Ta có hẹn nhưng quên rồi ngày tháng
Cuộc tao phùng xin trả lại thời gian
Ta có đến một phương trời lãng đãng
Tựa hồ như có hẹn cõi ba ngàn.
Ta có đến một phương trời lãng đãng
Tựa hồ như có hẹn cõi ba ngàn.
Một thi sĩ Trung Hoa đã có lần bỗng thấy mình hiện diện một cách trơ trẽn trên cuộc đời và ông nhất định đòi trở về... phi hữu:
Tích ngã vị sinh thời
Minh minh vô sở tri
Thiên không hốt sinh ngã
Sinh ngã phục hà vi ?
Vô y sử ngã hàn
Vô phạn sử ngã cơ
Hoàn nhĩ thiên sinh ngã
Hoàn ngã vị sinh thời !
Huynh xin tạm dịch:
Xưa khi mộng chửa vào đời
Thênh thang mờ mịt đất trời nào hay
Hốt hề hóa hiện thân này (1)
Không trung vô cớ hiển bày mà ra
Áo cơm làm kiếp người ta
Gót chân trần thế âu là cuộc chơi
Cái tôi hoàn lại đất trời
Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh.
Như thế có phải là nhà thơ họ Phạm đã ngao ngán mộng phiêu du hay không còn kham nổi cuộc đời khổ ải? Người nghệ sĩ sao không tiếp tục dệt nốt vần thơ mà đã muốn trở về “minh minh vô sở tri” để an thân trong cái “vị sinh thời” thiên không vô ảnh?
Đó có phải là con đường về chân không hay chỉ là bước trầm luân bên bờ phi hữu?
Cũng cùng một ý niệm trên, nhà thơ đất Ấn, Rabindranath Tagore lại có thái độ khác hẳn, ông hiên ngang gởi tối hậu thư thách thức tuyên chiến với khổ đau và xông lên đối đầu với ma quỷ:
Không cần tránh gian nguy
Can trường ta chống đỡ
Khổ đau nào sá chi
Kiên trì ta chiến đấu
Cầu chi người giúp sức
Một mình ta xông pha
Dù bao người sa ngã
Ta vững một niềm tin
Ma vương dù phép lạ
Không cúi lạy van xin
Vì lòng ta đã quyết
Lìa xa nẻo vô minh
Và con đường xông pha hiên ngang dấn bước của ông có thể là :
Ra đi tức thị trở về
Biển phiền não đó Bồ Đề khác chi
(Triều Tâm Ảnh)
Nhưng không phải ai từ giã vườn địa đàng ra đi cũng đều có thể trở về dưới chân Thượng Đế. Vì “Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không xây lại trở nên như con trẻ thì hẳn chẳng được vào nước trời đâu” Tân ước Mathieu, 18) nên cũng có những kẻ ra đi, đi hẳn vào hỏa ngục đời đời, khó quay đầu trở lại. Đó chính là:
“Người thức ngủ thấy đêm dài
Đường xa trĩu nặng đôi vai lữ hành
Si nhân chẳng thấy pháp lành
Luân hồi nào biết mối manh nẻo về”.
(Dhammapada 60)
Thế là có kẻ ra đi “quên hẳn đường về, tình ái si mê, tù trong lục đạo, trăm dây phiền não... nghiệp báo không rời”, hoặc như Vũ Hoàng Chương đã nói:
“Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về”.
Như thế vẫn có kẻ ra đi, có người trở lại, Socrate đã từng lang thang trên vạn nẻo đường với đôi bàn tay trắng. Chàng Rimbaud lại trở về sau khi đã “giã từ cõi mộng điêu linh”. Và Nietzsche cô đơn đi vào sa mạc cuộc đời để tìm lại đứa “hài nhi chưa tắm sông nào”, may mắn gặp Lão Tử được Lão gia trao cho Xích Tử anh trở về miệt mài ru con trong cơn điên câm lặng.
Rồi Huệ Năng, Bùi Giáng, Krishnamurti, Marx, Miller... biết đâu là lối về, biết đâu là nẻo vọng.
Hữu lai nhi khứ
Hữu khứ lai hề
Hữu lai nhi lai
Hữu khứ khứ hề
Tri chi bất lai
Tri chi bất khứ
Nhiên ! Khứ lai hề
Thiên thu giả mộng!
Tác giả:Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét