Ngày ........ tháng ........ năm ........
Con thương mến,
Đọc thư con Thầy rất xúc động. Con là người đệ tử ít được Thầy hướng dẫn nhất và bây giờ con lại ở rất xa, điều kiện thư từ thật khó khăn nên Thầy không làm gì được để chia sẻ những nỗi khổ đau của con.
“Con người” như William Faulkner đã nói “là tổng số những nỗi bất hạnh” mà mỗi người phải tự đương đầu một mình. Không ai có thể gánh vác cho ai bất cứ điều gì, vì ngay mỗi người còn chưa giải quyết được cho chính mình những bước thăng trầm mà mình phải đi qua trong cuộc đời đầy khó khăn phức tạp này. Đạo lý, tâm lý, quyền năng, sức mạnh v.v... đều vô nghĩa đối với những nỗi thống khổ của cuộc đời, của con, của Thầy và của tất cả chúng sinh. Thầy cũng là người với tất cả những nỗi bất hạnh rất người, cho nên giữa chúng ta, giữa con người, chỉ còn lại tình thương yêu, thông cảm và mở lòng chia sẻ với nhau những bước thăng trầm giữa cuộc phù sinh. Thầy gọi đó là tình người.
Con có những nỗi bận tâm băn khoăn lo tính cho bạn bè, cho những người thân yêu, và để giải quyết những vấn đề khó khăn cho những người liên hệ hay cho chính bản thân con thì con nghĩ rằng phải có kiến thức, phải biết đắn đo suy nghĩ, phải thừa tài năng, tiền của hay địa vị, nhưng con có biết không, mối bận tâm lo lắng ấy chỉ là bệnh, là bệnh trách nhiệm của thời đại! Hậu quả của nó là suy nhược, một điều không sao tránh khỏi.
Con ạ, lo âu, suy nghĩ, đắn đo, toan tính, v.v... không phải là tình người, không phải là lòng từ bi, bác ái, không đem lại hạnh phúc cho mình và người mà chỉ chồng chất thêm những nỗi bất hạnh trong cuộc đời vốn đã nhiều bất hạnh.
Thầy nói rằng chúng ta chỉ cần có tình người, nghĩa là có một tâm hồn cởi mở đủ để thương yêu, thông cảm, bao dung, tha thứ và chia vui sẻ buồn với người mà thôi, chứ không cần quá quan tâm lo toan giải quyết vấn đề cho kẻ khác. Mỗi người phải tự lo lấy vận mệnh của họ cũng như ta phải tự lo lấy đời sống của mình. Như vậy không phải là ích kỷ đâu. Ích kỷ thì làm sao có được một tấm lòng cởi mở, thương yêu. Và khi Thầy nói tự lo lấy thì cũng không nghĩa là chỉ biết có mình mà thôi, vì tự lo lấy còn hàm nghĩa tự lực, tự cường hoặc độc lập, không bị lệ thuộc và hơn thế nữa tự giải thoát mình ra khỏi ích kỷ cá nhân.
Khi con lo tính cho bạn bè, quyến thuộc, những người thân yêu hay cho chính con cũng đều là ích kỷ cả. Vì sự toan tính đó sẽ chẳng bao giờ đưa con đến cởi mở, vị tha, thương yêu và thông cảm thực sự.
Khi nào tình thương yêu thông cảm thực sự hiện hữu, khi đó chỉ có sự tươi mát, dịu dàng, khinh an, thư thái chứ không bao giờ có căng thẳng và thở ra. Căng thẳng là triệu chứng của suy nhược và thở ra là dấu hiệu của bệnh phổi hoặc bao tử. Nhà thương Mỹ chỉ có thể chữa cho con những bệnh trạng chứ không thể chữa cho con nguyên nhân của bệnh. Nhưng chữa khỏi bệnh trạng này thì lại sinh ra bệnh trạng khác và rồi rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu nếu con không biết tự chữa lấy căn nguyên của bệnh, nghĩa là tự giải thoát ra khỏi những lo âu toan tính giữa cuộc đời huyễn hóa phù du.
Con ạ, Thầy không bi quan tiêu cực khi khuyên con nên sống giản dị, thanh thản và trong sáng với lòng mình, với cuộc đời, vì cho đến khi đó con mới thấy rằng mình có đầy sinh lực và nhiệt tình để có thể thực sự tích cực yêu thương và phục vụ con người.
Kiến thức, tài năng, tiền của, sắc đẹp có thể không cần thiết là bao cho tình yêu thương và phục vụ. Trái lại, có khi nó còn là trở ngại nữa. Con hãy tưởng tượng một người tầm thường nhất, một cô giúp việc không có tài năng, kiến thức, của cải, sắc đẹp và địa vị gì ráo, nhưng nếu cô ta chất phác, thật thà, trong lành, giản dị, giàu tình yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ thì mọi người sẽ chọn cô ta hơn là chọn một triết gia, có phải thế không? Không biết Thầy có cổ hủ không khi nhận xét rằng trí thức không bằng trong sáng, tài năng không bằng chân tình, tiền của không bằng thanh bạch, sắc đẹp không bằng hiền thục, lo tính không bằng sẵn lòng v.v... Những điều trước phải vất vả mới tạo được nhưng đôi khi không giải quyết được gì mà còn tai hại nữa. Trái lại những điều sau ai cũng sẵn có, chỉ cần biết khai thác là nó trở nên phong phú ngay.
Kiến thức, tài năng bao giờ cũng chỉ là những sở đắc phiến diện, tương đối và dễ lỗi thời. Nhưng trong sáng và cởi mở (sẵn sàng thông cảm, thương yêu, tha thứ và phục vụ...) thì lại là một kho tàng vô tận sẵn có nơi con. Trong sáng là cha đẻ của mọi kiến thức và sẵn sàng là mẹ sinh của tất cả tài năng, đức hạnh. Vì vậy con không nên chạy theo những gì phù phiếm mà bỏ quên căn cội mạch nguồn.
Con ạ, theo Thầy thì trong một xã hội càng phức tạp bao nhiêu ta lại càng phải giản dị trong sáng bấy nhiêu mới có thể ứng phó kịp thời những thế sự đa đoan. Đừng trù bị cho mình quá nhiều để rồi chỉ thêm luống cuống trước những biến chuyển khó lường của cuộc sống vô thường ảo hóa. Cũng như một người sống quá tiện nghi sẽ không còn khả năng thích ứng với những biến đổi thiên nhiên nữa. Hoặc như một người đánh vợt chuẩn bị quá kỹ để không còn đỡ kịp những cú bất ngờ không sao liệu trước.
Thế rồi một người với đầy đủ khả năng, kiến thức cuối cùng thật sự chẳng làm nên việc gì cho đời và hy vọng bảo anh ta rằng: “Hãy tiếp tục! Hãy tiếp tục! Rồi anh ta đi đến nấm mồ”, đó là lời nói nổi danh của Mác de Maintenon.
Con thương mến,
Thầy viết những dòng trên chỉ với tình thương của một vị Thầy đối với người đệ tử, muốn sẻ san với con những khó khăn trong cuộc đời. Thầy không phê phán chỉ trích con đâu, Thầy trình bày thẳng thắn như vậy vì nghĩ rằng không nên an ủi suông để vui lòng con trong chốc lát mà phải làm sao cho đệ tử hiểu được sự thật của những nỗi khó khăn và thay đổi tận nguồn những nỗi khó khăn ấy. Miễn sao con được an vui hạnh phúc là Thầy mãn nguyện.
Cầu cho con luôn trong sáng, hồn nhiên và trầm tĩnh giữa cuộc đời biến đổi thăng trầm.
Thầy
Con thương mến,
Đọc thư con Thầy rất xúc động. Con là người đệ tử ít được Thầy hướng dẫn nhất và bây giờ con lại ở rất xa, điều kiện thư từ thật khó khăn nên Thầy không làm gì được để chia sẻ những nỗi khổ đau của con.
“Con người” như William Faulkner đã nói “là tổng số những nỗi bất hạnh” mà mỗi người phải tự đương đầu một mình. Không ai có thể gánh vác cho ai bất cứ điều gì, vì ngay mỗi người còn chưa giải quyết được cho chính mình những bước thăng trầm mà mình phải đi qua trong cuộc đời đầy khó khăn phức tạp này. Đạo lý, tâm lý, quyền năng, sức mạnh v.v... đều vô nghĩa đối với những nỗi thống khổ của cuộc đời, của con, của Thầy và của tất cả chúng sinh. Thầy cũng là người với tất cả những nỗi bất hạnh rất người, cho nên giữa chúng ta, giữa con người, chỉ còn lại tình thương yêu, thông cảm và mở lòng chia sẻ với nhau những bước thăng trầm giữa cuộc phù sinh. Thầy gọi đó là tình người.
Con có những nỗi bận tâm băn khoăn lo tính cho bạn bè, cho những người thân yêu, và để giải quyết những vấn đề khó khăn cho những người liên hệ hay cho chính bản thân con thì con nghĩ rằng phải có kiến thức, phải biết đắn đo suy nghĩ, phải thừa tài năng, tiền của hay địa vị, nhưng con có biết không, mối bận tâm lo lắng ấy chỉ là bệnh, là bệnh trách nhiệm của thời đại! Hậu quả của nó là suy nhược, một điều không sao tránh khỏi.
Con ạ, lo âu, suy nghĩ, đắn đo, toan tính, v.v... không phải là tình người, không phải là lòng từ bi, bác ái, không đem lại hạnh phúc cho mình và người mà chỉ chồng chất thêm những nỗi bất hạnh trong cuộc đời vốn đã nhiều bất hạnh.
Thầy nói rằng chúng ta chỉ cần có tình người, nghĩa là có một tâm hồn cởi mở đủ để thương yêu, thông cảm, bao dung, tha thứ và chia vui sẻ buồn với người mà thôi, chứ không cần quá quan tâm lo toan giải quyết vấn đề cho kẻ khác. Mỗi người phải tự lo lấy vận mệnh của họ cũng như ta phải tự lo lấy đời sống của mình. Như vậy không phải là ích kỷ đâu. Ích kỷ thì làm sao có được một tấm lòng cởi mở, thương yêu. Và khi Thầy nói tự lo lấy thì cũng không nghĩa là chỉ biết có mình mà thôi, vì tự lo lấy còn hàm nghĩa tự lực, tự cường hoặc độc lập, không bị lệ thuộc và hơn thế nữa tự giải thoát mình ra khỏi ích kỷ cá nhân.
Khi con lo tính cho bạn bè, quyến thuộc, những người thân yêu hay cho chính con cũng đều là ích kỷ cả. Vì sự toan tính đó sẽ chẳng bao giờ đưa con đến cởi mở, vị tha, thương yêu và thông cảm thực sự.
Khi nào tình thương yêu thông cảm thực sự hiện hữu, khi đó chỉ có sự tươi mát, dịu dàng, khinh an, thư thái chứ không bao giờ có căng thẳng và thở ra. Căng thẳng là triệu chứng của suy nhược và thở ra là dấu hiệu của bệnh phổi hoặc bao tử. Nhà thương Mỹ chỉ có thể chữa cho con những bệnh trạng chứ không thể chữa cho con nguyên nhân của bệnh. Nhưng chữa khỏi bệnh trạng này thì lại sinh ra bệnh trạng khác và rồi rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu nếu con không biết tự chữa lấy căn nguyên của bệnh, nghĩa là tự giải thoát ra khỏi những lo âu toan tính giữa cuộc đời huyễn hóa phù du.
Con ạ, Thầy không bi quan tiêu cực khi khuyên con nên sống giản dị, thanh thản và trong sáng với lòng mình, với cuộc đời, vì cho đến khi đó con mới thấy rằng mình có đầy sinh lực và nhiệt tình để có thể thực sự tích cực yêu thương và phục vụ con người.
Kiến thức, tài năng, tiền của, sắc đẹp có thể không cần thiết là bao cho tình yêu thương và phục vụ. Trái lại, có khi nó còn là trở ngại nữa. Con hãy tưởng tượng một người tầm thường nhất, một cô giúp việc không có tài năng, kiến thức, của cải, sắc đẹp và địa vị gì ráo, nhưng nếu cô ta chất phác, thật thà, trong lành, giản dị, giàu tình yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ thì mọi người sẽ chọn cô ta hơn là chọn một triết gia, có phải thế không? Không biết Thầy có cổ hủ không khi nhận xét rằng trí thức không bằng trong sáng, tài năng không bằng chân tình, tiền của không bằng thanh bạch, sắc đẹp không bằng hiền thục, lo tính không bằng sẵn lòng v.v... Những điều trước phải vất vả mới tạo được nhưng đôi khi không giải quyết được gì mà còn tai hại nữa. Trái lại những điều sau ai cũng sẵn có, chỉ cần biết khai thác là nó trở nên phong phú ngay.
Kiến thức, tài năng bao giờ cũng chỉ là những sở đắc phiến diện, tương đối và dễ lỗi thời. Nhưng trong sáng và cởi mở (sẵn sàng thông cảm, thương yêu, tha thứ và phục vụ...) thì lại là một kho tàng vô tận sẵn có nơi con. Trong sáng là cha đẻ của mọi kiến thức và sẵn sàng là mẹ sinh của tất cả tài năng, đức hạnh. Vì vậy con không nên chạy theo những gì phù phiếm mà bỏ quên căn cội mạch nguồn.
Con ạ, theo Thầy thì trong một xã hội càng phức tạp bao nhiêu ta lại càng phải giản dị trong sáng bấy nhiêu mới có thể ứng phó kịp thời những thế sự đa đoan. Đừng trù bị cho mình quá nhiều để rồi chỉ thêm luống cuống trước những biến chuyển khó lường của cuộc sống vô thường ảo hóa. Cũng như một người sống quá tiện nghi sẽ không còn khả năng thích ứng với những biến đổi thiên nhiên nữa. Hoặc như một người đánh vợt chuẩn bị quá kỹ để không còn đỡ kịp những cú bất ngờ không sao liệu trước.
Thế rồi một người với đầy đủ khả năng, kiến thức cuối cùng thật sự chẳng làm nên việc gì cho đời và hy vọng bảo anh ta rằng: “Hãy tiếp tục! Hãy tiếp tục! Rồi anh ta đi đến nấm mồ”, đó là lời nói nổi danh của Mác de Maintenon.
Con thương mến,
Thầy viết những dòng trên chỉ với tình thương của một vị Thầy đối với người đệ tử, muốn sẻ san với con những khó khăn trong cuộc đời. Thầy không phê phán chỉ trích con đâu, Thầy trình bày thẳng thắn như vậy vì nghĩ rằng không nên an ủi suông để vui lòng con trong chốc lát mà phải làm sao cho đệ tử hiểu được sự thật của những nỗi khó khăn và thay đổi tận nguồn những nỗi khó khăn ấy. Miễn sao con được an vui hạnh phúc là Thầy mãn nguyện.
Cầu cho con luôn trong sáng, hồn nhiên và trầm tĩnh giữa cuộc đời biến đổi thăng trầm.
Thầy
Tuyển Tập Thư Thầy
Thư số 7
Tác giả: Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét