Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

TÂM KHÔNG


...Muốn nhìn sáng tỏ bạn phải yên tĩnh, muốn nghe sáng tỏ thì tâm không được nói thầm. Nếu bạn thấy sự thật của điều này thì nó sẽ tự xảy ra. Bạn không cần phải dụng công mới có thể bước vào trạng thái yên tĩnh...
...Nếu xem xét, bạn sẽ thấy tất cả mọi sự trong đời đều dựa trên quá khứ, gốc rễ của chúng ta là nằm trong quá khứ. Tri thức là quá khứ do đó không có tri thức của tương lai hay của hiện tại. Chỉ có tri thức của hiện tại nếu có một sự hiểu thấu trọn vẹn đâu là cấu trúc và tự tính của quá khứ và cho nó ngưng bặt...

...Tâm không thể tự giải phóng mình, vì mỗi cố gắng tự giải phóng của nó chỉ dệt nên một mạng lưới khác mà trong đó nó lại bị ràng buộc. Sự tự tại không phải là cái đối nghịch của bất cứ cái gì, tự do không phải là tự do thoát khỏi một cái gì đó, đó không phải là tình trạng được cởi trói. Chính bản thân niềm mong ước được tự tại nuôi dưỡng cái tù ngục. Tự tại là dạng của sự tồn tại mà dạng đó không phải được sinh ra từ mong ước được tự tại. Khi tâm thấu hiểu được điều này và thấy cái hư vọng trong thẩm quyền lẫn truyền thống, thì cái hư vọng sẽ tự tan rã...
... Tâm phải thoát khỏi phản ứng của tư tưởng. Tâm cũng phải thoát khỏi mọi ý niệm vì ý niệm lại sinh ra phương hướng. Tâm phải nằm ngoài mọi vận động có tính chia cắt của tư tưởng, như về quốc gia, về chủng tộc, về tôn giáo...
...Liệu tâm của bạn có thoát được mọi thứ đó không? Nếu không thì bạn cứ làm những gì mình muốn - cứ trồng chuối ngược mười nghìn năm hay ngồi thiền định trong một tư thế và thở cho đúng đắn thêm mười nghìn năm nữa - bạn sẽ không bao giờ tìm thấy cái kia...

...Phải chăng suy tư được bắt đầu bằng một kết luận? Phải chăng tư duy là đi từ một kết luận này qua một kết luận khác? Có tư duy không nếu tư duy là sự khẳng định? Trình độ cao cấp của tư duy không phải là sự phủ định sao? Không phải sao, tất cả tri thức chỉ là một tập hợp của nhiều định nghĩa, nhiều kết luận, nhiều khẳng định quyết đoán? Tư tưởng khẳng định vốn dựa trên kinh nghiệm, luôn luôn là kết quả của quá khứ và loại tư tưởng như thế không bao giờ phát hiện được cái mới...
...Sự tích lũy kiến thức không giúp ta hiểu ngộ được cuộc đời. Tri thức là một lẽ và hiểu ngộ là một lẽ khác. Tri thức không dẫn đến sự hiểu ngộ; thế nhưng sự hiểu ngộ có thể làm phong phú cho tri thức và tri thức có thể cung cấp thông tin cho hiểu ngộ...
...Chân lý không cần phải được chứng minh bằng hành động, nó cũng không lệ thuộc vào bất cứ thẩm quyền nào; thế nên hãy dẹp qua một bên tất cả thẩm quyền và truyền thống và hãy tự mình tìm ra chân lý cho chính mình...


Jiddu Krishnamurti

 (Đối diện cuộc đời - Nguyễn Tường Bách biên dịch)




CÁI TRỐNG RỖNG (1) NỘI TÂM


Cô đội trên đầu một chiếc giỏ to, một tay giữ cho khỏi rơi; cái giỏ hẳn phải nặng lắm nhưng trọng lượng của nó không hề làm lệch bước cô đi. Cô giữ thăng bằng một cách tuyệt vời, cô bước đi nhẹ nhàng và có nhịp. Tay cô mang vòng phát nhẹ tiếng kêu leng keng, chân mang giày xăng-đan đã cũ. Chiếc váy sari của cô đã rách và bẩn vì đã mặc quá nhiều. Thường thì cô có nhiều bạn cùng đi, ai nấy đều đội giỏ cả, nhưng hôm nay cô chỉ một mình trên con đường gập ghềnh. Mặt trời chưa đến nỗi quá nóng và trên bầu trời xanh nhiều con chim kên kên lượn những vòng rộng, cánh không hề vỗ. Dòng sông chảy yên lặng dọc bên đường. Thật là một buổi sáng rất bình an, và cô gái cô đơn với chiếc giỏ trên đầu dường như là tâm điểm của cái đẹp và ân sủng; tất cả mọi sự dường như hướng về cô và nhận cô làm một phần sự tồn tại của chính mình. Cô không phải là một đơn vị tách rời, mà là một phần của bạn và tôi, và của cây me kia. Cô không đi trước mặt tôi mà lại là tôi đang đi với chiếc giỏ trên đầu. Đây không phải là ảo giác, là cái tự nghĩ, cái mong ước và sự tự đồng hóa được bày vẽ ra – nếu có thì thật là xấu hết chỗ nói – mà là một chứng nghiệm tự nhiên và tức thì. Vài bước chân cách ly giữa chúng tôi đã biến mất; thời gian, ký ức và khoảng cách không gian, những điều do tư tưởng sinh ra, đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn một cô gái này chứ không có tôi đang nhìn cô. Và cũng còn một đoạn dài nữa mới đến phố chợ, chỗ mà cô sẽ bán những đồ đựng trong giỏ. Buổi tối cô sẽ về lại dọc theo con đường này, qua cầu tre nhỏ về tới làng, và sáng mai mới ra lại với chiếc giỏ đầy.
Anh rất đứng đắn, độ tuổi trung niên nhưng anh có một nụ cười vui thích và cũng còn rất khỏe mạnh. Ngồi xếp bằng trên sàn, anh nói tiếng Anh một cách ngập ngừng. Anh hơi bẽn lẽn vì đã học đại học và đậu bằng thạc sĩ nhưng đã nhiều năm nay anh không nói tiếng Anh và do đó quên đi cũng nhiều. Anh đọc một số kinh sách bằng tiếng Sanskrit, những từ Sanskrit hay được thốt ra trên môi anh. Anh cho biết tới đây để đặt vài câu hỏi về sự trống rỗng nội tâm, sự trống không của tâm. Rồi anh bắt đầu ca bằng tiếng Sanskrit và căn phòng tức khắc tràn ngập bởi một sự cộng hưởng sâu lắng, thanh tịnh và thấm đượm. Anh tiếp tục hát một hồi và thật là hân hoan khi được nghe anh hát. Khuôn mặt anh ngời sáng lên với ý nghĩa của mỗi từ trong câu hát, anh dò tìm nội dung những từ đó với một tình thương yêu. Anh không có chút giả tạo nào, anh quá đứng đắn đến nỗi không biết làm bộ tịch.
“Tôi rất vui mừng được ca những bài sloka (2) này trước mặt ông. Đối với tôi những bài ca này có ý nghĩa sâu xa và chứa đầy vẻ đẹp; tôi đã thiền định từ nhiều năm nay và những bài ca này là suối nguồn của sự hướng dẫn và sức mạnh. Tôi đã tập mình đừng dễ bị xúc động thế nhưng những bài ca Sloka này làm tôi dâng trào nước mắt. Âm hưởng của từ ngữ với nội dung phong phú của nó tràn đầy tim tôi để tôi thấy cuộc đời không còn vất vả và thống khổ nữa. Cũng như mọi người khác, tôi đã biết khổ; biết đến sinh tử và niềm đau của cuộc sống. Vợ tôi đã chết và sau đó tôi từ bỏ cuộc sống êm ấm của gia đình, và bây giờ tôi hiểu ý nghĩa của thái độ tình nguyện chấp nhận nghèo khổ. Tôi kể để cho ông hiểu thôi. Tôi không bị thất vọng, không cô đơn, hay tương tự như thế. Tâm tôi thấy vui thích trong nhiều thứ, nhưng cha tôi thường kể về các cuộc nói chuyện của ông, và một người quen khuyên tôi nên tìm gặp ông, và vì thế mà tôi đến đây”.
“Tôi muốn nghe ông nói về sự trống rỗng vô lượng”, anh nói tiếp, “tôi có cảm nhận về sự trống rỗng đó, và tôi có cảm giác đã chạm đến biên giới của nó trong những lần đi hành cước và thiền định”. Sau đó anh trích đoạn một bài ca sloka để giải thích chứng nghiệm của mình.

Krishnamurti: Cần phải nói rằng, thẩm quyền của một ai khác, dù to lớn tới mấy, cũng không chứng minh kinh nghiệm của anh là đúng hay sai. Chân lý không cần phải được chứng minh bằng hành động, nó cũng không lệ thuộc vào bất cứ thẩm quyền nào; thế nên hãy dẹp qua một bên tất cả thẩm quyền và truyền thống và hãy tự mình tìm ra chân lý cho chính mình.


“Điều đó thật là khó cho tôi vì tôi bị ngâm trong truyền thống – không phải truyền thống của thế gian mà trong giáo pháp của Gita, của Upanishad (3), v.v… Có đúng là tôi nên bỏ cả đi hay sao? Tôi sẽ là người vô ơn bạc nghĩa không?”

K: Trong việc này không hề có vấn đề biết ơn hay vô ơn; chúng ta đang nói về việc khám phá cái đúng hay cái sai của sự trống rỗng mà anh nói đến. Nếu anh đi theo con đường của thẩm quyền và truyền thống, những thứ đó là tri thức, thì anh chỉ chứng nghiệm những gì anh muốn chứng nghiệm, được thẩm quyền và truyền thống hỗ trợ. Nó không phải là một sự phát hiện mới mẻ; thứ đó đã được biết tới, như một vật cần được anh nhận biết và chứng nghiệm. Thẩm quyền và truyền thống có thể sai lầm, chúng có thể chỉ là những ảo giác đầy tiện nghi. Muốn khám phá sự trống rỗng nọ là đích thực hay hư vọng, hay liệu nó chỉ là sự bày vẽ của tâm, tâm phải thoát khỏi mạng lưới của thẩm quyền và truyền thống.

“Liệu có lúc nào tâm thoát được khỏi mạng lưới đó không?

K: Tâm không thể nào tự giải phóng mình, vì mỗi cố gắng tự giải phóng của nó chỉ dệt nên một mạng lưới khác mà trong đó nó lại bị ràng buộc. Sự tự tại không phải là cái đối nghịch với bất cứ cái gì, tự do không phải là tự do thoát khỏi một cái gì đó, đó không phải là tình trạng được cởi trói. Chính bản thân niềm mong ước được tự tại nuôi dưỡng cái tù ngục. Tự tại là dạng của sự tồn tại mà dạng đó không phải được sinh ra từ ước mong được tự tại. Khi tâm thấu hiểu được điều này và thấy cái hư vọng trong thẩm quyền lẫn truyền thống, thì cái hư vọng sẽ tự tan rã.
“Có thể tôi bị xui khiến khi đọc sách, hay khi suy tư về những điều trong sách; ngoài ra thì từ hồi còn nhỏ, tôi đã cảm nhận mơ hồ, như mơ, về một cái trống rỗng. Trong tôi luôn luôn có một sự gợi biết về nó, một cảm nhận bâng khuâng; và khi lớn lên, khi đọc các sách tôn giáo tôi cảm thấy cảm giác này còn mạnh hơn, sinh động hơn, chắc chắn hơn. Tôi cũng bắt đầu thấy những gì ông nói. Hầu như tôi hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự miêu tả về những chứng nghiệm của người khác, như được ghi lại trong kinh sách. Tôi có thể từ bỏ sự lệ thuộc này vì thấy cần thiết phải làm, nhưng liệu tôi có thể sống lại được cái cảm nhận độc đáo, thanh tịnh nằm ngoài mọi ngôn từ được không?”

K: Cái được làm sống lại không phải là cái sinh động, cái mới; đó chỉ là ký ức, một thứ đã chết, và anh không thể thổi sự sống vào trong cái đã chết. Sống lại và sống trong ký ức chỉ là sự nô lệ của sự tự kích thích, và một cái tâm mà lệ thuộc vào sự kích thích, dù ý thức hay không ý thức, thì chắc chắn sẽ cùn nhụt và trở thành vô cảm. Làm sống lại chỉ là kéo dài thêm sự thất vọng. Quay về quá khứ đã chết trong cơn khủng hoảng đang xảy ra là đi tìm một khuôn mẫu để sống, điều này chính là sự hủy hoại. Điều mà anh cảm nhận là tuổi thanh niên, hay chỉ mới ngày hôm qua thôi, điều đó đã qua, đã mất; nếu anh bám giữ vào quá khứ thì anh chỉ ngăn chận sự chứng nghiệm tươi tắn của cái mới mẻ.

“Như ông thấy, tôi thật sự nghiêm túc và đối với tôi có cái thôi thúc phải hiểu ngộ và hòa nhập được vào Tính Không (4) đó. Tôi cần phải làm gì?”

K: Người ta phải xả bỏ tâm thức của những cái đã biết; tất cả tri thức mà ta đã tích lũy phải dứt bặt thì mới mong nhận được ảnh hưởng của tâm đang sống động. Tri thức luôn nói về quá khứ, nó là một quá trình của quá khứ và tâm phải thoát khỏi quá trình đó. Nhận thức là một giai đoạn của quá trình tri thức, đúng thế không?

“Thế là sao?”

K: Muốn nhận thức một vật, anh phải biết đến nó rồi hay phải kinh nghiệm về nó trước đó và những kinh nghiệm này được tích lũy thành tri thức, thành ký ức. Nhận thức xuất phát từ quá khứ. Có lẽ anh đã một lần chứng nghiệm cái trống không này; và khi đã có, anh khao khát có nữa. Cái chứng nghiệm độc đáo đó đã đến khi anh không truy tìm nó; bây giờ thì anh đang tìm và cái mà anh đang tìm không phải là Tính Không mà là sự tái diễn của một ký ức cũ. Nếu nó phải xảy ra lại lần nữa thì tất cả ký ức về nó, tất cả tri thức về nó, phải biến mất đã. Tất cả mọi sự tầm cầu phải ngưng bặt, vì sự tìm kiếm luôn luôn dựa vào mong ước được chứng nghiệm.

“ Thật sự ông muốn nói là tôi không được phép tìm kiếm? Nghe thật là điều khó tin!”

K: Động cơ của sự tìm kiếm thường đáng biết hơn bản thân sự tìm kiếm. Động cơ thâm nhập, dẫn dắt và hình thành sự tìm kiếm. Động cơ từ lòng sở cầu của anh là mong được chứng nghiệm cái chưa biết, được nhận thức ân sủng và tính chất vô hạn lượng của nó. Tâm sở cầu này sinh ra người chứng nghiệm, kẻ mong ước sự chứng nghiệm (5). Người chứng nghiệm đi tìm sự chứng nghiệm to lớn hơn, bao trùm hơn và quan trọng hơn. Khi tất cả mọi kinh nghiệm khác đã hết hấp dẫn, người chứng nghiệm nóng lòng tìm Tính Không; vì thế mà có người chứng nghiệm một bên và bên kia là vật được chứng nghiệm. Thế nên mối tranh chấp nhị nguyên đã hình thành giữa hai cái, người theo đuổi và vật bị theo đuổi.

“Tôi hiểu rất rõ điều này, vì nó chính là tình trạng hiện nay của tôi. Giờ thì tôi thấy mình đang bị ràng buộc trong một mạng lưới do mình tự tạo”.

K: Đó cũng là tình trạng của mọi kẻ tầm cầu khác thôi, không phải của riêng những ai đi tìm Thượng đế, Tính Không, v.v… Mỗi ai có tham vọng và khao khát, kẻ đi tìm quyền lực, địa vị, tiếng tăm, mỗi ai yêu lý tưởng, mỗi ai sùng bái sự đạt đạo, mỗi ai xây dựng một vương quốc ảo tưởng – tất cả họ đều bị ràng buộc vào trong cùng một mạng lưới. Thế thì khi anh đã hiểu thấu toàn bộ ý nghĩa của sự tầm cầu, anh còn tiếp tục tìm kiếm Tính Không nữa không?

“Tôi hiểu nội dung sâu kín câu hỏi của ông và tôi cũng đã chấm dứt sự tìm kiếm”.

K: Nếu quả thật như thế thì tình trạng của tâm phi sở cầu như thế nào?

“Tôi không biết, câu chuyện đối với tôi mới mẻ đến nỗi tôi phải cố tập trung hết sức mình và quan sát. Cho tôi vài phút trước khi tiếp tục”.

Sau khi nghỉ một lát, anh tiếp:

“Tôi nhận ra thật hết sức vi tế, thật khó khăn nếu không cho người chứng nghiệm, người quan sát hiện diện. Hầu như không thể cấm tư tưởng tạo tác ra người tư tưởng; thế nhưng hễ có người tư tưởng, có người chứng nghiệm thì rõ ràng phải có một sự chia cắt với cái được chứng nghiệm và như thế là có tranh chấp với nó. Và bây giờ ông lại hỏi, thế thì trạng thái của tâm vắng bóng tranh chấp nhị nguyên thì như thế nào?”

K: Tranh chấp nhị nguyên hiện diện khi sự thèm muốn lấy dạng của người chứng nghiệm và theo đuổi cái phải được chứng nghiệm; vì cái phải được chứng nghiệm đó chẳng qua cũng do sự thèm muốn hình thành nên.

“Xin hãy kiên nhẫn với tôi, hãy từ từ để tôi hiểu những gì ông đang nói. Sự thèm muốn không những chỉ tạo nên người chứng nghiệm, người quan sát, mà còn sinh ra những cái phải được chứng nghiệm, vật bị quan sát. Thế nên ái dục là nguyên nhân của sự tách rời giữa người chứng nghiệm và cái được chứng nghiệm; và đó là sự phân biệt ngầm chứa tranh chấp nhị nguyên. Bây giờ ông hỏi trạng thái của tâm phi nhị nguyên, không bị ái dục lôi kéo thì sao? Nhưng làm sao trả lời câu hỏi này nếu bây giờ không có người quan sát chứng nghiệm cái vắng bóng ái dục này?”

K: Khi anh ý thức về sự khiêm tốn của mình, không phải sự khiêm tốn chấm dứt ư? Có còn đạo đức nữa chăng khi anh cố tình thực hành đạo đức? Kiểu làm như thế chỉ tăng cường cho hoạt động vì tự ngã của mình, nó là kẻ chấm dứt đạo đức. Lúc mà anh ý thức mình đang hạnh phúc, lúc đó anh đã chấm dứt sự hạnh phúc. Tình trạng của tâm thế nào khi nó không bị ràng buộc bởi ái dục? Ý muốn tìm ra nó cũng là một phần của ái dục, nó sinh ra người chứng nghiệm và vật bị chứng nghiệm, không phải sao?
“Đúng vậy. Câu hỏi của ông là một cái bẫy cho tôi nhưng tôi cảm ơn ông đã nêu lên. Tôi thấy thêm tính chất vi tế của ái dục”.

K: Đó không phải là cái bẫy mà là câu hỏi tự nhiên và không thể tránh khỏi mà anh đã tự hỏi mình trong lúc nói chuyện. Nếu tâm không hết sức cảnh giác, tỉnh táo, thì nó sớm bị ràng buộc trong mạng lưới ái dục của chính nó.

“Câu hỏi cuối cùng: Tâm có khả năng thật sự thoát khỏi mọi ái dục tìm kiếm chứng nghiệm không, điều mà sẽ xóa bỏ ranh giới giữa người chứng nghiệm và vật được chứng nghiệm? (6)”

K: Anh hãy tự mình tìm ra. Nếu tâm hoàn toàn tự tại thoát khỏi mọi cấu trúc của ái dục thì tâm đâu có khác gì Tính Không?

Ghi chú của người dịch:

(1) Void. Từ này được dịch là “sự trống rỗng” hay “Tính Không” tùy theo nội dung câu chuyện.
(2) Thơ hay kệ bằng tiếng Sanskrit, thường gồm hai câu, mỗi câu 16 âm.
(3) Gita. Viết tắt của Bhagavad-Gita (Chí tôn ca) và Upanishad (Những bài thuyết giảng) là kinh sách then chốt của Ấn Độ giáo.
(4) Kể từ đây từ “Void” được dịch là Tính Không vì đã đi vào nội dung đích thực của triết học Tính Không.
(5) “Tâm sở cầu sinh ra người chứng nghiệm” chứ không phải “người chứng nghiệm có tâm sở cầu”. Xin độc giả chú ý, đây là chỗ cần hiểu rõ: “Tâm sở cầu” tạo nên trong dòng tâm thức một chủ thể mà ta mệnh danh là “Người chứng nghiệm”. Không có tâm sở cầu thì cũng không có người chứng nghiệm.
(6) Khi ranh giới giữa người chứng nghiệm và vật được chứng nghiệm được xóa bỏ thì sẽ có tình trạng phi thường mà tác giả nói về cô bé đội giỏ trong phần đầu của bài này.


Trích: Đối diện cuộc đời
Tác giả: Krishnamurti
Dịch giả: Nguyễn Tường Bách


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét