dục là lòng tham đắm dục lạc, những thú vui thuộc về giác quan; bhava tanha hay ái hữu là lòng ham muốn trở thành một cái gì đó, một nhân vật nào đó và vibhava tanha hay ái vô hữu là ước muốn dứt bỏ hay hủy diệt một cái gì đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể thấy được cả ba loại tham ái nầy. Khi cảm thấy buồn chán, bạn liền đi tìm một món gì đó để ăn, hay mở máy truyền hình để xem, hay uống một cái gì đó, hay gặp một người nào đó để trò chuyện. Tất cả những hoạt động nầy thể hiện lòng tham muốn những thú vui thuộc về giác quan hay ngũ dục. Nhưng sau khi đã nhàm chán với ngũ dục, bạn có thể quay sang tìm cách cống hiến đời mình cho văn học bằng cách trở thành một nhà văn nổi tiếng, cho việc nấu nướng bằng cách trở thành một người đầu bếp tài ba, hay cho việc tu tập bằng cách trở thành một đấng giác ngộ. Tất cả những mơ ước nầy là ái hữu, nghĩa là mong trở thành một cái gì đó. Và khi nhàm chán với dục lạc, với sự thành đạt trên đời, bạn chỉ muốn chối bỏ chính sự hiện hữu của bạn. Ngủ nhiều là một hình thức chìm đắm trong vibhava tanha hay ái vô hữu, tức là muốn chối bỏ hay quên bẵng đi cuộc sống nầy. Nhưng khi vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài, bạn lại bắt đầu mơ ước trở thành một thành một cái gì đó hay được sống trong dục lạc và vì thế bạn lại tìm một cái gì đó để ăn, để hút, để uống, để ngắm nhìn, để đọc, để suy tư, cho đến khi bạn trở nên nhàm chán và tìm cách quên đi chính những kinh nghiệm nầy! Thưa bạn, khi bị ám ảnh, kinh sợ hay giận dữ về một điều gì, có phải bạn tìm cách diệt trừ ngay những tình cảm này? Bạn la hét với chính bạn, "Tánh tôi rất nóng nảy. Tôi không chịu được nữa." Bất cứ lúc nào sân hận, ganh tỵ và sợ hãi v.v… khởi lên trong tâm, bạn đều tìm cách trừ khử chúng. Đó chính là vibhava tanha hay ái vô hữu, ái diệt, tức là ham muốn dứt trừ một trạng thái tâm mà bạn không ưa thích.
Ba loại tham ái nầy là điều kiện sinh khởi của khổ đau. Tập Đế dạy chúng ta rằng dính mắc vào tham ái là nguồn gốc hay nguyên nhân của dukkha. Khi tỉnh thức và chánh niệm, chúng ta sẽ thấy sự sinh khởi của khổ đau, và cùng lúc đó, chúng ta sẽ thấy được sự dính mắc của chúng ta với tham ái.
Nhưng cả ba loại tham ái nầy đều có sự bắt đầu. Chúng sinh khởi, và do đó, không phải là những điều kiện thường hằng của tâm thức; chúng không phải là sự thật tuyệt đối.

DIỆT ĐẾ HAY SỰ THẬT THÁNH THIỆN THỨ BA

Sự Thật thánh thiện thứ ba hay Diệt Đế là sự thật của sự chấm dứt khổ đau. Khi thấy và biết được sự chấm dứt khổ đau, chúng ta sẽ có khả năng nhìn xuyên thấu và chịu đựng tác động của một số tham ái, thay vì chỉ biết chạy theo thói quen chống lại hay tìm cách thỏa mãn chúng. Chúng ta sẽ bớt dính mắc vào tham ái và bớt chăm lo thỏa mãn những tham muốn của mình. Chúng ta để cho tham ái chấm dứt một cách tự nhiên. Chúng ta trải qua và chịu đựng được sự nhàm chán hay đau đớn, hoài nghi và tuyệt vọng, và hiểu rằng chúng sẽ chấm dứt. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì thái độ chấp nhận và chịu đựng khổ đau nầy có vẻ thụ động, bi quan và yếm thế. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, khả năng chịu đựng, trải qua và thấy được sự chấm dứt của khổ đau nầy sẽ giúp chúng ta trưởng thành về tâm lý và tình cảm.
Người đời thường cho rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ hạnh phúc và giàu có hơn, chúng ta sẽđược nghỉ ngơi và vui chơi nhiều hơn, và rồi mọi việc trong đời sống sẽ đẹp đẽ hơn. Chúng ta sẽ luôn luôn tiến về phía trước. Khi còn trẻ và ngây thơ, chúng ta tin cuộc đời là như thế; chúng ta tôn thờ tuổi trẻ cùng với sự thành hình, phát triển và tiến bộ gắn liền với tuổi trẻ. Nhưng ngày nay, nhiều người đã mệt mỏi và chán ngán tất cả những gì gắn liền với cái nhìn lạc quan "tếu" nầy. Họ xem thái độ trên là thể hiện sự non nớt về tình cảm; và dưới con mắt của người Phật tử, sự mệt mỏi và chán ngán nầy không phải là dấu hiệu bi quan mà là biểu hiện của sự trưởng thành về tình cảm và tâm lý. Đó là dấu hiệu họ đang quan sát cuộc đời kỷ lưỡng hơn và đã hiểu quy luật phát triển của cuộc sống. Khi bạn có khả năng thấy, ghi nhận và hiểu được sự chấm dứt của khổ đau, trí tuệ sẽ phát sinh. Khi hiểu được đầy đủ và trọn vẹn sự chấm dứt của khổ đau, chúng ta sẽ rất bình thản, vì khi chúng ta để cho mọi việc chấm dứt một cách tự nhiên và không tìm cách loại trừ nó, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh và tĩnh lặng.
Khi bạn tìm cách trừ diệt sự lo sợ hay giận dữ thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ chỉ trở nên bồn chồn hoặc chán nản và để dứt trừ trạng thái bồn chồn hay chán nản này, bạn lại tìm một cái gì đó để ăn, để hút, để uống, hay đi làm một việc gì khác. Nhưng nếu bạn biết chờ đợi và chịu đựng sự bồn chồn và thôi thúc của tham ái, sân hận, hoài nghi, tuyệt vọng và những cơn dã dượi buồn ngủ, và nếu bạn quan sát được sự chấm dứt của những trạng thái tâm lý nầy, tâm bạn sẽ bình tĩnh và sáng suốt. Đây là điều mà bạn sẽ không bao giờ có được nếu bạn cứ luôn chạy theo cái gì đó ở bên ngoài.
Đây là ý nghĩa và tác dụng của công phu hành thiền. Nếu bạn ngồi thiền và kiên nhẫn chịu đựng, tâm bạn sẽ đi vào tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng nầy sinh khởi vì bạn không còn tìm cách để trở thành một cái gìđó hay diệt trừ một cái gì đó. Đó là sự tĩnh lặng nội tâm hay thoải mái trong tâm hồn trong đó bạn không còn gắng sức vùng vẫy để trở thành một cái gì đó (ái hữu), để thỏa mãn dục lạc (ái dục), hay để diệt đi những phiền muộn (ái vô hữu). Bạn sẽ trở nên thoải mái với những trạng thái phiền muộn nầy. Bạn bắt đầu sống chung một cách bình thản và dễ chịu với những đau đớn về thể xác, bồn chồn và khổ tâm của mình v.v… Và rồi bạn thấy rằng tâm của bạn sẽ rất trong, rất sáng và rất an tĩnh.
Bây giờ, chúng ta sẽ thấy là những điều kiện được sinh ra rồi mất đi nầy là không có tự ngã. Thật ra, thế giới vật chất chung quanh chúng ta là do nhiều điều kiện cấu tạo; Thí dụ như tất cả những gì chúng ta thấy được, cả con mắt của chúng ta, và nhãn thức chỉ sinh ra khi có sự tiếp xúc giữa con mắt của chúng ta và những sự vật bên ngoài. Cũng tương tự như thế với những điều kiện của tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị nếm, sắc thân và những xúc chạm của nó với thế giới chung quanh. Thế giới tâm thức cũng bao gồm những điều kiện này với tư tưởng và trí nhớ, tri giác và khái niệm. Tiếng Pali gọi tất cả những điều kiện của thế giới vật chất và tâm nầy là Anatta hay Vô ngã. Những điều kiện nầy không phải là ta, không phải là của ta, không phải là cái ta thường hằng bất biến, và không phải là thực tại tuyệt đối của thế gian. Chúng là những điều kiện luôn thay đổi. Ngay bây giờ, bạn đang ý thức đầy đủ về tình cảm, tư tưởng hay bất kỳ phản ứng nào khởi sinh trong thân bạn. Đây là những gì chúng ta có thể quan sát được. Và chúng ta quan sát được gì từ những điều kiện nầy? Chúng ta quan sát và thấy rằng chúng sinh ra rồi mất đi và không có tự ngã.
Thay vì thuyết phục chúng ta tin vào cảnh giới Bất sinh bất diệt, vào sự Thật tuyệt đối hay một Đấng Thượng đế nào đó, Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy những gì đang sinh khởi trong thế gian nầy. Ngài khuyên chúng ta nên xem xét và quan sát những điều kiện được sinh khởi trong thế gian vì đó là những gì mà chúng ta có thể trực tiếp thấy và biết được. Ngài dạy rằng chánh niệm và tỉnh giác về những gìđược sinh khởi trong thế gian sẽ đưa chúng ta đến cảnh giới Bất sinh bất diệt vì khi chánh niệm và tỉnh giác, chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm những gì được khởi động và phát sinh từ trạng thái Bất sinh bất diệt và đang thay đổi và vận hành để trở về trạng thái Bất sinh bất diệt.
Đức Phật gọi kinh nghiệm về cảnh giới Bất sinh bất diệt nầy -- một kinh nghiệm không thể diễn tả bằng lời -- là Niết Bàn (Nibbana), là sự tĩnh lặng hay sự mát mẻ. Cụm từ "Bất sinh bất diệt" có thể gợi cho chúng ta ý nghĩa gần giống như sự tịch diệt hay hư vô, nghĩa là một trạng thái không có linh hồn, tự ngã hayThượng Đế. Cụm từ nầy cũng có thể gợi lên một ý nghĩa thật buồn thãm và thê lương, nhưng đó không phải là điều Đức Phật muốn dạy chúng ta. Đức Phật chỉ muốn dạy chúng ta thấy rằng những điều kiện sinh khởi từ trạng thái Bất sinh bất diệt nầy là hết sức bất toại nguyện (khổ), không ngừng thay đổi (vô thường), và không có tự ngã (vô ngã). Ngài không đưa ra lý thuyết Vô Ngã và khuyên chúng ta phải tin vào đó, nhưng Ngài chỉ cho chúng ta con đường mà nếu đi trên con đường đó, chúng ta sẽ thấy được sự thật về đặc tính khổ, vô thường, và vô ngã của vạn pháp. Khi quán sát những điều kiện sinh khởi trong thân và tâm, bạn sẽ nhận ra rằng chúng đến rồi đi; chúng thay đổi.Những điều kiện nầy không phải là chất liệu mà bạn có thể dùng tay rút ra, nắm lấy và tuyên bố rằng: "Nó là của tôi." Khi có những tiếng ồn khó chịu, nếu bạn nghĩ, "Tôi căm ghét những tiếng ồn nầy. Trờiđất nầy không thể dung chứa những tiếng ồn như thế. Tôi sẽ thưa lên nhà cầm quyền sở tại để giải quyết việc nầy," thì rõ ràng là bạn đang xem những tiếng ồn đó là của bạn. Nhưng khi bạn nhận rađược sự thật là những tiếng ồn nầy đến rồi đi và sẽ thay đổi, và nếu bạn kiên nhẫn quan sát điều nầy, thì ngay cả những gì khó chịu nhất cũng sẽ làm cho bạn bình an và tĩnh lặng. Khi bạn sống hòa hợp với thế giới vật chất nầy và với tất cả những gì bạn suy nghĩ, cảm nhận, thể nghiệm qua sự tiếp xúc của năm giác quan và tâm thức với tâm an tịnh, tĩnh lặng và chánh niệm, thì đó chính là cái mà tôi gọi là Kinh nghiệm không thể diễn tả bằng lời, là cảnh giới Bất sinh bất diệt, và là quả vị Niết Bàn.
Vì thế chúng ta hành thiền. Hành thiền là nhìn trực tiếp vào sự diễn biến tự nhiên của tất cả sự vật. Chúng ta quan sát đặc tính chung của tất cả hiện tượng do nhân duyên sinh khởi: Chúng sinh rồi diệt;đó là đặc tính vô thường (anicca); Chúng là bất toại nguyện hay đau khổ; đó là đặc tính đau khổ (dukkha) và sự đau khổ nầy có sự bắt đầu và chấm dứt của nó; và tự chúng không có cái ngã; đó là đặc tính vô ngã (anatta).

ĐẠO ĐẾ HAY SỰ THẬT THÁNH THIỆN THỨ TƯ

Sự thật thánh thiện thứ tư hay Đạo Đế là Bát Chánh Đạo hay Con đường thánh thiện gồm có 8 chi phần. Chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến hay Cái thấy biết chân chánh (samma ditthi). Chánh kiến có được khi chúng ta thấy và thể nghiệm được sự chấm dứt của khổ đau. Để có Chánh Kiến, chúng ta phải luôn luôn chánh niệm. Chúng ta phải thấy rằng tất cả sự vật đều sinh và diệt và không có tự ngã. Và cái biết nầy phải là cái biết bằng kinh nghiệm trực tiếp và phải là cái nhìn xuyên thấu bên trong sự vật. Chánh kiến dựa trên sự hiểu biết trực tiếp, sáng suốt và sâu sắc chứ không dựa trên suy nghĩ, tư duy trừu tượng hay khái niệm. Ngày nào mà bạn không thật sự thể nghiệm trực tiếp mà chỉ dùng suy nghĩ của mình để cho là mình biết về các sự vật thì bạn sẽ luôn bất an và rối loạn. Lý do chủ yếu là vì sự hiểu biết thuần lý chỉ dựa trên các ký hiệu và biểu tượng ngôn ngữ chứ không dựa trên sự thể nghiệm trực tiếp những thực tại của cuộc đời.
Chi thứ hai của Bát Chánh Đạo là Chánh Tư Duy (samma sankappa), hay thái độ chân chánh, ý định chân chánh, mục đích chân chánh. Khi có được Chánh Kiến, tâm của bạn sẽ tự nhiên hướng về Niết Bàn hay cảnh giới Bất sinh bất diệt, tức là hướng về mục tiêu giải thoát. Bạn sẽ thấy là bạn vẫn còn bị những nghiệp lực và tập khí như hoài nghi, lo âu hay sợ hãi chi phối và kéo bạn trở lại thế giới của ngũ dục nhưng bây giờ bạn có thể nhận ra những nghiệp lực nầy. Bạn biết được thực tướng của nó và sẽ không bị chìm đắm lâu trong đó. Ngày trước, bạn có thể bị mất hút và chìm đắm hàng tuần trong tuyệt vọng, hoài nghi, sợ hãi, hay đủ loại tham ái dục lạc. Nhưng khi đã có cái nhìn trí tuệ và Chánh Kiến, bạn sẽ có Chánh Tư Duy hay thái độ đúng. Có thể bạn vẫn chưa đủ quyết tâm để tinh tấn hướng về sự giác ngộ, và vì thế, bạn vẫn có thể tiếp tục sống trong si mê và ảo tưởng, nhưng bây giờ bạn chỉ si mê và ảo tưởng trong một thời gian ngắn mà thôi.
Chánh Kiến và Chánh Tư Duy được xem như là hai chi phần của Trí Tuệ (panna), và từ đó, Trí Tuệ sẽ đưa bạn đến chi thứ ba, thứ tư, và thứ năm của Bát Chánh Đạo. Đó là Chánh Ngữ hay lời nói chân chánh (samma vaca), Chánh Nghiệp hay hành động chân chánh (samma kammanta), và Chánh Mạng hay đời sống chân chánh (samma ajiva). Trong tiếng Pali, chúng tôi gọi ba chi nầy là Sila hay Giới hạnh -- tức là phần đạo đức của Bát Chánh Đạo. Sila nghĩa là làm điều thiện và tránh làm điều bất thiện qua hành động và lời nói. Chánh Kiến và Chánh Tư Duy sẽ hỗ trợ cho Giới hạnh vì khi thấyđược sự thật về khổ đau, nguồn gốc của khổ đau, và sự tận diệt của khổ đau, bạn sẽ không còn muốn làm và nói những gì có thể gây thiệt hại cho mình và các chúng sanh khác. Bạn sẽ thấy mình có trách nhiệm; bạn sẽ không lạm dụng hành động của mình và người khác hay cố ý gây thiệt hại cho các chúng sanh khác. Bạn có thể vô tình làm hại người khác nhưng thật sự trong tâm, bạn không có ý định hãm hại họ. Đó chính là sự khác biệt.
Khi có Giới Hạnh, tình cảm chúng ta sẽ quân bình và chúng ta sẽ thanh tịnh. Vì không giết hại, trộm cắp hay nói dối, chúng ta sẽ không bị dày dò bởi tình cảm hối tiếc và mặc cảm tội lỗi, và tâm chúng ta sẽ an vui, quân bình, buông xả và khiêm hạ. Tình cảm an vui và thanh tịnh nầy sẽ đưa chúng ta đến chi thứ sáu, thứ bảy và thứ tám của Bát Chánh Đạo. Đó là Chánh Tinh Tấn hay chuyên cần chân chánh (samma vayama), Chánh Niệm hay quan sát chân chánh (samma sati), và Chánh Định hay tập trung tĩnh lặng chân chánh (samma samadhi). Với tinh tấn, chánh niệm và tập trung chân chánh, tâm chúng ta sẽ quân bình, buông xả, không hưng phấn hoạt động cũng không thụ động trì trệ. Giống như một em bé đang tập đi: bạn luôn bị mất quân bình và dễ bị trượt ngã. Nhưng chính trong quá trình tập đi nầy, bạn sẽ dần dần phát huy năng lực. Một em bé tập đi có sức mạnh là nhờ dựa vào cha và mẹ, bàn và ghế, những cái trượt ngã và va chạm đau đớn và vào những nỗ lực tự đứng lên để đi lại từ đầu. Rồi em sẽ đi được hai bước, bắt đầu tự đi một mình, và cuối cùng em sẽ tung tăng chạy nhảy. Sự quân bình tình cảm cũng đòi hỏi như thế. Khi có tâm quân bình, bạn sẽ thấy mọi việc dễ dàng, bạn có thể đi, chạy, xoáy người và nhảy vọt lên cao.
Vì thế, chúng ta chia Bát Chánh Đạo thành ba phần: Sila (Giới), Samadhi (Định), Panna (Tuệ). Sila làđạo đức cá nhân, cách làm ăn sinh sống và ứng xử trong hành động và lời nói. Samadhi là sự quân bình về tình cảm. Khi có được Chánh Định, bạn sẽ không còn bị ham muốn ích kỷ, ái dục và lòng tham muốn chiếm đoạt chi phối nữa. Sự quân bình về tình cảm sẽ làm phát sinh hỷ lạc và từ tâm. Bạn sẽ quân bình và buông xả nhưng không thờ ơ lãnh đạm với cuộc đời. Tâm bạn sẽ không chứa đựng gì khác ngoài tình thương dành cho tất cả chúng sinh (metta). Tâm từ sẽ tự nhiên sinh khởi khi không còn cái ngã. Nhưng khi lòng ích kỷ trỗi dậy thì tình thương sẽ trở thành sự thèm khát, lòng bi mẫn sẽ trở thành sự thương hại, niềm hỷ lạc sẽ trở thành sự ham muốn ích kỷ. Khi không có cái ngã, niềm vui sẽ tự nhiên đến và lòng từ bi sẽ tự trào dâng trong tâm bạn. Panna là trí tuệ, là biết được sự thật để tiến đến sự hài hòa viên mãn giữa thể xác, tình cảm, và tinh thần. Với trí tuệ, ba nhân tố nầy hoạt động hỗ trợ nhau thành một thể thống nhất thay vì hoạt động như là những lực lượng đối nghịch và xung đột lẫn nhau.

SỰ THỂ NGHIỆM TRỰC TIẾP

Trong pháp hành của Phật giáo nguyên thủy, chúng ta chỉ tập trung quán sát Tứ Diệu Đế. Khi hành thiền và chuyên cần giữ chánh niệm trong cuộc sống, chúng ta sẽ cảm nhận và thể nghiệm trực tiếp bốn sự thật thánh thiện nầy. Vì thế nên khi có người hỏi Đức Phật là Ngài tin tưởng và thuyết giảng vềđiều gì, Ngài trả lời: "Như Lai thuyết giảng về sự khổ đau, nguồn gốc của khổ đau, sự chấm dứt của khổ đau, và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau." Các tu sĩ Bà La Môn lại hỏi Đức Phật: "Thưa Ngài, có Thượng Đế hay không?" "Điều gì sẽ xảy ra sau khi Đấng Giác Ngộ (ý nói Đức Phật) tịch diệt?" Đức Phật chỉ trả lời vỏn vẹn, "Tất cả những gì sinh ra sẽ diệt đi và không có tự ngã. Có sự khổđau, sự khổ đau có sự bắt đầu và chấm dứt của nó, và có con đường để đi ra khỏi khổ đau. Đó là tất cả những gì ta thuyết giảng." Những bộ óc thông minh, những nhà trí thức vĩ đại có đủ loại kiến giải về sự thật tuyệt đối và đưa ra những hệ thống triết học không tưởng. Họ nghĩ ra những hệ thống lý luận và lô gích rất thiện xảo và hùng hồn, nhưng họ không biết gì về thân và tâm của họ. Họ không học và không nhận biết được điều gì về cái thế giới vật chất và tâm đang không ngừng sinh khởi và tác động trên chính cuộc đời của họ.
Những người chỉ biết sống với tư duy trừu tượng có thể hỏi, "Bạn tin ở Thượng Đế hay không tin ở Thượng Đế?" Nếu tôi nói, "Tôi không tin ở Thượng Đế," họ sẽ hiểu lầm và cho tôi là một người vô thần. Nếu tôi nói, "Tôi tin ở Thượng Đế," thì họ sẽ nói tôi không thật sự là một Phật tử. Sự ngộ nhận nầy bắt nguồn từ sự kiện là họ chỉ quan tâm đến tư tưởng và niềm tin, thay vì cố gắng trực tiếp thể nghiệm chân lý. Bạn không cần phải có đức tin để biết là tất cả những gì sinh khởi sẽ hoại diệt và không có tự ngã. Đây là cái nhìn thẳng vào bản chất của sự vật hay cái nhìn trí tuệ mà bạn chỉ có thể biết một cách trực tiếp. Và đây chính là những gì Đức Phật muốn chỉ cho chúng ta.
Cái gì là cái mà các chư Phật biết và các chúng sanh chưa giác ngộ không biết? Xin thưa, chư Phật biết là bất cứ cái gì sinh ra đều chấm dứt và không có tự ngã. Đó là trí tuệ trong Đạo Phật. Nó có vẻ đơn giản quá phải không các bạn? Nó không có vẻ gì là cao siêu cả nhưng nó là tất cả, bởi vì tất cả những gì chúng ta có thể biết được, nói khác đi, tất cả những gì chúng ta biết, suy nghĩ, và thể nghiệm qua các giác quan, tất cả những gì chúng ta đồng hóa, gắn chặt và xem như là chính chúng ta, là tự ngã của chúng ta, là ta và là của ta, đều thay đổi theo mô hình này. Nó sinh rồi diệt và không có tự ngã.
Thế thì cái ngã là gì? Nếu không phải là sắc thân nầy hay tâm thức nầy, thì cái ngã là gì? Đức Phật để cho bạn tự mình khám phá điều nầy vì Ngài biết là bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu có ai đó mách bảo bạn trước về việc nầy. Nếu tôi nói với bạn về điều nầy, bạn có tin tôi hay không? Sự hiểu biết trực tiếp phảiđến từ sự thể nghiệm trực tiếp, bằng chánh niệm và trí tuệ. Và đây là con đường mà tất cả chư Phật đều đi qua.

* Câu hỏi: Khi nói về sự chấm dứt của khổ đau, có phải Sư muốn nói khổ đau về vật chất lẫn tinh thần?

Trả lời:
Sự đau khổ mà tôi muốn nói ở đây là sự đau khổ do bạn tự tạo bắt nguồn từ sự vô minh của bạn. Khi vô minh không còn thì bạn sẽ có cái nhìn chân chánh hay Chánh Kiến, lúc đó bạn vẫn cảm thấy vui sướng hoặc đau nhức trong cơ thể, nhưng bạn không đau khổ vì nó nữa. Nó chỉ tồn tại như chính nó hay như những cảm giác mà thôi. Khi bạn không hiểu được chân lý nầy, bạn sẽ tự mình chuốc lấy đau khổ. Nếu thân thể bạn bị bịnh tật hoặc đau đớn, bạn liền phản ứng và tìm cách chống lại và loại trừ nó, và bạn cảm thấy sợ hãi, tức giận hoặc buồn rầu về cơn bịnh hoặc tất cả những phiền toái mà cơn bịnh mang đến. Đó chính là sự đau khổ do chúng ta tự tạo và tự chuốc lấy. Và rồi, vì có khuynh hướng phản ứng chống lại nó, chúng ta lại tạo thêm những điều kiện khác khiến cho mọi việc càng căng thẳng hơn.
Nếu bạn quan sát sự đau đớn của thân thể -- thí dụ khi bạn ngồi thiền và đôi chân bắt đầu đau nhức -- và bạn đang tập trung quan sát cảm giác đau nhức và chấp nhận nó như chính nó thì bạn không còn bịđau khổ vì nó nữa. Sự đau khổ chỉ đến khi bạn muốn diệt trừ nó, không muốn nó xảy đến cho bạn, và muốn đổi tư thế ngồi. Đó chính là sự đau khổ do chúng ta tự tạo ra. Vì thế nên khi ngồi thiền, bạn nên cân nhắc: mình bị căng thẳng về cái gì? mình đau khổ vì cái gì? Bị nhức chân có phải thật sự là đau khổ hay không? Nếu tập trung quan sát cảm giác đau nhức, bạn sẽ nhận ra rằng cảm giác đau nhức chỉ là cảm giác đau nhức, nhưng bên cạnh đó, lại có thêm phản ứng chống lại cảm giác đau nhức. Và càng không muốn bị đau nhức, bạn sẽ càng đau khổ: "Chao ôi, tôi chịu không nỗi nữa rồi; Tôi bị đau như vậy là đủ rồi." Bạn đang nỗi giận với chính sự đau nhức của mình.
Bản thân tôi đã từng là người rất sân hận. Sự đau nhức và khó chịu trong thân thể thường làm tôi rất bực bội. Vì thân thể đau đớn, tôi hay tức giận người khác. Khi tôi trút cơn giận vào người khác, họ lại nghĩ là tôi giận chính cá nhân họ. Họ than vãn, "Ôi thôi! Sư Sumedho không thích tôi nữa!" Và nếu không đủ chính niệm, họ sẽ nỗi giận và lại đi chửi rủa người khác. Và như cứ thế, sự sân hận lại được lan truyền ra chung quanh.
Để có thể tập trung quan sát những cảm giác của cơ thể, bạn phải chấp nhận nó. Bạn không nên tập trung quan sát với mục đích xua đuổi nó. Làm như thế là không được và bạn sẽ thất bại; đó vẫn là tháiđộ sân hận, chống đối và ghét bỏ. Bạn phải chấp nhận nó. Và thật ra, bạn phải chấp nhận nó như cái mà sẽ ở với bạn đến suốt đời. Khi bạn đã hoàn toàn chấp nhận nó, cảm giác đau nhức thật vẫn tiếp tục tồn tại nhưng nó chỉ tồn tại như là một cảm giác. Thậm chí bạn không thể nói nó là sự đau đớn. Nó chỉ là một cảm giác, thế thôi. Ý tưởng cho nó thật là khủng khiếp và đau đớn cũng không còn nữa, và từđó những điều kiện hỗ trợ và làm gia tăng sự đau đớn -- như là tình cảm chống ghét, tức giận, và thù hận -- sẽ từ từ giãm đi.

Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét