Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Niết-bàn


Con kính lễ Ngài, xin Ngài khai thị cho con:
Đức Phật có dạy, pháp hành tứ niệm xứ cuối cùng sẽ đưa đến Níp bàn. Vậy ngoài tứ niệm xứ, còn có con đường nào đưa đến Níp bàn nữa? Xin Ngài nói rõ và phân tích cho con. Con cảm ơn sư!
Trả lời: 

Dù có khác hình thức thì nội dung vẫn phải cùng nguyên lý tứ niệm xứ mới chứng ngộ Niết-bàn được.





Một

Điều gì đã khiến cho bạn xa cách với Niết Bàn?
Phải chăng vì bạn không là một tu sĩ?
Phải chăng vì bạn không ở Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản hay là Tây Tạng?
Phải chăng vì bạn không thiền định đủ? Phải chăng vì bạn là một người xấu nết?
Phải chăng vì bạn mang ác nghiệp trong một kiếp trước?
Niết Bàn có đấy. Là bạn đấy.
Hãy thức tỉnh đi.

Hai

Phải chăng Niết Bàn là cái gì mà bạn đạt được, hay Niết Bàn là bạn?
Nếu bạn có thể đạt được cái đó, thời bạn có thể mất đi cái đó.
Nếu bạn là cái đó, thời cái đó sẽ không bao giờ mất cả.

Ba

Người ta làm đủ mọi thứ để tìm kiếm Niết Bàn:
Họ thiền định, họ nguyện cầu,
Họ từ bỏ những tài sản vật chất, họ tự chế tình dục,
Họ sống trong những hang động.
Họ làm những chuyện kỳ lạ trên thân xác của họ.
Tại sao? Bởi vì họ tin tưởng rằng khi thể hiện những hành động thể chất đó thì họ sẽ tìm thấy Niết Bàn.
Nhưng những hành động đâu có tương xứng với Niết Bàn. Thể hiện một hành động để mong đạt được Niết Bàn thì cũng chẳng khác gì người tin tưởng rằng một khi họ đạt được một mục tiêu mong ước rồi thì họ sẽ không bao giờ còn ham muốn một thứ gì khác nữa. Nhưng ngay khi họ vừa đạt được điều đó, họ lại trở nên nhàm chán và tiếp tục ham muốn thứ khác kế tiếp nữa.
Hành động vật chất sẽ không đưa bạn tới Niết Bàn.
Hãy là Niết Bàn và chẳng còn cần đến một hành động ngoại lai hay kỹ thuật nào khác nữa.

Bốn

Quan niệm phải Nêu Rõ Mục Tiêu được nhiều người hưởng ứng cho đó là một yếu tố cần thiết để hưởng một cuộc sống đầy đủ.
Các tu sĩ đã coi Niết Bàn như là mục  tiêu của họ từ nhiều thế kỷ nay rồi.
Nêu rõ những mục tiêu thì tốt đẹp đấy nhưng lại tạo ra một bầu khí gò bó, không thể hoàn tất được.
Mỗi một mục tiêu, ngay cả cái mục tiêu giác ngộ, sẽ làm bạn xa với Niết Bàn.
Tại sao? Bởi vì khi bạn tin tưởng rằng bạn nên có được một cái gì đó mà hiện tại bạn không có, không cần biết cái gì đó thánh thiện thế nào chăng nữa, thời bạn sẽ chẳng chứng kiến được cái vinh hiển và sự toàn thiện của cuộc đời bạn ngay lúc này.
Hãy buông trôi các mục tiêu đi và Niết Bàn tới.

Năm

Mọi cuộc đời đều biến chuyển.
Mỗi phần tử của vũ trụ này đều chuyển động không ngừng.
Nhờ khoa học chúng ta biết được rằng mọi vật chung quanh chúng ta, từ nguyên tử bé nhỏ nhất cho tới hành tinh to lớn nhất, đều ở trong một trạng thái biến chuyển liên tục. Đa số chuyển động này mắt con người không thể nhận thấy được.
Tất cả các chuyển động này hòa hợp một cách toàn hảo. Nếu không có sự hòa hợp toàn hảo, cái nơi mà chúng ta gọi là đời sống này sẽ ngưng tồn tại ngay tức khắc.
Nếu mọi vật chuyển động hài hòa, bạn cũng phải chuyển động và tiến triển một cách tương ứng mà ta không thấy.
Vì hiểu được là Vũ Trụ chuyển động hài hòa – điều này khiến cho bạn biết ra rằng mọi thứ xảy ra đều có một nguyên nhân. Như vậy, mọi thứ xảy ra đều đã tiếp tay vào trong sự toàn thiện phát triển thêm mãi của Vũ Trụ.
Vì bạn là một phần vận chuyển trong sự trọn vẹn của vũ trụ này, mọi điều xảy ra cho bạn, dù có thương đau đến đâu chăng nữa, cũng đều theo đuổi một mục tiêu cao cả hơn và đưa tới một sự tốt lành to lớn hơn.
Niết Bàn là chuẩn nhận. Hãy bình thản, thoải mái và chiêm nghiệm cái toàn hảo của sự giác ngộ hiển lộ.

Sáu

Thông thường thời một tín đồ của một tín ngưỡng hay một giáo phái đặc biệt nào đó tin tưởng rằng những giáo điều mà họ theo đuổi là những thứ uyên thâm và thánh thiện nhất và sẽ tiếp dẫn những người thực hành giáo điều đó tới sự tự giác ngộ một cách nhanh chóng nhất.
Niết Bàn thì lại không có tín ngưỡng.

Bảy

Người ta bước vào Con Đường Đạo vì một số lý do không thể kể hết được. Một khi có khuynh hướng đó rồi họ thường tham gia vào một nhóm tôn giáo đặc biệt nào đó. Những người gia nhập vào trong một giáo phái nào đó, theo thời gian, sẽ tới lúc vượt trội lên, được kính nể, được chức vị cao và có tiếng nói uy thế trong giáo phái của họ.
Sự vượt trội, sự kính nể, chức vị cao và tiếng nói quyền uy không đưa tới giác ngộ.
Niết Bàn thì thầm lặng và không hiển lộ.

Tám

Nhiều người tin tưởng rằng Niết Bàn là được giải thoát. Tại sao bạn cần được giải thoát?
Nếu bạn được giải thoát – có chi khác biệt không?

Chín

Người ta kiếm tìm giải thoát vì họ cảm thấy trống vắng trong cuộc sống của họ. Sự trống không này có thể mang hình thức như là thiếu tình yêu, không mục đích, không thỏa nguyện và v.v...
Trong Thiền – người ta mưu cầu cái không.

Mười

Sunyata là tiếng Phạn có nghĩa là Tánh Không – một trạng thái vượt quá cái thực tại có thể lý giải được.
Sunyata được coi như là bực thang đá đưa tới Niết Bàn. Tuy nhiên khi mà Sunyata trở nên một ham muốn trong tâm khảm của kẻ cuồng tín và kẻ này hoạch định ra những phương thức để mong thành đạt nó, thì cái mục tiêu tinh thần thực sự đã bị mất rồi.
Những ham muốn và những phương thức, nói chung, làm bạn xa Niết Bàn. Bởi vì những thứ đó trói buộc bạn phải hành động, không phải là để gỡ bỏ khỏi hành động.
Hãy buông xả các ham muốn. Hãy quên đi các phương thức. Hãy theo sát Tánh Không.
Sẽ biết Niết Bàn.

Mười một

Khi người ta bước vào Đường Đạo, họ thường hay phê phán những người chưa có khuynh hướng như thế hay là theo một giáo điều khác.
Họ tin tưởng rằng bề nào họ cũng trội hơn.
Ngay khi tư tưởng đó dấy lên – cái trội hơn đã trở thành cái kém hơn.
Tất cả chúng ta như thế nào thì chúng ta đều như vậy – mỗi con người phụng sự cái mục tiêu của riêng họ trong vũ trụ.
Không đơn thuần vì bạn đang bước trên Đường Đạo mà bạn có quyền phê phán những người khác.
Tất cả mọi người đều quan trọng trong cái vở kịch vũ trụ này như bạn vậy.
Không ai hơn hay kém.
Khi mà bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu biết – xin thưa với bạn rằng bạn không hiểu gì cả.
Hãy thể nghiệm, nhưng hãy tĩnh lặng.
Biết, nhưng đừng nói chi.
Đây là bản chất thực sự của Thiền.

Mười hai

Khi người ta bước vào Đường Đạo họ thường mong cầu sự dẫn dắt của một quyền lực cao hơn. Họ thường hay tìm tới một Guru hay một vị Đạo Sư Tinh Thần để được hướng dẫn vào con đường đi tới Niết Bàn.
Nếu tất cả chúng ta đều là chúng sinh và tất cả chúng ta đều có Phật tánh. Tại sao một người lại có cái mà người khác không có?
Cái chi đã khiến cho người này vượt trội hơn người khác? Có phải chỉ đơn thuần vì họ có những đệ tử?
Có bao nhiêu người, suốt trong lịch sử, đã khoa trương là nắm được bí quyết tới Niết Bàn nhưng về sau này lại bị phát giác ra là những kẻ giả mạo?
Nếu một người nào đó khoa trương rằng họ nắm được bí quyết tới Niết Bàn – hãy bảo họ trao bí quyết đó cho bạn ngay đi.

Mười ba

Bạn có thể lắng nghe cái mà người khác đã nói về Niết Bàn.
Bạn có thể tôn thờ họ là những người hiểu biết vĩ đại. Nhưng, nếu bạn chỉ hành động như thế mà thôi, bạn chưa bước vào con đường đưa tới Giác Ngộ Bản Thân, bạn chỉ bước trên con đường của một kẻ sùng đạo.
Sự giác ngộ chỉ tới khi bạn ngưng đóng vai làm một đệ tử và khởi sự làm một người tự giác cho chính bản thân mình.

Mười  bốn

Những người truy cầu giác ngộ thường hay tìm đọc  giáo lý của các vị Thầy Xưa, tin rằng chỉ riêng các quý vị đó mới là những người giao giảng Giáo Pháp thực sự.
Các chuyện tích về sự đã hoàn tất và đạt được giác ngộ của những vị Thầy Xưa này thời rất dễ kể. Các quý vị này đâu còn trong thể xác của họ nữa.
Như thế, tiến trình hoàn tất giác ngộ của họ ta không thể nhìn thấy được.
Văn tự viết trong sách vở thì dễ nghe theo, khi bạn không hay biết các sai lầm thiếu sót của tác giả và không phải nhìn vào tận mặt quý vị đó.

Mười lăm

Bởi vì Niết Bàn là một khái niệm trừu tượng, cho nên người ta mới có thể gán ghép cho nó mọi loại tính chất siêu hình đòi hỏi để đạt tới đó.
“Sau khi đã đạt tới Niết Bàn vị thánh  nhân này có thể thực hiện những phép mầu nhiệm để kiểm soát tâm tưởng của người khác và làm thay đổi dòng chảy của con sông.”
Nếu có người nào đó có thể làm được chuyện này – thì đã sao?
Chuyện đó có làm cho thế giới thành một nơi chốn tốt đẹp hơn không?
Có phải Niết Bàn là sự thực hiện những quyền năng huyền bí hay Niết Bàn là sẽ bao trùm sự vẹn toàn chung?

Mười  sáu

Có nhiều người khoe khoang tự đắc rằng họ đã giác ngộ hoàn toàn và tuyên bố rằng họ đã vượt lên trên khỏi sự cưỡng chế của đời sống vật chất này.
Lần sau bạn gặp một người nào trong nhóm đó, hãy hắt một ly nước vào họ.
Để xem nước đầy vơi trong ly có làm cho họ bị ướt không?

Mười bảy

Khi có người hỏi Đức Phật:
“Ngài có phải là Thượng Đế hay không?” Ngài trả lời:
“Không, chỉ bình thường là một con người mà thôi.”
“Vậy thì ngài có phải là một Đạo Sư hay không?”
“Không, chỉ bình thường là một con người mà thôi.”

Mười tám

Con đường đạo không phải là một cái hàn thử biểu.
Tâm linh không thể đem đo xem có thẳng hàng như một đường kẻ hay mức cao hơn hoặc thấp hơn.
Chúng ta tất cả đều hiện hữu – mỗi người đáp ứng mục đích riêng tư của chúng ta.
Bạn càng tiến được lên cao, bạn càng sẽ nhận thức được điều này.



Mười chín

Trải qua nhiều thế kỷ thánh nhân đi trên con Đường Đạo chấp nhận thiên nhiên như là Buddha Ksetra, “Phật Giới”. Họ đã tin tưởng rằng khi sống gần gũi với thiên nhiên thời Niết Bàn gần ngay trong tầm tay rồi.
Thiên nhiên có bề ngoài  dịu dàng. Thiên nhiên đượm vẻ trầm tĩnh.
Thiên nhiên hứa hẹn an bình và thanh thản.
Vẻ đẹp thời sẵn sàng hiển lộ ra trong thiên nhiên. Thiền định cũng thực hiện dễ dàng trong thiên nhiên.
Tuy nhiên Niết Bàn vượt qua sự khơi động của thế giới vật chất. Niết Bàn không bị chi phối bởi sự an bình hay không thanh thản của môi trường cảnh vật vây quanh.
Bạn chỉ có thể giác ngộ được trong thiên nhiên hay sao? Không, sự giác ngộ thời có ở khắp mọi nơi.

Hai mươi

Sự khước từ – từ bao nhiêu ngàn năm người ta đã từ bỏ những tài sản vật chất của họ, mong cho mình được thoát khỏi sự cưỡng chế của cái thế giới vật chất để có thể thực sự bước vào con đường đạo.
Tài sản là cái gì?
Những thứ vật chất tạm thời – chúng, tương tự như đời người, chỉ có thể tồn tại trong một thời gian hạn định thôi.
Bạn có thể từ bỏ chúng nếu bạn muốn.
Nhưng từ bỏ chúng thì có làm cho bạn được thánh thiện nhiều hơn không?
Không.
Đem cho chúng đi chỉ làm bạn trở thành người đem cho mà thôi.
Niết Bàn không đạt được vì buông xả những thứ vật chất, làm như thế là chỉ trở lui lại sự tuần hoàn năng động của thế giới vật chất.
Niết Bàn đạt được không vì buông xả hay nắm giữ các tài sản vật chất.

Hai mươi mốt

Các nhu cầu của bạn là do tự ý bạn muốn hay không.
Bởi vì chúng là một sự chọn lựa, điều này có nghĩa là bạn không bị chúng ràng buộc.
Bạn có thể thay đổi các nhu cầu của bạn nếu bạn muốn.
Khi không có các nhu cầu – sẽ biết Niết Bàn là gì.

Hai mươi hai

Sung sướng đê mê không phải là Niết Bàn.
Sung sướng ngây ngất là mối cảm xúc được đẩy lên tới mức độ tối đa.
Đê mê ngây ngất khiến người ta ham muốn cái kinh nghiệm đó lại xảy ra nữa.
Cái ham muốn được ngây ngất đê mê đó đưa đến sự xa cách Niết Bàn.

Hai mươi ba

Koan là một công án (một lời phát biểu ngắn dựa vào
Thiền) thường nói đến thực tại tối hậu. Tại sao? Bởi vì nó không nói đến gì cả.
“Cái giây phút trong cảnh mộng này không có chi cần phải chăm chú dòm ngó tới.”

Hai mươi bốn

Thiền là một con đường trừu tượng tiến đến sự giải thoát.
Tuy nhiên, biết bao nhiêu là Học Thuyết Thiền đã được viết ra để hướng dẫn cá nhân phải thực hành theo đó mà đạt được tới Niết Bàn.
Mặc dù nhiều giáo lý giống nhau, nhưng nhiều giáo lý cũng khác biệt nhau.
Con đường dẫn đến Niết Bàn không giống nhau hay sao? Điều mà người này diễn tả về Niết Bàn chẳng lẽ lại không khác biệt gì với người khác hay sao?
Tại sao có những sự khác biệt như thế?
Bởi vì những kẻ đã viết ra những học thuyết đó cũng không biết gì.
Họ chỉ khai triển cái ảo tưởng về Niết Bàn – làm cho nó là một cái gì đó không thể đạt được.
Niết Bàn thời dễ dàng.
Chính việc đi theo tất cả những con đường dẫn tới Niết Bàn mới khó khăn mà thôi.

Hai mươi lăm

Người ta trở nên khó mà chứng ngộ được Niết Bàn bởi vì sự xúc cảm mãnh liệt trong cuộc sống thường ngày.
Phải đi làm nhiều việc vì phải trả bao nhiêu là giấy nợ. Phải chịu nhiều sự nhượng bộ vì các quan hệ giao thiệp.
Nếu bạn có thể tới một nơi nào khác biệt, làm một việc gì khác đi – ở một nơi mà bạn được tự do, làm cái gì mà bạn ham thích...
Được làm cái gì mà bạn muốn thời có tương tự như sự giác ngộ hay chăng?
Không, Niết Bàn có ngay nơi bạn đang ở, làm cái mà bạn đang làm.

Hai mươi sáu

Ngừng lại.
Hãy đi ra ngoài.
Hãy đi xuống con phố đông đúc nhất mà bạn biết. Hãy tha thứ.
Hãy chấp nhận.
Hãy nhìn thấy tình yêu thương ở khắp mọi nơi.
Hãy quan sát sự hoàn hảo của các thành phần luôn hòa hợp với nhau của chính cái thế giới độc nhất và thú vị này.
Thế giới này thời hoàn hảo – nếu bạn nhìn nó là hoàn hảo. Tất cả các hành động của bạn, tất cả các cảm xúc của bạn đều hoàn hảo.
Tất cả các hành động và cảm xúc của người khác cũng hoàn hảo – dù cho bạn không thích những thứ đó.
Mọi thứ đều hoàn hảo và hòa hợp tuyệt diệu với vũ trụ.
Hãy nhìn thấy sự hoàn hảo khi bạn tiếp xúc với thế giới. Chấp nhận sự hoàn hảo thời ở khắp nơi đều là Niết Bàn.

Hai mươi bảy

Người ta thường cho rằng nếu họ chỉ cần được giác ngộ thời mọi thứ trong cuộc đời họ sẽ đổi thay.
Nếu bạn đạt được Niết Bàn rồi, có gì khác biệt hay không?
Bạn sẽ không cần ăn, uống hay ngủ nữa sao? Bạn sẽ không cần một nơi để sống nữa sao?
Bạn sẽ không cần tiền bạc hay phương tiện gì để cung cấp mọi thứ cho cái thân xác của bạn nữa hay sao?
Niết Bàn tương đương với sự chuyển hóa – đúng như thế. Nhưng đời sống là đời sống – một thân xác con người là một thân xác con người.
Hãy nhớ câu Thiền cổ xưa:
“Trước khi giác ngộ – chẻ củi, sách nước. Sau khi giác ngộ – chẻ củi, sách nước.”

Hai mươi tám

Tiếng Phạn Maya được dùng để mô tả ảo tưởng.
Điều đó ghi nhận rõ ràng rằng mọi thứ trong cuộc đời, mọi sự trong cái thế giới này, là ảo ảnh – không thực sự hiện hữu. Nó chỉ đơn thuần do cái tâm mê mờ của chúng ta phóng chiếu ra mà thôi.
Nhưng, như vậy thì cuộc đời là cái gì?
Tại sao chúng ta tin tưởng rằng chúng ta hiện hữu?
Có người nói rằng điều này tạo cho chúng ta cơ hội để lại hiểu rằng chúng ta thực sự đã giác ngộ.
Nhưng tại sao còn thắc mắc nếu chúng ta đã giác ngộ rồi?
Maya chỉ dẫn thêm rằng nếu bạn không nhận thức thấy là bạn đã giác ngộ thời điều đó cũng là một ảo tưởng.
Maya là một khái niệm. Cuộc đời là cuộc đời.
Ảo tưởng tối hậu là không có ảo tưởng chi cả.
Hãy là Niết Bàn và Maya sẽ trở nên người bạn của bạn.

Hai mươi chín

Sự am hiểu là cái gì?
Có phải là một sự việc được nhiều người chứ không phải chỉ được một người thừa nhận mà thôi?
Có nhiều người đã từng thừa nhận rất nhiều thứ – tin tưởng rằng những điều đó là chân lý, nhưng chỉ sau một thời gian và sau khi đã có kinh nghiệm mới khám phá ra rằng những điều mà họ thường tin tưởng nay lại thành sai lầm.
Không phải vì người ta cho rằng một lý tưởng là xác thật mà khiến cho lý tưởng đó trở nên xác thật. Dù cho quan niệm đó được nêu ra trước đây lâu đến mấy chăng nữa.
Chân lý là cái gì mà bạn chứng nghiệm được là thật.

Ba mươi

Tất cả mọi sự nhận thức của bạn đều được quy định rõ bởi một danh sách gồm nhiều yếu tố:
văn hóa của bạn,
địa vị kinh tế của bạn,
những kinh nghiệm sẵn có của bạn,
tình trạng xúc cảm của bạn trong một lúc nào đó,
và tình hình chính trị thế giới, tạm kể một ít vậy thôi.
Nhận thức không phải là sự thật. Chúng chỉ là những nhận thức.
Sự thật vượt khỏi cái tạm thời.
Sự thật tồn tại trong địa hạt vượt ngoài lý trí.
Hãy buông xả đi và sẽ biết được chân lý.

Ba mươi mốt

Thực tại của mỗi người đều khác biệt nhau.
Dù bạn có thể đang sống trong cùng một thế giới, cùng một quốc gia, cùng một thành phố, ngay cả cùng một nhà hay cùng một phòng như một người khác – kinh nghiệm sống của họ thời khác biệt với những kinh nghiệm của bạn.
Họ đã trải qua những nếp sống dị biệt.
Họ là họ. Bạn là bạn.
Hiểu được như thế, Niết Bàn còn có giống nhau đối với từng cá nhân một hay không?
Hay là Niết Bàn được mỗi người chứng nghiệm bằng phương cách riêng của họ?


Ba mươi hai

Trong thiền định, tâm trí được huấn luyện để trở nên
nhất điểm trụ. Với sự tập trung trụ vào một điểm duy nhất thời tâm trí không còn bị loạn động. Người ta nói rằng sự nhất điểm trụ này khiến cho một cá nhân có thể vén bỏ bức màn của Maya (ảo tưởng) và chứng nghiệm Niết Bàn.
Nhất điểm trụ thật hữu ích. Nó giúp cho bạn cái khả năng tập trung sự chú ý của bạn một cách chính xác để hoàn thành những mục tiêu ở đời.
Niết Bàn không phải là một mục  tiêu trần tục.
Niết Bàn không thể xác định rõ được bằng bất cứ thứ gì trong cõi đời.

Ba mươi ba

Ngài Bồ Đề Đạt Ma, vị thầy tu Ấn Độ, người đã có công sáng lập ra dòng Thiền mới, đã du hành tới Trung Hoa để trở thành Viện Chủ của Tu Viện Thiếu Lâm thể theo lời khuyên dạy của vị thầy của ngài là Bát Nhã Đa La vào thế kỷ thứ sáu.
Người ta kể rằng ngài ngồi thiền định, quay mặt nhìn chăm chú vào một bức tường trong suốt chín năm trời.
Ngồi trước một bức tường trong chín năm trời thời có đạt được gì không – Sự giác ngộ hay sao?
Niết Bàn luôn hiện hữu đấy.
Nếu bạn muốn ngồi trước một bức tường trong chín năm để thực hiện điều này, xin cứ làm như thế đi.

 Ba mươi bốn

Bạn có thích những gì mà bạn nhìn thấy không?
Nếu bạn không thích – hãy nhìn qua chỗ khác.


Ba mươi lăm

Một người tầm đạo soi vào trong tấm gương và nói, “Không, mình không xứng đáng.”
Một thầy tu soi vào trong tấm gương và nói, “Không, mình không xứng đáng.”
Một nhà buôn thành  công, có sức hấp dẫn, trẻ tuổi, đầy tự mãn, soi vào trong tấm gương và nói, “Ta rất xứng đáng.”
Sự khác biệt ở chỗ nào?
Từ bối cảnh trần tục, người ta tin rằng họ có thể có tất cả. Từ bối cảnh tâm linh, người ta được truyền bá là phải tin tưởng rằng kinh nghiệm tâm linh là một thành tựu xa vời mà con người cần phải tìm biết thêm, học hỏi nhiều thêm nữa, làm thêm nhiều điều thiện nữa trước khi họ có thể có được cái hy vọng nhìn thoáng qua thấy cái tuyệt đối xác thực.
Niết Bàn hiện hữu ngay tại đây, Ngay Bây Giờ, còn bạn thời ở đâu thế?
Bạn đang suy tư rằng mình không xứng đáng chút gì hay chăng?

Ba mươi sáu

Tại sao những người tầm đạo giác ngộ, trải qua hang bao thế kỷ, cứ thực hiện những hành động không tự nhiên để mong nhìn thấu được nội tâm, mong đạt được trí tuệ và mong được giác ngộ?
Bởi vì để hiểu được Niết Bàn, bạn cần phải vượt ra ngoài cái thông thường của cuộc sống hàng ngày và sự suy nghĩ dựa trên lý trí. Bằng cách vượt ra ngoài cái cuộc sống hàng ngày, bạn mới thể nhập được vào một thế giới trừu tượng.
Khi bạn thuận nhận cái trừu tượng – Niết Bàn lập tức được chứng ngộ ngay.

Ba mươi bảy

Nhiều kinh nghiệm diễn tiến trong cuộc đời khiến ta phải chịu đựng phiền muộn.
Khi bạn là một đứa trẻ và nếu không ưa thích một cái gì, thường là bạn biểu lộ sự không ưng ý của bạn bằng cách khóc lóc.
Khi bạn lớn lên, bạn học được cách chế ngự tình cảm của bạn và chấp nhận những tình huống mà bạn đặc biệt không cảm thấy thoải mái: công việc làm ăn, điều kiện sinh sống, các liên hệ trong xã hội và những thứ tương tự như thế.
Nếu bạn kể những điều này với người bình thường họ chỉ đơn thuần nói với bạn rằng, “Đó là Cuộc Đời” hay “Bạn đã trưởng thành rồi mà.”
Nhưng, có phải cuộc đời là như thế hay không – chấp nhận những sự bực bội?
Nhiều người tự ép thân mình vào sự khó chịu bằng cách luyện tập trong một phòng thể dục hay ngồi thiền định trong nhiều giờ.
Đó có thật sự là con đường mang lại một thân thể mạnh khỏe và một trí óc giác ngộ hơn hay chăng?
Nếu bạn bước ra ngoài những thứ mà người ta chờ đợi nơi bạn, nếu bạn đi xa hơn những thứ mà xã hội đã hướng dẫn bạn phải làm, bạn sẽ tìm thấy một thế giới hoàn toàn khác biệt
được định rõ bởi một hệ thống quy luật hoàn toàn mới – một nơi mà ở đó không có phép tắc răn cấm.
Không quy luật = Niết Bàn.

Ba mươi tám

Đôi khi bạn được hưởng niềm hạnh phúc thật là trọn vẹn. Đôi khi bạn lại phải gánh chịu nỗi đắng cay tột cùng.
Bạn sẽ hành xử khác nhau như thế nào trong hai tình huống đối nghịch trên?

Ba mươi chín

Nguyên do nguồn cội của cái không hạnh phúc là tham dục.
Tham muốn các sự vật mà bạn ao ước. tham muốn người mà bạn khát khao, tham muốn mọi thứ được nhiều hơn nữa, hoặc giảm bớt đi, hay khác biệt với tình trạng hiện tại.
Tham dục là tham dục.
Thật là giản dị – buông trôi lòng tham dục là bạn được giải thoát.
Giải thoát rồi – có thể chứng ngộ được Niết Bàn.

Bốn mươi

Nếu bạn chuyên chú vào những cái mà trong cuộc đời bạn không có, thời bạn sẽ thấy rằng bạn liên tục thiếu thốn một thứ gì đó:
hoặc là một địa vị, tình yêu,
tiền bạc,
hay giác ngộ.
Cứ để cho cuộc đời xảy ra như nó đang diễn tiến.
Nhận thức và chấp nhận sự viên mãn trong từng giây phút. Hãy nhìn chung quanh bạn, nhìn mọi vật như là bạn chưa hề nhìn thấy chúng trước đây bao giờ.
Khi cuộc đời mới mẻ, quan niệm của bạn sẽ mới mẻ.
Niết Bàn hiện hữu khi có Niết Bàn.

Bốn mươi mốt

An lạc nội tâm là một sự lựa chọn.
Thế gian sẽ gây ra cho bạn cả triệu lý do để không còn an lạc nếu bạn cứ để cho những ngoại cảnh và các việc tác động tiêu cực chế ngự cảm xúc của bạn.
Lần tới nếu bạn tự cảm thấy buồn bực – hãy ngưng mọi việc lại.
Hãy tĩnh lặng.
Hãy để cho tâm trí nghỉ ngơi.
Đừng để cho những tình cảm nhất thời chi phối bạn. Hãy tóm bắt chúng và nhìn chúng bay đi như một con chim đẹp đẽ lướt ngang chân trời.
Hãy hiểu rằng không một ai hay bất cứ cái gì đã đưa đẩy bạn vào trạng thái không an lành này có thể chỉ huy cuộc đời của bạn.
Hãy tự cảm thấy an bình – ngay cả trong những biến cố bất an nhất thời sự giác ngộ sẽ đến với bạn.

Bốn mươi hai

Thiên nhiên thời tĩnh lặng trong cái hoàn hảo riêng của nó. Thành phố thời huyên náo với một cường độ không dứt. Bạn thời hiện hữu ở nơi bạn đang có mặt.
Hãy để cho tâm của bạn tĩnh lặng giữa cái cường độ náo nhiệt và bạn sẽ biết được Niết Bàn.

Bốn mươi ba

Nếu tất cả các vị thầy giác ngộ nói rằng việc chứng được Niết Bàn dễ dàng, vậy thời tại sao toàn thể cõi nhân gian không chứng ngộ được Niết Bàn?
Bởi vì cái khái niệm về Niết Bàn làm cho người ta không hiểu ra được tính đơn giản của nó.
Người ta đọc sách, nghe truyện, và tin tưởng rằng nhờ đó họ biết được Niết Bàn phải giống như thế nào rồi. Truyện được kể cho nghe  không phải là những kinh nghiệm đã thực chứng.
Niết Bàn không thể mô tả được.
Hãy quên đi mọi thứ mà bạn biết và bạn sẽ nhận ra Niết Bàn.

Bốn mươi bốn

Tự-Thực-Hiện không phải là Tự-Chứng-Ngộ.
Một cá nhân Tự-Thực-Hiện thường tập trung đến cách thực hiện nhu cầu của mình, tìm phương cách để đạt được những thứ đó, và tìm cách làm sao để các cá nhân tác động lẫn nhau.
Một bậc đã Tự-Chứng-Ngộ thời thấu hiểu được rằng những nhu cầu và các tác động giữa các cá nhân đối với nhau chỉ tạm bợ như kiếp người.
Như vậy, rõ ràng rằng khi mưu tìm những thứ đó thời con người đã xa cách Niết Bàn mất rồi.

Bốn mươi lăm

Tất Đạt Đa, Đức Phật Thích Ca, lần đầu tiên nhìn thấy sự nghèo khổ, sự bệnh hoạn, và sự tử vong, đã bỏ vợ và con mới sinh, bỏ cả cách sống vương giả để đi tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Ông đã du hành tại Ấn Độ trong bảy năm trời như một Sadhu (một thánh nhân lang thang), học hỏi các truyền thống tâm linh với hy vọng vén lên bức màn chân lý.
Thất bại vì không tìm ra được cái ý nghĩa tối hậu về cuộc đời ông ngồi xuống dưới một Cây Bồ Đề, ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, và thề rằng ông sẽ không đứng dậy cho tới khi ông đạt được sự giác ngộ. Ba mươi ngày sau ông chứng ngộ rồi mới đứng dậy.
Có được bao nhiêu người qua hàng nhiều thế kỷ đã thử làm như Phật đã làm – ngồi, chìm đắm vào cõi Thiền và đạt được giác ngộ? Có được bao nhiêu người đã từng ngồi nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng và ngay cả nhiều năm mà vẫn chưa đạt được sự chứng ngộ?
Con đường dẫn tới Niết Bàn đều khác biệt với mỗi cá nhân. Hãy tự hoạch định con đường riêng cho bạn.

Bốn mươi sáu

Tất Đạt Đa theo học với hai Đạo Sư đầu tiên trên con đường tầm đạo mong đạt Niết Bàn.
Arada Kalama đã dạy ông Akimcanya Ayatana, “Kinh nghiệm về hư vô.”
Udraka Ramaputra đã dạy ông Naiva Samjna Asamjna Ayatana, “Kinh nghiệm về sự vô thức có ý thức.”
Tất Đạt Đa nhận ra nhiều khiếm khuyết trong cả hai bài giáo huấn này.
Ông ngồi xuống, tự tìm ra sự giác ngộ cho riêng mình, và trở thành một vị Phật.
Sự giác ngộ của các vị thầy của ông không phải là sự giác ngộ của ông.
Sự giác ngộ của ông không phải là sự giác ngộ của các vị thầy của ông.
Sự giác ngộ của một cá nhân này
có giá trị hơn sự giác ngộ của một người khác hay không?

Bốn mươi bảy

Đức Phật không sáng tạo ra thiền định.
Ngài không tạo lập ra khái niệm về Niết Bàn.
Kinh qua những cố gắng của ngài, ngài đã thấu triệt được
Ý Thức Siêu Việt và nói về sự chứng đắc của ngài.
Mỗi cá nhân đều riêng biệt.
Không một sự chứng đắc của ai khác lại có thể là sự chứng đắc của bạn được.
Nếu bạn cố bắt chước theo sự liễu ngộ của Đức Phật, bạn cũng sẽ không tìm thấy Niết Bàn.
Niết Bàn chỉ chứng được khi bạn đích than có tác động hỗ tương với Ý Thức Vũ Trụ Luận.

Bốn mươi tám

Chữ Phật  xuất  phát từ nguồn gốc tiếng Phạn là Budh, có nghĩa là “giác ngộ.”
Trong Kinh Điển Pali Phật Giáo ghi rằng có hai mươi tám vị Phật hay vị đã giác ngộ trước Tất Đạt Đa.
Có hai mươi tám vị trước đó, sau này thời có bao nhiêu?
Sự giác ngộ luôn sẵn sàng chờ đón.

Bốn mươi chín

Đức Phật Thích Ca dạy Tứ Diệu Đế (bốn chân lý cao cả):
1. Mọi chúng sinh bị trói buộc bởi Nghiệp.
2. Nguồn gốc của khổ là tham dục.
3. Khổ có thể được giảm thiểu bằng cách đạt giác ngộ.
4. Giác ngộ có thể đạt được bằng cách thực hành theo
Bát Chánh Đạo (tám đường lối đúng đắn):
1. Chánh kiến (hiểu đúng).
2. Chánh tư duy (nghĩ đúng).
3. Chánh ngữ (nói đúng).
4. Chánh nghiệp (làm đúng).
5. Chánh mạng (mưu sinh đúng).
6. Chánh tinh tấn (nỗ lực đúng).
7. Chánh niệm (chú tâm đúng).
8. Chánh định (tập trung tư tưởng đúng).
Xin tán thành...

Năm mươi

Có bao nhiêu Phật tử đã lầm lạc khi thực hành Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo?
Có bao nhiêu Phật tử đã tự cảm thấy tội lỗi thay vì tìm thấy
Niết Bàn chỉ vì tâm trí của họ đã rời xa giới luật trong những lời giáo huấn này và họ tự cảm thấy họ không xứng đáng? Đức Phật có dạy về tham dục và tội lỗi không hay ngài chỉ dạy về con đường dẫn tới Niết Bàn?


Tìm hiểu thêm: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét