Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Ý nghĩa của đau đớn và đau khổ là gì?

 Khi bạn đau khổ, khi bạn cảm thấy đau đớn  thì ý nghĩa của nó là gì? Sự đau đớn thân xác có một ý nghĩa nhất định nhưng có lẽ bạn muốn nói đến sự đau đớn và đau khổ thuộc phạm vi tâm lý, và điều này có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn trong những bình diện khác nhau. Ý nghĩa của đau khổ là gì? Tại sao bạn muốn tìm thấy ý nghĩa đau khổ? Nói thế không có nghĩa là đau khổ không có ý nghĩa - chúng ta đang khám phá đây. Nhưng tại sao bạn muốn tìm thấy ý nghĩa của đau khổ? Tại sao bạn muốn tìm hiểu lý do đau khổ của mình? Khi bạn đặt câu hỏi: “Tại sao tôi đau khổ?”và đi tìm hiểu nguyên nhân của đau khổ thì há không phải là bạn đang lẩn trốn sự đau khổ đó sao?
Sự kiện là tôi đang đau khổ; nhưng vừa lúc tôi dùng tâm trí để tác động lên đau khổ và nói “Tại sao vậy” thì lúc ấy tôi đã làm loãng đi cường độ của đau khổ. Nói cách khác, chúng ta muốn nỗi đau khổ vơi đi, nhẹ đi, biến đi; chúng ta muốn giải thích cho qua đi nỗi khổ ấy. Hiển nhiên làm như vậy sẽ không thể nào thấu hiểu được đau khổ. Nếu tôi thoát khỏi lòng ham muốn chạy trốn đau khổ, bấy giờ tôi mới thấu hiểu được nội dung của đau khổ. 
Đau khổ là gì? Phải chăng đó là sự phiền não quấy rối ở những cấp độ khác nhau - ở cấp độ thể chất và ở những cấp độ khác nhau của tiềm thức. Đó là sự xáo trộn khó chịu mà tôi không ưa thích. Con trai tôi chết. Tôi đã xây dựng bao nhiêu hy vọng chung quanh đứa con trai của tôi - hay quanh con gái tôi, chồng tôi hay bất cứ ai. Tôi đã ấp ủ quanh nó mọi điều mà tôi muốn nó được như thế, tôi xem nó như một người bạn đường - bạn biết đấy, mọi thứ đại loại như vậy. Thế rồi bỗng nhiên nó mất đi. Thế là sự phiền não xuất hiện, phải thế không? Và tôi gọi sự phiền não ấy là đau khổ. 
Nếu tôi không thích sự đau khổ, tôi bèn nói đại khái như: “Tại sao tôi đau khổ”, “Tôi yêu thương nó hết mực”, “Nó là thế này”, “Tôi đã có thể thế”. Tôi cố gắng tìm cách chạy trốn trong những từ ngữ, trong những nhãn hiệu, trong những tín ngưỡng, như phần đông mọi người đều làm thế. Những thứ đó tác động trên tâm thức tôi như thuốc gây mê. Nếu tôi không làm thế thì cái gì xảy ra? Tôi đơn giản Tỉnh thức về sự đau khổ. Tôi không lên án nó, tôi không biện minh nó - tôi chỉ đang đau khổ. Bấy giờ tôi có thể theo dõi sự chuyển động của nỗi khổ ấy, phải thế không? Bấy giờ tôi có thể theo dõi trọn vẹn nội dung của đau khổ - “Tôi theo dõi” ở đây có nghĩa là thử tìm hiểu một sự thể gì đó.  
Đau khổ có ý nghĩa gì? Cái gì đang đau khổ? Không nên hỏi tại sao có đau khổ, không nên hỏi lý do của đau khổ mà phải hỏi cái gì đang thực sự xảy ra? Tôi không biết bạn có thấy được sự khác biệt ấy không? Bấy giờ, một cách giản dị, tôi đang tỉnh thức đối với trạng thái đau khổ, không phải ý thức đau khổ tách biệt với tôi, không phải với tính cách một người quan sát đang quan sát đau khổ - Tôi đang Tỉnh thức về đau khổ, trong ý nghĩa nó là thành phần của tôi, tức là toàn thể con người tôi đang đau khổ. Bấy giờ tôi có khả năng theo dõi sự chuyển động của đau khổ, xem đau khổ sẽ dẫn mình đi đến đâu. Hiển nhiên nếu tôi làm thế thì đau khổ sẽ mở toang ra, phải thế không? Lúc ấy tôi thấy rằng, tôi đã đặt sự quan trọng vào bản ngã (cái tôi) chứ không phải lên người con mà tôi yêu thương. Đứa con ấy được tôi dùng để che đậy, khuất lấp nỗi thống khổ, cô đơn, bất hạnh của tôi. Vì tôi không là gì cả nên tôi muốn con tôi phải là gì đó, không có nó tôi không là gì cả. Thế là tôi khóc. Không phải khóc vì đứa con đã mất đi mà vì tôi phải ở lại, tôi bị bỏ rơi, lạc lõng, cô đơn... Hiểu ra được điều này là một điều rất khó , phải thế không? Điều thật sự khó khăn là tỏ hiểu được điều này mà không phải nói: “Tôi cô đơn và làm sao thoát khỏi tình trạng cô đơn này?” Khi nói như thế, đó cũng là một hình thức trốn chạy, lẩn tránh nỗi cô đơn. Thay vì nói như vậy, chúng ta Tỉnh thức về nỗi đau khổ, lưu trú với nó, thấy sự chuyển động của nó. Tôi chỉ lấy trường hợp vừa nêu như một thí dụ. Và nếu tôi cứ để cho nỗi khổ này phơi bày ra, tôi sẽ khám phá ra được rằng tôi đau khổ bởi vì tôi bị chơi vơi, lạc lõng; tôi bị ép buộc phải để ý vào một sự việc mà tôi không muốn nhìn tới, tôi bị cưỡng ép phải lưu ý đến sự việc mà tôi không muốn hiểu. Biết bao nhiêu người trên đời này giúp tôi chạy trốn, hàng ngàn người gọi là tu hành, với những tín ngưỡng và tín điều của họ, những hy vọng và những ảo giác kỳ quặc, họ có thể nói: “Đó là nghiệp, đó là  thiên ý...”. Bạn biết đấy, mọi thứ đó cho tôi một lối thoát. Nhưng nếu tôi có thể ở lại, lưu trú với  nỗi đau khổ mà không xua đuổi nó, không cố bưng bít hay  phủ nhận nó thì lúc ấy cái gì xảy ra? Cái trạng thái tâm trí tôi sẽ như thế nào khi tâm trí tôi đang dõi theo sự chuyển động của đau khổ?
Phải chăng  đau khổ là một từ ngữ hay là một sự kiện? Nếu đau khổ là  một sự kiện, chứ không phải là từ ngữ thì bấy giờ từ ngữ chẳng có ý nghĩa gì cả, và lúc ấy, chỉ còn lại một cảm giác đau đớn dữ dội. Nỗi đau ấy liên hệ với cái gì? Nó liên hệ với một hình ảnh, với một kinh nghiệm, với một điều gì đó mà bạn có hoặc không có. Nếu bạn có cái gì đó thì bạn gọi đó là sung sướng, nếu bạn không có nó, bạn cho là đau khổ. Do vậy, sự đau đớn, phiền muộn, hiện hữu trong mối quan hệ với một sự thể nào đó. Phải chăng sự thể đó chỉ là hoạt động của ngôn ngữ, hay nó là sự kiện. Sự đau buồn chỉ hiện hữu khi có liên hệ với một sự thể nào đó. Sự đau buồn không thể hiện hữu đơn phương một mình, cũng như sợ hãi không thể hiện hữu đơn phương, nhưng chỉ hiện hữu liên hệ với một sự thể nào đó: với một cá nhân, với một sự cố, với một tình cảm. Giờ đây, bạn đã Tỉnh thức trọn vẹn về nỗi đau khổ. Liệu nỗi đau khổ có tách rời với bạn không và bạn chỉ là người quan sát đang ý thức nỗi đau khổ, hay nỗi đau khổ kia là chính bạn?
Khi không có người quan sát nào đang đau khổ thì liệu nỗi đau khổ có khác biệt với bạn không? Bạn không hề tách biệt với nỗi đau ấy - bạn chính là nỗi đau ấy. Khi bạn là thế, việc gì xảy ra? Bạn không dán lên nỗi đau khổ một nhãn hiệu gì, bạn không đặt tên cho nó là đau khổ để xua đuổi nó - bạn chính là sự đau đớn kia, cảm giác kia, cái cảm thức quằn quại đau khổ kia. Khi bạn chính là những thứ ấy, việc gì xảy ra? Khi bạn không đặt tên cho nỗi đau khổ, khi không còn bất kỳ sự sợ hãi nào liên hệ tới đau khổ thì liệu cái trung tâm (bản ngã, cái tôi) có ở trong mối quan hệ với đau khổ  không? Nếu cái trung tâm vẫn ở trong mối quan hệ với đau khổ thì bấy giờ cái trung tâm vẫn còn sợ hãi đau khổ và cái trung tâm bèn hành động và làm một điều gì đó để đối phó với đau khổ. Nhưng nếu cái trung tâm ấy chính là nỗi đau khổ thì lúc ấy bạn làm gì? Không làm gì hết phải không? Nếu bạn chính là đau khổ chứ không phải chấp nhận nó, không dán lên nó bất cứ nhãn hiệu gì, không xua đuổi nó; nếu bạn chính là nó thì cái gì xảy ra? Bấy giờ bạn có còn nói bạn đau khổ nữa không? Tất nhiên, có một sự chuyển hóa tận nền tảng xảy ra. Lúc ấy, không còn ai nói “Tôi đau khổ” nữa, bởi vì không còn cái trung tâm nào để mà đau khổ; sở dĩ cái trung tâm ấy đau khổ là vì chúng ta không bao giờ xem xét bản chất cái trung tâm điểm ấy là gì. 
Chúng ta chỉ biết sống với từ ngữ, từ ngôn từ này đến ngôn từ khác, từ phản ứng này đến phản ứng khác. Chúng ta không bao giờ nói: “Hãy để cho tôi nhìn thấy sự thể đau khổ kia là sự thể gì”. Bạn không thể nào thấy nó qua sự cưỡng chế, qua kỷ luật. Bạn phải nhìn một cách chú tâm, với sự thông cảm tự nhiên. Bấy giờ bạn sẽ phát hiện ra rằng, cái thực thể mà chúng ta gọi là đau khổ, cái thực thể mà chúng ta lẩn tránh, và cả kỷ luật nữa, đã hoàn toàn biến mất. Bao lâu tôi không còn có dính líu quan hệ gì với thực thể đó như một thực thể tách biệt bên ngoài, thì vấn đề không còn nữa. Lúc nào mà tôi còn thiết lập mối quan hệ với nó ở bên ngoài tôi, thì vấn đề liền xuất hiện. Khi nào tôi còn xử lý đau khổ  như là một cái gì ở bên ngoài - tôi đau khổ vì tôi mất anh tôi, bởi vì tôi hết sạch tiền, bởi vì chuyện này chuyện nọ, khi tôi còn xem đau khổ như thực thể bên ngoài thì tôi còn thiết lập mối quan hệ với đau khổ và mối liên hệ ấy chỉ là hư cấu. Nhưng nếu tôi chính là đau khổ, nếu tôi nhìn thấy sự kiện ấy, lúc đó mọi sự đã được chuyển hóa toàn triệt. Bấy giờ có trạng thái chú tâm trọn vẹn, trạng thái chú tâm hội nhập và điều được chú tâm hoàn toàn thì được thông hiểu và giải trừ. Lúc ấy mình không hề có nỗi sợ hãi gì; do đó, từ ngữ “đau khổ, sầu muộn” cũng không còn hiện hữu.

Krishnamurti

***
Góp ý

Hoạt động của cái tôi (bản ngã) rất đa diện, nó thường lường gạt con người qua những hành vi giao tiếp hàng ngày trong cuộc sống cũng như trong việc tu học. Qua kinh nghiệm về đau khổ, chúng ta thường cho rằng vì dính mắc, bám chấp vào quan hệ tình cảm nên khi người thân thương mất, chúng ta mới đau khổ. Nếu hiểu ra rằng, cuộc đời là vô thường, nay còn mai mất, không có gì là của ta hoặc nếu con người thâm nhập vào một thực thể phi thời, bất biến nào đó thì sẽ không còn đau khổ. Thật ra, suy nghĩ như vậy, thực hành đúng như vậy cũng là một hình thức lẩn tránh, chạy trốn cái đang xảy ra (cái đang là). Từ quan niệm này, chúng ta rất dễ có thái độ tiêu cực như dửng dưng trước sự ra đi của những người thân trong gia đình hoặc bạn bè mà ngỡ rằng mình đã thoát ly được sự trói buộc của sợi dây tình cảm (điều này  rất thường xảy ra cho giới tu sĩ lẫn cư sĩ). Việc đồng hóa với những quan niệm này vô tình đã đánh mất sự cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác. Hẳn nhiên điều này cũng dễ hiểu, do bị đóng khung bởi một ý tưởng, một quan niệm nào đó nên chúng ta luôn lẩn tránh nỗi phiền muộn mà lẽ ra nó cần phải được thấu hiểu. Vì thiếu sự thấu hiểu nên tâm trí con người dần dần trở nên khô cằn, chai đá, không còn có khả năng cảm thông với nỗi khổ của chính mình nên cũng đánh mất luôn sự cảm thông đối với nỗi buồn đau của đồng loại.
Krishnamurti vạch ra rằng, khi người thân thương mất, con người đau khổ - không phải đau khổ vì sự ra đi của người thân mà con người đau khổ vì bị ở lại một mình, lạc lõng, chơi vơi, cô đơn, nghĩa là, con người đã quan trọng hóa vào sự vị kỷ, vào cái tôi của mình chứ không phải vào đứa con mà mình yêu thương. Đây là điều mà Krishnamurti cho rằng rất khó tri nhận vì mưu mẹo của cái tôi đã ngăn chặn con người lãnh hội được điều này. 
Krishnamurti cũng cho rằng, cô đơn, đau khổ không thể hiện hữu đơn phương mà luôn liên hệ với một sự thể nào đó: với một cá nhân, một sự cố, với một tình cảm… và sự liên hệ này được hình thành trên ngôn từ, nếu không có ngôn từ thì không có sự liên hệ, lúc đó chỉ còn lại sự kiện. Thay vì lẩn tránh nỗi đau hay sự cô đơn bằng bất kỳ một hình thức lấp đầy nào, chúng ta sẵn sàng giáp mặt trực tiếp, lưu trú, ở lại với đau khổ, cô đơn, chúng ta không tách biệt nỗi đau như một người quan sát ở ngoài đang quan sát nỗi đau trong lòng, chúng ta chính là nỗi đau khổ, đó là một sự kiện và sự kiện thì không liên hệ gì với bất kỳ một đối tượng nào, không liên hệ với bất kỳ một lý do gì bởi vì đó là trạng thái hiện thể nên nó hoàn toàn độc lập. Và khi chúng ta không gán bất kỳ một tên gọi nào lên sự kiện đó thì cái gì xảy ra? Phải chăng lúc đó chỉ còn lại một chuyển động của cái cảm xúc tạm gọi là đau đớn quằn quại dữ dội. Và sao nữa? Vì không có tên gọi, không định danh cảm xúc nên chuyển động không tên ấy không còn có trung tâm điểm như một cái tôi riêng lẻ để thọ nhận nỗi cô đơn, đau khổ. Do không còn trung tâm điểm để định danh, gọi tên dòng dịch chuyển không tên này, nên cái gọi là “Tôi cô đơn”, “Tôi đau khổ” cũng không còn hiện hữu.
Đó là lý do tại sao Krishnamurti  luôn nhắc nhở chúng ta nên thường xuyên giáp mặt, tiếp cận với “cái đang là” để thấu hiểu  mà không lẩn trốn nó qua bất kỳ một phương cách hay phương tiện nào khác. Ông cho rằng, việc thấu hiểu sẽ giúp con người giải quyết những nỗi buồn đau khi nó vừa khởi phát.

(PAD)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét