"... Chân Lý không thuộc về ai, không phải là sở hữu của Tôn giáo hoặc Tông môn, Hệ phái nào, cũng không thuộc hệ tư tưởng triết học hoặc chủ thuyết chính trị nào.
Chân Lý ở khắp mọi nơi, là kho báu chung của mọi người, vấn đề ở chỗ ai thấy được hay không mà thôi. Giống như không khí là của chung cho mọi người, ai biết rõ nguyên lý hít thở thì được lợi ích, ai không biết thì tự hại mình, chứ không khí không thuộc độc quyền của ai cả.
Đặc biệt Chân Lý đã sẵn có ở mỗi người, nói cách khác chính mỗi người đã là Chân Lý, nên đức Phật dạy chỉ cần trở lại mà thấy (ehipassiko), ngay nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là (opanayiko), thì liền nhận ra (sanditthiko), và tự mình chứng ngộ (paccattam veditabbo) không qua thời gian (akàliko) do bất kỳ ai quy định.Càng nhiều quan niệm triết học, càng lắm giáo điều tôn giáo, càng nhiều phương pháp để thủ đắc, càng thiên chấp phân biệt thị-phi, nhân-ngã thì càng “nhiều bụi trong mắt” nên càng khó thấy Sự Thật. Ai “ít bụi trong mắt”, tâm rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên nhìn mọi pháp như nó là thì ngay đó thấy ra Chân Lý. Chính đức Phật cũng tuyên bố rằng: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời Pháp vẫn vậy”.
Pháp chính là Bốn Sự Thật Vi Diệu - là nhân duyên sinh và diệt - mà ai thấy ra đều giác ngộ giải thoát. Đức Phật không sáng tác hay chế định ra Bốn Sự Thật mà Ngài chỉ phát hiện ra Chân Lý ấy hiển nhiên sẵn có giữa cuộc đời. Do đó Chân Lý này không dành riêng cho những người theo Phật mà là Sự Thật phổ biến cho tất cả mọi người, hay nói rộng hơn cho tất cả chúng sanh.
Không phải người Châu Á hay Châu Âu phóng khoáng hơn trong tự do tín ngưỡng, mà do trình độ văn hóa giáo dục của phần đông người dân trong các châu lục ấy. Do trình độ văn hóa thấp nên những người mê tín thường cố chấp Tôn giáo, Hệ phái hoặc Tông môn của mình. Người trí chỉ biết điều gì đúng là đúng với Sự Thật, điều gì sai là sai với Sự Thật, chứ không tự cho Tôn giáo mình đúng, Tôn giáo khác sai một cách chung chung được. Chính đức Phật cũng xác nhận điều này trong Kinh Kalama rằng chỉ nên tin điều gì đúng với Sự Thật, đem lại lợi lạc thiết thực, nhất là giác ngộ giải thoát thôi chứ không chỉ tin theo giáo điều của bất kỳ truyền thống một chiều nào.
Tất cả những lời dạy của các bậc Giác Ngộ đều bị phân chia manh mún do các Tôn giáo, Tông môn, Hệ phái về sau cải biên, luận giải, hệ thống hóa thành nhiều chủ thuyết mang tính giáo điều, rồi hình thành nhiều tổ chức có “thương hiệu” khác nhau để mượn danh các Ngài mà thu hút tín đồ, bành trướng bản ngã Tông môn, nên không còn nguyên vẹn Chân Lý đơn thuần, giản dị mà các bậc Giác Ngộ khai thị ban đầu.
Thực ra, lúc đầu các bậc Giác Ngộ khai thị Chân Lý bằng cách chỉ thẳng Sự Thật cho những ai đủ duyên “ít bụi trong mắt” có thể thấy ngay nơi chính họ, đôi lúc họ giác ngộ không cần qua ngôn từ, ngữ nghĩa nào. Trong khi các bậc Giác Ngộ chỉ thẳng Sự Thật, thì người sau biến thành hai khuynh hướng rất rõ rệt, đó là hướng lý luận triết học và hướng tín ngưỡng tôn giáo.
Các bộ Luận, Giải đã được viết ra biến Chân Lý thành nhiều trường phái triết học hoặc thần học, và người ta say mê “tầm chương trích cú” tư tưởng của các luận sư hơn là nhìn thấy Sự Thật muôn đời tự nhiên, vô ngôn mà bất cứ ai “ít bụi trong mắt” đều thấy được! Mặt khác các bộ Kinh, Sớ thi nhau ra đời khoác áo “Phật thuyết”, “Chúa dạy”, “Thánh Hiền nói”… để buôn Thần bán Thánh, vì vậy người vọng càng vọng hơn trong phân tích, chia chẻ của lý trí, hoặc mê càng mê hơn trong hăng say, cuồng tín của đức tin. Hóa ra Thánh Hiền giúp chúng sanh lấy bụi trong mắt ra thì các Tông môn về sau hầu như đã làm cho chúng sanh nhiều bụi trong mắt càng mù tối thêm. Chân lý vẫn hiển nhiên như nó vẫn là, nhưng những ngôn từ, khái niệm, tư tưởng, luận thuyết… đã tung hỏa mù che lấp Sự Thật muôn đời ấy.
Bất cứ ai, dù có Tôn giáo hay không theo chủ thuyết nào, mà biết trở về trải nghiệm, chiêm nghiệm và thấy ra thực tại như nó đang là ngay nơi thân tâm và cuộc sống này thì người ấy vẫn có thể giác ngộ Chân Lý, đơn giản chỉ vì Chân Lý ở khắp mọi nơi.
Không phải Tôn giáo hay chủ thuyết nào mà chính cuộc đời là môi trường tốt nhất cho sự giác ngộ giải thoát.
Thái Độ và Trạng Thái
... Chỉ có an lạc trong hiện tại hoặc không bao giờ có an lạc chứ không bao giờ có an lạc ở tương lai.
An lạc là thái độ chứ không phải là trạng thái. Thái độ sinh ra trạng thái. Thái độ không an lạc không thể sinh ra trạng thái an lạc được, dù là hiện tại hay tương lai. Nếu tâm con ngập tràn tình yêu thương và sự trong sáng thì ngay đó có an lạc.
Tại con đã bị bối cảnh gia đình, xã hội tạo nên một mặc cảm, mặc cảm luôn thấy mình thua thiệt, và từ trong bất an con muốn có bình an. Nhưng nếu con biết lắng nghe trọn vẹn lại nỗi bất an của mình thì con sẽ thấy an lạc cũng ở ngay đó.
Con may mắn được nung đốt trong lò lửa đó để tinh lọc ra vàng ròng. Tâm con là vàng ròng mà ở trong quặng nên cứ tự ti mặc cảm, mà không biết rằng chính hoàn cảnh nóng bỏng của gia đình, của xã hội quanh con đang giúp con trở lại với tinh chất vốn là vàng ròng của mình.
Hãy phục vụ với tấm lòng vô ngã vị tha, hãy quên đi ảo ảnh lý tưởng ở tương lai, và hãy quên sự ấp ủ cho cái Ta và của Ta đi thì ngay đây con lại có tất cả trong niềm an lạc vô cùng.
Đừng hẹn hò với hạnh phúc, hãy là hạnh phúc ngay nơi chính mình...
SỰ TƯƠNG GIAO VÀ MỐI QUAN HỆ
Chữ Dhamma (pháp) cũng có nghĩa là tự nhiên, hay sự thật hiển nhiên. Đó không phải là quy định do con người đặt ra. Trong tự nhiên chỉ có sự tương giao, trong xã hội mới có mối quan hệ. Mối quan hệ giữa con người do cộng đồng đặt ra tuỳ theo hoàn cảnh, phong tục tập quán ở mỗi địa phương. Vì vậy chúng chỉ là qui ước tương đối, nhưng trong cuộc sống nhiều khi chúng ta quá đặt nặng mối quan hệ, coi chúng là bất di bất dịch khiến chúng ta bị trói buộc vào đó.
Sự tương giao luôn mang tính tự nhiên, mình có thể tương giao với vũ trụ bên ngoài qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thí dụ bỗng nhiên tai nghe được tiếng chim hót, mắt thấy ánh bình minh. Nhưng rồi bản ngã phát sinh lên, người này chọn bông hoa này, người kia chọn bông hoa kia nên bất đồng ý kiến với nhau. Vì bất đồng ý kiến, muốn sống chung thì phải thoả thuận với nhau, từ đó xuất hiện mối quan hệ. Mối quan hệ càng chằng chịt chừng nào thì chúng ta càng quên mất sự tương giao chừng ấy. Thực ra chúng ta luôn sống trong sự tương giao mà vô tình không cảm nhận được, ngược lại chỉ bận tâm đến mối quan hệ hữu ý, hữu hạn mà thôi.
Các mối quan hệ chỉ là quy ước tạm thời và chúng luôn thay đổi theo vị trí và thời gian. Mối quan hệ vợ - chồng ở thế kỷ 19 khác với mối quan hệ vợ - chồng ở thế kỷ 20, mối quan hệ cha - con ở phương Tây khác với mối quan hệ cha - con ở phương Đông. Còn sự tương giao thì bất kỳ ở đâu cũng giống nhau.
Trong sự tương giao, chúng ta thấy được sự vận chuyển bên trong và bên ngoài hoàn toàn tương ứng với nhau vô cùng chặt chẽ và không có giới hạn nào cả. Còn ở trong mối quan hệ thì con người lại bị cô lập. Khi thiết lập mối quan hệ, con người kỳ vọng sẽ kết nối được nhiều thứ hơn, nhưng thật ra sự kết hợp nào cũng tiềm ẩn sự đối nghịch. Đối nghịch về mặt cảm giác, cảm xúc, đối nghịch về sở tri, sở đắc, đối nghịch về quyền lợi v.v… Sự đối nghịch này khiến mỗi người trong mối quan hệ dần dần bị cô lập. Lúc đó sống với nhau chỉ dựa trên hợp đồng của mối quan hệ chứ không còn là sự tương giao tự nhiên vô điều kiện nữa. Rõ ràng chỉ có các cá nhân cô lập đang sống ràng buộc với nhau.
Càng thiết lập nhiều mối quan hệ chừng nào, càng cô lập chính mình chừng đó. Phát hiện này nói ra có vẻ lạ lùng và phi lý nhưng sự thực xảy ra đúng như vậy. Đơn giản vì mối quan hệ nào cũng được thiết lập dựa trên một số điều kiện, mà càng đưa ra điều kiện nhiều chừng nào thì càng tự cô lập mình trong chính điều kiện đó chừng nấy, điều này là đương nhiên. Ngược lại quá trình tương giao tự nhiên của sự sống là vô điều kiện.
Ví như nước nóng quá thì tự bốc hơi, hơi nóng tự bay lên cao, gặp lạnh thì tự đông lại thành nước rồi rơi xuống. Nước không muốn phải thế này hay thế kia, không cố ép mình phải nhất định là nước chứ không chịu bốc hơi. Sự tương giao giúp sự sống chuyển vận một cách hài hoà, giao thoa với nhau. Đoá hoa đẹp nở vào mùa xuân chính là nhờ sự trưởng thành và kết tụ lại từ mùa hạ, mùa thu rồi mùa đông từng chút một. Nếu chỉ thích chọn mùa xuân mà loại ba mùa kia đi thì đã tự cô lập chính mình rồi!
Đi trong rừng mà chỉ muốn tìm nghe tiếng chim hót thôi, thì không còn nhận ra được vẻ đẹp của bông hoa ven đường, của cành cây non mới lớn. Vì mãi tìm kiếm, mình không biết mình đang bước đi như thế nào, thì có vấp ngã hay đạp nhằm gai là điều đương nhiên thôi. Vì quá muốn thiết lập mối quan hệ, vô tình đã làm mất sự hài hoà tự nhiên vốn có của sự sống.
Vào một ngày nào đó, bản ngã với những ý đồ lăng xăng của nó bỗng nhiên dừng lại, tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, ngay đó cảm nhận được sự tương giao kỳ lạ của cuộc sống. Khoảnh khắc đó được gọi là "ngộ", khi cái trung tâm bản ngã biến mất, chỉ còn hoà nhập trong sự tương giao vô cùng của vạn pháp.
Trong sự tương giao thì tất cả đều là bạn bè, từ con chó, cái cây, đám mây bay qua trên bầu trời,… Còn khi tôi muốn kết bạn với anh thì ngay đó sự cô lập bắt đầu. Không có mối quan hệ nào thực sự đưa đến hài hoà cả, vì ngay trong mối quan hệ đã tiềm ẩn sự phân cách mất rồi. Đó là quá trình rất rõ ràng mà mỗi người có thể chiêm nghiệm. Vì vậy mình không cần thiền mà chỉ lắng nghe, trải nghiệm, chiêm nghiệm để nhận ra sự tương giao của vạn pháp chứ không phải đi tìm các mối quan hệ mới.
Chúng ta sinh ra cùng sự tương giao với vạn pháp. Em bé mới sinh bắt đầu tiếp xúc với không khí xung quanh, bắt đầu thấy được, nghe được... Trong quá trình mắt thấy, tai nghe ấy bắt đầu nảy sinh ý thích âm thanh này, ghét âm thanh kia, thích màu sắc này, không thích màu sắc nọ. Từ đó bắt đầu nảy sinh sự cố chấp: “tôi chỉ thích cái này thôi, tôi nhất định phải có được cái này”. Rồi thêm một bước nữa là loại bỏ những gì mình không thích, lấy về những gì mình thích. Chính chúng ta đã cắt vụn cuộc đời ra thành những mảnh nhỏ. Bây giờ cuộc đời không còn là sự tương giao nữa, chỉ còn sự phân chia manh mún.
Cuộc đời luôn có 2 mặt. Thật kỳ lạ nếu chúng ta lựa chọn cái mình thích thì phải lấy luôn cái mình không thích. Nếu chúng ta loại bỏ cái mình không thích thì cũng phải bỏ luôn cái mình thích. Cuộc đời này vốn không dừng lại ở một chỗ nào cả, nhưng chúng ta lại muốn nó dừng lại ở những cái mình thích. Chúng ta muốn ngăn chặn nó lại để được yên tĩnh, để được hạnh phúc. Có biết đâu những ý đồ ấy vô tình chỉ khiến mình ngày càng bị cô lập giữa cuộc đời mà chuốc lấy khổ đau.
Khi chúng ta muốn được hoàn toàn yên tĩnh liền tự giam mình vào trong phòng kín. Có biết đâu chúng ta không thể cách ly với cuộc đời bằng cách che chắn bên ngoài, vì cuộc đời đã để lại dấu ấn sâu trong tâm trí mình rồi. Những gì mình ghét, những gì mình thích đã chôn sâu vào tiềm thức. Có ngồi một mình trong phòng kín thì tâm vẫn lăng xăng, ồn ào vậy thôi. Sự yên tĩnh thực sự của tâm hồn không phải cố dừng lại mà có, cũng không phải lấy yên tĩnh đối nghịch với sự ồn ào. Đó là sự yên tĩnh tự nhiên xuất hiện khi tâm không còn nắm giữ, cũng không chống lại những gì đang xảy ra, vì nó tương giao trọn vẹn với tất cả.
Thiền không phải để tìm tòi và đạt được một trạng thái mình ưa thích mà là thái độ có thể định tĩnh sáng suốt trong bất kỳ trạng huống nào. Nếu cố giữ tâm chỉ ở trong trạng thái ưa thích thì nó sẽ chống đối những trạng thái còn lại. Cuộc sống luôn ở trong sự tương giao hài hoà tự nhiên bao gồm cả thân-tâm-cảnh, nó không hề có ý định chống đối chúng ta. Chỉ có cái Ta (ngã) luôn muốn lựa chọn cái nó thích đồng thời muốn loại bỏ những cái nó không thích, tạo ra thế mâu thuẫn đối kháng giữa hai ý muốn của chính nó mà thành ra đau khổ.
Những mục đích chúng ta theo đuổi chỉ là ảo tưởng do mình đưa ra. Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn khi mình đạt được mục đích thì hạnh phúc này thật mong manh. Vì khi thoả mãn hết rồi thì chỉ còn lại bất mãn và mục đích khác lại xuất hiện. Nếu đạt được mục đích là hạnh phúc thì mình đang ở nơi đau khổ, do tâm không hài lòng với những gì đang diễn ra mà không ngừng theo đuổi những mục đích chưa tới.
Chúng ta quá đặt nặng mục đích để đạt đến mà quên mất cái mục đích hiện thực đang có mặt ngay đây và bây giờ. Chúng ta không thể xây ngôi nhà hạnh phúc bằng những viên gạch đau khổ. Ngôi nhà hạnh phúc chỉ có thể xây từ những viên gạch hạnh phúc mà thôi...."
Cái sai lớn nhất của người tu hành
Cái sai lớn nhất của người tu hành là muốn nỗ lực để tạo ra cứu cánh hoặc muốn sở hữu cái mình cho là đúng, là tốt, là lý tưởng cao siêu nhất, không biết rằng tâm mình vốn thanh tịnh trong sáng mà cứ mải mê hướng ngoại tìm cầu. Đó là tu tập không đúng hướng, mà đã không đúng hướng thì phương tiện càng thiện xảo càng xa rời thực tại chân như.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh đức Phật dạy: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói (pabhassara), nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào (agantuka upakkilesa)… Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói khi được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào”.
Và trong Majjhima Nikāya, kinh Ví Dụ Tấm Vải, đức Phật dạy rằng muốn nhuộm một tấm vải dơ cho có màu đẹp như ý thì không thể được, nhưng nếu tấm vải ấy sạch thì dù không nhuộm màu vẫn đẹp và muốn nhuộm màu gì thì cũng được như ý. Rồi Ngài dạy:
“Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo biết được tham dục, sân, phẫn, hận, hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, mạn, quá mạn, kiêu, phóng dật là cấu uế của tâm, thì mới biết xả ly, đoạn diệt những cấu uế ấy để tâm trở về với bản chất sáng chói của nó mà an trú tịnh tín nơi Tam Bảo tức ba đức tính cao quý của tâm là Sáng Suốt (Phật), Tịch Tịnh (Pháp), Trong Lành (Tăng). Từ đó tâm tự tỏa ra từ, bi, hỷ, xả vô lượng và thành tựu Chánh Trí, giác ngộ Niết-bàn.”
Vậy không phải là tu tập theo phương tiện nào, mà là đặt mục đích có đúng hướng không. Hướng tâm về thực tại hiện tiền (sanditthiko) hay hướng tâm ra ảo tưởng (saññāvipallāsa) bên ngoài hoặc ở một tương lai mù mịt. Như vậy có hai hướng tu tập:
Một là cố gắng thực hiện ý đồ của cái Ta ảo tưởng nên phải dùng tới ý chí, tích cực, miên mật, quyết tâm… để đạt được tham vọng của mình - bản ngã luôn cố gắng tạo tác để trở thành cái mà nó cho là sẽ hoàn hảo hơn, nhưng thực chất là chỉ tạo ra những cấu uế làm ô nhiễm, che lấp và trói buộc tâm mà thôi. Đó là hướng mà đức Phật gọi là phi như lý tác ý (ayoniso manasikāra) chỉ dẫn đến phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử.
Hai là buông bỏ mọi ý đồ của cái Ta ảo tưởng cùng với những phương tiện thủ đắc của nó, để trở về với bản chất chói sáng vốn có sẵn của tâm… Đó là hướng mà đức Phật gọi là như lý tác ý (yoniso manasikāra) dẫn về tự tánh (sabhāva) an tịnh Niết-bàn. Điều này được đức Phật chỉ rõ trong Pháp Cú 75:
“Phương tiện đến thủ đắc (lābhūpanisā)
Lối dẫn về Niết-bàn (Nibbānagāminī)
Là hai hướng khác nhau (Aññā hi)
Người tu (cần) biết rõ (như) vậy” (Evametam abhiññāya bhikkhu).
Nếu con muốn tu theo hướng đúng thì không nên cố gắng tập luyện theo bất kỳ phương pháp nào để tạo ra cái đúng chủ quan, để thủ đắc hay trở thành điều gì khác, mà chỉ thận trọng chú tâm quan sát lại chính mình để thấy ra những cấu uế, không để chúng che lấp, trói buộc và làm ô nhiễm tâm nữa thì tâm tự chói sáng (pabhassara) mà không cần nỗ lực tác thành. Đây mới chính là nhất hướng “xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ Niết-bàn” của giáo pháp đức Phật. Con nên lưu ý là giáo pháp đức Phật luôn thuận theo nguyên lý “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” chứ không phải là hữu ý, chấp tướng, tạo tác và cầu đắc.
Điều này đã được đức Phật xác định trong kinh Tiểu Bộ, “Vì có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành nên mới có thể thực hiện được sự thoát khỏi sinh, hữu, tác, thành”. Vậy tu là trở về với tánh biết rỗng lặng trong sáng (tâm là chói sáng) ở đó không sinh, không hữu, không tác, không thành chứ không phải là nỗ lực sinh, hữu, tác, thành để rồi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Để thoát khỏi ảnh hưởng của những pháp thiền trước đây, con nên ngồi thư giãn buông xả để cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự, rỗng lặng trong sáng thì tâm mới trở về với bản chất chói sáng của nó được.
Chúc con thấy ra chánh pháp để khỏi hao công phí sức mà chỉ kéo dài thêm con đường luân hồi sinh tử phiền não khổ đau mà thôi...."
Tiến trình phát triển nhận thức của một chúng sinh
Tiến trình phát triển nhận thức của một chúng sinh có thể chia thành 4 mức độ như sau:
1. Hiểu NGHĨA qua khái niệm và kiến thức: chỉ mới hiểu NGHĨA qua khái niệm, kiến thức và hoạt động của lý trí như tư duy, suy luận, so lường, phán đoán v.v... trên hiện tượng, chứ chưa thấy được thực tánh (lý) của pháp ngay nơi thực tại.
2. Thấy ra LÝ qua trực nhận ban đầu: bắt đầu nhận được LÝ (sự thật) qua thể nghiệm của thấy biết (tri kiến) trực tiếp và trung thực bản chất của pháp ngay nơi thực tại.
3. Thông suốt LÝ qua thể nghiệm SỰ: khi đã nhận ra sự thật (LÝ) tức tiếp xúc với thực tánh pháp thì ngay đó bắt đầu thể nghiệm thực tại chân đế, xóa dần sự ngăn cách giữa người kinh nghiệm (bản ngã) và đối tượng được kinh nghiệm.
4. LÝ và SỰ không hai: khi sống trọn vẹn trong thực tánh chân đế thì không còn người kinh nghiệm và đối tượng được kinh nghiệm, tức là ngay nơi thực tại hiện tiền thân-tâm-cảnh LÝ và SỰ không hai. Dầu sống giữa tục đế vẫn tuỳ duyên thuận pháp, không xa rời thực tánh chân đế.
Hiểu sự biến đổi vô thường qua kiến thức, rồi tự thân trải nghiệm sự biến đổi ấy, và nhờ đón nhận hoàn toàn sự thật này mà không sinh tâm ưa ghét, lấy bỏ nên có thể trực nhận thực tánh vô thường với tâm rỗng lặng trong sáng. Tất cả những diễn biến này giúp tâm vừa thấy rõ sự thật vừa có thể an nhiên tự tại trong bản chất vô thường của đời sống. Đó mới là thái độ thấy biết trực tiếp và trung thực bản chất vô thường.
Khi chứng ngộ được thực tánh vô thường, thì mới có thể không xen quan niệm của cái ta vào diễn biến vô thường của các pháp. Pháp đến đi như thế nào thì thấy nó là như vậy, không giữ nó lại cũng không loại bỏ nó đi. Bởi vì "thọc gậy bánh xe pháp" chỉ làm tình huống trở nên tệ hại hơn, chỉ mang lại khổ đau và phiền não cho mình và người. Do đó, dù sống trong vô thường tan hợp tâm vẫn có thể tự tại vô ngại.
Hễ còn cho pháp là thế này, muốn pháp phải là thế nọ, mong pháp sẽ là thế kia... rồi quy định, giải quyết, can thiệp, tạo tác theo ý mình thì vẫn chưa thấy vô thường. Thực sự thấy vô thường tức thấy pháp như nó là chứ không phải muốn nó là, nên dù có cái thường đi nữa tâm vẫn không dao động. Nghĩa là cho dù trên đời có pháp vô thường hay thường thì tâm vẫn không bị chi phối, vẫn hoàn toàn bình thản, thanh tịnh.
Vì vậy trong cuộc đời vô thường đừng cố gắng tìm kiếm sự vĩnh hằng (thường), cũng đừng nỗ lực tìm hiểu hiện tượng biến đổi diễn ra như thế nào, mà chỉ nên nhìn lại thái độ nội tâm khi đối diện với tất cả những biến đổi vô thường ấy. Thái độ đúng là pháp biến đổi như thế nào thì chỉ thấy là như vậy chứ không cho là, phải là, sẽ là. Mọi chuyện đến đi đều thấy là pháp tự nhiên vô ngã. Đó mới chính là chứng ngộ được thực tính vô thường. Còn muốn biến đổi theo ý mình, hoặc muốn thoát khỏi vô thường, tức không muốn biến đổi thì đó là muốn thường chứ vẫn chưa thấy được vô thường....
Đức Phật dạy Bāhiya
.. Sự tỉnh giác của tánh biết thể hiện qua mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc và ý biết, nên đức Phật dạy nguyên lý chánh niệm tỉnh giác đối với thực tại thân-tâm-cảnh hay thân-thọ-tâm-pháp một cách vắn tắt cho Bàhiya như sau:
Trong thấy (của mắt) chỉ là thấy.
Trong nghe (của tai) chỉ là nghe.
Trong xúc (của mũi, lưỡi, thân) chỉ là xúc
Trong biết (của ý) chỉ là biết... không có ngươi (cái ta của Bahiya) ở đó”.
Vừa nghe xong lập tức Bāhiya thấy ra cái “ta” chỉ là ảo tưởng, trong thấy biết của căn môn đối với trần cảnh chỉ có tánh biết đang biết pháp vận hành mà thôi, và ngay đó Bāhiya đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát...
Thầy Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét