Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Muốn chín những đóa hoa

Có một vị giáo thọ Tây phương kể lại một kinh nghiệm về thiền tập của mình.  Có lần anh tham dự một khóa tu thiền nhiều ngày.  Vị thầy hướng dẫn là một thiền sư lớn tuổi người Nhật, ông thuộc dòng thiền Lâm Tế, và có một lối dạy rất thẳng và mạnh bạo.  Phương pháp của ông là sử dụng công án.
    Công án, koan, là một câu hỏi hay vấn đề mà vị thiền sư đặt ra cho thiền sinh, và câu hỏi ấy không thể nào giải đáp bằng sự suy luận hay dùng lý trí được.  Trong khóa tu ấy, vị thầy trao cho anh một công án nổi tiếng của ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc, “Thế nào là âm thanh của tiếng vỗ một bàn tay?”  Bổn phận của người thiền sinh là làm sao để lãnh hội cái ý nghĩa tinh yếu của công án được trao cho, và trình bày sự hiểu biết của mình lại với vị thầy.
    Không khí của khóa tu rất là căng thẳng, mọi việc đều theo một đường lối thật nghiêm khắc.  Mỗi ngày anh vào gặp vị Thầy bốn lần, để đưa câu trả lời của mình.  Nhưng lần nào anh vào trình bày xong, ông cũng chỉ nói, “Thật là ngớ ngẩn!”  Rồi ông thỉnh lên một tiếng chuông và đuổi anh ra.  Có lần sau khi anh trả lời, vị Thầy nói, “Được, nhưng đó chưa phải là Thiền.”  Và cứ sau mỗi lần vào trình pháp, anh lại càng cảm thấy căng thẳng hơn.
    Cuối cùng, có lẽ vì tội nghiệp, nên vị Thầy trao cho anh một công án khác dễ hơn.  Ông nói, “Làm thế nào để thể hiện được Phật tánh trong khi tụng kinh.”  Anh mừng thầm và nghĩ câu trả lời cho công án này cũng sẽ rất dễ dàng, khi vào trình pháp anh chỉ cần ngồi trang nghiêm và xướng tụng một đoạn kinh ngắn, đơn giản thế thôi.
    Nhưng thật ra, công án này cũng đã chạm đến một vấn đề khó khăn sâu kín trong anh.  Khi còn học lớp Ba ở tiểu học, trong giờ âm nhạc anh thường bị cô giáo phê bình là cách phát âm của anh rất khó nghe.  Và từ đó đến giờ, anh vẫn rất ngại ngùng và tìm mọi cách tránh né mỗi khi phải hát trước đám đông.  Vậy mà giờ đây, anh sẽ lại phải sắp sửa xướng lên một bài kinh, trong một tình trạng rất căng thẳng, trước mặt một vị thầy rất khó khăn.
    Trong khóa tu tất cả đều hoàn toàn giữ im lặng, chỉ trừ trong giờ trình pháp.  Vì vậy mà những gì ta nghĩ trong đầu lại càng được phóng đại thêm lên.  Anh cố gắng lặp đi, lặp lại một đoạn ngắn trong bài kinh cho thật thuộc, thật đúng với âm điệu và cách phát âm.  Nỗi lo lắng của anh cứ tăng dần.
    Khi đến phiên anh vào để trả lời cho công án của mình.  Anh bước đến, cúi xuống 
đảnh lễ vị Thầy.  Ông nhìn anh hỏi, “Nói cho ta biết, làm thế nào để thể hiện được Phật tánh trong lúc tụng kinh.”  Anh ngồi thẳng lên và tụng bài kinh mình đã tập dượt trước.  Nhưng mọi việc không như anh đã dự tính, tất cả đều sai trật và hoàn toàn lộn xộn cả lên.  Những câu kinh anh tụng lẫn lộn với nhau, và cũng không theo một âm điệu nào hết.  Trong ngay lúc đó, anh cảm thấy lòng mình như hoàn toàn bị phô bày ra trước mặt vị Thầy, nguyên sơ và dễ tổn thương, anh không còn gì để giấu giếm hay che đậy nữa hết…
    Vị Thiền sư im lặng hồi lâu, ông nhìn anh với một ánh mắt hân hoan và đầy ấp tâm từ.  Ông nói, “Câu trả lời rất tuyệt vời.”  Và trong giây phút ấy anh chợt cảm nhận được một tình thương rất lớn.  Anh ý thức được rằng, muốn tiếp xúc với tuệ giác, ta phải có can đảm buông bỏ hết tất cả, mọi toan tính của mình, dám trở nên rỗng không, không còn gì để bảo vệ hay che chở cho mình nữa hết.  Khi ta biết chấp nhận, có mặt với những gì đang xảy ra với một tình thương không mong cầu, thì tất cả mọi việc sẽ trở nên thênh thang và tự tại.
Chấp nhận là thật sự có mặt
Và tôi nghĩ có lẽ trong cuộc sống này cũng vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thật sự chuẩn bị trước được cho một việc gì.  Ta vẫn nghĩ mình có thể tập luyện để sẵn sàng đối diện với một mất mát, một hạnh phúc hoặc khổ đau nào đó.  Nhưng thật ra ta chỉ có thể tiếp xúc với sự sống khi nó đang xảy ra mà thôi.  Bằng một thái độ rộng mở và chấp nhận.
    Nhưng bạn cũng đừng nghĩ rằng đó là một thái độ buông xuôi.  Chấp nhận không phải là một thái độ dửng dưng, sao cũng được, mà là biết xả buông những toan tính và chấp trước, để mình có thể kinh nghiệm, và hiểu sâu sắc được những gì đang thật sự xảy ra.  Tout comprendre c’est tout pardoner.  Hiểu hết tất cả thì ta sẽ tha thứ hết tất cả.  Mà tha thứ cũng là một sự buông xả phải không bạn.  Ta sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của mình, những khó khăn, và ngay cả những muộn phiền của ta nữa.  Để cho một hạnh phúc trong sáng được phép có mặt.
    Tôi nghĩ, thiền quán là một thái độ chấp nhận sâu sắc.  Chúng ta có thể ví đó như là tự soi mình vào một tấm gương vậy.  Nếu ta biết chấp nhận thì tấm gương sẽ làm hết mọi việc cho ta.  Nó giúp ta thấy được những kinh nghiệm nào đang có mặt trong giây phút này, thân ta, cảm thọ ta, những gì đang xảy ra trong thân tâm mình.  Và khi ta thấy rõ được những điều ấy, thì những gì mình cần làm sẽ biểu hiện tự nhiên thôi.  Nghe thì đơn giản thật đó, nhưng không phải là chuyện dễ làm, phải không bạn…
Muốn thay đổi phải thấy rõ
Thật ra, việc ấy khó là vì chúng ta ít khi nào lại chấp nhận những gì mình đang thấy trong gương!  Ta bao giờ cũng tìm cách sửa đổi những hình ảnh ấy theo ý của mình.  Chúng ta muốn thời ngồi thiền, hay những bước chân của mình, lúc nào cũng phải được an tĩnh, hạnh phúc và thanh thản.
    Nhưng bạn biết không, trước khi có được những điều ấy thì ta phải biết chấp nhận được chính mình.  Chúng ta hãy ngồi, đi với thực tại, với những gì đang có mặt, với những gì ta đang soi thấy trong gương.  Đó có thể là những muộn phiền, lo âu, mệt mỏi… nhưng chúng không phải là những chướng ngại của hạnh phúc đâu bạn.  Vì nếu như ta biết chấp nhận những khó khăn ấy, và chịu thấy ra được những gì đang thật sự có mặt, mọi việc sẽ trở nên thênh thang và tự tại hơn.
    Nhà tâm lý học Carl Rogers nói: "Có một điều nghe rất là lạ lùng và mâu thuẫn, nhưng đó là một sự thật, là khi ta chấp nhận được mình như chính ta là, thì lúc đó ta mới có thể thay đổi.  The curious paradox is that when I accept myself just as I am, then I can change."  Cũng có nghĩa là, sẽ không có gì thay đổi, nếu như ta không chịu nhìn lại để thấy rõ được chính mình.
Cõi mù sương, thế nhưng…
Bạn biết không, đôi khi chính vì sự mong cầu hoặc cố gắng thành tựu một cái gì đó, theo ý riêng của mình, mới khiến một hạnh phúc đang tươi đẹp lại trở thành khổ công và tăm tối.
Chúng đã muốn nở hoa
Và nở hoa là đẹp; nhưng chúng ta muốn chín
Có nghĩa thành tăm tối và khổ công
R.M.Rilke
(Thái Kim Lan dịch)
    Hạnh phúc là sẵn có và tự nhiên, chứ không thể phát xuất từ những gì do cái tôi của 
mình cố gắng tạo dựng lên.  Chúng ta tiếp xúc được với lẽ thật của đạo không phải bằng một sự tạo tác hay tìm cầu nào, mà khi ta biết buông xả với một tấm lòng mở rộng, phơi bày và nguyên sơ.  Vậy mà trong cái mỏng manh và dễ tan vỡ ấy lại có đầy đủ hết…
this world
is a dewdrop world
yes...
but...
Issa
cõi này
 thế giới sương
đúng rồi…
nhưng
Hay là,
trần gian
một cõi mù sương
 thôi là vậy...
thế nhưng có là...
(Vũ Hoàng Thư dịch)

Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: http://nguyenduynhien.blogspot.com.au/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét