Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Bản thể của Phật


Dưới đây là một bài viết ngắn của thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) giải thích về Bản-thể-của-Phật. Giới thiệu dông dài về D.T. Suzuki có lẽ cũng bằng thừa, bởi vì hầu hết những ai đã từng dày công học Phật cũng đều biết đến ông, người đã mang thiền học Zen vào thế giới Tây Phuơng trong tiền bán thế kỷ XX. Bài viết này được tìm thấy trong tập san France-Asie, số đặc biệt với chủ đề Phật Giáo, được phát hành tại Sài-gòn năm 1959. Số đặc biệt này đã góp nhặt các bài viết của một số các học giả Phật Giáo lỗi lạc nhất thế giới vào thời bấy giờ. Số báo này được tái bản tại Pháp lần thứ nhất năm 1987 và lần thứ hai năm 2008. Gọi là một số báo đặc biệt thế nhưng thật ra đây lại là một quyển sách đồ sộ mang tựa đề là "Présence du Bouddhisme" ("Sự Hiện Diện của Phật Giáo"). Lần tái bản thứ hai chỉ giữ lại phần giáo lý thế mà cũng đã dày gần 600 trang chữ nhỏ.
Người dịch xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi bản gốc hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ 
nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc.
                                       


Bìa quyển sách "Sự Hiện Diện của Phật Giáo"
(Hình pho tượng Phật Nằm ở Pagu, Miến Đìện, thế kỷ thứ X. Xin lưu ý bóng dáng bé tí của một nhà sư ngồi bên dưới để so sánh với kích thước khổng lồ của pho tượng. Tuy Đức Phật đã tịch diệt hơn hai mươi lăm thế kỷ, thế nhưng sự hiện diện của Ngài luôn vẫn còn đó và hiện ra thật to lớn trước mặt nhà sư nhỏ bé cùng tất cả chúng ta hôm nay, và đấy cũng là ý nghĩa của tấm ảnh bìa quyển sách)

*****

Nếu quý vị yêu cầu tôi giải thích thế nào là "biến-cố-Ngộ"
(satori-évenement / event-satori / Satori là tiếng Nhật và cũng là một thuật ngữ đặc thù của thiền học Zen. Chữ Satori có thể tạm dịch là "Ngộ", sự "tỉnh giác", sự "quán thấy sâu xa" hay sự nhận thức được "Bản-thể-của-Phật") và đồng thời cũng muốn biết thêm "thể-dạng-Ngộ" (satori-état / satori-state) và "biến-cố-Ngộ" khác nhau như thế nào, thì tôi sẽ xin giải thích với quý vị như thế này: toàn thể mọi người trong chúng ta, không ngoại trừ một ai, kể cả các chúng sinh hàm chứa tri thức và giác cảm, tất cả đều ở trong thể dạng Ngộ. Tất cả chúng ta đều ở trong thể dạng đó, thế nhưng chúng ta không ý thức được sự kiện này mà thôi. Chúng ta nào có để ý đến bầu không khí bao bọc chung quanh địa cầu; chỉ khi nào gió thổi khiến cho không khí chuyển động thì khi đó chúng ta mới ý thức được sự hiện diện của nó. Sở dĩ chúng ta không hề nghĩ đến sự hiện diện của không khí là vì trước đây nó bất động và ở trong thể dạng ngưng nghỉ (chúng ta luôn ở trong Hiện Thực tức là thể-dạng-Ngộ, thế nhưng chúng ta không hề ý thức được sự kiện hay thể dạng đó. Phải nhờ vào một biến cố nào đó xảy ra thì khi ấy chúng ta mới ý thức được là mình đang "sống" trong Hiện Thực). Dòng luân lưu hay sự chuyển động ấy, nếu tôi có thể nói như thế, chính là "biến-cố-Ngộ". Khi tất cả mọi sự đều ngưng nghỉ (đình chỉ, không chuyển động) thì chúng ta sẽ ở trong thể dạng Ngộ (thế nhưng chúng ta lại không ý thức được sự kiện đó). Chỉ khi nào có một chuyển động tâm thần đặc biệt xảy ra thì khi đó "biến-cố-Ngộ" mới có thể phát sinh. Biến cố ấy tất nhiên không phải là một biến cố thông thường. Nó chỉ xảy đến với một người nào đó, trong một bối cảnh nào đó, và phải cần đến một sự chuẩn bị từ trước (phải tu tập và phát huy sự chú tâm cần thiết).
Chúng ta hãy cứ nhìn vào tấm gương của Đức Phật. Ngài từ bỏ lạc thú phàm tục, tìm vào rừng để suy nghiệm triết học dưới sự chỉ dạy của các vị thầy uyên bác nhất thời bấy giờ. Thế nhưng những gì Đức Phật nghiền ngẫm bằng cách dựa vào lý trí thì hoàn toàn chỉ mang tính cách trí thức. Sự tìm tòi đó không hề giúp Ngài quán thấy được bản chất của Hiện Thực. Vì vậy Ngài không thể nào tin tưởng hoàn toàn vào các phương pháp biện luận triết học. Thế là Ngài lại phải trở vào rừng thêm một lần nữa, và mục đích lần này là để luyện tập bằng cách hành xác. Có thể Ngài đã suy nghĩ rằng khi nào còn quan tâm quá đáng đến các đòi hỏi của thân xác thì khi đó tâm thần sẽ còn bị xao động và tách rời ra khỏi các mục tiêu mà nó mong cầu. Tình trạng hoang mang ấy tất sẽ khiến cho tâm thức không sao thực hiện được các chủ đích của chính nó. Đấy có thể là lý do đã khiến cho Đức Phật quyết định giảm thiểu tối đa các nhu cầu vật chất: ngủ thật ít, ăn thật ít, giữ tư thế ngồi yên và triền miên lắng sâu vào thiền định. Thế nhưng cách luyện tập ấy cũng vẫn chưa làm cho Ngài hài lòng, bởi vì khi các nhu cầu vật chất bị giảm xuống thì sức khoẻ cũng theo đó mà ngày càng kém đi. Ngài kiệt lực và không còn đứng lên được nữa. Chỉ khi nào sự sinh tồn được bảo vệ thì khi đó con người mới có thể tìm thấy được sự Thực Hiện (
Giác Ngộ) và sự toại nguyện vẹn toàn (sự Giải Thoát); đấy là lý do cho thấy tại sao con người lại cần phải có một sức khoẻ thật tốt. Nếu cố tình cắt giảm bớt đi các nhu cầu tối thiểu giúp cho sự sống tồn tại, thì tất nhiên sẽ khó lòng mang lại các điều kiện cần thiết như trên đây. Đức Phật bắt đầu ăn uống trở lại. Thế nhưng ước nguyện phải đạt được một cái gì đó vẫn còn nguyên trong lòng Ngài. Thật sự ra thì Ngài cũng không ý thức được rõ rệt điều ước nguyện ấy là gì, Ngài chỉ hiểu rằng có một niềm khát vọng nào đó trong lòng. Sự suy tư mang tính cách trí thức tỏ ra quá nông cạn, phép luyện tập bằng cách hành xác cũng chẳng khá hơn. Khát vọng của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, không một chút phôi pha. Ngài cảm thấy một nỗi lo âu thật sâu kín phát sinh trong lòng mình bởi vì sự biện luận trí thức cũng như phép luyện tập hành xác cả hai đều không thể giúp cho niềm khát vọng của Ngài bớt đi sự ray rứt. Ngài cũng chẳng biết phải làm gì nữa. Không còn một phương cách nào khác để giúp Ngài tìm ra một lối thoát. Ngài bèn quyết định loại bỏ phương pháp biện luận trí thức vì đấy chỉ là cách bày ra một trò đối tác giữa chủ thể và đối tượng, và cái trò đối tác đó sẽ chẳng bao giờ có thể mang lại thể dạng an bình trong tâm thức được. Nếu chúng ta tự ép buộc mình phải trở thành một con người đạo đức toàn vẹn thì đấy cũng chỉ là cách tạo ra một sự phân tách: phía bên này là người ước mong đạt được sự vẹn toàn đạo đức (với tư cách là chủ thể), và phía bên kia là chính sự vẹn toàn ấy (tức là đối tượng). Chính vì thế nên sự vẹn toàn đó sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được, bởi vì chưa kịp đạt được một cấp bậc nào đó, thì tức khắc lại hiện ra một cấp bậc khác cao hơn, hướng vào một sự vẹn toàn khác lý tưởng hơn. Do đó chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành hoàn hảo được. Khi vẫn còn sự tách rời giữa người tìm kiếm sự vẹn toàn và chính sự vẹn toàn ấy thì mục đích tối hậu sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được. Một khi mà sự chia đôi Hiện Thực ra thành hai thành phần đối nghịch nhau vẫn chưa loại bỏ được – tức là tình trạng phân tách giữa chủ thể và đối tượng, một bên là người suy nghĩ về một thứ gì đó và bên kia là chính thứ ấy, hay nói cách khác là giữa người nêu lên câu hỏi và chính câu hỏi của người ấy, vẫn còn nguyên - thì khi đó sự phân tách ấy sẽ vẫn còn tiếp tục ngăn chận sự Thực Hiện (Giác Ngộ).
Tất nhiên là những gì trình bày trên đây đều dựa vào lý luận. Thế nhưng Đức Phật thì lại không lý luận, Ngài chỉ đơn giản cảm nhận được một điều gì đó thật ray rứt trong lòng mình mà chính Ngài cũng không hiểu được bản chất của nó là gì. Ngài cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Người Thiên Chúa Giáo vẫn thường hay thốt lên: "Khi đã mất hết hy vọng thì chỉ còn phó mặc cho Trời". Đấy là cách mà họ tách rời Trời ra khỏi con người; và chính vì thế nên họ đành phải thốt lên những lời tuyệt vọng và chỉ còn biết giao phó cho Trời. Thế nhưng người Phật Giáo chúng ta thì lại suy ngẫm về mọi sự vật dưới một khía cạnh khác hơn: chúng ta không hề quan tâm đến thế giới hiện tượng. Thật vậy Đức Phật không đánh mất thì giờ vào cách suy luận đại loại như thế. Ngài chỉ cảm thấy một niềm khát vọng muốn đạt được một cái gì đó và niềm khát vọng ấy luôn ray rứt trong lòng mình. Khi nào cảm tính khát khao ấy hiện ra thì người ta cũng sẽ vượt thoát khỏi thể dạng tri thức thông thường và vượt lên trên sự tương đối. Đức Phật dồn tất cả sức chú tâm của mình vào niềm khát vọng ấy đến độ Ngài đã hòa nhập vào việc tìm hiểu nó và để rồi trở thành chính nó. Ngài không còn tách rời ra khỏi nó nữa (
để trở thành chủ thể và đối tượng) và cũng không còn cảm thấy khao khát nữa: Ngài đã trở thành MỘT với nó. Những gì Ngài suy tư đã trở thành chính Ngài, không còn phải là những thứ tư duy của Ngài như trước đây nữa (Ngài trở thành chính sự Giác Ngộ và sự Giác Ngộ cũng đã trở thành chính Ngài).
Tất nhiên là Đức Phật không suy nghĩ theo như cách tôi vừa trình bày trên đây; bởi vì đấy là những gì do tôi tự bình giải và diễn đạt ra như thế. Khi nào thể dạng (
nhất nguyên) ấy hiện ra thì tư duy cũng sẽ đạt được một sự đồng nhất, một vị thế thăng bằng nào đó, một cách chính xác hơn là quán nhận được bản thể tự nhiên của thực tại (réalité de nature / reality by nature / từ bản chất hay là bản tính tự nhiên là như thế). Chữ "thăng bằng" gián tiếp nói lên sự đa dạng của mọi sự vật và sự hài hòa của chúng (khi nào trông thấy các hiện tượng chuyển động hài hòa và không xáo trộn thì có thể tạm gọi như là một sự thăng bằng), thế nhưng đối với trường hợp quán thấy trên đây của Đức Phật thì chữ "thăng bằng" không mang ý nghĩa như thế, mà đúng hơn là một thứ bản chất tự tại [của mọi hiện tượng]. Ngoài ra thì chữ "nhận diện" cũng không phải là một từ thích hợp cho lắm khi muốn nói rằng các vật thể này được "nhận diện" (indentified / xác định hay được nhận biết...) khác hơn với các vật thể khác. Theo quan điểm của Đức Phật thì không có một sự khác biệt nào giữa sự tìm kiếm và đối tượng của sự tìm kiếm. Ngài lắng sâu vào một thể dạng nhất thể tuyệt đối. (Nêu lên các thuật ngữ như "sự đồng nhất của tư duy", "sự thanh thoát hoàn toàn của tâm thức" hay thể dạng "sambhodi" (sự tỉnh giác hay giác ngộ), thì cũng chỉ là một cách giải thích thuộc lãnh vực tâm lý học mà thôi - lời giải thích thêm của tác giả). Dù sao thì cũng phải xảy ra một biến cố gọi là Satori (Ngộ) thì thể dạng (nhất thể) ấy mới có thể thực hiện được. Sự "giác ngộ" nhờ đó cũng sẽ hiển lộ - như là một sự chuyển động đặc biệt gọi là "biến-cố-Ngộ" (satori-event) hay "kinh-nghiệm-cảm-nhận-Ngộ" (satori-experience), dù rằng thể dạng nhận biết (identification / nhận diện, xác định...) ấy còn tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta. Khi biến cố ấy xảy ra thì chúng ta cũng sẽ nhận biết được rằng mình đang ở trong thể dạng Ngộ ấy. Chính vì thế nên người ta đã thuật lại rằng khi Đức Phật đạt được kinh nghiệm cảm nhận trên đây thì Ngài cũng đã biểu lộ sự kinh ngạc của mình khi nhận thấy rằng tất cả mọi sự vật đều hàm chứa bản-thể-của-Phật - thật sự là tất cả, bởi vì bản thể ấy không nhất thiết chỉ là gia tài riêng của các chúng sinh có giác cảm mà còn hàm chứa trong đất đá và cả các vật thể khác trong thế giới, không ngoại trừ bất cứ thứ gì. Tất cả đều là Phật, thế nhưng chỉ vì các vật thể không tự ý thức được cái bản thể đó của chúng mà thôi. Đấy chẳng qua chỉ vì chúng không thể tạo ra được "biến-cố-Ngộ" giúp chúng ý thức được sự kiện đó (chỉ có con người là có thể bừng tỉnh nhờ vào "biến-cố-Ngộ" mang lại từ sự tu tập của chính mình để nhận ra rằng kẻ hung ác, người hiền lành, kẻ tham lam, người rộng lượng, kẻ xấu xí, người xinh đẹp... tất cả đều là chính mình; xúc cảm hay tư duy trong tâm thức cũng là chính mình; đất đá, cây cỏ, một áng mây lửng lơ trên bầu trời, một làn gió thoảng xuyên qua cành lá hay một âm thanh vang vọng trong không gian cũng đều là những biểu hiện của chính mình. Sự bừng tỉnh đó sẽ giúp chúng ta thực hiện được "thể-dạng-Ngộ" và quán thấy được bản thể của chư Phật và của cả chính mình).
Có một người đệ tử hỏi Thầy mình như sau: "Thế con có hàm chứa bản-thể-của-Phật hay không?". Vị Thầy tức khắc trả lời ngay: "Không, mi không hề hàm chứa bản-thể-của-Phật". Người đệ tử hỏi vặn lại: "Con nghe nói rằng tất cả mọi thứ đều hàm chứa bản-thể-của-Phật kia mà... Tại sao con lại không có?" Vị Thầy lại trả lời tiếp như sau: "Côn trùng, súc vật, đất đá..., tất cả đều hàm chứa bản-thể-của-Phật - chỉ trừ có mi là không có". Người đệ tử tỏ vẻ lo lâu: "Thế thì tại sao con lại không có?" Vị Thầy bèn giải thích như sau: "Chỉ vì mi đã nêu lên câu hỏi" (
nêu lên thắc mắc trong đầu là cách tự tách rời mình ra khỏi sự thắc mắc của chính mình, tức là tự tạo ra chủ thể và đối tượng, nói cách khác là tự tách rời mình ra khỏi hiện thực). Thắc mắc của người đệ tử đã cho thấy rằng người ấy không thấu triệt được một cách thật ý thức rằng chính mình đang hàm chứa sẵn Bản-thể-của-Phật (vì cứ tưởng rằng bản-thể-của-Phật là một thứ gì đó khác với mình). Sự ý thức hay giác ngộ ấy là một sự kiện vô cùng quan trọng, và nó cũng chỉ có thể xảy đến với con người mà thôi. Vì thế chúng ta cũng có thể bảo rằng tất cả mọi sự vật, kể cả vật chất, đều hàm chứa bản-thể-của-Phật, thế nhưng cần phải là một con người mới cảm nhận được cái bản thể ấy.


Bures-Sur-Yvette,11.12.12
Hoang Phong chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét