Về phương diện giới cũng có nhiều cấp độ nhận thức và thể hiện khác nhau theo thứ tự như sau: ngăn cấm > ngăn ngừa > điều học > thận trọng > tinh tế > trong lành. Người ở trình độ nào thì giữ giới theo trình độ đó cũng là điều tự nhiên.(Viên Minh)
Giới luật (sila) là cần thiết cho việc tu tập của chúng ta. Nhưng các bạn không nên bám chặt vào giới luật một cách mù quáng...Nếu giới luật được sử dụng đúng đắn, nó hổ trợ cho việc tu tập...Giới luật không phải để mang theo bên mình như một gánh nặng...
... Ở mức cao nhất - bậc thánh nhân - các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới hạnh đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này...(Ajhan Chah)
Giới Luật Tùy Theo Căn Cơ Trình Độ
Thưa Thầy cho con hỏi ạ. Người phật tử phải giữ 5 giới nhưng nếu mà phạm 1 trong 5 giới thì có còn là một phật tử không ạ ? Và bây giời con phải làm gì khi phạm giới thưa Thầy?
Trả lời:Trước hết con cần hiểu giới là gì. Ở trình độ thấp nhất giới có tác dụng ngăn cấm; trình độ thứ 2 giới có tác dụng ngăn ngừa; trình độ thứ 3 giới là điều học qua đó nhận ra hành động, nói năng đúng hay sai, thiện hay ác, nên làm hay không nên làm...; trình độ thứ 4 là sự tinh tế trong mọi hành động, nói năng, oai nghi, cử chỉ; trình độ thứ 5 là mọi biểu hiện đều trong lành (trong sạch, thanh tịnh). Vì sự tiến triển như vậy nên giới trong nhà Phật được gọi là tăng thượng giới. Xuyên suốt 5 trình độ này, thận trọng là yếu tố then chốt giúp giới tăng thượng, vì vậy có thể nói thận trọng là cốt lõi của giới. Thận trọng đưa từ giới chế định ở mức độ thấp nhất đến giới thực tánh hoàn toàn thanh tịnh. Trong quá trình này vấn đề không phải ở chỗ phạm hay không phạm, Phật tử hay không Phật tử mà là: - Có thông suốt được ý nghĩa của giới không - Có biết thế nào là sai phạm và không sai phạm không - Có nhận ra đã sai phạm điều gì và như thế nào không - Có học ra từ sai phạm đó để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi không - Có thật sự biết ăn năn hối lỗi không - Có tinh tấn để không sai phạm nữa không - Có thấy ra thực tánh thanh tịnh vượt ngoài giới chế định không. Nếu không thì dù có cố giữ mình là Phật tử, cố không phạm giới thì vẫn chỉ là giới ngoài da, không thể nào là giới tăng thượng được.
Trong tự tánh giới định tuệ (khi vô sự), giới đức là sự trong lành tuyệt đối của thân hành mà không cần bất cứ giới điều quy định nào.
Trong tùy nghi giới định tuệ (khi hữu sự) giới hạnh là sự thận trọng tinh tế một cách tự nhiên, chính xác trong mọi hoạt động thân khẩu. Như vậy, tự tánh giới (giới đức) và tùy nghi giới (giới hạnh) được biểu hiện rõ nét trong hành động duy tác, vượt khỏi tính tương đối của hành động thiện và bất thiện.
Trong tục đế, giới luật (vinaya) hay điều học (sikkhāpada) được gọi là chế định giới. Giới chế định do đức Phật tạm thời đặt ra vì lợi ích tứ chúng phàm phu để đem lại sự ổn định trong đời sống tu tập hàng ngày của họ, đồng thời làm nền móng vững chắc cho sự phát triểnthiền định (samādhi) và trí tuệ (paññā)...
...Có hai loại giới: hữu hạn và vô hạn phù hợp với hai hạng người giữ giới tương ứng:
Hạng người thiên về tinh tấn hoặc đức tin dễ dàng “y giáo phụng hành” những qui củ, mực thước đã được các bậc thầy mà họ tin cậy qui định sẵn. Họ không đủ tự tin và sáng suốt để biết mình nên làm gì và không nên làm gì, nên nếu ai đó có thể chỉ cho họ biết cách làm thế nào thì họ sẵn sàng tuân thủ vì như vậy họ cảm thấy dễ dàng hơn. Hạng người này thích hợp với giới chế định hữu hạn, tuy nhiên cũng rất dễ chấp thủ vào giới luật.
Hạng hành giả thiên về trí tuệ do thường xem xét thận trọng, quan sát rõ ràng hành động của mình, có thể tự phát hiện cái đúng, cái sai, cái xấu, cái tốt một cách tinh tế, tự nhiên trong từng hành vi cử chỉ của mình. Họ cũng tự biết làm thế nào để điều chỉnh ngay tại chỗ những khiếm khuyết mà không cần áp dụng theo một khuôn mẫu đạo đức nào có sẵn dưới dạng giới luật chế định. Hạng trí giả này thích hợp với giới vô hạn.
Trên thực tế, hạng người thiện trí thức rất ít so với hạng đức tin và tinh tấn, trong khi đó hạng đức tin và tinh tấn lại còn ít hơn rất nhiều so với hạng người buông lung, phóng túng, mê muội. Vậy luật lệ, qui tắc, mẫu mực, khuôn định v.v... là điều không thể thiếu trong xã hội loài người, nếu không cuộc đời không mấy chốc sẽ biến thành địa ngục trần gian. Đó cũng là lý do tại sao đức Phật phải chế định giới luật trong khi Ngài biết rất rõ rằng không cần bất kỳ khuôn định nào giới đức và giới hạnh vẫn có thể hoàn hảo. Trong quá khứ có nhiều vị Phật không ban hành giới điều nào vì Đại Chúng của các Ngài rất tinh tường về tự tánh giới, tùy nghi giới và giới vô hạn.
Ngày nọ, một vị tỳ kheo đến tu tập trong một ngôi chùa có vị nữ thí chủ là bậc thánh có tha tâm thông. Vị ấy e ngại không thể giữ trọn quá nhiều giới luật như vậy. Vị thí chủ có thể sẽ biết được mình có sai phạm giới điều nhỏ nhặt nào mà mình không nhớ hết thì sao. Để tháo gỡ gút mắt này, đức Phật hỏi vị tỳ kheo ấy nếu chỉ giữ một điều thôi có nhớ được không. Vị ấy phấn khởi chấp nhận. Đức Phật dạy vị ấy chỉ cần thận trọng canh chừng cái tâm thôi là được. Và chẳng bao lâu vị ấy hoàn toàn giác ngộ.
...Giới luật là nền tảng đạo đức, là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống lành. Người biết sống thận trọng, kỷ cương, tinh tế, hiền thiện, trong lành v.v... không những tự mình an lạc mà còn đem lại ổn định hạnh phúc cho người khác.
Có ba mức độ giữ giới. Đầu tiên là thọ giới từ vị thầy. Thứ đến là giữ giới và sống trong giới. Cuối cùng, ở mức cao nhất - bậc thánh nhân - các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới hạnh đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này.
Có hai trình độ thực hành giáo pháp. Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên. Giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp. Thứ đến - tích cực hơn - không liên quan đến sự thoải mái - đó là thực hành giáo pháp để tỉnh thức và giải thoát tâm mình ra khỏi mọi ràng buộc. Giải thoát tâm là cội nguồn của từ bi và trí tuệ...
AJAHN CHAH
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét