Ở đâu cũng bụi bặm, tôi phải ra tay quét dọn cho sạch sẽ. Rõ là cả chùa chẳng ai đọc cả. Có nhiều bộ sách dày chưa hề có ai mở ra, ví dụ như bộ Đại cương Triết học sử Trung Quốc hai tập dày của Nguyễn Hiến Lê, và cả nhiều bộ sách của Nguyễn Duy Cần nữa. Ôi là cả một kho tàng kiến thức Đông phuơng!
Thế là suốt mấy tháng trường, tôi làm chủ cái thư viện ấy. Đầu tiên là tôi đọc tất cả các Nikāya, bản dịch của HT Minh Châu để nắm bắt tư tưởng Nguyên thuỷ cho thật chắc, cho thật vững. Ở đây “tuyệt đối” chẳng có kinh luận của Đại thừa, vì đối với ngài, đấy là “tư tưởng của ngoại đạo”. Đôi khi ngài đích thân đi lùng tủ sách của các sư, thấy các kinh luận của Đại thừa là ngài rầy la, quăng ra vườn rồi bảo đốt hết.
Hôm kia, tại thư viện, tôi đọc được một quyển sách mỏng chừng hơn trăm trang: “Đạo Phật, con đường hạnh phúc”thấy ghi tác giả Viên Minh – Trần Minh Tài. Quyển sách rất hay. Hỏi sư Chánh Trí thì được biết: Đấy là sư Viên Minh làm giáo thọ ở đây. Bây giờ sư ra lập chùa tại đèo Hải Vân, Lăng Cô, Lộc Hải, Phú Lộc rồi, cách đây chừng 9 tháng.
– Còn Trần Minh Tài?
– Ổng là cư sĩ, hằng tuần phụ trách chương trình Phật Pháp của Nha Tuyên Uý. Do thời lượng có hạn nên mỗi tuần, Minh Tài nhờ sư Viên Minh viết một bài vừa đủ để đọc trong chừng 15 phút. Đã gần hai năm nay, bây giờ tuyển tập lại in thành sách đó.
Tôi nhíu mày.
Sư Chánh Trí nói:
– Minh Tài mượn danh một chút đó mà! Sư Viên Minh, sư ấy cũng không chấp!
Tôi yên lặng, tôi đang nghĩ về quyển sách. Nó hay quá, viết giản dị, dễ hiểu mà chuyên chở được giáo pháp tinh yếu – nên tôi tò mò hỏi về sư Viên Minh. Thế là sư Chánh Trí kể cho tôi nghe một số nét về “chân dung” vị ấy. Lát sau, trầm ngâm một chút, tôi hỏi:
– Tại đây, sư Viên Minh ở phòng nào?
Sư Chánh Trí nói:
– Cái phòng đầu tiên bên trái, dãy nhà phía trước đang bỏ trống đấy.
Tò mò, tôi đến xem. Phòng hầu như còn giữ nguyên vì ai ở đây cũng kính trọng sư, muốn để nguyên nên chưa bị xáo trộn. Phía tường, cao trên bàn viết, còn mấy tờ giấy dán ghi thời biểu làm việc. Xem thử. Tôi kinh khiếp. Ôi! Cái thời khoá sinh hoạt hằng ngày của sư đều đặn như chiếc kim đồng hồ.
Tôi nhớ đại khái: Thức dậy, vệ sinh buổi sớm lúc 3 giờ sáng, sau đó, ngồi thiền, tụng kinh, yoga, thể dục, quét dọn sân vườn, điểm tâm lúc 6 giờ sáng. Đi trì bình khất thực, hoặc đi trai tăng, công việc tại chùa. Buổi chiều dài dằng dặt chương trình như chuẩn bị bài dạy (như soạn giáo án). Dạy 7, 8 môn như Kinh, Luật nghi, Giáo pháp căn bản, Pāḷi, Abhidhamma, Anh, Hán… Ban đêm sư còn luyện nói, luyện nghe Anh Văn; học Trung Văn, luyện nghe, nói Trung văn. Cuối cùng, xem lại một số bài chuẩn bị dạy ngày mai, 10 giờ hay mười giờ hơn mới “tịnh chỉ”.
Sau đó tôi được biết thêm: Sư làm Giám đốc kiêm giáo thọ sư Phật Học Viện Phật Bảo này, Tăng sinh chừng 50 vị. Trên có ngài Giới Nghiêm làm viện chủ. Sư vừa dạy, vừa học. Sư học xong Cử nhân Phật học Vạn Hạnh khoá 1965-1969, học thêm 16 lớp London School. Học thêm các môn Pāḷi, Abhidhamma với ngài Santi-Bhadra – một đại sư học giả người Sri-laṅkā.
Tôi tò mò hỏi thêm thì sư Chánh Trí và sư Tâm Đức còn nói rằng: Kinh sách của sư cả ba bốn tủ lớn, sư cho chuyển về Huế hết rồi. Trong đó, triết Đông, triết Tây, sách văn học nhiều lắm. Các quyển như Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh tử; nghiên cứu Thi, Thư, Dịch của Khổng, Đạo Đức kinh của Lão, Nam Hoa kinh của Trang Tử. Có một số kinh sách của đại thừa, đó là Phổ Môn, Lăng Nghiêm, Lăng Già, Pháp Hoa, Kim Cương, Viên Giác… với các luận như Duy Thức của Thế Thân, Trung Luận của Long Thọ, Đại thừa khởi tín luận của Mã Minh (Tủ sách của sư Viên Minh thì ngài không kiểm duyệt).
Vốn thể chất văn nhược, vầng trán cao sáng, dáng người mảnh mai, thanh tú – đúng là thần mai, vóc hạc – nhưng sư đã kiên trì, nhẫn nại với sự học không ai có thể theo nổi, sánh nổi. Và dạy học cũng thế. Chương trình giờ giấc cũng thế. Ở đó có một ý chí sắt thép, có sự nghiêm túc vượt bậc, có một kỷ luật tinh thần và kỷ luật cảm xúc mẫu mực xứng đáng làm gương cho đại chúng. Sư còn là cố vấn cho GĐPT Gotama mà cả huynh trưởng và đoàn sinh ai ai cũng quý trọng và kính mến. Năm ấy, sư vừa mới 8 hạ tỳ-khưu. Và tôi còn biết thêm, sư cùng tuổi với tôi, sinh năm Giáp Thân, 1944.
Tự dưng, tôi sinh ra mặc cảm tự ti: “Cùng tuổi với mình, mà khi mình vừa chân ướt chân ráo đi tu thì sư đã đi ‘quy ẩn’ rồi!” Tôi thầm hứa với lòng: Trước sau gì cũng phải ra đó, ra đèo Hải Vân, Lăng Cô xem cái chùa của vị “ẩn sĩ” này ra sao! Và bắt đầu hôm ấy tôi lại đâm ra chán đọc sách. Có một bài thơ nói lên cái chán ấy:
Đọc Sách
Bạc đầu, đọc sách mãi sao?
Ngoài kia trăng gió thì thào rong chơi
Kinh thư trắng chữ lâu rồi
Đâu còn hơi thở, nụ cười mười phân!
Ngày chợt qua, tháng lụn dần
Tế bào sinh diệt, mộ phần chờ ta!
Sự sống rung động làn da
Nắng xao cành gió, chim ca mà buồn
Triết Tây chật ứ cả hồn
Triết Đông sương khói chờn vờn đỉnh cao
Kinh chưa mò mẫm mấy nào
Một vài đống vụn rì rào rứa thôi
Đêm nghe lịm chết mặt trời
Hỏi ai, ai hỏi những lời điếc câm!
(Phật học viện Phật Bảo, 1973)
Đầu năm 1974, có dịp về thăm quê, mấy ngày còn lại ở Huế, như dự định, tôi tìm về ngôi chùa của vị “ẩn sĩ”.
Chùa nằm phía Bắc đèo Hải Vân, cách ga Lăng Cô chừng hơn cây số. Đến địa phận chùa nhìn lên thấy một tấm biển dài chừng 3m, rộng chừng một mét, tựa trên mô đất, nổi bật ba chữ Chùa Huyền Không, chữ trắng trên nền xanh da trời, xung quang có hoa văn nhẹ, thanh nhã, không quá cầu kỳ, quá tỉ mỉ. Nhìn tấm bảng, vị trí đặt, màu sắc và nét chữ (vì tôi cũng là hoạ sỹ nghiệp dư), tôi đánh giá được sự tinh tế thẩm mỹ của chủ nhân.
Qua đường tàu xe lửa, lên dốc chừng vài ba mươi mét thì bên trái, cổng chùa hiện ra. Cổng chùa cũng chỉ có mấy thanh gỗ ghép lại, đơn sơ, giản phác.
Bước vào sân chùa, một mái chùa tranh, tường bằng ván gỗ thông khiêm tốn hiện ra. Đứng nhìn trước sau, chùa dựa núi và nhìn ra biển xanh và phía bên xa kia là làng chài An Cư Đông. Địa thế quá đẹp.
Nhìn quanh không có ai. Bốn cánh cửa bàng khoa chỉ khép hờ. Liếc nhìn bên trong điện Phật thấy tượng Phật màu trắng, nhỏ nhắn nhưng trang nghiêm, hiền hoà. Tôi bỏ gièm ra, trật y vai trái vào thắp 3 cây nhang rồi thành kính lạy Phật. Ôi! Ông Phật ở đây cũng là “ẩn sĩ”, không phô trương loè loẹt, không chớp nháy đỏ xanh, không cầu kỳ long phượng! Hai gian hai bên dường như toàn là kinh sách đựng trong mấy tủ lớn. Người sao cảnh vậy, cảnh sao tâm vậy! Có một năng lượng nhàn thoát, an bình toả ra trong không gian cây và cỏ, núi xanh và đất trời đều xanh xanh!
Quành ra phía sau thấy một giàn lan rừng rất đẹp. Hai bên là hai khóm trúc vàng. Từng giò từng giò lan được gắn trên những khúc gỗ chỉ còn lõi, hình dáng đa dạng, hình thù lồi lõm, khe rãnh, đường vân, thớ gỗ tự nhiên, đẹp như điêu khắc. Chừng hơn trăm giò và một số đang nở hoa thì được treo phía trước, bên phải, bên trái chánh điện. Một bờ tường bằng đá ngăn khoảnh đất phía trên cao hơn cũng công phu mà tự nhiên. Một số cây hoa thân mộc trồng theo mép tường cũng có vẻ được chăm chút cẩn thận… Dạo một vòng nữa lên đồi trên. Rồi lần xuống con suối bên phải, bên trái. Còn nữa, còn nữa…
Lúc trở lại thì tình cờ gặp một người đàn ông đang gánh hai thúng khoai lang, sắn và mấy buồng chuối từ trên núi xuống.
Tôi hỏi:
– Thưa chú, các sư đi đâu hết mà chùa vắng tanh thế?
Người đàn ông tạc trung niên, bỏ gánh trên vai xuống:
– Mấy sư hôm ni đi phố có việc rồi.
– Thế sao không đóng cửa chùa?
– Người dân cả làng ni có ai dám đụng đến của cải, sách vở của quý sư mà đóng với không đóng!
– À, ra là thế!
– Quý sư trí thức lắm. Lại hiền lành nữa. Tụi tui ở bên làng thường hay đặt bát cúng dường gạo, bắp, sắn, khoai cho quý sư đó! Rứa sư ở mô ra?
– Thưa, Sài Gòn ạ!
Từ giã người đàn ông, tôi đến ngồi trên bậc đá, nhìn mông ra biển, trầm tư. Nhiều suy nghĩ ở trong óc. Nhiều ý tưởng về những giá trị tâm linh. Nhiều cảm xúc không nói được.
Tôi có làm một bài thơ luật Đường, như một lời tán thán cảnh và người ở đây:
Huyền Không Cảm Tác
“ Lãng bước du phương lạc chốn nầy
Huyền Không ai dựng giữa đồi mây
Trời xa, biển ngậm hồn nhân tục
Rừng quạnh, non phơi dấu hạc gầy
Hai nẻo suối về, xanh bể Bắc
Một giàn lan toả, ngát đồi Tây
Hồn chiều trải rộng mười phương đạo
Ngợp giấc thiền, quên kiếp cỏ cây!”
Tôi dán bài thơ ấy nơi cánh cửa bàng khoa, sau đó tôi rời chùa, xuống ga đón tàu vào Đà Nẵng rồi trở lại Sài Gòn.
Sư Viên Minh năm 1990
… Cuối năm 1974, tôi lại về Huế, về Hải Vân-Lăng Cô.
Trên Tàu Về Lăng Cô
Chân đi giữa đám bụi hường
Ai chào, ai hỏi, vô thường ngoài tai
Tình đời nhẹ hẫng đôi vai
Hành hương cô lữ, biết ai bạn cùng
Bây chừ được cái thung thung
Được thêm dấu hỏi, vô cùng, còn nguyên!
(1974)
Vỡ Muối Đề Thơ
Một bước xa quê du viễn phương
Lòng như gió sớm thổi ven đường
Cây lá ba đời còn ngủ cả
Chẳng lẽ ta đi mãi suốt mùa sương
Thêm mỗi bước đi, đường đời không ngắn lại
Lối xưa kia chờ đợi mấy huân tà
Nắng bạc đầu rồi, ta về muộn quá
Trong lòng con mấy khúc điệp trùng ba
Ai hỏi, ai chào – tám phương tịch mịch
Gió qua hoài có vướng nỗi nào chăng
Sầu có thoảng, chân mây dài với đất
Tay ôm vòng thiên địa giữa mùa trăng
Nói đã mệt, ta thầm thì với lá
Sương qua đêm còn đọng ngọc bên trời
Ôi! Lạ quá, niềm riêng dường như đã
Lá lìa cành, nuối cội, chẳng buồn rơi
Một bước ra đi, chẳng chờ chẳng đợi
Đó đây đi, đây đó để tình cờ
Ta im lặng, biển sâu dù tiếng gọi
Biển khô rồi, ta vỡ muối đề thơ!
(1974)
Thế là tôi đã đến chùa Huyền Không có cảm giác như trở lại quê nhà sau nhiều kiếp bôn ba luân lạc.
Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ đến bài thơ của ngài Viên Minh, nó rất đúng với cảm xúc của tôi thời bấy giờ:
“Quê hương vẫn là đây
Trăng vẫn mảnh trăng này
Ngàn sau, ngàn sau nữa
Lồng lộng giữa trời mây!”
… Nhập Chúng
Vậy là tôi đến đây, chừng tháng 11, 12 gì đó năm 1974 khi mái chùa tranh và những công trình phụ đơn sơ đây đó đã đi vào sinh hoạt.
Tôi không nhớ tôi được nhập chúng như thế nào, ký ức không lưu lại hình ảnh nào cả. Có lẽ là dễ dàng, tự nhiên rứa thôi. Và mọi người đều mỉm nụ cười vui, bình an, thanh thản. Nghe nói là chùa mới bế giảng một khoá học, sư Viên Minh giảng dạy. Ngoài các vị tỳ-khưu như sư Tịnh Pháp, sư Hộ Chánh, sư Trí Thâm, sa-di là sư Tấn Căn, còn có một vị tỳ-khưu Bắc tông là thầy Tâm Hạnh ở Đà Nẵng ra trọ học. Vị này sau tu theo Nam Tông, tôi có gặp nhiều lần ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Lúc tôi về đây thì nghe nói sư Chung đã vào Nam. Có một giới tử tên Nam rất giỏi và rất hiền. Chỉ có chừng ấy thôi.
Ngoài chánh điện chừng 5×7 mét thờ Phật, hai tủ kinh sách lớn, các chỗ ngủ nghỉ ở xung quanh nên rất chất hẹp, tù túng sinh hoạt. Khi tôi ở đây, sư Viên Minh có cho làm thêm một tiền đường cũng cỡ 5×7 mét, giản dị bằng tôle trông thoáng mát, rộng rãi. Lên mấy bậc cấp bằng đá ghép, đồi trên, đi chừng 20 mét, sát núi có căn nhà bếp bằng tranh tre thô mộc, có một bàn ăn là một sạp gỗ, phía trên đặt hai cái bàn nhỏ để dùng cho chừng 6 vị ngồi xếp bằng độ thực là hết chỗ.
Trên sườn núi, từ nhà bếp đi lên, có làm hai cốc gỗ, chừng 3×4; một để cho sư trụ trì ở, một để dành cho khách đặc biệt. Ở đây chư tăng tắm giặt dưới giếng, ngoài trời hoặc hai con suối hai bên, nước trong vắt. Nhà vệ sinh thì tạm bợ, chưa có khả năng làm hố xí tự hoại. Và hết. Nghèo và đạm bạc như vậy đó.
Tôi có một bài thơ, sáng tác chỉ vài ngày sau khi ở đây:
Ngày Đến Hải Vân
Ngập ngừng bên lối sỏi
Chiều mùa đông lưa thưa
Chim về vùng yên tĩnh
Tiếng hót loãng âm thừa
Ngồi như quên tiền kiếp
Hương lan gọi ta về
Bóng trăng vàng nương rẫy
Rải thảm vàng hoang khê
Hoa cỏ chào mừng ta
Rung rinh sau mành gió
Khóm trúc gầy đung đưa
Giọt sương khô trên lá
Mây tìm về núi cũ
Đã bạc hết màu xanh
Thương cành khô bỏ bụi
Nằm dài ngủ hiên tranh
Tiếng chuông ru thiền định
Đêm đã sâu bên đồi
Xôn xao lời vách đá
Một vì sao đổi ngôi!
(1974)
Sư Viên Minh và Bùi Giáng
… Đá Sỏi Cũng Thành Cơm
Mấy ngày hôm sau, đi thăm thú và quan sát toàn bộ đất vườn rừng, tôi mới thấm thía sức lao động kinh khiếp của chư tăng. Gọi là đất, là vườn nhưng ở đâu cũng đá, đá chồng chất đá, tảng to, tảng nhỏ chèn khít bên nhau. Muốn lấy một khoảng trống để trồng khoai lang, thế có nghĩa là phải ra công sức lấy hết tất cả đá sạn ở đấy đi. Trồng sắn thì dễ hơn, hễ chỗ nào có chút đất, cạnh hốc đá cũng được, chỉ cần cái xà-beng hay mũi cúp, thọc một lỗ bỏ hom sắn xuống là được. Nhưng trồng một gốc chuối hay trồng một cây mít thì công sức lại càng kinh khiếp hơn. Lỗ trồng chuối hay một cây mít phải đào một cái hố chừng 1mét khối, mà đa phần phải lấy hết đá tảng lớn nhỏ xung quanh. Thế là cúp, xà-beng phải xeo, phải nạy. Có những hố thì nguyên một khối đá lớn nằm “chình ình” ở giữa, chân cắm rất sâu. Thế là phải lấy đinh nỏ và búa tạ đục từng mảng, từng mảng. Chân rướm máu, tay rướm máu mới được vài ba hố. Thế mà khi tôi đến đây, các sư đã trồng hằng trăm gốc mít rồi, đang phát triển vững vàng, xanh tốt. Còn chuối, nhất là chuối ba lùn nằm đầy cả mấy triền suối. Khoai lang thì chỉ trồng mấy vạt đất, củ rất nhỏ. Riêng sắn thì bạt ngàn nương rẫy.
Kể đến ngang đây tôi nhớ đến cái giếng rất đặc biệt. Giếng tròn đường kính chừng hơn một mét, xây bằng đá, sâu độ một mét thôi – mà nước trong leo lẻo, không bao giờ khô cạn. Tắm giặt ăn uống, tưới cây cái giếng này trung thành cung ứng bốn mùa. Xung quanh thành giếng tráng bằng xi măng, khi tắm giặt nước chảy tràn, được hướng dẫn ra hai bên mương nước và ở đây được trồng môn ngọt, bạc hà xanh tốt quanh năm, và nó dường như là cung ứng cho những bữa ăn: Nấu canh, làm chua hay bóp dấm… đều được cả. Mấy vạt đất trống cạnh giếng, lại trồng chuối ba lùn, từng buồng, từng buồng dài cỡ sãi tay!
Những công việc nặng nhọc này thường là sư Viên Minh và sư Trí Thâm đảm nhận, đôi khi có sư Tịnh Pháp. Sư Tấn Căn dáng thư sinh, “thân mai, vóc hạc” không làm việc nặng được, sư ấy chỉ phụ giúp việc nhẹ. Sư Hộ Chánh vì là thợ mộc nên nhận công việc đóng bàn, đóng tủ, đóng tất cả các đồ dùng cần thiết. Sư Trí Thâm năng nổ, xốc vác và nhiệt tình nhất, nhất là xeo, bẫy hay đục đá. Sư Viên Minh bên cạnh lại là người đưa ý kiến, tìm thế, tìm cách cho công việc nhẹ nhàng hoặc có hiệu quả hơn. Thế là việc nặng thành nhẹ, việc chậm thành nhanh hơn. Ngài có cái trí thông sáng không ai bì được.
Tôi cũng chân yếu tay mềm, nhưng việc nặng nhọc tôi làm cũng khá tốt, không thua ai. Tôi đồng sự với mọi người khá dễ dàng trong mọi công việc. Có điều là ai cũng thiếu ăn cả, lúc nào cũng đói. Buổi sáng thường dùng một tô cháo, với cá khô hay với muối ớt, ăn sắn, ăn khoai với đậu muối mè, thế là khoảng 9 giờ ai cũng cảm nghe đói, dường như là không còn sức lực. Biết điều đó nên sư Viên Minh cho sư Tịnh Pháp và sư Hộ Chánh, thỉnh thoảng nghỉ làm. Sau khi dùng sáng xong, hai sư ôm bát xuống dưới chân chùa, gần quốc lộ đón xe vào Đà Nẵng để đi trì bình khất thực. Thuở ấy, các sư vào ra, đi đây đi đó rất dễ dàng vì bất cứ xe nào họ cũng cho quá giang. Xe đò, xe bồn, xe cá nhân hay xe quân đội, thấy các sư họ đều cho đi cả nếu còn chỗ trống. Vậy nên, vào Đà Nẵng, xuống chợ Cồn đi bát chừng nửa tiếng thì đã đầy bát, đầy cả chiếc “gièm” mang theo. Chừng 9 giờ hay 9 rưỡi là các sư đã có mặt ở chùa rồi, và vật thực, nhất là đồ ngọt để tiếp thêm năng lượng cho người lao động. Đôi khi sư Tịnh Pháp “khôn hơn”, vào Đà Nẵng, sư không đi bát mà lại ghé nhà phật tử thân cận, thế là khi trở về chùa, vật thực dồi dào, đa dạng hơn, đôi khi cả chùa sử dụng vài ba ngày không hết.
… Linh Tinh Sinh Hoạt
Nghe kể lại rằng, năm đầu tiên về đây, chư sư thường hay đi bát bên làng An Hải, đa phần là gạo, thêm sắn, khoai. Đi bát gạo một lần là có thể đủ cơm ăn cả tuần lễ. Nhưng sau này, chùa công việc nhiều quá nhất là nương rẫy, cây ăn trái và tạo cảnh, tạo hình góc núi này, triền suối khác… nên phải tạm ngưng. Lâu lâu đi một lần để giữ gìn hình ảnh thôi.
Thường buổi sớm 4 giờ thức dậy, vệ sinh cá nhân xong là tụng kinh, hành thiền. Hơn 5 giờ là tập thể dục hay tập yoga, 6 giờ là dùng sáng. Dùng sáng xong, sư Viên Minh bao giờ cũng vác cúp, cuốc hoặc rựa đi trước, huynh đệ không ai “nằm ngả nằm nghiêng” được, cũng vác đồ nghề theo sau, đa phần là lên núi. Chừng 10 giờ nghỉ việc, tắm giặt gì đó, gần 11 giờ là độ ngọ. Trưa tịnh chỉ chừng 1 tiếng, chừng 13g30 là ai có công việc nấy. Sư Viên Minh đọc kinh, sách, nghiên cứu hoặc viết lách. Mọi người cũng thế.
Tôi về đây nhằm lúc không có khoá học nào nên được chương trình tự do vào buổi chiều. Tối, sau thời khoá công phu mọi người quây quần ngoài tiền đường, uống trà, uống nước lá, có sữa dùng sữa, có đường, kẹo thì dùng đường, kẹo. Dịp này, Sư Viên Minh thỉnh thoảng nói chuyện, có lẽ xoay quanh mấy chủ đề:
– Công việc ngày mai, hoặc là trồng thêm chuối, mít, cam chanh, bưởi, ổi… gì đó, hoặc là sửa sang con đường lên cốc, xuống hai con suối Thanh Tâm, Tịnh Thuỷ; hoặc phát dọn lau sậy, lùm bùi ở sau lưng hai cốc gỗ, phát lan lên núi để đề phòng hoả hoạn.
– Đi Đà Nẵng hoặc Huế mua sắm dụng cụ sinh hoạt, vật dụng lao động hoặc đồ dùng bếp núc…
– Thỉnh thoảng, thỉnh thoảng thôi – ngài Viên Minh khích lệ anh em về đời sống cần lao vất vả. Trong sinh hoạt có gì phát sanh liên hệ đến giáo pháp, đến sự tu học thì ngài xoáy sâu vào căn bản, tinh yếu nhất của Phật học. Khi cần phân tích thì ngài phân tích rất cặn kẽ, chi li mà vẫn bằng ngôn ngữ dị giản, hình ảnh cụ thể ai cũng có thể nắm bắt được.
Tôi không nhớ quãng thời gian nào, nghe kể lại, huynh đệ lũi núi tìm phong lan. Tức là nếu leo núi về bên trái chùa, lội qua một vài con suối, đi mãi và đi sâu vào chừng một vài cây số là bắt gặp rừng già gần như nguyên sinh. Rất nhiều lan rừng bám trên những gốc thụ. Có loại, ví như lan Nghinh Xuân (Đai Châu) thì nằm trên cao. Lan Thuỷ Tiên, Cẩm Báo, Dã Hạc, Giáng Thu, Song Tử Ngọc… thì nằm thấp hơn. Nếu đi trúng chỗ thì nó là cả một kho tàng thiên nhiên vậy. Đây là những loại lan đẹp, ai cũng thích, cả hương và sắc, ngoài ra, còn rất nhiều loại lan khác nữa ví như Trường Kiếm, Đoản Kiếm! Và còn nữa.
Thấy lan nhiều quá, ai cũng ham, lôi và gỡ xuống từng bè, từng cụm. Thấy vậy, sư Viên Minh ngăn lại:
– Không nên làm thế! Mình ngắm nghía cái khóm nào đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất thì cắt gỡ khóm ấy ra, còn bao nhiêu nên để lại nguyên trên cây vậy, trả lại cho tự nhiên.
Đây là bài học bảo vệ môi trường mà các sư Huyền Không học được trong những lần đi lấy phong lan từ ngài Viên Minh.
Lấy lan xong, trở về, qua các con suối, lúc nào các sư cũng đi lùng những gốc gỗ mục, chỉ còn lõi, mang về để gắn lan. Có nhiều gốc như điêu khắc, như chạm trổ tinh tế rất đẹp, như một tác phẩm mỹ thuật. Cũng nhờ giàn phong lan địa phương phong phú này mà khách vãng lai rất yêu thích. Các vị linh mục trong vùng qua chơi thăm hỏi, xem phong lan, uống trà. Quý thầy, các ni cô hoặc phật tử Bắc tông ở Huế hay Đà Nẵng, họ cũng ghé thăm. Các giáo sư đại học, các vị trí thức có công việc vào ra Huế-Đà Nẵng nhìn thấy bảng hiệu Huyền Không thanh nhã, tò mò, họ cũng dừng xe, lên xem chơi cho biết. Ai cũng thấy các sư còn trẻ, đi đứng, ăn nói có cốt cách, lại nhìn vào mấy tủ kinh sách lớn, họ đều chung cảm nghĩ: Là những bậc chân tu, ẩn sĩ!
Và tôi cũng học thêm một bài học thứ hai. Tôi nhớ có một lần vì một số công việc phải hoàn thành gấp nên sư Viên Minh đề nghị anh em lao tác thêm buổi chiều. Dĩ nhiên, huynh đệ ở đây xem như là không có vấn đề. Công việc làm cúp, cuốc, xà-beng, búa tạ, nỏ đá… khá nặng nề suốt ba ngày mới xong.
Đêm ấy, 4 giờ sáng, sư Viên Minh dậy đánh chuông công phu. Nghe tiếng chuông rất nhỏ nhờ tôi đã tỉnh ngủ, bước ra, tôi hỏi nho nhỏ:
– Sao hôm nay sư huynh đánh chuông nhỏ quá vậy?
Sư cũng trả lời nhỏ:
– Mấy bữa ni anh em lao động vất vả. Huynh đánh chuông nho nhỏ là không muốn đánh thức anh em, để cho họ ngủ, sức trẻ họ thèm ngủ lắm!
Đầu năm 1974, như có kể ở trên, khi tôi ghé thăm đây, chùa không có ai, tôi có để lại một bài thơ luật đường dán nơi cửa bàng khoa chánh điện:
Huyền Không Cảm Tác
Lãng bước du phương lạc chốn nầy
Huyền Không ai dựng giữa đồi mây
Trời xa biển ngậm hồn nhân tục
Rừng quạnh non phơi dấu hạc gầy
Hai nẻo suối về xanh bể Bắc
Một giàn lan toả ngát sườn Tây
Hồn chiều trải rộng mười phương đạo
Ngợp giấc thiền quên kiếp cỏ cây!
Rồi khi về đây, chừng một tháng sau tôi làm tiếp một bài nữa, liên hoàn, khi biết đỉnh núi mây trắng trên dãy Hải Vân, sư Viên Minh đặt tên là Bạch Vân Sơn, giữa lưng chừng núi có một cái hồ thiên nhiên, sư đặt tên là hồ Hàm Nguyệt, và hai con suối hai bên chùa sư đặt tên là Thanh Tâm và Tịnh Thuỷ.
Ngợp giấc thiền quên kiếp cỏ cây
Phong sương y đã bạc vai gầy
Lối lên bát ngát hương đàm quyện
Nẻo xuống mịt mùng lửa não vây
Tịnh Thuỷ: Nước reo mùi giác hạnh
Thanh Tâm: Lòng lắng vị trần say
Giữa hồ Hàm Nguyệt: Trăng thiên cổ
Gởi Bạch Vân sơn chủt vọng nầy!
Mấy chục năm tôi tâm đắc hai bài thơ luật đường liên hoàn này lắm. Bây giờ khi chép lại tôi thấy nó chưa hoàn thiện, chưa chỉnh chu cho lắm. Bài đầu, “nhân tục” và “hạc gầy” chỉ là đối gượng. Bài hai, cũng vậy, “giác hạnh” và “trần say” cũng đối gượng. Hán phải đối Hán, thuần Việt phải đối thuần Việt mới ngon lành. Bây giờ nếu chỉnh sửa cũng được nhưng mà lâu quá, qua thời gian, nó đã sống với sinh mệnh của nó rồi.
… Các Chùa Nguyên Thuỷ Ở Huế
Thuở ấy, PGNT ở Huế chỉ có mấy chùa lèo tèo và chư tăng cũng ít ỏi. Chùa Thiền Lâm ở đồi Quảng Tế, ngoài ngài Hộ Nhẫn trụ trì ra, còn các vị tỳ-khưu là sư Định Lực và sư Hộ Chánh. Sa-di thì có sư Hộ Tịnh, sư Hộ Tín và sư Tâm Lạc (vị này chừng 12,13 tuổi). Sau tiếp nhận thêm một khoảng đất tại làng Trúc Lâm, ngài cho sư Hộ Tịnh và sư Hộ Tín sang đây tiếp quản, xây dựng được một ngôi chùa nhỏ. Sư Hộ Chánh sau về Huyền Không. Sư Định Lực khi ở Thiền Lâm khi sang bên Trúc Lâm. Phía bên dưới chùa Thiền Lâm, ngài Hộ Nhẫn cũng thành lập một số am thất cho các tu nữ như cô Từ Niệm, Từ Minh, Từ Ngọc… và còn thêm ai đó nữa.
Chùa Tăng Quang ở Gia Hội thì ngoài sư Giới Hỷ trụ trì, còn có sư Huệ Trí và sư Huệ Tâm- tức Tuệ Tâm bây giờ (còn mấy vị nữa mà tôi quên). Sau sư Giới Hỷ có được một mảnh đất 10 ngàn m2 ở đồng An Cựu, sư cho lập ở đây thêm một ngôi chùa nhỏ là chùa Pháp Luân rồi cử sư Huệ Trí sang đây. Ngoài ra còn có ngôi chùa nhỏ là chùa Định Quang tại làng Giạ Lê thượng, do ngài Giới Nghiêm kiến lập, sư Giới Hỷ cũng cho các sư thay nhau về ở.
Chư sư Huyền Không nếu có đi Huế thì vào những lúc các chùa hoặc phật tử thỉnh mời. Dịp này có thể nhân tiện mua sách báo, đồ dùng vặt vảnh, cũng có thể về thăm nhà hoặc đi chơi đâu đó vài ba ngày. Đôi khi đi riêng mà cũng có thể đi cả chùa. Nếu đi hết thì cửa ngõ mở toang, các tủ kinh sách mở hờ và chẳng bao giờ mất mác đồ gì cả. Nếu đi riêng, ví dụ cần tiền xe hoặc chi tiêu vặt vảnh thì cứ đến nơi tủ tiền – cũng là tủ sách – ở đó luôn có chìa khoá nằm nguyên trong ổ. Mở bên trong có sẵn một quyển sổ thu chi và tiền nằm trong hộp gỗ. Ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy, lấy tiền xong, ghi nơi khoản tiền chi. Ví dụ, tôi, sư Giới Đức, chi năm đồng đi Huế. Sau công việc, về lại chùa, nếu còn thừa một đồng, hai đồng, thì ghi lại trong sổ thu: 2 đồng, sư Giới Đức đi Huế còn dư! Vân vân và vân vân. Hoàn toàn tự giác, không ai kiểm soát ai!
Chỗ này cũng nên nói thêm, là chùa Huyền Không thuở ấy có đời sống lục hoà, tứ nhiếp nghiêm túc, đẹp, hài hoà và gương mẫu nhất. Ngoài đời sống tu tập, sinh hoạt đều tự tri, tự giác – lấy bài kinh Gosiñga làm mẫu mực – mà trong việc sử dụng tứ sự cũng đẹp như thế. Ngoài tiền bạc dùng chung, không có sở hữu cá nhân ra thì y áo, khăn, mùng, gối, chăn, kem bót, dao cạo râu, vở, bút… đều để chung một góc tủ, ai có nhu cầu thì cứ lấy sử dụng. Khi có đường, sữa, kẹo, bánh gì đó cũng có một góc tủ riêng, ai muốn lấy dùng, tuỳ ý. Năm 1978, chùa dời lên Huyền Không Nham Biều, và sau này ở Huyền Không Sơn Thượng, tôi đã cố gắng giữ gìn cái đẹp “truyền thống” ấy, nhưng quả thật không thể bằng “hồi xưa” được. Chỉ được vài ba phần như noi gương thôi. Truyền thống trí thức phải có con người trí thức, truyền thống tốt đẹp phải có con người tốt đẹp! Riêng tủ tiền thì nhất định phải có ổ khoá rồi! Thật là đau xót! Phật giáo thoái hoá không phải do giáo pháp mà rõ ràng là do con người!
Sư Viên Minh có đi Huế thì cũng ghé thăm ông bà thân sinh đã già ở cạnh Tỳ-bà trang, thăm chú Ba, thăm ngài Hộ Nhẫn hoặc ghé chùa Tăng Quang (Sư Viên Minh quê quán làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nông dân trung lưu, giữ gìn nếp sống cổ truyền Khổng Mạnh nhiều đời. Ông là đứa con út trong một gia đình có sáu trai và hai gái. Thân phụ, thân mẫu tuy làm ăn lam lũ, quanh năm tay lấm chân bùn, tảo tần ruộng nương, một nắng hai sương, nhưng đều cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Sư bẩm chất thông minh, có hiếu từ, nghĩa nhân từ nhỏ do truyền thống đạo đức gia đình. Lại còn do nhờ ông chú, em cha – Nguyễn Hữu Ba. Chú có bút hiệu là Đạo Tâm, là người đầu tiên áp dụng ký âm pháp vào cổ nhạc Việt Nam (năm 1932), thành lập viện Tỳ-bà nhằm phục hưng quốc nhạc. Ông thuyết phục cả gia đình cùng những người con trai vào Huế ăn học. Là một trí thức Khổng Nho, có thêm tân học, có nghiên cứu Phật trong giai đoạn phục hưng các năm ông ở Huế, chú Ba dường như đã dẫn dắt tất cả mọi người theo Phật giáo Đại thừa. Sư có một người anh, là hoà thượng Pháp Nhẫn, sau khi đỗ tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, ngài sang Hoa Kỳ lập chùa Liên Hoa tại Texas, khoảng năm 1981. Sư cũng có một người anh khác, giáo sư Toán Lý, về già cũng xuất gia, ở tại chùa Thiền Lâm, có pháp danh Từ Trí. Còn có ba người anh khác, ông anh cả có tên Nguyễn Duy Cẩn làm thứ trưởng, chuyên gia điện ảnh. Một ông anh nữa, Nguyễn Hữu Lệ, làm lính quân nhu, sau về nhà lo việc hương hoả. Ông anh kế là Nguyễn Hữu Vấn, gốc giáo sư âm nhạc, sau làm chủ tịch MTTQ thành phố và tỉnh. Họ đều có gène trí thức, thành công, thành danh cả).
Sư Tịnh Pháp, sư Tấn Căn đều quê ở Huế nên cũng hay về thăm nhà. Sư Trí Thâm gốc Quảng Trị, nhưng thuở ấy cha mẹ còn ở ngoài vĩ tuyến 17, có lên Huế thì cũng ghé chùa Tăng Quang hoặc chùa Pháp Luân để uống trà, uống cà-phê với sư Huệ Trí. Sư Tấn Căn và tôi cũng thường ghé đây, do có cái gác gỗ ngồi chơi rất thú vị.
Khi tôi về làng, các anh trong gia đình phật tử thường đến hỏi tôi về giáo pháp. Đến lúc này thì tôi có thể trả lời cho họ thấy rõ các kinh điển Nikāya mới thật sử chở mang tư tưởng gần với chính thống, gần với lời giảng dạy nguyên thuỷ của đức Phật. Và thuở ấy, tôi cũng đã cho họ biết khái lược đâu là đức Phật lích sử có thật và đâu là đức Phật tôn giáo được trước tác về sau. Và khá nhiều kinh hoàn toàn nguỵ tạo của Tàu, bây giờ vẫn còn nguyên trong Đại tạng kinh của đại thừa.
… Sống Giữa Bom Đạn
Do địa thế chùa Huyền Không nằm sát lộ mà sau lưng là núi nên đây được xem là yết hầu vào ra Huế-Đà Nẵng. Nếu chiếm được con lộ (quốc lộ 1) trước chùa thì xem như Huế-Đà Nẵng bị cắt đứt.
Điều này mình là thường dân cũng thấy thì quân lính hai bên, quốc gia và cộng sản làm sao họ lại không thấy được? Do vậy, ở hai bên cầu Lăng Cô – cách chùa chừng 7,8 trăm mét, nhiều nhất là phía bên này bao giờ cũng có một đại đội địa phương quân trấn giữ. Chưa thôi, thỉnh thoảng, một tiểu đoàn biệt kích dù, biệt động hay thuỷ quân lục chiến, kết hợp với địa phương quân, họ hành quân lên núi, tràn rộng ra cả những sườn núi từ Bắc vào Nam đèo Hải Vân. Lúc có đụng độ, lúc không! Mà khi đụng độ thì quân lính phe quốc gia luôn luôn bị tổn thất. Chẳng biết quân du kích hay quân chính quy bộ đội miền Bắc núp trốn ở đâu, mà hễ khi lên tới gần đỉnh, là chỉ nghe vài loạt súng, thế là quân quốc gia sẽ có người chết hoặc bị thương. Có lần, đứng dưới chùa nhìn lên, các sư thấy những chiếc cáng khiêng lính bị thương vong. Hai chiếc cáng, ba chiếc cáng… Vậy là có ba người không chết cũng bị thương!
Thấy tấn công bằng bộ binh thất thế, quân đội rút xuống núi, đôi khi họ tràn vào nghỉ ngơi trong chùa. Lát sau những quả đạn pháo từ biển nã vào, họ cứ nhắm những cụm đá sát đỉnh núi mà rót. Nhưng rất khó trúng mục tiêu, tất cả dường như bị trượt đi, rơi tỏm xuống sườn, xuống vực. Các sư thường đứng nhìn lên, và lạ lùng, không ai sợ hãi cả.
Có lần, một đoàn xe GMC chở lính đi ngang quốc lộ I dưới chùa, vào Đà Nẵng hay lên đèo cũng không rõ. Không biết tình báo VC nắm bắt sự chuyển quân này như thế nào mà từ trên núi, họ nả pháo xuống. Hằng chục quả như vậy, không biết là loại đạn gì, nó nổ rất lớn, khoét sâu đất đá và tung bụi mù mịt. Có ông sư Tâm Lạc, chừng 12, 13 tuổi, từ chùa Thiền Lâm về chơi, thấy đạn pháo ông tò mò, ra đứng trên đầu tường đá nhìn xuống đường, xem đạn pháo rơi! Và cũng xem lính bỏ chạy lên chùa. Tâm Lạc bị một miểng pháo rất nhỏ trúng chân chảy máu, ông la ơi ới, “Con chết rồi, con chết rồi, sư ơi!” Các sư lại xem thấy nó chỉ sướt ngoài da nơi chân!
Có điều lạ ở đây, là chùa chỉ có vách ván đơn sơ, chẳng có nơi nào núp trốn bom đạn được, vậy mà ai cũng tỉnh bơ khi hai bên đánh nhau, “cắc đùng, cắc đùng” lẫn đạn pháo ì ầm cả nhiều tiếng đồng hồ. Đến nổi, thấy những điểm chốt dưới đường nguy hiểm, lính địa phương đôi khi lại lên trên chùa, an toàn hơn?! Lạ lùng là tất cả đạn pháo, từ biển vào hay từ trên núi xuống đều rơi xung quanh chùa, không bao giờ trúng chùa! Các anh lính địa phương cũng đồng một nhận xét như vậy. Họ nói, ở đây có Phật độ!
Có lần, khi ấy khoảng 10 giờ, tôi và sư Viên Minh đang đánh cờ tướng bên chái hiên chánh điện, phía bên nhà bếp, nghĩa là phía có thể nhìn thấy giếng nước. Chúng tôi đang trầm ngâm tính nước cờ, thì chợt nghe một tiếng nổ lớn phía dưới giếng, cát sỏi va đập rào rào và bụi tung mịt mù. Sư Trí Thâm sợ hãi hét lớn “chết rồi, chết rồi”, đồng thời bên tai tôi nghe hai vật gì bay vèo qua. Sư Trí Thâm không bị gì cả và đang hớt hãi ôm y áo từ dưới giếng chạy lên, mặt xanh mét. Còn hai cái vật kia nó ghim vào tường gỗ. Hoá ra là hai mảnh sắt nhỏ, bay vèo qua mép tai sư Viên Minh và mép tai tôi rồi găm cứng vào tường gỗ. Khi ấy, bàng hoàng, tôi lấy tay sờ mảnh sắt, nó còn nóng! Khiếp! Tôi và sư Viên Minh đều hú hồn, vì chỉ cần nhích vài ba ly nữa là hai mảnh sắt sẽ đi xuyên qua sọ não hai người!
Khoảng tháng giêng hai gì đó năm 1975, ở nơi này dường như chiến sự càng ngày càng ác liệt hơn. Do các điểm mà VC trấn giữ ở gần đỉnh núi Bạch Vân vẫn bất khả xâm phạm, gây bất an ninh cho toàn vùng Bắc Hải Vân nên quân đội họ thay đổi chiến thuật. Có lần, họ dùng trực thăng thả quân lính trên núi phía Nam rồi hành quân ra mạn Bắc. Họ bao vậy cả sườn núi, từ đỉnh trên cho đến sườn dưới. Nghe nói, khi họ tấn công vào các cụm đá khả nghi, luồng được vào trong thì hoá ra, VC đã trốn thoát cả rồi! Dấu tích còn lại trong các hang, bi đông nước, lương khô, vỏ đạn rơi vãi, dấu chỗ bắn, chỗ ngồi, chỗ nằm, ăn uống… họ xác định được, mỗi nơi như vậy chỉ có ba người, gọi là “tổ tam tam”! Cả các sườn gần đỉnh này chỉ có ba cụm đá, vậy là VC chỉ có 9 người; chỉ 9 người, nghĩa là chỉ có 3 “tổ tam tam” mà mấy tiểu đoàn lên cũng không được, do địa thế quá hiểm yếu, quá an toàn trong hốc đá. Lần này thì thắng lợi chiếm lĩnh được trận địa, vào tận hang ổ nhưng không bắt được ai!
Sở dĩ các sư biết rõ chuyện như vậy, là vì sau khi “chiến thắng”, xuống núi, có một đơn vị, hoá ra là biệt kích dù, họ trang bị tận răng, quân phục rằn ri dữ dằn, họ vầy bên ngoài sân chùa để ăn uống. Tuy là lương khô thôi, nhưng bánh mì, hộp thịt, hộp trái cây, hộp xúp đủ loại bày la liệt, có cả bia, rượu nữa! Và sau khi dùng xong, một số lính vào chùa uống trà, uống nước lá, họ kể chuyện lại. Hoá ra họ rất hiền lành và tốt bụng. Họ thăm hỏi đời sống trong chùa, ăn uống ra sao, bom đạn ở đây nguy hiểm, sao không dời đi nơi khác? Khi đi, họ thu dọn sạch sẽ, đàng hoàng.
Còn nữa, còn nhiều nữa nhất là những trận bom đạn xảy ra ban đêm, pháo của hai bên cũng chỉ rơi quanh chùa, luôn luôn tránh chùa như một phép lạ!
… Chay, Mặn
Khoảng tháng hai, tháng ba gì đó năm 1975, sinh hoạt nhà chùa vẫn giữ nguyên chương trình nề nếp cũ. Vẫn công phu hai thời, buổi sáng lao động hoặc đi khất thực, buổi chiều mọi người tuỳ nghi đọc kinh sách. Buổi tối uống nước lá, ăn kẹo, ăn đường và nói chuyện này, chuyện kia liên hệ sinh hoạt hay tu tập.
Chùa có thêm người về xin ở, đó là sư Trí Tâm, tức là Nguyễn Thanh Phong, người Giạ Lê cùng làng với tôi, nhà ở bên phải trước cổng chùa Linh Sơn. Cũng là đệ tử ngài Giới Nghiêm, ông sư này trắng trẻo, dáng dấp thư sinh, học hành không nhiều nhưng tạm coi là tốt vóc, tốt tướng. Có điều là ông chăm sóc cái thân nhiều quá. Y áo bao giờ cũng láng lẩy, phẳng phiu, râu tóc bao giờ cũng nhẵn nhụi; mỗi lần ông rửa mặt, rửa tay, rửa chân… kỳ cọ đây đó cho sạch sẽ, thường mất khoảng mươi phút! Người chăm sóc cái thân, thuộc “quán quân” thứ hai là sư Hộ Chánh, chỉ thua vị kia một chút xíu.
Còn trình độ giáo pháp và kiến thức phổ thông cả toàn chùa đa phần bình bình vậy thôi, chỉ có sư Tấn Căn là khá nhất, sống nhiều về nội tâm, ít nói nhưng lúc nào nói ra, đưa ý kiến đều được mọi người ghi nhận!
Lúc này, chùa Huyền Không bắt đầu thu hút khách vãng lai từ các nơi. Phật tử Nguyên thuỷ từ Huế, Đà Nẵng hoặc cả Sài Gòn tìm về thăm chùa và cúng dường tứ sự. Các thầy, các Ni cô và Phật tử Bắc tông, đôi khi là các Gia đình Phật tử họ cũng đến du ngoạn.
Hôm kia, trong một buổi tối trà đàm, sư Viên Minh, đề cập vấn đề chay mặn. Sư nói khái lược là:
– Đất Huế đô cả hằng trăm ngôi chùa là Bắc tông, dù theo Thiền, Tịnh hay Mật… họ đều ăn chay cả. Tu hành, với quan niệm phổ thông là phải “ăn chay niệm Phật” đã trở thành truyền thống. Phật giáo nguyên thuỷ dùng tam tịnh nhục: “không thấy, không nghe, không nghi” được phổ biến và tồn tại tại các nước Nam truyền như Tích Lan, Thái, Miến, Campuchia và Lào… cũng đã ăn sâu vào truyền thống! Nhưng tại Việt Nam ta, Phật giáo Nguyên thuỷ còn quá mới mẻ, chỉ có mặt ở đây từ năm 1938-1939 tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức do công đức của của chư vị tiền bối như ngài Hộ Tông, ngài Thiện Luật cùng một vài cư sĩ cốt cán ban đầu. Người miền Nam dễ dãi, tâm hồn cởi mở, phóng khoáng nên chay mặn không phải là vấn đề nên dùng “tam tịnh nhục” không tạo phản ứng tình cảm tôn giáo! Đất Huế thì khác. Họ thâm trầm, sâu sắc, nhưng lại rất phân biệt chay mặn. Họ thường bị đóng đinh trong truyền thống, không thể rời cái kiến chấp kia được. Đâu phải như người miền Nam dung dị, thuần phác! Nói vậy không phải chê dân Huế, ăn chay thì tốt nhưng chấp ăn chay, bảo rằng chỉ có ăn chay mới là tu thì hẳn không được đúng!
Mình về đây là đụng phải “bức tường quan niệm cũ, truyền thống cũ” ấy vây chặt – nếu không quyền biến thì không thể phát triển nổi dù giáo pháp chân chính, chơn truyền cách mấy đi nữa. “Tục vua thua lệ làng” – cái “lệ” ấy nó đã trở thành thói quen huân tập từ nhiều đời, không dễ gì mà thay đổi được!
Vậy thì bắt đầu từ nay, chúng ta phải ăn như thế nào để khỏi rơi vào hai cực “chay-mặn”? Tại sao vậy? Vì ăn mặn là sai mà ăn chay cũng trật!
Tu là phải ăn chay! Có đúng thế không? Thời Phật, bà-la-môn giáo ăn ngũ cốc, rau trái. Đạo giáo Trung quốc, nhất là các đạo sĩ luyện khí, luyện đan họ cũng ăn ngũ cốc và rau trái. Tại sao vậy? Vì khi luyện chú, luyện bùa… thì phải kỵ huyết nhục. Vì ăn uống huyết nhục thì luyện bùa, luyện chú không “linh nghiệm” chứ không phải vì lòng từ bi! Đức Phật không bác bỏ ăn chay, không bác bỏ ăn mặn – mà vị tỳ-khưu khi ôm bát trì bình khất thực ai cúng dường gì đều phải thọ dụng. Ví dụ bà-la-môn thì họ cúng dường “đồ chay”! Ví dụ sát-đế-lỵ thì cúng dường “đồ mặn” mà đồ mặn này phải là “không thấy, không nghe, không nghi”. Tuy nhiên, điều ấy cũng không quan trọng. Đức Phật không để ý đến chuyện ăn. Vì ăn chay hay ăn mặn đều không thể đưa đến thanh tịnh, giác ngộ, giải thoát. Phải tu tập như thế nào, giới định tuệ như thế nào mới đưa đến thanh tịnh, đưa đến giác ngộ, giải thoát.
Một số chư tăng và phật tử Nguyên thuỷ, có quan niệm ngược lại, rằng là Nam tông là phải ăn mặn, ăn mặn theo chế định“tam tịnh nhục” – vậy là cũng sai luôn!
Ngài Hộ Nhẫn, từ năm 1958 đến nay, ngài đi trì bình khất thực, ai cúng dường gì ngài dùng nấy! Tuy nhiên, vì là đất Huế nên ai cũng cúng dường đồ chay. Đã là đồ chay rồi nhưng tất cả vật thực chua ngọt béo bùi, chè cháo gì gì đó, ngài đều trộn lẫn với nhau hết, không biết là mùi vị gì rồi mới dùng! Người dân đất Huế cung kính, trọng vọng ngài là vì thế!
Vậy để khỏi rơi vào cực đoan ăn chay, cực đoan ăn mặn, chũng ta phải ăn như thế nào?
Thế rồi sau đó, chùa chủ trương ăn uống giản dị, đạm bạc, dễ nuôi, ai cúng gì dùng nấy và nếu có đi chợ cũng không nên mua cá thịt, dù là cá thịt “tam tịnh nhục”!
Ghi lại những điều nầy là do tôi suy diễn. Dù suy diễn nhưng tôi biết rõ là không hề đi sai lời chỉ dạy của ngài Viên Minh.
Vậy là sau đó, bếp chùa áp dụng có gì dùng nấy. Mà than ôi! Kho nhà chùa có gì đâu chứ! Một ít mộc nhĩ, bún tàu, măng khô, cá khô, đậu phụng, mè, dấm, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, tàu vị yểu (xì dầu)… sử dụng một thời gian ngắn là hết rồi. Chùa có làm một sạp tương, do công sức của thân mẫu sư Tịnh Pháp. Cái này thì dùng hoài nên cũng mau hết. Hết thì thêm muối vào, đổ nước lạnh thêm – nếu chưa làm được sạp tương mới. Và thời gian chừng nửa tháng sau thì buổi sáng ăn sắn khoai chấm muối đậu mè, hoặc cháo trắng với muối ớt; buổi trưa món ăn thường xuyên là dưa môn chua, tương kho mặn, rau muống, rau khoai, rau dền luộc chấm tương, môn bóp chua, bạc hà bóp chua… và là canh chua lá giang, canh đắng rau má. Lá giang thì tha hồ cả rừng nhiều hơn đồi Phước Sơn!
Ăn giản dị, đạm bạc đúng tinh thần của đức Phật như thế nhưng phật tử Nguyên thuỷ các nơi rộ lên tin đồn, lan vào cả Sài-Gòn: “Mấy ông sư Huyền Không theo đại thừa rồi, họ ăn chay theo đại thừa rồi!”
Để kiếm chứng, bà con phật tử Nguyên thuỷ ở Đà Nẵng, cùng nhau đi một chiếc xe lớn, mang đủ loại thức ăn mặn ngon bổ béo bùi gì đó mang ra cúng dường, xem thử mấy ông sư Huyền Không có thái độ như thế nào?
Khi họ đến nơi, thoáng cái là sư Viên Minh biết có chuyện chi – vì có phật tử Đà Nẵng báo trước – nhưng ngài chỉ mỉm cười không nói gì. Nhưng sư Trí Thâm thì cất giọng oang oang:
– Chay chứ! Ăn chay chứ! Bà con xuống bếp thử mà xem! Toàn đồ chay không!
Vì khi đó cũng đúng cỡ dùng trưa nên nhà bếp đang chuẩn bị bưng dọn. Họ tò mò lục “cụi”, lục “chạng”, dở nồi kho, nồi nấu cơm canh đủ cả. Trong “cụi” không có gì cả! Nồi kho là nồi tương kho mặn chát. Nồi canh là canh lá giang toàn quốc mặn muối, không có cả bột ngọt. Họ chảy nước mắt. Sau đó sư Viên Minh mới giảng cho họ nghe, tinh thần đời sống của Huyền Không, kể cả ăn uống, chú trọng dị giản, dễ nuôi… ai cúng gì dùng nấy chứ không đi chợ mua thịt cá dù đức Phật cho phép tam tịnh nhục.
Sau khi biết vậy, phật tử lại càng thương, càng mến, càng quý kính chư sư Huyền Không; và rồi thịt khô, cá khô, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, tàu vị yểu, mộc nhỉ, măng khô, bún tàu và nhiều thứ khác, lại đầy cả một “cụi”!
Vậy, trước năm 1975, vật thực ở đâu cũng dư dã nhưng Huyền Không lại sống đạm bạc như thế đấy!
Sư Viên Minh và Bác Hai Sanh
… Chân Dung Và Thơ Của Ông Anh Cả
Như đã nói, tôi về đây khi khoá học đã mãn nên tự mày mò nghiên cứu là chính. Mà tôi cũng đọc không nhiều, chỉ loanh quanh xem đi xem lại một số Nikāya, còn kinh điển đại thừa thì chán rồi. Thỉnh thoảng, đọc một số sách của hoà thượng Nhất Hạnh do Ôn trình bày dị giản, dễ hiểu.
Tôi học là học từ đời sống, cách sống của ngài Viên Minh. Như học cách bảo vệ môi trường khi đi lấy phong lan. Như đánh chuông nhè nhẹ để anh em còn yên giấc. Như dị giản ăn, ở, mặc đúng “tam thường bất túc”. Như trong công việc lao động nặng nhọc, sư luôn là người vác rựa hay cúp cuốc đi trước, mà bao giờ cũng về sau! Như sư không bao giờ bỏ quên hai thời khoá công phu. Như sư rất ít nói, lại không bao giờ nói giỡn, nói đùa, nói phù phiếm, mà lời nói ra phải hướng đến chân, thiện, mỹ. Có hai đức tính nổi trội, chứng tỏ hàm lượng công phu tu tập sâu dày không dễ gì ai cũng thành tựu được, đó là: Tôi chưa bao giờ thấy sư to tiếng, nổi giận; một chút biểu hiện tính sân bên ngoài cũng không có! Có thể đâu đó có chút khí bất bình hiện lên nét mặt nhưng rồi bị chìm tan ngay. Thứ nữa, là chưa bao giờ thấy sư bần thần, dã dượi, luôn luôn tinh cần, không có tâm sở nào “mê ngủ, giải đãi, trì trệ” cả! Và dường như lúc nào sư cũng tỉnh táo, cẩn thận, chu đáo, làm cái gì là chăm chú vào cái đó chứ không xao lãng: Điều ấy chứng tỏ là sư đã “thiền trong mọi sinh hoạt” từ thuở năm 1974-1975! Nghĩa là sư luôn chánh niệm, tỉnh giác vậy.
Do một đời sống thiền như vậy nên thơ sư luôn nhẹ nhàng, trong sáng, thanh thản. Thơ đúng là người. Trong khoảng thời gian từ năm 1973 khi lập chùa, đến nay, khoảng tháng 2 tháng 3 năm 1975, có lẽ sư đã làm những bài thơ sau đây nhưng ít ai được biết:
Đúng ngọ
Ta không biết đâu suối nguồn an lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa
Ta không biết đâu bến bờ diệu giác
Đúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.
(Bài này có lẽ, trong những lá thư thầy, trò, phật tử hỏi về lạc, về an, về giác gì đó nên ngài đã trả lời bằng thơ như vậy).
Huyền Không
Đêm nghe tiếng suối rì rào
Trăng vàng trải bóng lối vào thiền viên
Bình minh nắng dọi ngoài hiên
Cành phong lan nở nhụy viền sương mai.
Rong chơi
Đón Hè sang ta hóa thành hoa nắng
Khi Đông về ta làm hạt mưa rơi
Giữa mùa Xuân ta dệt màn sương trắng
Chợt Thu về ta theo gió rong chơi.
Phù vân
Ra đi khắp bốn phương trời
Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa
Ta về gặp lại tình ta
Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân.
Giọt mưa
Giọt mưa nào trên đá
Cho rêu mọc càng xanh
Giọt nào nghiêng bờ lá
Giọt nào thoáng long lanh.
Ngủ quên
Ngủ quên bên bờ suối
Mặc nước chảy về đâu
Sớm mai nắng qua đầu
Chim kêu choàng tỉnh dậy.
Cứ để mây bay
Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay.
Và có lẽ cũng chỉ mới có mầy bài thơ chữ Hán:
Đối vãn thiên
Song tiền đối vãn thiên
Phong vân các tự nhiên
Hạc đề cô thanh hưởng
Tiệm tiệm dạ u uyên.
Sau này tôi có bài dịch Việt:
Ngắm chiều hôm bên cửa
Gió mây trời như nhiên
Cô liêu rơi tiếng hạc
Đêm dần sâu thẳm hơn.
Sinh tử sự
Nhất niên dĩ khứ
Vô thỉ hà tăng
Nhất niên đương lai
Vô chung hà giảm
Sinh tử sự hề
Mạc tư mạc vấn
Kim cổ vị tằng
Hữu cá bất như!
Bài này, sau này nhà thơ Nguyễn dịch:
Một năm cũ tàn
Quá khứ nào thêm
Một năm mới sang
Tương lai đâu bớt
Sống chết vốn dĩ
Chuyện của trần gian
Thôi đừng lo nghĩ
Cũng chớ hỏi han
Xưa nay ai kẻ
Chưa hề liên quan!
… Chỉ trích từ trong “Tự Truyện” của tôi chút ít vậy thôi. Sau này, khi dạy thiền, dạy đạo, có thể ngài triển khai bề sâu, bề rộng thêm – còn tinh hoa cốt lõi thì vẫn nhất quán. Nó nhất quán “tư tưởng”, nhất quán “sống thiền” nhất quán “cái thấy”từ năm 1974 cho đến tận bây giờ, năm 2016 vậy!
Sơ xuân Bính Thân, 2016
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét