Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Rong chơi trong cõi tử sinh

Trong chúng ta, ai rồi cũng phải đi qua chặng đường tử sinh ly biệt, nó đến không hề báo trước, có lúc nhẹ nhàng khiến ta không nhận ra được, có khi dữ dằn khiến ta ngã qụy, nhưng không biết lúc nào cơn thịnh nộ thật sự đến một lần để quật ngã chúng ta? Lúc ấy không còn gì, ta sẽ phải bỏ tất cả để ra đi, nhưng đi với hành trang, tâm trạng nào trong cuộc sống hôm nay và ngày mai? Đi trong sự dẫn đưa của vô thường sanh tử, đi mà không lo sợ chùn chân lạc lối, không chán chường đau khổ, âu lo bám theo trên từng lối? Đi như là không đi mà là đi, như là có là không, thoạt ẩn thoạt hiện, một sự trở về tuyệt vời của thuở ban đầu, một sự đi tới mà không có đớn đau phủ ngập, không được mất hơn thua, không còn đàng trước mịt mờ phía sau bí lối? Một sự trở về uyên nguyên không thấy có kẻ đến đi, thong dong tự tại phổ cập trên từng đường nét, vô thường sanh tử đành chào thua bất lực, trước những con người tự tại giải thoát. Sự có mặt của họ ở trong cuộc đời nầy, chỉ là dừng chân hoá độ, thăm hỏi, vổ về, để rồi sau đó ung dung nhẹ bước ra đi vì hạnh nguyện độ sanh khác " Thấy được chân như sạch khổ sầu " mà cuộc đời hoá độ của thiền sư Từ Đạo Hạnh đã minh chứng điều đó.
Có hai cách để được làm thân con người, một do nghiệp quả dẫn đưa, hai do hạnh nguyện độ sanh nung nấu, trở lại để hoàn thành sứ mạng nào đó, nếu không thì khó làm thân con người trở lại. Bởi lẽ trong ba cõi sáu đường, chỉ có con người là ở giữa, không sướng quá, cũng không khổ quá, có trí tuệ nhận biết để tu tập thoát ly sanh tử. Chúng ta đang sống, đang trực diện, đang hít thở, có phải đó sự lựa chọn khôn ngoan khi đầu thai, hay là sự đẩy đưa của nghiệp quả số phận, mà chính ta không thể nào cưởng lại được? Vòng luân hồi với vô lượng nguyên nhân, khiến cho ta có mặt ở nơi này, cảnh gìới này mà không ở đâu khác, ta làm thân con ngươi mà không phải chúng sinh khác? Dù đến từ đâu, bất cứ nguyên nhân nào, thì sự có mặt của ta trong cuộc đời nầy là điều không thể phủ nhận, khi đủ nhân duyên, nghiệp lực dẫn dắt, thì ta có mặt. Trong sự đẩy đưa lắm lúc ta tưởng chừng đau đớn, hoá ra lại có cái may, may ở chổ ta có ý thức, gặp được Phật Pháp, tư duy nhận biết thế nào là phù hợp với chân lý, để từ đó nổ lực tu tập thoát khỏi sanh tử, để không uổng phí một kiếp người.
Tử sinh không còn là sự thách đố lo sợ, vì đó là điều tự nhiên biến dạng được vận hành cho một dạng sống khác, nhưng nếu ta sống an lạc trong sự chuyển tiếp tái sinh hoan hỷ tuyệt cùng thì có gì để phải lo sợ đợi chờ. Cánh cửa tử sinh chỉ làm run sợ cho những ai chưa một lần bước qua, chưa một lần đưa nó ra để ngắm nhìn, nhưng với kẻ giác ngộ từ đó thoát ra, vượt trên mọi lý lẽ biến dịch, há không phải vô nghĩa sao? Vì bi nguyện độ sanh " Thầy xưa mấy kiếp lại thầy nay " nên với thiền sư ngoài sanh không có tử, ngoài tử không có sanh, ngoài phiền não không có bồ đề, tất cả chỉ là tương duyện tương hợp. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chổ đạt được giác ngộ, và đạt như thế nào, giác ngộ điều gì, và có phải đại nghi là đaị ngộ?
Bài kệ thị tịch mà thiền sư Từ Đạo Hạnh để lại:" Thu sang chẳng báo nhạn cùng bayCười lạnh trần gian khổ lụy đầyNhắn với môn đồ đừng luyến tiếcThầy xưa mấy kiếp lại thầy nay ".
Nguyễn Lang dịch, Việt nam Phật Giáo Sử Luận 1
Khi nào ta ung dung đi trên sanh tử như đi trên thảm hoa, thì lối đi về nào mà không đẹp và thơ mộng? Sinh tử không còn là vấn đề lo sợ, không còn bí ẩn hù doạ, không còn nổi chán chường sợ hải nữa. Cái biên giới tâm thức sanh tử cũng chỉ là nhịp cầu nối liền cái nầy với cái kia, giữa hiện thực với phi thực, khi nào ta chưa thật sự nhận rõ thì vẫn là một trở ngại khiến ta cứ thế mà lo sợ hụt hơi, cứ thế mà phải ra công nương nhờ sự cứu độ của kẻ khác, chứ không tự mình làm chủ và định đoạt. Cái tâm thức sanh tử đó như thế nào khiến ta khủng hoảng, lo sợ đến độ tuyệt vọng mà lúc nào cũng mong thoát ra, mong đạt tới cảnh giới của Niết Bàn, nơi không còn tử sinh chi phối? Cười lạnh trần gian khổ lụy đầy " nó ngang ngữa với câu của Không Lộ thiền sư ( ? 1119 ) " Một tiếng kêu vang lạnh cả trời ". Cả hai đều mở tung cánh cửa tử sinh và giác ngộ trong sự cùng tuyệt, vẫn còn là sự tra vấn mãnh liệt ở trong ta. Có phải đây là lý lẽ của tương duyên, tương sanh, hể cái nầy sanh thì cái khác cũng sanh, cái nầy diệt thì cái khác cũng diệt?. Có sinh nên mới có tử, vậy nếu không sinh thì lấy gì mà tử, không đến lấy gì để đi, không phiền não thì làm gì có niết bàn.? Thay đổi chuyển hoá được khuôn mặt to lớn nầy là phải trông thấy toàn diện đâu là bản chất như thật của nó, và đâu là mấu chốt của vấn đề? " Lẫn với bụi đời tự bấy lâu, chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu " .Một dấu hỏi to lớn ta phải vận dụng hết sức lực bình sanh, mới mong tìm được câu trả lời thỏa đáng, và chỉ có chính ta mới đủ công năng để hoàn thành.
Sự nhận biết về thực tại, về thế giới mà ta đang lặn hụp, nó không còn là điều mù mờ, mà được hình thành rõ ràng minh bạch bởi nhân quả, luân hồi, nghiệp lực dẫn dắt. Chính chúng ta phải tự quyết định, điều khiển, và chịu trách nhiệm về sự suy tư tác tạo của mình chứ không ai khác. Chỉ khi nào ta nổ lực vượt ra ngoài sanh tử thì nó mới không làm hề hấn, còn nếu không vẫn phải chi phối tác động bởi luật nhân quả. Vấn đề ta có can đảm hiên ngang nhận lãnh những gieo rắc mà ta đã gây nên, có bằng lòng an chịu không một lời than oán trong sự hoan hỷ? Chỉ có điều bằng lòng cam chịu ấy, mới khiến cho ta đủ năng lực tự mình vượt thoát, chấm dứt sự tác động, mà không cần trông chờ sự cứu độ nào đến từ bên ngoài, hoặc đến từ quyền năng siêu nhiên nào đó, trong khi trong ta đầy dẫy vô minh, tham sân si, phiền não lúc nào cũng có mặt chi phối sai sử tác động. Và cũng chính từ sự phải trực tiếp nhận lãnh hậu quả, nó còn mang một ý nghĩa ngăn ngừa, phòng bị, tự mình gánh chịu một cách bình đẳng với muôn loài. Điều đó giúp cho chúng ta nổ lực hoàn thiện để có được an lạc, hạnh phúc thật sự cho chính mình, và với hạnh nguyện cho và vì chúng sanh, có như thế ta mới chấm dứt được sự nhận lãnh ân huệ từ một tha lực không có thật, chính sự trông chờ và không tưởng đó, đồng nghĩa với việc trao linh hồn cho kẻ khác định đoạt xử dụng, tước đi tự do, nhân cách, sự sống của chính mình.
Sau bao nhiêu thế kỷ con người bị bủa vây bởi sự toàn năng, tối cao, một thời đã thống trị, bức tử, hành hạ, không biết bao nhiêu thân phận con người, vì sự lầm lỡ, không tưởng mê muội của một số người. Đã đến lúc mặt nạ đó phải được đập vở tháo bỏ, phơi bày sự thật ra trước ánh sáng. Những khoa học gia, những nhà vật lý học, phủ nhận sự có mặt ấy từ lâu rồi, chấm dứt sự đe doạ, ru ngũ về thiên đường và hoả ngục ảo vọng. Ý niệm về một đấng tối cao quyền năng, đã thật sự biến mất, từ lâu rồi, nhưng vì lòng tham sân si, họ dựa vào sự nhẹ dạ dễ tin, họ muốn cung phụng bản thân hay muốn hoàn thành điều gì đó, lại tìm cách núp bóng, nhân danh đấng vạn năng, để hù doạ ru ngũ dẫn dắt con người đi vào mê lộ, bằng chiếc vé lên thiên đường, hoặc đày xuống hoả ngục. Chúng ta đang ở vào thời kỳ tiến bộ của lý trí và khoa học, hầu như mọi vấn đề có thể tìm hiểu cặn kẻ, và phần nào lý giải được, ta cần nhận biết rõ ràng, ngoài nhân quả do chình mình tác tạo gặt hái, hoàn toàn không do một ai, có đủ năng lực để chi phối thay đổi được nghiệp quả. Sở dĩ điều đó vẫn còn tồn tại, là do sự nhận thức của con người còn thấp kém, chưa tự mình nổ lực quật khai được chính mình nên cứ mãi lo sợ, cúi đầu núp bóng. Một khi bức màn tăm tối được vén mở, đấng mà ta tôn thờ toàn năng vạn năng đó, bổng như bọt biển, chúng ta khám phá nhiều điều thú vị, để tự mình sáng soi thăng hoa cuộc sống, đưa con người xích lại gần nhau, cảm thông hiểu biết một cách rõ ràng minh bạch, tự mình làm chủ, tự mình nhận lãnh luật nhân quả, nhưng cũng đừng bao giờ biến mình thành cái hố thẳm, để chôn dấu sự bất hạnh, bằng cách đổ lỗi cho nghiệp quả số phận, như một sự trốn chạy né tránh. Chúng ta phải biết con đường để đi đến an lạc giải thoát là sự đối diện cam go với chính mình, với mọi nghịch cảnh từ nội giới đến ngoại giới, nổ lực liên tục, đánh đổi thân mạng mới mong vượt thoát. Nó không có chổ đứng cho sự yên phận,đầu hàng, phó mặc, ỷ lại núp bóng.

6, Bài kệ siêu việt có không


Sau khi luyện thần chú báo thù cho cha xong, cõi lòng ngài thanh thản không còn gì để vướng bận, ngài tự biết pháp thuật ấy không phải là cứu cánh trong việc thoát ly sanh tử, bởi lẽ nó đến từ sự hổ trợ nào đó, chứ không phải là năng lực như thật, một khi ta xử dụng không đúng mục đích, không phù hợp với chân lý thì sẽ bị hậu quả trái ngược. Khi nghe Kiều Trí Huyền hoá đạo ở Thái Bình, ngài đến tham vấn, nói kệ hỏi về chơn tâm, lời giải đáp của Trí Huyền vẫn chưa khiến ngài thấu rõ nguồn cơn, mãi cho đến khi gặp được thiền sư Sùng Phạm đang mở trường dạy chúng ở chùa Pháp Vân thì mọi việc mới trở nên rõ ràng. Cũng câu hỏi đó, cũng con người đó, nhưng giờ đây tất cả vở tung ra, khiến ngài nhận ra bản thể vi diệu của Chân Tâm đang có mặt ở trong ngài tự bao giờ. Từ đó quyết lòng tu tập không xao lãng, đạo pháp càng thăng tiến, duyên thiền càng chín mùi.
Chân Tâm, Chân Như ra làm sao mà thiền sư Đạo Hạnh phải lặn lội tìm kiếm? Không chỉ có mỗi một thiền sư Từ Đạo Hạnh ra công tìm cầu, mà tất cả chúng ta nếu muốn giác ngộ, cũng phải nổ lực truy lùng cho đến cùng. Đó là bản thể, tự tánh, tịch nhiên vô tận bất biến xưa nay, không hề thay đổi biến chất, nó sẵn có trong ta và tất cả chúng sanh, nhưng vì mãi mê rong chơi trong thế giới hổn độn, bị vô minh phủ che không thấy đâu là bến bờ, không nhận ra đường xưa nẽo củ, mãi lo vọng động theo tướng theo hình, theo phiền não tham sân si, lúc nhớ lúc quên, lúc say lúc tỉnh, tất cả được ta gom lại chất thành đống, không rõ nguồn cơn, phân biệt đâu là đâu, lẫn lộn, loanh quanh mịt mờ tăm tối. Chỉ khi nào tuệ giác soi chiếu, ta giật mình tỉnh thức nhận ra sự diệu dụng vô cùng không tận của nó, như " đói ăn khát uống " không so đo tính toán chần chờ, một sự vở tung phủ ngập cả càn khôn trong tích tắc của sát na bừng dậy. Điều đó không phải viễn ảnh khiến ta khó lòng nhận thấy, ở đây và ngay lúc nầy, trong mọi tác động hằng ngày ở chung quanh, thay vì theo cảnh theo tâm ta xoay vào quán chiếu ở bên trong, không một phút giây xao lãng, cái hiện thực mà ta đang tác động hít thở, cái sự sống mà ta đang chung đụng ấy, chỉ cần bình tâm dừng lại soi thấu ta sẽ thấy rõ được cái thực tại linh hiện nầy đang có mặt. Dĩ nhiên ta đừng vận dụng đến sự lôi kéo của vô minh, não phiền, dẫn đưa của tri thức, phải trang bị sẵn cho mình sự thức tỉnh trên từng suy tư hành hoạt, chúng ta nổ lực thẩm tra hoán chuyển, để cho bản chất sẵn có của Chân Như tự nhiên hiển lộ toả sáng, tất cả mọi tác động từ trong đến ngoài, từ nội giới đến ngoại giới, đều ẩn chứa sự linh hiện tròn đầy, ta không dùng đến cửa ngõ lý luận biên kiến nhị nguyên, tính toán so đo. Nếu cứ mãi làm nhịp cầu để cho tâm thức, dẫn đến sự bày biện sắp đặt sẵn có của vô minh, thì làm sao ta có thể phá vở được sự khống chế bất tận của nó? Chúng ta mãi lo bon chen, bỏ mất bản tâm, để cho vô minh đưa đường chỉ lối, nên cứ mãi luân hồi lẫn quẩn trong ba cõi sáu đường, khi nào ta tỉnh thức, nhận biết tỏ tường minh bạch, biết cách đoạn trừ vô minh, trục xuất tham sân si ra ngoài, phủi sạch trần lao, thì lúc ấy Chân Tâm sẽ hiển lộ tròn đầy.
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không. 
Dịch nghĩa; 
" Nhận thế giới là có thì cát bụi đều có
Nhận là không thì hết thảy đều không
Có và không ví như trăng dưới nước, 
nước có thì trăng có, nước không thì hết có bóng trăng
Chớ nên chấp vào "có " " không " là không ".
Nguyễn Đăng Thục dịch, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 3 trang 50
Dịch thơ:
Có thì có tự mảy may
Không thì vũ trụ này cũng không
Có, không: bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1 trang 127

Bài kệ "Có" " Không " tuyệt vời của ngài, cho đến bây giờ vẫn vang động trong thiền môn, soi sáng trong tận cùng tâm thức, mở ra phương trời sáng tỏ, ở đó không có lẫn lộn mơ hồ níu kéo, mà là sự siêu việt tuôn chảy bất tận trên từng hiện hữu, vượt thoát ra ngoài có không, thong dong trên từng nẽo đến đi vô tận. Nhận thức một cách tinh tường soi thấu, cái có quyện với cái không, cái không quyện với cái có, hai thể ấy bổng nhiên hoà nhập thành một thể duy nhất vượt thoát ra ngoài, không lưu lại dấu, có mà không, không mà có, phá vở mọi ngăn ngại lầm chấp, hiển lộ nên thực thể tròn đầy chiếu sáng từng bước đi trên lối về giác ngộ, trong sự vượt thoát tối thắng của kẻ uống được ngụm nước đầu nguồn.
Truy tìm căn nguyên và ý lực tạo nên những chất liệu tối cần cho hành trình dài lâu của tư tưởng, ta xác quyết đúng mức rằng, sự hình thành của một tâm năng tự tại mà hầu hết những thiền sư ung dung qua lại, là nhờ vén mở được thực thể của vũ trụ hợp nhất với con người trong sự cùng tuyệt, gồm những tương quan tác động từ nội tại đến ngoại, từ vị thế nhỏ nhoi của con người đến đại thể bao la không biên giới, giác ngộ và mê mờ, sanh tử niết bàn, tất cả tạo thành chuổi dài liên kết bất tận. Cái tâm để tạo nên để vén mở đó đều phải đi qua quá trình khó khăn phức tạp, phải được khai thác tối đa vận dụng đến tất cả năng lực nội tại tàng chứa sẵn trong mỗi chúng ta, từ phiền não tử sinh đến thường hằng giác ngộ, những sai sử của ý thức vọng động, kể cả những điều mà trước đó ta ra công truy đuổi, những tên giặc chuyên đưa ta trôi lăn trong triền phược. Nếu nó đã từng gây khổ đau hệ lụy cho ta ,thì cũng chỉ có chính nó mới khiến cho ta đổi thay bộ mặt nghìn đời chôn dấu ấy, bằng cách sáng soi làm bạn đồng hành vượt thoát.
Khi để tâm vào một điểm duy nhất, dùng tất cả năng lực bình sanh liên tục quán chiếu vào tận cùng thể tánh, đến khi lớn mạnh, nó sẽ tức khắc bùng vở. " Để tâm trụ lại một chổ, thì lhông việc gì mà không thành." Tâm là chủ thể của mọi nguồn cơn, dẫn ta trôi lăn trong sanh tử, nhưng cũng đưa ta đến cửa ngõ của giác ngộ, ta có nổ lực quyết chí để hoàn thành con đường tối thượng đó hay không? Những tác động về thực tại đòi hỏi ta phải nổ lực liên tục trong từng phút giây hơi thở, trong từng sát na của suy tư, phải sống tỉnh thức trong hiện thực đừng để cơ hội nào cho vô minh phiền não đến gần. Khi ta thật sự tống xuất được vô minh, dĩ nhiên không phải bằng cách biến nó thành tiêu điểm để ta mãi mê trút mọi thứ vào, thì nó trở thành bạn đồng hành trên con đường trở về mái nhà xưa của Chân Như. Ta phải chuyển hoá đẩy bung lột xác, gột rửa thân tâm để cho tinh tưòng trong suốt, không vướng bận thì mới có được sự an lạc phủ vây. Ý thức minh mẫn trong từng hành hoạt khởi dụng, quật tung hất trọn tất cả, để cho giác ngộ có cơ may châm ngòi trổi dậy.
Sự tiến bộ của một tâm linh, đó là thức tỉnh và an lạc, nội tâm an tịnh không giao động, không bị ngoại cảnh chi phối, tỉnh thức là sự gạn lọc lắng đọng sự vẫn đục nơi tâm thức, lau chùi mài dũa tinh luyện để cho chơn tâm hiển lộ. Lúc nào mà ta chưa nhận chân ra được cái toàn thể tính của không vọng tâm móng ý, thì ta vẫn mãi là kẻ lữ hàng cô độc lang thang trên mọi lối về, bị sai sử dẫn dắt đi vào mê lộ, ru ngũ núp bóng trá hình nào đó do vô minh chủ động. Ý lực nào khiến ta có thể tóm thâu được điều nầy, có phải sự tỉnh thức toàn diện liên tục nổi lên, và ngộ là ngộ tức khắc không còn đi qua thứ lớp, không có kiểu nửa chừng. Trên bình diện đạt được sự an lạc thì những gì ngăn ngại, niú kéo, cho dù sanh tử hay niết bàn, nếu không buông bỏ gạt phăng, thì vẫn còn là một nổi trôi vi tế bám chặt theo ta trên mọi lối. Ta cần phải quật tung sự bí ẩn đó, đẩy nó vào tận cùng không còn có cơ hội nào theo đuổi, dù chỉ trong tích tắc, thường sống trong sự tuyệt luân không có biên kiến, nhị nguyên, đôi bờ, đôi ngã. Tâm của ta không thể rờ mó xúc tác thăm hỏi được, nó là bản thể vi diệu mà phần hoạt dụng biểu hiện ra bao trùm lên tất cả, nhưng không có nghĩa tất cả đều do nó tác tạo, mà không có sự soi thấu chăm sóc của ta, không khéo lạc xa ngàn trùng. Làm sao ta nhận biết được đâu là bản thể vô cùng của nó, vượt thoát ra ngoài chân vọng, có không, đạt được cái chân tâm tròn đầy viên dung vô ngại, bất biến vô tận xưa nay, để từ đó ta thâu tóm nó lại trong cuộc dẫn đưa của vô thường sanh tử.
Sự lôi kéo, xúi dục, mời gọi, dẫn dắt của vô minh bám theo ta từng suy tư, từng phút giây, vì thế tất cả mọi nổ lực trăn trở để hoàn thành, đều phải tác động ngay trong sát na nầy, con người nầy, cảnh giới nầy, giây phút nầy, cho đến khi nào vở tung ra. Lúc ấy ta mới thong dong đi lại mà không hề lo sợ lạc lối, một sự đến đi vượt thoát trong vô cùng không tận, và đâu là lối đi nẽo về không có bóng dáng của " có không ".

Trích: THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH CON ĐƯỜNG TÁI SINH
Tác giả: Như Hùng
Theo: http://thuvienhoasen.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét