Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

TÂM VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Theo Ðạo Phật thì bốn uẩn: Thọ, Tưởng, Hành, Thức tạo thành Tâm, và Sắc uẩn tạo thành Thân; như thế con người là sự kết hợp của Tâm và Thân, hay Danh và Sắc.
Tâm con người được so sánh với sự lưu chuyển của một dòng sông, khái niệm của đạo Phật về sự hiện hữu của thức. Ðối với phần lớn những người có dịp đứng trên bờ một con sông, họ đều nghĩ rằng con sông từ đầu đến cuối đều như vậy. Tuy nhiên, do sự lưu chuyển mà không một phân tử nước nào có thể được người ta thấy tại bất kỳ một điểm đã cho nào, giữ được sự đồng nhất như khoảnh khăc trước của nó cả. Cũng hệt như đầu sông và cuối sông, được gán cho những cái tên đặc biệt là nguồn sông và cửa sông, dù rằng chúng cũng bao gồm cùng chất liệu như chính bản thân của con sông.

Nguồn và cửa của dòng sông tâm thức thức cũng vậy, được người ta định danh là sanh và diệt, mặc dù nó cũng bao gồm trong cùng dòng sông tâm thức. Tiến trình liên tục này trôi chảy không ngừng cho đến chừng nào những nguyên nhân làm khởi sinh ra nó được loại trừ.
Ðể hiểu rõ sự vận hành của tâm này, đòi hỏi chúng ta phải có một khái niệm nào đó về tiến trình tâm theo phân tích của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Giáo lý Vi Diệu này giải thích chi tiết sự vận hành của dòng tâm thức, đồng thời ghi lại theo phương pháp phân tích bằng cách nào chủ thể, tâm thức, tiếp nhận các đối tượng từ bên ngoài và bên trong nó.
Chẳng hạn, khi một người ở trong trạng thái ngủ say, tâm của nó được bảo là rỗng không, hay nói một cách khác là đang trong trạng thái hữu phần (Bhavanga), đây là một trạng thái thụ động khi tâm của chúng ta không phản ứng với đối tượng. Dòng Bhavanga (hữu phần) bị cắt ngang khi các đối tượng đi vào tâm, nó rung lên và diệt vào lúc sanh khởi và diệt của trạng thái tâm kế tiếp, dòng hữu phần thụ động bị kiểm soát và dừng lại. Kế đó, một trạng thái tâm tác ý hướng đến đối tượng khởi sanh và diệt. Liền sau đó, nếu đối tượng thuộc về sự thấy, nhãn thức khởi sanh và diệt, nó không biết gì hơn về đối tượng. Sự hoạt động của giác quan này được kế tục bởi một sát na tiếp nhận đối tượng được thấy như vậy. Kế đến, khả năng phán đoán hay sự quan sát chớp nhoáng đối tượng đã được tiếp nhận như vậy. Sau đó, đến giai đoạn nhận thức đặc trưng mà thuật ngữ gọi làquyết định tâm, trong đó tuỳ thuộc nơi giai đoạn quan trọng thuộc tâm lý theo sau, nghĩa là giai đoạntốc hành tâm. Ðây là giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi vì chính ở giai đoạn này mà người ta sẽ tạo nghiệp tốt hay xấu.
Tiến trình nhận thức về ngoại giới (thế giới bên ngoài) xảy ra qua ngũ môn hay năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Vì vậy nó được gọi là tiến trình tâm qua ngũ môn. Cũng có căn thứ sáu gọi là ý môn, qua đó chúng ta nhận thức những ý niệm như trong ký ức hoặc sự tưởng tượng khi mà đối tượng không thực sự hiện hữu nhưng được hình dung ra, tiến trình nhận thức này được gọi là tiến trình nhận thức qua ý môn.
Trong hai tiến trình tâm này, thì tiến trình tâm qua ngũ môn có thể được giải thích một cách tương đối qua ẩn dụ một người đang nằm ngủ dưới gốc xoài: "Một người ngủ say dưới gốc xoài, bất ngờ có một trái xoài rụng xuống và lăn đến cạnh anh ta. Anh choàng tỉnh, thức dậy và cố gắng tìm xem cái gì đã quấy rầy mình. Anh thấy bên cạnh có trái xoài, lượm lên, ngửi và ngắm nghía nó. Ðoán chắc rằng trái xoài còn tốt và hoàn toàn chín anh ta mới ăn nó".

1. Ở đây, giấc ngủ say được so sánh với trạng thái thụ động của tâm khi nó đang trôi chảy bình thường, không bị bất kỳ ấn tượng nào quấy động.
2. Choàng tỉnh khỏi giấc ngủ, giống như sự khuấy động dòng hữu phần (Bhavanga).
3. Thức dậy, giống như hữu phần dừng lại.
4. Cố gắng khám phá xem điều gì đã quấy động giấc ngủ của mình, ví như trạng thái lờ mờ của tâm khi chủ thể (nhận thức) cố gắng một cách yếu ớt để khám phá xem vật kích thích đó tác động qua mắt hay tai, mũi, lưỡi hoặc thân. Trạng thái này gọi là ngũ môn hướng, nghĩa là hướng đến những ấn tượng tại năm cửa giác quan (năm căn).
5. Thấy trái xoài, tựa như sự khởi sanh của giác quan đặc biệt liên hệ (đến sự thấy), trong trường hợp này là nhãn thức. Ðó chỉ là chức năng thuần tuý và đơn giản của sự thấy, hoàn toàn không có sự suy nghĩ gì về đối tượng cả.
6. Lượm trái xoài lên, giống như tâm tiếp nhận sự kích thích từ một đối tượng độc lập hiện hữu ở ngoại giới, Trạng thái này gọi là "tiếp thọ tâm".
7. Ngửi và xem xét trái xoài cũng ví như tâm đang cố nhớ một điều gì đó liên quan đến đối tượng, và cố sức để hiểu nó trong ánh sáng của kinh nghiệm trước, Trạng thái này gọi là "suy đạc tâm".
8. Ðoán chắc rằng trái xoài hoàn toàn chín và còn tốt, ví như tâm gán cho đối tượng một vị trí xác định trong lãnh vực tri kiến của nó, Trạng thái này gọi là "quyết định tâm".
9. Ăn trái xoài, ví như tâm có khuynh hướng điều chỉnh đối tượng theo sở thích riêng của nó. Ðây là trạng thái tích cực nhất của tâm, trong đó chủ thể ý thức trọn vẹn về chính nó, và quyết định thái độ riêng của nó đối với đối tượng. Trạng thái này gọi là "tác hành tâm" hay "tốc hành tâm".

Trong tiến trình tâm qua ý môn, đối tượng của tiến trình không phải là một kích thích ngoại giới mà là một hình ảnh khởi sanh từ bên trong, nghĩa là hình ảnh tự nó đưa ra với một tính chất đã đoan chắc nào đó. Ở đây, cùng chức năng của tâm được gọi là "tâm hướng về những ấn tượng xảy ra tại ý môn".
Như vậy, chúng ta thấy rằng tiến trình tư duy có thể được phân ra thành những chức năng rõ rệt, mỗi sát na tâm có thể phân biệt với những sát na tâm kế và trước nó bằng chức năng nó thực hiện. Và, như đã được nói ở trên, chính sát na tâm tích cực (tác hành tâm) là chập tư tưởng được xem là quan trọng nhất, vì chính tại thời điểm này mà chúng ta quyết định cho tương lai của mình bằng phẩm chất hành động của chúng ta qua thân, khẩu, ý (hành động, lời nói và ý nghĩ) kèm theo bởi tham, sân, si hoặc kèm theo bởi lòng quảng đại, thiện chí và trí tuệ. Chúng ta càng thực hành được những phẩm hạnh quảng đại, thiện chí, và trí tuệ nhiều chừng nào thì tham, sân, si sẽ trở nên yếu đi chừng nấy, cho đến một lúc nào đó khi những bất thiện pháp này trở nên quá yếu, đó là thời điểm để chúng ta có thể cắt đứt nó hoàn toàn.
Chỉ có cách hiểu rõ về bản chất cấu thành của tâm như vậy, chúng ta mới có thể sàng lọc những cặn bã ra khỏi vàng (thanh lọc tâm). Chính Ðức Phật đã xác định là để đạt đến sự giải thoát khỏi mọi hình thức của khổ đau, nhất thiết phải thành tựu việc tịnh hoá bản tâm bằng sự thực hành và lòng nhẫn nại.

Đại Trưởng Lão U Thittila
Tỳ kheo Pháp Thông dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét