Nói một cách tổng quát, có hai hạng người ở đời. Hạng người thiên về cãi lộn, ưa thích gây sự và có xu hướng chiến tranh. Có hạng người thiên về sống hòa thuận, hoan hỷ trong tình bạn và có xu hướng hòa bình.
Trong hạng người đầu, có thể phân loại hạng người độc ác, hạng người ngu si và hạng người sống phóng đãng. Trong hạng người thứ hai được xếp loại hạng người hành thiện, hạng người có trí, hạng người biết sống chế ngự điều phục.
Ðức Phật đã phân loại rõ ràng giữa thiện và ác khuyên tất cả đệ tử của mình không làm ác, làm các hạnh lành và giữ tâm ý trong sạch. Ngài biết rằng làm ác thì dễ, làm lành khó hơn, nhưng các đệ tử của Ngài phải biết lựa chọn giữa ác và thiện, vì kẻ ác phải đi xuống địa ngục và chịu rất nhiều khổ đau; còn bậc Thiện sẽ được lên cõi Trời và hưởng thọ hạnh phúc. Ngoài ra bậc Thiện chói sáng như núi Tuyết với hành động thiện của mình. Còn kẻ ác thời màn đen bao phủ như tên bắn đêm đen.
Do vậy, đức Phật khuyên chúng ta không nên làm bạn với kẻ ác, chỉ thân thiện với bạn lành. Ngài nêu rõ rằng, nếu chúng ta muốn sống, chúng ta phải tránh ác như tránh thuốc độc, vì một bàn tay không thương tích có thể cầm thuốc độc mà không có hại gì. Pháp của bậc Thiện không mất, nhưng đi theo người làm lành đến chỗ các hạnh lành dắt dẫn đến. Các hạnh lành đón chào người làm lành khi đi từ thế giới này qua thế giới khác, như bà con đón chào người thân yêu đi xa mới trở về.
Như vậy, vấn đề đặt ra rất rõ ràng và dứt khoát. Ác và thiện đều do tại mình tạo ra. Ác đưa đến cãi nhau, gây hấn và chiến tranh. Còn thiện đưa đến hòa thuận, thân hữu và hòa bình.
* * *
"Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy ". (Pháp Cú. 183)
"Dễ làm các điều ác,
Và các điều tự hại,
Còn việc lợi và tốt,
Thật tối thượng khó làm ". (Pháp Cú. 163)
"Ác hạnh không nên làm,
Làm xong chịu khổ lụy.
Thiện hạnh ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn ". (Pháp Cú, 314)
"Một số sinh bào thai.
Kẻ ác sinh địa ngục.
Người thiện lên cõi Trời,
Vô lậu chứng Niết-bàn ". (Pháp Cú. 126)
"Người lành dầu ở xa,
Sáng tỏ như núi Tuyết,
Kẻ ác dầu ở đây,
Cũng không hề được thấy,
Như tên bắn đêm đen". (Pháp Cú. 304)
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Sẽ chói sáng đời này,
Như trăng thoát mây che ". (Pháp Cú. 173)
"Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân ". (Pháp Cú. 78)
"Ít bạn đường, nhiều của,
Người buôn tránh đường hiểm,
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy ". (Pháp Cú. 123)
"Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc,
Không thương tích tránh độc,
Không làm, không có ác ". (Pháp Cú. 124)
"Như xe vua lộng lẫy,
Cuối cùng bị hư già,
Thân này rồi sẽ già.
Chỉ có pháp bậc Thiện,
Khỏi bị nạn già nua.
Như vậy bậc Chí Thiện
Nói lên cho bậc Thiện ". (Pháp Cú. 151)
"Khách lâu ngày tha hương,
An ổn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng". (Pháp Cú. 219)
"Cũng vậy, các phước nghiệp,
Ðón chào người làm lành,
Ðời này đến đời kia,
Như thân nhân đón chào ". (Pháp Cú. 220)
"Tự mình điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô.
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Thanh tịnh, không thanh tịnh,
Ðều do tự chính mình,
Không ai thanh tịnh ai ". (Pháp Cú. 165)
***
NGƯỜI NGU VÀ BẬC TRÍ.
Ðức Phật thấy rõ thái độ khác nhau của kẻ ngu và bậc trí đối với thế giới này. Kẻ ngu tham đắm, si mê và trở thành nô lệ cho thế giới này. Nhưng người trí không có đắm say, không có luyến ái, và xử sự như người chủ nhân đối với đời. Nhưng lời tuyên bố của đức Phật, sợ hãi, thất vọng tai họa chỉ khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí, là một cảnh cáo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta. Rồi đức Phật tiếp đến tuyên bố rằng người ngu xử sự một cách khiến cho tự ngã trở thành kẻ thù. Và khi danh vọng đến với kẻ ngu, kẻ ngu phải chịu bất hạnh và đau khổ. Bậc trí có hành động khác hẳn. Bậc trí tinh cần giữa những người phóng dật, tỉnh thức giữa những người mê ngủ, bước tới như con ngựa phi, bỏ sau những kẻ ngu si yếu hèn. Bậc trí chinh phục Ma và Ma quân, uốn nắn tâm chánh trực, thực hành Thiền định, kiên trì tinh tấn và nhờ vậy hưởng được hạnh phúc Niết-bàn. Với trí tuệ của mình, bậc Trí chói sáng đời này gồm có những phàm phu mù quáng và ngu si. Bậc Trí đứng thẳng như một hoa sen thơm hương và đẹp sắc, sanh ra từ đống rác quăng bỏ trên đường lớn. Hạnh phúc Niết-bàn và hạnh phúc Hòa bình chỉ đến với bậc Trí, không bao giờ đến với kẻ ngu.
* * *
"Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say ". (Pháp Cú. 171)
"Này các Tỷ-kheo, nếu có sợ hãi gì khởi lên, chúng khởi lên cho người ngu, chớ không phải cho người trí. Nếu có thất vọng gì khởi lên, chúng khởi lên cho người ngu, chớ không phải khởi lên cho người trí. Nếu có tai họa gì khởi lên, chúng khởi lên cho người ngu, chớ không phải cho người trí". (Trung Bộ III. 188)
"Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã là kẻ thù.
Làm ác nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay". (Pháp Cú. 66)
"Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu,
Vận may bị tổn hại,
Não đầu bị nát tan ". (Pháp Cú. 72)
"Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê,
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn". (Pháp Cú. 29)
"Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời.
Chiến thắng Ma, Ma quân,
Bậc trí thoát đời này". (Pháp Cú. 175)
"Tâm hoảng hốt dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên". (Pháp Cú. 33)
"Người hằng tu Thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn,
Bậc Trí hưởng Niết-bàn,
Ách an ổn, vô thượng". (Pháp Cú. 23)
"Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch đẹp ý người" (Pháp Cú. 58)
"Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Ðệ tử bậc Chánh trí,
Sáng ngời với tuệ trí". (Pháp Cú. 59)
***
NGƯỜI PHÓNG DẬT VÀ BẬC TỰ ÐIỀU.
Ðức Phật biết rõ tâm tư xu hướng của chúng sanh. Ngài biết rằng người ngu si chuyên sống đời phóng túng, buông lung, còn người có trí thời không phóng dật, như giữ gìn tài sản quí. Do vậy Ngài khuyên người có trí với nỗ lực, không phóng dật, khéo chế ngự, tự mình xây dựng một hòn đảo mà nước lụt không thể ngập tràn. Ai trước kia sống phóng đãng nay sống không phóng dật sẽ chói sáng đời này như trăng thoát mây che.
Ðối với đức Phật, một người chiến thắng ngàn quân địch ở chiến trường không thể so sánh với một người đã tự chiến thắng mình, vì rằng tự chiến thắng mình là chiến thắng tối thượng. Một người tự điều phục mình thường sống chế ngự. Và một tự ngã khéo chế ngự và khéo điều phục trở thành một điểm tựa có giá trị và đáng tin cậy, thật khó tìm được. Người nào ngồi nằm một mình, độc hành không buồn chán, biết tự điều phục, người như vậy có thể sống thoải mái trong rừng sâu. Người như vậy sẽ là bậc Ðạo Sư đáng tin cậy, vì rằng tự khéo điều phục mình rồi mới dạy cho người khác khéo điều phục. Do vậy đức Phật khuyên mỗi người hãy tự điều phục mình. Chỉ những người khéo tự điều, những người không phóng dật mới biết con đường chấm dứt tranh luận, cãi vã, gây hấn và biết sống hòa hợp, thân ái và sống hạnh phúc trong hòa bình.
* * *
"Chúng ngu si, ác trí,
Chuyên sống đời phóng túng.
Người trí không phóng dật,
Như giữ tài sản quý". (Pháp Cú. 26)
"Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự,
Kẻ trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn". (Pháp Cú. 25)
"Ai trước sống buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Sẽ chói sáng đời này
Như trăng thoát mây che". (Pháp Cú. 172)
"Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng". (Pháp Cú. 103)
"Tự thắng tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự". (Pháp Cú. 104)
"Tự mình nương tựa mình,
Nào có điểm tựa khác.
Nhờ khéo điều phục mình
Ðược điểm tựa khó được". (Pháp Cú. 160)
"Tự mình che chở mình,
Tự mình nương tựa mình.
Vậy hãy tự điều phục,
Như thương khách ngựa hiền". (Pháp Cú. 380)
"Ai nằm ngồi một mình,
Ðộc hành, không buồn chán,
Tự điều phục một mình.
Người ấy sống thoải mái,
Trong rừng sâu thanh vắng". (Pháp Cú. 305)
"Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục". (Pháp Cú. 159)
"Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc tự điều, điều thân". (Pháp Cú. 145)
Trích: CHƯƠNG BỐN:
Những Lời Dạy của Ðức Phật về Hòa Bình
và Giá Trị Con Người
Tác giả: Hòa Thượng Thích Minh Châu
Nguồn: http://www.budsas.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét