...nếu lòng từ ái vị tha có đem lại khổ đau thì khổ đau ấy chỉ giúp ta càng thêm lớn mạnh.
...Lòng vị tha chỉ có khi thành thực với chính mình, với hoàn cảnh, với mọi người. Không nên vị tha quá sức mình, không nên vị tha một cách bất đắc dĩ, không nên vị tha để khoa trương, không nên vị tha để hóa trang cho lòng ích kỷ hoặc che giấu một sự thật chua cay. Khi Thầy đói con chia sớt cho Thầy nắm cơm hạt muối, đó là thành thực vị tha. Vị tha không phải chỉ có cho mà không nhận. Vị tha cũng không cân lường bằng số lượng mà giá trị ở tấm lòng. Tấm lòng chân thành, cởi mở và thương yêu...
Con,
Thầy đã nhận được thư con, Thầy biết không chính xác nhưng biết chắc rằng con đang gặp phải một nỗi khó khăn. Thầy tự trách là quá thờ ơ với những nỗi khổ của con. Nhưng Thầy cũng trách con là đã không nói thật hoàn cảnh của con cho Thầy biết. Con sợ làm phiền Thầy, con sợ đánh mất sự thanh thản của Thầy, và vì vậy con đóng kịch để Thầy yên tâm. Con đã lầm với thiện ý ấy. Chính ra Thầy cần phải biết mọi nỗi khổ ở đời để sửa sai mình và nuôi lớn tình yêu thương nhân loại.
Thầy rất dễ chủ quan với tâm hồn thanh thản của mình, tưởng cái gì cũng dễ dàng, tưởng cái gì cũng nhẹ nhõm và rồi phớt tỉnh trước mọi sự, trước mọi nỗi khổ đau của nhân loại chúng sanh. Không, con hãy đem đến cho Thầy những nỗi khổ đau phiền muộn của con để Thầy biết yêu thương và thông cảm, để Thầy có thể chia sẻ và gánh vác cùng tha nhân những nỗi thống khổ ở đời.
Có yêu thương là có đau khổ, điều ấy chỉ đúng cho những ai bị hệ lụy trong vòng ái luyến vị kỷ. Nhưng nếu lòng từ ái vị tha có đem lại khổ đau thì khổ đau ấy chỉ giúp ta càng thêm lớn mạnh.
Chung quanh ta biết bao là ràng buộc khổ đau! Cha mẹ, chồng con, anh chị em, Thầy, bạn, xóm giềng và cả sự sống của bản thân ta nữa. Tất cả đều trở nên hệ lụy nếu ta cứ loay hoay trong vòng tính toán vị kỷ và tình thương ấy quả chỉ đưa ta vào khổ não triền miên. Nhưng nếu tình yêu thương lột bỏ được tính chất ích kỷ thì tất cả mọi khổ đau sẽ trở thành giải thoát.
Tuy nhiên vị tha không có nghĩa là đánh mất mình mà cứ loay hoay lo cho kẻ khác. Vị tha chỉ có nghĩa là gột sạch tính ích kỷ hắc ám để ta có được một tấm lòng trong sáng, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với người. Ta có thể giúp đỡ kẻ khác, ta cũng có thể dửng dưng hoặc thậm chí có thể xua đuổi kẻ khác, tùy theo hoàn cảnh mà vẫn có lòng vị tha.
Đôi lúc lo cho kẻ khác chỉ để được lòng người, để người kính nể, để người thương mến v.v... Đôi lúc lo cho kẻ khác vì sợ hãi, vì cả nể, vì nhu nhược, vì danh dự, vì tự tôn hoặc tự ti v.v... Đôi lúc lo cho kẻ khác vì bị nô lệ vào ý tưởng rằng mình sẽ được một đức tính vị tha mà mọi người ưa chuộng. Như vậy, không phải là vị tha mà chỉ là vị kỷ.
Lòng vị tha chỉ có khi thành thực với chính mình, với hoàn cảnh, với mọi người. Không nên vị tha quá sức mình, không nên vị tha một cách bất đắc dĩ, không nên vị tha để khoa trương, không nên vị tha để hóa trang cho lòng ích kỷ hoặc che giấu một sự thật chua cay. Khi Thầy đói con chia sớt cho Thầy nắm cơm hạt muối, đó là thành thực vị tha. Vị tha không phải chỉ có cho mà không nhận. Vị tha cũng không cân lường bằng số lượng mà giá trị ở tấm lòng. Tấm lòng chân thành, cởi mở và thương yêu.
Thầy có thể không có tiền để cho ai một đồng nào mà Thầy vẫn vị tha. Thầy có thể sống bằng sự bố thí của tín đồ mà vẫn vị tha v.v... Bởi vì nếu Thầy có một tấm lòng bao dung cởi mở thì cho hay nhận đều là vị tha, đón mời hay xua đuổi đều là vị tha, giúp đỡ hay cầu viện đều là vị tha v.v...
Ở quê Thầy có nhiều người đỗ đạt, cưới vợ hoặc được thăng quan tiến chức họ thường có tục lệ đãi đằng hàng xóm. Có khi họ phải vay nợ đến phải trả hàng chục năm mà vẫn phải đãi đằng! Họ tưởng như thế là vị tha. Họ có thể phải nghèo khổ nợ nần cả đời đôi khi chỉ vì một chút hư danh! Rõ ràng là họ thiếu thành thực và cởi mở.
Bên Lào người ta có phong tục thật cởi mở. Khi dư thì đem đến chùa cúng, khi thiếu thì cứ đến chùa mà ăn. Phong tục ấy thành thực hơn tục lệ đãi đằng của mình rất nhiều.
Tất nhiên nếu chỉ nhận mà không cho vì lười biếng, ích kỷ thì không được. Nhưng nhận trong hoàn cảnh khó khăn khách quan nào đó thì chẳng có gì đáng ngại, chẳng đánh mất lòng vị tha nếu ta chân thành cởi mở.
Nếu con chân thành kính mến Thầy thì không phải chỉ cúng dường Thầy mà khi thiếu hụt con có quyền được Thầy chia sớt. Bởi vì nếu con chỉ cúng dường thì khi không có gì để cúng dường con phải lánh Thầy hay sao?
Dân miền Trung thường bị thiên tai bão lụt, thường phải nhận sự giúp đỡ của những người hảo tâm ở miền Nam . Như vậy chưa hẳn dân miền Trung đã không có tình yêu thương đồng loại. Nhưng nếu người miền Nam bố thí đồng bào nạn nhân một cách khinh bỉ, cao ngạo thì họ cũng chỉ là những người ích kỷ, xan tham.
Thường người ta hiểu chữ vị tha theo nghĩa lo bao đồng mà quên rằng vị tha cốt ở tấm lòng thành thực, bao dung và cởi mở.
Thường người ta hiểu chữ vị tha là lòng tự ái, chỉ giúp người chứ không chịu để người giúp mình, e đó là một cái nhục.
Vì hiểu như thế người ta đã tạo cho đời mình thêm phức tạp với những hành động thiếu thiết thực, thiếu chân thành.
Con thương mến,
Hãy bắt tay vào đời sống một cách chân thành và thiết thực. Hãy làm những điều cần thiết, giản dị và cởi mở. Hãy lo cho mình, cho chồng con, cho cha mẹ, cho anh em một cách thiết thực với khả năng của mình, không buông trôi hờ hững cũng không làm quá sức mình, hoặc làm điều không cần thiết.
Thầy mong rằng con có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại bằng cách sống cởi mở chân thành, giản dị và thiết thực. Chúc con thành công.
Thân ái chào con.
Thầy.
Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 21
Tác giả: Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét