Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Bốn điều an ổn mà bậc thánh đệ tử có được...

...Với chánh niệm và tỉnh giác, trải khắp một phương với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư – khắp bốn phương tám hướng như vậy. Để có được những tâm từ, bi, hỷ, xả tràn đầy như thế, chúng ta hãy cố gắng giữ gìn 5 giới, tu tập chánh niệm để hiểu biết về tham, sân, si khi chúng đang diễn ra bên trong mình, ngay chính trong mình. Bằng cách thấu hiểu về chúng, dần dần chúng ta vượt qua chúng, và rồi từ bi sẽ tự có trong tâm mình. Đó hoàn toàn là sự thật, không phải là lý thuyết suông.
Đây là những điều chúng ta có thể làm nếu chúng ta thực sự có nhiệt tâm, và là điều chúng ta nên làm nếu thực sự muốn tu tập tâm linh, nếu chúng ta thực sự tôn trọng chính mình. Tự trọng, đó là điều vô cùng quan trọng, đó là điều chúng ta nên làm. Chúng ta đang tự nâng cấp bản thân mình, đưa mình lên cao hơn. Chúng ta đang phát triển các phẩm chất tâm linh trong mình. Chúng ta cố gắng làm hết sức mình, cố gắng trở nên một con người tốt nhất trong khả năng của mình, cố gắng phát triển đến mức cao nhất các tiềm năng mình đang có, biến các tiềm năng đó thành hiện thực. Đây là điều chúng ta đang làm cho chính bản thân mình; chúng ta không thực hành Pháp cho bất cứ ai, mà là cho chính mình. Thực hành Pháp không phải để thầy mình vui lòng, không phải để cho bất cứ ai vui lòng, mà bạn đang tự làm cho chính mình. Thực hành như thế là bạn đang tôn trọng chính bản thân mình. Không tu tập, bạn sẽ không thể tự tôn trọng chính mình.
Ở đây Đức Phật nói về tâm từ, là một đề mục thiền quan trọng cần thực hành. Có ai có thể phủ nhận giá trị của việc thực hành tâm từ? Không ai phủ nhận được điều đó. Có ai mà bạn có thể yêu thương vô điều kiện được không? Ngay cả chính bản thân bạn, bạn đã yêu thương mình vô điều kiện được chưa? Nói thì dễ, nhưng thực hành thì không dễ tý nào. Bạn có thể tha thứ hoàn toàn cho ai bao giờ chưa? Hoàn toàn tha thứ và chấp nhận người ấy như bản thân họ như vậy. Không à? Có ai đã làm được điều ấy chưa? Chúng ta luôn luôn có điều kiện kèm theo, luôn có chữ “Nếu” đi cùng.
Nhưng Đức Phật nói, các vị thánh đệ tử, những người tâm đã được giải thoát khỏi mọi ác ý, không còn đau khổ, phiền não, là những người có tâm từ, bi, hỷ, xả, vô lượng vô biên như thế. Sau một thời gian nhất định thực hành chánh niệm, tuỳ thuộc vào mức độ thực hành và mức độ thấy biết rõ ràng của bạn, tâm bạn sẽ được giải phóng khỏi những điều đó, không còn ác ý, không còn đau khổ, không còn phiền não, và rất thanh tịnh. Đó là điều thực tế. Bạn có thể thấy mình đang phát triển các phẩm chất nội tâm như thế nào. Bạn sẽ trở thành một con người tốt đẹp hơn. Bạn ngày càng tự tôn trọng bản thân mình hơn. Bạn cũng ngày càng yêu thương bản thân mình hơn. Đó quả thực là niềm hạnh phúc vô cùng lớn. Không gì có thể làm cho bạn hạnh phúc hơn thế. Đối với những người như thế, bốn điều an ổn mà Đức Phật nói có thể đạt được ngay trong kiếp sống này. Bốn điều an ổn đó là gì?

1.“Nếu có đời sau, hãy lưu ý đến chứ “nếu” ở đây, nếu có đời sau thì sẽ có quả của nghiệp thiện, nghiệp ác trổ sanh, sau khi chết, ta sẽ tái sanh lên cõi thiện, cõi trời hoặc cõi người này”. Đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.
Nếu chúng ta không làm điều gì sai trái, nếu còn có kiếp sau, chúng ta sẽ được tái sanh nơi cảnh giới tốt đẹp.

Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào
chất lượng tâm của chính chúng ta.


Với một cái tâm có chất lượng cao, với những phẩm chất tâm tốt đẹp, con người ta không thể rơi vào những cảnh giới thấp kém, đau khổ.

Chất lượng của cuộc sống là sự phản ảnh
của chính nội tâm chúng ta, thực ra cuộc sống thực tế của bạn

là do bạn tự tạo nên theo cách riêng của mình.

Nếu chúng ta biết điều đó, thì chúng ta sẽ có quyền điều khiển cuộc sống của mình đến một mức độ nào đó, còn nếu chúng ta không biết, chúng ta sẽ không thể làm chủ được cuộc sống của mình. Chỉ có thể làm chủ được một chút, điều khiển được một phần, nếu bạn thực sự biết phát triển chất lượng tâm của mình, bạn sẽ thấy mình có thể làm chủ được khá nhiều cuộc sống của mình. Ngay trong kiếp sống này, tôi biết rất nhiều người, nhiều bạn bè của tôi, họ thực hành thiền rất thành tâm, rất sâu sắc trong tim. Bất cứ làm công việc gì, làm ăn kinh doanh, họ luôn luôn giữ gìn sự chân thực, sống như vậy, thực hành Pháp như vậy họ đã tu tập được rất nhiều phẩm chất tốt đẹp và cả lòng trung thực. Cuộc sống của họ ngày càng trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
Chúng ta cảm thấy khó mà sống được như thế bởi vì chúng ta không thực sự trung thực. Chúng ta không thực sự chánh niệm. Nếu chúng ta thực sự trung thực và chánh niệm, cuộc sống sẽ rất dễ dàng và đơn giản. Cuộc sống của chúng ta là sự phản ánh của các trạng thái tâm.

2.“Nếu không có đời sau, không còn quả của nghiệp thiện, ác trổ sanh, thời ở đây, ngay trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc”. Đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.
Nếu không có đời sau, thì cũng không thể có quả của nghiệp thiện hay nghiệp ác trổ sanh được, không có phước hay tội nữa. Mặc dù vậy, giữ tâm không oán, không hận, bằng những việc thiện làm được ngay trong kiếp sống này, bạn không có oán thù, bởi vì làm hại người khác sẽ gây thù oán. Tâm bạn vắng bóng mọi cảm xúc sân hận, không phiền não, khổ đau.
Những người thực hành chánh niệm, thực hành tâm từ, tâm bi, nhờ chánh niệm họ phá triển được sự hiểu biết sâu sắc và rõ ràng. Họ an lạc ngay trong hiện tại, ở đây và bây giờ. Họ hưởng được lợi ích từ chính pháp hành của mình, không phải đợi đến tận kiếp sống tương lai. Kiếp sau có hay không, không còn quan trọng. Bởi vì, nếu có kiếp sau, thì những gì bạn đang làm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, nếu sự thực hành đó mang lại lợi ích cho bạn trong kiếp sau thì cũng tốt, không vấn đề gì, bạn không cần lo lắng về điều đó. Nếu không có kiếp sau, cũng chẳng sao, ngay trong hiện tại này bạn đang được hưởng lợi ích rồi. Đọc kỹ lại đoạn kinh này bạn sẽ thấy rõ điều đó. Một số người suy nghĩ sai lầm rằng nếu không có kiếp sau, tôi có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ bị quả báo, bởi vì khi chết đi là hết, chẳng còn gì nữa. Nhưng hãy nhìn những người đó, trong hiện tại họ có thực sự hạnh phúc hay không? Họ có thể tự tôn trọng bản thân mình hay không? Họ có được người khác tôn trọng không? Tôn trọng nghĩa là đối xử với người khác như là một con người, một cách kính trọng. Bất cứ người nào làm việc bất thiện đều không có lòng tự trọng. Họ không thể tự tôn trọng chính mình. Người khác biết việc họ đang làm cũng không hề tôn trọng họ. Ngay cả những người không tin vào điều thiện, họ có tôn trọng những người làm thiện hay không? Bạn hãy thử cố gắng tìm hiểu cách mọi người hành xử, bạn sẽ biết điều đó.

3.“Nếu việc ác ta đã vô ý làm, nhưng không có tâm ác với bất cứ ai. Nếu ta đã không làm điều ác, sao ta phải chịu khổ đau được”. Đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
Trong cả hai trường hợp, không làm việc bất thiện và vô ý làm, tâm vị ấy hoàn toàn trong sạch. Có một số người nói rằng, kể cả khi bạn làm điều tốt, nó cũng chẳng có gì là tốt cả. Việc tốt chẳng có ý nghĩa gì, chẳng mang lại điều gì. Ngay cả khi bạn làm điều xấu, nó cũng chẳng làm sao cả, chẳng có cái gì là tốt, cái gì là xấu cả. Tôi đã từng nghe những loại lý luận như thế, ngay cả trong thời đại ngày nay. Thực ra đó quả là một quan điểm rất ngu ngốc. Nhưng ngay cả khi có người cố thuyết phục bạn nghĩ như thế, bạn chỉ cần làm những gì lợi ích và tốt đẹp, cố gắng tránh những việc làm bất thiện, xấu ác, thì bạn sẽ không còn phải lo lắng về những gì mình đã làm nữa. Vậy, hãy cố gắng tìm ra con đường an toàn nhất cho mình. Nếu bạn cho mình là một người thông minh và trí tuệ, vậy hãy cố gắng tìm ra cách sống tốt nhất cho cuộc đời mình.

4. “Nếu việc ác ta không làm, dù là cố ý hay vô ý, ta quán xét thấy ta hoàn toàn thanh tịnh”. Đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.

Đây là bốn điều an ổn mà bậc thánh đệ tử có được. Bằng những việc làm thiện, bạn sẽ không cần phải lo lắng điều gì. Dù nó có khiến bạn nghi ngờ rằng làm thiện có được hưởng tốt hay không, cũng không thành vấn đề.
Một số người bạn của tôi cũng hỏi tôi như vậy. Tôi có vài người bạn là những người vô thần, không theo tôn giáo nào cả. Họ không thực hành tâm linh, cũng không chấp nhận một giáo lý nào hết. Và họ hỏi tôi: làm sao bạn có thể tin vào những điều như thế. Làm sao bạn tin Niết Bàn là có thật? Làm sao bạn tin là có kiếp sau? Có người còn hỏi tôi: cần tu bao nhiêu lâu mới đắc đạo? Tôi nghĩ làm sao anh ta lại hỏi câu hỏi đó. Họ nói: nếu tôi biết mình thực hành trong vòng một tháng hay hai tháng thì đắc đạo, vậy thì tôi sẽ bỏ công sức ra tu. Nhưng nếu tôi chẳng biết chính xác bao giờ mới đắc đạo, vậy thì tôi chẳng muốn phí cuộc đời mình đâu. Hãy xem lý luận của họ. Tôi nói với họ: “Các bạn ạ, ngay cả khi không có Niết Bàn, ngay cả khi không có kiếp sau, ngay cả khi những hành động thiện hay bất thiện chẳng mang lại quả báo phước hay tội gì, tôi vẫn thực hành chánh niệm, tôi vẫn cố gắng hết sức để trở thành một con người từ bi, yêu thương, tôi vẫn giữ tâm mình sáng suốt và thanh tịnh. Kiếp sau có hay không chẳng quan trọng, bởi vì tôi phát hiện rằng khi tâm sáng suốt và thanh tịnh, tôi rất bình an, tôi rất hạnh phúc. Không có chánh niệm, tâm suốt ngày bất an, xáo động vì những chuyện không đâu, không biết yêu thương và không có lòng nhân hậu, đó mới thật sự là khổ”.
Nhưng hãy hiểu cho tôi, đôi lúc tôi vẫn phạm sai lầm, ngay cả bây giờ, trong một số hoàn cảnh, mặc dù tôi có thể từ bi và thông cảm hơn, nhưng nhiều lần tôi đã từ chối không làm như thế, và tôi cũng đã nhiều lần hối tiếc về điều đó. Tôi có thể dành ra 5, 10 phút cho người ấy và cho họ cái họ thực sự đang cần. Họ muốn tôi quan tâm và chú ý tới họ một chút, nhưng tôi quá mệt mỏi và không muốn để ý đến họ. Tôi chỉ né tránh họ. Và rồi sau đó tôi tự cảm thấy mình thật không phải với họ, tôi cảm thấy đau đớn về điều đó. Chỉ có 5, 10 phút sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Làm sao tôi lại không thể dành cho anh ta một chút thời gian như mọi khi. Tôi muốn các bạn biết rằng chính bản thân tôi không phải lúc nào cũng luôn nhân hậu, không phải lúc nào cũng luôn yêu thương được tất cả mọi người. Đôi khi tôi cũng rất lạnh lùng. Nhưng dù sao, mỗi khi tôi có tâm từ và lòng bi mẫn, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc. Điều đó thực sự làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc và an lạc. Tôi thích điều đó, tôi thích sống như vậy.
Là một con người, chúng ta không thể hoàn hảo, nhưng mặc dù không hoàn hảo, ít nhất chúng ta cũng có thể chân thật. Chân thật, ý tôi là khi bạn không tốt, không nhân hậu, điều đó khiến bạn tổn thương, bạn cảm thấy rất đau lòng. Khi bạn tốt bụng, nó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn cảm thấy bạn đã trở nên một con người tốt đẹp hơn. Bạn hạnh phúc về điều đó. Mặc dù cũng có đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi, nhưng những tâm thiện đó làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc và an lạc ngay trong hiện tại. Hãy cố gắng chánh niệm hơn, thông cảm hơn và sáng suốt hơn, điều đó sẽ làm cho chúng ta bớt sân hận, tăng thêm lòng từ bi.

***

... Cám ơn các bạn đã lắng nghe tôi lâu như vậy và chú ý như vậy. Tôi cũng rất thích điều đó, theo cách riêng của mình, và còn một điều nữa tôi muốn nói. Có một số thứ trong cuộc đời mà bạn sẽ không thể hiểu nếu không tự mình trải nghiệm, và điều đó cần phải có sự nỗ lực, tinh tấn. Những thứ đó là gì? Đó là kinh nghiệm thiền. Không ai có thể dạy bạn được cả. Bạn phải thực hành đi, thực hành lại nhiều lần, để ngày càng trở nên chánh niệm hơn, và bạn sẽ kinh nghiệm được nó. Chánh niệm nghĩa là gì, tự do nghĩa là gì, sáng suốt là như thế nào, nhìn mọi sự thật rõ ràng và sáng suốt là ra sao. Vì vậy có những thứ bạn sẽ không bao giờ hiểu trừ phi tự mình kinh nghiệm nó, và nó sẽ chẳng bao giờ đến nếu bạn không cố gắng. Chính vì vậy Đức Phật dạy chúng ta: “Hãy chuyên cần tinh tấn, chớ có dễ duôi”. Suốt cả ngày, từ khi bạn mở mắt thức dậy cho đến khi rơi vào giấc ngủ, đó đều là thời gian bạn hành thiền. Vì vậy, hãy cố gắng hết mình.
Đầu tiên, hãy học thiền ở một nơi nào đó, giống như chỗ này, ở một chỗ đặc biệt, một tư thế đặc biệt. Bạn hãy thật thư giãn, đặt tay bạn thoải mái, bất cứ chỗ nào bạn muốn đặt, giữ lưng thẳng, nhưng đừng thẳng cứng người, thẳng nhưng phải thả lỏng và thư giãn. Cố gắng ngồi thẳng và thật thoải mái. Giữ đầu ở một vị trí thoải mái, không ngửa ra sau quá mức, thẳng và thả lỏng, điều quan trọng là cũng phải để hai tay của bạn thật thả lỏng. Có một số người gồng cứng tay hoặc bắt hai tay vào nhau thật chặt, đừng làm như thế, hãy thả lỏng thoải mái. Đừng để cho bất cứ một bộ phận nào trong cơ thể căng thẳng một cách không cần thiết. Nếu bạn muốn đặt hai bàn tay lên nhau ở trong lòng, thì cứ việc đặt, để hai tay thật mềm, nhẹ nhàng, không dùng lực, không để căng cứng. Và hãy giữ cho vai mình thật thả lỏng, thư giãn, bởi vì vai của hầu hết chúng ta đều rất căng cứng, chúng ta có thói quen co rút vai mình. Có người thì một bên vai rút nhô lên, có người thì rút cả hai vai. Có người còn nói khi ngồi hai vai tôi co rút, nhô lên đến tận gần tai. Quá căng cứng, không thể xả bỏ và thả lỏng.
Hãy buông lỏng và thư giãn toàn thân. Điều rất quan trọng khi hành thiền là bạn phải thư giãn, tinh tấn một cách thư giãn và thoải mái. Giữ cho thân mình thư giãn, nhưng phải giữ cho tâm mình tỉnh táo và luôn an trú trên đề mục thiền càng liên tục càng tốt. Đối với những người mới bắt đầu, đề mục thiền cơ bản nên là hơi thở. Bạn cũng có thể chọn bất cứ đề mục nào khác mà bạn thích. Một số người thích quan sát chuyển động phồng – xẹp của thành bụng hay của lồng ngực khi thở, cũng được.
Bất cứ những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn một cách tự nhiên
đều là đề mục thiền, miễn là đề mục ấy rõ rệt nhất, chiếm ưu thế nhất.
Trước hết hãy hít vào thở ra thật sâu vài lần, hít thở sâu vài lần như thế sẽ khiến cho tâm bạn tỉnh táo hơn. Chú ý đến luồng không khí xúc chạm vào lỗ mũi, xúc chạm vào khu vực ngay bên ngoài lỗ mũi. Khu vực tam giác ngay cửa lỗ mũi, hãy cảm nhận luồng không khí ra vào, mát khi hít vào, ấm ấm khi thở ra, chỉ cảm nhận nó chứ đừng suy nghĩ về nó.
Bây giờ, hãy rà soát qua toàn bộ cơ thể, từ đỉnh đầu xuống đến tận ngón chân, cảm nhận bất cứ cảm giác nào đang có mặt trên thân, chú ý đến từng cảm giác. Có chỗ nóng, có chỗ căng cứng, hãy điều chỉnh một tư thế ngồi thích hợp để bạn có thể ngồi lâu một chút... Bởi vì ít nhất bạn cũng có thể ngồi yên được từ 15 đến 20 phút. Một số người tâm rất bất an, bởi vì bất an nên họ lo lắng rất nhiều thứ. Họ không yên không phải vì đau, mà không yên bởi vì tâm bất an.
Hãy ngồi theo một tư thế thích hợp, hít thở sâu vài lần và chú ý. Làm như vậy trong vài phút, bạn không cần phải lo lắng mình sẽ ngồi được bao lâu, nếu bạn muốn, bạn có thể ngồi được rất lâu. Hít vào thật sâu, thở ra hết, hít vào, thư giãn toàn bộ cơ thể, thở ra, buông lỏng và thư giãn toàn thân... Sau đó hãy để hơi thở bình thường, chúng ta tiếp tục chú ý hơi thở và cảm giác trên thân mình như vậy, cho đến khi đủ thì xả thiền.

Trích: 
KINH KALAMA
Tác giả: Thiền sư Sayadaw U Jotika
Người dịch: Sư Tâm Pháp
http://sutamphap.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét