***
- Thiền nói hoài không hết nhưng không nói thì thiền vẫn là thiền.
Kính gửi Thầy Viên Minh.
Nhờ nhân duyên, con đã được biết đến thầy và nghe thầy giảng pháp. Từ đó, "đạo" trong con mới sáng rõ, dễ thấy hơn và đời sống tư tưởng của con đã thay đổi lớn lao. Con xin được đảnh lễ đa tạ thầy từ nơi xa xôi này. Xin thầy nhận cho con.
Tuy vậy, từ đó, mỗi giây phút con sống vẫn luôn đầy ắp thanh thản lẫn khổ đau. Có những lúc, nỗi khổ đau, tham mê phủ kín tâm con, như nhấn chìm con trong biển u mê tăm tối tận cùng... và bằng "thiền", con lại trở về với mình với những thanh thản, trong sáng hiếm hoi, quý giá.
Câu chuyện của con dài lê thê, có viết hàng nghìn chữ cũng không đủ, nếu muốn dùng ngôn ngữ và tâm tham cầu, bám víu, si mê để bộc lộ. Vì vậy, con sẽ không thể kể, con biết, đó là phần việc mà con phải tự làm, phải tự trải nghiệm đơn độc và nhận ra bài học cho mình.
Giờ đây con xin thầy lời chỉ dạy về "đạo" mà con chưa được sáng tỏ:
Con lấy chồng 10 năm. Chồng con là một người đàn ông đẹp trai, học rộng, tài năng và giàu có. Anh là người rất tự tin và có những tư duy, chính kiến của riêng mình, cũng sâu sắc. Con đã sống tận tụy hết mực trong cuộc hôn nhân này với tình cảm si mê, tham ái và đầy bản ngã. Và một điều không may nữa là chúng con không có con.
Giờ đây anh đã quyết định đến với người con gái khác. Mối quan hệ này đã được ấp ủ lâu rồi. Những đau khổ mà con đang gặp phải, xét ở khía cạnh "thiền", thì đã rõ, con sẽ phải tự mình giải thoát. Song chỉ có điều, anh ấy giải thích về điều này ở khía cạnh "đạo" như sau:
1. Đức Phật không thể nói ra hết những điều mà ngài giác ngộ, bởi chúng sinh rất dễ lạc đường. Một trong những điều ngài không thể nói ra là "cần phải có con cái". Ai sinh ra trên đời này, để trả ơn đời, phải có con cái, nuôi dạy và truyền cho chúng trí tuệ của mình.
2. Tình yêu phải được quy đổi ra một thứ rất rõ ràng - đó là cái "chung". Hai người có tình yêu bền chặt là hai người có nhiều cái chung nhất, chung con cái, chung tài sản, chung suy nghĩ, chung mong cầu, chung cách cư xử... Anh tri ân nghĩa tình sâu nặng của con dành cho anh ấy trong những năm qua, song chúng con không thể là vợ chồng khi không có nhiều cái chung như vậy, đặc biệt kể từ khi con đi học "đạo" và khuyên anh buông bỏ dần tham vọng luôn thôi thúc anh.
3. Anh tìm đến người con gái khác và thuận theo tình cảm mới, đối nghịch với những quan điểm "tục đế" (luật, lệ, đức... ở đời) là vì muốn sống "tùy duyên". Mặc dù anh cho rằng anh có tác động, nhưng ở đời, cái gì mà chẳng có tác động. Không làm gì cũng đã có tác động rồi.
4. Thiền là sống thanh thản, vui vẻ trong từng giây phút; thích gì thì làm nấy, miễn sao thấy vui, thấy thanh thản. Ta cứ cố gắng hết sức để đạt được cái mình thích, mình vui, mình thỏa mãn, nhưng nếu không có thì cũng không vì thế mà buồn chán. Giờ đây, anh ở với người con gái này, anh thấy hợp, thấy vui là tốt rồi, còn sau này ra sao, dù có không thành thì cũng phải chịu mà không đau khổ. Đó chính là "thiền".
5. Trong lúc này, khi con vẫn buông thả mọi thứ tự nhiên với hy vọng dành thời gian để anh ấy suy ngẫm thì anh ấy vẫn duy trì quan hệ tình cảm gần gũi cùng lúc với hai người phụ nữ. Con cho rằng như vậy là không đúng nhưng anh ấy cho rằng con bị vướng vào "tục đế". Anh ấy làm thế vì trước hết anh ấy thấy thích, còn nếu con không thích thì thôi, anh ấy có thể ký vào giấy ly hôn ngay. Con người trước hết phải yêu thương chính mình và sống bằng chính bản năng tự nhiên của mình, không cần lý trí!
Thưa Thầy, con thương anh ấy như tình thương ruột thịt, và con tôn trọng và kính nể nhiều kiến thức của anh ấy. Song về vấn đề đạo, con không thể nào thảo luận với anh, mặc dù con đã rất ôn tồn và kiên nhẫn. Bản thân con cũng bị lung lay trước những lập luận sắc bén mà con không thể kể hết ở đây. Xin Thầy cho con lời chỉ dạy để con được ngộ đạo rõ hơn.
Con xin đa tạ thầy.
Con xin chúc Thầy luôn được bình an, mạnh khỏe.
Con, Tuyết Mai
Chuyện quan niệm đúng hay sai của chồng con cứ để anh ấy học ra thông số từ bản chất thật mà cuộc sống sẽ hồi đáp cho anh trong sự thể hiện của định luật nhân quả trả vay. Anh ấy quan niệm gì không quan trọng mà quan trọng là khi câu trả lời của pháp đến anh có học ra được ý nghĩa của những thông điệp vô ngôn ấy hay không. Và hiện nay chẳng phải con cũng đang học ra câu trả lời đích thực nhất cho những quan niệm của con trước đây về cái mà con nghĩ là hạnh phúc gia đình, tình yêu lý tưởng, lời thề thủy chung, trăm năm đầu bạc... đó sao?
Hạnh phúc và tình yêu chỉ có trong lòng con, không tùy thuộc vào ai hay bất cứ điều gì bên ngoài. Hạnh phúc và tình yêu lệ thuộc vào điều kiện thì nó cũng sẽ mất đi khi điều kiện ấy không còn, mà có gì trên đời này còn mãi đâu con? Lập trường quan điểm của chồng con về thiền, về tình yêu và hạnh phúc là quyền tự do của anh ấy, và tất nhiên anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm và phải trả giá cho chính quan niệm của mình trước Sự Thật, mà đạo Thiên Chúa gọi là “phán xét cuối cùng”. Nếu không chia sẻ được với nhau về mặt tri kiến thì con không nên bận tâm tranh luận hay cố gắng thuyết phục anh ấy về vấn đề này, chuyện đó cứ để xem Sự Thật sẽ trả lời ra sao.
Thầy sẽ không phê phán hay bình phẩm về bất cứ quan niệm thiền của ai, vì đó là quyền tự do tư tưởng của họ. Nếu con muốn biết thầy thấy thiền như thế nào thì thầy chỉ trình bày thấy biết của mình thôi:
- Thiền không phải là chủ nghĩa hiện sinh mà trong Kinh Brahmājāla đức Phật xếp vào một trong 62 tà kiến gọi là “hiện tại lạc luận”, chỉ biết sống hưởng thụ dục lạc trong hiện tại để thỏa mãn thị hiếu của cái ta ảo tưởng.
- Thiền không phải là thực hiện một quan điểm theo tư kiến của mình hay của ai khác, vì mọi quan điểm đều là tục đế, không phải là thực tánh vô ngôn mà thiền thể nghiệm.
- Thiền là vượt qua mọi ảo vọng, trở về trọn vẹn với chính mình trong cô đơn tuyệt đối để giáp mặt với thực tại và thấy ra trong đó nhân duyên của tất cả nỗi khổ niềm vui, những ưu tư sầu muộn, đồng thời thấy ra sự tịch lặng vô sanh.
- Thiền là tánh biết thấy pháp vận hành như nó là chứ không phải như cái ta lý trí nghĩ là, do đó Phật dạy: “Nội tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh”
- Thiền là thái độ nhận thức đúng bản chất của đời sống, chứ không phải để đạt được điều như ý. Khi cái ta muốn đạt được điều như ý thì ngay đó đã bất như ý rồi.
- Thiền không mô phỏng theo cái đúng đã được quy định thành mẫu mực, mà phát hiện từ cái sai để điều chỉnh nhận thức và hành vi chân thiện mỹ.
- Thiền là thấy ra hai mặt của cuộc sống: thành và bại, được và mất, hơn và thua, vui và khổ, thiện và ác, đúng và sai v.v... mà tâm vẫn rỗng lặng, hồn nhiên, trong sáng, chứ không phải là thái độ nhị nguyên chọn lựa cái mình yêu thích, vừa lòng hay thỏa mãn. Nếu con sống thuận pháp thì tất nhiên con cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc nhưng đó không phải là mục đích của thiền.
- Thiền là thắp sáng thực tại để không bị mê mờ, quờ quạng hay chìm đắm trong bóng tối của tà kiến và tham ái.
- Thiền không tách rời cũng không đồng hóa với bất cứ trạng thái nào dù là thiên đàng, cực lạc hay địa ngục, mà là thái độ sáng suốt, định tĩnh, trong lành có thể ung dung tự tại trong bất cứ trạng thái nào.
- Thiền không đặt ra điều kiện để thỏa hiệp, dù thỏa hiệp với ai hay thỏa hiệp với điều kiện của chính mình. Lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào thì không còn là thiền, là hạnh phúc, là tình yêu nữa.
- Thiền là mở toang tâm hồn để không còn chỗ nào để bám trụ. Còn chỗ để bám trụ thì vẫn còn bản ngã, thời gian và đau khổ.
- Thiền là thái độ hành động tích cực thuận theo nguyên lý của đời sống, nhưng không rèn luyện, tạo tác, loại bỏ, hay lưu giữ điều gì, vì thiền thấy ra tánh không (suññatā) của vạn pháp. Khi đã rơi vào hữu ý, hữu tất, hữu cố, hữu ngã (có ý đồ thì phải có điều kiện, có chấp thủ và có cái ta ảo tưởng) trong tiến trình trở thành (bhava: hữu) của luân hồi sinh tử .
- Thiền là sống tùy duyên thuận Pháp, vô ngã vị tha, mà các thiền sư gọi là “Nhập lâm bất đạp thảo, nhập thủy bất động ba” nên chỉ sống lợi lạc cho đời mà không làm tổn hại đến ai .
- Thiền nói hoài không hết nhưng không nói thì thiền vẫn là thiền.
Vậy đọc xong con nên quên hết đi cho tâm rỗng lặng trong sáng thì lập tức thiền tự đến một cách sống động hồn nhiên mà con không cần mất công xác định nó là gì.
Thầy Viên Minh
Thư Thầy Trò 29
Tác giả: Viên Minh - Tuyết Mai
Nguồn: www.trungtamhotong.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét