Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

CHẲNG TỪ ĐÂU ĐẾN, CHẲNG ĐI VỀ ĐÂU


Nếu có ai hỏi "Bạn từ đâu đến?", có nghĩa là người ấy hỏi về quá khứ, vì hiện tại bạn đang được hỏi.
Nếu câu hỏi là "Bạn đi về đâu?", có nghĩa là người ấy hỏi về vị lai, vì hiện tại bạn đang được hỏi.


1/ Bất khứ/ bất lai.

Khi đức Phật nói "Ta chẳng từ đâu mà đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai", có ý nghĩa là ngài chẳng bận tâm vướng mắc tới quá khứ, chẳng bận tâm vướng mắc gì tới vị lai, mọi chuyện như như, như vậy, nên gọi là như lai . Đó cũng là tâm bất nhị hay tánh không hai, trung đạo: không (bận tâm) quá khứ/không (bận tâm) vị lai, chỉ chú tâm vào hiện tại, nếu nói gọn lại là "bất khứ - bất lai".
Quá khứ thì đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, nhưng thường thì chúng ta lại vui, buồn, nuối tiếc, dằn vặt cùng quá khứ là những thứ đã qua khỏi tầm tay rồi, lại lo lắng, kỳ vọng nơi tương lai mà nó còn mờ mịt chưa thấy, để rồi quên đi cái hiện tiền trước mắt và trong tầm tay là hiện tại. Với những đứa trẻ thơ, chúng sống hồn nhiên không vướng mắc gì với quá khứ tương lai, nhưng chúng ta lại khác, thường hối tiếc, dằn vặt vì quá khứ, lo lắng hay kỳ vọng ở tương lai làm cho thân tâm bất an, trăn trở trong cuộc sống hàng ngày và trong cả giấc ngủ. Đó là phiền não. Tâm hồn trẻ thơ giống như tâm hồn của người đang ở Nước Trời:

Nếu anh em không quay lại mà trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời . Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,3)

-- Lời đức Phật: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, sự sống chỉ có thể được tiếp xúc trong giây phút hiện tại.” ... “Sự sống chỉ có mặt trong hiện tại, nên tâm ý con người phải luôn an trú trong giây phút hiện tại”.

-- Đức Jesus: “Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó.” (Mt 6:34)

-- Krishnamurti: "Sự giải thoát không nằm ở ngày mai mà cũng không có ở ngày hôm qua. Tôi dám quyết rằng chỉ có hiện tại, hiện tại ngay bây giờ đây, mới chứa đựng tất cả sự vật."

Chẳng phải đây là những lời khuyên bỏ chuyện quá khứ tương lai, như một kẻ mất trí. TRÍ óc vẫn cần tới kinh nghiệm nơi quá khứ để dự tính kế hoạch cho công việc tương lai, nhưng TÂM không bị tương lai và quá khứ chi phối làm lo lắng phiền muộn.

-- "Yesterday is history. Tomorrow is mystery. Today is a gift - that's why we call it the present" (Eleanor Roosevelt).

"Ngày hôm qua là lịch sử. Ngày mai là điều bí ẩn. Hôm nay là quà tặng - đó là lý do tại sao chúng ta gọi nó là present" (là hiện tại cũng là tặng phẩm). Quà tặng mang ý nghĩa quí giá.

Hôm nay cũng là hiện tại, chính là quà tặng, là quí giá hơn quá khứ và vị lai.

2/ Không sanh/ không tử (Không sanh/không diệt)


Đối với một người đang an trú trong hiện tại, sự "sanh" của mình cũng là chuyện quá khứ, cái "chết" là chuyện vị lai. Nếu thực sự là đã an trú trong hiện tại thì không còn bị quá khứ và tương lai chi phối, do đó bất khứ/bất lai, đó cũng là ý niệm "không sanh/không tử", tức là cũng không bị cái chết chi phối nữa vì đó là chuyện tương lai, hạnh phúc là ở hiện tại, tại đây, ngay lúc này. Không sanh/không tử, bất khứ/bất lai là tâm bất nhị hay tánh không hai. Tánh không hai là Phật tánh.

3/ Chánh niệm.


Với một con người đang sống, hơi thở ta đang thở là tượng trưng rõ rệt nhất cho hiện tại. Nếu ta chú tâm (chánh niệm) theo dõi hơi thở là ta chú tâm vào hiện tại. Khi đã chú tâm vào hiện tại thì quá khứ và vị lai không còn chi phối ta được nữa, ít nhất là lúc ta đang chú tâm vào hơi thở...
...Ngoài hơi thở, còn những hoạt động khác tượng trưng cho hiện tại như đang đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, làm công việc đang làm…, điều cần thiết là phải chú tâm (chánh niệm) vào những động tác ngay trong hiện tại đó, thì mới loại bỏ được sự chi phối của quá khứ và vị lai. Đối với công việc, khi chú tâm như thế thì chắc chắn kết quả của công việc sẽ tốt đẹp hơn là vừa làm vừa thả hồn theo chuyện quá khứ hay lo lắng cho tương lai.
Cũng lời đức Phật:
“… Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi", hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng", hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi", hay nằm, tuệ tri: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy.
“…Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng già lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm….

Đây chỉ là một phần của "quán thân" trong tứ niệm xứ. Thiền tứ niệm xứ gồm quán thân, thọ, tâm, pháp, người viết không đề cập đầy đủ ở đây vì đã có nhiều bài viết, và chỉ có một nhận xét về "quán thân" là: đây là phương pháp hiệu quả nhất để tập sự chú tâm (tức chánh niệm) vào hiện tại, tránh sự chi phồi vô ích của quá khứ và vị lai. Chánh niệm là một chánh đạo trong bát chánh đạo, con đường "Thánh đạo tám ngành" đưa đến chứng đắc Niết bàn:
−Này hiền giả, thế nào là Niết Bàn?
− Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết Bàn.
− Có con đường nào, đạo lộ nào đưa đến chứng đắc Niết Bàn?
– Đây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến chứng đắc Niết Bàn ấy, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là đạo lộ đưa đến chứng đắc Niết Bàn ấy. “ (kinh Tương Ưng Bộ)

(Không tham sân si để vì người, hay vị tha - chánh niệm để chú tâm tới hiện tại, loại bỏ những vướng mắc về quá khứ hay vị lai. Đấy là giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc)
Trong phần mở đầu Kinh Kim Cang, ngài A-nan đã ghi lại những động tác rất đơn giản, rất thường tình của đức Phật trong buổi sáng thuyết pháp về bài Kinh ấy. Chắc hẳn ngài A-nan muốn cho ta thấy những động tác, từ sinh hoạt thường nhật rất bình thường cho tới công việc từ nhỏ cho đến lớn, đức Phật đều đặt hết sự chú tâm vào đó. Chú tâm chính là chánh niệm, là nhận rõ một cách tỉnh thức hành động mình đang làm ngay hiện tại. Đấy cũng chính là thiền. Thiền là chú tâm vào hiện tại. Sự chú tâm vào hiện tại cần liên tục trong cuộc đời bất kỳ lúc nào trong ngày. Trích lại đoạn kinh Kim Cang ấy:
“Tôi nghe như vầy: Một hôm đức Phật ở nước Xá-vệ (Sràvasti) tại rừng Kỳ-đà (Jeta) trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi.”
Khi được ông A-nan hỏi về giấc ngủ, đức Phật dẫn giải:
"Gíấc ngủ diễn ra trong thân xác, ta vẫn còn tỉnh thức về nó. Bây giờ giấc ngủ đang đến, bây giờ nó đã tới, bây giờ nó đã buông xuống, bây giờ thân thể ta đang thư giãn, tứ chi được thư giãn, nhưng ta vẫn duy trì sáng chói sự nhận biết".
Chú tâm (hay chánh niệm) đối với giấc ngủ như thế thì những lo nghĩ về quá khứ hay tương lai chẳng thể nào thâm nhập và quấy rầy ngài được nữa...

Duy Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét